Friday, May 22, 2009

Môđen mới ... chuẩn bị cười ...

Lạc quẻ với mô-đen bùng nhùng!

TTC - Thời buổi này ra đường thấy có nhiều chú trai người ngợm tịt tít đẹt ngắt cứ như dưa chuột đèo ngâm giấm, ước chừng cao độ chưa tới khúc sáu (mét sáu ấy mà!), nhưng cứ tưởng mình có họ hàng xa với anh Bi đô con bên Hàn nên cũng ráng tậu vài bộ hip hop cho nó có phong trào với người ta: đũng quần thì đánh phành phạch dài chấm gối, thân ống thì có nhét chung với đôi que chân chừng chục con gà mái dầu béo phì vẫn còn rộng rãi chán...

Thành ra khi vận thời trang hip hop vào người, chú bị nhấn chìm lỉm trong đống quần áo bùng nhùng, chỉ từ phần cổ đổ lên thì còn lúc lắc ngoi ngóp chút đỉnh để lấy không khí... Một số anh khác gầy giơ xương, da dẻ mốc cời, thế mà cũng dũng cảm chơi hip hop thun ba lô, mà lỗ nào lỗ nấy to đùng như nòng đại bác, khoét thì toác toạc đến gần lỗ rốn nên trông xương sườn của anh cứ rõ mồn một còn hơn cả rọi X-quang !

Nhiều anh ra đường, trời nóng hầm hập, nhưng nghiêm chỉnh đóng khăn quàng cổ len sù sụ, nón len trùm sọ, tay chân còn đoạn nào trống thì băng bó hết cả lại, mọi người nhìn vào cứ cảm tưởng nếu anh không xổng từ trại tâm thần ra, thì cũng có tuổi thơ dữ dội với đầy những kỷ niệm té giếng lọt mương, thế mà anh vẫn tươi cười hơn hớn ra vẻ ta đây sành điệu, chả là anh đang bưng nguyên xi trang nào đấy trong tạp chí thời trang vào người!

VĂN VỂNH

----------------------------------
Những người Việt hướng... Hàn

TTC - Làn da trắng ngần, tóc bới cao trên đầu rồi buộc thành 3 lọn xõa xuống... N. (sinh viên Đại học Hufflit) luôn khiến những người xung quanh tưởng cô là người Hàn Quốc.

Mấy bà bán sing-gum, mấy chị tiếp thị mát-xa chân trên đường Nguyễn Huệ cứ nhìn thấy cô là “hế lồ, hế lồ” nghe rất vui. N. cũng rất vui vì nghĩ mình giống người nước ngoài. Và hễ có ai khen cô sao giống Hàn Quốc quá là cô cười e lệ, sung sướng đầy tự hào: “Thật không hả anh (chị)?”...

"Giống Hàn Quốc" đang trở thành một tiêu chuẩn, một khát khao vươn tới của một số chàng trai, cô gái trẻ người Việt. Sau khi thời trang "tóc nâu môi trầm" lui vào dĩ vãng, đến lượt tóc xù xuất hiện, và kiểu dáng đi đứng, điệu bộ được bắt chước y chang các diễn viên Hàn trên phim. Với các chàng trai thì vẻ đẹp nữ tính lên ngôi, càng dịu dàng, càng ơ hờ càng tốt…

Rồi để cho thêm phần sôi động, trào lưu chụp ảnh kiểu Hàn Quốc nhảy vào làm mưa làm gió. Những tấm ảnh bé xíu, láng o khiến người chụp ảnh sướng rơn vì nhìn ai cũng xinh hơn, da trắng hơn, môi thắm hơn bên ngoài rất nhiều. Về khoản này thì những bức ảnh dùng kỹ thuật photoshop thua xa, vì chụp ảnh Hàn Quốc đơn giản, giá chỉ rẻ từ vài ngàn đến chục ngàn, lại cho ra những bức ảnh nhỏ xíu mờ mờ ảo ảo khiến ai cũng đẹp long lanh, ai cũng giống... Hàn Quốc.

