Sự sống là điều kỳ diệu!
Cho tới nay, chắc chắn mọi người đều có những nhận định cho riêng mình về vụ sập cầu Cần Thơ. Chắc chắn rằng: mọi người đều tâm niệm: phải chi...
Phải chi người ta chú ý đến những cảnh báo của kỹ sư Hiroshi Kudo!
Phải chi người ta giám sát chặt chẽ hơn nữa!
Phải chi người ta chú ý đến sự những lo ngại của các chuyên gia...
Phải chi... phải chi... và phải chi!
...thì có lẽ tai nạn đã không xảy ra, và nhiều đồng bào của chúng ta đã không phải lâm vào cảnh khốn cùng.
Thì rồi sẽ có những cuộc điều tra, những lý giải về nguyên nhân cầu sập, sẽ có những động thái từ chính phủ, các cơ quan hữu quan, các nhà thầu để làm rõ hơn nữa và quy trách nhiệm cho những bên sai phạm...
Nhưng, có một thực tế rằng: những người đã tử nạn trong thảm họa này sẽ không bao giờ được nhìn thấy cây cầu nối liền hai bờ sông Hậu khi nó hoàn thành. Chúng ta sẽ nhớ mãi về các anh như một sự mất mát to lớn của toàn thể dân tộc. Những nén nhang, những buổi lễ truy điệu, những đám tang, những lời xin lỗi hay cả những hành động nhận trách nhiệm cũng sẽ không bao giờ làm cho các anh, những người kém may mắn, sống lại. Nó làm yên lòng chúng ta, yên lòng "những người ở lại", xoa dịu nỗi đau mà thân nhân các anh đang cố gắng chịu đựng...
Chiêm nghiệm theo một góc khác về thảm họa này mới thấy sự sống là điều kỳ diệu. Sự sống làm cho con người có thể nhân ái với nhau hơn, hết lòng vì nhau hơn. Anh Thành đã bất chấp nguy hiểm để cứu được 11 người; bao nhiêu bạn trẻ đã tình nguyện hiến máu để cứu lấy sự sống của những người bị thương; bao nhiêu người đã đóng góp công sức, tiền bạc để "những người ở lại" có thể vơi bớt nỗi đau, để có thể tiếp tục sống, các em nhỏ tiếp tục được đi học; các cơ quan hữu quan, các nhà thầu Nhật Bản đều hứa sẽ cố gắng hết sức để chăm lo cho gia đình những nạn nhân xấu số... Tất cả là vì sự sống, một sự sống dồi dào, một sự sống vượt lên trên tất cả, cả những đau thương, mất mát, cả những điều tưởng chừng như không thể hàn gắn...
Chúng ta dù có trách nhau đi nữa, dù có quy được trách nhiệm cho ai, cho bên nào đi nữa... thì những nạn nhân xấu số, các anh đã vĩnh viễn ra đi, chẳng còn biết gì về những việc chúng ta đang làm. Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết nói về tầm quan trọng phải hoàn thành tiến độ thi công cầu Cần Thơ rằng: "Nếu để trễ một ngày là có tội với những người đã mất”. Phải, có lẽ lời nhắc nhở của Chủ tịch nước bắt nguồn từ một truyền thống...
Từ trước tới nay, chúng ta đã bao lần nhắc nhở nhau như thế! Vào các dịp kỷ niệm, những lễ hội... chúng ta đều nhắc nhở nhau rằng: phải nhớ đến sự hy sinh của các bậc tiền nhân để sống tốt hơn, để xây dựng đất nước giàu mạnh hơn... Sự hy sinh của những người đi trước luôn được lấy ra để làm tấm gương, không những chỉ cho thế hệ trẻ, mà còn cho chính những người đang nắm giữ vai trò quản lý và điều hành đất nước.
Chợt lẩn thẩn mà nghĩ rằng: nếu ngày mai tôi chết đi, hôm nay tôi sẽ làm gì cho tôi, cho người thân, cho xã hội, cho đất nước? Một câu hỏi quá lớn so với vai trò nhỏ bé của tôi trong xã hội. Nhưng cũng từ câu hỏi ấy, tôi chợt nhận ra rằng: phải chi tất cả chúng ta đều tâm niệm điều đó, đều sống như hôm nay là ngày cuối cùng của đời mình.
Nếu thế thì:
Chắc rằng: người ta sẽ nhân ái với nhau hơn, sẽ bớt đi những oan khuất, những lọc lừa, những giả tạo... mà mỗi ngày chúng ta vẫn thấy.
Chắc chắn rằng người ta sẽ không làm khổ nhau bằng những sự bàng quan, bằng những kiểu phớt lờ, bằng những "sự im lặng đáng sợ"
Nếu ngày mai chết đi, và tâm niệm rằng: phải để lại điều tốt lành cho đất nước, cho dân tộc, chắc chắn người ta sẽ không cố tình tham nhũng, không cố tình phí phạm ngân sách... Người ta sẽ cố gắng hành động với lương tâm ngay thẳng, với nhiệt huyết cao nhất. Chắc chắn rằng: người ta sẽ cố gắng để lắng nghe tiếng nói nhân dân, sẽ không bao giờ bỏ qua một cơ hội, dù là nhỏ nhất để làm những việc hữu ích cho dân sinh, dân chủ...
