Wednesday, June 6, 2007

ĐỒNG HÀNH VỚI CHÚA

Trong Đệ Nhị Thế Chiến, anh là một thanh niên đã sống một cuộc sống cuồng loạn trong một trang trại. Cuối cùng anh đã lập gia đình và ổn định cuộc sống. Vào thời điểm đó, anh được hoán cải và bắt đầu thay đổi cuộc sống.

Mấy năm sau đó, nói chính xác hơn là vào năm 1942, anh nhận được lệnh gọi nhập ngũ qua bưu điện. Anh phải đi khám sức khỏe để tòng quân. Sau khi khám sức khỏe, anh trở về nhà. Anh nhận thấy chiến tranh là một hành động vô luân và thật là sai lầm khi phải cầm súng. Anh đi gặp một vị linh mục để xin ý kiến và ngài cho biết đó là bổn phận phải chiến đấu để bảo vệ tổ quốc. Anh cảm thấy không thỏa mãn với lời khuyên bảo đó.
Anh đến gặp Đức Giám Mục và ngài cũng nói như vị linh mục vậy. Đức Cha cho biết đó là một cuộc chiến tranh để bảo vệ tổ quốc, chống lại một chính thể độc tài vô thần, nên anh có bổn phận phải gia nhập quân ngũ. Lời khuyên bảo đó cũng không có sức thuyết phục anh.

Anh vẫn tin tưởng chiến tranh là điều không chính đáng, không thể biện minh được. Vì thế thật sai lầm đối với anh là một Kitô hữu phải đi đánh giặc. Vợ anh và nhiều bạn hữu của anh cũng khuyên nhủ anh nên hợp tác với chính quyền.

Sau cùng, anh nhận được lệnh của quân đội buộc anh phải trình diện nhập ngũ. Anh quyết định thông báo cho biết là anh không tuân lệnh. Do đó anh bị bắt, bị xét xử theo quân luật, bị kết tội mưu phản và và nhận lãnh bản án tử hình. Chính Phủ Đức Quốc Xã đã thi hành bản án ngày 9 tháng 8 năm 1943 tại Bá-linh. Anh là người Áo, với danh xưng là Franz Yeagersteter. Không giống như vị linh mục và giám mục đã khuyên bảo, anh xác tín việc tham gia vào cuộc chiến của Hitler là điều vô luân và anh đã chết vì niềm tin của mình.

Ngày anh lên đoạn đầu đài, anh đã viết một lá thư trần tình cho biết tại sao anh đã hành động như thế. Anh viết: “Tôi tin tưởng đó là điều Chúa đã kêu gọi tôi làm và tôi đã dâng hiến cuộc đời của tôi như một hy lễ đền tội cho Đức Quốc Xã. Tôi ngước mắt nhìn trời là nơi tôi sẽ tới và rồi từ đó tôi sẽ nhìn xem các con tôi trong tương lai và được biết chúng sẽ hỉểu tại sao cha chúng đã làm điều đó.”

**********************************

Để khuyên bảo những Kitô hữu vào buổi ban đầu, Thánh Phaolô đã nói: “Nếu ta cùng chết với Người, ta sẽ cùng sống cùng Người. Nếu ta kiên tâm chịu đựng, ta sẽ cùng hiển trị với Người.” (2Tm 2:11-12). Thánh Phaolô đã nói như thế, do kinh nghiệm bản thân. Ngài đã chịu đựng nhiều gian khổ trước khi làm nên những việc lớn lao.

Như người ta thường nói: “Một con tim nhút nhát không thể nào chinh phục được quả tim vàng.” Kitô giáo không phải là một tôn giáo dành cho những con tim nhút nhát. Chúng ta phải chịu đựng nhiều hy sinh gian khổ trong cuộc đời thường, đầy chông gai thử thách, trước khi có thể vào Nước Thiên Chúa.

Đó là định luật của cuộc sống, vừa khắt khe vừa hùng tráng. Không thể có triều thiên mà không có thánh giá, không thể có chiến thắng mà không đổ mồ hôi, máu và nước mắt. Không thể có Chúa nhật Phục Sinh mà không có Thứ Sáu Tuần Thánh, không thể có sống lại nếu không có chết đi.

