Friday, February 20, 2009

THỨ TƯ LỄ TRO

Cá thì dễ ươn, thây ma dễ thối, con người dễ hư.

Con người vốn mang xác thịt nặng nề, là mục tiêu cho ma quỷ và dục vọng tấn công và xâu xé. Chỉ một phút yếu lòng, thiếu canh phòng là con người bị sa ngã, bị hư hỏng và ươn thối.

Vua Đa-vít vốn là một vị vua khôn ngoan, sáng suốt, tài năng đức độ được liệt vào hàng thánh vương, thế mà chỉ vì hình ảnh của một phụ nữ xinh đẹp là Bát-sê-ba lọt vào tâm trí cũng đủ làm nhà vua chao đảo, rồi nhà vua sa ngã, phạm tội cướp vợ người khác và giết luôn cả chồng bà là U-ri-gia, đang khi anh ta đang anh dũng chiến đấu ngoài chiến trường để bảo vệ ngai vàng của vua! (II S 11)

Rồi ngay cả con vua Đa-vít là Salômôn, một vị vua có tiếng là khôn ngoan vô tiền khoáng hậu, nhưng cũng quá mê đắm xác thịt, có đến bảy trăm thê thất và ba trăm hầu thiếp, xiêu lòng theo các tà thần của dân ngoại, xây đền thờ cho họ đối diện với núi thánh Giê-su-sa-lem và đã làm sự dữ trước mắt Gia-vê (I V 11, 1-13).

Nói chung, dù ở bất cứ địa vị nào, đẳng cấp nào trong xã hội và tôn giáo cũng có những con người danh giá cao trọng đã phải ngã gục thảm thương và hư thối: hư thối vì tham nhũng, hư thối vì những bê bối tình dục, hư thối vì lạm quyền, độc đoán…

Cá thì dễ ươn, thây ma thì mau thối, con người thì rất dễ hư !

Triết gia Platon diễn tả thân phận con người "như cỗ xe có hai ngựa kéo". Một con ngựa trắng kéo ta về đường lành, đang khi con ngựa đen luôn lôi kéo ta về điều dữ. Thế là con người luôn bị giằng co xâu xé bởi hai thế lực đối kháng nhau.

Ngay cả thánh Phao-lô là vị tông đồ rất nhiệt thành và thánh thiện cũng cảm thấy những dục vọng đen tối làm xáo trộn tâm hồn của ngài: "Điều lành tôi muốn, tôi lại không làm; trong khi tôi lại làm những điều tôi gớm ghét, …thật khốn thân tôi!”

Nhân loại phải mất hàng triệu năm tiến hoá mới có thể thoát ra khỏi hang động và đời sống man rợ, nhưng con người ngày nay chỉ cần vài phút yếu lòng là có thể trở về với đời sống man rợ đó.

Dường như thân phận con người cũng như những viên bi tròn được đặt trên những mặt phẳng nghiêng. Sức nặng của viên bi lôi kéo nó lăn xuống thế nào thì cũng chính sức nặng của xác thịt và bản năng hư hèn cũng thường xuyên lôi kéo chúng ta xuống bùn như thế.

Hãy cùng chiến đấu với Chúa Giê-su

Cuộc đời chúng ta cũng giống như những con thuyền bơi ngược dòng, phải luôn luôn vững tay chèo lái, phải luôn quyết tâm vươn về nguồn mà không để đời mình trôi xuôi theo dục vọng, thì mới có thể tiến về nguồn là Chúa Ki-tô.

Sống là tranh đấu. Bao lâu còn chiến đấu, con người mới có thể tồn tại như một con người. Khi ngừng chiến đấu, con người không còn giữ được phẩm chất cao đẹp của mình.

Khi làm người, Chúa Giê-su mang thân phận con người hoàn toàn y như chúng ta. Ngài cũng từng bị cám dỗ y như ta. Những cơn cám dỗ mà hôm nay chúng ta đang phải chịu thì Ngài cũng đã từng chịu, có khác là Ngài đã chiến đấu rất anh dũng, rất kiên cường, không bao giờ lùi bước trước mọi cám dỗ và thử thách. Nhờ đó Ngài luôn luôn chiến thắng và chiến thắng rất vinh quang. Thư Do-thái viết: “Ngài đã chịu thử thách về mọi phương diện cũng như ta, nhưng không phạm tội” (Dt 4, 15).

Ý chí chúng ta vốn mềm yếu. Xác thịt thì quá nặng nề. Đam mê tội lỗi luôn thôi thúc lôi kéo chúng ta xuống vực. Những quyến rũ ở đời dễ làm chúng ta ươn thối…

Chúng ta thừa biết rằng tự sức mình, chúng ta không thể nào vượt thắng các thách thức và cám dỗ. Vậy trong mùa chay nầy, chúng ta hãy vào sa mạc tâm hồn mà chiến đấu cùng Chúa Giê-su, với Chúa Giê-su. Hãy luôn kết hiệp với Chúa Giê-su, hãy để cho lời Ngài nên khí cụ giúp ta chiến đấu. Hãy rước lấy Mình Máu thánh Ngài hằng ngày để kết hiệp gắn bó với Ngài hơn. Và một khi có Ngài ở bên chúng ta, ở trong chúng ta, cùng chiến đấu với chúng ta thì chúng ta mới có thể chiến thắng được tội lỗi và trung thành đi theo đường lối Thiên Chúa như Ngài.

LM Inhaxiô Trần Ngà

***

Lạy Chúa Giêsu,

bị cám dỗ là thân phận của con người,

nhưng thắng được cám dỗ là nhờ ơn của Chúa.

Cuộc sống hôm nay

cho chúng con bao cám dỗ ngọt ngào,

làm khuấy động những thèm khát nơi chúng con.

Cám dỗ chiếm đoạt và sở hữu.

Cám dỗ thống trị bằng quyền uy hay tri thức.

Cám dỗ sống buông thả theo bản năng tự nhiên.

Cám dỗ nào cũng hứa

cho chúng con ít nhiều hoan lạc,

nhưng thật ra lại làm chúng con nghèo nàn

vì tự giam mình trong cái tôi ích kỷ.

Xin cho chúng con thắng được các cơn cám dỗ

nhờ tỉnh thức và cầu nguyện,

nhờ chay tịnh và làm chủ bản thân.

Xin cho chúng con dám lội ngược dòng với thế gian,

để đi vào con đường hẹp của Chúa,

con đường nghèo khó khiêm nhu,

con đường hy sinh phục vụ.

Ước gì chúng con được lớn lên trong tình yêu Chúa,

sau những lần chiến đấu vất vả cam go.

Và ngay cả khi yếu đuối ngã sa,

xin cho chúng con can đảm đứng lên,

vững tin vào lòng Chúa tín trung tha thứ.

Amen.

(Rabbouni)

BẠI LIỆT

Bệnh bại liệt còn gọi là bệnh viêm tủy xám hay còn gọi là bệnh Polio (Poliomyelitis).  Chứng bệnh này do siêu vi trùng poliovirus gây ra.  Khi nhiễm vào cơ thể,  siêu vi trùng poliovirus đi vào hệ thần kinh trung ương, làm yếu các cơ bắp và lâu dần làm bại liệt.

Trước đây, bệnh bại liệt xảy ra rất nhiều nơi con người, đặc biệt là nơi trẻ em.  Nhưng vào năm 1840, bác sĩ Jakob Heine đã nghiên cứu ra nguyên nhân gây bệnh và đã bào chế ra vắc-xin để phòng ngừa. Từ đó số nạn nhân của bệnh bại liệt đã giảm đi rất nhiều trong những thập niên gần đây.

