Saturday, May 30, 2009

Bước đi trong Thần Khí (Galata 5,16)

Bài giảng của Đức cha Nguyễn văn Khảm ngày lễ phong chức giám mục cho Đức cha Vinh Sơn Nguyễn Văn Bản tại Nhà thờ Chính tòa Giáo phận Ban Mê Thuột ngày 12.5.2009


“Thần Khí Chúa ngự trên tôi vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi,
để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn.
Người đã sai tôi đi
công bố cho kẻ giam cầm biết họ được tha,
cho người mù biết họ được sáng mắt,
trả lại tự do cho người bị áp bức,
công bố năm hồng ân của Chúa.”


Giêsu đã dõng dạc đọc những lời này trong hội đường Nagiarét và sau đó, Người công bố: “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe” (Lc 4,18-21).

Thế nhưng tôi tự hỏi, có thực sự là lời Kinh Thánh đã được ứng nghiệm? Có thực sự là mọi người mù được sáng mắt? Dĩ nhiên không thể phủ nhận rằng Chúa Giêsu đã chữa lành một vài người mù như Phúc Âm kể lại, nhưng chẳng nhẽ trên cả đất nước Israel lúc ấy, chỉ có vài người mù đó thôi sao? Còn cả trăm cả ngàn người mù khác nữa, liệu họ có được sáng mắt không? Mà nếu chưa được thì sao có thể gọi là ứng nghiệm?

Thế rồi, có thực sự là mọi kẻ giam cầm đều được tha và mọi kẻ bị áp bức đều được trả lại tự do? Ngay cả Gioan Tẩy giả, người thân của Chúa Giêsu, lúc ấy đang ngồi tù, cũng đã phải sai các môn đệ đến hỏi Chúa Giêsu: “Thưa Thầy, Thầy có thật là Đấng phải đến hay chúng tôi còn phải đợi ai khác?” (Mt 11,2-3). Nghe trong câu hỏi có nỗi nghi ngờ, nghi ngờ vì đợi mãi vẫn không được tha, nghi ngờ vì chờ hoài vẫn không thấy tự do! Đã thế, liệu có thể nói là lời Kinh Thánh đã ứng nghiệm không?

Đi xa hơn nữa đến cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu, khi chính Người bị bắt, bị giam cầm, bị áp bức… liệu chính Người có khả năng thoát khỏi xiềng xích ngục tù, khỏi bàn tay áp bức chăng? Các sách Tin Mừng kể lại rằng Chúa Giêsu đã bị đánh đập dã man, bị vác khổ giá và cuối cùng bị đóng đinh trên thập giá. Đến chính bản thân Chúa Giêsu cũng không thoát khỏi ngục tù thì lấy đâu ra tự do để ban tặng cho các tù nhân? Đến chính Chúa Giêsu cũng bị áp bức thì lấy đâu ra sức mạnh để giải thoát những người bị áp bức?

Nêu lên những vấn nạn như thế không nhằm khước từ lời khẳng định của Chúa Giêsu, “Hôm nay ứng nghiệm lời Kinh Thánh anh chị em vừa nghe”, nhưng là để đọc lại những lời này trong một ánh sáng mới.

Mù loà không chỉ đơn thuần là khuyết tật thể lý nhưng có thể còn là khuyết tật tri thức, tâm lý và tâm linh. Có những khi ta nhìn một sự kiện, một biến cố mà không rõ ngọn nguồn sự việc vì thiếu hiểu biết, nghĩa là mù loà về mặt tri thức. Có những khi ta mở mắt thật to để nhìn mà vẫn không thấy được cái tốt của người khác chỉ vì ta cố chấp, đó là một thứ mù loà về tâm lý. Và nhiều khi ta nhìn rõ thế giới vật chất này nhưng lại không thấy mối tương quan giữa thế giới này và Đấng tạo dựng nên nó, tức là một thứ khuyết tật tâm linh, cho nên mới có lời cầu nguyện: “Xin mở cho con đôi mắt, để thấy tình yêu Chúa khắp nơi”.

