Tuesday, August 14, 2007

Trai ‘‘Khôn’’ Tìm Vợ ...

Yip tiên sinh, người đất Mã, ngoại ngũ tuần, đã mấy lần dang dở chuyện tình duyên. Một hôm, được người bạn cho biết đến Giang Nam, Yip có thể tìm được cô vợ trẻ, mà không tốn kém bao nhiêu. Yip bèn đến Giang Nam, nhờ mai mối tìm được một cô mới ngoài hai mươi.

Đám cưới nhanh chóng diễn ra, Yip và vợ về Mã sinh sống. Nhưng chỉ được hương nồng lửa ấm đúng bốn tháng, Yip đã chịu không nổi cô vợ Giang Nam, người thì mảnh mai nhưng “kung fu” chẳng kém Lý Tiểu Long.

Chẳng là, sau khi từ chối các vụ đòi tiền liên tục của cô vợ trẻ, nói là để gởi giúp gia đình, Yip bị vợ đánh, nhéo, tát, cào, cấu… Yip dự định vợ chồng sẽ không có con, vì lo ngại không trả nổi các khoản chi phí y tế. Vợ Yip nghe được và không hiểu ý chồng. Nàng tức điên lên, hăm doạ sẽ dùng “dao cau” loại tốt, đi ngọt một đường lấy phần quí nhất để Yip không thể sinh quí tử với ai khác!

Yip tiếc tiền đã chi dùng cho việc đi Giang Nam cưới vợ. Chỉ nội đám cưới Yip đã chi béng mất 14 000 Ringgit, đang thiếu nợ ngân hàng 5 000 Ringgit. Trước ngày đám cưới, Yip đã phải chi riêng cho vợ 1 000 Đô-la tiền Giang Tây, để lo thuốc thang cho cha già ở quê; thêm 4 000 Ringgit để mua sắm đồ cưới và cái điện thoại di động "xịn" cho nàng nữa.

Mới đây, sau khi biết chính xác hiền thê yêu quí của mình đã một thời đã từng là lính gái trong quân đội, Yip hãi hùng quá, bỏ của chạy lấy người, thoát ra khỏi căn nhà ở Puchong. Ra đi vội vã đến nỗi, chuyện ly dị Yip cũng chưa kịp bàn đến.

Bồ Tình Tang

Gởi Con Yêu Dấu

Nếu một mai thấy cha già mẹ yếu

Hãy thương yêu và thấu hiểu song thân.
Những lúc ăn, mẹ thường hay vung vãi
Hay tự cha không mặc được áo quần.

Hãy nhẫn nại nhớ lại thời thơ ấu
Mẹ đã chăm lo tã, áo, bế bồng.
Bón cho con từng miếng ăn, hớp sữa
Cho con nằm trong nệm ấm chăn bông.

Cũng có lúc con thường hay trách móc
Chuyện nhỏ thôi mà mẹ nói trăm lần.
Xưa kia bên nôi, giờ con sắp ngủ
Chuyện thần tiên mẹ kể mãi không ngưng.

Có những lúc cha già không muốn tắm
Đừng giận cha và la mắng nặng lời.
Ngày còn nhỏ con vẫn thường sợ nước
Từng van xin “đừng bắt tắm, mẹ ơi!”

Những lúc cha không quen xài máy móc,
Chỉ cho cha những hướng dẫn ban đầu.
Cha đã dạy cho con trăm nghìn thứ
Có khi nào cha trách móc con đâu?

Một ngày nọ khi mẹ cha lú lẫn
Khiến cho con mất hứng thú chuyện trò
Nếu không phải là niềm vui đối thoại
Xin đến gần và hãy lắng nghe cha.

Có những lúc mẹ không buồn cầm đũa
Đừng ép thêm, già có lúc biếng ăn.
Con cần biết lúc nào cha thấy đói
Lúc nào cha thấy mệt, muốn đi nằm.

Khi già yếu muốn nương nhờ gậy chống
Xin nhờ con đỡ cha lấy một tay
Hãy nhớ lại đến thời con chập chững
Mẹ dìu con đi những bước đầu ngày

Một ngày kia cha mẹ già chán sống
Thì con ơi đừng giận dữ làm gì!
Rồi mai này đến phiên, con sẽ hiểu
Ở tuổi này, sống nữa để làm chi?

