Saturday, March 7, 2009

Câu chuyện của Thủy

TT - Khi nghe Thúy (công dân trẻ TP.HCM - em gái bị ung thư xương, được mệnh danh “đóa hướng dương” vì nghị lực vượt lên nỗi đau bệnh tật) viết trong nhật ký “Cho con thêm thời gian...”, lòng tôi se sắt... Tôi đã từng quen biết một cô bé cùng cảnh ngộ như Thúy và tôi đã quá vô tâm trước thời gian sống đang cạn dần của em. Em bỏ lại áo trắng, sân trường ở tuổi 18.

Năm 1995, Út nhà tôi vào lớp 1, hay kể cả nhà nghe chuyện “bạn Điểu Thủy tốt nhất” của mình. Nhiều năm sau, Út (lúc vào lớp 7) báo tin “Thủy ở lại lớp vì bệnh”. Tình cờ gặp em, tôi không khỏi ngỡ ngàng: em bị cưa một chân đến bẹn, người gầy yếu và rất e dè, ít nói. Nghe kể em hay buồn rầu và hỏi những câu nhức nhối: vì sao không được như người khác? Vì sao lại là em...?

Rồi cuộc đời cứ trôi... Khi tôi dường như không nhớ gì về em nữa thì em, như một sự run rủi, đã ngồi vào lớp học trò đầu tiên tôi vừa ra trường. Đó là năm 2004. Tôi không nhận ra Thủy ngay vì chào tôi là cô bé mập mạp, tươi tắn, đứng lên nhanh nhẹn... Em học giỏi, đặc biệt là môn văn, và tôi lo cho sự cảm nhận đa chiều về nỗi đau của em. Sơ ý gọi em lên bảng, tôi vội nói “Cô nhầm rồi” khi thấy em lua khua nạng gỗ, em vẫn vô tư lầm bầm “trời ơi hên quá”. Và khi tôi để lớp “nói leo” thì tiếng em to nhất và góp ý xây dựng say mê nhất. Tôi ưu tiên em được ngồi trả bài, em mạnh dạn thưa: “Không sao đâu cô, em đứng được mà”, và một mực đứng lên.

Bài làm văn về “tình yêu học trò”, em viết: “Tình yêu là điều đẹp đẽ nhưng không phải lứa tuổi nào cũng biết làm nó trở nên hữu ích (...); với tôi, tình yêu là thứ xa vời ở tuổi học trò và có lẽ mãi mãi; tôi chấp nhận, vì tôi không được giống như mọi người, đó là số phận; nhưng tôi không chán nản, đau khổ vì không có tình yêu. Tôi vẫn sẽ sống với những điều tốt đẹp khác; tôi vẫn có chút hi vọng về một ngày tình yêu đến với mình và vẫn sẵn sàng đón nhận sống không có nó...”.

Thủy đã đạt điểm cao nhất với bài văn ấy - cho cả nghị lực phi thường và lòng thán phục của người làm thầy. Em đã cố sống hòa nhập, vậy thì tại sao tôi lại tạo sự khác biệt với em? Em đã thật sự thay đổi so với ba năm trước, tôi hiểu vẻ tươi vui đầy sức sống của em là sự đối mặt với bất hạnh. Điều này dẫn tôi đến quyết định để em có mặt trong đội tuyển học sinh giỏi văn cấp trường. Tôi rất biết mơ ước lớn nhất của em là được dự thi và đoạt giải. Ước mơ chính đáng ấy đã có thể trở thành hiện thực nếu như tôi không đột ngột bị loại khỏi vai trò huấn luyện đội tuyển với lý do tôi chỉ là “giáo viên tập sự”.

Một lý do bề ngoài của chuyện “trâu bò húc nhau” (...). Em bị loại khỏi danh sách đội tuyển khi chưa kịp biết mình được chọn. Tôi lấy đó lấp liếm cho việc bị loại của em mà không làm điều gì trách nhiệm hơn. Tôi nhớ mình lúc đó mới vào nghề như một dây leo nhưng lại bò ra đất, chẳng dám và cũng chẳng biết làm gì để được sống như mình vốn có. Tôi không dám có ý kiến, chứ đừng nói là tranh cãi, vì nhút nhát, vì ngại va chạm... Tôi đọc được nỗi thất vọng trong mắt em; và không thể quên bước đi nạng gỗ hồ hởi khi em đến nhờ tôi chuẩn bị bài vở... Tôi thầm nhủ: thôi thì năm sau thi Thủy nhé!...

Và năm sau đã không bao giờ đến... Em học hết lớp 10, chưa nhận được phần thưởng cuối năm thì phải nghỉ học. Tôi đến thăm, em khoe: “Mọc răng khôn chứ không có sao đâu cô”. Sang năm học 2005-2006, em cố đi học được hai tuần rồi đau nhức quá nên lại nghỉ học. Tôi vào nhà em, sửng sốt! Em gầy xơ, đầu rụng hết tóc, chân không thể đi lại, lưỡi sưng to nói năng rất khó nhọc... Như vậy là kết thúc sao em? Bệnh tật, đau đớn và cái chết - tất cả đang đè nặng lên em, tưởng em không thể nghĩ đến điều gì khác, nhưng tôi đã nhầm, vì em hỏi tôi: “Cô ơi giấy khen năm trước em còn lấy được không cô?”.

Em vẫn còn nghĩ đến học hành. Em vẫn tin là mình có thể quay lại lớp học?... Sức mạnh phi thường nào đang tồn tại trong cơ thể đang yếu dần kia? Rồi đến giai đoạn em không nói được, nhưng tin nhắn vẫn lạc quan: “Em là con gái mà cô gọi là nhóc” - “Nhóc là tinh nghịch mà dễ thương” - “Vậy thì nhóc chúc cô ngủ ngon” - “Em thích ca sĩ nào?” - “Cô không đoán được đâu: em thích nhất Thu Hiền hát nhạc cách mạng”...

Khi bạn đồng trang lứa bước vào năm cuối cấp, em vĩnh viễn ở lại. Em âm thầm đau. Tôi thờ ơ để em độc hành ở bờ cái chết. Tôi lần lữa việc thăm nom, cứ chờ ngày rỗi rãi nhất. Em không đợi tôi có ngày đó. Em mất khi tôi chưa thực hiện lời hứa tặng em đĩa Thu Hiền; tôi chưa cho em biết em bị loại khỏi đội tuyển năm ấy không phải do không đủ khả năng; tôi chưa nói với em rằng “Em thật sự là cô bé tuyệt vời đáng được ngưỡng mộ”... Khi người đã khuất thì ta mới thấy rõ mình còn nợ người ấy những gì; lẽ thường là thế!...

Câu chuyện là cuộc đời của Thủy - nhưng làm sao em có thể tự kể ? Tôi, một cái bóng mờ, muốn “đóa hướng dương” như em được tỏa sáng. Phải làm cách nào để câu chuyện của em được nhiều người biết. Và làm cách nào để lòng tốt (như tôi) không chỉ nửa vời?

NHÃ HÒA (TP.HCM)

No comments: