Friday, April 17, 2009

Câu chuyện của hạt muối

Chuyện kể rằng: Hạt Muối kia, nó rất tự hào được sinh ra từ lòng mẹ Biển bao la. Nó luôn thấy nó thật đặc biệt, đặc biệt từ cội nguồn mà từ đó nó vào đời, tự hào vì biết rằng mẹ Biển luôn thương yêu nó. Nó càng tự hào hơn bởi lời dạy dỗ của mẹ Biển đã cho nó biết bao tri thức. Nó luôn tự hào rằng: nó biết mọi điều.

Rồi một ngày, nó từ giã mẹ Biển ra đi. Nó mong muốn ra đi để làm phong phú hơn kho tri thức vốn đã đáng tự hào do mẹ Biển dạy bảo. Nó ra đi trong tâm trạng mừng vui, hớn hở.

Ngày đầu tiên, nó gặp chị Khế đang trên đường đồng hành cùng bác nông dân ngoài vườn về để làm thêm vị ngọt cho bát canh riêu. Nó tíu tít khoe cùng chị Khế về những điều đã học hỏi được. Chị Khế rất khâm phục về sự thông minh của nó và nhờ nó tì giúp lời giải đáp cho thắc mắc của chị: tại sao nó có vị măn mà chị Khế lại có vị chua? Câu hỏi của chị Khế làm nó thao thức!

Ngày thứ hai, nó gặp anh Ớt Đỏ đang chịu những đau đớn của lưỡi dao cắt nhỏ anh ra, để giúp anh thêm vị cay nồng cho món canh chua. Anh Ớt Đỏ cũng nhờ nó tìm lời giải đáp cho trăn trở của anh: tại sao nó có vị mặn mà anh Ớt Đỏ lại có vị cay? Câu hỏi của anh Ớt Đỏ làm nó suy nghĩ! Nó buồn lắm! Hôm qua đã không giúp gì được cho chị Khế, nay nó lại làm cho anh Ớt Đỏ phải thất vọng!

Thế rồi, trong nhũng ngày kế tiếp, nó luôn nhận được những câu hỏi của các bạn Thuốc khi đang cố gắng giúp em bé tiêu diệt con virút gây cảm cúm: tại sao nó măn trong khi Thuốc lại đắng? Những thắc mắc của các cô Đường khi đang cố gắng tan đi để có ly nước chanh mát mẻ cho bác nông dân mới đi làm đồng về: tại sao nó măn mà các cô lại có vị ngọt?

Nó suy nghĩ nhiều lắm và buồn nhiều lắm! Ngày nó ra đi vui biết bao thì đến hôm nay nó cũng buồn dường đó. Nó luôn tự hỏi: tại sao chị Khế lại chua, anh Ớt Đỏ lại cay, các bạn Thuốc đắng, các cô Đường ngọt, trong khi nó lại mặn? Tải sao? Vẻ mặt nó trở lên trầm tư, anh chị em nó không được thấy những nụ cười hằng tươi nở trên môi nó, hết được những bản nhạc bằng đôi môi huýt sáo điêu luyện của nó.

Rồi bỗng một ngày, nó thấy một cụ già. Cụ thường ngồi giăng câu ở khúc sông này, nhưng mọi ngày nó thường đuổi theo những chú chuồn chuồn n6n không để ý tới cụ. Cụ thấy vẻ mặt trầm tư của nó, lên tiếng hỏi: Muối! Có chuyện gì mà buồn vậy cháu?

Dạ!!! Cụ ơi tại sao cháu mặn trong khi chị Khế lại chua, anh Ớt Đỏ thì cay,...?

Cụ già cười phúc hậu:
Dễ thôi cháu à!


Rồi cụ trầm tư! Nó mừng quá, câu hỏi mà bao lâu nay nó hằng suy nghĩ, nay tìm được câu tra lời rồi. Nó nóng lòng, hồi hộp chờ đợi câu trả lời từ cụ. Thời gian với nó lúc này sao dài thế!

Cụ già nhìn nó, một cái nhìn thán phục và yêu mến!

Cháu hãy về, về cùng mẹ Biển, hoà mình vào lòng mẹ, thì cháu sẽ có được câu trả lời!



Nghe thế, nó mừng quá, vội chạy về nhà, quên cả lời cám ơn cụ già. Cụ già nhìn theo nó, cười đầy phúc hậu! Muối chạy về nhà, ôm chầm lấy mẹ để được hoà vào lòng mẹ. Nó thấy vẳng bên tai câu trả lời: "Đơn giản vì từ lòng mẹ Biển con được sinh ra!".

Chiếc bát gỗ

Có một người đàn ông già ốm yếu chuyển đến sống cùng với người con trai, con dâu và một cháu trai bốn tuổi. Ông đã quá già nên bàn tay ông run run, mắt thì mờ và những bước đi loạng choạng.



Một hôm cả nhà cùng nhau ăn bữa tối nhưng bàn tay người cha già run rẩy nên rất khó khăn trong việc ăn uống, ông đã làm rơi vãi thức ăn xuống sàn. Khi ông cố cầm lấy chiếc cốc thì sữa lại sóng sánh ra khăn trải bàn.

Người con trai và người con dâu bắt đầu trở nên khó chịu với tình trạng bừa bộn của ông. Người con trai bèn nói với vợ: “Chúng ta phải làm cái gì đó cho cha, tôi chịu đựng quá đủ những thứ như sữa tràn ra ngoài, tiếng loảng xoảng trong ăn uống và thức ăn rơi xuống sàn rồi”. Thế rồi vợ chồng người con liền để một chiếc bàn nhỏ ở góc nhà.

Vậy là từ đó người cha già ăn một mình ở chiếc bàn nhỏ trong khi cả nhà vui vẻ bên chiếc bàn lớn. Ông lại làm vỡ chiếc đĩa của mình mấy lần và người con lại chuyển cho ông sang chiếc bát gỗ để đựng thức ăn. Họ chỉ nhìn lướt qua ông rồi lại vui vẻ trò chuyện với nhau, mặc cho những giọt nước mắt ứ đọng trong đôi mắt người cha khi ông ngồi ăn một mình. Thỉnh thoảng họ lại càu nhàu khiển trách ông mỗi lần ông làm rơi thìa hay thức ăn ra ngoài. Chỉ riêng đứa con trai bốn tuổi của họ thì im lặng theo dõi tất cả.

Vào một buổi tối trước bữa ăn, người cha chú ý đứa con nhỏ của mình đang nghịch những mảnh gỗ trên sàn. Anh ta ấu yếm hỏi đứa trẻ: “ Con đang làm gì vậy?”. Đứa trẻ mỉm cười trả lời: “Con đang làm những chiếc bát gỗ nhỏ để cha mẹ đựng thức ăn khi sau này con lớn”.

Đứa trẻ tiếp tục mỉm cười nhìn cha rồi nhanh chóng quay trở lại công việc dở dang của nó. Câu trả lời của đứa trẻ khiến bố mẹ nó sững sờ.

Nước mắt bắt đầu lăn trên má họ. Mặc dù không có một lời nào được thốt ra nhưng họ biết họ cần phải làm gì. Bữa tối hôm đó người chồng cầm lấy bàn tay của ông cụ và dịu dàng dắt ông ra bàn ăn cùng mọi người.

Từ đó người cha già lại bắt đầu cùng ngồi ăn với con cái và đứa cháu nhỏ. Vợ chồng người con cũng không còn để ý đến những chuyện như chiếc thìa bị rơi, sữa đổ ra ngoài hay chiếc khăn trải bàn bị bẩn nữa.

Trẻ con có những cảm nhận rất ngây thơ nhưng lại đáng chú ý cho chúng ta học hỏi. Chúng quan sát bằng mắt, chúng lắng nghe bằng đôi tai và tư duy của chúng được hình thành khi tiếp nhận những thông điệp từ người lớn.

Nếu chúng nhìn thấy chúng ta đang cố gắng tạo dựng một bầu không khí gia đình ấm ấp và đầy yêu thương cho những thành viên trong nhà, chúng sẽ học theo thái độ đó cho cuộc sống của chúng khi lớn lên. Các bậc cha mẹ nên biết rằng từng cử chỉ nhỏ bé thôi cũng sẽ tạo nên nhân cách tương lai của đứa trẻ.

Hãy bắt đầu xây dựng cho trẻ từ những viên gạch nhỏ của yêu thương ngay từ bây giờ, ngay ngày hôm nay và mỗi ngày đều như vậy.


Hai lúa

TÔI ĐÃ THẤY CHÚA

Một người đã băng ngàn lội suối để kiểm chứng cho rõ về danh tiếng đồn đãi của Minh Sư. Ông ta hỏi một đệ tử: “Minh Sư của anh đã làm được những phép lạ nào?”

Người đệ tử trả lời: Này ông bạn, có những phép lạ khác nhau. Trong xứ bạn, người ta bảo phép lạ là khi Thượng Đế làm theo ý muốn của con người. Còn trong xứ chúng tôi, người ta bảo phép lạ là khi con người làm theo ý muốn của Thượng Đế .

(Anthony de Mello – Trích trong " One Minute Wisdom")
***

Bạn thân mến! Bài Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay cũng thuật lại phép lạ Đức Giêsu đã làm khi Ngài từ cõi chết sống lại và đi thăm các môn đệ: Ngài đến giữa các ông trong khi cửa phòng đều đóng kín (Ga:20.19). Ngài đến giữa các ông và ban bình an cho các ông (Ga:20.19,21, 26); thứ bình an ngay giữa những bất an, dao động. Ngài đưa các ông ra khỏi nỗi sợ hãi co quắp, đưa các ông ra khỏi căn nhà đóng kín cửa âm u. Ngài cho các ông xem các vết thương (Ga:20.21). Qùa tặng mà Ngài mang đến cho các ông là: "Anh em hãy nhận lấy Chúa Thánh Thần", và Ngài mời gọi các ông tham dự vào sứ mạng của Ngài: "Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em." (Ga:20.21)

"Chúng tôi đã được thấy Chúa"… Ðó là tiếng reo vui ngây ngất của các môn đệ. Thầy Giêsu, người đã bị đóng đinh, đã chết và được chôn cất, nay bất ngờ hiện đến, đứng giữa họ… thật gần gũi…thật yêu thương .

Các môn đệ vui mừng vì được xum họp với Thầy mình, nhưng chỉ có một người không vui, đó là Tôma. Ông vốn có óc thực tiễn (Ga 11,16; 14,5). Chẳng rõ vì sao ông bị hụt không gặp Chúa Giêsu Phục Sinh. Chỉ biết ông đã "không ở với" các môn đệ, lúc Ngài đến. Có vẻ giữa ông và cả nhóm có cái gì xa cách. Sự xa cách này trở nên rõ rệt hơn khi ông thẳng thắn từ chối tin vào lời chứng của các bạn: "Chúng tôi đã thấy Chúa." Nhưng ông lại rất tin vào chính mình, vào giác quan của mình. " Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin đâu." (Ga:20.25). Ông có thái độ như một nhà khoa học thực nghiệm.

Chúa Giêsu Phục Sinh đến với nhóm, nhưng Ngài không quên một ai. Ngài muốn gặp Tôma và cho Tôma được toại nguyện. Tám ngày sau, khi Tôma ở với nhóm, thì Ngài lại hiện đến. Ngài chê ông cứng lòng trước những lời chứng của anh em: "Ðặt ngón tay vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy. Ðưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy. Ðừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin" (Ga:20.27). Trước lời nói đầy yêu thương và chân thật của Thầy mình, sự cứng lòng của Toma đã trở nên mềm nhũn, ông đã không nói thêm được điều gì khác ngoài việc tuyên xưng đức tin của mình: "Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con" (Ga:20.28).

"Vì đã thấy Thầy, nên anh tin. Phúc thay những người không thấy mà tin!" (Ga:20.29). Đó là lời nói mà Chúa Giêsu Phuc Sinh đã nói với Tôma xưa kia. Lời nói ấy cũng là lời nói mà Chúa Giêsu Phục Sinh nói với mỗi người chúng ta hôm nay. Ðức tin của ta hôm nay dựa trên đức tin của những người đã thấy và đã tin, đã dám hy sinh mạng sống của mình để rao truyền về Chúa Giêsu Phục Sinh.

Nhờ Tôma mà ta có được mối phúc thứ chín: "Phúc cho ai không thấy mà tin" (Ga. 20: 29). Mối phúc này nghe như có lời dặn dò: muốn thấy điều mình tin, hãy bắt đầu bằng cách tin điều mình không thấy. Và mối phúc này cũng vang lên lời mời gọi tha thiết: Tin điều mình không thấy sẽ thấy điều mình tin.

Chúa Giêsu đã cho Tôma được "thấy và chạm" đến Ngài và ông đã tin. Tôi và bạn cũng được mời gọi cộng tác với Chúa Giêsu, với các môn đệ của Ngài để rao truyền về Chúa Giêsu Phục sinh, để đức tin của ta và những người chung quanh ta cũng được thay đổi và kiên vững như Tôma xưa kia.

Truyền giáo là làm cho người ta tin, làm cho người ta thấy và chạm đến Thiên Chúa. Nhưng trước hết, ta phải nói được rằng: "Tôi đã thấy Chúa" (Ga 20,18).
***

Lạy Chúa Giêsu Phục Sinh, Chúa đã sống trọn vẹn cuộc Vượt Qua của Chúa, xin cho con biết sống cuộc "vượt qua" mỗi ngày trong đời con:

Vượt qua sự nhỏ mọn và ích kỷ.

Vượt qua những đam mê đang kéo ghì con xuống.

Vượt qua nỗi sợ khổ đau và nhọc nhằn của thân xác.

Vượt qua đêm tăm tối cô đơn trong đời sống thiêng liêng.

Vượt qua những khắc khoải của niềm tin.

Vượt qua những thành kiến con có về người khác...

Chính vì Chúa đã phục sinh, xin ban cho con sức mạnh và ơn can đảm để "vượt qua", dù phải chịu mất mát và thua thiệt.

Ước gì con biết noi gương Chúa Giêsu Phục Sinh, luôn gieo rắc khắp nơi bình an và hy vọng, tin tưởng và niềm vui. Amen

(Tổng hợp từ R. Veritas)