Dù mẹ cha cũng có khi lầm lỗi
Nhưng suốt đời đã làm tốt cho con.
Muốn cho con được nên người xứng đáng
Thì giờ đây con cũng chẳng nên buồn.

Con tức giận, có khi còn xấu hổ
Vì mẹ cha giờ ăn đậu ở nhờ.
Xin hãy hiểu và mong con nhớ lại
Những ngày xưa khi con tuổi ấu thơ

Hãy giúp mẹ những bước dài mệt mỏi
Để người vui đi hết chặng đường đời
Với tình yêu, và cuộc đời phẩm giá
Vẫn yêu con như biển rộng sông dài.

Luôn có con, trong cuộc đời
Yêu con, cha có mấy lời cho con.

YÊU NGƯỜI CÓ ĐẠO

Khoảng mấy tháng sau ngày lịch sử đã qua một trang mới, không biết Bố tôi mua được ở đâu trên Sàigon mang về một lô thật nhiều sách, nhưng sách truyện thì không có mấy, mà toàn là sách nghiên cứu lấy lá số tử vi, bói bài, xem chỉ tay! Tôi cũng mở ra xem thử vài trang, cuối cùng đành gấp lại, vì tôi chẳng hiểu gì cả. Chị tôi may mắn hơn đã nhanh tay lượm được trong đống sách mấy cuốn truyện của nhà văn Lệ Hằng và Quỳnh Dao, còn sót lại phần tôi một vài cuốn Tuổi Hoa Xanh, Tuổi Hoa Đỏ... Tôi lân la chờ chị đọc xong bèn hỏi mượn, không ngờ bà chị tôi quắc mắt rồi lên giọng: “Còn bé, chưa đọc được mấy cuốn sách này!” Lúc đó tôi tức ghê lắm, vì chị đâu có hơn tôi bao nhiêu tuổi, chiếu theo giấy khai sinh, bà chị chỉ hơn tôi đúng 1 tuổi rưỡi, vậy là tôi đành “ngậm đắng nuốt cay” về an phận với mấy cuốn Tuổi Hoa kia.

Thời gian lúc đó đi qua thật chậm, bốn đứa lớn chúng tôi đều phải nghỉ học,việc đến trường chỉ dành cho các em, chợ búa buôn bán cái gì cũng ế ẩm. Tôi nhớ chỉ cách đó mấy tháng trước thôi: tuy Bố Mẹ tôi không có nhà lầu xe hơi như người khác nhưng căn nhà gia đình chúng tôi ở ngoài mặt phố, lại gần chợ nên dạo đó rất thuận lợi cho việc buôn bán. Bố tôi làm nghề may còn Mẹ tôi mở cửa hàng bán vải ngay tại nhà. Cuộc sống tương đối sung túc nếu không nói là khá giả và vì ở gần chợ nên cái ăn thức uống trong nhà lúc nào cũng đầy đủ. Vậy mà chỉ trong chốc lát... mọi sự đã thay đổi, mấy đứa lớn chúng tôi cũng tự kiếm cho mình một thời khoá biểu mới. Chị em tôi chia nhau ra với công việc nhà, để một phần nào giúp Bố Mẹ, trong lúc các người còn phải chạy đôn chạy đáo lo cho đàn con ngày hai bữa cơm độn, lúc thì khoai lang hoặc khoai mì, khi thì ăn độn với mì sợi được phân phối bởi hợp tác xã lúc bấy giờ. Những lúc rảnh rang một chút, Bố tôi nghiên cứu lấy lá số tử vi cho cả nhà, cộng cả Bố Mẹ vị chi tất cả 14 người! Bỗng một hôm Bố tôi ngưng tay viết và nói lớn:

- Cái Hằng nhà mình mai mốt lấy chồng xa xứ, số tử vi của nó bảo thế và người sau này lấy nó, vóc dáng to lớn lắm!

Có đôi lúc tôi ngồi suy nghĩ vẩn vơ, rồi nghĩ đến câu nói của Bố hôm nào, tôi tự nhủ thầm, năm nay mình 15 tuổi, cả đời có đi đâu ra khỏi con phố này, quanh đi quẩn lại cũng từ nhà ra chợ, rồi từ chợ về... xa hơn một tí đến nhà thờ đi lễ, xong về nhà. Một lần ca đoàn đi picnic ở Lái Thiêu, tôi đã xin phép Bố tôi trước cả hai tuần, ấy vậy mà đến hôm đi, tôi vừa xách xe đạp ra sân, đã nghe Tổng Tư Lệnh [Bố tôi] chỉ thị: “Không có đi đâu hết, ở nhà!” thế là tôi tiu nghỉu như mèo bị cắt tai, đành dắt xe trở vô mà lòng buồn vô hạn... Gia đình tôi kỳ cục lạ, các anh tôi, muốn đi đâu cũng được còn phe con gái chúng tôi muốn đi đâu thật là gian nan, trắc trở !