(Nguồn: Tự Điển Bách Khoa Toàn Thư Wikipedia)

***

Bạn thân mến! Người bại liệt chịu nhiều thiệt thòi. Họ không thể làm được những việc cần làm.  Không thể đến được những nơi muốn đến. Người bại liệt trong Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay cũng thế. Anh được nghe biết Ðức Giêsu đã làm phép lạ chữa nhiều bệnh tật, anh muốn đến xin Ngài chữa lành bệnh tật, nhưng anh không có khả năng một mình đi đến gặp Ngài.  Trong đời sống thiêng liêng, đó là hình ảnh của những tâm hồn bại liệt.  Chúa vẫn rộng rãi ban phát ân huệ của Ngài, nhưng đối với những tâm hồn bại liệt, dù muốn cũng không thể đến lãnh nhận ân phúc của Ngài được.

Có tâm hồn bị bại liệt vì yếu đuối. Tâm hồn yếu đuối bị những đam mê, dục vọng đè bẹp, không sao chỗi dậy được.  Ðam mê, dục vọng giống như những sợi dây, rất mềm mại nhưng cũng rất chặt chẽ.  Tâm hồn bị đam mê, dục vọng trói buộc sẽ trở nên tê liệt, thấy những điều tốt đẹp nhưng ngại ngùng phấn đấu, mất hết ý chí chỗi dậy, vươn lên.

Có tâm hồn bị bại liệt vì do dự. Tâm hồn do dự có nhiều ước muốn tốt đẹp, nhưng cứ mãi băn khoăn suy tính, rồi cơ hội qua đi mà vẫn không làm được điều mình mong muốn. Có tâm hồn bị bại liệt vì chai đá.  Tâm hồn chai đá hoàn toàn mất hết khả năng ước muốn điều lành, thờ ơ với việc thăng tiến bản thân, dị ứng với những việc đạo đức.  Ðây là thứ bại liệt đáng sợ nhất.

Người bại liệt trong Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay đã tìm ra phương thế để đến với Chúa. Ông nhờ những người thân khiêng tới.  Khi người bại liệt được đưa xuống trước mặt Ðức Giêsu, Ngài cảm nhận ngay Đức Tin mạnh mẽ của họ.

Đức tin không chịu lùi bước trước khó khăn: phải vượt qua đám đông chật cứng trước cửa. Gặp đám đông vây quanh, chắn lối đến với Ðức Giê-su, họ không sờn lòng nản chí, không bàn chuyện tháo lui, nhưng cương quyết tìm biện pháp khắc phục những khó khăn.  Ðã nỗ lực đổ mồ hôi để khiêng người bệnh đến, giờ đây họ lại phải nỗ lực vận dụng trí não để tìm cách đưa người bệnh tiếp cận Ðức Giê-su. Ðức Tin trong sáng đã làm cho trí khôn họ trở nên sáng suốt. Họ mau chóng tìm được một lối khác để đến với Người.

Ðức Tin đơn sơ trong sáng có những sáng kiến tuyệt vời, táo bạo. Đức tin tìm ra con đường khác thường để đến với Ðức Giêsu: không qua bằng cửa chính, nhưng bằng lỗ hổng ở mái nhà.  Không vào được cửa chính, họ trèo lên mái nhà. Không có cửa thì họ làm ra cửa. Tháo rỡ mái nhà quả là một biện pháp táo bạo.  Biện pháp táo bạo càng chứng tỏ Ðức Tin mãnh liệt của họ.

Đức Tin mang tính tập thể, đồng tâm nhất trí: người bại liệt cần bốn người bạn khiêng mình, bốn người khiêng đồng ý cùng nhau giúp người bại liệt. Ðức Tin giúp ta đồng tâm nhất trí với nhau.  Niềm tin chân thực loại trừ mọi xung khắc bất đồng, dẫn đến đoàn kết, hợp tác, cùng nhau làm những việc tốt có ích lợi cho người khác.

Ðức Tin  giúp ta không suy tính, do dự, nhưng cương quyết bắt tay vào việc làm, không chịu ngồi lì một chỗ.  Nhìn thấy việc phải làm, họ bắt tay vào làm ngay không để chậm trễ, không e dè vì gánh nặng, không mất thời giờ bàn bạc, so đo, tính toán, trốn tránh trách nhiệm.  Biết người bệnh cần gặp Ðức Giê-su, họ lập tức đi tìm cáng và bảo nhau khiêng người bệnh đến ngay.

