Friday, September 21, 2007

NHẬN LÃNH ĐỂ TRAO BAN

Một người kia suốt đời chỉ lo thu gom tiền bạc, cho nên rất giàu. Khi chết, ông còn ôm túi vàng theo mình đi sang cuộc sống bên kia. Đi một hồi ông thấy đói. Bỗng ông thấy một quán ăn bên đường, liền ghé vào. Vì hà tiện, ông hỏi người chủ quán:
-Tô cơm nhỏ này giá bao nhiêu?
-Chỉ một đồng thôi.
-Còn tô lớn kia?
-Cũng chỉ một đồng thôi.
Thấy rẻ, ông gọi luôn hai tô lớn. Nhưng người chủ quán bảo:
- Ở đây chỉ xài loại tiền-cho-đi thôi. Ông có không?
Người hà tiện chỉ vào túi vàng của mình. Nhưng chủ quán nói:
-Đó chỉ là thứ tiền-lấy-vào. Ở đây không xài được.
-Thế tiền-cho-đi là tiền gì?
-Khi còn sống, mỗi lần ông cho ai bao nhiêu đồng thì ông được ban lại bấy nhiêu đồng loại tiền-cho-đi.
Ông nhà giàu lục lọi khắp nơi trong mình nhưng chẳng có đồng nào thuộc loại tiền-cho-đi cả. Thế là ông phải nhịn đói, sống trong thiếu thốn khổ cực đời đời .
* * * * *
Bạn thân mến, bao nhiêu đồng tiền cho đi là bấy nhiêu đồng tiền để dành cho đời sau vậy. Những người coi đồng tiền to hơn mạng sống của mình, rốt cuộc cũng chẳng được gì. Thấu hiểu lòng ham mê tiền bạc của con người, Chúa Giêsu đã kể dụ ngôn người quản gia khôn khéo. Người khen ông quản gia khôn khéo không phải vì hành động bất lương của ông, nhưng vì ông biết lo xa cho tương lai của mình. Ông khôn khéo vì ông biết dùng tiền của tạm bợ để mua lấy bạn hữu.
Nếu "con cái đời này" biết phải làm gì và làm cách nào đối với tiền của để to liệu cho ngày mai, thì tại sao " con cái sự sáng " lại không biết sử dụng ơn Chúa ban trong hiện tại để lo cho phần rỗi của mình ở tương lai?
Nếu người quản gia bất lương biết dùng tiền của bất chính để mua lấy bạn hữu, sao người tín hữu lại không biết sử dụng của cải phù dù, chia sẻ cho người nghèo khó để mua lấy bạn hữu Nước Trời.
Nếu người ta căn cứ vào cách dùng tiền của để biết được lòng người có trung tín hay không, thì tại sao chúng ta lại không " trung tín trong việc nhỏ " là sử dụng tiền của để bảo đảm cho ta của cải chân thật đời sau?
Thật vậy, chúng ta không trở nên giàu có với những điều mình đã nhận lãnh, mà là với những điều mình đã trao ban. " Trong dự tính của Thiên Chúa, người giàu chỉ là viên thủ quĩ của người nghèo ". Chính vì thế, chỉ khi nào biết quảng đại trao ban cho những kẻ thiếu thốn, chúng ta mới thực là những quản gia biết làm theo ý muốn của chủ, những quản gia trung tín và khôn ngoan. Chỉ khi nào biết coi tiền của là phương tiện phục vụ cho cùng đích là Nước Trời chúng ta mới thực sự " làm tôi Thiên Chúa".
* * * * *
Lạy Chúa, Trong cuộc sống trần thế, xin cho chúng biết nhận ra những gì là mau qua, là tạm bợ ở đời này để chúng con biết khôn ngoan tích trữ cho mình những gì là quí giá, là gia tài vĩnh cửu là hạnh phúc Nước Trời trong cuộc sống mai hậu. Amen.

R. Veritas

Wednesday, September 12, 2007

TÔI: NGƯỜI CON HOANG ÐÀNG

Tôi bước vào đời với một giấy thế vì khai sinh bằng tiếng Pháp, trong đó có ghi "fils de parents inconnus": con của cha mẹ vô danh. Lần đầu tiên tôi biết họ tên mình đúng như được ghi trong khai sinh là khi tôi đọc danh sách học sinh thi vào trung học. Trước đó, người ta gọi tôi là A-Ki. Ðến bây giờ tôi không biết vì sao tôi có cái tên đó, phải chăng vì vào thời ấy, người ta có thói quen đặt tên chó là Ki, hay vì không biết tôi xuất xứ từ đâu nên hỏi là "À Qui ?"

