Thursday, April 9, 2009

Đức Thánh Cha tiếp kiến 7 ngàn bạn trẻ Tây Ban Nha

VATICAN. ĐTC Biển Đức 16 khích lệ các bạn trẻ Tây Ban Nha chuẩn bị Ngày Quốc Tế giới trẻ, khám phá tình yêu Chúa qua Thập Giá và luôn học hỏi đào sâu đức tin.



























Ngài đưa ra lời nhắn nhủ trên đây trong buổi tiếp kiến sáng 6-4-2009, dành cho 7 ngàn bạn trẻ Tây Ban Nha về Roma tham dự Ngày Quốc tế giới trẻ hôm chúa nhật 5-4 trước đó, và đón nhận Thánh Giá giới trẻ do phái đoàn Úc chuyển giao. Hiện diện tại buổi kiến còn có ĐHY Antonio Mario Roucou, TGM Madrid, Chủ tịch HĐGM Tây Ban Nha và một số giám mục khác.

Lên tiếng trong dịp này, ĐTC ca ngợi sáng kiến của các bạn trẻ sẽ rước Thánh Giá giới trẻ qua các đường phố ở thủ đô Madrid vào ngày thứ sáu Tuần Thánh tới đây, để Thánh Giá được chúc tụng và tôn kính. Ngài nói: ”Cha khuyến khích các con hãy khám phá nơi Thánh Giá mức độ vô biên của tình yêu Chúa Kitô và để có thể nói như thánh Phaolô: ”Tôi sống trong niềm tin nơi Con Thiên Chúa, Đấng đã yêu thương tôi đến độ hiến thân vì tôi” (Gl 2,20).. Các con hãy đáp lại tình yêu Chúa Kitô bằng cách dâng hiến cho Chúa cuộc sống của các con trong yêu thương”.

Ngày Quốc Tế giới trẻ lần thứ 26 sẽ được cử hành ở cấp hoàn vũ tại Madrid vào năm 2011 tới đây với chủ đề ”Bén rễ sâu và được xây dựng trong Chúa Kitô, kiên vững trong đức tin” (Cl 2,7).

ĐTC nhắn nhủ các bạn trẻ Tây Ban Nha rằng: ”Vì thế, cha mời gọi các con hãy học hỏi đào sâu đức tin vốn mang lại ý nghĩa cho đời sống các con và hãy củng cố các xác tín c[ua mình để có thể kiên vững giữa những khó khăn thường nhật. Hơn nữa, cha nhắn nhủ các con, trên con đường tiến về cùng Chúa Kitô, các con hãy biết thu hút những người bạn trẻ, bạn đồng môn và đồng nghiệp, để họ cũng được biết Chúa và tuyên xưng Ngài là Chúa trong đời sống của họ. Vì thế, các con hãy để cho sức mạnh của Đấng Tối Cao là Thánh Linh ở trong các con, biểu lộ sức thu hút vô biên của Ngài”.

Sau cùng, ĐTC nói thêm rằng ”Hãy những người trẻ quí mến, thời gian chuẩn bị cho Ngày Quốc Tế giới trẻ ở Madrid là một cơ hội đặc biệt để cảm nghiệm ơn được thuộc về Giáo Hội, Thân Mình của Chúa Kitô. Những Ngày Quốc Tế giớit rẻ biểu lộ năng động và sự tươi trẻ mãi mãi của Giáo Hội. Ai yêu mền Chúa Kitô thì cũng yêu mến Giáo Hội với cùng một niềm hăng say như vậy, vì Giáo Hội giúp chúng ta sống trong quan hệ mật thiết với Chúa. Vì thế, các con hãy vun trồng những sáng kiến giúp người trẻ cảm thấy là phần tử của Giáo Hội, trong niềm hiệp thông trọn vẹn với các vị Chủ Chăn và với Người Kế Vị Thánh Phêrô' (SD 6-4-2009)

G. Trần Đức Anh OP

Đức Thánh Cha nói Đức Kitô là một thực tại chắc chắn trong đời sống

Suy niệm về “Định mệnh bất biến” của hành trình đời sống

VATICAN ngày 6, tháng 4, 2009
(Zenit.org).- Đức Thánh Cha Benedict XVI nói với một phái đoàn giới trẻ từ Madrid, nơi sẽ tổ chức Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới năm 2011, “Mặc dầu đời sống có nhiều bất trắc, không có gì mơ hồ về định mệnh của mỗi con người.

Đức Thánh Cha nói về Đức Kitô hôm nay như “đích điểm của đời sống và lịch sử nhân loại” khi ngài tiếp giới trẻ từ Tổng Giáo Phận Madrid, do Đức Hồng Y Tổng Giám Mục Antonio María Rouco Varela hướng dẫn.