Cũng thế, có nhiều thứ ngục tù. Có những thứ ngục tù không giam hãm nổi tự do của con người, và ngược lại, có những thứ tự do biến con người thành tù nhân. Những nhà tù với hàng rào kẽm gai vây bọc chỉ có thể giam hãm thân xác con người chứ không thể giam hãm tự do hiểu như một giá trị tinh thần, không thể giam hãm suy tư và cảm xúc, tắt một lời, đời sống tinh thần của con người. Ngược lại, có những hành động được gọi là tự do nhưng thực ra chỉ là cái vỏ bên ngoài che đậy tình trạng nô lệ sâu xa bên trong, nô lệ những đam mê và ham muốn trần tục, nô lệ những tính toán quyền lực và phe nhóm…

Hiểu về sự mù loà và ngục tù như thế, mỗi người – kể cả giám mục và linh mục – bỗng khám phá ra mình cũng có những lúc sống trong tình trạng mù loà và mất tự do. Và cũng hiểu rõ hơn lời Kinh Thánh ứng nghiệm nơi Chúa Giêsu như thế nào. Chúa Kitô và chỉ có Chúa Kitô là ánh sáng để trong ánh sáng đó, ta có thể nhìn thấy chân tướng của sự vật và của đời người. Ánh sáng đó là ánh sáng chân lý và chỉ khi sống trong chân lý, ta mới có tự do đích thực. Kinh nghiệm lịch sử nói với ta rằng có những người bị giam giữ trong nhà tù với hàng rào kẽm gai vây bọc, và chỉ mong được tự do. Nhưng khi đã được tự do rồi thì chính họ lại dựng lên những nhà tù khác để giam giữ đồng loại của mình và để bảo vệ cái gọi là tự do của mình. Ấy là vì họ mới chỉ được giải thoát khỏi thứ nhà tù vật chất mà chưa được giải thoát khỏi ngục tù của những đam mê và ham muốn quyền lực, của hận thù và ích kỷ. Nelson Mandela đã hiểu ra được điều đó nên khi bước chân ra khỏi nhà tù đã giam giữ ông suốt 30 năm, ông tự nhủ: nếu tôi còn giữ lòng hận thù với những tên cai ngục, thì tôi vẫn còn bị giam giữ, chưa trở thành người tự do thực sự. Và chính điều đó khiến cho mọi người kính nể ông.

Chúa Kitô đến không phải để giải thoát con người khỏi những ngục tù bằng hàng rào kẽm gai nhưng giải thoát con người khỏi tình trạng nô lệ và tha hoá sâu xa nhất, và chúng ta cần đến ơn giải thoát đó.

Chúng ta cần đến ơn giải thoát đó ngay giữa lòng một thế giới tưởng chừng rất đỗi tự do.

Chúng ta cần đến ánh sáng đó ngay giữa một thời đại phát triển tri thức khoa học đến mức cao nhất.

Và giám mục cũng như linh mục là những người được trao cho trách nhiệm loan báo ơn giải thoát đó, trách nhiệm tiếp nối sứ mạng của Chúa Kitô, sứ mạng “loan báo Tin Mừng cho người nghèo, cho người mù được sáng mắt, cho kẻ bị giam cầm được tha, trả tự do cho người bị áp bức”.

Thế nhưng chính ở đây lại xuất hiện một nghịch lý: xét như là con người, bản thân giám mục và linh mục cũng có thể ở trong tình trạng mù loà và bị giam giữ trong những ngục thất vô hình. Vậy làm sao có thể làm cho người khác sáng mắt khi chính mình đang ở trong tình trạng mù loà? Làm sao loan báo tự do khi chính mình đang bị giam trong ngục thất? Henri Nowen đã có lý khi gọi các thừa tác viên trong Giáo Hội là wounded healer, nghĩa là những người có sứ mạng chữa lành cho người khác nhưng chính mình lại đang mang thương tích. Tuy nhiên, chính nghịch lý này thúc đẩy các giám mục và linh mục thi hành sứ vụ trong khiêm tốn và cậy trông vào quyền năng của Thánh Thần. Khiêm tốn vì nhận biết rằng tự thân mình không phải là ánh sáng và chân lý, nhưng chỉ đón nhận ánh sáng và chân lý từ một Đấng khác. Cậy trông vì xác tín rằng mình không thể chu toàn sứ vụ với sức riêng mình nhưng chỉ có thể chu toàn nhờ quyền năng của Thánh Thần. Chính vì thế, nghi thức chính yếu trong việc phong chức giám mục là việc đặt tay và lời nguyện phong chức. Đặt tay chính là cử chỉ nói lên việc thông ban Thánh Thần, cùng với lời cầu nguyện xin Chúa ban Thánh Thần thủ lãnh xuống trên vị tân giám mục.