Tôi lớn lên trong vòng tay của các chị Dòng Nữ Tử Bác Ái và các cha Thừa Sai Dòng Thánh Vincent de Paul. Các cha mẹ nuôi của chúng tôi yêu thương những trẻ mồ côi với một tình thương vô vị lợi đến độ tôi thấy mình hụt hẫng, bởi lẽ suốt tuổi thơ, chúng tôi không nhận được một tình yêu "bình thường" nào như bao nhiêu bạn bè cùng lớp cùng trường. Thế nên khi tôi 17 tuổi, tôi đã bắt đầu nổi loạn và làm tất cả mọi sự ngược lại với tất cả mong ước của mọi người.

Hết trung học, tôi đi vào cuộc đời trong tình trạng tứ cố vô thân. Tôi thi vào Ðại Học Sư Phạm khoa Pháp Văn vì đó là nơi để tôi có thể trốn đi lính, được hưởng học bổng, mà lại khỏi phải học hành gì cả, vì tôi vốn là một học sinh từng đứng nhất lớp về môn Pháp Văn khi còn ở Yersin, một trường trung học công lập Pháp ở Ðà Lạt.

Tóm lại, từ năm 18 tuổi, tôi không thấy được những ân huệ mình đã được nhận, mà chỉ oán trách cuộc đời vì mình luôn ở vị thế thua thiệt so với những người chung quanh. Tình yêu thương của Thiên Chúa mà các cha mẹ nuôi tôi đã dạy bỗng trở nên một lưỡi đòng đâm vào tự ái của tôi và là một cái cớ để tôi chống lại Người. Tôi không thể chấp nhận một người Cha "toàn năng và yêu thương vô cùng" lại đối xử với tôi một cách bất công như thế, và tôi oán hận Người. Tôi ngang nhiên lăn vào đời sống tội lỗi một phần vì buồn chán và một phần như một hành động thách thức Thiên Chúa.

Có lẽ các bạn không cần tôi phải kể lại những tội lỗi tôi đã phạm. Các bạn chỉ cần biết rằng trong 10 giới răn, tôi không chừa một giới răn nào. May ra là điều răn thứ năm: chớ giết người. Mà tôi cũng không chắc nữa: có thể tôi cũng đã vô tình giết đi một mạng sống mà tôi từng đặt vào lòng một cô gái nào đó từng liên hệ với tôi... Càng lao vào tội lỗi, tôi càng thấy mình kiệt quệ vừa thể xác về tinh thần, rồi đối diện với một lỗ hổng trống rỗng ghê rợn...

Ðể lấp đầy nỗi ám ảnh khủng khiếp này tôi cần có một người bên cạnh. Tôi lập gia đình như một hành động chạy trốn, khi đang học năm cuối cùng đại học. Trong 7 cô gái tôi cùng liên hệ một lúc, tôi chọn người mà mình chỉ mới quen được hai tháng. Cô ấy là thanh niên gia đình Phật Tử từng đi biểu tình chống ông Diệm đàn áp Phật giáo. Tôi kết hôn mà không thắc mắc gì đến Bí Tích Hôn Nhân. Tôi đã tự tách mình ra bên lề Giáo Hội từ lâu rồi...

Cuộc hôn nhân ấy đưa tôi vào một đêm đen khác. Thay vì tìm được lối thoát, tôi thấy mình rơi vào một ngục tù ngộp thở hơn. Vì lớn lên bên cạnh những con người quá vô vị lợi, nên tôi trở thành một người chỉ biết đòi hỏi mà không bao giờ biết nghĩ đến hy sinh. Vợ tôi có mang, tôi trả về cho gia đình cô ấy lo mọi sự... Tôi không hề áy náy, và cũng chẳng thấy trách nhiệm gì.

