Saturday, May 3, 2008

Giấy chứng nhận "người"

Trên đoàn tàu, cô soát vé hết sức xinh đẹp cứ nhìn chằm chằm vào người đàn ông lớn tuổi áng chừng đi làm thuê, hạch sách :
- Vé tàu!
Người đàn ông lớn tuổi lục khắp người từ trên xuống dưới một thôi một hồi, cuối cùng tìm thấy vé, nhưng cứ cầm trong tay không muốn chìa ra.
Cô soát vé liếc nhìn vào tay anh, cười trách móc :
- Đây là vé trẻ em.
Người đàn ông đứng tuổi đỏ bừng mặt, nhỏ nhẹ đáp :
- Vé trẻ em chẳng phải ngang giá vé người tàn tật hay sao ?
Giá vé trẻ em và người tàn tật đều bằng một nửa vé, đương nhiên cô soát vé biết. Cô nhìn kỹ người đàn ông một lúc rồi hỏi :
- Anh là người tàn tật ?
- Vâng, tôi là người tàn tật.
- Vậy anh cho tôi xem giấy chứng nhận tàn tật.
Người đàn ông tỏ ra căng thẳng. Anh đáp :
- Tôi... không có giấy tờ. Khi mua vé cô bán vé bảo tôi đưa giấy chứng nhận tàn tật, không biết làm thế nào, tôi đã mua vé trẻ em.
Cô soát vé cười gằn :
- Không có giấy chứng nhận tàn tật, làm sao chứng minh được anh là người tàn tật ?
Người đàn ông đứng tuổi im lặng, khe khẽ tháo giầy, rồi vén ống quần lên - Anh chỉ còn một nửa bàn chân.
Cô soát vé liếc nhìn, bảo :
- Tôi cần xem chừng từ, tức là quyển sổ có in mấy chữ "Giấy chứng nhận tàn tật", có đóng con dấu bằng thép của Hội người tàn tật !
Người đàn ông đứng tuổi có khuôn mặt quả dưa đắng, giải thích :
- Tôi không có hộ khẩu của địa phương, người ta không cấp sổ tàn tật cho tôi. Hơn nữa, tôi làm việc trên công trường của tư nhân. Sau khi xảy ra sự cố ông chủ bỏ chạy, tôi cũng không có tiền đến bệnh viện giám định...
Trưởng tàu nghe tin, đến hỏi tình hình.
Người đàn ông đứng tuổi một lần nữa trình bày với trưởng tàu, mình là người tàn tật, đã mua một chiếc vé có giá trị bằng vé của người tàn tật…
Trưởng tàu cũng hỏi :
- Giấy chứng nhận tàn tật của anh đâu ?
Người đàn ông đứng tuổi trả lời anh không có giấy chứng nhận tàn tật, sau đó anh cho trưởng tàu xem nửa bàn chân của mình .
Trưởng tàu ngay đến nhìn cũng không thèm nhìn, cứ nhất quyết nói :
- Chúng tôi chỉ xem giấy chứng nhận, không xem người. Có giấy chứng nhận tàn tật chính là người tàn tật, có giấy chứng nhận tàn tật mới được hưởng chế độ ưu đãi vé người tàn tật. Anh mau mau mua vé bổ sung.
Người đứng tuổi bỗng thẫn thờ. Anh lục khắp lượt các túi trên người và hành lý, chỉ có hơn 50 ngàn đồng, hoàn toàn không đủ mua vé bổ sung. Anh nhăn nhó và nói với trưởng tàu như khóc :
- Sau khi bàn chân tôi bị máy cán đứt một nửa, không bao giờ còn đi làm được nữa. Không có tiền, ngay đến về quê cũng không về nổi. Nửa vé này cũng do bà con đồng hương góp mỗi người một ít để mua giùm, xin ông mở lượng hải hà, giơ cao đánh khẽ, nương bàn tay cao quý, tha cho tôi.
Trưởng tàu nói kiên quyết :
- Không được.
Thừa dịp, cô soát vé nói với Trưởng tàu :
- Bắt anh ta lên đầu tàu xúc than, coi như làm lao động nghĩa vụ.
Nghĩ một lát, trưởng tàu đồng ý :
- Cũng được.
Một đồng chí lão thành ngồi đối diện với người đàn ông đứng tuổi tỏ ra chướng tai gai mắt, đứng phắt lên nhìn chằm chằm vào mắt vị trưởng tàu, hỏi :
- Anh có phải đàn ông không ?
Vị trưởng tàu không hiểu, hỏi lại :
- Chuyện này có liên quan gì đến tôi có là đàn ông hay không ?
- Anh hãy trả lời tôi, anh có phải đàn ông hay không ?
- Đương nhiên tôi là đàn ông !
- Anh dùng cái gì để chứng minh anh là đàn ông ? Anh đưa giấy chứng nhận đàn ông của mình cho mọi người xem xem ?
Mọi người chung quanh cười rộ lên.
Thừ người ra một lát, vị truởng tàu nói :
- Một người đàn ông to lớn như tôi đang đứng đây, lẽ nào lại là đàn ông giả ?
Đồng chí lão thành lắc lắc đầu, nói :
- Tôi cũng giống anh chị, chỉ xem chứng từ, không xem người, có giấy chứng nhận đàn ông sẽ là đàn ông, không có giấy chứng nhận đàn ông không phải đàn ông.
Vị trưởng tàu tịt ngóp, ngay một lúc không biết ứng phó ra sao.
Cô soát vé đứng ra giải vây cho Trưởng tàu. Cô nói với đồng chí lão thành :
- Tôi không phải đàn ông, có chuyện gì ông cứ nói với tôi.
Đồng chí lão thành chỉ vào mặt chị ta, nói thẳng thừng :
- Cô hoàn toàn không phải người !
Cô soát vé bỗng nổi cơn tam bành, nói the thé :
- Ông ăn nói sạch sẽ một chút. Tôi không là người thì là gì ?
Đồng chí lão thành vẫn bình tĩnh, cười ranh mãnh, ông nói:
- Cô là người ư? Cô đưa giấy chứng nhận "người" của cô ra xem nào...
Mọi hành khách chung quanh lại cười ầm lên một lần nữa.
Chỉ có một người không cười. Đó là người đàn ông trung niên bị cụt chân. Anh cứ nhìn trân trân vào mọi thứ trước mặt. Không biết tự bao giờ, mắt anh đẫm lệ, không rõ anh tủi thân, xúc động, hay thù hận.