Nhưng đến một hôm không hiểu sao gia đình bàn cho tôi đi vượt biên. Thời gian này sự đi lại của tôi lại càng bị hạn chế, cứ như tù bị giam lỏng, vì ở nhà dặn không được đi đâu xa để lỡ “người ta” gọi còn đi cho kịp chuyến... Xét cho cùng đi gần còn không xong nói gì tới đi xa... nhưng tôi cũng len lén thỉnh thoảng bỏ giấc ngủ trưa để đi thăm những chốn mà một thời rất gần gũi với tôi. Đầu tiên tôi ghé về trường cũ, tôi chỉ đứng nhìn ngôi trường cho đỡ nhớ vì lúc đó đâu còn Thày Cô với bạn bè. Dĩ nhiên tôi không dám đi lâu, nên mỗi lần tôi đến một chỗ thôi. Lần khác tôi vào nghĩa trang thăm mộ Ông Nội, cầu nguyện với ông xin Chúa cho tôi đi được bình an, lúc ra về chiếc xe đạp tự dưng tuột xích, làm tôi hoảng sợ quá vì chung quanh toàn những ngôi mộ không một bóng người, cuối cùng tôi vừa lâm râm khấn Ông Nội giúp, vừa cố gắn cái dây xích vào, khi được là tôi cắm cúi đạp xe một mạch ra khỏi nghĩa trang như bị ma đuổi....

Một hôm tôi đến thăm lại cô giáo cũ, người đã dạy tôi tập viết, tập đọc năm tôi học lớp Mẫu Giáo, nhưng khi đến nơi tôi không tìm được căn nhà của cô giáo ngày xưa nữa. Lần đó tôi buồn vô hạn, vì không biết cô giáo của tôi đi đâu rồi, tôi ra về mà nước mắt rưng rưng ! Và hầu như chiều nào tôi cũng đến nhà thờ đi lễ, tôi nửa bán tín bán nghi, có phải tôi sắp đi thật xa không? Với bao nhiêu công chuyện, theo thời gian, tôi cũng quên bẵng luôn lời tử vi của Bố lấy cho tôi ngày xưa!

Có một điều tôi tin tưởng tuyệt đối là tôi được ơn trên thương che chở cách riêng nên chuyến đi của tôi chỉ mất ba ngày bốn đêm là đến MãLai. Sau được chuyển qua đảo, ở đúng sáu tháng tôi được gia đình Chú Ba bảo lãnh sang Mỹ. Có lẽ thời gian đó những thuyền nhân “Boat People” chỉ là con số mới bắt đầu, một phần tôi ở diện trẻ em không thân nhân dưới 18 tuổi nên không ở lâu như những người tỵ nạn đến sau này... Ba năm sau Bố tôi dẫn theo hai đứa em trai của tôi cùng đi vượt biên. Sau này Bố con tôi dọn về một khu chung cư khác, với hoàn cảnh bấy giờ, gia đình tôi ở cùng dãy chung cư với một số người ‘ngoại đạo’. Hàng xóm làng giềng không như bên VN, lại là người tứ xứ, rồi vì giờ giấc đi làm khác nên cũng hiếm có dịp nói chuyện với nhau.

Lúc đó còn đi học, trong lớp tôi quen với Chị Xuân. Thật tình buổi đầu tôi không biết chị là người Việt. Thấy tôi hay đứng đợi xe buýt lúc tan học,chị ngừng xe lại và hỏi cho tôi quá giang. Tôi thật ngạc nhiên khi nghe chị nói tiếng Việt vì khuôn mặt của chị Xuân không giống người Việt Nam. Chị trông giống người Mễ hơn, có lẽ vì chị có nước da ngăm ngăm với đôi mắt thật to, hàng lông mi cong vút dưới cặp chân mày đậm. Có lúc nhìn chị giống người Ai Cập, Sau này chị cho tôi biết Ba chị là người Pháp lấy Mẹ người Việt. Tôi “mê” nhất ở chị cách phát âm của người miền Nam 100%. Chị Xuân thông thạo bốn ngoại ngữ làm tôi cứ phục lăn ra. Thường trong lớp trao đổi bằng tiếng anh là chính, nhưng thỉnh thoảng chị nói xen kẽ tiếng Việt. Mỗi lần như thế tôi không khỏi lắng nghe vì chất giọng ngọt lự của người miệt Cần Thơ, [nếu tôi là đàn ông chắc tôi tương tư chị mất thôi!] Một hôm Chị Xuân hỏi tôi rằng:

