Wednesday, October 31, 2007

Mai khôi: bông hồng đẹp, viên ngọc quí

Lm. Anrê Đỗ xuân Quế, OP

Mân côi, Văn côi, Môi khôi, Mai khôi, tất cả những chữ này đều có cùng một nghĩa là những bông hồng đẹp hay viên ngọc quí, tùy theo thói quen và ý thích, mỗi người mỗi nơi dùng một kiểu. Một số người hiện nay thích dùng chữ Mai khôi, vì theo họ, chữ này vẫn giữ được nguyên nghĩa là bông hồng đẹp, viên ngọc quí mà đọc nghe lại thấy thanh nhã và mới mẻ hơn. Chuỗi Mai khôi là chuỗi gồm năm mươi chục hạt. Mỗi hạt là một kinh Kính mừng và sau mười hạt lại có thêm một hạt nữa để chỉ kinh Lạy Cha. Những kinh Kính mừng đó được coi như những bông hồng kết thành vòng hoa dâng kính Đức Mẹ. Một trăm năm mươi kinh Kính mừng là một trăm năm mươi bông hồng hay một trăm năm mươi thánh vịnh kính Đức Mẹ, vì chuỗi Mai khôi được coi như tập thánh vịnh về Đức Mẹ, cũng giống như một trăm năm mươi thánh vịnh để tôn vinh ca tụng và cầu xin cùng Chúa vậy.

Nguồn gốc chuỗi Mai khôi

Ngay từ thế kỷ XI, thời thánh Bê-na-đô, những người có lòng sùng kính Đức Mẹ vẫn đọc một chuỗi các kinh Kính mừng, vừa đọc vừa nghĩ đến những sự vui mừng của Đức Mẹ. Có thể nói đó là hình thức khởi đầu của chuỗi Mai khôi. Sau này, năm 1328 ngưòi ta tìm được một tập ghi chép các phép lạ của Đức Mẹ. Trong tập này có nói đến việc Đức Mẹ trao chuỗi Mai khôi cho thánh Đa Minh. Và từ đó trở đi, người ta cứ truyền tụng cho nhau làthánh Đa Minh đã lập ra chuỗi Mai khôi. Vì thế, trong dòng Đa Minh mới có tượng Đức Mẹ trao chuỗi Mai khôi cho thánh Đa Minh.

Thực ra, theo cha La-co-đe (Lacordaire), một tu sĩ dòng Đa Minh và một nhà giảng thuyết trứ danh tại nhà thờ Đức Bà Pa-ri (Paris) vào giữa thế kỷ XIX, thì năm 1209 ở miền Tu-lu-giơ (Toulouse), tình thế lúc bấy giờ rất nhiễu nhương: quân của quận Chúa Ray-mông (Raymond) theo bè rối An-bi-doa (Albigeois) đánh nhau với quân của quận chúa Xi-mông đờ Mông-pho (Simon de Montfort) theo công giáo. Thánh Đa Minh làm việc tông đồ ở miền Toulouse lúc bấy giờ. Người thấy rằng bao lâu chưa có hòa bình thì bấy lâu rất khó giảng giải để đưa các người theo bè rối về nẻo chính đường ngay. Vì thế, người mới cầu nguyện và xin ai nấy cầu nguyện cho hòa bình. Người được ơn soi sáng kiện toàn kinh Mai khôi đã có từ thế kỷ XIII, bằng cách cứ sau mỗi mười kinh thì dừng lại một chút, rồi thêm vào một câu hát vắn hay mấy lời lấy trong các sách Tin Mừng về cuộc đời Chúa Cứu Thế, cho thay đổi và đỡ nhàm chán. Ban đầu chỉ lấy những câu nói về các niềm vui, sau mới thêm những câu nói về các nỗi khổ và các điều mừng.

Từ thế kỷ XV trở đi, chuỗi lần hạt Mai khôi được tổ chức như chúng ta thấy ngày nay, nghĩa là chia làm ba chuỗi, mỗi chuỗi năm chục kinh suy ngắm về một số các mầu nhiệm liên quan đến các niềm vui, nỗi khổ và các điều mừng.

Hai tu sĩ dòng Đa Minh là linh mục A-lanh đờ la Rót-sơ (Alain de la Roche) người Pháp ở tỉnh Đu-ê (Douai), (sau được nâng lên hàng chân phước) năm 1470 và linh mục Gia-cóp Pơ-ren-gơ (Jacob Sprenger) người Đức ở tỉnh Kơn (Koeln) năm1475 đã lập ra các Hội Mai khôi. Từ thế kỷ XVI, các ĐGH chính thức giao cho dòng Đa Minh nhiệm vụ rao giảng về chuỗi Mai khôi và thành lập các hội Mai khôi.

Nguồn gốc lễ Mai khôi

Ngày Chúa nhật 7.10.1571, hải quân công giáo thắng hải quân Thổ nhĩ kỳ một trận thủy chiến oanh liệt ở vịnh Lơ-păng-tơ (Lepante) (giữa Co-rin-tô và Pa-trát). Tin chiến thắng được báo về Rô-ma vào Chúa nhật đầu tháng Mười, giữa lúc các hội viên Mai khôi đang rước kiệu trong thành phố. Để tạ ơn Đức Mẹ đã nghe lời cầu khẩn của các tín hữu, ĐGH Pi-ô V, ngày 5.3.1572 truyền mỗi năm phải làm một lễ kính Đức Bà chiến thắng. Ngày 1.4.1573, ĐGH Ghê-go-ri-ô đặt tên cho lễ này là lễ Mai khôi và truyền phải cử hành trong các nhà thờ và nhà nguyện của các Hội Mai khôi vào Chúa nhật đầu tháng Mười. Năm 1716, ĐGH Cơ-lê-măng (Clément) XI truyền cho toàn thể Hội thánh phải long trọng mừng lễ này. Đến năm 1913, lễ Mai khôi được ấn định vào ngày 7.10 mỗi năm.

Ý nghĩa của chuỗi Mai khôi và lễ Mai khôi

Trên đây là nguồn gốc của chuỗi Mai khôi và lễ Mai khôi, nhưng còn ý nghĩa của chuỗi và lễ thì thế nào ? Chắc hẳn ai trong chúng ta cũng thừa biết lần chuỗi Mai khôi là đề tỏ lòng kính yêu và cầu xin cùng Đức Mẹ. Chúng ta tôn vinh Đức Mẹ và nhớ lại tình thương của Chúa đối với Hội thánh qua tay Đức Mẹ, trong những hoàn cảnh gần như tuyệt vọng. Từ những sự việc hiển hách của Chúa trong các hoàn cảnh này, chúng ta càng thêm xác tín lời của thần sứ trong bài Tin Mừng lễ Đức Mẹ Mai khôi: “Vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được.”

Thiên Chúa làm được tất cả. Nhưng oái oăm thay ! Nhiều khi Chúa không biểu lộ trực tiếp và ngay tức khắc quyền năng của Người cho chúng ta thấy. Bởi thế, nhiều lúc chúng ta hoài nghi, tỏ ra chán nản vì thấy nguyện vọng của mình chưa hay không được đáp ứng và xem ra Chúa như câm lặng xa vắng.

Giữa những hoàn cảnh éo le ở đời và giữa lúc phải đắm chìm trong đêm tối của hoài nghi, thất vọng, ước gì chúng ta nhớ lại những hoàn cảnh lịch sử gắn liền với chuỗi Mai khôi và lễ Mai khôi, để giữ vững niềm tin và đốt cháy lên ngọn lửa hy vọng.

Thánh Nữ Đồng Trinh Maria

Hàn Mặc Tử

Như song lộc triều nguyên ơn phước cả,
Dâng cao dâng thần nhạc sáng hơn trăng.
Thơm tho bay cho đến cõi Thiên Đàng
Huyền diệu biến thành muôn kinh trọng thể.
Và Tổng lãnh Thiên thần quỳ lạy Mẹ
Tung hô câu đường hạ ngớp châu sạ
Hương xông lên lời ca ngợi sum hòa:
Trí miêu duệ của muôn vì rất thánh.

Maria ! Linh hồn tôi ớn lạnh!
Run như run thần tử thấy long nhan.
Run như run hơi thở chạm tơ vàng...
Nhưng lòng vẫn thấm nhuần ơn trìu mến.

Lạy Bà là Đấng tinh truyền thanh vẹn
Giàu nhân đức, giàu muôn hộc từ bi,
Cho tôi dâng lời cảm tạ phò nguy
Cơn lâm lụy vừa trải qua dưới thế.
Tôi cảm động rưng rưng hai hàng lệ:
Giòng thao thao bất tuyệt của nguồn thơ.
Bút tôi reo như châu ngọc đền vua;
Trí tôi hớp bao nhiêu là khí vị...
Và trong miệng ngậm câu ca huyền bí,
Và trong tay nắm một nạm hào quang...
Tôi no rồi ơn võ lộ hòa chan

Tấu lạy Bà, Bà rất nhiều phép lạ,
Ngọc như ý vô tri còn biết cả
Huống chi tôi là Thánh thể kết tinh
Tôi ưa nhìn Bắc Đẩu rạng bình minh,
Chiếu cùng hết khắp ba ngàn thế giới...
Sáng nhiều quá cho thanh âm vời vợi,
Thơm dường bao cho miệng lưỡi khong khen.

Hỡi Sứ Thần Thiên Chúa Gabriel,
Khi người xuống truyền tin cho Thánh Nữ,
Người có nghe xôn xao muôn tinh tú?
Người có nghe náo động cả muôn trờỉ
Người có nghe thơ mầu nhiệm ra đời
Để ca tụng, -- bằng hoa hương sáng láng
Bằng tràng hạt, bằng sao Mai chiếu rạng
Một đêm xuân là rất đỗi anh linh?
Đây rồi ! Đây rồi! Chuỗi ngọc vàng kinh.

Thơ cầu nguyện là thơ quân tử ý,
Trượng phu lời và tông đồ triết lý
Là Nguồn Trăng yêu mến Nữ Đồng Trinh,
Là Nguồn Đau chầu lụy Nữ Đồng Trinh...

Cho tôi thắp hai hàng cây bạch lạp,
Khói nghiêm trang sẽ dâng lên tràn ngập
Cả Hàn Giang, cả màu sắc thiên không
Lút trí khôn, và ám ảnh hương lòng
Cho sốt sắng, cho đê mê nguyện ước...