Khi đọc câu chuyện trên, có thể bạn không thích người đó vì anh không chiến đấu cho một cuộc chiến chính đáng, và đó cũng là cuộc chiến chính đáng đối với Đức Quốc Xã. Mọi cuộc chiến được xem là chính đáng vì lý do luân lý, đối với những người chiến đấu cho những cuộc chiến đó. Họ đã chiến đấu ở nước Áo để bảo vệ Kitô giáo, chống lại chế độ Công Sản vô thần của Nga Sô Viết. Đó là điều chính quyền tuyên truyền cho dân chúng và nhiều người đã tin theo.

Nhưng thử nói lại điều đó cho những nạn nhân các lò hỏa thiêu của Đức Quốc Xã và những người đã mất tất cả trong Đệ Nhị Thế Chiến, chắc chắn không lọt tai chút nào. Sự đứng lên chống lại cuộc chiến đó của Franz Yeagersteter khiến chúng ta ngày nay ca tụng anh là người anh hùng cao cả.

Không có chỗ để thỏa hiệp ở đây. Một người có thể giữ ngày Sabbat cho dẫu không ai tuân giữ hết, hoặc xem lễ Chúa nhật cho dẫu bạn bè từ khước. Người ta có thể sống quảng đại, quan tâm và vị tha đối với người khác, hoặc thảo kính và phụng dưỡng cha mẹ trong tuổi già.

Người ta có thể không làm chứng gian, không nói dối, trộm cắp hay ngoại tình. Người ta có thể không bị lãng phí bởi nếp sống tiêu thụ và giới trẻ có thể khước từ việc nghiện ngập, xì ke, ma túy và dấn thân vào những tương giao đặt cơ sở trên những nguyên tắc luân lý vững chắc.

Người ta có thể đương đầu với những trào lưu thế tục, cho dẫu phải đứng lên một mình, hơn là chạy theo quần chúng. Bạn có thể ngẩng đầu lên cao trong khi những người chung quanh cúi thấp đầu xuống. Người ta có thể sống cũng như mọi người nhưng lại khác biệt mọi người, tức là “hòa nhi bất đồng”. Người ta có thể đi con đường hẹp, ít người đi và có thể trở thành một nhà lãnh đạo hơn là người theo bén gót.

Người ta có thể sống và chết cho một lý tưởng cao đẹp, như sống cho Chúa Kitô trong một bối cảnh trần tục. Khi chúng ta vấp ngã, và điều đó thường xuyên xảy ra, chúng ta có thể chỗi dậy, với ơn Chúa phù trợ, bằng lời cầu nguyện hằng ngày để tiếp tục đoạn đường kế tiếp.

Tuy nhiên những điều đó sẽ không xảy đến, nếu chúng ta không chấp nhận cho mình một kỷ cương và sức mạnh nội tâm, cũng như có ý muốn chấp nhận gian khổ để được dẫn tới Vương Quốc của Chúa.

**********************************
Lạy Chúa, xin ban cho con thêm sức mạnh và can đảm để dám đồng hành với Chúa, dám sống và chết cho niềm tin của mình. Amen!

Huong Vinh

ĐIỀU KHÁC THƯỜNG TRONG NHỮNG CÁI BÌNH THƯỜNG

Tôi vẫn nhớ câu chuyện thầy Thế Tâm Nguyễn Khắc Dương kể cho chúng tôi nghe trong một buổi học: Lúc thầy còn trẻ ở quê miền Trung, trong một lần dạo chơi ngoài đồng vắng, chú “tiểu đồng” đi theo đã hỏi thầy: “Cậu ơi, bông hoa nở trong kẹt đá để làm chi, không có ai thấy cả!”.

Câu hỏi của chú bé nọ đã ăn sâu vào trí nhớ của tôi. Nhiều lần tôi đã suy nghĩ đề tìm câu trả lời, nhưng tôi chỉ tự trả lời được bằng một câu “kinh điển” chung chung: Vì Thiên Chúa yêu thương loài người nên Ngài dựng nên muôn loài muôn vật cho loài người hưởng dùng mà ca ngợi Ngài! Tôi đã “ví von” câu chuyện này qua bài thơ “Ngẫm Nghĩ” sau đây:

Đoá hoa nở giữa đồng không.
Con chim hót giữa mênh mông đất trời.
Sao lấp lánh giữa chơi vơi.
Cá tôm bơi lội giữa khơi nước ngàn.
Vô thường mà lại đa mang,
Thân con giữa chốn trần gian đông người.
Sinh ra để khóc hay cười?
***
Hôm nay, sau một cuộc nói chuyện với hai bạn trẻ đến thăm và sau khi tình cờ đọc xong một đoạn trong cuốn “Hoàng Tử Bé” của Saint-Exupéry, tôi đột nhiên “thấy” được một câu trả lời có vẻ cụ thể và “sát sườn” hơn cho mình: “Bông hoa ấy nở trong kẹt đá là để chú bé kia thấy nó và đặt ra câu hỏi nọ”. Bông hoa ấy không nở ra một cách “vô nghĩa lý” trong cuộc đời!
Tôi thử suy nghĩ thêm và thấy có điểm tương đồng giữa bông hoa nọ và một con người nào đó đang hiện diện trên cuộc đời này: Không ai có mặt trên cuộc đời một cách “vô nghĩa lý” cả. Nếu Thiên Chúa dựng nên một người thì chắc chắn người ấy đã được Ngài trao cho một sứ mạng để hoàn thành.
Tôi trở lại suy nghĩ về những bông hoa và thấy Thiên Chúa đã dựng nên quá nhiều bông hoa, hình như nhiều hơn cả mức cần thiết, như chú bé nọ đã nhận xét. Nhưng nghĩ cho kỹ, tôi thấy bất kỳ bông hoa nào - dù là bông hoa dại - cũng có một “sứ mạng”: hoặc là để cho con người ngắm nhìn, hoặc là để cho ong bướm hút mật, hay thậm chí để cho chim chóc côn trùng nhấm nháp cho no bụng... Không bông hoa nào nở ra một cách vô ích cả.
Con người cũng vậy. Hình như Thiên Chúa dựng nên nhiều người quá, có lẽ nhiều hơn cả mức cần thiết? Thầy Dương đã đưa ra nhận xét như thế khi đi giữa đường phố Sài Gòn đông nghẹt người.
***
Trong hàng tỷ người đang có mặt trên trái đất này, thoạt nhìn, có rất nhiều cuộc đời xem ra vô nghĩa lý vì “ẩn khuất trong những kẹt đá” như bông hoa mà chú bé nọ đã tình cờ nhìn thấy. Họ âm thầm được sinh ra và âm thầm chết đi mà chẳng để lại dấu tích gì trên trần gian. Thậm chí nhiều khi cuộc đời họ chỉ toàn là đắng cay bất hạnh phải âm thầm gánh chịu một mình. Thế thì họ được sinh ra làm gì nhỉ?
Chú bé nọ “tình cờ” gặp được bông hoa và đặt ra được một câu hỏi. Khi ấy chú còn quá nhỏ để biết rằng câu trả lời đã nằm sẵn trong câu hỏi mà chú đặt ra. Tôi hy vọng rằng khi lớn lên chú đã tìm ra câu trả lời cho mình. Nếu còn sống, bây giờ chắc “chú” cũng đã bước qua tuổi 70!
Riêng tôi, nhờ câu hỏi ấy mà tôi tìm ra được một câu trả lời về cuộc nhân sinh cho chính mình: Mỗi một con người được sinh ra trên mặt đất này là để hạnh ngộ với một-ai-đó.
Rất nhiều lần và rất tình cờ, tôi đã được soi sáng bởi những con người “vô danh”: những người hành khất, những người tàn phế, những đứa trẻ con, những người nhà quê bình dị... Nếu được phép, tôi xin ví họ như những bông hoa nở trong kẹt đá. Họ âm thầm sống giữa cuộc đời, không kỳ vọng có một ai đó “ngắm nhìn” mình, “trưng bày” mình cho những người khác chiêm ngưỡng. Họ sống một cuộc đời bình dị. Họ được sinh ra trong bình dị và sẽ chết đi trong bình dị, hầu như không để lại một dấu ấn nào cho những người chung quanh. Tuy nhiên, nếu xét cho kỹ, họ đang âm thầm thực hiện sứ mạng cao cả của mình dù họ không hay biết. Nếu họ sống đúng với ơn gọi làm người, chắc chắn họ đang soi sáng cho ít là một-ai-đó đã may mắn tình cờ gặp được họ. Là người, họ đang thực hiện sứ mạng cao cả của một con người trong cuộc đời này.
***
Là Kitô hữu, là con cái “gần gũi” của Thiên Chúa, chắc chắn tôi đang mang trong mình một sứ mạng trọng đại mà Thiên Chúa trao phó. Sứ mạng ấy trọng đại không phải vì tôi sẽ làm những việc lớn lao mang lại những thành công vang dội khiến nhiều người trầm trồ thán phục. Không, như một bông hoa dại nở trong kẹt đá, sứ mạng trọng đại của tôi là hãy nỗ lực làm triển nở toàn vẹn ơn gọi Kitô hữu trong chính hoàn cảnh sống hiện tại của mình. Rồi đến một lúc bất ngờ nào đó, phút giây hạnh ngộ giữa tôi và một-ai-đó sẽ đến. Nếu cuộc gặp gỡ này có thể giúp cho người đó đặt ra câu hỏi về ý nghĩa của cuộc nhân sinh, thì tôi đã thực hiện được sứ mạng mà Thiên Chúa uỷ thác khi Ngài cho tôi được diễm phúc sinh ra trong cuộc đời này.
Lạy Chúa, xin Chúa giúp con biết sống một cách “khác thường” những điều “bình thường” trong mọi giây phút của cuộc đời con. Amen./.