Lời tự sự của một thân cây

Hồi còn bé, tôi nào hiểu gì đâu. Khi lớn lên hơn và nhìn lại chính mình, tôi mới bắt đầu hiểu ra một điều gì đó. Tôi vốn nhỏ thó, sần sùi, đầy những cục u thô tháp. Bộ rễ bám chặt vào vách đá, tôi đứng nghiêng nghiêng, xô lệch. Rõ ràng tôi không to cũng chẳng đẹp bằng chị bằng em ở chung quanh mà mình nhìn thấy được.

Anh sồi đằng kia uy phong, chắc nịch, với tàng lá rậm rì, phủ rộng. Chị linh sam mảnh dẻ, ngạo nghễ vút cao. Chàng sơn thích mỗi độ thu về khoe tán lá vàng rực quý phái. Bạn hiểu cho, chỗ tôi đứng là một bờ dốc đá. Từ thuở bé đến giờ, bộ rễ tôi phải lần dò men vào từng khe đá nứt, tìm chút đất ít ỏi lẩn khuất bên trong để làm điểm tựa sinh tồn. Tôi vẫn thường mơ mộng, ước gì mình cao lên, xõa cành duyên dáng cho gió vờn, cho mưa vỗ, và cho ánh nắng mặt trời vuốt ve. Nhưng mơ mộng chỉ là mộng mơ suông!

Tôi vẫn vứ thấp bé, vẫn dáng đứng nghiêng lệch khom khom qua bao vòng tuế nguyệt. Gió đi qua, và cứ đi qua, xô thẳng vào vách núi đá dựng sau lưng và reo lên ở đó. Gió chẳng bao giờ buồn dừng lại đùa giỡn với tôi, vì cành tôi khẳng khiu và tàng lá tôi thưa thớt đến tội nghiệp. Mặt trời chỉ ghé lại chút xíu lúc giữa trưa, rồi cũng biến mất thật nhanh đằng sau vách núi. Tôi nhìn sang thung lũng bên kia, thấy những tầng cây ngập đầy ánh nắng mà nhiều khi không khỏi tủi xót phận mình. Tại sao số kiếp mình phải đứng ở nơi này? Một bờ dốc đá cỗi cằn, khuất lấp! Tôi buồn cho số phận mình hẩm hiu.

