Monday, October 25, 2010

SỰ HỢP LÝ CỦA THƯỢNG ĐẾ

Chuyện phiếm của Gã Siêu.

Báo “Kiến Thức Ngày Nay” số 636, ra ngày 10 tháng 4 năm 2008, trong mục “suy ngẫm”, tác giả Hải Âu đã sưu tầm được một mẩu ngăn ngắn, mà gã xin mượn tạm để trình làng:
“Thử nghĩ mà xem, Thượng Đế cấu tạo cơ thể con người một cách rất hợp lý, nhưng sao chúng ta lại không sử dụng nó theo đúng ý của Ngài:

- Ngài đặt hai mắt chúng ta ở đằng trước, vì Ngài muốn chúng ta luôn hướng tới phía trước, chứ không phải để chúng ta cứ ngoái nhìn về những sự việc ở phía sau.
- Ngài đặt hai tai chúng ta ở hai bên là để chúng ta nghe từ hai phía, cả lời khen lẫn tiếng chê, chứ không phải để chúng ta chỉ nghe từ một phía hoặc chỉ để nghe những lời tâng bốc êm tai.
- Ngài tạo cho chúng ta chỉ một cái miệng và một cái lưỡi mềm mại, vì Ngài muốn chúng ta nói ít nghe nhiều và chỉ nói những lời khôn ngoan, chứ không phải để chúng ta nói nhiều hơn nghe và nói những lời sâu hiểm làm tổn thương người khác.
- Ngài đặt bộ não chúng ta trong một hộp sọ vững chãi vì Ngài muốn chúng ta nên tích lũy tri thức, những thứ chẳng ai có thể lấy đi, chứ không phải chỉ chăm lo tích lũy những của cải bên ngoài, những thứ dễ dàng bị mất mát.
- Ngài đặt trái tim chúng ta nằm trong lồng ngực, vì Ngài muốn những tình cảm yêu thương giữa những con người phải được xuất phát và lưu giữ tận nơi sâu thẳm trong cõi lòng, chứ không phải ở một nơi hời hợt bên ngoài.

Để thực hiện đúng với đề mục “suy ngẫm” mà người sưu tầm đã mong muốn, gã sẽ ngẫm suy về ba cơ quan trên khuôn mặt của mỗi người, đó là mắt, tai và miệng, còn bộ óc và trái tim, xin khất tới một lần khác.

TRƯỚC HẾT LÀ HAI CON MẮT

Đây là một bộ phận thường được phe đờn bà con gái tận tình chiếu cố và ra sức làm đẹp. Về lông mày, người ta nắn nót tỉa bớt những cọng mọc vô tổ chức, để có được hàng lông mày xinh xinh như chiếc lá liễu. Có kẻ còn chịu khó nhổ phắt đi, rồi xâm vô đó, để có được hàng lông mày vừa đẹp như ý muốn, lại vừa bền vững với thời gian. Về lông mi, người ta cũng chịu khó đeo thêm hàng mi giả, để mỗi khi chớp mắt, thì ra dáng…con nai vàng ngơ ngác. Về màu sắc, người ta tô quầng cho thêm phần âm u huyền bí, người ta nhỏ thuốc cho thêm phần ngây thơ mơ mộng… Ngoài ra, để bảo vệ cũng như để làm đẹp cho cặp mắt, người ta còn tròng thêm cho chúng những cặp kính, đủ mọi kích cỡ, đủ mọi màu sắc. Xanh, xám, hồng…Giống như những thiên kiến, những màu sắc này phần nào ngăn trở, khiến chúng ta không còn nhìn thấy rõ sự thật. Tuy nhiên điều quan trọng là công dụng của cặp mắt. Dĩ nhiên, mắt là để nhìn. Nhưng nhìn cái gì mới là vấn đề.

Thiên hạ thường bảo:
- Con mắt là cửa sổ của linh hồn.

Khung cửa sổ được mở ra để đón nhận những tia nắng hồng cho căn phòng bớt tăm tối và những luồng gió mát cho căn phòng thêm phần thông thoáng và dễ chịu. Cũng vậy, cặp mắt được mở ra để đón nhận những hình ảnh đẹp, thâu lượm những kiến thức làm giàu cho bản thân và cuộc sống.

Tuy nhiên, như khung cửa sổ phải lập tức đóng lại khi cuồng phong nổi lên và cơn mưa trút xuống, chúng ta cũng phải nhắm mắt lại trước những hình ảnh xấu xa, làm vẩn đục tâm hồn và làm nhơ nhớp cuộc sống. Chính vì thế, một tác giả đã viết:
- Cặp mắt là mai mối của tội lỗi.

Từ đó gã hiểu được rằng tại sao Đức Kitô lại có một thái độ thật nghiêm khắc:
- Nếu mắt phải của ngươi làm cớ cho ngươi sa ngã, thì hãy móc mà ném đi; vì thà mất một phần thân thể, còn hơn là toàn thân bị ném vào hoả ngục. (Mt 5,29).

Viết tới đây, gã nhớ tới một mẩu truyện trong sách “Cổ Học Tinh Hoa”, đại khái như thế này:

Lư phu nhân, vợ ông Phòng Huyền Linh, là người tuyệt đẹp và có đức hạnh. Khi còn trẻ, ông hàn vi lắm. Lúc lâm bệnh nặng tưởng chừng như đã sắp chết, ông gọi Lư thị đến mà bảo:
- Tôi bị bệnh nguy quá, nàng tuổi còn trẻ, không nên ở vậy, liệu mà ăn ở tử tế với người chồng sau.
Lư thị nghe nói, nức nở khóc. Đoạn vào trong màn khoét một mắt bỏ đi, có ý tỏ cho chồng biết rằng dù chồng bất hạnh có chết, cũng quyết chí không lấy ai nữa.

Chẳng bao lâu, ông Huyền Linh khỏi bệnh. Sau ông thi đỗ, làm quan đến chức tể tướng. Ông một niềm yêu mến, kính trọng Lư thị vô cùng, không hề lấy một tì thiếp nào nữa. Người ngoài cho thế là tại ông sợ Lư thị có tính hay ghen.

Chính vua Đường Thái Tôn cũng muốn thử lòng Lư phu nhân. Một hôm cho hoàng hậu gọi vào bảo:
- Theo phép thường các quan to vẫn có tì thiếp. Quan nhà ta tuổi đã cao, vua muốn ban cho một mỹ nhân.
Lư thị nhất quyết không nghe. Vua nổi giận, mắng rằng:
- Nhà ngươi không ghen thì sống, mà ghen thì chết.
Rồi sai người đưa cho một chén rượu, giả làm chén thuốc độc, phán rằng:
- Đã vậy thì phải uống chén thuốc độc này.
Lư thị không ngần ngại chút nào, cầm chén, uống hết ngay. Vua thấy thế, bèn nói:
- Ta cũng phải sợ, huống nữa là Huyền Linh.

Trở lại với sự an bài của Thượng Đế. Ngài đã đặt cặp mắt chúng ta ở đằng trước, vì Ngài muốn chúng ta luôn hướng tới phía trước, chứ không phải để chúng ta cứ ngoái nhìn về những sự việc ở phía sau. Kinh nghiệm vốn cho chúng ta thấy: Người già thường sống bằng quá khứ, nên thích ngoái cổ nhìn lại phía sau. Thực vậy, trong khi ngồi nói chuyện với những người đã mang nặng tí tuổi đời, gã thấy các cụ ta luôn nhắc tới một thời oanh liệt, một dĩ vãng oai hùng và một ngày xưa hoàng thị của mình. Hồi ấy ông thế này, bà thế nọ, chứ đâu như bọn nhãi ranh bây giờ. Khi nhìn lại những sự việc ở phía sau như thế, người ta thường có hai thái độ: Thái dộ thứ nhất, đó là huênh hoang và tự đắc với những thành công mà mình đã thâu lượm được, để rồi ngủ quên trên chiến thắng của mình lúc nào cũng không hay. Thái độ thứ hai, đó là bực bội và cay cú với những thất bại mà mình đã gặp phải, để rồi khơi dậy mối hận thù tưởng chừng như đã bị xóa nhòa với thời gian. Dĩ nhiên, gã không phủ nhận vai trò của dĩ vãng, như người xưa đã nói:
- Vô cổ bất thành kim. Không có cũ thì làm sao có mới. Nhìn lại dĩ vãng, để rồi chắt lọc ra những bài học, những kinh nghiệm quí giá cho bản thân, là điều đáng trân trọng. Nhưng nhìn lại dĩ vãng, để rồi thỏa mãn với những chiến thắng, hay hậm hực với những thất bại, mà quên mất hiện tại, thì đó lại là điều bất ổn cần phải được xem xét lại.

Trong khi đó, người trẻ thường sống bằng tương lai, nên luôn hướng nhìn về phía trước, để rồi đưa ra những sáng kiến, góp phần xây dựng một ngày mai tươi sáng hơn.
Dĩ vãng thì đã qua đi. Có lấy làm vinh dự và hãnh diện hay đắng cay và chua xót, thì cũng không thể nào níu kéo lại được. Hiện tại mới thực sự cần thiết, bởi vì tương lai được bắt đầu từ trong hiện tại và ngày mai đang bắt đầu từ hôm nay.

TIẾP ĐẾN LÀ HAI LỖ TAI

Làm đẹp cho vành tai của mình không còn là phạm vị độc quyền của phe đờn bà con gái, mà cánh đờn ông con giai cũng nhảy vô ăn có. Qua phim ảnh và sách báo, cũng như khi đi ra ngoài đường, gã đã thấy nhiều anh con giai cũng xỏ lỗ tai, đeo vào đó một chiếc khoen. Người ta không phải chỉ xỏ một lỗ, mà đôi khi còn xỏ hai ba lỗ trên vành tai của mình, rồi quặc vào đó những thứ phụ tùng lỉnh kỉnh. Một đôi bông, một chiếc vòng, thậm chí có cả những cây thập giá được treo lủng lẳng, tòng teng và đong đưa.

Mục đích của đôi tai là để nghe. Thế nhưng, trong phạm vi này, gã ghi nhận được ít nữa là hai điều bất ổn.

Điều bất ổn thứ nhất, đó là chúng ta chỉ thích nghe những lời khen ngợi và ca tụng, hay những lời có lợi cho chúng ta, thậm chí cả những lời nịnh bợ và tâng bốc. Những lời nói kiểu này được coi như là… khoái lỗ nhĩ, nên dễ dàng được chấp nhận.
Các linh mục Âu Châu ngày xưa làm việc tại Việt Nam thường được gọi là các Cố Tây. Và một vị cố Tây, khi được nghe những lời ca tụng và nịnh bợ như vậy, đã phát biểu như sau:
- Mặc dù thầy biết nó “pĩnh” thầy, nhưng thầy vẫn…thích.
Điều bất ổn thứ hai, đó là chúng ta dễ nghe theo những người mà chúng ta có cảm tình. Lời của những người chúng ta thương mến xem ra dễ thủng lỗ nhĩ của chúng ta hơn bất cứ ai.

Thực vậy, khi muốn xin xỏ một vị quan ông giúp đỡ việc nọ việc kia, hay ban cho một ơn huệ nào đó. Nếu ngại gặp gỡ trực tiếp. Người ta bèn chạy vòng vòng và đi qua cửa hậu, bằng cách đưa phong bì hay biếu xén quà cáp cho quan bà và nhờ quan bà nói tiếp. Một lời của quan bà phán ra sẽ có giá trị gấp ngàn vạn lần lời của dân vai nặng chân trơn.

Cũng theo thể thức ấy, khi có việc phải nhờ cậy cha sở hay một đấng bậc nào đó, chúng ta thường nhờ một vị trung gian bàu cử, chẳng hạn như ông chánh, ông trùm. Những lời của ông chánh hay ông trùm thường được các ngài dễ dàng lắng nghe hơn những lời đường đột của chúng ta.

Thế nhưng, sự an bài của Thương Đế đối với đôi tai thì lại hoàn toàn khác hẳn. Ngài đặt hai tai chúng ta ở hai bên là để chúng ta nghe từ hai phía, cả lời khen lẫn tiếng chê, chứ không phải để chúng ta chỉ nghe từ một phía hoặc chỉ để nghe những lời tâng bốc êm tai.

Trước hết, Ngài không phải chỉ muốn chúng ta đón nhận những lời ngợi khen, mà còn phải lắng nghe cả những lời phê bình, chỉ trích, bởi vì như một câu danh ngôn đã bảo:
- Ai khen ta mà khen phải, thì đó là bạn ta. Còn ai chê ta mà chê phải, thì đó là thầy ta.

Vũ hầu nước Ngụy cùng với quần thần bàn việc nước. Việc gì vua nói cũng phải, quần thần không ai giỏi bằng. Lúc lui chầu, Ngụy hầu ra dáng hớn hở lắm. Ngô Khởi bèn tiến lên và nói:
- Cận thần ai đã đem chuyện Sở Trang vương nói cho nhà vua nghe chưa?
Vũ hầu hỏi:
- Chuyện Sở Trang vương là như thế nào?
Ngô Khởi thưa:
- Khi Sở Trang vương mà bàn việc, mà phải hơn quần thần, thi cho lui chầu. Có người hỏi: Sao vua lại lo? Sở Trang vương nói: Ta bàn việc mà quần thần không bằng được ta, cho nên ta lại lo. Cổ nhân có câu: Các vua chư hầu ai có thầy giỏi thì làm được vương, ai có bạn giỏi thì là được bá, ai có người quyết đoán cho mọi việc ngờ vực thì còn nước, ai bàn việc không còn ai bằng mình thì mất nước. Ta nghĩ ngu như ta mà quần thần cũng không ai bằng, thì nước ta có lẽ sẽ mất thôi. Bởi thế ta lo… Ấy cũng một việc giống nhau. Sở Trang vương thì lo mà nhà vua thì lại mừng.
Vũ hầu nghe vậy, thì áy náy vái tạ và nói:
- Trời sai nhà thầy đến bảo cái lỗi cho ta.

Riêng đối với những lời mời mọc, khả dĩ làm hoen ố cõi lòng và làm vẩn đục tâm can tì phế, chúng ta cần phải can đảm gạt bỏ và dứt khoát nói không.

Đời thượng cổ có ông Hứa Do, là một nhà ẩn dật ở trong chằm Bái trạch. Vua Nghiêu nghe tiếng là người giỏi, mời ra, xin nhường cả thiên hạ. Hứa Do từ chối, lui về ẩn tại núi Trung Nhạc, phía nam sông Dĩnh Thủy.

Sau vua Nghiêu lại tìm đến, cố mời Hứa Do ra làm Tổng trưởng cả chín châu. Hứa Do thấy vậy, không muốn nghe nữa, bèn ra bờ sông Dĩnh Thủy rửa tai. Ngay lúc bấy giờ, Sào Phủ dắt trâu xuống bờ sông gặp Hứa Do và hỏi:
- Vì việc gì mà bác phải rửa tai như vậy?
Hứa Do thuật chuyện. Sào Phủ bèn gò cổ trâu lại mà nói rằng:
- Ta toan cho trâu uống nước nơi đây, nhưng lại e bẩn cả miệng trâu.
Nói đoạn, dắt trâu lên quãng sông trên mà cho uống nước.

Ngoài ra, trong những cuộc xích mích hay bất đồng, chúng ta cần phải có thái độ khách quan, nghĩa là lắng nghe cả hai phe, phe ta cũng như phe địch, để có thể nắm vững sự thật, rồi đi tới một sự hòa giải tốt đẹp. Gã quen một anh bạn chẳng may bị điếc lỗ tai bên trái, thành thử mỗi khi muốn nói với anh ta điều gì, thì phải kề miệng vào lỗ tai bên phải của anh ta mà nói, chứ còn nói vào lỗ tai bên trái, thì anh ta sẽ chẳng hiểu gì cả. Cũng vậy, mỗi khi muốn nghe điều gì cho thấu đáo, anh ta phải chìa cái lỗ tai bên phải về phía người nói, giống như cái đài ra đa hướng tới nơi phát tín hiệu… Trong cách cư xử thường ngày, chúng ta luôn bị tình cảm chi phối, làm cho những phán đoán trở nên lệch lạc, bởi vì chúng ta dễ dàng nghe theo phe ta, là những người họ hàng hay bè bạn thân cận, những người mà chúng ta yêu mến.

Đứa bé nghịch ngợm trong giờ giáo lý, bị ông thầy giúp xứ đét cho vài roi. Đứa bé vừa mếu vừa khóc, chạy thẳng về nhà méc với ông bố. Chẳng cần phải suy nghĩ hỏi han, ông bố liền nổi giận đùng đùng, chạy khắp xóm và chửi đổng ông thầy một chặp:
- Nó không đẻ, nó không đau, nó dám đánh con nhà người ta như thế à.

SAU CÙNG LÀ CÁI MIỆNG

Nơi cái miệng, bên ngoài là vành môi, bên trong là cái lưỡi. Vành môi cũng là điểm được các bà các cô chăm sóc một cách kỹ lưỡng. Người ta có thể giải phẫu cho vành môi nhỏ lại. Người ta cũng có thể xâm cho vành môi to ra. Hơn thế nữa, người ta còn chế tạo biết bao nhiêu thứ son, đủ màu đủ sắc để trang điểm cho vành môi. Có màu đỏ chói như tiết canh gà. Có màu xám ngắt như thịt trâu ươn… Ai thích chọn màu nào, thì xin tùy hỉ.

Cái miệng có nhiều công dụng khác nhau. Đối với những người đang ở trong quĩ đạo của tình yêu, thì cái miệng được dùng để hôn. Đối với những người đang bị kiến bò bụng, thì cái miệng được dùng để ăn. Và đối với bàn dân thiên hạ, ở mọi nơi và trong mọi lúc, cái miệng được dùng để nói.

Kinh nghiệm cho thấy: lời nói, mặc dù là phương tiện chính Chúa đã trao ban để chúng ta chuyển thông tư tưởng và ý muốn cho người khác, hầu tạo được một bầu khí hòa thuận và bắc được một nhịp cầu cảm thông, thế nhưng sai lỗi do lời nói lại là một thứ sai lỗi chúng ta thường vấp phạm hơn cả. Vì với lời nói, chúng ta có thể sai lỗi bất kỳ ở đâu, bất kỳ lúc nào, bất kỳ với ai và bất kỳ qua đề tài nào. Tuy nhiên có hai thứ sai lỗi mà chúng ta thường vấp phạm hơn cả.

Sai lỗi thứ nhất, đó là nói dài, nói dẻo, nói dai. Thực vậy, trong những câu chuyện hằng ngày, gã thấy có những người luôn dành cho mình cái quyền được nói. Họ nói từ đầu đến cuối, không để cho ai chen vào. Họ nói không kịp thở và chỉ nói về mình bằng cách đề cao về những việc mình đã làm, những gì mình đã có, khiến người nghe nhiều lúc vừa khiếp lại vừa sợ. Nhất là đối với các chị vợ. Họ thường ca cẩm về tình trạng vật giá leo thang và những khó khăn trong việc giải quyết vấn đề cơm áo gạo tiền. Họ thường chì chiết anh chồng, nếu chẳng may mắc phải một sai lỗi nào đó. Tất cả là như những điệp khúc buồn được ca đi ca lại suốt ngày, ban sáng cũng như ban chiều, ban tối cũng như ban đêm.

Những người nói dài, nói dẻo, nói dai hình như đã quên mất lời người xưa căn dặn:
- Đa ngôn thì đa quá.
- Rượu lạt uống lắm cũng say,
Người khôn nói lắm, dẫu hay cũng nhàm.


Sai lỗi thứ hai, đó là nói gian và nói dối, có nghĩa là nói hành nói xấu người khác. Nhiều lúc gặp nhau, chúng ta đã phát ngôn thật bừa bãi, chúng ta xả láng chỉ trích người khác, mà chẳng biết thực hư như thế nào. Chúng ta nói cho khoái cái lỗ miệng. Ai mất danh dự, ai bị vùi xuống bùn đen cũng mặc. Chính vì thế, Thánh Kinh đã bảo :
- Số người chết vì cái lưỡi lại nhiều hơn số người ngã gục vì gươm giáo nơi chiến trường.
Và tục ngữ dân Ăng Lê cũng nói :
- Không nọc nào độc cho bằng cái lưỡi.

Trong khi đó, ý muốn của Thượng Đế không phải là như vậy: Ngài tạo cho chúng ta chỉ một cái miệng vì Ngài muốn chúng ta nói ít nghe nhiều và chỉ nói những điều khôn ngoan, chứ không phải để chúng ta nói nhiều và nói những lời sâu hiểm là tổn thương người khác.

Chắc hẳn có lần chúng ta đã cảm thấy bực bội và tức tối trước những luồng dư luận xuyên tạc, trước những miệng lưỡi thâm độc của người đời. Vì dư luận vốn thường luận dư. Lời đồn thổi bao giờ cũng phóng đại, tô màu, không biết đâu mà lường, bởi vì:
- Lưỡi không xương nhiều đường lắt léo.

Một lời nói vô ý thức có thể ví như lon dầu đổ thêm vào lửa, làm bừng lên sự tức giận, thù oán, thiêu rụi hết tình nghĩa ruột thịt cũng như lối xóm. Một lời nói vu oan có thể làm cho người khác mất hết tiền bạc, địa vị, thân bại danh liệt và đi vào chốn lao tù. Bởi đó, người xưa đã dạy :
- Hãy ngoáy lưỡi bảy lần trước khi nói.

Esope là một tên nô lệ da đen, nhưng rất được chủ là ông Santô yêu mến và kính trọng. Ngày kia có khách đến chơi, ông chủ sai Esope ra chợ mua thức ăn, nhưng không bảo phải mua những gì. Esope mua toàn các thứ lưỡi : nào lưỡi heo, nào lưỡi bò, nào lưỡi ngựa… đem về nấu nướng. Lạ miệng nên ăn ngon, ông chủ và khách khứa đều hài lòng về tài nấu nướng của Esope.
Lần sau có khách, ông chủ cũng sai Esope đi chợ và cũng không dặn phải mua những gì. Esope lại mua về toàn những lưỡi, chỉ khác ở chỗ là cách nấu nướng và thêm bớt gia vị.
Thấy vậy, ông chủ ngạc nhiên thì Esope bèn kính cẩn làm một màn lý luận về cái lưỡi. Ông nói :
- Ở đời, tốt hay xấu, lợi hay hại đều do việc sử dụng cái lưỡi một cách khéo léo hay vụng về.
Chính nhờ vậy, Esope được chủ quí yêu và giải thoát khỏi kiếp sống nô lệ.

Để kết luận, gã xin ghi lại một tư tưởng như sau:
- Lưỡi người khôn ngoan tạo thành danh giá, mồm kẻ ngu dại gây nên đổ vỡ tan hoang.

(Gã Siêu từ Dũng Lạc)