Đức Thánh Cha nói với họ: "Hãy đi theo bước chân của Chúa Kitô. Người là cùng đích, là đường và là phần thưởng của các con.”

"Đời sống chắc chắn là một hành trình. Nhưng không phải là một chuyến đi vô định không có một định mệnh bất biến; chuyến đi đưa dẫn đến Chúa Kitô, cùng đích của đời sống và lịch sử của con người. Trên chuyến đi này các con sẽ gặp Người, Đấng hy sinh mạng sống vì tình yêu, và mở cho các con cánh cửa của đời sống vĩnh cửu."

Đức Thánh Cha khuyến khích giới trẻ khám phá nơi thánh giá “tình yêu vô bờ bến của Chúa Kitô": "Chúa Kitô hiến mình cho mỗi người trong các con và yêu thương các con một cách cá biệt. Hãy đáp trả tình yêu của Chúa Kitô bằng cách dâng cho Người đời sống của các con một cách yêu thương."

Ngài cũng khuyến khích giới trẻ “được tạo dựng trong đức tin đem lại ý nghiã cho đời sống và tăng cường niềm tin của họ,” và loan báo Chúa Kitô cho bạn hữu, “để cho họ cũng được biết Người và tuyên xưng Người là Chúa trong cuộc đời họ."

Ngài nói, "Người trẻ hôm nay cần khám phá đời sống mới phát xuất từ Thiên Chúa, để được no đầy bởi chân lý bắt nguồn từ Đức Kitô, Đấng đã chết và sống lại và là Đấng Giáo Hội tiếp nhận như một kho tàng cho tất cả mọi người."

Đức Thánh Cha Benedict XVI cũng nhấn mạnh sự quan trọng của các biến cố tại Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới vì là biểu hiệu cho sự sinh động và trẻ trung vĩnh cửu của Giáo Hội,” và đại hội “giúp cho người trẻ cảm nhận được rằng họ là thành viên của Giáo Hội, được hiệp thông toàn vẹn với các vị chủ chiên và người kế vị Thánh Phêrô."

Đức Thánh Cha khuyên, "Hãy cầu nguyện chung với nhau, hãy mở cửa cho các giáo xứ, các hội đoàn và phong trào để cho họ cũng cảm thấy thoải mái như ở nhà trong Giáo Hội, nơi họ được yêu thương bằng chính tình yêu của Chúa. Hãy tuyên xưng và sống đức tin bằng một nỗi hân hoan vô bờ, vì đây là một quà tặng của Chúa Thánh Thần.

"Bằng cách này trái tim của các con và bạn hữu sẽ được chuẩn bị để mừng đại lễ của giới trẻ và tất cả sẽ cảm nhận được một ý niệm mới về giới trẻ của Giáo Hội."

Tuần Thánh

Suy niệm về Tuần Thánh, bắt đầu ngày Chúa Nhật, Đức Thánh Cha nói, “mầu nhiệm cuộc khổ nạn, cái chết và sự phục sinh của Chúa Kitô được tràn đầy bởi những gì vượt quá tất cả sự khôn ngoan và hiểu biết của con người, đó là tình yêu Chúa được thể hiện nơi Đức Kitô."

Ngài nói, "Hãy học nơi Người, Đấng đến không để phục vụ mà để phục vụ, và để ban sự sống mình như giá chuộc cho nhân loại."

Đức Thánh Cha tiếp: "Đây là đường lối yêu thương của Chúa Kitô, được đánh dấu bằng dấu chỉ của thập giá vinh quang, trên đó Chúa Kitô được nâng cao trước mặt mọi người, với trái tim rộng mở, để cho tất cả thế gian nhìn thấy, qua bản tính hoàn toàn con người, tình yêu cứu chuộc chúng ta.

"Như thế thánh giá trở nên chính dấu chỉ của đời sống, vì trên đó Chúa Kitô vượt thắng tội lỗi và cái chết qua việc tự hiến thân mình.

"Chính vì vậy chúng ta phải ôm lấy và yêu mến thánh giá Chúa, như thánh giá của chúng ta, tiếp nhận sức nặng của thánh giá như Simon người Cyrênê để tham gia vào công việc duy nhất có thể cưú chuộc tất cả nhân loại."

Đức Thánh Cha kết luận, "Trong Phép Rửa bạn được ghi dấu bằng thánh giá của Chúa Kitô và bạn trực thuộc hoàn toàn về Người. Xin hãy làm cho mình luôn luôn xứng đáng hơn với thánh giá này và không bao giờ cảm thấy xấu hổ vì dấu hiệu cao cả của tình yêu này."

