RADIO ONLINE
Saturday, March 7, 2009
Cho con tất cả yêu thương...
TT - Câu chuyện dạy con của một bà mẹ với phương pháp không dùng bạo lực, chỉ dùng tình yêu thương để giáo dục con.
Sinh bốn nhóc, năm một, lại toàn là trai, nhóc lớn chưa đầy mười tuổi, nhóc nhỏ hơn sáu tuổi, tuy thương con nhưng có lúc tôi phát cáu và bất lực với những trò nghịch ngợm, phá phách của đám nhỏ.
Phòng suy nghĩ!
Hai nhóc chọc phá nhau, khóc lóc, giành đồ chơi, chạy tới méc ầm ĩ. Tôi nói nhẹ nhàng nhưng nghiêm và dứt khoát bảo nhóc lớn: "Con đi theo má!". Nhóc lớn tỏ vẻ giận, chưa chịu đi ngay, ráng đứng phân bua. Tôi lặp lại, giọng dứt khoát hơn, bảo con đi theo tôi.
Dạy con thắng không kiêu, bại không nản, để sau này con có lỡ rớt một cuộc thi hay gặp thất bại sẽ không quá chán chường, thất vọng và buông xuôi trong cuộc sống.
Đưa con vào một phòng khác, tôi bảo con ngồi trước mặt, nhìn thẳng con và nhẹ nhàng điềm tĩnh nói với con những điều phải trái. Nhóc lớn tuy miệng nói xin lỗi nhưng vẫn có vẻ chưa bằng lòng, thái độ còn hậm hực lắm. Tôi bảo con: "Bây giờ con ngồi đây, từ giờ trở đi đây sẽ là "thinking room" (phòng suy nghĩ). Khi nào làm sai, con sẽ vào đây và suy nghĩ về những điều con làm. Má để con ngồi đây mười phút và không được rời khỏi phòng trước khi má cho phép. Sau đó trả lời má những câu hỏi sau...".
Tôi đưa ra những câu hỏi để con hiểu lý do tôi xử sự với con như thế, tại sao con phải cần làm như thế... Nói rồi tôi rời khỏi phòng, gọi nhóc nhỏ vào một phòng khác. Tôi cũng áp dụng phương pháp trên với nhóc nhỏ... Tôi chọn cách nói chuyện riêng là để con không xấu hổ trước mặt anh em của mình khi bị mắng, cũng như con cảm thấy mình trưởng thành hơn, được tôn trọng hơn.
Để nhóc nhỏ ngồi đó, tôi quay lại với nhóc lớn và nói chuyện cùng con. Sau mười phút ngồi chờ, con có vẻ bình tĩnh hơn, không còn hậm hực nhiều như trước. Nhóc biết em của mình cũng đang bị phạt bên kia, hiểu rằng tôi xử sự công bằng nên không trách tôi bênh em hơn thương nhóc nữa. Nhóc trả lời các câu hỏi tôi đặt ra trước đó, tôi giải thích thêm cho nhóc những đúng sai trong hành vi, cư xử. Xong, tôi ôm nhóc vào lòng nựng nịu, nhóc mắc cỡ nhưng vui ra mặt. Cái ôm sau cùng của tôi là để nhóc hiểu những điều tôi vừa làm không phải trách giận con và nhóc luôn là đứa con yêu quí của tôi!
Thưởng điểm để khuyến khích con!
Hằng ngày, tôi dùng hình thức thưởng điểm để khuyến khích con. Sẵn chương trình tính toán của Microsoft Excel, tôi tạo hồ sơ cho mỗi nhóc, cho điểm ngoan, trừ điểm phạt. Chương trình vi tính tự tính toán kết quả để mấy nhóc thích thú khi nhanh chóng nhìn thấy tổng số điểm mình đạt được trong ngày, trong tuần, trong tháng. Điểm thưởng sẽ qui ra tiền, tôi sẽ cho khi con đi chơi hoặc cần mua món gì. Các nhóc sẽ phải ráng ngoan để lấy điểm mà mua món mình cần chứ tôi không tự nhiên cho như trước đây.