Tấu lạy Bà, lạy Bà đầy ơn phước,
Cho tình tôi nguyên vẹn tợ trăng rằm,
Thơ trong trắng như một khối băng tâm
Luôn luôn reo trong hồn, trong mạch máu;
Cho vỡ lở cả muôn ngàn tinh đẩu,
Cho đê mê âm nhạc và thanh hương,
Chim hay tên ngọc, đá biết tuổi vàng,
Lòng vua chúa cũng như lòng lê thứ.
Sẽ ngây ngất bởi chưng thơ đầy ứ
Nguồn thiêng liêng yêu chuộng MẸ SẦU BÌ.

Phượng Trì! Phượng Trì!
Phượng Trì! Phượng Trì!
Thơ tôi bay suốt một đời chưa thấu,
Hồn tôi bay đến bao giờ mới đậu

Buồn Thu

Hàn Mặc Tử

Ấp úng không ra được nửa lời,
Tình thu bi thiết lắm thu ơi!
Vội vàng cánh nhạn bay đi trớt.
Hiu hắt hơi may thoảng lại rồi...
Nằm gắng đã không thành mộng được,
Ngâm tràn cho đỡ lúc buồn thôi.
Ngàn trùng bóng liễu trông xanh ngắt,
Cảnh sắp về đông mắt đã vơi.

Thơ Mùa Thu

THU HUYỀN

Trời đất sang thu chuyển dạ sầu,
Ngày dài quyến luyến cảnh đêm thâu,
sông hồ cô tịch vùng biên giới,
rừng núi hoang vu chốn địa đầu.
cành lá xác xơ chiều ảm đạm,
cỏ cây nghiêng ngả dạ thương đau,
Hỡi ai gậm nhấm tháng ngày cũ,
có biết thời gian đã thay màu ?!

THU SẮC
Cả một trời thu rộn sắc màu,
tím xanh váng đỏ trắng pha nâu,
lá vàng đeo đẳng trên cành cũ,
lá xám dập dồn dưới gốc sâu.
từng cánh chim chiều khoe cánh lạ,
một bầy ngựa sớm hí giang đầu,
Hỡi ai đang đón mùa thu chết,
đợi tới thu tàn sao có nhau ?!

THU KHÔNG

Thu sang khoe sắc khắp non sông
cành lá chen vai dưới nắng hồng,
Màu áo cà sa trùm vạn vật,
oan hồn thập giới ngập không trung,
Khói sương mờ mịt hồn nhân thế,
Mây gió đẩy đưa dáng cửu trùng,
Giữa cảnh ‘sắc không’ muôn diệu vợi,
có ai lưu luyến cõi thu không ?!

vân thanh

Ludwig Feuerbach và một tình yêu lớn!

Em biết đến L. Feuerbach từ một lời đề nghị thật dễ thương: hãy ôm nhau đi, hãy hôn nhau đi, tất cả già trẻ gái trai không phân biệt… thì thế giới đại thuận hòa… Nhưng rồi cái ấn tượng ban đầu đó tồn tại trong em chẳng bao lâu, để một ngày kia nó trở thành nỗi băn khoăn, trăn trở: tình yêu đích thực hay chỉ là ảo tưởng.

Người ta nói L. Feuerbach là người đã đem đến kết thúc vinh quang cho nền triết học cổ điển Đức và triết học cổ điển. Em không rõ điều đó như thế nào, em cũng chẳng quan tâm đến một ông K. Marx nào đó đã kế thừa tư tưởng của L. Feuerbach để xây dựng nên học thuyết của mình sau này. Em chỉ quan tâm một điều về L. Feuerbach mà thôi, đó là L. Feuerbach – một nhà nhân bản: “Chân lý không phải là chủ nghĩa duy vật lẫn chủ nghĩa duy tâm, không phải sinh lý học lẫn tâm lý học, chân lý – chỉ có thuyết nhân bản.”

Nếu thời Phục Hưng, như ai đó đã từng nói, là thời đại mà “con người được sinh ra một lần nữa”, thì đến L. Feuerbach, tiếp nối tư tưởng nhân văn đó, ông đã đưa con người lên cao hơn, xa hơn nữa. Không những “con người so với tất cả những biểu hiện của sự thông tuệ thần thánh là cái kỳ diệu nhất”, như Dante đã nhận xét, mà với L. Feuerbach, con người còn vươn lên ngang tầm Thượng Đế, con người là Thượng Đế. Vì với L. Feuerbach, Thượng Đế chính là cái mà con người muốn trở thành, là nhân cách đã được thần thánh hóa…
Lý tưởng cả đời L. Feuerbach là con người và tình yêu con người. Nhưng với ông, con người chỉ là con người vật chất, chỉ là một sản phẩm tất yếu của tự nhiên, một sản phẩm đặc sắc nhất, thể hiện sự hoàn thiện nhất của tự nhiên mà thôi. Tình yêu – ông xem nó là bản chất của con người. Yêu là hiến dâng, là khắc phục sự ích kỷ. Nhân loại trưởng thành không vì thù địch nhau mà vì yêu thương nhau. Thế nhưng, chỉ với một con người, như L. Feuerbach nói, thì tình yêu của nó cũng chỉ có thể là một “tình yêu vật chất”, tình yêu con người với con người – những “sản phẩm không nhân vị” mà thôi.

Tình yêu mà L. Feuerbach cho là chân chính là một tình yêu không cần sự có mặt của Thượng Đế, tình yêu đó là tình yêu con người. Ông cho rằng, con người cứ gây tội ác rồi núp dưới bóng Chúa mà cầu nguyện, ăn năn. Hiện tượng đó cứ lặp đi lặp lại mãi. Vì vậy theo ông, tình yêu vĩnh cửu phải là tình yêu trong đó con người với con người là Thượng Đế. Do đó, tôn giáo ông muốn xây dựng là tôn giáo của tình yêu mà không có Thượng Đế, và tình yêu đó được đặt trên cơ sở là tình yêu đối với người phụ nữ. “Tình yêu đối với người đàn bà là cơ sở của tình yêu phổ quát. Ai không yêu phụ nữ, người đó không yêu con người.”

Em biết L. Feuerbach cũng hoàn toàn có lý khi khẳng định con người hẳn đã phong mình lên thành Thượng Đế khi cố gắng suy nghĩ về Người, và đương nhiên dần dần tưởng tượng hơi giống mình nhưng được lý tưởng hóa. Tuy nhiên điều đó hoàn toàn không có nghĩa là Thượng Đế chỉ là như thế, chỉ là những ước muốn và ảo tưởng của con người được phóng lên, còn tự mình, Thượng Đế không hề hiện hữu. Em không thể, cũng như mọi người không thể đưa ra được những “bằng chứng” để chứng minh về sự hiện hữu của Người theo kiểu những bằng chứng khoa học, nhưng em tin và biết rằng có những dấu chỉ để em có thể đi vào mà khám phá ra sự hiện hữu của Người. Đó không phải là những “chứng lý thời danh” dẫn đến Thượng Đế mà thánh Tô-ma A-qui-nô đã đưa ra xưa kia (ngũ đạo), hay những lý lẽ thần học cao siêu nào đó, mà bằng chính sự cảm nghiệm tâm linh ngàn đời của con người. Chúng bắt đầu từ thực tại bên trong của tâm hồn con người. Thật vậy, từ xa xưa con người tự nhiên đã có ý tưởng về Thượng Đế, và bao lâu, chưa ý thức được sự hiện diện thật của Người trong nội tâm mình, con người còn áy náy không yên. Bởi vậy mà thánh Âu-tinh từng nói: “Chúa đã tạo dựng nên con cho Chúa, nên tâm hồn chúng con vẫn còn thao thức bao lâu chưa được nghỉ ngơi trong Chúa.” Đành rằng những gì em biết vẫn không đủ để xoa dịu hết nỗi khắc khoải của mình, nhưng ít ra, nói theo Kasper thì chúng cũng là những “gợi ý có lý lẽ mời gọi ta tin”. Em tin, và vì em tin nên em biết em không phải là một sản phẩm thuần túy của vật chất, một sản phẩm hoàn thiện nhất của tự nhiên được sinh ra bởi tự nhiên, hay chỉ là một động vật cao cấp nào đó biết chế tạo và sử dụng công cụ lao động mà thôi… Em biết, em chẳng phải là một con người “tầm cỡ” như vậy, một con người, như L. Feuerbach nói, một con người chung chung như một chủng loại, một loại vật chất “đặc sắc” và “độc đáo”, mà em biết, “con người và chỉ có con người, nhờ sự hiểu biết và tình thương, được mời gọi chia sẻ sự sống của Thiên Chúa, vì con người được dựng nên theo hình ảnh Người, nên có phẩm giá là một nhân vị. Không phải sự vật mà là một con người. Con người có khả năng tự biết mình, làm chủ chính mình, tự do tự hiến và thông hiệp với những người khác”, và cũng chỉ có như vậy, tình yêu mới mang trọn vẹn ý nghĩa của nó…

Với L. Feuerbach, con người có ba đặc trưng cơ bản là: trí tuệ, ý chí và con tim (tình cảm). Nhưng những khả năng ấy con người không làm chủ được chúng, và nếu không có chúng, con người sẽ chẳng là gì cả. Chúng là những yếu tố căn bản của con người và con người không thể chiếm hữu cũng không thể tạo ra chúng. Chúng là sức mạnh tuyệt đối và thần linh. Nhưng em không hiểu nếu như vậy thì những sức mạnh đó từ đâu mà đến, nếu không phải là từ tình yêu vô biên của Thiên Chúa. Vì tự thân, vật chất không có khả năng đó, nếu có, thì vật chất đã trở thành “Sinh Vật Vĩ Đại”, trở thành Thượng Đế mất rồi!? Em chẳng bao giờ nghĩ là như thế cả, và em hiểu em là ai, con người là ai. Đó là một thụ tạo lớn lao và kỳ diệu, cao trọng hơn tất cả vạn vật, và toàn thể vạn vật này được tạo dựng nên cũng là vì con người – vì tình yêu mà thôi.

Từ tinh thần tự do – bình đẳng – bác ái của Cách Mạng Tư Sản Pháp, L. Feuerbach nêu lên tuyên ngôn: hãy thống nhất tất cả mọi người trên tinh thần nhân bản. Theo tinh thần ấy, phải xuất phát từ quan điểm: “Quy luật tối thượng và hàng đầu phải là tình yêu của con người dành cho con người. Con người là Thượng Đế của mình…” và ông cho đó là nguyên lý thực hành tối thượng, là bước ngoặt trong lịch sử loài người.

Em biết tìm đâu ra một nền tảng kiên cố và vững chắc để làm “giá đỡ” cho các giá trị nuôi sống mình, một “cái gì đó” vững chắc làm chỗ dựa cho những giá trị quan trọng đã từng thúc đẩy và giải thích cho những hành động của em? Những giá trị đã được xem là cốt cách về mặt nhân bản, luân lý và tâm linh như công bình, tôn trọng người khác, hay ý thức bổn phận… mà nhất là một “tình yêu lớn”, như L. Feuerbach đã nói, nếu em tách rời Thiên Chúa, đi ra ngoài Đức Giêsu Kitô, em biết tìm đâu?

L. Feuerbach muốn nâng cao con người và tình yêu con người. Tình yêu mà ông cho là chân chính phải gạt bỏ Thượng Đế ra bên ngoài nó. Tiếc thay, đó chỉ là một ảo tưởng sai lầm. Vì một “tình yêu lớn” như thế chỉ có thể thực hiện được trên cơ sở một “tình yêu vô biên và vĩnh cửu”, mà tình yêu đó là gì nếu chẳng phải là tình yêu xuất phát từ Thiên Chúa, người là Cha của hết mọi người, là nguồn gốc của mọi sự, là Đấng nhân hậu, yêu thương và luôn chăm sóc con cái, là người luôn mời gọi chúng ta chia sẻ sự sống của Người đó sao? Và bởi vì xuất phát từ một nguồn gốc chung, “một người Cha chung” như vậy, đồng thời lại có chung một mục đích, thì con người mới có thể tạo thành một thể thống nhất, mới có thể hoàn thành “một tình yêu lớn” như L. Feuerbach từng mơ ước. “Thật kỳ diệu khi ta ngắm nhìn nhân loại có chung một nguồn gốc nơi Thiên Chúa…, cùng có chung một bản tính, được cấu tạo như nhau và một thể xác vật chất và một linh hồn thiêng liêng, cùng có chung một mục đích trực tiếp và một sứ mệnh trong thế giới, cùng có chung một nơi cư ngụ là trái đất với những của cải, mà mọi người, do quyền tự nhiên của mình đều có quyền sử dụng để nuôi dưỡng và phát triển sự sống, cùng có chung một cùng đích siêu nhiên là chính Thiên Chúa, mà tất cả đều phải quy hướng về người, cùng có chung những phương thế để đạt tới cùng đích đó, cùng có chung ơn cứu độ mà Đức Kitô đã thực hiện cho mọi người”. Sự liên đới này đảm bảo mọi người là anh em cho dù có nhiều khác biệt phong phú giữa các con người cá nhân, các nền văn hóa, các dân tộc.

Vào một ngày kia, khi phải đối diện với những bất hạnh và khổ đau của cuộc đời, nhìn thấy thực trạng bi đát của con người hiện tại, Pascal đã từng phải thốt lên rằng: “Khi nhìn sự mù quáng và khốn cùng của con người, khi nhìn vũ trụ câm nín và con người không ánh sáng, bị bỏ rơi và như lạc lõng trong xó xỉnh của vũ trụ này, không biết ai đã đặt nó ở đấy, nó đến đó để làm gì, lúc chết nó sẽ ra sao, bất lực không sao biết được, tôi rùng mình ghê sợ như một người ngủ quên, bị lưu đày nơi hoang đảo ghê sợ và thức dậy không biết mình ở đâu, và không phương kế trốn thoát khỏi đó… Tôi thấy những người quanh tôi, cùng một bản tính như tôi, tôi hỏi xem họ có biết gì hơn tôi không, họ không nói”. Em nghĩ, với L. Feuerbach, ông biết, bởi theo ông, con người do tự nhiên tạo ra để sống và hưởng thụ, chứ không phải để đau khổ. Từ cái nhìn đó, hẳn là L. Feuerbach đã cho rằng Pascal bi quan quá. Điều đó thật chẳng sai, vì đúng là Pascal đã nhấn mạnh thái quá đến sự bất lực bi thảm của con người. Nhưng dẫu sao, với em, con người mà Pascal đề cập cũng là một con người có bản tính cao trọng hơn so với cái nhìn của L. Feuerbach, con người ấy (con người theo Pascal) vẫn luôn băn khoăn xao xuyến cho kiếp nhân sinh đầy biến động, khổ đau và luôn luôn mong muốn để tìm về một hạnh phúc đích thực vĩnh cửu. Và hạnh phúc đích thực của con người là gì nếu không phải là đạt đến “sự viên mãn của mình bằng cách tìm kiếm và yêu mến những gì là chân, là thiện”, là nhận biết Thiên Chúa và yêu mến Người. Là được chia sẻ sự sống của Người và an nghỉ trong Người – được thông phần vào bản tính Thiên Chúa và sự sống đời đời, được chìm đắm trong một tình yêu bất diệt, một tình yêu vượt trên mọi tình yêu.

Thật đáng trân trọng và đáng quý khi L. Feuerbach đề cao tình yêu tha nhân và mong muốn xây dựng một thế giới đầy yêu thương, hòa thuận dẫu tình yêu ấy mãi mãi cũng chỉ là một ảo tưởng và L. Feuerbach cũng mãi mãi chỉ là ông già tốt bụng nơi một làng quê, ngày ngày ngồi ngắm lũ trẻ vui chơi và mơ về một tình yêu lớn... nhưng L. Feuerbach đã tự đánh mất mình và làm “tan rã” đi “tình yêu lớn” ấy khi ông gạt bỏ Thiên Chúa – suối nguồn và cùng đích của tình yêu ra ngoài. Thật vậy, “khi từ chối không nhìn nhận Thiên Chúa như nguyên ủy của mình, con người cũng đã phá đổ trật tự phải có để đạt đến cùng đích tối hậu, đồng thời phá vỡ mọi hòa hợp nơi chính bản thân cũng như đối với những người khác và với mọi loài thụ tạo” (Gs 13, 1).

TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Đinh Ngọc Thạch, Đại Cương Lịch Sử Triết Học Phương Tây, Trường Đại Học Tổng Hợp Tp Hồ Chí Minh, 1993.
2. Thánh Âu tinh, Tự Thú.
3. Dominique Morin, Gọi Tên Thượng Đế, Nxb Le Cerf, 1989 (Bản dịch Việt ngữ).
4. Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo, Nxb Tp. Hồ Chí Minh, 1998.
5. L. Heahy, Con Người Và Vấn Đề Thượng Đế, Giáo Hoàng Học Viện Piô X, Đà Lạt, 1975.

Minh Thiện

Điều làm cho cuộc sống ý nghĩa hơn

Vào năm 1891, Paul Gauguin, một họa sĩ người Pháp, đã cố gắng đi tìm một đời sống tốt hơn ở Polynesia, thuộc Pháp. Nhưng chẳng bao lâu sau, ông phải đối diện với một thực tại đau đớn: lối sống buông tuồng trong quá khứ của ông đã gây ra bệnh tật và đau khổ cho chính ông và những người khác. Khi cảm thấy cái chết đang đến gần, ông vẽ một bức tranh được giới chuyên môn xem là một "sự diễn đạt cuối cùng của cảm hứng nghệ thuật". Paul Gauguin đã đặt tên bức tranh là "Chúng ta là ai? Chúng ta từ đâu đến? Chúng ta sẽ đi về đâu?” Cuốn sách The Primitve Sophiticate mô tả tác phẩm của Paul Gauguin như sau: "Bức tranh diễn tả toàn bộ hoạt động của con người, toàn thể chu kỳ đời sống, từ lúc chào đời cho đến lúc chết... Bức tranh lý giải đời người là một bí ẩn lớn."
Sau khi nhìn nhận những tiến bộ khoa học kỹ thuật của loài người, một vị chủ bút tờ The Wall Street Journal viết: “Khi nghĩ về loài người, về tình trạng tiến thoái lưỡng nan của họ, về vị thế của họ trong vũ trụ, thì chúng ta đã không tiến xa hơn thời ban đầu mới có sự sống. Chúng ta vẫn còn đang tự hỏi chúng ta là ai, tại sao chúng ta lại hiện hữu và chúng ta sẽ đi về đâu."


Đúng là một số người đã và đang để hết tâm trí vào việc chăm sóc gia đình, kiếm kế sinh nhai, du lịch hoặc theo đuổi những sở thích cá nhân khác, vì họ xem đời sống chỉ có ý nghĩa thế thôi. Albert Einstein có lần nói: "Người nào xem đời sống mình vô nghĩa, thì không những mất hạnh phúc mà còn không có khả năng để chống chọi với đời." Cùng với ý hướng ấy, một số người cố làm cho đời sống mình có ý nghĩa bằng cách theo đuổi nghệ thuật, nghiên cứu khoa học hoặc làm những việc từ thiện để góp phần ngăn chặn đau khổ cho loài người.


Những câu hỏi căn bản được đặt ra để chúng ta tìm hiểu về ý nghĩa của đau khổ trong cuộc sống là lẽ thường tình. Chẳng hạn sau khi thấy người con yêu dấu của mình qua đời vì bệnh sốt rét hoặc vì một căn bệnh nào khác, biết bao bậc cha mẹ thắc mắc: Tại sao có sự đau khổ như thế? Điều ấy có ý nghĩa gì không? Những câu hỏi tương tự cũng khiến nhiều thanh thiếu niên nam nữ bối rối khi thấy sự nghèo khổ, bệnh tật và bất công trong xã hội con người. Những cuộc chiến tàn bạo khiến người ta thường tự hỏi đâu là ý nghĩa của đời sống. Cho dù bạn chưa từng lâm vào những cảnh khốn cùng như thế, có lẽ bạn cũng đồng ý với lời của giáo sư Freeman Dyson khi ông phát biểu: "Nhiều người đồng ý khi tôi nêu lại những câu hỏi mà nhân vật Gióp trong Kinh thánh đã từng hỏi: ‘Tại sao chúng ta đau khổ?’, ‘Tại sao thế gian lại đầy bất công đến thế?’, ‘Sự đau thương và thảm kịch có mục đích gì?’"


Tìm được những lời giải đáp thỏa đáng cho những câu hỏi trên chắc chắn sẽ giúp ích rất nhiều cho con người. Một vị giáo sư đã trải qua những nỗi kinh hoàng trong trại tập trung Auschwitz đã nhận xét: “Không điều gì trên đời này có thể giúp một người chịu đựng được ngay những hoàn cảnh đen tối nhất một cách hữu hiệu cho bằng sự hiểu biết đời sống mình có một ý nghĩa.” Ông cho rằng ngay cả sức khỏe tinh thần của một người cũng gắn liền với việc đi tìm ý nghĩa của đời sống.


Bác bỏ một Đấng Tạo Hoá - tại sao?


Sách Religion and Atheism (Tôn giáo và thuyết vô thần) bình luận: khoa học càng tiến triển bao nhiêu thì dường như càng ít có chỗ cho Đức Chúa Trời bấy nhiêu. Đức Chúa Trời đã trở nên một Đấng vô gia cư.