- Trầm Tĩnh Nguyện -

Người Phu Quét Rác

(Câu chuyện người quét rác)

Cứ tối đến là Sài Gòn se se lạnh, cái lạnh nhẹ nhàng của mùa xuân cũng không làm cho một số người mát hơn chút nào. Mồ hôi họ vẫn chảy, tuy vậy họ vẫn bịt kín từ trên xuống dưới, ngay cả chân tay họ cũng không có chỗ nào hở.

Họ là ai? Thưa họ là những Người Phu Quét Rác. Họ che kín thân người, chắc là để cho cát bụi không bám vào các lỗ chân lông lúc nào cũng “rộng mở” cho mồ hôi chảy ra; họ bịt kín mặt mũi là để cho bụi đất, bụi đời, và bụi thời gian không thể len lỏi vào bên trong thân xác và cuộc sống của họ được; và cũng có thể để cho những kẻ qua đường, như chúng ta, không nhận ra họ là ai.
Nhưng cuộc sống của họ giống cuộc sống Linh Mục của tôi một điểm (theo ý của riêng tôi – không phải là ý kiến chung của các Linh Mục) đó là: dẫu biết rằng hôm nay có quét sạch bụi đời, thì ngày mai mình cũng phải quét lại; dẫu có làm sạch bây giờ thì trong giây lát sẽ có người làm dơ bẩn. Nhưng mặc kệ, ai xả cứ xả, còn chúng tôi quét dọn vẫn cứ quét dọn! Họ dọn sạch đường cho tôi và bạn đi! Tôi dọn sạch tâm hồn cho bạn thênh thang!!! Tuy vậy giữa hai cuộc sống tưởng chừng như khá giống nhau đó, lại có một điều vô cùng khác nhau: Tôi được tôn trọng (ít ra cũng được người khác gọi bằng cha), còn họ bị người khác nhìn khinh khi. Cho nên tối hôm nay trước khi đi tìm trẻ bụi đời, tôi tìm đến họ.

Tôi bao một chiếc honda ôm cho 2 tiếng đồng hồ với giá 150 ngàn đồng và lên đường tìm những người phu quét rác. Cứ gặp ai thì tôi bảo anh lái xe Honda dừng lại, tôi đến cạnh họ, nói chuyện và chúc mừng năm mới rồi lì xì cho họ 50 ngàn đồng.
- Chào chị!

Tôi tiến lại và nói to để chị có thể nghe. Chị dừng đôi tay đang thoăn thoắt đưa cái chổi trên mặt đường nhìn tôi có ý thăm dò nhưng không nói gì. Tôi liền nhắc lại vẫn một câu nói đã thuộc nằm lòng từ nãy tới giờ, và đã được lặp đi lặp lại cho bao nhiêu người:
- Em cám ơn chị đã dọn sạch đường phố cho mọi người trong những ngày giáp tết. Cám ơn chị vẫn âm thầm làm việc không kể nắng mưa. Em muốn tặng chị một chút quà để thay lời cám ơn.
Vừa nói tôi tôi vừa đưa cho chị một cái phong bì trong đó có 50 ngàn.
- Cám ơn em, chị cầm lấy và nói.
- Cám ơn chị, chúc chị một năm mới bình an trong tâm hồn và xin Thiên Chúa chúc lành cho chị!