Sẽ chẳng có nhiều những quy định chồng chéo làm khổ người dân, sẽ không còn nhiều những quy định phương hại đến hiến pháp, pháp luật, và quyền lợi của người dân. Sẽ chẳng có sự bỏ qua những dự án, những phương cách tốt nhất để mang về nhiều lợi ích nhất cho đất nước, cho đời sống xã hội, cho mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội thực sự công bằng, thực sự dân chủ và văn minh. Sẽ chẳng bao giờ còn những quy định, những chính sách chỉ có lợi cho nhà nước, cho các cơ quan hữu quan, cho công tác quản lý, mà sẽ chỉ còn những quy định, những chính sách toàn tâm toàn ý hướng đến lợi ích chung của hơn 80 triệu con dân đất Việt.
Mọi sự tiến bộ chỉ có thể thành toàn khi sự tiến bộ đó được thực hiện hướng đến quyền lợi của nhân dân, của đất nước, và được thực hiện cho những người hiện còn đang sống, đang ngày ngày phục vụ đất nước này, dân tộc này...
Nếu ngày mai chết đi, và tâm niệm rằng: phải hết lòng phục vụ đất nước này, dân tộc này, thì những sự khác biệt về tư tưởng, chính kiến, ý thức hệ sẽ mất đi, thay vào đó chỉ còn một hệ tư tưởng là dân tộc. Khi đó, mọi thành phần trong xã hội sẽ vì nhau mà phấn đấu, vì nhau mà chân thành phát biểu chính kiến, tư tưởng nhằm tìm ra một đường hướng chung nhất cho sự phát triển của dân tộc. Khi đó, mọi người sẽ không còn e dè, ngần ngại sửa sai cho nhau, không ngần ngại nhận lỗi, nhận trách nhiệm về những công việc mình làm chưa tốt. Sẽ chẳng còn sự sợ hãi vì ai cũng hiểu rằng: mình đang hết lòng phục vụ đất nước này, dân tộc này...
Nếu ngày mai chết đi, và tâm niệm rằng: phải nói những gì lòng mình nghĩ, tâm huyết và ao ước thì tôi sẽ vẫn nói rằng: mọi người hãy sống vì nhau, hãy làm việc vì nhau, vì đất nước này, dân tộc này. Bởi nếu ngày mai có một người chết đi, họ sẽ chẳng bao giờ nhìn thấy được tương lai của dân tộc, nhìn thấy được những điều tốt đẹp trong tương lai. Cuộc sống hiện tại phải là cuộc sống dành cho nhau, cho những người mà ngày hôm nay ta còn có thể sống cùng, sống vui, và sống có ích với họ.
Nếu ngày mai có nhiều người chết đi, họ sẽ chẳng bao giờ được hưởng lợi từ những quy định, những chính sách... thiết thực, hướng đến dân sinh mà mỗi ngày, chỉ với một sự cố gắng cần thiết, các cơ quan quản lý nhà nước sẽ làm được. Họ sẽ chẳng còn có cơ hội đóng góp những ý kiến, những tư tưởng, những giải pháp mà lẽ ra sẽ đem lại sự tiến bộ nhanh hơn cho xã hội...
Cũng như những nạn nhân trong thảm họa sập cầu Cần Thơ, chúng ta chẳng biết được sáng mai mình có thể thức dậy được nữa hay không! Vậy thì hãy chân thành hơn với nhau, thực tâm hơn với nhau, để dù có thế nào đi nữa, ta cũng có dịp để nhìn thấy những điều tốt đẹp.
Người dân hãy thực tâm tuân thủ mọi quy định của nhà nước và thực tâm góp ý cho những vấn đề còn bất cập, không có lợi cho sự phát triển lẽ ra phải có của xã hội. Nhà nước, các công chức, những đầy tớ của nhân dân, dù ở cương vị nào, cũng hãy chân thành lắng nghe nhân dân, lắng nghe mọi ý kiến phản biện, đừng đổ lỗi vòng vo, đừng im lặng, đừng chậm chễ khi có những sự việc không tốt xảy ra... để thực sự làm theo tiếng nói của "ông chủ nhân dân", để đảm bảo tối đa lợi ích của mọi thành phần trong xã hội.
Sự sống là điều kỳ diệu! Tất cả mọi hành động của chúng ta, tất cả mọi quy định, chính sách, việc làm của các cơ quan quản lý nhà nước... cũng chỉ thực sự kỳ diệu khi tất cả đều phục vụ cho sự sống, cho những người đã sống... với tinh thần hôm nay là ngày cuối cùng ta sống trên mảnh đất quê hương Việt Nam yêu dấu!
(Hình ảnh trong bài viết đều lấy từ báo Tuổi Trẻ)
Luận Minh
No comments:
Post a Comment