Thế rồi, vào một sáng mùa xuân ấm áp, khi hương đất nồng nàn từ thung lũng dưới kia thoang thoảng dâng dâng, tiếng chim hót líu lo chào ánh bình minh tỏa ngợp chân trời, tôi nghe những tia nắng mới lãng đãng hôn lên cành, lên tán lá thưa của mình. Một cảm giác rạo rực tràn ngập toàn thân tôi, thấm sâu vào tận từng thớ thịt. Kìa, chung quanh tôi, đất trời sao xinh đẹp quá! Có lẽ không một cây nào khác có thể có được tầm mắt nhìn xa xuống bao quát cả một vùng thung lũng như tôi. Và tôi chợt nhận ra vách đá dựng sau lưng mình-vẫn đứng đó tự bao đời-để che chắn cho tôi khỏi cái lạnh buốt xương của khối núi băng sừng sững cao nghệu phía bên kia.

Từ buổi sáng hôm ấy, tôi bắt đầu tỉnh ngộ. Tôi hiểu ra rằng mình không xoàng xĩnh hay hẩm hiu như minh vỗn tưởng. Thân tôi thấp cũn, sần sùi, tích chứa và phô diễn cái phong trần một cách điệu nghệ có một không hai đó chứ! Cành tôi ngắn, vặn vẹo díc dắc, nhưng rắn chắc cực kỳ! Bộ rễ tôi dẻo dai, xuyên ngang xẻ dọc, bám chặt vào các khe đá, hun đúc một ý chí sinh tồn lì lợm! Tôi nhận ra mình đã lớn lên và thích nghi tuyệt vời với chỗ đứng của mình. Tôi sung sướng tự hào về tôi và chỗ đứng của tôi giữa vũ trụ này. Thế đấy, bấy lâu nay mình không hề biết mở mắt và nhìn ra giá trị của mình! Vâng, những anh sồi, những chị linh sam... dưới triền kia vẫn có nét đẹp của riêng mình. Chỗ đứng đẹp nhất của tôi là đây: Bờ dốc đá hẹp mà xưa nay mình vẫn đứng. Ồ! Vì sao mãi đến hôm nay mình mới hiểu ra điều này nhỉ?

(Theo "Những câu chuyện không để giải trí")

Sự sống là điều kỳ diệu!

Cho tới nay, chắc chắn mọi người đều có những nhận định cho riêng mình về vụ sập cầu Cần Thơ. Chắc chắn rằng: mọi người đều tâm niệm: phải chi...

Phải chi người ta chú ý đến những cảnh báo của kỹ sư Hiroshi Kudo!
Phải chi người ta giám sát chặt chẽ hơn nữa!
Phải chi người ta chú ý đến sự những lo ngại của các chuyên gia...
Phải chi... phải chi... và phải chi!
...thì có lẽ tai nạn đã không xảy ra, và nhiều đồng bào của chúng ta đã không phải lâm vào cảnh khốn cùng.

Thì rồi sẽ có những cuộc điều tra, những lý giải về nguyên nhân cầu sập, sẽ có những động thái từ chính phủ, các cơ quan hữu quan, các nhà thầu để làm rõ hơn nữa và quy trách nhiệm cho những bên sai phạm...

Nhưng, có một thực tế rằng: những người đã tử nạn trong thảm họa này sẽ không bao giờ được nhìn thấy cây cầu nối liền hai bờ sông Hậu khi nó hoàn thành. Chúng ta sẽ nhớ mãi về các anh như một sự mất mát to lớn của toàn thể dân tộc. Những nén nhang, những buổi lễ truy điệu, những đám tang, những lời xin lỗi hay cả những hành động nhận trách nhiệm cũng sẽ không bao giờ làm cho các anh, những người kém may mắn, sống lại. Nó làm yên lòng chúng ta, yên lòng "những người ở lại", xoa dịu nỗi đau mà thân nhân các anh đang cố gắng chịu đựng...