Có khi mệt quá tôi kềm không được, nổi nóng. Sau này có lần giật mình thấy thằng nhỏ thể hiện cách nóng giận như của mình, tôi suy nghĩ thật nhiều, cố gắng học cách kiềm chế cơn giận và đổi phương cách giáo dục.
Sau một thời gian tính điểm trên Excel để con biết cách cộng và trừ những điều được và chưa được, tôi đưa mỗi nhóc một cuốn nhật ký có ghi sẵn ngày. Bây giờ các con sẽ có trách nhiệm ghi vào sổ những điều được và chưa được trong ngày, tự tính điểm cho mình theo danh sách đã liệt kê của tôi. Làm vậy con sẽ ý thức hơn những điều mình làm, cũng là cách để con luyện thêm chính tả.
Tôi linh hoạt trong việc tính điểm cho con, thỉnh thoảng tôi tăng đôi, tăng ba số điểm thưởng; khi nói trước, khi bất ngờ cho thêm điểm sau khi các con thật ngoan vào ngày hôm đó. Hình thức thưởng điểm này quả có tác dụng nhiều. Con vừa phải ngoan hơn để cố gắng lấy nhiều điểm, vừa học cách tự mình tiết kiệm số tiền kiếm được, bớt đi chuyện xin thêm để mua đồ khi đi chơi, vì bây giờ cần gì thì cứ việc lấy điểm thưởng ra mà mua.
Buổi tối dạy các con học, tôi cũng áp dụng điểm thưởng lên bài các con làm. Với tôi, con làm bài được hay không được không quan trọng lắm, quan trọng nhất là hành vi, thái độ ứng xử. Có khi nhóc lớn làm bài không xong, tôi vẫn khuyến khích cho thêm điểm với lý do con biết tập bình tĩnh và không hấp tấp khi giải quyết một bài toán.
Buổi tối, đưa các con vào giường ngủ, tôi chọn đọc một câu chuyện hay. Vừa để giải thích với con những từ ngữ lạ trong sách, vừa để con hiểu thêm cách sống, những điều nhân nghĩa ở đời, về cách tha thứ, thông cảm và những thương yêu...
Cuộc sống của tôi khá bận rộn, nên đã có lúc tôi chỉ dạy con qua loa. Về sau nghĩ lại, thà mất nhiều thời gian cho con trong một thời gian để ổn định nếp sống, nếp suy nghĩ của con còn hơn la rầy con lấy có, hậu quả không chỉ cho riêng tôi mà còn cho các con, cho xã hội sau này.
Dĩ nhiên, như người ta hay nói, cha mẹ sinh con trời sinh tính. Không phải tôi dạy đúng thì chắc chắn con phải sống tốt. Nhưng với tình yêu thương con, tôi nghĩ tôi sẽ làm cho con những gì mình có thể, để sau này dẫu sóng đời có đẩy xô con về bến bờ nào, nhìn lại tôi cũng sẽ không quá ân hận.
CHÂN TÂM (Melbourne)
Posted by Hoài Vọng Nhân at 3/07/2009 06:36:00 AM 0 comments
Câu chuyện của Thủy
TT - Khi nghe Thúy (công dân trẻ TP.HCM - em gái bị ung thư xương, được mệnh danh “đóa hướng dương” vì nghị lực vượt lên nỗi đau bệnh tật) viết trong nhật ký “Cho con thêm thời gian...”, lòng tôi se sắt... Tôi đã từng quen biết một cô bé cùng cảnh ngộ như Thúy và tôi đã quá vô tâm trước thời gian sống đang cạn dần của em. Em bỏ lại áo trắng, sân trường ở tuổi 18.
Năm 1995, Út nhà tôi vào lớp 1, hay kể cả nhà nghe chuyện “bạn Điểu Thủy tốt nhất” của mình. Nhiều năm sau, Út (lúc vào lớp 7) báo tin “Thủy ở lại lớp vì bệnh”. Tình cờ gặp em, tôi không khỏi ngỡ ngàng: em bị cưa một chân đến bẹn, người gầy yếu và rất e dè, ít nói. Nghe kể em hay buồn rầu và hỏi những câu nhức nhối: vì sao không được như người khác? Vì sao lại là em...?
