Sunday, October 28, 2007

Nguồn Gốc Của Kinh Mân Côi


Căn cứ vào các nguồn tài liệu đáng tin nhất, một của Á Thánh Alan de la Roch, trong cuốn "De Dignitate Psalteri", và một của Thánh Louis Marie Grignion de Monfort, tron cuốn "Bí Mật Kinh Mân Côi", thì chính Đức Mẹ đã ban Kinh Mân Côi và dạy Kinh Mân Côi cho thánh Đaminh. Đức Thánh Cha Gregory XII cũng cho rằng: "Kinh Mân Côi được chính Thánh Đaminh thiết lập để làm nguôi cơn giận của Thiên Chúa và để cầu xin Rất Thánh Trinh Nữ bầu cử." Vào thế kỷ 11 và 12, tại tỉnh Albi thuộc miền nam nước Pháp, có một lạc thuyết do bè rối Albigensê chủ trương là nhị nguyên. Thuyết này cho rằng Chúa Giêsu là một tạo vật được thần sai đến để giải thoát linh hồn con người bị giam cầm trong thể xác. Theo thuyết nhị nguyên thì Linh hồn con người cũng được thần lành dựng nên và xác thịt được thần đữ dựng nên để giam cầm Linh hồn. Sau bao nhiêu nỗ lực mà vẫn thảm bại để chinh phục bè Albigensê rối này, thánh Đaminh rút vào một khu rừng gần thành phố Toulouse nức Pháp để cầu nguyện. Trong thời gian này Thánh nhân khóc lóc, ăn chay và phạt xác mong làm nguôi cơn giận của Chúa. Ngài đã thực hành việc khổ hạnh thân xác cho đến nỗi bị ngất lịm đi. Chính lúc đó Đức Mẹ cùng ba Thiên Thần theo hầu đã hiện ra với Thánh Nhân mà nói: Đaminh yêu dấu, con có biết Ba Ngôi Thiên Chúa Chí Thánh muốn dùng khí giới nào để canh tân thế giới không?
Thánh Đaminh đáp: Ôi lạy Mẹ, Mẹ biết rõ hơn con, vì ngay sau Chúa Giêsu, Con Mẹ, Mẹ luôn là khí cụ chính yếu cho phần rỗi cùa chúng con.
Bấy giờ Đức Mẹ nói: Mẹ muốn cho con biết rằng, trong loại trận chiến này, khí giới cần phải dùng bao giờ cũng là Thánh Vịnh Thiên Thần, viên đá nền tảng cùa Tân Ước. Do đó, nếu con muốn giảng dạy cho các linh hồn cứng lòng và đem họ về với Chúa, con hãy rao giảng Thánh Vịnh này của Mẹ.
Từ đó, thánh Đaminh đã là sứ giả của Đức Mẹ và là tông đồ tiên khởi truyền bá Kinh Mân Côi từ năm 1214. Cho dù chúng ta không biết chắc có thật Đức Mẹ đã ban và dạy thánh Đaminh Kinh Mân Côi hay không, song chúng ta cũng có thể tin được sự kiện này thậy đã xảy ra. Ở nơi, chính Đức Mẹ trong hai lần hiện ra tại Lộ Đức năm 1858 và Fatima năm 1917 đã cầm trong tay tràng hạt Mân Côi, như để xác nhận là chính Mẹ đã ban Kinh Mân Côi và dạy lần hạt Mân Côi, một kinh mà Đức Thánh Cha Phaolô VI đã viết trong Thông Điệp "Trong Tháng Năm (Mense Maio)" rằng: "Rất đẹp lòng Đức Mẹ và được Đức Giáo Hoàng khuyến giục nhiều nhất". Lần hiện ra tại Lộ Đức Mẹ đã lần hạt Mân Côi với chị Thánh Bernadette bằng việc dùng ngón tay đưa từng hột chuỗi theo mỗi Kinh Kính Mừng chị đọc. Sau mỗi chục kinh thì Mẹ đọc chung với chị Kinh Sáng Danh. Trong cả sáu lần hiện ra tại Fatima với ba em thiếu nhi Lucia, Phanxicô và Giaxinta, Đức Mẹ đã kêu gọi các em hãy lần hạt Mân Côi hằng ngày. Trong lần hiện ra cuối cùng Mẹ đã tự xưng "Ta là Đức Mẹ Mân Côi”. Trong lần hiện ra thứ ba, Đức Mẹ đã xin các em thêm vào sau mỗi chục kinh lời nguyện: "Ôi Chúa Giêsu của chúng con, xin tha thứ cho chúng con, xin cứu chúng con khỏi lửa hỏa ngục. Xin dẩn đưa các linh hồn lên Thiên Đàng, nhất là những linh hồn cần hơn hết." Trong bài giảng tại Fatima ngày 13/5/1982, Đức Thánh Cha Gioan-Phaolô II đã nói về Kinh Mân Côi đối với Đức Mẹ như sau: "Lời kêu gọi thống hối bao giờ cũng được gắn liền với cầu nguyện. Hợp với truyền thống của bao thế kỷ, Đức Mẹ của sứ điệp này đã đề cập đến Kinh Mân Côi, một kinh có thể được khẳng định là Kinh của Mẹ Maria, một kinh mà Mẹ đặc biệt cảm thấy gắn liền với chúng ta." Thực ra, theo cuốn Ciudad de Dios của đáng kính Maria D'Agreda viết trong thế kỷ 17 về cuộc đời của Đức Mẹ, như được Đức Mẹ tỏ cho biết, thì Kinh Mân Côi được bắt đầu nhen nhúm từ lúc Đức Mẹ tạ thế, qua lời xướng hoạ của các Thiên Thần từ trời xuống.


Xướng: Kính Mừng Maria đầy ơn phúc, Thiên Chúa ở cùng Trinh Nữ.
Đáp: Một Trinh Nữ trước khi sinh Con, đang khi sinh Con và sau khi sinh Con.

Thế là từ đó người ta bắt đầu bắt chước lời xướng họa này cho đến khi Đức Mẹ truyền dậy Kinh Mân Côi cho Thánh Đaminh. Năm 1569, Thánh Giáo Hoàng Piô V đã chính thức công nhận Kinh Mân Côi với kết cấu của kinh như hiện dụng, sau khi thêm lời nguyện "Thánh Maria, Đức Mẹ Chúa Trời, cầu cho chúng con là kẻ chó tội, khi nay và trong giờ lâm tử Amen” vào phần cuối của kinh Kính Mừng, và kinh Sáng Danh vào sau mỗi chục kinh.

CHUỖI NGỌC VÀNG KINH

Ave Maria
Như song lộc triều nguyên ơn phước cả
Dâng cao dâng, thần nhạc sáng hơn trăng
Thơm tho bay cho đến cõi thiên đàng
Huyền diệu biến thành muôn kính trọng thể.

Bạn thân mến, đó là tứ thơ tuyệt mỹ dẫn vào bài AVE MARIA bất hủ của Hàn Mặc Tử khi thi sĩ chiêm ngắm kinh Mân Côi, một lời kinh có chỗ đứng chiếm hàng thứ nhất trong lòng tín hữu và đứng thứ hai sau kinh Lạy Cha, xét về mặt giáo lý, thần học.
Lịch sử của Lễ Mân Côi được đóng ấn bằng ngày 1-10-1571. Khi ấy, sau đỉnh điểm của cơn sốt sợ hãi, cả Châu Âu Kitô giáo thở phào nhẹ nhõm, hết sức mừng vui vì được bình an, tai qua nạn khỏi. Một Châu Âu của quyền lực, của ngạo mạn, của vinh hoa phú quý đã phải run rẩy và tưởng chừng như bị nuốt trửng bởi đạo quân dũng mãnh của Hồi giáo. Thế nhưng chiến thắng lại ưu ái thuộc về đạo quân ô hợp Công Giáo, sau khi toàn thể tín hữu hưởng ứng lời kêu gọi của Đức Thánh Cha Pio 5, sốt sắng đọc kinh Mân Côi xin ơn bình an. Để ghi nhớ và tỏ lòng tri ân Đức Mẹ, Đức Thánh Cha Pio 5 đã lập lễ này vào ngày 1-10-1572.
1. Sức mạnh của lời kinh đơn sơ: làm chơi ăn thật
Chiến thắng của người Công Giáo Châu Âu năm 1571 là một sự can thiệp tỏ tường của Mẹ Maria và cho thấy sức mạnh của lời kinh Mân Côi, một lời kinh hết sức đơn sơ, chan chứa tình yêu. Trong cuộc sống, nếu có một công việc làm chơi ăn thật nào chắc chắn người ta sẽ dành giựt nhau, hầu có thể ngẩng cao đầu nghêu ngao "ngày nào trúng mánh ngày đó huy hoàng ngày nào thất mánh ngày đó điêu tàn"! Thế nhưng nhiều người trẻ không thích đọc kinh Mân Côi chỉ vì kinh này đơn giản quá! Làm như thế là tự chúng ta chối từ một phương tiện nhẹ nhàng và hữu hiệu để nên thánh.
Đầu thế kỷ XII khi bè rối Albigense nổi lên làm điêu đứng dân nước Pháp. Đức Mẹ đã hiện ra với thánh Đaminh, dạy ngài cách đọc kinh Mân côi và truyền cho Ngài rao giảng như một phương thuốc linh nghiệm ngăn ngừa tội lỗi và sự lầm lạc. Nơi khác Mẹ phán dạy chân phước Alanô: "Bất cứ ai trung thành đọc kinh mân côi và suy ngắm những Mầu nhiệm sẽ được ân thưởng". Tại Lộ Đức Mẹ hiện ra với tràng chuỗi và đọc kinh Mân côi với Bernadetta. Tại Fatima cũng vậy: "Các con hãy siêng năng lần chuỗi Mân Côi". Và như chúng ta đã đề cập lúc đầu, chính kinh Mân Côi đã cứu Châu Âu thoát hiểm họa. Tôi cũng tin rằng, rất nhiều người trong chúng ta đây được ơn trở lại hoặc gia đình được bình an nhờ sức mạnh của kinh Mân côi. Như thế, ta thấy kinh Mân côi rất đơn sơ mà linh nghiệm. Đúng là làm chơi mà ăn thật vậy.