Những bức ảnh này khiến cho các loại nếp nhăn, tất cả các loại mụn từ mụn bọc tới mụn đầu đen hay đầu trắng đều biến mất hết trơn. Xung quanh lại đính kèm những hoa văn trang trí lộng lẫy khiến nhân vật như hoàng tử, công chúa trong cổ tích hiện đại. Làn da trắng toát như bột mì, nếu bạn có mái tóc nhuộm vàng hay nhuộm đỏ nữa là y như rằng "made in Korea".

Để cho thêm phần… đoàn kết hữu nghị, một số bộ phim Việt như “Hoa dã quì”, “Mùi ngò gai” cũng theo hơi hướng phim Hàn. “Mùi ngò gai”, theo ý kiến của một số người là có mùi... kim chi, các nhân vật trong phim ăn phở theo kiểu ăn... mì của người Hàn Quốc. Rồi thì cách cúi chào, rồi thì giương mắt, rồi thì dẩu môi, cách hắng giọng…, các nhân vật đều nỗ lực bắt chước mấy diễn viên xứ Hàn một cách tối đa.

Vậy nên, ngoài đường những cô cậu đã có một góc bư bự Hàn trong tim đã tìm ra "chỗ dựa tinh thần" ngay trong nước mình, nên cố gắng biến mình càng giống người Hàn bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu, càng hãnh diện bấy nhiêu. Vào tiệm phở, ta có thể gặp một cô bé "Hàn hóa" ngồi ăn theo kiểu lạ lùng: Đầu tiên, nàng cầm đũa gắp một cọng phở, nâng lên cao ngang mày, mắt mở to nhìn trân trân vào sợi bánh một lúc.

Rồi nàng từ từ đưa vào miệng ăn nhẩn nha, ánh mắt nhìn xa xăm mặc cho tô phở đã nguội lạnh đi từ lúc nào… Một nam ca sĩ ở Hà Nội từng thích chí cười híp cả mắt khi được "ca ngợi" là anh rất giống Hàn Quốc. Một nữ sinh tóc nâu sướng rơn cả người khi được khen là giống diễn viên Kim Chu Chi nào đó. Còn với các chàng trai? Da phải trắng thật mịn màng, tóc thật dài và xù, bởi vì hình ảnh các nam diễn viên, ca sĩ Hàn với những mốt mới nhất trong vẻ đẹp đầy… nữ tính nằm chình ình trên các tạp chí thời trang Việt, mạng Việt…

Trong phim Hàn, đôi mắt của các nhân vật nam nữ thường lờ đờ trễ nải, đã thế nhiều người còn giăng mắc thêm vào đấy những cặp kính cận rực rỡ với gọng hoặc xanh, hoặc hồng, hoặc tím... Thế là mấy fan Hàn gốc Việt dù mắt không bị cận cũng ráng mà đeo cho nó có vẻ Hàn. Tất nhiên, doanh số bán ra của những mỹ phẩm làm trắng, mịn da, đặc biệt xuất xứ của Hàn Quốc, trở nên tăng vọt.

Xem phim Hàn, ăn đồ Hàn, nghe nhạc Hàn riết rồi bị Hàn hóa từ lúc nào không hay. Trong các cuộc thi Mr hay Miss blog trên mạng, vô số thí sinh cả nam và nữ chọn phong cách Hàn để giới thiệu mình. Một nét đặc trưng của phong cách Hàn trong những cuộc thi này là nam và nữ đều chọn chung một kiểu: Ngoài phục trang Korea, tất cả đều cố giương mắt thật to, môi chúm chím hững hờ, tay chống cằm như mấy nhân vật đang ngồi "tám" trong phim...

Đọc những bình luận cho mấy thí sinh này thì đúng là cười ra nước mắt: "Vốt" (bình chọn) cho bạn này vì đẹp quá, giống Hàn Quốc quá!”. Rồi không quên đế thêm: “Bạn ui trang đỉm (điểm) ở đâu mà địp wá dzị (đẹp quá vậy)? Mình cũng mún địp như dzị mà hok bít (muốn đẹp như vậy mà hổng biết) chỗ nào. Chỉ cho mình he!”. Những thí sinh khác ăn mặc giản dị, đồng phục hay áo dài trắng học trò thường bị "ao" từ vòng ngoài, vì cho rằng nhìn hơi... nhà quê.