Thật ra, khuynh hướng bác bỏ niềm tin tôn giáo cũng như Đức Chúa Trời bắt nguồn từ tư tưởng triết học của những người thiên về duy lý. Charles Darwin cho rằng "sự đào thải tự nhiên" giải thích thế giới thiên nhiên hợp lý hơn sự hiện hữu của Đấng Tạo Hóa. Sigmund Freud dạy rằng Đức Chúa Trời là một ảo tưởng. Và quan điểm "Đức Chúa Trời đã chết" kéo dài từ thời Friedrich Nietzsche (triết gia người Đức [1844-1900]) đến thời đại chúng ta. Một số triết lý Đông Phương cũng cho rằng không cần phải biết về Thượng Đế. Còn về Thần Đạo, giáo sư Tetsuo Yamaori nói rằng các thần thánh chỉ là người mà thôi.


Có lẽ những học thuyết này đã gây ra những ảnh hưởng ngay cả trên những người có niềm tin vào một Đấng Tạo Hóa từ thuở nhỏ. Một nữ sinh viên trẻ ở Châu Âu theo ngành sử học phát biểu: “Theo tôi nghĩ thì Đức Chúa Trời đã chết. Nếu Ngài thật sự hiện hữu thì thế giới sẽ không hỗn loạn như thế này: Người vô tội đang bị đói khát, nhiều loài thú vật đang đi đến chỗ tuyệt chủng (...) Khái niệm về Đấng Tạo Hóa là vô lý.” Trước những tình trạng trên, nhiều người thấy không thể hiểu tại sao một Đấng Tạo Hóa - giả sử là Ngài hiện hữu - lại không thể cải thiện tình hình thế giới.


Dù nhiều người hoài nghi sự hiện hữu của Đấng Tạo Hóa, nhưng họ có lý do chính đáng không? Bạn biết rằng có những sự kiện khoa học được công nhận là đúng, trong quá khứ, nhưng ngày nay lại được chứng minh là hoàn toàn sai lầm. Hàng mấy thế kỷ, nhiều người tin rằng Trái đất là một mặt phẳng và cả vũ trụ quay quanh trái đất, nhưng ngày nay chúng ta biết những điều đó là sai. Còn về những ý kiến khoa học sau đó thì sao? Thí dụ, triết gia David Hume (1711-1776) - một người không chấp nhận có một Đấng Tạo Hóa - đã không thể giải thích được sự cấu tạo phức tạp của sinh vật trên trái đất. Giả thuyết Darwin giải thích cách thức sự sống phát triển, nhưng không cho biết sự sống bắt đầu như thế nào hoặc nó có ý nghĩa gì đối với chúng ta.


Tuy nhiên, chúng ta phải nhìn nhận rằng sở dĩ nhiều người phủ nhận sự hiện hữu của Đấng Tạo Hóa vì họ không muốn tin. Một nhà tư bản công nghiệp Châu âu nói với một công nhân: "Dù chính Đức Chúa Trời bảo tôi phải sửa đổi lối sống, tôi vẫn không nghe. Tôi muốn sống theo ý thích riêng". Rõ ràng là một số người cảm thấy việc nhìn nhận thẩm quyền của một Đấng Tạo Hóa nghịch lại sự tự do hoặc lối sống họ thích. Họ có thể tuyên bố: "Tôi chỉ tin những gì tôi thấy, và tôi không thể thấy Đấng Tạo Hóa vô hình nào".


Ngoài việc tại sao nhiều người không nhìn nhận Đấng Tạo Hóa, những thắc mắc về đời sống và ý nghĩa của nó vẫn còn dai dẳng. Ngay sau ngày con người đổ bộ xuống mặt trăng, người ta hỏi nhà thần học Karl Barth về chiến thắng kỹ thuật này. Ông nói: “Nó không giải quyết những vấn đề khiến tôi thao thức hằng đêm. Ngày nay, loài người du hành trong không gian và tiến bộ nhanh chóng về không gian máy tính. Dù sao, những người biết suy nghĩ thấy cần có mục đích, điều làm cho đời sống họ có ý nghĩa. Chúng tôi mời tất cả những ai có đầu óc cởi mở xem xét đề tài này.” Sách Belief in God and Intellectual Honesty (Niềm tin nơi Đức Chúa Trời và sự chân thật về tri thức) lưu ý rằng đặc điểm của người có sự chân thật về tri thức là sẵn sàng xem xét cẩn thận những gì mình tin là thật và chú ý đúng mức đến những bằng chứng khác sẵn có.


Những gì vừa bàn luận, những bằng chứng sẵn có ấy có thể giúp chúng ta xét xem có một Đấng Tạo Hóa tạo ra sự sống và vũ trụ hay không? Và nếu có một Đấng Tạo Hóa thì Đấng ấy như thế nào? Đấng Tạo Hóa có cá tính liên hệ đến đời sống của chúng ta không? Xem xét điều này có thể giúp chúng ta hiểu cách nào để làm cho đời sống mình bổ ích và có ý nghĩa hơn./.