2. Phương cách thực hiện
Kinh Mân Côi là tiếng trẻ thơ gọi "mẹ ơi", và chỉ vì hai tiếng ngọt ngào đó mà người mẹ có thể làm bất cứ điều gì cho con cái mình. Do vậy xin hãy đọc kinh kính mừng cách khoan thai, đừng đọc cho xong, cho nhiều. Mẹ Têrêxa Calcuta rất siêng lần chuỗi nhưng cho biết: tôi chẳng bao giờ đếm cả. Tâm trí mẹ Têrêxa dành trọn cả vào việc suy niệm các mầu nhiệm thánh kinh. Đọc mà không suy niệm sẽ trở thành lải nhải, điều mà Chúa Giêsu đã khuyên các môn đệ phải tránh. Cũng không nên bắt Mẹ xài điện thoại di động hay chơi xổ số. Xin đừng ngạc nhiên khi nghe điều này, vì đã từng có người ra tới Lavang rồi mở điện thoại di dộng để trên bàn thờ cho người quen ở nhà, Sài Gòn chẳng hạn, để xin ơn! Cũng có cặp vợ chồng lặn lội đến trung tâm hành hương với hai tờ vé số trên tay! Hãy nhớ rằng Mẹ Maria là thôn nữ, một người mẹ quê, do vậy chỉ cần hai tiếng "mẹ ơi" là đủ rồi, mẹ hiểu rồi.
3 Mục đích của kinh Mân Côi:
Cải thiện đời sống, siêng năng cầu nguyện và hãm mình đền tội, đó là nội dung của sứ điệp Fatima. Ở đây tôi chỉ đưa ra vài trường hợp điển hình về tội thời nay để chúng ta ý thức hơn mà sám hối và cầu nguyện cho thế giới. Hẳn có người còn nhớ câu chuyện tướng về hưu của Trần Huy Thiệp? Câu chuyện xoay quanh lối sống của một bác sĩ, con dâu của một vị tướng về hưu. Gia đình cô này khá giả không phải vì nghề y nhưng là nghề nuôi chó Bergie. Cuối cùng người ta mới khám phá ra rằng cô này hàng ngày đem cả một phích các bào thai bị phá về để làm thức ăn cho chó. Hơn nữa, ở khắp nơi trên thế giới đâu đâu cũng có chém giết nhau, cũng có khủng bố. Ngoài chuyện chém giết thoải mái, chuyện kinh doanh thân xác phụ nữ, các cô gái Việt Nam chen chúc nhau đứng sắp hàng dài để cho người nuớc ngoài chọn làm vợ. Sống trong một thế giới như thế, sao chúng ta không dùng Mân Côi như một vũ khí lợi hại để đền bù tội lỗi như Mẹ Maria đã dạy? Sứ điệp Fatima vẫn còn là lời mời gọi da diết của người Mẹ đối với con cái: Hãy siêng năng cầu nguyện, cải thiện đời sống, hãm mình đền tội và lần chuỗi Mân Côi.
Nói gần nói xa, chẳng qua nói thật, chia sẻ với các bạn ba điều trên (sức mạnh, mục đích và cách thực hiện kinh Mân Côi) chính là để ta ý thức tội lỗi nhân loại, đồng thời mời gọi mỗi người hãy canh tân đền tội bằng kinh Mân Côi với lòng yêu mến Đức Mẹ. Nếu ai thấy kinh Kính Mừng quá tầm thường, thì xin được nhắc lại lời tớ gái của quan Naaman người Syria trong câu chuyện ông được tiên tri Eliseo chữa phong hủi: tưởng tiên tri nói điều chi khó làm, chứ như xuống sông Giordan tắm 7 lần mà hết phong thì sao ngài không thực hiện? Ông đã tắm và da ông trở nên mịn màng như da con trẻ. Tương tự như thế, tưởng điều chi khó lắm chứ dễ như kinh Kính mừng, tại sao chúng ta không đọc hàng ngày…? Xin dành những câu hỏi này lại để mỗi người suy nghĩ, rồi một lúc nào đó diện đối diện, lòng kề lòng trả lời trước Mẹ.
Cuối cùng xin mượn tiếp những lời thơ của bài Ave Maria trên để kết thúc những chia sẻ này :
Đây rồi, đây rồi, chuỗi ngọc vàng kinh
Thơ cầu nguyện là thơ quên tử ý
Trượng phu lời và Tông đồ triết lý
Là nguồn trăng yêu mến Nữ Đồng Trinh
Là nguồn đau chầu lạy Nữ Đồng Trinh .

Lm Nguyễn Đức Thắng, Tòa Giám Mục Long Xuyên