- Bé Hằng ơi, có ưng lấy chồng người ngoại quốc không em?

Mới nghe mà tôi đã giật thót cả người, không trả lời chị, tôi hỏi lại:

- Sao chị lại hỏi em như vậy?

Chị Xuân cười thấy rõ một bên má lúm đồng tiền, trông chị thật dễ thương! Không cần nghĩ lâu, chị bảo tôi:

- Bé Hằng biết không, chồng chị, anh David đó, có người bạn rất thân, ông ta không phải người Mỹ nhưng là người Spanish [Tây Ban Nha], là Bác Sĩ đó nghen nhỏ. Ổng rất muốn quen với một người phụ nữ Việt Nam để cưới làm vợ. Chị thích nhất bé Hằng nên tính làm mai ông đó cho em đó cưng!

Vì Chị Xuân lớn hơn tôi một con giáp [12 tuổi] nên lúc nào nói chuyện cũng gọi tôi là “bé”. Bấy giờ tôi đủ bình tĩnh để trả lời:

- Chị Xuân à, em thiệt tình cảm ơn chị đã thương mà nghĩ cho em, nhưng em mới qua, còn đi học, với lại em chưa bao giờ nghĩ sẽ lấy chồng ngoại quốc chị à. Mình đâu có nhiều chữ, rủi về biết đâu mà nói chuyện!

Cái dễ thương nhất làm tôi mến chị Xuân là khi đối thoại, chị luôn trả lời chân chất thiệt thà:

- Chèng ơi, cần gì biết nói nhiều đâu em!

Hồi đó tôi còn khờ lắm, chưa hiểu hết ý của chị, nên trả lời:

- Chứ vợ chồng lấy nhau hổng lẽ hổng nói chuyện?

Chị Xuân liếc liếc mắt rồi nháy tôi một cái và nói:

- Thì vợ chồng mà, ở lâu cũng hiểu mờ nhỏ!

Tôi tìm cách nói “ra” thì Chị Xuân cứ nói “dô”. Cuối cùng tôi sợ chị buồn nên hỏi lấn ná qua vấn đề khác:

- Vậy ổng có đạo không chị? Có đi nhà thờ nhà thánh gì không?

Chị Xuân trả lời không do dự:

- Ổng theo Tin Lành em à.

Thế là tôi như trút được ngàn cân:

- Ý! hổng được đâu, em nói chị giận em cũng chịu, em chỉ muốn nếu lập gia đình thì lấy người Việt và phải là người cũng có đạo giống như em thôi.

Chị Xuân chớp chớp đôi mắt như hồi tưởng lại ngày xa xưa nên nói:

- Hồi xưa bên bển chị cũng có chồng là người Việt, cùng quê với chị đó bé Hằng biết không. Lấy chồng năm 18 tuổi, năm sau anh ấy đi lính tử trận, lúc đó chị đang có bầu con Yến. Mấy năm sau chị lên Sàigòn đi làm, gặp rồi quen David, Ba thằng Hoàng bây giờ. Đám cưới lúc đó làm ở nhà thờ Đức Bà. Duyên nợ nhiều khi không như mình muốn đâu em!

Tôi nghe xong câu chuyện thấy thương chị quá, thấy tôi vẫn giữ khăng khăng lập trường của tôi, chị không đả động gì tới chuyện làm mai nữa. Sau này tôi và chị Xuân vẫn thường xuyên liên lạc nói chuyện với nhau.

Thật lòng tôi không kỳ thị người khác đạo. Khi sang đây tôi đã lớn, tôi luôn lập luận với chính mình, mai sau nếu như lập gia đình, chắc chắn người chồng của tôi sau này: Thứ nhất: phải là người Việt Nam - Thứ nhì: phải cùng một niềm tin tôn giáo với tôi, thiếu hai ưu điểm này, kể như “rớt đài”!

Có lần Liên, cô bạn thân của tôi đề cập đến vấn đề “Hôn Nhân Không Cùng Tôn Giáo.” Sau khi nghe tôi dài dòng giải thích, Liên bảo tôi:

- Muốn “thứ” nào chỉ “một thứ” thôi, mi đòi hỏi nhiều quá!

Nhưng tôi cương quyết:

- Không được “cả hai”, thì “qua” sẽ ở diện “độc thân vĩnh viễn”!

Liên ngạc nhiên nói:

- Vậy Hằng không “chấm điểm” “khác” à?

Tôi cười bảo:

- Sao không! Nhưng những thứ ‘khác” chỉ là “phụ” thôi!

Liên tròn mắt hỏi lại:

- Tại sao chỉ là phụ, người ta ai cũng muốn: con nhà giầu, học giỏi, đẹp trai cơ mà!

Tôi bật cười với ý nghĩ của Liên vừa nêu ra, và bảo:

- Nếu “người ấy” hội đủ hai điều kiện đầu tiên như tau mới nói, vậy là được 50 điểm rồi. Về công danh, sự nghiệp, tiền tài, học thức, kể cả tuổi tác nữa .... tất cả đều nằm trong 50 điểm còn lại nữa thôi!

Liên có vẻ không tin tưởng lời tôi vừa nói, nên hỏi lại:

- Lỡ hắn là... “thương phế binh” thì sao?

Lần này tôi trả lời một mạch:

- Thì có trăng sao gì đâu, tau càng không thích đàn ông đẹp.Mi không nghe người ta nói: “Củi khô dễ nấu, chồng xấu dễ xài” hay sao? Quan niệm của tau đàn ông bô trai, tính tình sẽ bay bướm lắm, hay lăng nhăng lít nhít nay em này, mai em khác. Bản tính như thế khó giữ họ ở nhà với gia đình, mình thương chi mấy người như vậy, để lúc nào cũng phập phồng lo sợ, có ngày lên cơn đau tim, chết chắc!

Nhưng Liên lại trở về ý niệm ban đầu:

- Còn nếu “Anh Là Người Ngoại Đạo- Nhưng Tin Có Chúa Ở Trên Cao” thì mi tính sao?

Tôi lắc đầu bảo:

- Không tính toán chi hết. Mi nghĩ xem, giả như lúc ban đầu mới quen hắn theo mình đi lễ, vì không cùng tôn giáo, lẽ dĩ nhiên cung cách khi tham dự thánh lễ sẽ lạng quạng lắm. Một thí dụ nhỏ như: khi mình ngồi, hắn quỳ, mình quỳ, hắn đứng, mình đứng hắn ... hắn dám “nằm” chứ chẳng phải nói chơi đâu!

Lần này Liên, cô bạn tôi, bật cười lớn tiếng:

- Sao mi có thể tưởng tượng ra chuyện kỳ cục như vậy được?

Tôi ngạc nhiên hỏi lại:

- Tưởng tượng gì, sự thật sẽ là như thế! Mi xem đó, “sự thật thì phũ phàng” - tau nói rồi, chẳng thà “ở vậy” cho xong chứ dắt theo một gã cứ như con lật đật như vậy đi lễ, tau chịu không nổi!

Liên có vẻ yếu thế, tôi được thể “ca” thêm:

- Mi không tin phải không? Tưởng tượng là mi có “kép” đi chùa thử xem. Hắn dẫn mi đi chùa với hắn, tau đố mi biết khi nào quỳ, khi nào đứng đó? Bây giờ mở mắt ra chưa, con khỉ!

- Thế Hằng không nghĩ đến chuyện lấy người ngoại đạo để: “cứu vớt một linh hồn” sao?

Tôi nhìn nó mà thương hại. Nhiều khi bạn tôi cứ như người rơi từ cung trăng về. Tôi nghĩ tôi phải làm cho nó tỉnh mộng mới được, nên trả lời:

- Cái gì, lấy người ngoại đạo để cứu vớt một linh hồn ấy hả? Thôi, con lậy mẹ. Linh hồn tau tau còn chưa biết trôi dạt về đâu. Mi phải “biết người biết ta” chứ, rõ là: “Ốc không mang nổi mình ốc còn cõng thêm rêu!” Liệu có cứu nổi hay không, hay cái linh hồn của mình cũng ngả về phía hắn thì rồi đời, con ạ! Với lại tau nghĩ nếu mình không có “bản lãnh” thì đừng mong cứu ai, lo giữ linh hồn mình trước đi đã.

Lúc bấy giờ cô bạn tôi mới “nhìn ra chân lý”, nhưng vẫn cố trêu tôi:

- Được rồi, thôi chúc mi sẽ gặp được người trong mộng như ý muốn. À, mà mi nói mi không quan tâm đến hình dáng “bên ngoài”, vậy tau hứa cầu nguyện cách riêng cho mi đó nghe Hằng, hy vọng “chàng” của mi không đến nỗi giống người kéo chuông “Quasimodo”! [nhân vật chính trong phim The Hunchback of Nortre Dame/Thằng Gù Nhà Thờ Đức Bà].

Nói xong nó cười khanh khách. Tôi cũng đáp lễ lại cho cân xứng:

- Cái anh chàng kéo chuông vậy chứ chung tình lắm đó mi không thấy sao?

Liên lắc đầu chịu thua tôi.

****************

Một thời gian sau gặp lại, Liên đã có gia đình. Nàng than vắn thở dài về việc ông chồng Liên thuộc típ người: “Tôi lấy được vợ tôi thôi nhà thờ!” Tình cảnh đó tôi chỉ còn biết an ủi cô bạn thân, cầu nguyện nhiều.

Nhân kỷ niệm 17 năm Hôn Phối, tôi viết bài này để tặng “Người Bạn Đường cũng như Bạn Đời” của tôi. Phúc Âm Chúa dạy: “Hãy xin sẽ được - Hãy gõ thì cửa sẽ mở.” Cảm tạ Hồng Ân Thiên Chúa đã ban cho con có được “cả hai ”: Anh vừa là Người Việt Nam cùng là Người Công Giáo.

Nguyễn Áo Trắng

NGƯỜI THIÊN THAI GIỮA TRẦN AI

Theo thị kiến của thánh nữ Catherina Emmerich về cái chết của Mẹ Ma-ri-a thì Mẹ mất vào khoảng 80 tuổi đời. Các Thánh Tông Ðồ lo liệu táng xác Mẹ vào một hang mộ. Thánh Tô-ma khi ấy đang đi công tác rao giảng Tin Mừng ở Ấn độ trở về chậm mất mấy ngày. Trong cơn đau đớn của người con bị mất Mẹ mà ông hết dạ kính yêu, ông đòi phải mở hầm mộ ra cho ông được nhìn lại Mẹ của ông lần cuối để ông đành lòng cam chịu ý nghĩ người Mẹ muôn vàn yêu quý đã thực sự qua đời. Các Thánh Tông Ðồ đành phải lăn tảng đá bít kín ngôi mộ của Mẹ Ma-ri-a theo sự đòi hỏi đáng thương của Thánh Tô-ma.

Và người ta thấy ngôi mộ trống trơn. Không còn di hài của Mẹ ở trong đó nữa, không còn dấu vết hình hài người Mẹ cao cả đã từng nửa thế kỷ sống bên cạnh những người con Tông Ðồ, trong ánh nắng hồng của miền Ga-li-lê hay trong ánh nến biếc của Giáo hội sơ khai giữa những đêm nguyện cầu. Vậy mà phút chốc người ta không còn tìm thấy Mẹ đâu nữa, phần mộ thế gian không cất giữ được tấm hình hài thiêng liêng của Mẹ. Mẹ đã thực sự đi vào không gian tâm tưởng hoài niệm của các con Mẹ.

Trong cuộc đời của chúng ta cũng thường chứng nghiệm được điều này: là khi một người thân yêu của ta đã mất đi, chính lúc ấy ta thục sự biết rằng người đó đang sống hơn bao giờ hết trong lòng ta, và luôn luôn gần gũi bên ta mãi mãi.

************************

Tuy nhiên Ðức Mẹ không chỉ bất diệt trong tâm hồn thánh Tô-ma và các Thánh Tông Ðồ khi họ không còn thấy lại thân xác của Mẹ trong mồ nữa, mà từ đó Mẹ Ma-ri-a đã hiện ra khắp nơi trên trái đất, từ phương Ðông cho đến phương Tây, từ phương Nam cho chí phương Bắc, Mẹ không để cho con cái loài người của Mẹ lâm cảnh bơ vơ côi cút. Từ hai ngàn năm nay, cách riêng trong thế kỷ hai mươi, Mẹ đã hiện ra đến 300 nơi chốn trên toàn thế giới.