Rồi tôi ra trường và chọn về Cần Thơ, trong khi vợ tôi vẫn còn ở Ðà Lạt. Thỉnh thoảng cô ấy xuống ở với tôi một vài tháng. Tôi chẳng biết thế nào là hạnh phúc, chỉ thấy toàn là phiền hà... Nhưng tôi quá mệt mỏi nên cũng không hề nghĩ đến chuyện ly dị. Vợ tôi chắc chắn là bất hạnh, nhưng thuở ấy tôi không bao giờ thoáng nghĩ trong đầu là tôi đang gây đau khổ cho một người câm lặng yêu thương mình.

Là một giáo sư, tôi không thể nào sống xô bồ như thời còn sinh viên. Tôi phải chọn một nơi vui chơi mà vẫn giữ được "tư cách". Tôi tuyên bố mình là người Công giáo và đến sinh hoạt trong nhóm sinh viên Công giáo. Vị Tuyên Úy Sinh Viên Công giáo Cần Thơ lúc bấy giờ là cha Hoàng Ðắc Ánh. Cha là một linh mục trẻ, vừa lấy xong tiến sĩ thần học và cử nhân Kinh Thánh ở nước ngoài về, thế nên cha vừa cởi mở vừa sâu sắc. Cha đến Cần Thơ với dự định thành lập tại đấy một trung tâm cho những trí thức Công giáo tương lai, như cha Pineau đã thực hiện tại Trung Tâm Phục Hưng, 44 Tú Xương Sài-gòn, vào thập niên 50.

Ði với bụt thì mặc áo cà sa. Ði với sinh viên Công giáo thì đọc Sách Thánh. Ngoài những giờ vui chơi "lành mạnh" tôi cũng dự những buổi chia sẻ Phúc Âm. Tôi cũng đi dự lễ, cũng rước lễ vì không muốn các bạn thắc mắc, nhưng không bao giờ xưng tội... Chúa đối với tôi là một trò đùa... Tôi đóng kịch là người ngoan đạo, nhưng trong thâm tâm tôi vẫn oán ghét Thiên Chúa, vì Người đã để cho tôi cù bơ cù bất trong cuộc đời và đặt nỗi tuyệt vọng trong một cái vỏ đàng hoàng của tôi: dù tôi có lăn lộn thế nào giữa đám đông, thì nỗi cô đơn của tôi cũng làm tôi ngộp thở từng giây từng phút. Không ít lần tôi đã nghĩ đến một phương thức tự tử êm ái.

Cho đến mùa Phục Sinh năm ấy qua, tôi nghe đọc sự Thương Khó Chúa Giê-su... Khi nghe vị chủ tế đọc lên: "Lạy Chúa, sao Chúa bỏ con", tôi bỗng rùng mình. Trong khoảnh khắc, tôi thấy toàn bộ sự chua chát của Ngài: Ðêm cô đơn ở Ghết-sê-ma-ni, tù đày, tra tấn, nhạo báng, phỉ nhổ, con đường lên Núi sọ với thập giá, tiếng búa, mũi đinh... tất cả. Và tôi cảm thấy Ngài là một người bạn chí thiết vì Ngài cũng đã bị cô đơn và bất công như tôi, hơn tôi.

Hôm đó là lần đầu tiên tôi về nhà tự ý mở Phúc Âm ra đọc lại sau mấy năm đọc máy móc với sinh viên. Không phải tôi đến với Lời Chúa đâu, tôi muốn chỉ đọc lại tiểu sử của một Người Bạn mà tôi thấy giống mình. Nhưng khi đọc Lu-ca về giây phút cuối cùng của Giê-su, thì tôi không còn hiểu gì nữa. Lu-ca viết: "Lạy Cha, con phó linh hồn con trong tay Cha". Tôi không thể hiểu tại sao một người bị bỏ rơi đến chết như thế mà vẫn còn tin tưởng và phó thác vào Cha mình.

Tôi đến trao đổi với cha Ánh. Cha lắng nghe thật lâu mà không nói tiếng nào. Cuối cùng cha đề nghị cùng đọc một đoạn khác của Lu-ca: đoạn "Người con hoang đàng". Tôi hiểu ý cha và bảo rằng tôi không muốn xưng tội đâu, vì tôi không biết phải xưng thế nào... tội của tôi nhiều quá. Cha Ánh bảo: "Anh cứ nói với Chúa những gì anh nói với tôi nãy giờ..." Rồi cha quỳ xuống trước mặt tôi và làm dấu Thánh Giá. Bầu trời như sụp đổ ! Không còn một linh mục khuyên nhủ một người "con hoang đàng" mà chỉ còn Thiên Chúa qua đại diện của Ngài đang quỳ cầu xin dưới chân tôi. Tôi choáng váng. Trước mặt tôi là hình ảnh một Thiên Chúa quỳ xuống để khẩn cầu tôi, để xin lỗi tôi: xin lỗi vì đã đem tình yêu vô biên của Người mà xúc phạm đến trái tim ti tiện của tôi.