Tuy vậy, vẫn có những bình luận khác quan điểm: "Người VN mình đẹp kiểu khác, học trò phải vui tươi, hồn nhiên, chứ đâu có mặt mày lờ đờ trắng toát như mấy diễn viên Hàn? Đâu cần phải đua đòi theo người ta như vậy?". Nhưng xem ra cơn lốc xứ Hàn vẫn đang cuốn phăng đi những bạn trẻ cảm thấy không tự tin lắm về vẻ ngoài Việt Nam của mình.

XẾ ĐIẾC

Nghệ Thuật Đổ Thừa


TTC - Sau cơn mưa lớn sáng 13-4, đường Âu Cơ (Tân Phú) ngập nước lênh láng. Chị T. chạy xe qua đó, chẳng may bị sợi dây điện đứt còn phóng điện, phải tử vong. Cái chết của chị đã khiến dư luận bà con thành phố bức xúc; các đồng nghiệp nhà báo vạch rõ trách nhiệm thuộc về đơn vị quản lý điện lực quận.

Giám đốc chi nhánh điện lực đổ thừa ngay: Dây điện đứt do bị sét đánh. Bà con lân cận hiện trường tai nạn mần chứng rằng tai nạn xảy ra khi mưa đã tạnh, không có sét nào đánh, chỉ có rờ-le tự động của điện lực không chịu ngắt. Ban giám đốc Điện lực thành phố cũng nói rằng không có cơ sở để đổ thừa rằng sét đánh dẫn tới việc đứt dây điện. Ông điện lực quận bèn im. Im nhưng có lẽ lòng ông còn ấm ức bởi ông chưa thể hiện được nghệ thuật đổ thừa một cách lâm ly biến ảo như các bậc “tiền nhân”.

Sét là ai? Tây du ký có nhân vật Điển mẫu (mẹ điện) làm ra chớp sáng lòa và Lôi công (ông Sét) làm ra tiếng động rẹt rẹt ầm ầm, hỗ trợ cho mẹ điện. Lôi công tên khai sinh là Thiên Lôi, cháu kêu bà chị họ thứ sáu của vợ Ngọc hoàng là cô Hai, kêu Ngọc hoàng là dượng Bảy. Thiên Lôi được Ngọc hoàng cho sử dụng vũ khí là hai cây búa gọi là lôi phủ, chuyên đánh xuống trần gian tiếng sấm sét báo hiệu mưa tới hoặc sắp tạnh. Sét là sản phẩm của Thiên Lôi; Thiên Lôi là cháu của Ngọc hoàng. Điện lực Tân Phú đổ thừa cho sét đánh có nghĩa là đổ thừa cho... trời. Chính trời gây ra cái chết tức tưởi đó chứ không phải là ngành điện chúng tui! Nhà Nho ngày xưa rất kính sợ trời. Họ nói những gì là “Thuận thiên giả tồn, nghịch thiên giả vong” (Thuận theo trời thì còn, ngược lại trời thì mất).

Nhà Nho đời mới của thế kỷ 21 không sợ trời mà chỉ sợ cái ghế của họ lung lay và cái lợi của họ bị mất đi. Cho nên, mọi việc tệ hại xảy ra đều có thể đổ thừa cho trời là chắc ăn nhất bởi vì Trời là một nhân vật rất trừu tượng và ông ta cũng không có miệng để cãi.

Thi công những công trình trong các lôcốt hoành tráng dẫn đến nạn kẹt xe, các nhà thầu đổ thừa cho trời mưa. Lô-cốt sập gây ra thương tích cho người đi đường được giải thích là do gió mạnh. Những công trình xây mương dẫn nước thủy lợi nhập điền siêu dỏm ở các tỉnh miền Trung từ nguồn quỹ 135 bị tan hoang sau mùa lũ được các nhà xây dựng đổ thừa là do bão lụt. Bà con nhiều huyện miền núi Quảng Ngãi được xây bể chứa nước sạch nhưng không có một giọt nước nào làm thuốc được chính quyền các địa phương giải thích là do hạn hán. Mưa, gió mạnh, bão lụt, hạn hán là những sản phẩm của trời chứ không phải do thói tham, do đầu bư, do không dám chịu trách nhiệm của con người gây ra.