Hơn ai hết, Đức Tân Giám mục xác tín điều đó, cho nên đã chọn khẩu hiệu cho đời giám mục của mình là “Bước đi trong Thần Khí” (Spiritu ambulate) (Galata 5,16), đồng thời ngài giải thích “bước theo Thần Khí” là “sống trong sự tự do mà Đức Kitô đem lại chứ không quá lệ thuộc vào cách suy nghĩ của người đời… là sống theo sự hướng dẫn của Thần Khí chứ không theo quan điểm của xác thịt”. Chỉ khi giám mục bước đi trong Thần Khí và hoạt động trong quyền năng của Thánh Thần thì ngài mới có thể chu toàn sứ vụ giám mục hết sức cao cả nhưng cũng rất nặng nề đã được trao phó.

Quyền năng của Thánh Thần chính là quyền năng của tình yêu, là sức mạnh thúc đẩy vị giám mục bước theo Chúa Giêsu Mục Tử, hiến thân trọn vẹn cho đoàn chiên đã được trao phó cho mình. Đây cũng là tâm tình của Đức Tân Giám mục. Nhớ lại khi vừa nghe tin Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI bổ nhiệm cha Vinh Sơn Nguyễn Văn Bản làm giám mục giáo phận Ban Mê Thuột, trang web của HĐGMVN đã lập tức phỏng vấn ngài, và khi được hỏi “Lời đầu tiên Đức Cha muốn gửi đến cộng đồng Dân Chúa Ban Mê Thuột là gì?”, ngài đã trả lời, “Tôi muốn nói với cộng đồng Dân Chúa Ban Mê Thuột rằng tôi thuộc trọn về giáo phận và từ hôm nay, giáo phận Ban Mê Thuột, từng cộng đoàn, từng người Kitô hữu trong giáo phận là chính cuộc sống của tôi.” “Kể từ hôm nay, tôi thuộc trọn về giáo phận.” Nghe thật “mùi mẫn”! Cứ như là chú rể đang nói với cô dâu, “Kể từ nay, anh thuộc trọn về em”!

Mà đúng như thế, lát nữa đây, sau lời nguyện phong chức, vị chủ sự sẽ xỏ nhẫn vào tay của đức tân giám mục cùng với lời nhắn nhủ, “Hãy nhận chiếc nhẫn này như ấn tín đức tin… hãy gìn giữ hiền thê của Chúa là Hội Thánh được vẹn toàn.” Nhẫn cưới đấy! Theo một nghĩa nào đó, lễ phong chức hôm nay chính là lễ cưới, cử hành cuộc hôn nhân thánh thiêng giữa Đức tân giám mục Vinh sơn Nguyễn Văn Bản và Giáo Hội tại Ban Mê Thuột. Thế thì theo truyền thống văn hoá Việt Nam, xin cầu chúc cho đôi tân hôn được trăm năm hạnh phúc.

+ Gm. Phêrô Nguyễn Văn Khảm

Tri thức trẻ nuôi ước mơ cống hiến

(SVVN) Một người là giảng viên trẻ đã quyết định từ bỏ những ưu đãi ở nước ngoài để tìm về với ước vọng áp dụng khoa học công nghệ đỉnh cao góp phần dựng xây đất nước. Một người là sinh viên còn đang trên giảng đường đã nỗ lực học giỏi và sớm quyết tâm tìm đường ra với thế giới để chứng tỏ trí tuệ Việt Nam. Cả hai đều sống có trách nhiệm với bản thân và hơn hết họ luôn trăn trở, nghĩ suy về tương lai của đất nước.

Hiện thực hóa giấc mơ cống hiến...

Ở cương vị Trưởng phòng Đào tạo, giảng viên Khoa Vật lý Trường ĐH KHTN (ĐHQG Hà Nội) TS Nguyễn Hoàng Hải, có dáng vẻ lúc nào cũng tất bật công việc. Anh vẫn tất bật như thế từ ngày còn là nghiên cứu sinh ở Đại học Nebraska – Lincoln, Hoa Kỳ.