Không thể nào đứng vững được, tôi sà xuống bên cha và lắp bắp: "Lạy Cha xin Cha tha tội cho con..." Tôi chỉ nói được có thế, rồi nghẹn họng... nước mắt cứ chực trào. Lâu thật lâu, tôi nghe: "cha tha tội cho con..." và tôi đã oà lên khóc... Kể từ ngày có trí khôn, không bao giờ tôi khóc, tôi ghét cái sướt mướt của đàn bà, hèn! Thế mà hôm đó tôi đã oà khóc như một đứa con nít...

và quả thật, kể từ ngày đó tôi đã trở thành một đứa con nít trong tay Cha trên Trời, Ðấng đã yêu tôi đến độ cho tôi cái đặc ân bị bỏ rơi giống như Con Chí Ái của Ngài. Tôi đã chấp nhận lại cuộc đời và cuộc đời đã chấp nhận tôi. Vâng, tôi là một đứa con hoang đàng trở về sau 10 năm chống đối, bởi vì tình yêu của Ngài mạnh hơn sự căm thù của tôi...

Tôi kể lại cuộc đời mình theo lời đề nghị của cha Uy, một linh mục trẻ DCCT, luôn thao thức gởi những chứng tích của Tình Yêu của Thiên Chúa đến cho từng người. Tôi viết lại đây theo đức vâng lời, vì tôi nghĩ đã đến lúc cuộc đời của tôi không còn thuộc về mình nữa. Sở dĩ tôi kể lại những đêm đen của đời mình, ấy không phải vì cuộc đời tôi có cái gì đáng nghe hơn cuộc đời một ai khác, nhưng chỉ để nói lên một điều mà hẳn nhiều người sẽ cho tôi là lộng ngôn nếu tôi không kể cái biến cố khiến tôi trở lại.

Và đây là điều duy nhất tôi muốn nói với những ai đang ở trong cô đơn, tuyệt vọng, tội lỗi như tôi trước đây: Bạn từng nghe rằng Thiên Chúa là một người Cha Nhân Lành đang chờ đợi bạn trở về xin lỗi Người, để Người có thể mặc cho bạn chiếc áo thượng hạng, mở tiệc lớn ăn mừng vì tìm lại một đứa con hoang đàng... Sai rồi ! Ðấy chỉ là câu chuyện trong dụ ngôn! Nhưng trong thực tế cuộc đời, Chúa không hề đợi bạn trở về. Người vẫn theo sát bạn, quỳ dưới chân bạn mà khẩn cầu, mà xin bạn tha thứ cho Người, bởi vì Người đã xúc phạm bạn khi yêu thương bạn, bất chấp mọi vết nhơ mà bạn đã tạo ra cho tâm hồn chính mình.

Bạn hãy nhìn xuống đi, rồi cũng như tôi, bạn sẽ bắt gặp Thiên Chúa đã quỳ dưới chân bạn từ lâu để khẩn cầu. Xin bạn hãy thương xót Người. Bạn nỡ lòng nào...

Phan-xi-cô Xa-vi-ê N.

Tuesday, September 11, 2007

CÔ ĐƠN

Cô đơn là cho đi mà không có người nhận, là muốn nhận mà chẳng có ai cho. Cô đơn là chờ đợi, mà cái mình chờ đợi chẳng xảy đến. Như hai bờ sông nhìn nhau mà vẫn nghìn trùng cách xa bởi dòng sông, nên cô đơn là gần nhau mà vẫn cách biệt. Không phải cách biệt của không gian mà là cách biệt của cõi lòng. Bởi đó, vợ chồng có thể cô đơn bên nhau.

Càng gần nhau mà vẫn cách biệt thì nỗi cô đơn càng cay nghiệt. Đã cay nghiệt mà vẫn phải gần nhau thì lại càng cô đơn hơn.