Nguyễn Tài

Vấn Đề Đau Khổ

I. Ðau khổ, một thách đố
Ðau khổ là một thực tại gắn liền với mỗi một đời người. Không ai có thể phủ nhân sự hiện diện của đau khổ trong cuộc đời này. Là người, ai cũng phải nếm trải sự khổ đau, cũng cảm nhận ít nhiều sự vấp ngã trước khổ đau, và nếu có né tránh đi chăng nữa, thì vấn đề đau khổ vẫn là một trong những vấn đề làm con người lo sợ nhất. Ðành rằng sống ở đời, ai cũng mong được hạnh phúc, cũng muốn được yên vui, vì xét cho cùng, thì cuộc đời mỗi người cũng chỉ là một cuộc hành trình đi tìm hạnh phúc mà thôi, nhưng sự thật là, dù trong cuộc sống, có những lúc con người cảm thấy hạnh phúc, cảm thấy an vui đi chăng nữa thì đó cũng chỉ là những khoảnh khắc chóng qua và bấp bênh trong cuộc hành trình dài của kiếp nhân sinh đầy hệ lụy. Và chung quy, con người vẫn không tránh khỏi khổ đau bao lâu nó còn hiện diện trên cõi đời này. (1)
Vậy phải chăng điều đó cũng đồng nghĩa với việc cái chết chính là giới hạn tột cùng của khổ đau, và cũng là cách duy nhất để chấm dứt khổ đau của con người chăng? Và phải chăng con người sinh ra là để chờ chết? (2) Nếu như vậy thì cuộc đời này thật buồn tẻ, bi quan và đáng thất vọng biết bao, và nó chẳng còn có ý nghĩa gì đối với con người nữa. Tuy nhiên, rất may là không phải tất cả mọi người đều có ý nghĩ bi quan như thế, dù không thể phủ nhận sự hiện diện của khổ đau như là "một phần tất yếu của đời người"(4). Bởi con người luôn ý thức được phẩm giá cao quý của mình. Dù mang thân phận mỏng dòn và yếu đuối, nhưng con người vẫn ngước nhìn lên trời cao, và xuyên qua đau khổ, con người vẫn hướng về những giá trị trường cửu và cùng đích bất diệt của mình.
II. Nguồn gốc của đau khổ
Con người, xét như một hữu thể tự do và có lý trí, luôn quan tâm đến thế giới xung quanh mình, luôn biết ngạc nhiên trước những sự kiện, hiện tượng xảy ra hằng ngày, và quan trọng hơn nữa, biết ngạc nhiên về chính mình! Nói như Passcal, con người chỉ là một sinh vật yếu đuối trong thế giới này, nhưng lại là một sinh vật đặc biệt vì khả năng suy tư của mình. Vì vậy, đưa ra những lý giải cho tất cả các sự kiện và biến cố trong cuộc sống là thái độ thông thường của con người. Trước vấn đề đau khổ, con người càng bị ám ảnh hơn nữa, vì hình như càng nói về nó người ta lại càng thấy bế tắc, nhưng người ta lại chẳng bao giờ im lặng cả! (4)
1. Sự sống và sự hủy diệt
Trước đây, theo truyền thống Kitô giáo, người ta tin rằng trái đất ở vị trí là trung tâm của vũ trụ. Với cái nhìn của Vật lý học hiện đại, xét về mặt địa lý, điều ấy không còn đúng nữa. Tuy nhiên ở một góc độ nào đó, điều ấy không sai. Vì quả thật cho đến lúc này, với sự hiểu biết của con người, thì trong hàng tỷ hành tinh của vũ trụ bao la, chỉ có trái đất của chúng ta là nơi có sự sống hiện diện mà thôi. Gần đây, các nhà khoa học phát hiện ra những dấu hiệu cho thấy có thể trước đây trên Sao Hỏa cũng từng có nước, điều đó cũng có nghĩa là có thể có sự sống ở đó. Tất cả vẫn chỉ là giả thiết, và nếu điều đó có thật chăng nữa thì cũng không thể phủ nhận vị trí "số một" của trái đất chúng ta - một hành tinh xanh xinh đẹp của vũ trụ. Nơi trái đất, con người có thể sống, có thể làm việc một cách thoải mái, có thể ăn uống và cảm nhận được vẻ đẹp xung quanh mình, cảm nhận và tận hưởng được những niềm vui mà giác quan, con tim và tâm trí của chúng tìm được trong thế giới. (5)
Tuy nhiên, cũng chính nơi trái đất mà con người đang sống lại luôn ẩn chưa nhiều hiểm nguy, là nguyên nhân khiến con người ta phải đau khổ. Bão lũ, động đất, hạn hán, sóng thần. vẫn xảy ra nhiều nơi lấy đi sinh mạng của hàng trăm ngàn người, gây tang tóc khắp nơi. Nếu những cơn mưa có thể đem lại nguồn nước, có thể giúp cây cối phát triển, mùa màng tốt tươi, thì cũng chính những cơn mưa có thể gây ngập úng, lũ lụt. Nếu những tia nắng có thể mang lại sự ấm áp, dễ chịu thì nó cũng có thể khiến đồng khô ruộng cháy. Dù con người có khó chịu với những điều đó thì nó vẫn không thay đổi. Thật vậy, các quy luật vật lý ấy chẳng bao giờ phụ thuộc vào ý nuốn chủ quan của con người, chúng luôn luôn như vậy dù đem lại điều tốt hay điều xấu cho con người. Con người chỉ có thể dùng trí khôn của mình mà chế ngự và sử dụng những sức mạnh thiên nhiên mù quáng ấy để phục vụ cho sự sống của mình mà thôi.
2. Sự giới hạn của kiếp người
Nếu so với vũ trụ bao la, với muôn ngàn tinh tú, với vô số loài sinh vật khác trên trái đất thì xem ra con người thật nhỏ bé và yếu đuối. Nhưng sự nhỏ bé và yếu đuối của con người không làm cho nó trở nên yếu nhược và thấp hèn. Ngược lại, từ rất lâu con người luôn ý thức được thân phận và nhân phẩm cao quý của mình. Bởi con người thừa biết rằng, mình là độc nhất và không thể thay thế chứ không đơn giản chỉ là một "động vật biết chế tạo và sử dụng công cụ lao động"(6). Với trí khôn của mình, con người muốn khám phá mọi thứ, muốn đi sâu vào mọi bí mật của cuộc đời. Thế mà trí khôn của con người cũng chỉ có thể hiểu biết ở một vài lĩnh vực nào đó, chứ không thể nào biết hết được những bí ẩn của vũ trụ này, không thể trả lời cho tất cả mọi câu hỏi do chính mình đặt ra (7). Với một trái tim rộng mở, với một tấm lòng quảng đại và với một hoài bão lớn lao, chúng ta muốn biến đổi cái thế giới này trở nên tốt đẹp hơn, mọi người sống hạnh phúc hơn. Nhưng đó cũng sẽ chỉ là giấc mơ, dù là giấc mơ đẹp và đáng trân trọng biết bao, bởi khả năng của chúng ta có hạn, và chúng ta chỉ có thể làm được một phần nào đó trong một phạm vi nhỏ bé mà thôi. Hơn nữa, cuộc đời mỗi người lại có hạn, rồi một ngày nào cũng phải chết, và cái chết sẽ mang đi của chúng ta hết thảy: ước mơ, sự khôn ngoan, lòng nhiệt thành, . Những mâu thuẫn ấy khiến con người ray rứt, khiến con người trầm tư, để khi nhìn thấy sự thật phũ phàng về sự mỏng dòn của chính mình, con người cảm thấy hoang mang, khổ đau.
3. Ðau khổ và sự tự do của con người
Tự do là một quyền cơ bản của con người và là điều cao quý nhất của con người. Một trong những điều cơ bản khiến cho con người khác với con vật chính là ở chỗ con người có tự do. Tự do là một điều cao quý và thiêng liêng, đó chính là một đặc ân lớn lao mà tạo hóa đã ban cho con người. Tự do chính là một điều kiện đảm bảo cho con người có thể sống đúng phẩm giá của mình. Không một ai có thể nói rằng mình sống hạnh phúc mà lại không cần tự do (8). Tuy nhiên, tự do cũng có thể mang lại cho con người đau khổ nếu như con người sử dụng tự do của mình một cách bừa bãi, thái quá hay nhân danh sự tự do của mình mà xâm phạm đến quyền lợi của kẻ khác (9).
Con người phải chịu trách nhiệm chính về những đau khổ của bản thân, cũng như những đau khổ mà mình gây ra cho người khác nhân danh sự tự do đó. Mỗi người trong xã hội đều có một vị trí nhất định và một vai trò nhất định, và cũng tuỳ theo đó mà có những mối quan hệ xã hội khác nhau. Và người ta phải có trách nhiệm đối với bản thân cũng như những người xung quanh cho phù hợp với vị trí và vai trò của mình. Không ai có thể nói: "Tôi là người tự do nên tôi muốn làm gì thì tôi làm" (10). Bởi tự do thực sự còn phải gắn liền với trách nhiệm trong tương quan với những người xung quanh. Quyền lợi của mỗi người phải được xây dựng trên cơ sở tôn trọng quyền lợi của người khác (11).
Bản thân sự tự do không phải là nguyên nhân gây khổ đau cho con người (12), tự do đích thực mang lại cho con người niềm vui và bình an một khi nhờ đó, tự do giúp con người trở nên chính mình khi thể hiện bản thân một cách sung mãn về mọi mặt - thân xác, trí tuệ, xã hội và tâm linh.
4. Nguyên nhân đau khổ theo quan niệm của Phật Giáo
Có thể nói một cách không quá rằng, khi nói về khổ đau thì triết lý Phật Giáo đã có lời giải thích khá cặn kẽ về vấn đề này, bởi theo Ðức Phật thì tất cả những điều Ngài dạy không khác gì hơn là giải thích về nỗi khổ và cách thức diệt trừ nó mà thôi. Một cách khái quát nhất có thể, ta thấy rằng, theo quan niệm của Phật giáo thì "đời là bể khổ". Có nhiều nỗi khổ vây quanh lấy con người, nhưng chung quy, có tám nỗi khổ cơ bản nhất gắn liền với mỗi một đời người mà Ðức Phật đã chỉ ra là : sinh là khổ; già là khổ; bệnh là khổ; chết là khổ; phải cách xa những người mình thương yêu là khổ; phải sống gần người mình không ưa là khổ; điều mình cầu mong không được là khổ; và chính thân xác này, do sự cấu tạo của "ngũ uẩn" (thế giới nội tâm, sự cảm giác, sự tri giác, hành vi của con người, ý thức hay sự phản ứng của các giác quan) là khổ.
Nguyên nhân gây ra đau khổ cho con người theo quan niệm của Phật Giáo được trình bày trong học thuyết "Thập Nhị Nhân Duyên" (mười hai nhân duyên), nhưng có thể nói, ba nguyên nhân cơ bản và trực tiếp dẫn đến sự đau khổ cho con người là do tham, sân, si (tham lam, sân hận, si mê), còn nếu như nói một cách sâu xa hơn, thì nguyên nhân cho mọi đau khổ của con người là do vô minh (sự mờ tối), tức không thấy bản chất của sự vật, không thấy được cuộc đời chỉ là dòng biến ảo vô thường, không có cái gì là thường định, là bất biến, mà tất cả chỉ là "không". Nói một cách đơn giản hơn, con người ta không thể trả lời được câu hỏi: "Tôi là ai ?", từ đó dần đến chấp ngã, bám víu vào cuộc đời, danh vọng, tranh giành quyền lợi (tham, sân, si), tạo ra những kết quả gây nên nghiệp, khiến con người cứ mãi chìm đắm trong vòng luân hồi sinh tử khổ đau.
III. Ðức Kitô và đau khổ
1. Mặc khải Kitô giáo về đau khổ: đau khổ là một huyền nhiệm
"Mắt của Ngài thật quá tinh tuyền, không thể chịu được điều gian ác. Ngài không thể nhìn xem cảnh khốn cùng, tại sao Ngài cứ đứng nhìn quân phản bội, sao Ngài lặng thinh, khi kẻ gian ác nuốt chửng người chính trực hơn mình?" (Kh 1, 13)
"Lạy Chúa, sao Chúa nỡ đứng xaNgày khốn quẫn, sao Ngài đành ẩn mặt?" (Tv 10, 1)
Những câu chất vấn như thế đã vang vọng nhiều trong Kinh thánh, và có thể nó cũng từng là những lời than vãn của người Kitô hữu khi đối diện với khổ đau. Sự thinh lặng từ Thiên Chúa lúc đó lại là một thách đố lớn đối với niềm tin của con người. Vì người ta sẽ tự hỏi rằng nếu Thiên Chúa tốt lành, quyền năng và đầy tình yêu thương, thì tại sao Ngài lại để cho những điều tồi tệ xảy ra với con người ? Ngài có thể ngăn chặn sự dữ, Ngài có thể tạo dựng một thế giới tốt đẹp hơn vì chắc chắn Ngài sẽ chẳng vui mừng gì khi thấy con người phải khổ đau. Ðiều ấy dễ dẫn đến những nghi ngờ về Thiên Chúa, và từ đó người ta có thể đi đến phủ nhận sự hiện hữu của Ngài. (13)
Một chiều hướng tích cực hơn, đó là, khi đối diện với những vấn đề mà lý trí con người không thể giải thích cặn kẽ, người ta thường cho đó là một huyền nhiệm. Ðứng trước vấn đề đau khổ, người Kitô hữu cũng không có một câu trả lời chung cuộc, và vì vậy người ta thường nại đến sự an bài và quan phòng của Thiên Chúa, cho rằng chính Thiên Chúa đã sắp đặt mọi sự, hay đó là thánh ý Chúa. Ðây không phải là một điều gì tệ hại, mà ngược lại nó còn cho thấy một đức tin mãnh liệt vào Thiên Chúa (14), nhưng vô hình trung nó đã làm cho hình ảnh của Thiên Chúa bị "biến dạng", bởi người ta sẽ không thể giải thích được những đau khổ và bất hạnh mà nhiều người vô tội phải gánh chịu do thiên tai mang lại. Bởi chắc chắn đó không phải là ý Chúa, là do Chúa làm, vì một Thiên Chúa trừng phạt, một Thiên Chúa muốn con người đau khổ như thế không phải là hình ảnh đích thực của Thiên Chúa Tình yêu mà Kinh Thánh đã Mặc khải cho con người.