Rồi cuộc đời cứ trôi... Khi tôi dường như không nhớ gì về em nữa thì em, như một sự run rủi, đã ngồi vào lớp học trò đầu tiên tôi vừa ra trường. Đó là năm 2004. Tôi không nhận ra Thủy ngay vì chào tôi là cô bé mập mạp, tươi tắn, đứng lên nhanh nhẹn... Em học giỏi, đặc biệt là môn văn, và tôi lo cho sự cảm nhận đa chiều về nỗi đau của em. Sơ ý gọi em lên bảng, tôi vội nói “Cô nhầm rồi” khi thấy em lua khua nạng gỗ, em vẫn vô tư lầm bầm “trời ơi hên quá”. Và khi tôi để lớp “nói leo” thì tiếng em to nhất và góp ý xây dựng say mê nhất. Tôi ưu tiên em được ngồi trả bài, em mạnh dạn thưa: “Không sao đâu cô, em đứng được mà”, và một mực đứng lên.
Bài làm văn về “tình yêu học trò”, em viết: “Tình yêu là điều đẹp đẽ nhưng không phải lứa tuổi nào cũng biết làm nó trở nên hữu ích (...); với tôi, tình yêu là thứ xa vời ở tuổi học trò và có lẽ mãi mãi; tôi chấp nhận, vì tôi không được giống như mọi người, đó là số phận; nhưng tôi không chán nản, đau khổ vì không có tình yêu. Tôi vẫn sẽ sống với những điều tốt đẹp khác; tôi vẫn có chút hi vọng về một ngày tình yêu đến với mình và vẫn sẵn sàng đón nhận sống không có nó...”.
Thủy đã đạt điểm cao nhất với bài văn ấy - cho cả nghị lực phi thường và lòng thán phục của người làm thầy. Em đã cố sống hòa nhập, vậy thì tại sao tôi lại tạo sự khác biệt với em? Em đã thật sự thay đổi so với ba năm trước, tôi hiểu vẻ tươi vui đầy sức sống của em là sự đối mặt với bất hạnh. Điều này dẫn tôi đến quyết định để em có mặt trong đội tuyển học sinh giỏi văn cấp trường. Tôi rất biết mơ ước lớn nhất của em là được dự thi và đoạt giải. Ước mơ chính đáng ấy đã có thể trở thành hiện thực nếu như tôi không đột ngột bị loại khỏi vai trò huấn luyện đội tuyển với lý do tôi chỉ là “giáo viên tập sự”.
Một lý do bề ngoài của chuyện “trâu bò húc nhau” (...). Em bị loại khỏi danh sách đội tuyển khi chưa kịp biết mình được chọn. Tôi lấy đó lấp liếm cho việc bị loại của em mà không làm điều gì trách nhiệm hơn. Tôi nhớ mình lúc đó mới vào nghề như một dây leo nhưng lại bò ra đất, chẳng dám và cũng chẳng biết làm gì để được sống như mình vốn có. Tôi không dám có ý kiến, chứ đừng nói là tranh cãi, vì nhút nhát, vì ngại va chạm... Tôi đọc được nỗi thất vọng trong mắt em; và không thể quên bước đi nạng gỗ hồ hởi khi em đến nhờ tôi chuẩn bị bài vở... Tôi thầm nhủ: thôi thì năm sau thi Thủy nhé!...
Và năm sau đã không bao giờ đến... Em học hết lớp 10, chưa nhận được phần thưởng cuối năm thì phải nghỉ học. Tôi đến thăm, em khoe: “Mọc răng khôn chứ không có sao đâu cô”. Sang năm học 2005-2006, em cố đi học được hai tuần rồi đau nhức quá nên lại nghỉ học. Tôi vào nhà em, sửng sốt! Em gầy xơ, đầu rụng hết tóc, chân không thể đi lại, lưỡi sưng to nói năng rất khó nhọc... Như vậy là kết thúc sao em? Bệnh tật, đau đớn và cái chết - tất cả đang đè nặng lên em, tưởng em không thể nghĩ đến điều gì khác, nhưng tôi đã nhầm, vì em hỏi tôi: “Cô ơi giấy khen năm trước em còn lấy được không cô?”.