Chiêm nghiệm theo một góc khác về thảm họa này mới thấy sự sống là điều kỳ diệu. Sự sống làm cho con người có thể nhân ái với nhau hơn, hết lòng vì nhau hơn. Anh Thành đã bất chấp nguy hiểm để cứu được 11 người; bao nhiêu bạn trẻ đã tình nguyện hiến máu để cứu lấy sự sống của những người bị thương; bao nhiêu người đã đóng góp công sức, tiền bạc để "những người ở lại" có thể vơi bớt nỗi đau, để có thể tiếp tục sống, các em nhỏ tiếp tục được đi học; các cơ quan hữu quan, các nhà thầu Nhật Bản đều hứa sẽ cố gắng hết sức để chăm lo cho gia đình những nạn nhân xấu số... Tất cả là vì sự sống, một sự sống dồi dào, một sự sống vượt lên trên tất cả, cả những đau thương, mất mát, cả những điều tưởng chừng như không thể hàn gắn...

Chúng ta dù có trách nhau đi nữa, dù có quy được trách nhiệm cho ai, cho bên nào đi nữa... thì những nạn nhân xấu số, các anh đã vĩnh viễn ra đi, chẳng còn biết gì về những việc chúng ta đang làm. Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết nói về tầm quan trọng phải hoàn thành tiến độ thi công cầu Cần Thơ rằng: "Nếu để trễ một ngày là có tội với những người đã mất”. Phải, có lẽ lời nhắc nhở của Chủ tịch nước bắt nguồn từ một truyền thống...

Từ trước tới nay, chúng ta đã bao lần nhắc nhở nhau như thế! Vào các dịp kỷ niệm, những lễ hội... chúng ta đều nhắc nhở nhau rằng: phải nhớ đến sự hy sinh của các bậc tiền nhân để sống tốt hơn, để xây dựng đất nước giàu mạnh hơn... Sự hy sinh của những người đi trước luôn được lấy ra để làm tấm gương, không những chỉ cho thế hệ trẻ, mà còn cho chính những người đang nắm giữ vai trò quản lý và điều hành đất nước.

Chợt lẩn thẩn mà nghĩ rằng: nếu ngày mai tôi chết đi, hôm nay tôi sẽ làm gì cho tôi, cho người thân, cho xã hội, cho đất nước? Một câu hỏi quá lớn so với vai trò nhỏ bé của tôi trong xã hội. Nhưng cũng từ câu hỏi ấy, tôi chợt nhận ra rằng: phải chi tất cả chúng ta đều tâm niệm điều đó, đều sống như hôm nay là ngày cuối cùng của đời mình.

Nếu thế thì:
Chắc rằng: người ta sẽ nhân ái với nhau hơn, sẽ bớt đi những oan khuất, những lọc lừa, những giả tạo... mà mỗi ngày chúng ta vẫn thấy.
Chắc chắn rằng người ta sẽ không làm khổ nhau bằng những sự bàng quan, bằng những kiểu phớt lờ, bằng những "sự im lặng đáng sợ"

Nếu ngày mai chết đi, và tâm niệm rằng: phải để lại điều tốt lành cho đất nước, cho dân tộc, chắc chắn người ta sẽ không cố tình tham nhũng, không cố tình phí phạm ngân sách... Người ta sẽ cố gắng hành động với lương tâm ngay thẳng, với nhiệt huyết cao nhất. Chắc chắn rằng: người ta sẽ cố gắng để lắng nghe tiếng nói nhân dân, sẽ không bao giờ bỏ qua một cơ hội, dù là nhỏ nhất để làm những việc hữu ích cho dân sinh, dân chủ...

Sẽ chẳng có nhiều những quy định chồng chéo làm khổ người dân, sẽ không còn nhiều những quy định phương hại đến hiến pháp, pháp luật, và quyền lợi của người dân. Sẽ chẳng có sự bỏ qua những dự án, những phương cách tốt nhất để mang về nhiều lợi ích nhất cho đất nước, cho đời sống xã hội, cho mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội thực sự công bằng, thực sự dân chủ và văn minh. Sẽ chẳng bao giờ còn những quy định, những chính sách chỉ có lợi cho nhà nước, cho các cơ quan hữu quan, cho công tác quản lý, mà sẽ chỉ còn những quy định, những chính sách toàn tâm toàn ý hướng đến lợi ích chung của hơn 80 triệu con dân đất Việt.