Bùi Hữu Thư

Đức Thánh Cha giải thích về Tam Nhật Thánh

VATICAN. Trong buổi tiếp kiến 20 ngàn tín hữu hành hương sáng thứ tư tuần thành, 8-4-2009, tại Vatican, ĐTC đã giải thích về ý nghĩa Tam Nhật Thánh và mời gọi các tín hữu sống trọn vẹn những ngày Thánh này.


Trong số các tín hữu hiện diện có 4.300 sinh thuộc thuộc nhiều đại học trên thế giới về Roma tham dự Hội nghị quốc tế đại học Univ 2009 do Giám hạt tòng nhân Opus Dei tổ chức hằng năm vào dịp Tuần Thánh và Phục Sinh.

Sau bài đọc một đoạn thư thánh Phaolô gửi tín hữu Philiphê về việc Chúa Kitô, tuy là đồng hàng với Thiên Chúa, đã hạ mình nhận lấy thân phận tôi tớ, chịu khổ hình và chịu chết, ĐTC nói về ý nghĩa tam nhật thánh:

”Anh chị em thân mến, trong tam nhật vượt qua, Phụng vụ mời gọi chúng ta suy niệm về cuộc khổ nạn, các chết và sự sống lại của Chúa. Các nghi thức trong lễ dầu cử hành sáng thứ năm tuần thánh, biểu lộ sự viên mãn chức linh mục của Chúa Kitô cũng như sự hiệp thông Giáo Hội phải linh hoạt cộng đồng dân Chúa tụ họp để cử hành hy tế Thánh Thể và được sinh động hóa trong tình hiệp nhất nhờ ơn Chúa Thánh Linh. Trong thánh lễ chiều thứ năm tuần thánh, Giáo Hội kính nhớ việc lập phép Thánh Thể, chức linh mục thừa tác và giới răn mới về đức bác ái Chúa Giêsu để lại cho các môn đệ của Ngài. Việc cử hành này mời gọi chúng ta cảm tạ Chúa vì hồng ân Thánh Thể, hồng ân mà chúng ta phải cung kính đón nhận và thờ lạy trong đức tin. Khi chúng ta tưởng niệm cuộc khổ nạn và cái chết của Chúa Giêsu trên Thập Giá, Thứ Sáu Tuần Thánh là một ngày đau buồn, nhưng đồng thời là thời điểm thuận tiện để khơi dậy niềm tin của chúng ta, để củng cố niềm hy vọng và lòng can đảm của chúng ta trong việc khiêm tốn và tin tưởng vác thập giá của chúng ta, xác tín chắc chắn về sự nông đỡ của Chúa và chiến thắng của Ngài. Trong sự thinh lặng sâu xa của Ngày Thứ Bẩy Tuần Thánh, Giáo Hội canh thức cầu nguyện, chia sẻ tâm tình đau thương và tín thác nơi Chúa của Mẹ Maria. Sự mặc niệm này dẫn chúng ta đến buổi Canh Thức vọng Phục Sinh, trong đó niềm vui Chúa Sống Lại bùng lên. Trong đêm đó, chiến thắng của ánh sáng trên tối tăm, của sự sống trên sự chết sẽ được công bố và Giáo Hội vui mừng vì cuộc gặp gỡ với Chúa.

Bài huấn dụ bằng tiếng Ý

Trước các bài tóm lược bằng 4 thứ tiếng, ĐTC đã diễn giải bằng tiếng Ý với nhiều chi tiết hơn về tam nhật thánh.. Ngài nói:

”Đối với các tín hữu Kitô chúng ta, Tuần Thánh là tuần quan trọng nhất trong năm, tuần này mang lại cho chúng ta cơ hội đi sâu vào trong các biến cố trọng yếu của công trình cứu độ, sống lại mầu nhiệm Vượt Qua, là mầu nhiệm cao cả của đức tin. Từ chiều thứ năm Tuần Thánh, với thánh lễ Chúa lập phép Thánh Thể, các lễ nghi phụng vụ trọng thể giúp chúng ta suy niệm một cách sống động về cuộc thương khó, sự chết và sống lại của Chúa trong tam nhật Vượt Qua, là nòng cốt của năm phụng vụ. Ước gì ơn Chúa mở rộng tâm hồn chúng ta để hiểu hồng ân khôn lường là ơn cứu độ mà sự hy sinh của Chúa Kitô đạt được cho chúng ta. Hồng ân vô biên này, chúng ta thấy được mô tả một cách tuyệt vời trong bài ca nổi tiếng trình bày trong thư gửi tín hữu Philiphê (2,6-11), mà chúng ta suy niệm nhiều lần trong mùa chay này. Thánh Tông đồ gợi lại một cách xúc tích và hữu hiệu toàn thể mầu nhiệm lịch sử cứu độ, ngài nhắc đến tội kiêu ngạo của Adam, là người tuy không phải là Thiên Chúa mà lại muốn như Thiên Chúa. Và đối nghịch với sự kiêu ngạo của con người đầu tiên ấy, mà tất cả chúng ta đều cảm thấy phần nào trong con người của chúng ta, là sự khiêm hạ của Người Con đích thực của Thiên Chúa, khi làm người, Ngài đã không ngại nhận lấy tất cả những yếu đuối của thân phận làm người, ngoại trừ tội lỗi, và ngài đi tới mức độ sâu thẳm của cái chết. Tiếp theo sự hạ mình trong chiều sâu tột cùng của cuộc khổ nạn và cái chết, là sự tôn vinh, vinh quang đích thực, vinh quang của tình yêu thương cho đến tột độ. Vì thế, như thánh Phaolô đã nói, 'Khi nghe danh Chúa Giêsu mọi đầu gối trên trời, dưới đất và trong nơi âm phủ, mọi gối phải bái quì và mọi miệng lưỡi phải tôn vinh: Đức Giêsu Kitô là Chúa!” (2,10-11). Qua những lời ấy Thánh Phaolô nhắc đến lời ngôn sứ của Israel trong đó Chúa nói: Ta là Chúa, mọi đầu gối đều phải gập xuống trước mặt Ta trên trời và dưới đất (xc Is 45,23). Thánh Phaolô khẳng định rằng điều này được áp dụng cho Chúa GIêsu Kitô. Trong sự khiêm tốn của ngài có sự cao cả đích thực của tình yêu của ngài, ngài thực là Chúa tể của trần gian và mọi gối phải bái quì thực sự trước mặt Ngài”.

ĐTC nói thêm rằng: Thật là tuyệt vời và lạ lùng dường nào, mầu nhiệm ấy. Chúng ta không bao giờ có thể suy niệm cho đủ về thực tại này. Chúa Giêsu tuy là Thiên Chúa, đã không muốn coi những đặc quyền thần linh của ngài như một điều sở hữu tuyệt đối, ngài không muốn dùng bản tính Thiên Chúa, phẩm giá vinh quang và quyền năng của Ngài như một phương thế chiến thắng và như một dấu hiệu xa cách chúng ta. Trái lại, Ngài đã tự hủy mình, nhận lấy thân phận lầm than yếu đuối của con người. Về điểm này, thánh Phaolô dùng một động từ Hy Lạp để chỉ sự “kénosis”, sự hạ cố của Chúa Giêsu. Hình thái thần linh tiềm ẩn trong Chúa Kitô dưới hình người, hoặc dưới thực tại của chúng ta, ghi đậm đau khổ, nghèo đói, và những giới hạn của con người, cũng như chết chóc. Sự chia sẻ tột cùng bản tính loài người của chúng, chia sẻ tất cả ngoại trừ tội lỗi, đã đưa Chúa Giêsu đến biên giới dấu hiệu sự hạn hữu của chúng ta, tức là cái chết. Nhưng tất cả những điều ấy không phải là kết quả của một động cơ tăm tối hoặc định mệnh mù quáng, đúng hơn đó lạ sự tự do chọn lựa của Chúa, là sự quảng đại gắn bó với kế hoạch cứu độ của Chúa Cha. Thánh Phaolô nói thêm rằng cái chết mà Chúa Giêsu chấp nhận chính là cái chết trên thập giá, là cái chết ô nhục nhất người ta có thể tưởng tượng được. Tất cả những điều ấy vị Chúa tể vũ trụ đã chấp nhận vì yêu thương chúng ta: vì yêu thương ngài đã tự hủy mình, trở nên người anh chúng ta, vì yêu thương ngài chia sẻ thân phận của chúng ta, thân phận của mỗi người. Một đại chứng nhân của truyền thống đông phương, là Teodoro Ciro đã viết: ”Tuy là Thiên Chúa và có bản tính Thiên Chúa, đồng hàng với thiên Chúa, Ngài không giữ lại cho mình điều gì cao cả, như những người đã nhận được vài vinh dự cao hơn huân công của họ, trái lại Chúa dấu đi những công phúc của Ngài, đã chọn sự khiêm hạ sâu thẳm nhất, và mặc lấy hình dạng một người” (Commento all'epistola ai Filippesi, 2,6-7).

G. Trần Đức Anh OP