BIỆN HỘ
“Một hôm ra đường, tôi thấy một anh tuổi trạc 35-40, đứng cầm bảng “Work for food”. Anh trông khỏe mạnh, áo quần tươm tất. Tôi tự hỏi người khỏe mạnh như anh sao không đi làm? Hay anh lười biếng chăng? Cho anh ta tiền liệu có giúp hay còn hại anh hơn? Từ suy đoán này đến suy đoán khác, tôi vẫn không có câu trả lời. Tôi giả lờ nhìn sang hướng khác, tránh phải đối diện với đôi mắt u ẩn, khẩn cầu của anh. Tôi mong đèn bật xanh sớm để phóng xe đi cho thật lẹ, để lương tâm khỏi phải ở trong tình trạng giằng co, bứt rứt như vầy. Bóng anh đã khuất, nhưng cặp mắt u buồn của anh vẫn còn in đậm trong tâm trí tôi. Lòng tôi bị dằn vặt, áy náy dâng tràn, vì đã bỏ lỡ cơ hội giúp người.” (Lời chia sẻ của Terri)
“Tôi cũng giống như chị. Tôi phải mất một thời gian khá lâu mới có thể cho đi mà không thắc mắc người homeless đó sẽ làm gì với số tiền tôi cho.” (Lời chia sẻ của Sherry)
“Năm đầu khi mới sang Mỹ, có lần tôi cho một người nghèo tiền. Tôi vừa quay lưng bước được vài bước, bị một ông cảnh sát chặn lại. Ông ta hỏi người homeless kia đã nói gì với tôi. Với giọng run run, pha lẫn chút sợ hãi, tôi nói với viên cảnh sát rằng anh ta chỉ nói cám ơn. Xứ Mỹ này luật lệ phức tạp quá, có khi giúp người khác còn bị phiền toái thêm. Từ đó về sau, tôi không dám giúp ai ngoài đường nữa.” (Lời chia sẻ của BN)
“…Mỗi khi Giáng Sinh về, nay đã 26 năm, hình ảnh của một buổi sáng mùa đông năm nào lại sống dậy trong tôi. Hôm đó là sáng 25, Giáng Sinh, lúc đó khoảng 6 giờ sáng, tiết đông lạnh vẫn còn vấn vương trong không gian, vừa đạp xe, tôi vừa cúi gập cổ, hai tay sát vào người để tránh bớt cái giá lạnh. Cửa các căn nhà đóng kín mít. Mọi người vẫn còn chìm đắm trong giấc ngủ. Đi ngang qua trước thềm một căn nhà, tôi thấy một người homeless mình trần, đang nằm co ro. Thoạt trông thấy anh, tôi muốn dừng xe lại, cởi ngay chiếc áo trên người đưa cho anh. Nhưng một suy nghĩ khác chợt đến: “Không được! Tôi không thể để mình trần đi về căn nhà tôi đang ở. Như thế dễ gây sự chú ý cho công an khu vực. Họ sẽ chặn tôi, hỏi giấy tờ và làm phiền đến người chủ nhà nơi tôi đang cư ngụ (tôi đang trốn quân dịch, và ở tạm nhà người quen). Nghĩ thế, tôi bỏ ý trên, đạp xe thật lẹ về nhà. Tôi có thể trở ra với một chiếc áo khác cho anh, nhưng tôi đã không làm việc ấy. Suốt ngày hôm đó, tôi sống trong ray rứt, dày vò của lương tâm vì đã không giúp người khốn cùng kia. Hình ảnh đó đeo đuổi tôi suốt bao nhiêu năm. Đến nay tôi vẫn không quên được. Tôi không thể đi ngược dòng thời gian tìm anh để tặng chiếc áo, tấm chăn. Nhưng cũng từ ngày đó trở đi, tôi không bỏ lỡ các cơ hội trao những cái áo, tấm chăn tình thương đến những người anh, chị, em khốn cùng của tôi.” ( Lời chia sẻ của TB)
******************
Qua các tâm tình chia sẻ của các anh chị em trong nhóm chiều nay, chúng tôi thấy mình giống như vị linh mục và vị luật sĩ trong bài Tin Mừng của Thánh Luca (10:25-37). Chúng tôi hay tìm mọi lý lẽ để biện hộ, viện cớ này, cớ kia cho những thiếu xót, bất toàn của bản thân từ những việc nhỏ nhặt như đọc kinh đêm, dự lễ ngày Chúa Nhật, đến những sinh họat của cộng đoàn, hoặc các việc làm từ thiện, bác ái:
- Đêm về, nằm trên giường làm dấu thánh giá, miệng lẩm nhẩm: “Chúa ơi! Chiều nay con phải thêm giờ, mệt quá! Xin Chúa cho con ngủ một đêm an lành. Amen.”
- Lễ Chúa Nhật: “Không sao, chắc Chúa không chấp nhất gì chuyện đi lễ trễ. Không nghe được Lời Chúa, nhưng rước Mình và Máu Thánh Chúa vào lòng cũng tốt rồi.”
- Tổng vệ sinh trong giáo xứ: “Mình ghi danh, nhưng bây giờ không đi, đâu có ai biết. Không có mợ, chợ vẫn đông!”
- Ca đoàn: “Nói rằng tập hát lúc 8 giờ, nhưng có ai đến đúng giờ bao giờ! Người ta đi trễ, tôi cũng đi trễ như họ!”
- Việc từ thiện: “Quá nhiều hội từ thiện xin giúp đỡ, làm sao biết ai thật, ai giả? Liệu tiền mình gởi có đến tay mấy người nghèo hay không? Thôi khỏi giúp!”
- Vân vân…. và vân vân…..
Vị linh mục trong đọan Tin Mừng trên có thể không đến nỗi thất nhân tâm vậy đâu. Biết đâu, ngài vừa đi vừa cầu nguyện xin Chúa gởi người khác đến giúp người bất hạnh kia thì sao? Để giáo dân chờ lâu, ngài sẽ bị mất uy tín.
Vị luật sĩ kia có thể có cùng suy nghĩ với vị linh mục. Vì sợ trễ buổi họp với các viên chức lớn trong cộng đồng, nên ngài đành bước sang bên kia đường, để mặc nạn nhân nằm nửa sống nửa chết.
Chỉ có người xứ Samari, người không cùng một chủng tộc, màu da với người hành khách xấu số, đã dừng lại săn sóc nạn nhân, không viện cớ chối từ. Khi đã làm, ông không làm qua loa, cho có lệ. Nguợc lại, ông làm đến nơi, đến chốn. Chính ta tay ông đã băng bó vết thương và đặt nạn nhân lên lưng con lừa, còn ông đi bộ. Ông trao cho chủ quán trước một số tiền để lo thuốc men cho nạn nhân, và hứa: “Có tốn kém bao nhiêu, khi tôi về, chính tôi sẽ hoàn lại bác.”
Tình yêu chân thật, không có chỗ cho sự bào chữa len vào.
******************
Lạy Chúa, xin Chúa hãy biến đổi con tim chai đá của con thành con tim thịt mềm biết rung động, xót thương, cảm thông với nỗi đau của những người anh em đồng loại của con như người Samaritan nhân từ trên. Xin đừng để con tim con bị dẫn dắt bởi luật lệ của xã hội, lý lẽ của lý trí, cớ này, cớ kia. Nhưng hãy để luật yêu thương của Chúa là đường, là kim chỉ nam cho mọi lời nói, hành động, việc làm của con. Amen!
Lữ Khách