Ðau khổ vẫn mãi là một huyền nhiệm. Không ai có thể đưa ra bất cứ lời giải thích nào thỏa đáng về nguồn gốc của khổ đau. Trong nỗi đau khổ của con người, Thiên Chúa luôn đưa ra một sứ điệp, một lời kêu mời, nhưng mãi mãi Kito6 giáo không bao giờ chủ trương rằng Thiên Chúa muốn cho con người gặp đau khổ hoặc đau khổ xuất phát từ Thiên Chúa. Sự an bài hay quan phòng trong Kitô giáo không có nghĩa là mọi sự, kể cả tội ác và khổ đau đều do Thiên Chúa muốn và xếp đặt. Kitô giáo hiểu ý nghĩa của sự quan phòng trong ánh sáng của cái chết và sự phục sinh của Ðức Giêsu.
2. Ðức Kitô và đau khổ
Có lẽ những ai tìm đến Ðức Giêsu và hy vọng rằng Ngài sẽ trả lời rõ ràng cho chúng ta bất cứ điều gì, đương nhiên bao gồm cả vấn đề đau khổ, thì e rằng sẽ phải thất vọng ! Thật vậy, thay vì trả lời những câu hỏi về nguồn gốc, về ý nghĩa của khổ đau, Ðức Giêsu đã hành động để chia sẻ những khổ đau của con người và lấp đấy chúng bằng sự hiện diện của mình. Ngài luôn đồng cảm với những nỗi đau của con người và chữa lành cho những ai đau khổ về cả mặt thể xác lẫn tâm hồn. Ngài luôn gần gũi những người khổ đau và hằng an ủi họ với những lời kêu gọi trìu mến, yêu thương: "Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng" (Mt 11, 28). Người luôn nhắc nhở các môn đệ phải biết chú ý, quan tâm đến những người "thấp cổ bé miệng" trrong xã hội, những đám lê dân, những kẻ đói khát, cùng đinh: "Dọc đường, anh em hãy rao giảng rằng : Nước trời đã đến gần. Anh em hãy chữa lành những người đau yếu, làm cho kẻ chết sống lại, cho người phong hủi được sạch bệnh, và khử trừ ma quỷ" (Mt 10,7). Người cũng từng tuyên bố: "Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi những người tội lỗi" (Mt 9, 13). Người cho thấy rằng tất cả những điều mà ngôn sứ Isaia loan báo xưa kia về Ðấng cứu độ nay đã thành hiện thực:
"Thần Khí Chúa ngự trên tôi,vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi,để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn.Người đã sai tôi đicông bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha,cho người mù biết họ được sáng mắt,trả lại tự do cho người bị áp bức,công bố một năm hồng ân chủa Thiên Chúa."(Lc 4, 18)
Bất cứ ai tiếp cận với Ðức Giêsu cũng cảm nhận được ở người một tình bạn tri kỷ, một người đã từng gánh chịu đau khổ hơn ta bội phần, một người thầy đã chế ngự nỗi đau riêng của mình, một vị Chúa đang mở ra cho chúng ta cánh cửa hy vọng hầu dẫn đưa chúng ta đến một thế giới tuyệt hảo.
Ðức Giêsu đã tự nguyện liên đới với những khổ đau của con người thay vì đưa ra những lý lẽ biện minh cho sự khổ đau. Là con người, Ðức Giêsu cũng không tránh khỏi có những lúc cô đơn, sợ hãi hay bị từ chối, hắt hủi, chống đối,. và cuối cùng là cái chết. Quả thật, chẳng có gì thuộc về con người mà xa lạ đối với Ðức Giêsu. Có khác chăng là Người đã tự do đón nhận tất cả những khó khăn đó với một tình yêu mãnh liệt. Người không hề lẩn trốn cho dù có sợ hãi, xao xuyến khi bị nỗi cô đơn xâm chiếm lúc đối diện với khổ đau: "Tâm hồn Thầy buồn đến chết được. Lạy Cha nếu có thể xin cho con khỏi uống chén đắng này" (Mt 26, 38 - 39), nhưng Ngài không quên sứ mệnh của mình và vẫn một lòng xin vâng theo ý Cha trên trời: "Tuy vậy, xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha" (Mt 26, 39). Chính Người cũng đã nếm trải khổ đau hơn bất cứ ai : đói khát, mệt nhọc, bị môn đồ bỏ rơi, thù địch nguyền rủa, sỉ nhục, những kẻ dửng dưng thì nhạo báng, chê cười... Trong khoảnh khắc bồn chồn và khắc khoải trước giờ chết, nỗi cô đơn tột cùng tưởng chừng như đã quá sức chịu đựng của Người, đến nỗi Người đã phải thốt lên: "Lạy Thiên Chúa, lạy Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con?" (Mt 27, 46). Nhưng rồi cuối cùng Người đã chiến thắng được nỗi sợ hãi và hoàn thành sứ mệnh của mình : "Thế là đã hoàn tất", đồng thời phó thác hoàn toàn trong tay Chúa Cha: "Lạy Cha, con xin phó thác hồn con trong tay Cha" (Lc 23, 46).
Thập giá tự nó là một điều phi lý, và chúng ta cũng có thể nói như thế với những khổ đau xảy ra trong cuộc đời này. Thế nhưng, nếu cuộc sống tiếp tục có ý nghĩa là bởi vì con người vẫn có thể đón nhận khổ đau, và xuyên qua khổ đau, con người được biến đổi, được thăng hoa để hoàn trọn nhân cách của mình và sống tình yêu thương.
3. Trưởng thành trong đau khổ
Ðối với những người vô thần, dường như đau khổ chẳng có giá trị gì. Nếu có, thì đó cũng chỉ là "những bài học kinh nghiệm" được rút ra mà thôi. Và thường thì khi đứng trước cùng một cảnh ngộ bất hạnh, những người không có đức tin coi đó là một sự phỉ báng của số phận, trái lại, người có đức tin thì coi đó như một cuộc tập dượt gian khổ để đạt đến thành công trong cuộc sống.
Thật vậy, người ta chỉ có thể chấp nhận những nghịch cảnh không thể tránh né của con người, đồng thời có thể mặc cho nó một giá tích cực khi có một lòng tin minh xác vào Thiên Chúa. Bởi nếu không, người ta sẽ rất dễ rơi vào tuyệt vọng khi đứng trước những đau khổ của chính mình, vì chẳng tìm đâu ra một ý nghĩa đối với những đau khổ trong cuộc đời mà con người phải gánh chịu. Nhất là khi con người ta phải đối diện với cái chết. May mắn thay, đối với người Kitô hữu, nhờ đức tin mở lối mà người ta có thể nhận diện được ý nghĩa đích thực và giá trị của đau khổ diễn ra nơi con người trong cuộc lữ hành tìm về cùng đích tối hậu của nhân trần. Vì bất cứ đau khổ nào của con người kết hợp với đau khổ của Ðức Kitô đều có một giá trị. Nhờ đức tin mà sự đau khổ - tuy vẫn là một sự dữ con người phải gánh chịu - đã có một giá trị cứu rỗi cho mình và cho cả người khác. Nơi Ðức Giêsu, sự đau khổ của con người đã trở thành sự khổ đau của Thiên Chúa, và nhờ mầu nhiệm Vượt qua, Người đã ban cho nó một giá trị và một ý nghĩa, một phương tiện để cứu độ con người.
Là Kitô hữu thì không có quyền thất vọng, mà cần phải nhìn thẳng vào những thực tại sâu kín nhất của cuộc đời, đồng thời cần phải lắng nghe những tiếng thì thầm yêu thương của Thiên Chúa ở ngay trong những tiếng rên siết thê lương nhất của kiếp người. Ðức cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã từng thiết tha nhắn nhủ rằng : "Trong ý thức của mỗi con người, cần phải củng cố niềm xác tín rằng có một Ai đó đang nắm giữ trong tay mình vận mệnh của một thế giới đang qua đi. Có Ai đó đang nắm giữ chìa khóa của cái chết và khoa học. Có Ai đó là Anpha và Ômêga của lịch sử con người, dù là lịch sử cá nhân hay tập thể. Nhất là phải củng cố niềm xác tín rằng Ai đó là Tình yêu. Tình yêu đã hóa thân làm người. Tình yêu đã bị đóng đinh vào thập giá và đã sống lại. Tình yêu luôn hiện diện giữa loài người ! Người là Tình yêu của hy lễ tạ ơn. Người là nguồn mạch hiệp thông không thể cạn. Người là người duy nhất mà chúng ta có thể tin tưởng trọn vẹn khi Người yêu cầu chúng ta: "Các con đừng sợ!". Vì thế, thay vì ngồi cắt nghĩa sự đau khổ, người Kitô hữu phải dấn thân chiến đấu chống lại nó, phải đặt mình vào vị trí tiên phong trong các cuộc đấu tranh vì con người. Và hãy nhìn lên Thập giá, ở đó Ðức Giêsu sẽ cho chúng ta thấy rằng chỉ có tình yêu mới có thể giúp con người vượt qua đau khổ và nhận ra ý nghĩa của cuộc đời này.
Ðau khổ giúp con người nhận ra thân phận mong manh và yếu đuối của mình. Sự cảm nhận chân thực đó khơi lên nỗi khát khao sâu thẳm nhất của con người, đó là muốn sống yêu thương và mong được yêu thương. Khát vọng yêu thương vô biên đó chỉ có thể được thỏa mãn khi con người biết tìm đến với Thiên Chúa là nguồn Tình yêu bất tận và Tuyệt đối, Ðấng luôn mong mỏi chỉa sẻ sự sống thần linh và tràn đầy hạnh phúc cho con người.
***
Chắc hẳn chẳng có một lý giải nào trọn vẹn để có thể giúp con người hiểu được ngọn nguồn của khổ đau, và cũng chẳng có một tôn giáo nào, kể cả Kitô giáo, giải đáp thích đáng cho vấn đề đau khổ. Nhưng ước gì những ai gặp khổ đau cũng biết đứng trước thập giá của Ðức Giêsu để tìm thấy trong ánh mắt của Người, nếu không phải là một lời giải đáp cho những đau khổ mà mình đang gánh chịu, thì ít nữa là một sự bình an trong tâm hồn.
Chú thích:
(1). Có lẽ vì vậy mà tác giả Thánh vịnh 39, 6- 7 đã than ngắn thở dài:"Ấy tuổi đời con, Ngài đo cho một vài gang tấcKiếp sống này, Chúa kể bằng không.Ðứng ở đời, thật con người chỉ như hơi thở,thấp thoáng trên đường tựa bóng qua điCông vất vả ngược xuôi : làn gió thoảngky cóp mà chẳng hay ai sẽ hưởng dùng"
(2). Luận đề cơ bản của M. Heidegger� diễn tả điều này như sau: "tự do để chết", điều bi tráng cao cả mặc khải cho con người rằng no� "hiện hữu để mà chết".
(3). Nhưng cái "phần tất yếu" này có cần thiết hay không (?) hay giá trị của nó đến đâu (?) lại là một chuyện khác.
(4). Con người là vậy !(?)
(5). Và có lẽ để nói lên giá trị đặc biệt ấy của trái đất, nhiều câu chuyện đã được dựng nên kể về những cuộc xâm lăng trái đất của những sinh vật ngoài hành tinh. Trong số đó, có những câu chuyện đã được dựng thành phim và rất ăn khách !
(6). Ai đó có thể ca ngợi rằng Chủ nghĩa Marx là nhân bản khi nó đặt con người ở một vị trí cao ngất, ở vị trí của kẻ làm nên lịch sử, là thực tại duy nhất của lịch sử, con người mang trong mình cái nguyên lý phát sinh chính nó, một sự sáng tạo con người bởi con người. Nhưng chắc chắn người ta không thể phủ nhận rằng con người ấy vẫn là con người trừu thượng, con người của lý thuyết, con người đơn độc và cô liêu. Con người "nghèo nàn và tù túng" ấy phủ nhận sự hiện hữu của Thiên Chúa song nó lại muốn chiếm cứ mọi thuộc tính của Người.
(7). Khi khoa học ngày càng phát triển, người ta phải thẳng thắn thừa nhận rằng chủ nghĩa Thực chứng mà A. Comte khởi xướng với mong muốn dùng khoa học để giải quyết mọi chuyện của con người chỉ là một ảo tưởng.(8). John Start Mill� cho rằng, mục tiêu của nhân loại là sự phát triển cao nhất và hài hòa nhất năng lực của con người. Và để thực hiện được điều đó cần phải có tự do - tự do được xem như một điều kiện cơ bản. Tự do được hiểu như điều kiện văn hóa cần thiết cho sự phát triển mọi khả năng của các cá nhân vì lợi ích lâu dài của� toàn xã hội.(9). Theo đức tin Kitô giáo, đó chính là tội lỗi.(10). John Locke : "Tự do là khả năng con người có thể làm bất cứ điều gì mà mình mong muốn mà không gặp bất kỳ cản trở nào"(11). Cũng theo John Start Mill, mỗi người có thể tìm thấy giới hạn tự do của mình trong tự do của người khác. Tự do xã hội là ranh giới giữa sự kiểm soát xã hội và sự độc lập của cá nhân.(12). Một số triết gia hiện sinh (như Sartre chẳng hạn) từ việc phủ nhận sự hiện hữu của Thiên Chúa, (cũng có nghĩa là phủ nhận sự khởi đầu và kết thúc) dẫn đến có cái nhìn hết sức bi thảm về tự do. Giữa một thế giới xô bồ và mất hết ý nghĩa, nơi mà mọi giá trị đều giả tạo và hết thuốc chữa, và của một tinh thần con người luôn bị "tra vấn" bởi lý trí của mình, sẽ làm cho người ta "buồn nôn", và đổ vỡ cuối cùng là không thể tránh khỏi. Vậy thì con người chỉ con mỗi quyền tự do là chối bỏ thế giới đang phủ nhận con người. Rõ ràng là : "Con người bị kết án bằng tự do", bởi con người không phải là chủ thể sáng tạo mình, nhưng nó hoàn toàn chịu trách nhiệm về mình.(13). Camus đã từng tuyên bó : "Cho tới chết tôi vẫn mãi từ chối yêu thương thế giới này, vì ở đấy những trẻ thơ vô tội đã bị đói khát, giày xéo, đọa đày."( 14). Trong Cựu ước, dân Israel thường kêu cầu Thiên Chúa khi họ gặp thử thách, gian nan và thậm chí có khi còn kêu trách Thiên Chúa nữa :"Lạy Chúa con thờ, muôn lạy ChúaNgài nỡ lòng ruồng bỏ con sao ?Dù con thảm thiết kêu gào,nhưng ơn cứu độ nơi nao xa vời !Ngày kêu Chúa, không đáp lờiÐêm van Ngài mà cũng chẳng yên".(Tv 22, 2 - 3)Tuy nhiên, trong sâu xa họ vẫn nhận thấy rằng Thiên Chúa hằng nâng đỡ, yêu thương và quan phòng họ:"Chúa là sức mạnh con nương,cứu mau, lạy Chúa, xin đừng đứng xa.Xin cứu mạng khỏi xa lưỡi kiếm,gỡ thân con thoát miệng chó rừngkhỏi nanh sư tử hãi hùngphận hèn khốn khổ thoát sừng trâu điên.