Là sinh viên có thành tích học tập cao, trên đất Mỹ, Hải có rất nhiều cơ hội việc làm với điều kiện về cơ sở vật chất tốt mời gọi, dẫu thế anh vẫn luôn theo sát những bước tiến của ngành Vật lý nước nhà và chưa bao giờ thôi nung nấu ý định trở về nước hiện thực hoá lý tưởng ngay trên mảnh đất quê hương.

“Năm 2006, khi bước chân về Việt Nam, mình còn nhớ khi ấy công nghệ nano chỉ mới dừng lại ở những nghiên cứu cơ bản còn việc ứng dụng nó trong y sinh học và môi trường tại Việt Nam vẫn còn khá mới mẻ. Vì vậy, mình quyết tâm đi sâu nghiên cứu với mong muốn đưa ngành công nghệ hiện đại này vào ứng dụng tại Việt Nam”, Hải kể.

Hiện nay, sau nhiều năm nghiên cứu, Hải tự hào là một trong những người trẻ tiên phong trong lĩnh vực công nghệ nano. Nhiều bạn trẻ đã đi học ở nước ngoài thì chưa có ý định trở về quê hương. Còn Hải lại muốn chứng minh cho nhiều bạn trẻ thấy rằng, nếu thực sự say mê, dám cống hiến hết mình thì dù ở đâu chúng ta cũng sẽ đạt được những kết quả tốt.

Sống trẻ và nghĩ lớn

Ngày còn nhỏ, Bùi Nam Nghĩa (sinh viên năm thứ 3, Trường ĐH Xây dựng Hà Nội) thường được cha là Thượng tá Bùi Vĩnh Long (công tác tại Quân chủng Phòng không - Không quân) dạy rằng: “Nếu con học giỏi Toán, con có thể học giỏi được tất cả các môn. Nhưng học giỏi và làm giàu đến đâu con cũng sẽ chỉ có được hạnh phúc nhất khi con cống hiến được những thành quả đó cho người dân, cho đất nước...”.

Nghĩa yêu môn Toán và trở thành học sinh chuyên Toán - Trường ĐHSP Hà Nội. Nhưng Nghĩa cũng rất mê các môn Văn, Sử, Địa và cả Ngoại ngữ. Những năm học đại học, ngoài vốn Anh ngữ thông thạo từ khi còn nhỏ, Nghĩa còn học thêm tiếng Pháp.

Chỉ dùi mài tiếng Pháp trong vòng một năm, bạn đã đủ tư cách tham gia kỳ thi Concour Dynamique 2009 của tổ chức Pháp ngữ AUF và nhanh chóng giành học bổng của Quỹ AUF trao tặng. Pháp ngữ cũng là nơi khởi nguồn giúp Nghĩa luôn mơ về một tổ chức Kiểm định chất lượng ngành xây dựng do chính cậu cùng nhóm bạn ưu tú ngành xây dựng trong và ngoài nước lập nên.

Năm 2007 đoạt giải nhì Olympic Giải tích toàn quốc, giải khuyến khích Cơ học lý thuyết toàn quốc, giải Ba thi Olympic Đại số toàn quốc. Năm 2008, Nghĩa đoạt giải nhất kỳ thi sinh viên giỏi cấp trường môn Cơ học lý thuyết, Có 3 năm liền, chàng SV đầy nhiệt huyết nhận danh hiệu Sáng tạo trẻ - Tài năng trẻ của Đoàn Thanh niên Quân chủng Phòng không - Không quân.

Xác định rằng sẽ tìm đường du học rồi hoàn thành học vị tiến sĩ tại Pháp ở tuổi 27 và trở thành một trong những tiến sĩ trẻ nhất của ngành Xây dựng Việt Nam, chàng sinh viên tự tin đặt mục tiêu khi học xong sẽ trở về Việt Nam làm việc. Nghĩa tâm sự rằng bạn rất thích câu nói: “Một đất nước nghèo là đất nước phải biết tiết kiệm!”.

Đại diện cho một lớp trẻ không cam chịu đói nghèo, lạc hậu, luôn trăn trở biết nghĩ lớn bằng tư duy vượt ngoài biên giới từ tâm điểm Việt Nam, ở Bùi Nam Nghĩa, người ta luôn thấy toát lên vẻ tự tin với ước mơ và nỗ lực của mình.

Việt Khánh – Hoàng Mai

Thánh Thần Ban Sự Sống (Bishop Nguyễn Khảm)