Em vẫn còn nghĩ đến học hành. Em vẫn tin là mình có thể quay lại lớp học?... Sức mạnh phi thường nào đang tồn tại trong cơ thể đang yếu dần kia? Rồi đến giai đoạn em không nói được, nhưng tin nhắn vẫn lạc quan: “Em là con gái mà cô gọi là nhóc” - “Nhóc là tinh nghịch mà dễ thương” - “Vậy thì nhóc chúc cô ngủ ngon” - “Em thích ca sĩ nào?” - “Cô không đoán được đâu: em thích nhất Thu Hiền hát nhạc cách mạng”...
Khi bạn đồng trang lứa bước vào năm cuối cấp, em vĩnh viễn ở lại. Em âm thầm đau. Tôi thờ ơ để em độc hành ở bờ cái chết. Tôi lần lữa việc thăm nom, cứ chờ ngày rỗi rãi nhất. Em không đợi tôi có ngày đó. Em mất khi tôi chưa thực hiện lời hứa tặng em đĩa Thu Hiền; tôi chưa cho em biết em bị loại khỏi đội tuyển năm ấy không phải do không đủ khả năng; tôi chưa nói với em rằng “Em thật sự là cô bé tuyệt vời đáng được ngưỡng mộ”... Khi người đã khuất thì ta mới thấy rõ mình còn nợ người ấy những gì; lẽ thường là thế!...
Câu chuyện là cuộc đời của Thủy - nhưng làm sao em có thể tự kể ? Tôi, một cái bóng mờ, muốn “đóa hướng dương” như em được tỏa sáng. Phải làm cách nào để câu chuyện của em được nhiều người biết. Và làm cách nào để lòng tốt (như tôi) không chỉ nửa vời?
NHÃ HÒA (TP.HCM)
Posted by Hoài Vọng Nhân at 3/07/2009 06:27:00 AM 0 comments
Gốc Việt
TT - Có hai thứ người ta không thể chọn lựa là cha mẹ và quê hương. Ba tôi cũng thế. Ông không chọn lựa làm đứa trẻ mồ côi ở VN, để rồi được một gia đình người Ấn có quốc tịch Pháp nhận làm con nuôi. Và tôi cũng thế. Tôi đã không chọn lựa để sinh vào gia đình ấy.
Từ thuở nhỏ tôi đã phải khổ vì cái tên lạ lùng của mình: Lilian Khathisah Masequesmay. Cũng vì cái tên ấy mà mấy xơ trường dòng xếp tôi vào học tiếng Pháp, thay vì học tiếng Việt như cô bạn hàng xóm của tôi. Kết quả là tôi học không vô, cứ ăn đòn dài dài, đến nỗi cứ đến giờ xơ Mary khảo bài là tôi chui trốn dưới ghế. May mà trường tỉnh nhỏ, không mấy ai học tiếng Pháp, nên sau hai năm các xơ cũng chuyển tôi qua học chương trình tiếng Việt. Ở cấp tiểu học, từ lớp năm lên lớp nhất (giờ là lớp 1 đến lớp 5), phần vì còn nhỏ, phần được học với chỉ một thầy cô suốt năm, hay đôi khi hai, ba năm nên tôi tạm được yên ổn, hạnh phúc.
Lên trung học mỗi môn là một thầy, cô khác nhau. Mỗi năm học lại đổi thầy cô. Bao giờ vào đầu năm cũng là lúc tôi luôn thấp thỏm. Mỗi khi thầy cô giở quyển sổ điểm danh ra, tim tôi thót lại vì biết chắc chắn cây viết ấy sẽ dừng lại ở đâu, ai sẽ là người được chiếu cố đầu tiên. Không thể trách được, vì ai không cảm thấy tò mò khi thấy một cái tên không giống ai, dài ngoằng nằm trong sổ điểm danh.
Vâng, đúng là tôi rất ghét tên mình. Tôi ghét vì nó là thủ phạm khiến những năm học trung học của tôi là những năm bị trêu chọc, chế giễu. Những giờ học sử, khi thầy cô giảng về chế độ hà khắc, thống trị của thực dân Pháp, tôi luôn cảm thấy nóng mặt có cảm tưởng như thầy cô đang ám chỉ mình, như các bạn học đang nhìn tôi với tất cả sự hằn thù, như tôi không nhiều thì ít, không trực tiếp thì cũng gián tiếp là kẻ có tội, dầu tôi một trăm phần trăm cũng như họ, nghĩa là cũng da vàng, cũng tóc đen, cũng nói tiếng Việt như gió, còn tiếng Pháp thì không thể giỏi hơn những gì được dạy ở trường. Vậy mà tôi là người có tội, tôi là “thực dân” Pháp.