Thư mục tra cứu :1. Kinh Thánh trọn bộ Cựu Ước và Tân Ước, Nxb Tp. HCM, 1998.2. Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, Nxb Tp. HCM, 1998.3. Jacques Lacourt, Tuổi Trẻ Ðức Tin và Cuộc Sống, Nxb Lion de Juda, 1990 (Bản Tiếng Việt).4. L. Heahy, Con người và vấn đề Thượng Ðế, Giáo Hoàng Học Viện Piô X, 1975.5. R. D. Wahrheit, Những điều cần biết về niềm tin Kitô, Tài liệu Giáo Lý cho người trưởng thành.6. Minh Thiện, Thân phận con người trong Phật Giáo, Nội san NTNT số 13.


Minh Thiện (từ Tiếng Vọng Trẻ)

Sunday, October 28, 2007

Nguồn Gốc Của Kinh Mân Côi


Căn cứ vào các nguồn tài liệu đáng tin nhất, một của Á Thánh Alan de la Roch, trong cuốn "De Dignitate Psalteri", và một của Thánh Louis Marie Grignion de Monfort, tron cuốn "Bí Mật Kinh Mân Côi", thì chính Đức Mẹ đã ban Kinh Mân Côi và dạy Kinh Mân Côi cho thánh Đaminh. Đức Thánh Cha Gregory XII cũng cho rằng: "Kinh Mân Côi được chính Thánh Đaminh thiết lập để làm nguôi cơn giận của Thiên Chúa và để cầu xin Rất Thánh Trinh Nữ bầu cử." Vào thế kỷ 11 và 12, tại tỉnh Albi thuộc miền nam nước Pháp, có một lạc thuyết do bè rối Albigensê chủ trương là nhị nguyên. Thuyết này cho rằng Chúa Giêsu là một tạo vật được thần sai đến để giải thoát linh hồn con người bị giam cầm trong thể xác. Theo thuyết nhị nguyên thì Linh hồn con người cũng được thần lành dựng nên và xác thịt được thần đữ dựng nên để giam cầm Linh hồn. Sau bao nhiêu nỗ lực mà vẫn thảm bại để chinh phục bè Albigensê rối này, thánh Đaminh rút vào một khu rừng gần thành phố Toulouse nức Pháp để cầu nguyện. Trong thời gian này Thánh nhân khóc lóc, ăn chay và phạt xác mong làm nguôi cơn giận của Chúa. Ngài đã thực hành việc khổ hạnh thân xác cho đến nỗi bị ngất lịm đi. Chính lúc đó Đức Mẹ cùng ba Thiên Thần theo hầu đã hiện ra với Thánh Nhân mà nói: Đaminh yêu dấu, con có biết Ba Ngôi Thiên Chúa Chí Thánh muốn dùng khí giới nào để canh tân thế giới không?
Thánh Đaminh đáp: Ôi lạy Mẹ, Mẹ biết rõ hơn con, vì ngay sau Chúa Giêsu, Con Mẹ, Mẹ luôn là khí cụ chính yếu cho phần rỗi cùa chúng con.
Bấy giờ Đức Mẹ nói: Mẹ muốn cho con biết rằng, trong loại trận chiến này, khí giới cần phải dùng bao giờ cũng là Thánh Vịnh Thiên Thần, viên đá nền tảng cùa Tân Ước. Do đó, nếu con muốn giảng dạy cho các linh hồn cứng lòng và đem họ về với Chúa, con hãy rao giảng Thánh Vịnh này của Mẹ.
Từ đó, thánh Đaminh đã là sứ giả của Đức Mẹ và là tông đồ tiên khởi truyền bá Kinh Mân Côi từ năm 1214. Cho dù chúng ta không biết chắc có thật Đức Mẹ đã ban và dạy thánh Đaminh Kinh Mân Côi hay không, song chúng ta cũng có thể tin được sự kiện này thậy đã xảy ra. Ở nơi, chính Đức Mẹ trong hai lần hiện ra tại Lộ Đức năm 1858 và Fatima năm 1917 đã cầm trong tay tràng hạt Mân Côi, như để xác nhận là chính Mẹ đã ban Kinh Mân Côi và dạy lần hạt Mân Côi, một kinh mà Đức Thánh Cha Phaolô VI đã viết trong Thông Điệp "Trong Tháng Năm (Mense Maio)" rằng: "Rất đẹp lòng Đức Mẹ và được Đức Giáo Hoàng khuyến giục nhiều nhất". Lần hiện ra tại Lộ Đức Mẹ đã lần hạt Mân Côi với chị Thánh Bernadette bằng việc dùng ngón tay đưa từng hột chuỗi theo mỗi Kinh Kính Mừng chị đọc. Sau mỗi chục kinh thì Mẹ đọc chung với chị Kinh Sáng Danh. Trong cả sáu lần hiện ra tại Fatima với ba em thiếu nhi Lucia, Phanxicô và Giaxinta, Đức Mẹ đã kêu gọi các em hãy lần hạt Mân Côi hằng ngày. Trong lần hiện ra cuối cùng Mẹ đã tự xưng "Ta là Đức Mẹ Mân Côi”. Trong lần hiện ra thứ ba, Đức Mẹ đã xin các em thêm vào sau mỗi chục kinh lời nguyện: "Ôi Chúa Giêsu của chúng con, xin tha thứ cho chúng con, xin cứu chúng con khỏi lửa hỏa ngục. Xin dẩn đưa các linh hồn lên Thiên Đàng, nhất là những linh hồn cần hơn hết." Trong bài giảng tại Fatima ngày 13/5/1982, Đức Thánh Cha Gioan-Phaolô II đã nói về Kinh Mân Côi đối với Đức Mẹ như sau: "Lời kêu gọi thống hối bao giờ cũng được gắn liền với cầu nguyện. Hợp với truyền thống của bao thế kỷ, Đức Mẹ của sứ điệp này đã đề cập đến Kinh Mân Côi, một kinh có thể được khẳng định là Kinh của Mẹ Maria, một kinh mà Mẹ đặc biệt cảm thấy gắn liền với chúng ta." Thực ra, theo cuốn Ciudad de Dios của đáng kính Maria D'Agreda viết trong thế kỷ 17 về cuộc đời của Đức Mẹ, như được Đức Mẹ tỏ cho biết, thì Kinh Mân Côi được bắt đầu nhen nhúm từ lúc Đức Mẹ tạ thế, qua lời xướng hoạ của các Thiên Thần từ trời xuống.


Xướng: Kính Mừng Maria đầy ơn phúc, Thiên Chúa ở cùng Trinh Nữ.
Đáp: Một Trinh Nữ trước khi sinh Con, đang khi sinh Con và sau khi sinh Con.

Thế là từ đó người ta bắt đầu bắt chước lời xướng họa này cho đến khi Đức Mẹ truyền dậy Kinh Mân Côi cho Thánh Đaminh. Năm 1569, Thánh Giáo Hoàng Piô V đã chính thức công nhận Kinh Mân Côi với kết cấu của kinh như hiện dụng, sau khi thêm lời nguyện "Thánh Maria, Đức Mẹ Chúa Trời, cầu cho chúng con là kẻ chó tội, khi nay và trong giờ lâm tử Amen” vào phần cuối của kinh Kính Mừng, và kinh Sáng Danh vào sau mỗi chục kinh.

CHUỖI NGỌC VÀNG KINH

Ave Maria
Như song lộc triều nguyên ơn phước cả
Dâng cao dâng, thần nhạc sáng hơn trăng
Thơm tho bay cho đến cõi thiên đàng
Huyền diệu biến thành muôn kính trọng thể.

