Saturday, March 7, 2009

Gốc Việt

TT - Có hai thứ người ta không thể chọn lựa là cha mẹ và quê hương. Ba tôi cũng thế. Ông không chọn lựa làm đứa trẻ mồ côi ở VN, để rồi được một gia đình người Ấn có quốc tịch Pháp nhận làm con nuôi. Và tôi cũng thế. Tôi đã không chọn lựa để sinh vào gia đình ấy.

Từ thuở nhỏ tôi đã phải khổ vì cái tên lạ lùng của mình: Lilian Khathisah Masequesmay. Cũng vì cái tên ấy mà mấy xơ trường dòng xếp tôi vào học tiếng Pháp, thay vì học tiếng Việt như cô bạn hàng xóm của tôi. Kết quả là tôi học không vô, cứ ăn đòn dài dài, đến nỗi cứ đến giờ xơ Mary khảo bài là tôi chui trốn dưới ghế. May mà trường tỉnh nhỏ, không mấy ai học tiếng Pháp, nên sau hai năm các xơ cũng chuyển tôi qua học chương trình tiếng Việt. Ở cấp tiểu học, từ lớp năm lên lớp nhất (giờ là lớp 1 đến lớp 5), phần vì còn nhỏ, phần được học với chỉ một thầy cô suốt năm, hay đôi khi hai, ba năm nên tôi tạm được yên ổn, hạnh phúc.

Lên trung học mỗi môn là một thầy, cô khác nhau. Mỗi năm học lại đổi thầy cô. Bao giờ vào đầu năm cũng là lúc tôi luôn thấp thỏm. Mỗi khi thầy cô giở quyển sổ điểm danh ra, tim tôi thót lại vì biết chắc chắn cây viết ấy sẽ dừng lại ở đâu, ai sẽ là người được chiếu cố đầu tiên. Không thể trách được, vì ai không cảm thấy tò mò khi thấy một cái tên không giống ai, dài ngoằng nằm trong sổ điểm danh.

Vâng, đúng là tôi rất ghét tên mình. Tôi ghét vì nó là thủ phạm khiến những năm học trung học của tôi là những năm bị trêu chọc, chế giễu. Những giờ học sử, khi thầy cô giảng về chế độ hà khắc, thống trị của thực dân Pháp, tôi luôn cảm thấy nóng mặt có cảm tưởng như thầy cô đang ám chỉ mình, như các bạn học đang nhìn tôi với tất cả sự hằn thù, như tôi không nhiều thì ít, không trực tiếp thì cũng gián tiếp là kẻ có tội, dầu tôi một trăm phần trăm cũng như họ, nghĩa là cũng da vàng, cũng tóc đen, cũng nói tiếng Việt như gió, còn tiếng Pháp thì không thể giỏi hơn những gì được dạy ở trường. Vậy mà tôi là người có tội, tôi là “thực dân” Pháp.

Ghét cái tên đó vô cùng nên năm đệ tứ khi thầy Tiêu Hà dạy Việt văn, nói để dẫn tôi lên tòa thay tên đổi họ là tôi ngoan ngoãn đi theo, dù má chửi tôi là con bất hiếu, chối bỏ tên cha mẹ đặt cho. Nhưng việc không thành vì tôi chưa đủ mười tám tuổi, không thể tự quyền quyết định. Tôi nhớ có lần được lãnh thưởng học sinh giỏi, khi tên tôi được xướng lên, cả hội trường đầy người lớn và học sinh đã cười cái rần. Tôi bước lên sân khấu mà chân nặng như đeo sắt, mặt mày bừng đỏ như vừa phơi nắng ngoài trời. Tôi chỉ muốn chui xuống đất khi nghĩ người ta đang đặt bao câu hỏi về mình.

Tuổi mười tám, đôi mươi khi các bạn tôi đã bắt đầu có bạn trai thì tôi chỉ cu ky một mình, vì hình như người con trai nào khi hỏi đến tên tôi và nghe tôi trả lời một tràng như thế họ đều trốn mất.

Năm 1969 được qua Mỹ du học, tôi tưởng mình đã thoát khỏi tai ương, nhưng trường nào cũng có dăm sinh viên VN, và thế là tôi lại phải phô trương cái tên không giống ai cho người soi mói.

Vì thế khi đã đủ năm năm sống trên xứ Mỹ, khi được nhập quốc tịch Mỹ, tôi vui sướng vì điều này, thì ít mà vì được thay tên đổi họ thì nhiều hơn. Giấc mơ gần nửa đời người của tôi đã được thực hiện, tôi đã được mang một cái tên VN như bao người. Nghĩ cũng buồn cười, khi người khác qua Mỹ thì bỏ tên Việt, còn tôi qua Mỹ lại được có tên Việt.

Vậy là tôi đường hoàng được làm người VN rồi. Tôi nghĩ thế, đã tự hào được như thế. Nhưng thật sự tôi đã lầm. Hồi hương, sau khi điền đủ thứ giấy tờ, tôi va phải bức rào chắn là thủ tục đòi hỏi tôi phải chứng minh mình là gốc Việt. Tôi trình giấy khai sinh có tên mẹ là người Việt nhưng cơ quan chức năng không chấp nhận. Thế nào là gốc Việt? Sinh ra ở VN, sống và lớn lên ở đó không đủ để tôi được làm một người Việt sao? Không đủ để chứng tỏ tôi là gốc Việt sao, khi tôi yêu đất nước này với cả tâm hồn. Nếu được chọn lựa, tôi xin chọn nơi này làm quê hương. Mười mấy năm nay tôi đã trở lại VN sống dù không chính thức được công nhận là hồi hương, không đủ để tôi được làm người VN, có gốc Việt sao?

Khi Chính phủ có quy định miễn thị thực cho Việt kiều, bạn bè thúc giục tôi đi xin, tôi mỉm cười buồn bã vì biết rằng chẳng đến phiên mình. Rồi những tin nóng hổi về Việt kiều được mua nhà đất, hai quốc tịch và những chính sách rộng mở khác nữa của Chính phủ... tôi cũng đành giả lơ không dám nghĩ đến vì cánh cửa đó vẫn luôn đóng lại với tôi!

Ở cái tuổi lục thập tôi chẳng còn hi vọng sửa đổi được cái gốc không phải Việt của mình. Chỉ còn một điều ray rứt. Không biết rồi tôi có được nhắm mắt trên quê hương như một người Việt hay vẫn lại bị coi như người nước ngoài?

LÝ THU LINH (TP.HCM)

No comments: