Saturday, May 30, 2009

Bước đi trong Thần Khí (Galata 5,16)

Bài giảng của Đức cha Nguyễn văn Khảm ngày lễ phong chức giám mục cho Đức cha Vinh Sơn Nguyễn Văn Bản tại Nhà thờ Chính tòa Giáo phận Ban Mê Thuột ngày 12.5.2009


“Thần Khí Chúa ngự trên tôi vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi,
để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn.
Người đã sai tôi đi
công bố cho kẻ giam cầm biết họ được tha,
cho người mù biết họ được sáng mắt,
trả lại tự do cho người bị áp bức,
công bố năm hồng ân của Chúa.”


Giêsu đã dõng dạc đọc những lời này trong hội đường Nagiarét và sau đó, Người công bố: “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe” (Lc 4,18-21).

Thế nhưng tôi tự hỏi, có thực sự là lời Kinh Thánh đã được ứng nghiệm? Có thực sự là mọi người mù được sáng mắt? Dĩ nhiên không thể phủ nhận rằng Chúa Giêsu đã chữa lành một vài người mù như Phúc Âm kể lại, nhưng chẳng nhẽ trên cả đất nước Israel lúc ấy, chỉ có vài người mù đó thôi sao? Còn cả trăm cả ngàn người mù khác nữa, liệu họ có được sáng mắt không? Mà nếu chưa được thì sao có thể gọi là ứng nghiệm?

Thế rồi, có thực sự là mọi kẻ giam cầm đều được tha và mọi kẻ bị áp bức đều được trả lại tự do? Ngay cả Gioan Tẩy giả, người thân của Chúa Giêsu, lúc ấy đang ngồi tù, cũng đã phải sai các môn đệ đến hỏi Chúa Giêsu: “Thưa Thầy, Thầy có thật là Đấng phải đến hay chúng tôi còn phải đợi ai khác?” (Mt 11,2-3). Nghe trong câu hỏi có nỗi nghi ngờ, nghi ngờ vì đợi mãi vẫn không được tha, nghi ngờ vì chờ hoài vẫn không thấy tự do! Đã thế, liệu có thể nói là lời Kinh Thánh đã ứng nghiệm không?

Đi xa hơn nữa đến cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu, khi chính Người bị bắt, bị giam cầm, bị áp bức… liệu chính Người có khả năng thoát khỏi xiềng xích ngục tù, khỏi bàn tay áp bức chăng? Các sách Tin Mừng kể lại rằng Chúa Giêsu đã bị đánh đập dã man, bị vác khổ giá và cuối cùng bị đóng đinh trên thập giá. Đến chính bản thân Chúa Giêsu cũng không thoát khỏi ngục tù thì lấy đâu ra tự do để ban tặng cho các tù nhân? Đến chính Chúa Giêsu cũng bị áp bức thì lấy đâu ra sức mạnh để giải thoát những người bị áp bức?

Nêu lên những vấn nạn như thế không nhằm khước từ lời khẳng định của Chúa Giêsu, “Hôm nay ứng nghiệm lời Kinh Thánh anh chị em vừa nghe”, nhưng là để đọc lại những lời này trong một ánh sáng mới.

Mù loà không chỉ đơn thuần là khuyết tật thể lý nhưng có thể còn là khuyết tật tri thức, tâm lý và tâm linh. Có những khi ta nhìn một sự kiện, một biến cố mà không rõ ngọn nguồn sự việc vì thiếu hiểu biết, nghĩa là mù loà về mặt tri thức. Có những khi ta mở mắt thật to để nhìn mà vẫn không thấy được cái tốt của người khác chỉ vì ta cố chấp, đó là một thứ mù loà về tâm lý. Và nhiều khi ta nhìn rõ thế giới vật chất này nhưng lại không thấy mối tương quan giữa thế giới này và Đấng tạo dựng nên nó, tức là một thứ khuyết tật tâm linh, cho nên mới có lời cầu nguyện: “Xin mở cho con đôi mắt, để thấy tình yêu Chúa khắp nơi”.

Cũng thế, có nhiều thứ ngục tù. Có những thứ ngục tù không giam hãm nổi tự do của con người, và ngược lại, có những thứ tự do biến con người thành tù nhân. Những nhà tù với hàng rào kẽm gai vây bọc chỉ có thể giam hãm thân xác con người chứ không thể giam hãm tự do hiểu như một giá trị tinh thần, không thể giam hãm suy tư và cảm xúc, tắt một lời, đời sống tinh thần của con người. Ngược lại, có những hành động được gọi là tự do nhưng thực ra chỉ là cái vỏ bên ngoài che đậy tình trạng nô lệ sâu xa bên trong, nô lệ những đam mê và ham muốn trần tục, nô lệ những tính toán quyền lực và phe nhóm…

Hiểu về sự mù loà và ngục tù như thế, mỗi người – kể cả giám mục và linh mục – bỗng khám phá ra mình cũng có những lúc sống trong tình trạng mù loà và mất tự do. Và cũng hiểu rõ hơn lời Kinh Thánh ứng nghiệm nơi Chúa Giêsu như thế nào. Chúa Kitô và chỉ có Chúa Kitô là ánh sáng để trong ánh sáng đó, ta có thể nhìn thấy chân tướng của sự vật và của đời người. Ánh sáng đó là ánh sáng chân lý và chỉ khi sống trong chân lý, ta mới có tự do đích thực. Kinh nghiệm lịch sử nói với ta rằng có những người bị giam giữ trong nhà tù với hàng rào kẽm gai vây bọc, và chỉ mong được tự do. Nhưng khi đã được tự do rồi thì chính họ lại dựng lên những nhà tù khác để giam giữ đồng loại của mình và để bảo vệ cái gọi là tự do của mình. Ấy là vì họ mới chỉ được giải thoát khỏi thứ nhà tù vật chất mà chưa được giải thoát khỏi ngục tù của những đam mê và ham muốn quyền lực, của hận thù và ích kỷ. Nelson Mandela đã hiểu ra được điều đó nên khi bước chân ra khỏi nhà tù đã giam giữ ông suốt 30 năm, ông tự nhủ: nếu tôi còn giữ lòng hận thù với những tên cai ngục, thì tôi vẫn còn bị giam giữ, chưa trở thành người tự do thực sự. Và chính điều đó khiến cho mọi người kính nể ông.

Chúa Kitô đến không phải để giải thoát con người khỏi những ngục tù bằng hàng rào kẽm gai nhưng giải thoát con người khỏi tình trạng nô lệ và tha hoá sâu xa nhất, và chúng ta cần đến ơn giải thoát đó.

Chúng ta cần đến ơn giải thoát đó ngay giữa lòng một thế giới tưởng chừng rất đỗi tự do.

Chúng ta cần đến ánh sáng đó ngay giữa một thời đại phát triển tri thức khoa học đến mức cao nhất.

Và giám mục cũng như linh mục là những người được trao cho trách nhiệm loan báo ơn giải thoát đó, trách nhiệm tiếp nối sứ mạng của Chúa Kitô, sứ mạng “loan báo Tin Mừng cho người nghèo, cho người mù được sáng mắt, cho kẻ bị giam cầm được tha, trả tự do cho người bị áp bức”.

Thế nhưng chính ở đây lại xuất hiện một nghịch lý: xét như là con người, bản thân giám mục và linh mục cũng có thể ở trong tình trạng mù loà và bị giam giữ trong những ngục thất vô hình. Vậy làm sao có thể làm cho người khác sáng mắt khi chính mình đang ở trong tình trạng mù loà? Làm sao loan báo tự do khi chính mình đang bị giam trong ngục thất? Henri Nowen đã có lý khi gọi các thừa tác viên trong Giáo Hội là wounded healer, nghĩa là những người có sứ mạng chữa lành cho người khác nhưng chính mình lại đang mang thương tích. Tuy nhiên, chính nghịch lý này thúc đẩy các giám mục và linh mục thi hành sứ vụ trong khiêm tốn và cậy trông vào quyền năng của Thánh Thần. Khiêm tốn vì nhận biết rằng tự thân mình không phải là ánh sáng và chân lý, nhưng chỉ đón nhận ánh sáng và chân lý từ một Đấng khác. Cậy trông vì xác tín rằng mình không thể chu toàn sứ vụ với sức riêng mình nhưng chỉ có thể chu toàn nhờ quyền năng của Thánh Thần. Chính vì thế, nghi thức chính yếu trong việc phong chức giám mục là việc đặt tay và lời nguyện phong chức. Đặt tay chính là cử chỉ nói lên việc thông ban Thánh Thần, cùng với lời cầu nguyện xin Chúa ban Thánh Thần thủ lãnh xuống trên vị tân giám mục.

Hơn ai hết, Đức Tân Giám mục xác tín điều đó, cho nên đã chọn khẩu hiệu cho đời giám mục của mình là “Bước đi trong Thần Khí” (Spiritu ambulate) (Galata 5,16), đồng thời ngài giải thích “bước theo Thần Khí” là “sống trong sự tự do mà Đức Kitô đem lại chứ không quá lệ thuộc vào cách suy nghĩ của người đời… là sống theo sự hướng dẫn của Thần Khí chứ không theo quan điểm của xác thịt”. Chỉ khi giám mục bước đi trong Thần Khí và hoạt động trong quyền năng của Thánh Thần thì ngài mới có thể chu toàn sứ vụ giám mục hết sức cao cả nhưng cũng rất nặng nề đã được trao phó.

Quyền năng của Thánh Thần chính là quyền năng của tình yêu, là sức mạnh thúc đẩy vị giám mục bước theo Chúa Giêsu Mục Tử, hiến thân trọn vẹn cho đoàn chiên đã được trao phó cho mình. Đây cũng là tâm tình của Đức Tân Giám mục. Nhớ lại khi vừa nghe tin Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI bổ nhiệm cha Vinh Sơn Nguyễn Văn Bản làm giám mục giáo phận Ban Mê Thuột, trang web của HĐGMVN đã lập tức phỏng vấn ngài, và khi được hỏi “Lời đầu tiên Đức Cha muốn gửi đến cộng đồng Dân Chúa Ban Mê Thuột là gì?”, ngài đã trả lời, “Tôi muốn nói với cộng đồng Dân Chúa Ban Mê Thuột rằng tôi thuộc trọn về giáo phận và từ hôm nay, giáo phận Ban Mê Thuột, từng cộng đoàn, từng người Kitô hữu trong giáo phận là chính cuộc sống của tôi.” “Kể từ hôm nay, tôi thuộc trọn về giáo phận.” Nghe thật “mùi mẫn”! Cứ như là chú rể đang nói với cô dâu, “Kể từ nay, anh thuộc trọn về em”!

Mà đúng như thế, lát nữa đây, sau lời nguyện phong chức, vị chủ sự sẽ xỏ nhẫn vào tay của đức tân giám mục cùng với lời nhắn nhủ, “Hãy nhận chiếc nhẫn này như ấn tín đức tin… hãy gìn giữ hiền thê của Chúa là Hội Thánh được vẹn toàn.” Nhẫn cưới đấy! Theo một nghĩa nào đó, lễ phong chức hôm nay chính là lễ cưới, cử hành cuộc hôn nhân thánh thiêng giữa Đức tân giám mục Vinh sơn Nguyễn Văn Bản và Giáo Hội tại Ban Mê Thuột. Thế thì theo truyền thống văn hoá Việt Nam, xin cầu chúc cho đôi tân hôn được trăm năm hạnh phúc.

+ Gm. Phêrô Nguyễn Văn Khảm

Tri thức trẻ nuôi ước mơ cống hiến

(SVVN) Một người là giảng viên trẻ đã quyết định từ bỏ những ưu đãi ở nước ngoài để tìm về với ước vọng áp dụng khoa học công nghệ đỉnh cao góp phần dựng xây đất nước. Một người là sinh viên còn đang trên giảng đường đã nỗ lực học giỏi và sớm quyết tâm tìm đường ra với thế giới để chứng tỏ trí tuệ Việt Nam. Cả hai đều sống có trách nhiệm với bản thân và hơn hết họ luôn trăn trở, nghĩ suy về tương lai của đất nước.

Hiện thực hóa giấc mơ cống hiến...

Ở cương vị Trưởng phòng Đào tạo, giảng viên Khoa Vật lý Trường ĐH KHTN (ĐHQG Hà Nội) TS Nguyễn Hoàng Hải, có dáng vẻ lúc nào cũng tất bật công việc. Anh vẫn tất bật như thế từ ngày còn là nghiên cứu sinh ở Đại học Nebraska – Lincoln, Hoa Kỳ.

Là sinh viên có thành tích học tập cao, trên đất Mỹ, Hải có rất nhiều cơ hội việc làm với điều kiện về cơ sở vật chất tốt mời gọi, dẫu thế anh vẫn luôn theo sát những bước tiến của ngành Vật lý nước nhà và chưa bao giờ thôi nung nấu ý định trở về nước hiện thực hoá lý tưởng ngay trên mảnh đất quê hương.

“Năm 2006, khi bước chân về Việt Nam, mình còn nhớ khi ấy công nghệ nano chỉ mới dừng lại ở những nghiên cứu cơ bản còn việc ứng dụng nó trong y sinh học và môi trường tại Việt Nam vẫn còn khá mới mẻ. Vì vậy, mình quyết tâm đi sâu nghiên cứu với mong muốn đưa ngành công nghệ hiện đại này vào ứng dụng tại Việt Nam”, Hải kể.

Hiện nay, sau nhiều năm nghiên cứu, Hải tự hào là một trong những người trẻ tiên phong trong lĩnh vực công nghệ nano. Nhiều bạn trẻ đã đi học ở nước ngoài thì chưa có ý định trở về quê hương. Còn Hải lại muốn chứng minh cho nhiều bạn trẻ thấy rằng, nếu thực sự say mê, dám cống hiến hết mình thì dù ở đâu chúng ta cũng sẽ đạt được những kết quả tốt.

Sống trẻ và nghĩ lớn

Ngày còn nhỏ, Bùi Nam Nghĩa (sinh viên năm thứ 3, Trường ĐH Xây dựng Hà Nội) thường được cha là Thượng tá Bùi Vĩnh Long (công tác tại Quân chủng Phòng không - Không quân) dạy rằng: “Nếu con học giỏi Toán, con có thể học giỏi được tất cả các môn. Nhưng học giỏi và làm giàu đến đâu con cũng sẽ chỉ có được hạnh phúc nhất khi con cống hiến được những thành quả đó cho người dân, cho đất nước...”.

Nghĩa yêu môn Toán và trở thành học sinh chuyên Toán - Trường ĐHSP Hà Nội. Nhưng Nghĩa cũng rất mê các môn Văn, Sử, Địa và cả Ngoại ngữ. Những năm học đại học, ngoài vốn Anh ngữ thông thạo từ khi còn nhỏ, Nghĩa còn học thêm tiếng Pháp.

Chỉ dùi mài tiếng Pháp trong vòng một năm, bạn đã đủ tư cách tham gia kỳ thi Concour Dynamique 2009 của tổ chức Pháp ngữ AUF và nhanh chóng giành học bổng của Quỹ AUF trao tặng. Pháp ngữ cũng là nơi khởi nguồn giúp Nghĩa luôn mơ về một tổ chức Kiểm định chất lượng ngành xây dựng do chính cậu cùng nhóm bạn ưu tú ngành xây dựng trong và ngoài nước lập nên.

Năm 2007 đoạt giải nhì Olympic Giải tích toàn quốc, giải khuyến khích Cơ học lý thuyết toàn quốc, giải Ba thi Olympic Đại số toàn quốc. Năm 2008, Nghĩa đoạt giải nhất kỳ thi sinh viên giỏi cấp trường môn Cơ học lý thuyết, Có 3 năm liền, chàng SV đầy nhiệt huyết nhận danh hiệu Sáng tạo trẻ - Tài năng trẻ của Đoàn Thanh niên Quân chủng Phòng không - Không quân.

Xác định rằng sẽ tìm đường du học rồi hoàn thành học vị tiến sĩ tại Pháp ở tuổi 27 và trở thành một trong những tiến sĩ trẻ nhất của ngành Xây dựng Việt Nam, chàng sinh viên tự tin đặt mục tiêu khi học xong sẽ trở về Việt Nam làm việc. Nghĩa tâm sự rằng bạn rất thích câu nói: “Một đất nước nghèo là đất nước phải biết tiết kiệm!”.

Đại diện cho một lớp trẻ không cam chịu đói nghèo, lạc hậu, luôn trăn trở biết nghĩ lớn bằng tư duy vượt ngoài biên giới từ tâm điểm Việt Nam, ở Bùi Nam Nghĩa, người ta luôn thấy toát lên vẻ tự tin với ước mơ và nỗ lực của mình.

Việt Khánh – Hoàng Mai

Thánh Thần Ban Sự Sống (Bishop Nguyễn Khảm)


Thursday, May 28, 2009

Nguyễn Công Trứ “chọi” thơ với Cao Bá Quát

TTC - Ông “ngông” Nguyễn Công Trứ thỉnh thoảng lại gặp gỡ ông “cuồng” Cao Bá Quát, xem chừng cũng tâm đắc lắm. Một lần hai ông vừa đi vừa đàm đạo văn chương, bỗng có tiếng người trong xóm hát câu ca dao:

Đang khi lửa tắt, bếp vùi
Lợn con kêu khóc, chồng đòi tòm tem!
Bây giờ lửa đỏ bếp nhen
Lợn ăn, con ngủ, tòm tem thì tòm!


Cả hai ông chịu là câu ca dao thật lý thú, rồi thách nhau mỗi người làm một bài thơ diễn đạt cũng cái ý trên nhưng bằng cách của mình.

Ông Trứ đọc trước:

Những lúc vội vàng, chàng cũng muốn...
Bây giờ thong thả, thiếp xin vâng...


Ông Quát cười:

- Thơ bác cũng khá đạt đấy, nhưng chưa “quái chiêu”, lại thừa mất mấy chữ!

- Thế theo ý bác thì nên viết thế nào?

- Theo ngu ý tôi, ta nên viết thế này:

Những lúc vội vàng, gượm!
Bây giờ thong thả, nào!


Ông Trứ vỗ đùi đánh đét:

- Phải!

Tình đồng hương

TTC - Bà Hải sau mấy năm hát bài “ Nghìn trùng xa cách” được chồng bảo lãnh qua Mỹ (giờ đây tôi nghe nói chồng bà hay hát bài “10 năm không gặp tưởng rằng đã... thoát”) cũng giống như bao nhiêu người khác, chồng bà Hải dắt đi Bolsa chơi trong ngày đầu tiên.

Ông An, chồng bà, đưa bà đến một tiệm vàng quen biết, bà chủ tiệm vốn là chủ nhà mà ông từng share(1) phòng, ông đưa đến để thăm chứ không phải mua tặng bả cục hột xoàn tổ bố đâu mà ham. Bà chủ tiệm vàng tíu ta tíu tít thăm hỏi đủ chuyện trên đời, rốt cuộc bả hỏi: “Chị thích hột mấy ca-ra, em chọn cho hột số 1 Cali!”.

Bà Hải vốn là người bình dị, bèn chỉ vào mấy cái vòng mã não để trong tủ kiếng. Bà chủ nói “Chèn ơi sao không thích hột xoàn mà lại... thôi được, em bán vốn cho chị cái vòng này 20 đôla”. Hôm sau, ông An lại đưa bà ra Phước Lộc Thọ ghé vô tiệm thuốc Bắc mua chai dầu gió, bà Hải thấy rổ vòng mã não y chang cái vòng bà mua hôm qua, chỉ bán với giá 2 đôla một chiếc. Bà Hải tiếc đứt ruột, ôi cái tình đồng hương!

Khi mới chân ướt chân ráo đến Mỹ, tôi rất muốn có việc làm ngay để phụ chồng nuôi con. Ở không mấy tháng muốn điên lên thì có người bạn gọi tới, hỏi tôi có muốn đi làm hãng điện tử không, nếu muốn họ sẽ giúp cho điền đơn, đi interview(2) cho đến khi vô làm được, tôi sẽ phải trả công lao trà nước. Hồi đó, lương tối thiểu 3,75 tôi cũng đành OK thỏa thuận mọi điều.

Cái hãng điện của Nhật này khi vào làm, tôi thấy đến 70% người Việt qua từ 1975, họ nắm các đơn vị quan trọng trong hãng. Cho nên supervisor(3) của tôi là người Việt. Cô này còn trẻ, nói tiếng Anh như gió mà tôi vô cùng thán phục. Suốt ngày, cô chắp tay sau lưng đi tới đi lui giữa các line(4) dòm chừng bọn assembly( 5) như tôi hàn mấy cái board(6) điện. Tôi có cảm tưởng như đang đi học ở trường bà sơ.

Buổi sáng chuông reng đến giờ làm, cô đứng ngay cửa lom lom nhìn mọi người đi vô hãng, sau giờ lunch(7) giờ break(8) cũng thấy cổ đứng đó, không sót một bữa nào. Giờ làm, cổ đi tới đi lui hoạnh họe mấy chị leader(9) la rầy mấy bác có tuổi làm chậm chạp. Tới ngày birthday của cổ, ôi thôi hãng như có đại tiệc, bọn assembler(10) tụi tôi phải hùn tiền đưa cho leader mua quà, rồi leader phải cho riêng mới là điệu nghệ.

Người ta nói chỉ cần một người đàn bà và hai con vịt là thành một cái chợ, nhưng ở đây có tới 75 chị đàn bà, tránh sao cho khỏi phe phái, phe khoái chị supervisor phe qua 75, phe qua 85, phe ở Anehiem Hills, phe ở apartmen( 11) cứ loạn cả lên.

Một bữa đẹp trời, cô boss đứng giữa line, la ào ào một bác VN đã có tuổi, bác cũng đáng tuổi má cô supervisor vì bác làm sai hàng bị inspector(12) trả lại sau đó, cô la: - Bà Hoa, trời ơi bà muốn hãng sập tiệm hay sao mà bà làm ăn cái kiểu trời đánh đó, tui nói cho bà hay nha, một lần nữa thôi là tui "lay off”(13) bà liền!

Bác Hoa chắc nghe tới chữ lay off bèn rùng mình, tái xanh mặt mày ngã xuống đất một cái rầm. Thế là xe cứu thương tới, bác bị heart attack(14) gia đình bác Hoa đưa đơn kiện hãng, kiện cô Việt Nam nho nhỏ mà làm chức to, người Việt qua Mỹ mang theo quê hương như tựa đề một bài hát, nhưng có lắm người mang theo những điều không tốt đẹp, vẫn còn chia rẽ nịnh hót, phe đảng. Tìm đâu cho ra tình đồng hương đây?

KIM N.C. (Cư trú tại Anaheim)

----------------------------------

(1) Chia. (2) Phỏng vấn. (3) Giám thị. (4) Đường chuyền lắp ráp. (5) Lắp ráp. (6) Tấm bảng. (7) Ăn trưa. (8) Nghỉ giữa giờ. (9) Lãnh đạo. (10) Nhân viên lắp ráp. (11) Căn hộ chung cư. (12) Thanh tra. (13) Cho nghỉ việc. (14) Đau tim.

CÓ NHỮNG HÒN ĐÁ

Mỗi ngày hai buổi, chiếc xe đưa tôi đến sở làm và mang tôi từ sở làm về nhà, chiếc xe lao vun vút trên con đường rộng thênh thang với bề mặt là lớp nhựa đường bằng phẳng màu đen với cái mùi hôi hôi khó ngửi. Tôi qua lại trên con đường này đã nhiều năm nhưng đã được bao nhiêu lần tôi chú tâm để biết được rằng: Dưới lớp nhựa đường màu đen khó ngửi kia là hàng vạn, hàng triệu hòn đá lớn nhỏ khác nhau, hình dáng khác nhau, đã đan kết với nhau, đã nằm im lìm và chìm sâu dưới mặt đường từ bao nhiêu năm qua, liên tiếp từ đời này đến đời kia, để làm nên con đường quen thuộc này… Có lẽ tạo hóa đã sinh ra những hòn đá này và đặt để cho chúng một nhiệm vụ duy nhất là lót đường. Tôi gọi tên chúng là “Hòn Đá Lót Đường”.

Tôi vẫn còn nhớ rõ mấy tuần trước đây, xe của tôi bị xẹp bánh trên đường đi làm chỉ vì một vài hòn đá đã trồi lên trên mặt đường, hòn đá ấy đã có một thời là hòn đá lót đường, hôm nay nó đã vươn mình lên cao, đã vượt qua khỏi lớp nhựa đường, nó muốn nhìn ngắm trời mây non nước chăng? Hòn đá ấy mỗi ngày một vươn cao hơn, hòn đá ấy với những góc cạnh sắc bén đã đâm thủng bánh xe của tôi. Trong lúc tôi loay hoay thay bánh xe, không chú ý, những góc cạnh sắc bén này đã cắt một đường trên bàn tay tôi đến rướm máu…. Chao ôi! những hòn đá phá hoại, những hòn đá vô tích sự… Tôi gọi tên chúng là “Hòn Đá Oan Nghiệt”, là “Hòn Đá Cản Đường”.

***

Hôm nay ngồi một mình, mở bàn tay nhìn vết cắt hôm nào, nay đã thành sẹo, tôi sực nhớ về những hòn đá. Tôi cũng ngồi một mình hồi tâm tưởng nhớ đến những công việc mà tôi đã và đang làm… Những công việc mà tôi thường hay gọi bằng những từ thân quen là công việc “phục vụ”, là công việc “xây dựng nước Chúa”… Tôi không biết mình là hòn đá nào đây trên “con đường phục vụ”? Là hòn đá lót đường hay là hòn đá cản đường trong công việc “xây dựng nước Chúa”? Thật khốn cho tôi nếu tôi là hòn đá cản đường, thật vô phúc cho tôi nếu tôi là hòn đá cản đường mà cứ nghĩ rằng mình là hòn đá lót đường.

Là hòn đá lót đường, tôi có chịu ẩn mình dưới lớp nhựa đường màu đen đen khó ngửi kia hay không?

Là hòn đá lót đường, tôi có thiết tha liên kết với những hòn đá lót đường khác, cũng đang âm thầm nằm chung quanh tôi, để làm thành một cái nền cứng chắc cho con đường hay không ?

Là hòn đá lót đường, tôi có cam chịu cảnh âm thầm chìm sâu trong lòng đường để anh em của tôi bước lên mà đi đến với Chúa không? Mỗi bước chân bước đi là mỗi bước khác nhau: Có những bước chân nhẹ nhàng êm đềm của người già em bé; có những bước chân thướt tha dịu dàng phảng phất hương thơm người con gái; nhưng cũng có những bước chân mạnh bạo đầy vũ lực của những chàng trai đang phung phí sức. Chắc hẳn sẽ không phải là một khó khăn chịu đựng cho tôi khi đón nhận những bước chân nhẹ nhàng êm đềm cũng như những bước chân thướt tha dịu dàng, nhưng còn những bước chân mạnh bạo đầy vũ lực thì sao? Nó sẽ làm tôi nhói đau, đôi khi nó sẽ mang đến cho tôi những vết thương rướm máu. Tôi có chịu đựng được không? Tôi còn tiếp tục làm hòn đá lót đường trong công việc “xây dựng nước Chúa” nữa hay không?

***

Lạy Chúa! Xin ban ơn giúp sức cho con, để con mãi mãi là một trong muôn vàn hòn đá lót đường, để anh em của con bước lên và đi đến với Chúa. Xin cho con luôn biết ẩn mình chìm sâu trong lòng đường, để làm tròn “ơn gọi” mà Chúa đã mời gọi và đặt để nơi con. Amen .

Duyên Lãng

Friday, May 22, 2009

Môđen mới ... chuẩn bị cười ...

Lạc quẻ với mô-đen bùng nhùng!

TTC - Thời buổi này ra đường thấy có nhiều chú trai người ngợm tịt tít đẹt ngắt cứ như dưa chuột đèo ngâm giấm, ước chừng cao độ chưa tới khúc sáu (mét sáu ấy mà!), nhưng cứ tưởng mình có họ hàng xa với anh Bi đô con bên Hàn nên cũng ráng tậu vài bộ hip hop cho nó có phong trào với người ta: đũng quần thì đánh phành phạch dài chấm gối, thân ống thì có nhét chung với đôi que chân chừng chục con gà mái dầu béo phì vẫn còn rộng rãi chán...

Thành ra khi vận thời trang hip hop vào người, chú bị nhấn chìm lỉm trong đống quần áo bùng nhùng, chỉ từ phần cổ đổ lên thì còn lúc lắc ngoi ngóp chút đỉnh để lấy không khí... Một số anh khác gầy giơ xương, da dẻ mốc cời, thế mà cũng dũng cảm chơi hip hop thun ba lô, mà lỗ nào lỗ nấy to đùng như nòng đại bác, khoét thì toác toạc đến gần lỗ rốn nên trông xương sườn của anh cứ rõ mồn một còn hơn cả rọi X-quang !

Nhiều anh ra đường, trời nóng hầm hập, nhưng nghiêm chỉnh đóng khăn quàng cổ len sù sụ, nón len trùm sọ, tay chân còn đoạn nào trống thì băng bó hết cả lại, mọi người nhìn vào cứ cảm tưởng nếu anh không xổng từ trại tâm thần ra, thì cũng có tuổi thơ dữ dội với đầy những kỷ niệm té giếng lọt mương, thế mà anh vẫn tươi cười hơn hớn ra vẻ ta đây sành điệu, chả là anh đang bưng nguyên xi trang nào đấy trong tạp chí thời trang vào người!

VĂN VỂNH

----------------------------------
Những người Việt hướng... Hàn

TTC - Làn da trắng ngần, tóc bới cao trên đầu rồi buộc thành 3 lọn xõa xuống... N. (sinh viên Đại học Hufflit) luôn khiến những người xung quanh tưởng cô là người Hàn Quốc.

Mấy bà bán sing-gum, mấy chị tiếp thị mát-xa chân trên đường Nguyễn Huệ cứ nhìn thấy cô là “hế lồ, hế lồ” nghe rất vui. N. cũng rất vui vì nghĩ mình giống người nước ngoài. Và hễ có ai khen cô sao giống Hàn Quốc quá là cô cười e lệ, sung sướng đầy tự hào: “Thật không hả anh (chị)?”...

"Giống Hàn Quốc" đang trở thành một tiêu chuẩn, một khát khao vươn tới của một số chàng trai, cô gái trẻ người Việt. Sau khi thời trang "tóc nâu môi trầm" lui vào dĩ vãng, đến lượt tóc xù xuất hiện, và kiểu dáng đi đứng, điệu bộ được bắt chước y chang các diễn viên Hàn trên phim. Với các chàng trai thì vẻ đẹp nữ tính lên ngôi, càng dịu dàng, càng ơ hờ càng tốt…

Rồi để cho thêm phần sôi động, trào lưu chụp ảnh kiểu Hàn Quốc nhảy vào làm mưa làm gió. Những tấm ảnh bé xíu, láng o khiến người chụp ảnh sướng rơn vì nhìn ai cũng xinh hơn, da trắng hơn, môi thắm hơn bên ngoài rất nhiều. Về khoản này thì những bức ảnh dùng kỹ thuật photoshop thua xa, vì chụp ảnh Hàn Quốc đơn giản, giá chỉ rẻ từ vài ngàn đến chục ngàn, lại cho ra những bức ảnh nhỏ xíu mờ mờ ảo ảo khiến ai cũng đẹp long lanh, ai cũng giống... Hàn Quốc.

Những bức ảnh này khiến cho các loại nếp nhăn, tất cả các loại mụn từ mụn bọc tới mụn đầu đen hay đầu trắng đều biến mất hết trơn. Xung quanh lại đính kèm những hoa văn trang trí lộng lẫy khiến nhân vật như hoàng tử, công chúa trong cổ tích hiện đại. Làn da trắng toát như bột mì, nếu bạn có mái tóc nhuộm vàng hay nhuộm đỏ nữa là y như rằng "made in Korea".

Để cho thêm phần… đoàn kết hữu nghị, một số bộ phim Việt như “Hoa dã quì”, “Mùi ngò gai” cũng theo hơi hướng phim Hàn. “Mùi ngò gai”, theo ý kiến của một số người là có mùi... kim chi, các nhân vật trong phim ăn phở theo kiểu ăn... mì của người Hàn Quốc. Rồi thì cách cúi chào, rồi thì giương mắt, rồi thì dẩu môi, cách hắng giọng…, các nhân vật đều nỗ lực bắt chước mấy diễn viên xứ Hàn một cách tối đa.

Vậy nên, ngoài đường những cô cậu đã có một góc bư bự Hàn trong tim đã tìm ra "chỗ dựa tinh thần" ngay trong nước mình, nên cố gắng biến mình càng giống người Hàn bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu, càng hãnh diện bấy nhiêu. Vào tiệm phở, ta có thể gặp một cô bé "Hàn hóa" ngồi ăn theo kiểu lạ lùng: Đầu tiên, nàng cầm đũa gắp một cọng phở, nâng lên cao ngang mày, mắt mở to nhìn trân trân vào sợi bánh một lúc.

Rồi nàng từ từ đưa vào miệng ăn nhẩn nha, ánh mắt nhìn xa xăm mặc cho tô phở đã nguội lạnh đi từ lúc nào… Một nam ca sĩ ở Hà Nội từng thích chí cười híp cả mắt khi được "ca ngợi" là anh rất giống Hàn Quốc. Một nữ sinh tóc nâu sướng rơn cả người khi được khen là giống diễn viên Kim Chu Chi nào đó. Còn với các chàng trai? Da phải trắng thật mịn màng, tóc thật dài và xù, bởi vì hình ảnh các nam diễn viên, ca sĩ Hàn với những mốt mới nhất trong vẻ đẹp đầy… nữ tính nằm chình ình trên các tạp chí thời trang Việt, mạng Việt…

Trong phim Hàn, đôi mắt của các nhân vật nam nữ thường lờ đờ trễ nải, đã thế nhiều người còn giăng mắc thêm vào đấy những cặp kính cận rực rỡ với gọng hoặc xanh, hoặc hồng, hoặc tím... Thế là mấy fan Hàn gốc Việt dù mắt không bị cận cũng ráng mà đeo cho nó có vẻ Hàn. Tất nhiên, doanh số bán ra của những mỹ phẩm làm trắng, mịn da, đặc biệt xuất xứ của Hàn Quốc, trở nên tăng vọt.

Xem phim Hàn, ăn đồ Hàn, nghe nhạc Hàn riết rồi bị Hàn hóa từ lúc nào không hay. Trong các cuộc thi Mr hay Miss blog trên mạng, vô số thí sinh cả nam và nữ chọn phong cách Hàn để giới thiệu mình. Một nét đặc trưng của phong cách Hàn trong những cuộc thi này là nam và nữ đều chọn chung một kiểu: Ngoài phục trang Korea, tất cả đều cố giương mắt thật to, môi chúm chím hững hờ, tay chống cằm như mấy nhân vật đang ngồi "tám" trong phim...

Đọc những bình luận cho mấy thí sinh này thì đúng là cười ra nước mắt: "Vốt" (bình chọn) cho bạn này vì đẹp quá, giống Hàn Quốc quá!”. Rồi không quên đế thêm: “Bạn ui trang đỉm (điểm) ở đâu mà địp wá dzị (đẹp quá vậy)? Mình cũng mún địp như dzị mà hok bít (muốn đẹp như vậy mà hổng biết) chỗ nào. Chỉ cho mình he!”. Những thí sinh khác ăn mặc giản dị, đồng phục hay áo dài trắng học trò thường bị "ao" từ vòng ngoài, vì cho rằng nhìn hơi... nhà quê.

Tuy vậy, vẫn có những bình luận khác quan điểm: "Người VN mình đẹp kiểu khác, học trò phải vui tươi, hồn nhiên, chứ đâu có mặt mày lờ đờ trắng toát như mấy diễn viên Hàn? Đâu cần phải đua đòi theo người ta như vậy?". Nhưng xem ra cơn lốc xứ Hàn vẫn đang cuốn phăng đi những bạn trẻ cảm thấy không tự tin lắm về vẻ ngoài Việt Nam của mình.

XẾ ĐIẾC

Nghệ Thuật Đổ Thừa


TTC - Sau cơn mưa lớn sáng 13-4, đường Âu Cơ (Tân Phú) ngập nước lênh láng. Chị T. chạy xe qua đó, chẳng may bị sợi dây điện đứt còn phóng điện, phải tử vong. Cái chết của chị đã khiến dư luận bà con thành phố bức xúc; các đồng nghiệp nhà báo vạch rõ trách nhiệm thuộc về đơn vị quản lý điện lực quận.

Giám đốc chi nhánh điện lực đổ thừa ngay: Dây điện đứt do bị sét đánh. Bà con lân cận hiện trường tai nạn mần chứng rằng tai nạn xảy ra khi mưa đã tạnh, không có sét nào đánh, chỉ có rờ-le tự động của điện lực không chịu ngắt. Ban giám đốc Điện lực thành phố cũng nói rằng không có cơ sở để đổ thừa rằng sét đánh dẫn tới việc đứt dây điện. Ông điện lực quận bèn im. Im nhưng có lẽ lòng ông còn ấm ức bởi ông chưa thể hiện được nghệ thuật đổ thừa một cách lâm ly biến ảo như các bậc “tiền nhân”.

Sét là ai? Tây du ký có nhân vật Điển mẫu (mẹ điện) làm ra chớp sáng lòa và Lôi công (ông Sét) làm ra tiếng động rẹt rẹt ầm ầm, hỗ trợ cho mẹ điện. Lôi công tên khai sinh là Thiên Lôi, cháu kêu bà chị họ thứ sáu của vợ Ngọc hoàng là cô Hai, kêu Ngọc hoàng là dượng Bảy. Thiên Lôi được Ngọc hoàng cho sử dụng vũ khí là hai cây búa gọi là lôi phủ, chuyên đánh xuống trần gian tiếng sấm sét báo hiệu mưa tới hoặc sắp tạnh. Sét là sản phẩm của Thiên Lôi; Thiên Lôi là cháu của Ngọc hoàng. Điện lực Tân Phú đổ thừa cho sét đánh có nghĩa là đổ thừa cho... trời. Chính trời gây ra cái chết tức tưởi đó chứ không phải là ngành điện chúng tui! Nhà Nho ngày xưa rất kính sợ trời. Họ nói những gì là “Thuận thiên giả tồn, nghịch thiên giả vong” (Thuận theo trời thì còn, ngược lại trời thì mất).

Nhà Nho đời mới của thế kỷ 21 không sợ trời mà chỉ sợ cái ghế của họ lung lay và cái lợi của họ bị mất đi. Cho nên, mọi việc tệ hại xảy ra đều có thể đổ thừa cho trời là chắc ăn nhất bởi vì Trời là một nhân vật rất trừu tượng và ông ta cũng không có miệng để cãi.

Thi công những công trình trong các lôcốt hoành tráng dẫn đến nạn kẹt xe, các nhà thầu đổ thừa cho trời mưa. Lô-cốt sập gây ra thương tích cho người đi đường được giải thích là do gió mạnh. Những công trình xây mương dẫn nước thủy lợi nhập điền siêu dỏm ở các tỉnh miền Trung từ nguồn quỹ 135 bị tan hoang sau mùa lũ được các nhà xây dựng đổ thừa là do bão lụt. Bà con nhiều huyện miền núi Quảng Ngãi được xây bể chứa nước sạch nhưng không có một giọt nước nào làm thuốc được chính quyền các địa phương giải thích là do hạn hán. Mưa, gió mạnh, bão lụt, hạn hán là những sản phẩm của trời chứ không phải do thói tham, do đầu bư, do không dám chịu trách nhiệm của con người gây ra.

Hết đổ thừa cho trời, người ta có thể đổ thừa cho đất. Đất cũng không có miệng mà cãi nên chuyện đổ thừa cho đất xem ra cũng khá chắc ăn. Thí dụ mần cái hầm cầu chui Văn Thánh, sửa lui sửa tới lún nứt đến nhiều nhà dân, người ta đổ thừa do đất yếu. Biết là đất yếu mà không chơi móng cọc bê-tông siêu dài, chỉ lấy cừ tràm ngắn ngủn như cái tăm hương cắm xuống, lại vừa cắm vừa ăn cắp thì kể cũng lạ. Nền kho cảng Thị Vải lún nứt cũng được đổ thừa cho đất. Nhiều tỉnh miền núi phía Bắc xúi bà con khai phá đồi nương trồng cà phê. Cà phê chết toi chết dịch; bà con nông dân lâm cảnh nợ nần. Ngành nông nghiệp đổ thừa do thổ nhưỡng không phù hợp.

Các bậc “tiền nhân” đã đổ thừa lung tung cho trời và đất thì một “hậu bối” ở quận Tân Phú đổ thừa cho sét đánh đứt dây điện cũng là một điều có thể hiểu được. Thế nhưng vì sao nghệ thuật đổ thừa được phát huy một cách lâm ly biến ảo, kéo dài như dây thun?

Một là, hình như ta chưa hình thành văn hóa khẳng khái chịu trách nhiệm và từ chức. Cho đến bây giờ, người ta vẫn thương yêu quý trọng ông Lê Huy Ngọ khi ông khẳng khái từ chức bộ trưởng. Than ôi, ông Ngọ mà phòng chống bão lụt và khoanh vùng dịch cúm gia cầm thì quá hay, quá gần gũi dân chúng.

Hai là ở ta, pháp luật và các văn bản pháp qui dưới luật hình như chưa vạch ra được trách nhiệm cụ thể của từng bộ ngành, đơn vị. Nhân dân hẳn từng rất vui khi nghe ông bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu nói một cách hài hước nhưng đúng thực chất vấn đề một mâm cơm có đến ba bộ quản lý. Bộ Công thương quản lý chất lượng các loại thuốc trừ sâu rầy, thực phẩm màu, phụ gia thức ăn gia súc gia cầm nhập khẩu... Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn quản lý quá trình nuôi trồng... Bộ Y tế quản lý chất lượng mâm cơm được chế biến... Nếu trong tô canh của mâm cơm ấy có dư lượng thuốc trừ sâu rầy khiến nhiều người phải đi cấp cứu thì khó mà quy trách nhiệm cho bộ nào. Mà hễ ba bộ cùng chịu thì không có ai chịu trách nhiệm chính cả.

Sau cùng, nếu không đổ thừa được cho khách quan thì ở ta có khuynh hướng tìm một người xấu xấu, chức vụ làng nhàng làm lễ vật hiến tế, gọi là đã giải quyết xong. Tui cố vấn cho ngành điện Tân Phú thế này: Cứ lựa một ông thợ đường dây già già, ốm yếu ho hen, quy trách nhiệm cho ổng mắc dây điện hổng kỹ làm dây đứt chết người. Ngành tặng cho ổng một ít tiền, đuổi ổng về hưu sớm, gởi một thông báo báo chí gọi là “Xử lý rốt ráo”. Cũng rứa, các xí nghiệp nhà máy đang gặp lúc khủng hoảng tiền tệ, lượng hàng hóa sản xuất ra có giảm sút. Các vị lãnh đạo có quyền đem... anh bảo vệ ra mà đuổi việc và tuyên bố rõ sản phẩm sụt số lượng là do cha bảo vệ này gây ra. Cái đó kêu bằng là “Xử lý nghiêm khắc”. Ha ha ha.

ĐỒ BÌ