Thursday, March 15, 2007

Đức Thánh Cha nhấn mạnh thêm về quan hệ giữa Đức Tin và Lý Trí

Vatican - Trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 28/1, Đức Thánh Cha đã trở lại một trong những đề tài ưa thích của ngài: Sự liên hệ giữa Đức Tin và Lý Trí. Khi trích dẫn gương Thánh Tôma Aquinô, được mừng hôm Chúa Nhật, Đức Thánh Cha nhắc mọi người rằng Đức Tin và Lý Trí không phải là những phạm trù loại trừ lẫn nhau:

“Khi con người đặt giới hạn vào việc suy tư những đối tượng vật chất và thực nghiệm, không đếm xỉa đến những mối băn khoăn lớn lao về cuộc đời và về Thiên Chúa.. thì người ấy tự mình đóng kín trước những câu hỏi lớn nhất về cuộc đời, về chính mình và về Thiên Chúa”.

Đức Thánh Cha phàn nàn rằng:

“Sự phát triển khoa học ở thời cận đại đúng là đã mang lại rất nhiều hiệu quả tích cực, cần phải được nhìn nhận. Tuy nhiên, đồng thời, cũng phải ghi nhận rằng khuynh hướng chỉ muốn chấp nhận là đúng điều gì có thể thí nghiệm được, là một giới hạn cho lý trí con người, và phát sinh ra một sự thác loạn kinh hoàng, hiện đang lan rộng, dưới sự thao túng của chủ nghĩa duy lý, duy vật, siêu kỹ thuật, và buông thả bản năng”.

Theo Đức Thánh Cha, “Điều cấp thiết là phải tái khám phá lý tính của con người được mở rộng đến Lý (Logos) của Chúa và đến sự mặc khải sung mãn của Ngài nơi Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa làm người. Đức tin Kitô giáo đích thực không đè bẹp tự do và lý trí của con người; vì thế, tại sao đức tin và lý trí lại sợ sệt lẫn nhau, đang khi mà nếu như gặp gỡ và đối thoại với nhau thì đôi bên có thể biểu lộ mình hoàn hảo hơn? Đức tin giả thiết lý trí và kiện toàn lý trí; còn lý trí được đức tin soi chiếu, sẽ tìm được sức mạnh để bay bổng lên hiểu biết Thiên Chúa và các thực tại thiêng liêng. Lý trí không mất mát gì hết khi mở rộng đến các nội dung của đức tin; hon thế nữa, các chân lý đức tin đòi hỏi sự chấp nhận tự do và sáng suốt.”

Khi nhắc nhớ đến ngày lễ Thánh Tôma Aquinô, Đức Thánh Cha nhấn mạnh Thánh Nhân “đã thành công trong việc thiết lập một cuộc gặp gỡ phong phú với tư tưởng Ảrập và Do Thái đương thời, và vì thế ngài đáng được nhìn nhận như là bậc thầy luôn hiện đại trong cuộc đối thoại với các nền văn hoá và các tôn giáo. Thánh nhân đã biết trình bày sự tổng hợp tuyệt diệu của Kitô giáo giữa đức tin và lý trí. Đây là một gia sản quý báu cho văn minh Tây phương, nguồn mạch ngày nay vẫn còn hữu ích để đối thoại với các truyền thống văn hoá và tôn giáo ở mạn Đông và mạn Nam của địa cầu”.

Cuối cùng, Đức Thánh Cha cầu nguyện “cho các Kitô hữu, cách riêng những ai đang hoạt động trong lãnh vực học đường và văn hoá, được biết cách diễn tả tính cách hữu lý của niềm tin của mình, và làm chứng điều đó trong sự đối thoại được tình yêu thúc đẩy”.

Đặng Tự Do