Nhìn vào Ðức Tin trong sáng của bốn người khiêng, ta thấy Ðức Tin của mình ra sao?  Đức Tin của ta có còn hoạt động không?  Có bị tê liệt không?  Tê liệt vì những đam mê dục vọng trói buộc.  Tê liệt vì những lười biếng thiếu cố gắng.  Tê liệt vì những ước muốn nửa vời.  Tê liệt vì lòng nguội lạnh thiếu nhạy cảm trước những nhu cầu thiêng liêng…

Hôm nay, ta hãy noi gương bốn người khiêng bệnh nhân.  Hãy ra khỏi tình trạng tê liệt tâm hồn.  Hãy lên đường, ra đi đừng ngại ngùng, do dự. Hãy biến Ðức Tin thành những việc làm chuyên chở đức bác ái.  Hãy phấn đấu vượt qua mọi khó khăn.  Hãy sống Ðức Tin một cách sáng tạo, vui tươi và đoàn kết.  Một Ðức Tin như thế sẽ trở thành ngọn đèn phá tan đi bóng tối đang phủ vây giăng mắc, soi đường dẫn lối cho ta đi đến với Chúa.

***

Lạy Chúa Giêsu!  Xin thêm Ðức Tin cho con.  Xin cho con nhận ra những bại liệt trong tâm hồn, biết chạy đến với Chúa để cầu xin ơn chữa lành Chúa ban. Amen.


Trích R. Veritas

ƠN GỌI NÊN THÁNH

Một bà thánh không làm gì cả?

Sáng ngày 21-04-1962, cô bé Jeanne Emmanuelle Molla ra đời, và bảy ngày sau, ngày 28-04-1962, mẹ của cô đã qua đời. Bảy tháng trước đó, người mẹ của cô đã bị u xơ tử cung, nhưng với tư cách là một bác sĩ, bà yêu cầu giữ con mình lại. Trước ngày sinh nở, bà biết rằng sinh mạng mình có thể bị đe dọa nếu tập trung vào mạng sống đứa con. Bà nói với các bác sĩ: «Nếu quí vị phải lựa chọn giữa con tôi và tôi, thì hãy chọn con tôi, tôi đòi hỏi như thế. Hãy cứu lấy nó». Người phụ nữ ấy chết năm 39 tuổi. Bà không làm gì cả ngoại trừ chết đi để bảo vệ mạng sống của con ruột mình. Ngày 15-05-2004, bà đã được phong thánh: thánh Gioanna Baretta Molla. Trong giờ kinh Truyền Tin ngày 23-12-1973, Đức Phaolô VI đã nói như sau: «Một người mẹ còn trẻ thuộc giáo phận Milan, vì muốn cứu mạng sống con gái mình, đã hy sinh mạng sống mình trong một cuộc hiến tế có tính toán trước». Thế đấy, chỉ cần là một người mẹ trọn vẹn ý nghĩa cũng đủ được phong thánh.  Thậm chí, một tay sát nhân cũng có thể làm thánh.

Một ông thánh sát nhân?

Ngày 25-02-1954, Jacques Fesch cầm súng bước vào một chi nhánh ngân hàng để cướp hơn hai triệu franc Pháp.  Vụ cuớp bất thành. Một cảnh sát rượt đuổi anh, anh bắn chết viên cảnh sát ấy. Anh bị bắt giam vào nhà tù Santé ở Paris, và ở đấy trong ba năm trước khi bị kết án tử hình.  Ngày 01- 10- 1957 anh bước lên ghế điện để đền tội khi mới được 27 tuổi.