Mọi sự tiến bộ chỉ có thể thành toàn khi sự tiến bộ đó được thực hiện hướng đến quyền lợi của nhân dân, của đất nước, và được thực hiện cho những người hiện còn đang sống, đang ngày ngày phục vụ đất nước này, dân tộc này...

Nếu ngày mai chết đi, và tâm niệm rằng: phải hết lòng phục vụ đất nước này, dân tộc này, thì những sự khác biệt về tư tưởng, chính kiến, ý thức hệ sẽ mất đi, thay vào đó chỉ còn một hệ tư tưởng là dân tộc. Khi đó, mọi thành phần trong xã hội sẽ vì nhau mà phấn đấu, vì nhau mà chân thành phát biểu chính kiến, tư tưởng nhằm tìm ra một đường hướng chung nhất cho sự phát triển của dân tộc. Khi đó, mọi người sẽ không còn e dè, ngần ngại sửa sai cho nhau, không ngần ngại nhận lỗi, nhận trách nhiệm về những công việc mình làm chưa tốt. Sẽ chẳng còn sự sợ hãi vì ai cũng hiểu rằng: mình đang hết lòng phục vụ đất nước này, dân tộc này...

Nếu ngày mai chết đi, và tâm niệm rằng: phải nói những gì lòng mình nghĩ, tâm huyết và ao ước thì tôi sẽ vẫn nói rằng: mọi người hãy sống vì nhau, hãy làm việc vì nhau, vì đất nước này, dân tộc này. Bởi nếu ngày mai có một người chết đi, họ sẽ chẳng bao giờ nhìn thấy được tương lai của dân tộc, nhìn thấy được những điều tốt đẹp trong tương lai. Cuộc sống hiện tại phải là cuộc sống dành cho nhau, cho những người mà ngày hôm nay ta còn có thể sống cùng, sống vui, và sống có ích với họ.

Nếu ngày mai có nhiều người chết đi, họ sẽ chẳng bao giờ được hưởng lợi từ những quy định, những chính sách... thiết thực, hướng đến dân sinh mà mỗi ngày, chỉ với một sự cố gắng cần thiết, các cơ quan quản lý nhà nước sẽ làm được. Họ sẽ chẳng còn có cơ hội đóng góp những ý kiến, những tư tưởng, những giải pháp mà lẽ ra sẽ đem lại sự tiến bộ nhanh hơn cho xã hội...

Cũng như những nạn nhân trong thảm họa sập cầu Cần Thơ, chúng ta chẳng biết được sáng mai mình có thể thức dậy được nữa hay không! Vậy thì hãy chân thành hơn với nhau, thực tâm hơn với nhau, để dù có thế nào đi nữa, ta cũng có dịp để nhìn thấy những điều tốt đẹp.

Người dân hãy thực tâm tuân thủ mọi quy định của nhà nước và thực tâm góp ý cho những vấn đề còn bất cập, không có lợi cho sự phát triển lẽ ra phải có của xã hội. Nhà nước, các công chức, những đầy tớ của nhân dân, dù ở cương vị nào, cũng hãy chân thành lắng nghe nhân dân, lắng nghe mọi ý kiến phản biện, đừng đổ lỗi vòng vo, đừng im lặng, đừng chậm chễ khi có những sự việc không tốt xảy ra... để thực sự làm theo tiếng nói của "ông chủ nhân dân", để đảm bảo tối đa lợi ích của mọi thành phần trong xã hội.

Sự sống là điều kỳ diệu! Tất cả mọi hành động của chúng ta, tất cả mọi quy định, chính sách, việc làm của các cơ quan quản lý nhà nước... cũng chỉ thực sự kỳ diệu khi tất cả đều phục vụ cho sự sống, cho những người đã sống... với tinh thần hôm nay là ngày cuối cùng ta sống trên mảnh đất quê hương Việt Nam yêu dấu!

(Hình ảnh trong bài viết đều lấy từ báo Tuổi Trẻ)
Luận Minh