Ghét cái tên đó vô cùng nên năm đệ tứ khi thầy Tiêu Hà dạy Việt văn, nói để dẫn tôi lên tòa thay tên đổi họ là tôi ngoan ngoãn đi theo, dù má chửi tôi là con bất hiếu, chối bỏ tên cha mẹ đặt cho. Nhưng việc không thành vì tôi chưa đủ mười tám tuổi, không thể tự quyền quyết định. Tôi nhớ có lần được lãnh thưởng học sinh giỏi, khi tên tôi được xướng lên, cả hội trường đầy người lớn và học sinh đã cười cái rần. Tôi bước lên sân khấu mà chân nặng như đeo sắt, mặt mày bừng đỏ như vừa phơi nắng ngoài trời. Tôi chỉ muốn chui xuống đất khi nghĩ người ta đang đặt bao câu hỏi về mình.
Tuổi mười tám, đôi mươi khi các bạn tôi đã bắt đầu có bạn trai thì tôi chỉ cu ky một mình, vì hình như người con trai nào khi hỏi đến tên tôi và nghe tôi trả lời một tràng như thế họ đều trốn mất.
Năm 1969 được qua Mỹ du học, tôi tưởng mình đã thoát khỏi tai ương, nhưng trường nào cũng có dăm sinh viên VN, và thế là tôi lại phải phô trương cái tên không giống ai cho người soi mói.
Vì thế khi đã đủ năm năm sống trên xứ Mỹ, khi được nhập quốc tịch Mỹ, tôi vui sướng vì điều này, thì ít mà vì được thay tên đổi họ thì nhiều hơn. Giấc mơ gần nửa đời người của tôi đã được thực hiện, tôi đã được mang một cái tên VN như bao người. Nghĩ cũng buồn cười, khi người khác qua Mỹ thì bỏ tên Việt, còn tôi qua Mỹ lại được có tên Việt.
Vậy là tôi đường hoàng được làm người VN rồi. Tôi nghĩ thế, đã tự hào được như thế. Nhưng thật sự tôi đã lầm. Hồi hương, sau khi điền đủ thứ giấy tờ, tôi va phải bức rào chắn là thủ tục đòi hỏi tôi phải chứng minh mình là gốc Việt. Tôi trình giấy khai sinh có tên mẹ là người Việt nhưng cơ quan chức năng không chấp nhận. Thế nào là gốc Việt? Sinh ra ở VN, sống và lớn lên ở đó không đủ để tôi được làm một người Việt sao? Không đủ để chứng tỏ tôi là gốc Việt sao, khi tôi yêu đất nước này với cả tâm hồn. Nếu được chọn lựa, tôi xin chọn nơi này làm quê hương. Mười mấy năm nay tôi đã trở lại VN sống dù không chính thức được công nhận là hồi hương, không đủ để tôi được làm người VN, có gốc Việt sao?
Khi Chính phủ có quy định miễn thị thực cho Việt kiều, bạn bè thúc giục tôi đi xin, tôi mỉm cười buồn bã vì biết rằng chẳng đến phiên mình. Rồi những tin nóng hổi về Việt kiều được mua nhà đất, hai quốc tịch và những chính sách rộng mở khác nữa của Chính phủ... tôi cũng đành giả lơ không dám nghĩ đến vì cánh cửa đó vẫn luôn đóng lại với tôi!
Ở cái tuổi lục thập tôi chẳng còn hi vọng sửa đổi được cái gốc không phải Việt của mình. Chỉ còn một điều ray rứt. Không biết rồi tôi có được nhắm mắt trên quê hương như một người Việt hay vẫn lại bị coi như người nước ngoài?
LÝ THU LINH (TP.HCM)
Posted by Hoài Vọng Nhân at 3/07/2009 06:24:00 AM 0 comments