Bạn thân mến, đó là tứ thơ tuyệt mỹ dẫn vào bài AVE MARIA bất hủ của Hàn Mặc Tử khi thi sĩ chiêm ngắm kinh Mân Côi, một lời kinh có chỗ đứng chiếm hàng thứ nhất trong lòng tín hữu và đứng thứ hai sau kinh Lạy Cha, xét về mặt giáo lý, thần học.
Lịch sử của Lễ Mân Côi được đóng ấn bằng ngày 1-10-1571. Khi ấy, sau đỉnh điểm của cơn sốt sợ hãi, cả Châu Âu Kitô giáo thở phào nhẹ nhõm, hết sức mừng vui vì được bình an, tai qua nạn khỏi. Một Châu Âu của quyền lực, của ngạo mạn, của vinh hoa phú quý đã phải run rẩy và tưởng chừng như bị nuốt trửng bởi đạo quân dũng mãnh của Hồi giáo. Thế nhưng chiến thắng lại ưu ái thuộc về đạo quân ô hợp Công Giáo, sau khi toàn thể tín hữu hưởng ứng lời kêu gọi của Đức Thánh Cha Pio 5, sốt sắng đọc kinh Mân Côi xin ơn bình an. Để ghi nhớ và tỏ lòng tri ân Đức Mẹ, Đức Thánh Cha Pio 5 đã lập lễ này vào ngày 1-10-1572.
1. Sức mạnh của lời kinh đơn sơ: làm chơi ăn thật
Chiến thắng của người Công Giáo Châu Âu năm 1571 là một sự can thiệp tỏ tường của Mẹ Maria và cho thấy sức mạnh của lời kinh Mân Côi, một lời kinh hết sức đơn sơ, chan chứa tình yêu. Trong cuộc sống, nếu có một công việc làm chơi ăn thật nào chắc chắn người ta sẽ dành giựt nhau, hầu có thể ngẩng cao đầu nghêu ngao "ngày nào trúng mánh ngày đó huy hoàng ngày nào thất mánh ngày đó điêu tàn"! Thế nhưng nhiều người trẻ không thích đọc kinh Mân Côi chỉ vì kinh này đơn giản quá! Làm như thế là tự chúng ta chối từ một phương tiện nhẹ nhàng và hữu hiệu để nên thánh.
Đầu thế kỷ XII khi bè rối Albigense nổi lên làm điêu đứng dân nước Pháp. Đức Mẹ đã hiện ra với thánh Đaminh, dạy ngài cách đọc kinh Mân côi và truyền cho Ngài rao giảng như một phương thuốc linh nghiệm ngăn ngừa tội lỗi và sự lầm lạc. Nơi khác Mẹ phán dạy chân phước Alanô: "Bất cứ ai trung thành đọc kinh mân côi và suy ngắm những Mầu nhiệm sẽ được ân thưởng". Tại Lộ Đức Mẹ hiện ra với tràng chuỗi và đọc kinh Mân côi với Bernadetta. Tại Fatima cũng vậy: "Các con hãy siêng năng lần chuỗi Mân Côi". Và như chúng ta đã đề cập lúc đầu, chính kinh Mân Côi đã cứu Châu Âu thoát hiểm họa. Tôi cũng tin rằng, rất nhiều người trong chúng ta đây được ơn trở lại hoặc gia đình được bình an nhờ sức mạnh của kinh Mân côi. Như thế, ta thấy kinh Mân côi rất đơn sơ mà linh nghiệm. Đúng là làm chơi mà ăn thật vậy.

2. Phương cách thực hiện
Kinh Mân Côi là tiếng trẻ thơ gọi "mẹ ơi", và chỉ vì hai tiếng ngọt ngào đó mà người mẹ có thể làm bất cứ điều gì cho con cái mình. Do vậy xin hãy đọc kinh kính mừng cách khoan thai, đừng đọc cho xong, cho nhiều. Mẹ Têrêxa Calcuta rất siêng lần chuỗi nhưng cho biết: tôi chẳng bao giờ đếm cả. Tâm trí mẹ Têrêxa dành trọn cả vào việc suy niệm các mầu nhiệm thánh kinh. Đọc mà không suy niệm sẽ trở thành lải nhải, điều mà Chúa Giêsu đã khuyên các môn đệ phải tránh. Cũng không nên bắt Mẹ xài điện thoại di động hay chơi xổ số. Xin đừng ngạc nhiên khi nghe điều này, vì đã từng có người ra tới Lavang rồi mở điện thoại di dộng để trên bàn thờ cho người quen ở nhà, Sài Gòn chẳng hạn, để xin ơn! Cũng có cặp vợ chồng lặn lội đến trung tâm hành hương với hai tờ vé số trên tay! Hãy nhớ rằng Mẹ Maria là thôn nữ, một người mẹ quê, do vậy chỉ cần hai tiếng "mẹ ơi" là đủ rồi, mẹ hiểu rồi.
3 Mục đích của kinh Mân Côi:
Cải thiện đời sống, siêng năng cầu nguyện và hãm mình đền tội, đó là nội dung của sứ điệp Fatima. Ở đây tôi chỉ đưa ra vài trường hợp điển hình về tội thời nay để chúng ta ý thức hơn mà sám hối và cầu nguyện cho thế giới. Hẳn có người còn nhớ câu chuyện tướng về hưu của Trần Huy Thiệp? Câu chuyện xoay quanh lối sống của một bác sĩ, con dâu của một vị tướng về hưu. Gia đình cô này khá giả không phải vì nghề y nhưng là nghề nuôi chó Bergie. Cuối cùng người ta mới khám phá ra rằng cô này hàng ngày đem cả một phích các bào thai bị phá về để làm thức ăn cho chó. Hơn nữa, ở khắp nơi trên thế giới đâu đâu cũng có chém giết nhau, cũng có khủng bố. Ngoài chuyện chém giết thoải mái, chuyện kinh doanh thân xác phụ nữ, các cô gái Việt Nam chen chúc nhau đứng sắp hàng dài để cho người nuớc ngoài chọn làm vợ. Sống trong một thế giới như thế, sao chúng ta không dùng Mân Côi như một vũ khí lợi hại để đền bù tội lỗi như Mẹ Maria đã dạy? Sứ điệp Fatima vẫn còn là lời mời gọi da diết của người Mẹ đối với con cái: Hãy siêng năng cầu nguyện, cải thiện đời sống, hãm mình đền tội và lần chuỗi Mân Côi.
Nói gần nói xa, chẳng qua nói thật, chia sẻ với các bạn ba điều trên (sức mạnh, mục đích và cách thực hiện kinh Mân Côi) chính là để ta ý thức tội lỗi nhân loại, đồng thời mời gọi mỗi người hãy canh tân đền tội bằng kinh Mân Côi với lòng yêu mến Đức Mẹ. Nếu ai thấy kinh Kính Mừng quá tầm thường, thì xin được nhắc lại lời tớ gái của quan Naaman người Syria trong câu chuyện ông được tiên tri Eliseo chữa phong hủi: tưởng tiên tri nói điều chi khó làm, chứ như xuống sông Giordan tắm 7 lần mà hết phong thì sao ngài không thực hiện? Ông đã tắm và da ông trở nên mịn màng như da con trẻ. Tương tự như thế, tưởng điều chi khó lắm chứ dễ như kinh Kính mừng, tại sao chúng ta không đọc hàng ngày…? Xin dành những câu hỏi này lại để mỗi người suy nghĩ, rồi một lúc nào đó diện đối diện, lòng kề lòng trả lời trước Mẹ.
Cuối cùng xin mượn tiếp những lời thơ của bài Ave Maria trên để kết thúc những chia sẻ này :
Đây rồi, đây rồi, chuỗi ngọc vàng kinh
Thơ cầu nguyện là thơ quên tử ý
Trượng phu lời và Tông đồ triết lý
Là nguồn trăng yêu mến Nữ Đồng Trinh
Là nguồn đau chầu lạy Nữ Đồng Trinh .

Lm Nguyễn Đức Thắng, Tòa Giám Mục Long Xuyên

Monday, October 1, 2007

Tràng Chuỗi Trên Tay Nhà Khoa Học

Bạn thân mến,

Trên một chuyến xe lửa về Paris, một người sinh viên ngồi cạnh một cụ già. Chỉ vài phút sau khi đoàn tàu chuyển bánh, cụ già rút trong từ túi ra một cỗ tràng hạt và từ từ chìm đắm trong lời cầu kinh. Người sinh viên quan sát cử chỉ của cụ già, vẻ bực bội hiện rõ trên gương mặt anh. Một lúc sau xem chừng không còn đủ kiên nhẫn, anh lên tiếng tấn công cụ già:
- Thưa ông, ông vẫn còn tin vào những chuyện nhảm nhí ấy à ?
Cụ già khẳn nhiên trả lời:
- Ðúng vậy, tôi vẫn tin. Còn cậu, cậu không tin sao ?

Người thanh niên cười ngạo mạm và qủa quyết:
- Lúc nhỏ tôi có tin, nhưng bây giờ làm sao tôi có thể tin vào những chuyện ấy được? Khoa học đã thật sự mở mắt cho tôi. Ông cứ tin tôi đi. Hãy quăng cái tràng chuỗi này và học hỏi những khám phá mới. Ông sẽ thấy rằng, những gì ông tin từ trước tới này đều là chuyện mê tín dị đoan.

Cụ già nhỏ nhẹ hỏi người sinh viên:
- Cậu vừa nói về những khám phá mới của khoa học, cậu có cách nào giúp tôi hiểu được điều này không?

Người sinh viên hăng hái đề nghị:
- Ông cứ cho địa chỉ, tôi sẽ gởi đến cho ông một quyển sách. Ông sẽ say mê đi vào thế giới phong phú của khoa học.

Cụ già từ từ lấy trong túi áo ra một tấm danh thiếp và trao cho người sinh viên. Liếc qua tấm danh thiếp, người sinh viên xấu hổ đến tái mặt và lặng lẽ bỏ sang toa khác, bởi vì trên tấm danh thiếp có ghi: “Louis Pasteur, viện nghiên cứu khoa học Paris”.

Tràng chuỗi trên tay, có lẽ đó là hình ảnh cao đẹp nhất mà người ta có thể tìm thấy nơi một con người. Trong các thứ học, thì học làm người là môn học người ta chẳng bao giờ thôi học. Và trong môn học làm người, khiêm tốn là điều quan trọng nhất. Trao cho chúng ta tràng chuỗi Mân Côi, Mẹ Maria nhắc nhở chúng ta hãy đến học với Chúa Giêsu Ðấng hiền lành và khiêm nhượng trong lòng.

Lạy Mẹ Maria, với tràng chuỗi trên tay xin cho chúng con quyết tâm noi ngương Mẹ, sống khiêm tốn và phó thác, để mỗi ngày một nên giống Giêsu con Mẹ.

Lẽ Sống 4.