Từ Lourdes đến Fatima Bồ-đào-nha năm 1916-1917, là trọng tâm của Sứ Ðiệp kêu gọi Ăn năn hối cải. Lần chuỗi Mân Côi. Ðền tạ Thánh Thể. Sống Khiết tịnh.

Trong khi nhân loại đang trên bờ vực tự hủy diệt vì muôn ngàn tội lỗi, Mẹ đã cho biết trước Thế Chiến Thứ I sẽ kết thúc và kế tiếp Thế Chiến thứ II sắp xảy ra vô cùng thảm khốc và ngày 13.7.1917 Mẹ hứa cùng 3 em bé Jacintha, Lucia và Francisco ở Fatima "Ta sẽ cho nước Nga được trở lại", kèm theo nhiều phép lạ cả thể.

Mẹ cũng đã hiện ra liên tiếp nhiều nơi khác để loan báo cùng một sứ điệp mang lại sự hòa giải cho loài người. Ðã biết bao lần Mẹ đã xoay chiều hướng đi của lịch sử nhân loại qua những sự can thiệp bất ngờ của Ðức Mẹ trong kế đồ mưu sự hòa bình cho thế giới.

Sứ điệp yêu thương của Mẹ trải dài thiên thu nhật nguyệt. Riêng ở Việt Nam chúng ta có Ðức Mẹ Trà Kiệu, Ðức Mẹ La Vang 1798. Mẹ hiện ra trong cơn cấm cách bắt đạo thời triều Nguyễn, để cứu các tín đồ Thiên Chúa giáo và ban nhiều phép lạ cứu giúp hơn hai trăm năm nay cho cả người ngoại đạo.

************************

Như vậy, chỉ trong khoảnh khắc sự kiện thân xác của Ðức Mẹ không còn được trông thấy trong mộ phần thế gian được sáng tỏ đến thiên thu. Thiên Chúa muốn cho toàn thể con cái loài người trên hoàn vũ đều được chiêm ngưỡng sức sống cứu độ trên dung nhan yêu kiều diễm lệ của Mẹ Người, có nghĩa là sau cuộc sống trần gian "Ðức Ma-ri-a được Thiên Chúa đem lên Trời cả hồn lẫn xác."

Giáo hội La Mã ngày 15.8 năm 650 đã chính thức cử hành Ðại Lễ mừng Kính "Ðức Mẹ Hồn Xác lên trời". Năm 1950, Ðức Giáo Hoàng Pio XII trong Ðịnh Tín Vô Ngộ đã xác nhận:

"Ta xác nhận, tuyên bố và định tín rằng đây là một Tín điều do Thiên Chúa mạc khải, là Mẹ Thiên Chúa vô nhiễm, Ðức Ma-ri-a trọn đời đồng trinh, sau khi kết thúc cuộc sống của người trên dương thế, đã được đem cả hồn xác lên hưởng vinh quang Thiên Quốc."

Ðược giữ gìn tinh sạch khỏi mọi vết nguyên tội và sau khi đã hoàn tất cuộc đời trần thế, Ðức Nữ Trinh Vô Nhiễm đã được đưa lên hưởng vinh quang trên trời cả hồn lẫn xác, và được Thiên Chúa tôn vinh làm nữ vương Vũ trụ, để nên giống Con Ngài trọn vẹn hơn, là Chúa các Chúa, Ðấng đã chiến thắng tội lỗi và sự chết.

Với hình ảnh Người Mẹ đi về không ngớt từ hai ngàn năm nay, Mẹ Ma-ri-a đã cùng với thế giới hàm tàng trong một chân lý duy nhất: Con người phải thực hiện sự sống toàn diện của nó và chỉ có thể an trú trong cõi vô cùng.

Mẹ không ngớt kêu xin người tội lỗi ăn năn trở lại, bởi vì trong tội lỗi con người đã tự mình đứng về phía hữu hạn, chống lại cõi vô hạn vốn là nguyên ủy của chính bản thân mình. Bởi cho cuộc đời như bóng câu qua cửa sổ, con người từ khi sinh ra luôn thấy khát khao vẻ đẹp và nguồn vui, nhưng có sống muôn triệu năm con người vẫn thường thấy mình thiếu thốn. Những lạc thú trong đời tự nó không có gì nhiều, chỉ do lòng ham muốn của ta biến đổi nó thành ảo tượng. Do đó con người luôn tự biết mình cần một cái gì rộng lớn hơn, bởi sống mãi cùng sự kém cỏi hơn mình là một điều đau khổ sâu xa. Giữa cuộc đời này cưu mang nơi nó cùng lúc sự chết và sự sống, sự ác và sự thiện, bóng tối và ánh sáng, những điều cực tiểu và cực đại, ti tiện và cao quý, tủi nhục và vinh quang, đau khổ và phúc lạc, Thiên Chúa đã ban cho nhân loại mẫu người thiên thai là Mẹ Ma-ri-a, để dạy cho ta biết thương yêu, biết cho đi hết cái tôi phàm trần dòn mỏng của mình, bởi tự kỷ chúng ta không được hoàn bị, chúng ta còn phải tiến đến sinh thành. Nếu cứ phải lặp đi lặp lại hằng hà sa số những kiếp làm người trần ai, hẳn ta phải tưởng tượng ra cái vô cùng tận kinh hoàng của luân hồi địa ngục.

Mẹ Ma-ri-a là người nữ đầu tiên của loài người đã thưa "Xin Vâng" cùng Thiên Chúa. Mẹ nhận lãnh công việc của Thiên Chúa, với sứ mạng làm Mẹ Chúa Giê-su, ngay khi tại thế, Mẹ chính là Ơn Cứu Rỗi. Thiên Chúa ngụ trong Mẹ, và Mẹ đã ở trong Người. Ðể xóa bỏ thân phận ngục tù thế gian cho chúng ta, Mẹ đã từ khước bản thân mình, phó thác trọn vẹn, với ý chí mãnh liệt dấn thân giữa trần thế, nhưng với bản ngã thần linh. Thật vậy, cái gọi là tri thức của con người không bao giờ có thể chiếm hữu được cái hữu thể vô hạn của chúng ta, vốn không thể mãn nguyện trong biên giới của tự nhiên, và phải cảm nhận được cái vô cùng mà ta biết rằng không bao giờ ta nắm bắt được bao lâu ta còn ở trong trần thế.

Vậy mà lạ thay, đó mới thật sự là hạnh phúc! Ðó là một cái gì lớn hơn, cái mà mình không bao giờ mong có được, một mối mơ không bao giờ mất, bởi trong thân phận làm người, chúng ta đã từng có được gì đâu.

Ngày 15.8 Lễ Ðức Mẹ Lên Trời Hồn Xác chính là ngày đại lễ ước mơ của mỗi người chúng ta, bởi chúng ta được thông phần ơn cứu chuộc và thánh hóa cùng Ðức Mẹ. Sứ điệp của Mẹ từ hai ngàn năm nay là chiếc tàu Nô-ê của chúng ta. Cho nên để đón nhận nước Thiên Chúa ngay giữa trần gian này ngõ hầu chuẩn bị ngày Chúa quang lâm, chúng ta hãy nên như trẻ thơ chỉ biết yêu mến và cậy trông vào Mẹ, xin Mẹ dạy ta hai tiếng "Xin Vâng", vượt thoát mọi lý lẽ, mọi hoàn cảnh thế gian. Lời Kinh Mai Khôi vang lên qua bao thế kỷ, lan tỏa khắp mọi không gian, cho tất cả hiện tại trở thành vĩnh hằng, chúng ta đi theo Ðấng đã "Xin Vâng", Ngôi Lời ở trên môi, nào có xa vời, vốn không hề nơi đâu khác.

Chúng ta chiêm ngắm đường đi nẻo về của Người Mẹ tôn nghiêm và vĩnh cửu, Người Mẹ đẹp tuyệt trần, lồng lộng cao sang trên đường mây cánh gió. Mắt Mẹ dịu dàng tĩnh hư âu yếm, trong đáy mắt u hoài thiên thu thần thoại, tàng ẩn nơi chốn được ban tặng trọn vẹn yêu thương viên mãn.

Với mầu nhiệm Ðức Mẹ lên trời hồn xác, tôi xác tín được rằng Thiên Chúa không hề phân ly với sáng tạo của mình.