Nói xong tôi lên xe Honda tính tiếp tục lên đường. Xe vừa chồm bánh thì tôi nghe tiếng chị gọi.
- Em ơi, em ơi, cho chị hỏi cái.
- Dạ chị gọi em.

Tôi trả lời, bảo anh tài xế dừng xe rồi bước xuống xe quay lại bên chị.
- Em có phải là người Công Giáo không?
- Dạ phải.

Nghe tới đó chị từ từ gỡ đôi găng tay, gỡ cái mũ, gỡ khẩu trang và tôi nhìn thấy nước mắt chị đang rơi trên khuôn mặt mà có lẽ tôi phải gọi là cô mới đúng. Chị nói:

- Chị làm nghề này đã được 30 năm, từ ngày “giải phóng.” 30 năm quét rác, chưa có một người qua đường nào nói với chị một điều tốt lành, chứ đừng nói tới việc họ cám ơn chị. Họ nhìn chị với một con mắt khinh khi và ghê ghét. Chị đâu phải là người thất học. Năm giải phóng thì chị đang chuẩn bị thi tú tài toàn. Một tương lai đang mở ra trước mắt chị…

Nói tới đó chị dừng lại đưa bàn tay đầy bụi bặm lên lau nước mắt. Thấy vậy tôi vội móc túi lấy cái khăn mùi xoa đưa cho chị. Chị cầm lấy cám ơn tôi lau nước mắt rồi nói tiếp.

- Nhưng thế thời thay đổi và chị đã trở thành người phu quét rác 30 năm nay. Chị đã nhận được bao nhiêu lời chế diễu, bao nhiêu lời xúc phạm và bao nhiêu lời có thể nói là chửi mắng từ những đứa trẻ choai choai chỉ đáng tuổi làm con của chị. Có những lúc vô tình, hay cũng có thể là bụi nhiều quá, nên khi chị quét rác thì bụi bay mịt mù nên những người chạy xe qua đường nhìn chị xỉa xói hay nói những câu đại loại như “Quét nhẹ tay một chút” hay “Đui sao không thấy bụi bay ngất trời.”

Chị nói như trút bầu tâm sự với một người mà tưởng chừng đã thân quen. Tự dưng tôi cảm nhận được cái cảm giác mà những ngày đầu tiên qua Mỹ khi không biết một chữ tiếng anh mà đi đâu gặp một người biết nói tiếng Việt thì mừng lắm. Cứ bám chặt vào nói chuyện như đã quen biết từ lâu. Có thể chị chưa tìm được “người công giáo” nào để chia sẻ nên giờ có tôi chị như bắt phải cái phao. Thế là tôi dìu chị vào lề đường, tôi ra hiệu cho anh chạy Honda đi về trước và tôi ngồi xuống bên chị. Chi lại lau nước mắt kể tiếp:

- Chị cũng người công giáo! Nhiều khi chị đi làm về là sáng, chạy vội vào đi lễ không kịp tắm rửa, chị biết là chị không thơm tho nên đâu dám vào trong nhà thờ chỉ dám đứng xa xa, vậy mà cũng không ai dám đứng gần chị. Họ có lỡ đến gần rồi họ cũng bỏ đi. Thôi kệ chị đến với Chúa mà, nếu không thì chị mất Lễ Chủ Nhật. Nhưng chị khổ nhất là chị không dám xếp hàng lên rước Chúa vì những người chung quanh chê chị hôi...

Chị nói tới đây thì tôi cầm lấy tay chị mà nước mắt bắt đầu rơi. Tôi khóc vì hạnh phúc với niềm tin quá ư là lớn lao của chị. Và tôi cũng khóc cho niềm tin mỏng giòn của tôi chưa dám đặt Thiên Chúa lên hàng đầu. Và tôi cũng khóc cho các bạn nữa, thật đấy. Tôi khóc vì chúng ta đang sống trong một thế giới tự do và đầy đủ nhưng lại có những lý do để từ chối đến với Chúa ngày Chủ Nhật… Ôi tôi thật thấy hổ thẹn với lòng mình, với chị và với Chúa.