Hết đổ thừa cho trời, người ta có thể đổ thừa cho đất. Đất cũng không có miệng mà cãi nên chuyện đổ thừa cho đất xem ra cũng khá chắc ăn. Thí dụ mần cái hầm cầu chui Văn Thánh, sửa lui sửa tới lún nứt đến nhiều nhà dân, người ta đổ thừa do đất yếu. Biết là đất yếu mà không chơi móng cọc bê-tông siêu dài, chỉ lấy cừ tràm ngắn ngủn như cái tăm hương cắm xuống, lại vừa cắm vừa ăn cắp thì kể cũng lạ. Nền kho cảng Thị Vải lún nứt cũng được đổ thừa cho đất. Nhiều tỉnh miền núi phía Bắc xúi bà con khai phá đồi nương trồng cà phê. Cà phê chết toi chết dịch; bà con nông dân lâm cảnh nợ nần. Ngành nông nghiệp đổ thừa do thổ nhưỡng không phù hợp.

Các bậc “tiền nhân” đã đổ thừa lung tung cho trời và đất thì một “hậu bối” ở quận Tân Phú đổ thừa cho sét đánh đứt dây điện cũng là một điều có thể hiểu được. Thế nhưng vì sao nghệ thuật đổ thừa được phát huy một cách lâm ly biến ảo, kéo dài như dây thun?

Một là, hình như ta chưa hình thành văn hóa khẳng khái chịu trách nhiệm và từ chức. Cho đến bây giờ, người ta vẫn thương yêu quý trọng ông Lê Huy Ngọ khi ông khẳng khái từ chức bộ trưởng. Than ôi, ông Ngọ mà phòng chống bão lụt và khoanh vùng dịch cúm gia cầm thì quá hay, quá gần gũi dân chúng.

Hai là ở ta, pháp luật và các văn bản pháp qui dưới luật hình như chưa vạch ra được trách nhiệm cụ thể của từng bộ ngành, đơn vị. Nhân dân hẳn từng rất vui khi nghe ông bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu nói một cách hài hước nhưng đúng thực chất vấn đề một mâm cơm có đến ba bộ quản lý. Bộ Công thương quản lý chất lượng các loại thuốc trừ sâu rầy, thực phẩm màu, phụ gia thức ăn gia súc gia cầm nhập khẩu... Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn quản lý quá trình nuôi trồng... Bộ Y tế quản lý chất lượng mâm cơm được chế biến... Nếu trong tô canh của mâm cơm ấy có dư lượng thuốc trừ sâu rầy khiến nhiều người phải đi cấp cứu thì khó mà quy trách nhiệm cho bộ nào. Mà hễ ba bộ cùng chịu thì không có ai chịu trách nhiệm chính cả.

Sau cùng, nếu không đổ thừa được cho khách quan thì ở ta có khuynh hướng tìm một người xấu xấu, chức vụ làng nhàng làm lễ vật hiến tế, gọi là đã giải quyết xong. Tui cố vấn cho ngành điện Tân Phú thế này: Cứ lựa một ông thợ đường dây già già, ốm yếu ho hen, quy trách nhiệm cho ổng mắc dây điện hổng kỹ làm dây đứt chết người. Ngành tặng cho ổng một ít tiền, đuổi ổng về hưu sớm, gởi một thông báo báo chí gọi là “Xử lý rốt ráo”. Cũng rứa, các xí nghiệp nhà máy đang gặp lúc khủng hoảng tiền tệ, lượng hàng hóa sản xuất ra có giảm sút. Các vị lãnh đạo có quyền đem... anh bảo vệ ra mà đuổi việc và tuyên bố rõ sản phẩm sụt số lượng là do cha bảo vệ này gây ra. Cái đó kêu bằng là “Xử lý nghiêm khắc”. Ha ha ha.

ĐỒ BÌ