Thế nhưng thời gian ngồi tù đã giúp anh hoán cải.  Ngày 01-05-1955, anh viết vào nhật ký trong tù của mình : « Tôi đã nghe một tiếng nói không xuất phát từ mặt đất nói với tôi rằng : Jacques, con nhận được ân sủng để chết. »  Đấy là biến cố đã giúp anh hoán cải, và kể từ đấy anh sống một đời sống thiêng liêng kết hiệp với Thiên Chúa.  Sau này, anh công bố : « Tôi được ban đầy dẫy ơn lành. Người ta đã cứu thoát tôi ngoài ý muốn của mình, người ta đưa tôi thoát khỏi cái thế gian chực làm cho tôi hư mất ». Sau khi qua đời, anh đã để lại 4 tác phẩm phản ảnh đức tin sống động của mình : Journal spirituel (Nhật ký thiêng liêng), Lumière sur l’échafaud (Ánh sáng trên đoạn đầu đài), Cellule 18 (Xà lim 18), Dans cinq heures je verrai Jésus (Năm giờ nữa tôi sẽ gặp Chúa Giêsu).  Các tác phẩm này đã khiến cho Giáo hội tiến hành một cuộc điều tra sơ khởi nhằm phong thánh cho anh, một người mà Đức Hồng Y Lustiger hy vọng rằng một ngày nào đó sẽ được Kitô hữu tôn kính như một «điển hình cho sự thánh thiện».  Ta có nên giam cầm mãi một tên tội phạm trong tội ác của mình, dù cho sau đó người ấy có làm gì đi nữa, hay ngược lại, ta phải khẳng định rằng một người đã phạm tội ác có thể trở được biến đổi sau khi ý thức việc mình làm và hoán cải thâm sâu ?

Con đường nên thánh

Hẳn là điều nghịch lý khi suy nghĩ về con đường nên thánh mà lại minh họa bằng một kẻ sát nhân.  Dù cho người ta đang tiến hành hồ sơ phong thánh cho anh, thì hàng loạt vấn đề đã được đặt ra. Các công đoàn của giới cảnh sát chống lại đề nghị của đức Hồng Y Lustiger, vì họ muốn bảo vệ danh dự và vinh quang cho người đồng nghiệp đã bị Jacques Fesch giết… Phải tin tưởng vào ơn tha thứ, nhất là khi hiểu rằng sự tha thứ chỉ thực sự trọn vẹn khi phải tha thứ những gì không thể nào tha thứ được. Và khi chúng ta nêu lên một ví dụ đi ngược lại với mọi lôgíc con người như thế, thì mới thấy được lòng thương xót của Thiên Chúa và hiểu được sự thánh thiện mà Chúa đã dành cho mỗi một con người, dù cho người ấy được xem như là anh «trộm lành» trong thời đại hôm nay. Và điều này có thể cũng giải thích được phần nào một khía cạnh cũng không kém phần nghịch lý của Giáo Hội, ấy là Giáo Hội được mời gọi nên thánh, dù cho Giáo Hội bao gồm những chi thể tội lỗi.

Đấy là điều mà Đức Gioan Phaolô II đã muốn nói lên trong tông thư «Đầu thiên niên kỷ mới»: «Đừng hiểu lầm về lý tưởng trọn lành này như thể đời sống thánh thiên đòi hỏi phải có một cuộc sống phi thường mà chỉ vài người xuất chúng mới đạt đượcĐường nên thánh thì có nhiều và thích hợp với ơn gọi của từng người. Tiến trình nên thánh là một tiến trình cá nhân, đã đòi hỏi phải có một sư phạm đúng đắn về sự thánh thiện, để có thể thích nghi với nhịp sống của từng người».

Đức Giáo Hoàng cũng nhấn mạnh rằng tất cả mọi người đều được mời gọi nên thánh dù ở bất cứ giai đoạn nào trong cuộc đời: vào mùa xuân của tuổi thanh niên, mùa hè của tuổi trưởng thành, mùa thu và mùa đông của tuổi già yếu, vào giờ chết và cuối cùng, sau cái chết nữa. Ngài tuyên bố: «Ơn gọi của Kitô hữu là nên thánh. Ơn gọi ấy bắt nguồn từ Phép Rửa và được canh tân nhờ các bí tích khác, đặc biệt là bí tích Thánh Thể».


Trần Duy Nhiên