- Sao em khóc vậy?

Chị kéo tôi về với thực tại

- Em không sao. Em chỉ phục Đức Tin quá lớn lao của chị vào Thiên Chúa, trong khi đó em được Chúa ban cho rất nhiều mà không tin được như chị. Em thấy mắc cỡ thôi.

- Mỗi người có một hoàn cảnh em à. (Chị an ủi tôi). Niềm tin của chị càng vững hơn khi người khác càng khinh khi chị - vì chị biết Chúa yêu thương chị nhiều lắm khi nhìn thấy người ta khinh con của Chuá như vậy.

Chị dứt lời thì tim tôi đau nhói. Không phải bởi vì cái bệnh tim của tôi mà vì chị đã dạy tôi một bài học thật đến không thể thật hơn được nữa. Tôi quyết định thú nhận với chị.

- Chị có tin không? Em là một Linh Mục đó!

- Cha… Cha… Cha… Chị nấc lên từng tiếng trong ngỡ ngàng và nghẹn ngào. Con xin lỗi cha, con không biết Cha là Cha. Cha tha lỗi cho con.

Vừa nói chị vừa qùy xuống như van nài tôi.

- Không có gì đâu chị. Em phải xin lỗi chị mới đúng chứ!

Vừa nói tôi đỡ chị trở lại vị trí ngồi bên tôi và chúng tôi ôm nhau khóc. Vâng, chị khóc và tôi cũng khóc. Chúng tôi khóc giữa lòng đời mặc cho bao người qua lại soi mói. Khóc cho nỗi đau khổ của cuộc đời, những trớ trêu của nó, và cho cả hai thân phận lẻ loi trong những đêm cận tết. Nhưng có cuối cùng cũng phải xác nhận là chị khóc là bởi vì chị đang hạnh phúc. Chị hạnh phúc vì chị cảm thấy có người hiểu được và cám ơn công việc quét rác của chị, và chị cảm thấy được yêu thương, một tình thương không vụ lợi. Còn tôi khóc vì… tôi khóc và cảm thấy xấu hổ. Đơn giản thế thôi, không thể giải thích được, mà tôi nghĩ là cảm xúc dâng ngập con tim nhỏ bé và tràn ra trên khoé mắt.

Chút Suy Tư:

Nhà thơ Nghiêm Xuân Cường có viết để diễn tả những giọt nước mắt rơi của hai kiếp người trong tác phẩm “Vô cớ lệ rơi” như sau:

Vì đâu mắt lệ chứa chan
Một màn sương bỗng giăng ngang giữa trời
Kiếp người - cũng một kiếp người
Mẹ ơi sao có người cười, kẻ đau
Một phương nắng đẹp muôn mầu
Một phương cô quạnh u sầu nát tim
Nơi đây gió lặng trời êm
Mà sao chốn ấy đạn bom hãi hùng
Bể dâu, dâu bể chập chùng
Mẹ ơi nghĩ đến mà lòng xót xa
Xót cho nguời, xót cho ta
Trăm năm một kiếp, nở hoa mấy mùa.

Vâng Chúa ơi, cũng một kiếp người mà sao “có người gục ngã đau thương” nhưng lại có niềm tin vào Chúa như thế. Trong khi đó trong xã hội Mỹ chúng con đang sống thì cũng một kiếp người mà sao “có người hạnh phúc hân hoan” nhưng tâm hồm họ thì đã xa Chúa lắm rồi. Xin cho con và cho những kiếp người đã được Chúa chúc lành nhiều hơn những kiếp người khác biết chia sẻ những gì Chúa đã ban cho chúng con với những kiếp người không may mắn bằng chúng con và nhất là cho chúng con biết xây dựng ngôi nhà của chúng con trên nền tảng vững chắc là niềm tin vào Chúa bằng cách sống niềm tin đó trong đời sống hàng ngày.“ Vậy ai nghe những lời Thầy nói đây mà đem ra thực hành, thì ví được như người khôn xây nhà trên đá. Còn ai nghe những lời Thầy nói đây, mà chẳng đem ra thực hành, thì ví được như người ngu dại xây nhà trên cát.” (Mt 7:24, 26)


Linh Mục Martino Nguyễn Bá Thông