Người ta gần nhau mà vẫn có thể xa nhau, vì trong cuộc đời, mỗi người đều có hai thế giới. Thế giới riêng trong cõi lòng tôi và thế giới ngoài vũ trụ. Thế giới tâm hồn tôi sụp đổ thì thế giới bên ngoài thành hoang vắng, vô nghĩa. "Lòng buồn cảnh có vui đâu bao giờ". Vì thế, tôi có thể cô đơn giữa đám đông. Cả vườn hoa chẳng có nghĩa gì nếu không có loài hoa tôi kiếm tìm. Người đưa thư trở thành thừa thãi nếu không có cánh thư tôi đang chờ mong. Chỉ một cánh hoa của lòng tôi thôi cũng đủ làm cho cả khu đồi thành dễ thương. Chỉ một cánh thư thôi cũng đủ làm cho bầu trời xanh thăm thẳm. Làm gì còn cô đơn nữa nếu đã có bắt gặp.

Tôi cô đơn khi thấy quanh mình chỉ là những dòng sông lững lờ, chỉ là những con nước thờ ơ. Tôi có thể cô đơn vì tôi không đến được với người. Tôi cũng có thể cô đơn vì người không muốn đến với tôi. Cô đơn nào thì cũng là một hải đảo. Nhưng nỗi cô đơn bị người khác hờ hững thì cay đắng hơn. Khi tự mình không bước tới thì tôi cũng có thể tự mình bước ra khỏi hàng rào cô đơn đó. Còn nỗi cô đơn bị người khác thờ ơ thì đưa tôi vào nỗi buồn mà có khi đau đớn hơn tù đầy, có khi u ám hơn sự chết, vì đây là nỗi cô đơn tôi muốn chạy trốn mà chẳng trốn chạy được. Tôi thương, nhưng người khác có thương tôi không đấy là tự do của họ. Cho đi phần đời của mình mà không được đáp trả vì thế mới có xót xa.

Cô đơn của Chúa là nỗi cô đơn này.

Chúa đến với kẻ khác nhưng bị kẻ khác chối từ, gọi mà không có tiếng đáp trả, bởi thế, trong vườn Cây Dầu Ngài mới thấy cõi lòng trống trải. Trong cái trống trải ấy, theo Tin Mừng Máccô, Ngài tỏ lộ: " Linh hồn Thầy buồn đến chết được" (Mc. 14:34).

Làm gì có cô đơn nếu có lời đáp trả. Không có lời đáp trả nên mới cứ phải chờ đợi. Đợi chờ không là khởi điểm của cô đơn sao. Đợi chờ càng lâu thì nỗi cô đơn càng dài. Chờ đợi mà chẳng bao giờ xảy tới thì nỗi cô đơn càng héo hắt. Làm gì có cô đơn nếu không có kiếm tìm. Làm gì phải kiếm tìm nếu đã đầy đủ. Vì thiếu vắng nên mới phải đi tìm. Khi sự thiếu vắng quá cay đắng thì nỗi cô đơn dẫn đến sự chết.

Sự thiếu vắng không hệ tại im lặng của không gian hoặc vắng bóng người mà hệ tại sự trống vắng của con tim. Có những quãng đời cô tịch, tôi đi một mình, nhưng càng lặng lẽ tôi càng thấy niềm vui nhiệm mầu trong hồn. Có những khúc đời chung quanh tôi tấp nập bước chân, rộn rã lời cầu chúc mà tôi vẫn nghe hiu hắt. Chúa cũng vậy, những đêm dài ở sa mạc chỉ có trăng và cỏ cây, chỉ có núi đồi và gió, nhưng Chúa không cô đơn. Chiều thứ sáu ở Jêrusalem tấp nập chân người mà cõi lòng Chúa thì hoang vắng. Trong vườn Cây Dầu có các môn đệ đi theo mà Chúa vẫn thấy lẻ loi.

Kẻ cô đơn là kẻ đi tìm niềm cảm thông nhưng chẳng gặp. Vì không gặp nên họ đành trở về thế giới nội tâm cô lẻ của riêng mình. Vì thế giới nội tâm đó đang heo hút trống vắng, nên họ chỉ bắt gặp sự thiếu thốn ở đó mà thôi. Sống trong thiếu thốn để rồi nhìn kẻ khác đầy đủ vì thế mới có nước mắt xót thương cho đời mình.

Ai cũng có lúc cô đơn vì chẳng ai đầy đủ. Ai cũng phải đi tìm vì ai cũng thiếu vắng. Nhưng có những thiếu vắng dễ tìm thấy. Có những thiếu vắng như mênh mông vô hạn. Khi Chúa mất hết tình thân, Chúa tìm đến với Chúa Cha: " Ôi! Cha cũng bỏ con sao".

Khi lòng tôi tan nát, khi đời tôi đắng cay, tôi cũng vẫn còn hy vọng là Chúa. Nếu tôi mất Chúa thì đây mới là sự thiếu vắng hoang tàn nhất. Đây là cô đơn không còn lối thoát.

Trong nỗi cô đơn của tôi hôm nay, khi mà tôi không còn tìm đâu được niềm vui, tôi cũng sẽ nói với Chúa như chính Ngài đã nói với Chúa Cha: -- Ôi! Cha cũng bỏ con sao .

* * * * *

Lạy chúa, con tin là Chúa hiểu cõi lòng con. "Ôi! Cha cũng bỏ con sao?". Đấy chính là lời nguyện của Chúa, lời nguyện của kẻ cô đơn trong giờ cô đơn nhất..

Chỉ có ai đã cô đơn mới có thể hiểu nỗi buồn, mới thấy cái hoang dại trong cuộc đời của kẻ cô đơn. Chúa đã cô đơn trên thập giá.

LM. Nguyễn Tầm Thường, S.J.

Wednesday, September 5, 2007

Kinh Lạy Cha

Một bạn trẻ cầu nguyện:

- Lạy Cha chúng con ở trên trời…

Thiên Chúa:

- Con gọi gì vậy?

- Đừng có ngắt ngang, con đang cầu nguyện.

- Nhưng mà con đang gọi đến Ta.

- Con gọi đến Ngài? Không, đâu phải vậy, chúng con luôn cầu nguyện như thế: Lạy Cha chúng con ở trên trời…

- Đó, thêm một lần nữa con lại gọi Ta đến, muốn thưa một chuyện gì? Nào hãy bắt đầu đi!

- Chúng con nguyện Danh Cha cả sáng…

- Con có nói thiệt không đấy?

- Con nói thiệt cái gì?

- Nói thiệt là nguyện cho Danh Ta cả sáng. Ý nghĩa của câu này là gì con biết không?

- Nó có nghĩa là ... là... Trời ơi, làm sao con biết được nghĩa là gì?

- Nó có nghĩa là con tôn thờ Ta và Ta là người quan trọng duy nhất, với một danh xưng luôn được tôn kính.

- Vậy à, con hiểu rồi. Thôi để con cầu nguyện tiếp: Ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời...

- Con có làm như vậy thật không?

- Làm như ý Cha hả, đương nhiên rồi. Con đi tham dự thánh lễ Chúa nhật đều đặn, con giúp cho nhà thờ và luôn đóng góp cho những việc từ thiện.

- Ta muốn con làm thêm hơn nữa. Ta muốn con ổn định lại cuộc sống của con. Muốn con bỏ đi những thói quen tật xấu để khỏi làm phiền đến người khác, muốn con nhìn thấy suy nghĩ của người khác và biết suy nghĩ cho người khác, để mọi người chung quanh con được giúp đỡ, và để mọi người nhận biết được chân lý. Ta muốn con chữa lành cho những người bệnh tật, muốn con làm cho những người đói được no đầy, những người đau khổ được an ủi, những kẻ tù đầy được tự do. Vì tất cả những gì con làm cho họ, là con làm cho chính Ta.

- Tại sao Ngài lại trách móc những điều này nơi con? Ngài thử nghĩ xem, trong nhà thờ còn bao nhiêu kẻ giả hình đang ngồi đó? Ngài hãy nhìn kỹ đi kìa!

- Xin lỗi nhá! Ta cứ tưởng con cầu nguyện cho vương quốc của Ta trị đến và ý của Ta được thể hiện. Vậy hãy bắt đầu từ nơi bản thân mình, là người cầu nguyện những điều ấy. Khi nào ý của con giống như ý của Ta thì lúc đó con mới xứng đáng là người rao giảng Tin Mừng về vương quốc của Ta.

- Con thông hiểu rồi, vậy Ngài hãy để cho con cầu nguyện tiếp tục: Xin Cha cho chúng con lương thực hằng ngày.

- Nhưng con đang nặng cân quá rồi. Điều con đang cầu nguyện nói lên trách nhiệm của con đối với hàng triệu người đang đói khổ trên thế giới, hãy lo cho họ thức ăn đầy đủ hằng ngày.

- Xin Cha tha nợ cho chúng con, như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con!

- Vậy đối với người đồng nghiệp của con thì sao?

- Ngài đừng có nhắc đến cái thằng khốn nạn ấy! Ngài biết mà, nó đã nhục mạ con trước mặt mọi người. Nó kiêu căng phách lối, mỗi khi thấy mặt nó là đã làm cho con bực tức. Nó cũng biết điều đó nhưng nó không tôn trọng con. Nó chỉ chọc giận con thôi, nó là cái thằng đáng ghét.

- Ta biết! Ta biết! Nhưng mà lời cầu nguyện của con?

- Thật ra con đâu nghĩ như vậy.

- Ít ra thì con đã thật lòng. Con có vui không khi luôn mang theo trong lòng của mình nhiều cay đắng và sự ác cảm?

- Không… Nhưng thằng đồng nghiệp làm cho con muốn bệnh luôn.

- Ta muốn chữa cho con. Hãy tha cho nó và cho chính con. Có thể Ta đã tha cho con trước rồi. Sự kiêu căng và hận thù là tội của hắn không phải của con. Có thể con sẽ mất tiền, mất danh dự tiếng tăm, nhưng trong trái tim của con tràn đầy an bình.

- Không biết con có thể vượt qua được thử thách này không?

- Ta sẽ giúp con.

- Xin chớ để chúng con xa trước cám dỗ, nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ.

- Không có điều gì tốt hơn điều đó. Hãy nêu lên những con người hoặc sự việc làm cho con bị cám dỗ.

- Ý Ngài muốn nói gì?

- Con biết những khuyết điểm của con mà: sự ngang tàng, cách xài tiền, tính dục, sự tức giận, cách giáo dục ... Đừng để cho bị cám dỗ.

- Con nghĩ đây là Kinh Lạy Cha khó nhất mà từ hồi nào đến giờ con đã đọc. Nhưng kinh này có liên quan đến cuộc sống của con.

- Rất tốt, chúng ta đang có đà tiến. Con hãy cầu nguyện cho xong đi!

- Vì Chúa là vua uy quyền và vinh hiển muôn đời. Amen!

- Con biết điều gì làm cho Ta vui không? Khi mọi người và ngay chính con bắt đầu ý thức tôn trọng Ta và nghiêm túc khi đọc Kinh Lạy Cha, làm theo lời Ta dạy và làm theo ý Ta. Nếu mọi người nhận ra được sứ mạng của mình là sự chuẩn bị cho nước Ta trị đến ngay giữa thế gian thì chính đó cũng là điều sẽ làm cho mọi người được hạnh phúc và bình an.

* * * * *

Lạy Chúa! Xin giúp con … Xin giúp con luôn quyết tâm cầu nguyện và dấn thân phục vụ trong yêu thương tha thứ. Amen

Sưu tầm

Tuesday, September 4, 2007

NƯỚC NON

Ảnh của Sen K. - Philippines (Hình chụp trên vịnh Hạ Long)

Nước non lặng một lời thề

Nước đi đi mãi không về cùng non

Nhớ lời nguyện nước thề non

Nước đi chưa lại non còn đứng không.

(Trích thơ Thề Non Nước của Tản Đà)

Saturday, September 1, 2007

Mắt xích


Đây là câu chuyện về bốn chàng trai: Mọi Người, Người Nào Đó, Bất Kỳ AiKhông Ai.

Có một việc quan trọng cần làm ngay và Mọi Người dám chắc Người Nào Đó sẽ làm nó. Bất Kỳ Ai cũng có thể làm được việc này nhưng Không Ai làm.

Người Nào Đó tỏ vẻ tức giận về điều này, bởi đó là nhiệm vụ của Mọi Người. Trong khi đó, Mọi Người lại nghĩ có thể Bất Kỳ Ai làm được nhưng Không Ai hiểu rõ Mọi Người sẽ không làm.

Câu chuyện kết thúc. Mọi Người phàn nàn Người Nào Đó khi Không Ai làm việc mà đáng ra Bất Kỳ Ai cũng có thể làm.