Friday, May 22, 2009

Nghệ Thuật Đổ Thừa


TTC - Sau cơn mưa lớn sáng 13-4, đường Âu Cơ (Tân Phú) ngập nước lênh láng. Chị T. chạy xe qua đó, chẳng may bị sợi dây điện đứt còn phóng điện, phải tử vong. Cái chết của chị đã khiến dư luận bà con thành phố bức xúc; các đồng nghiệp nhà báo vạch rõ trách nhiệm thuộc về đơn vị quản lý điện lực quận.

Giám đốc chi nhánh điện lực đổ thừa ngay: Dây điện đứt do bị sét đánh. Bà con lân cận hiện trường tai nạn mần chứng rằng tai nạn xảy ra khi mưa đã tạnh, không có sét nào đánh, chỉ có rờ-le tự động của điện lực không chịu ngắt. Ban giám đốc Điện lực thành phố cũng nói rằng không có cơ sở để đổ thừa rằng sét đánh dẫn tới việc đứt dây điện. Ông điện lực quận bèn im. Im nhưng có lẽ lòng ông còn ấm ức bởi ông chưa thể hiện được nghệ thuật đổ thừa một cách lâm ly biến ảo như các bậc “tiền nhân”.

Sét là ai? Tây du ký có nhân vật Điển mẫu (mẹ điện) làm ra chớp sáng lòa và Lôi công (ông Sét) làm ra tiếng động rẹt rẹt ầm ầm, hỗ trợ cho mẹ điện. Lôi công tên khai sinh là Thiên Lôi, cháu kêu bà chị họ thứ sáu của vợ Ngọc hoàng là cô Hai, kêu Ngọc hoàng là dượng Bảy. Thiên Lôi được Ngọc hoàng cho sử dụng vũ khí là hai cây búa gọi là lôi phủ, chuyên đánh xuống trần gian tiếng sấm sét báo hiệu mưa tới hoặc sắp tạnh. Sét là sản phẩm của Thiên Lôi; Thiên Lôi là cháu của Ngọc hoàng. Điện lực Tân Phú đổ thừa cho sét đánh có nghĩa là đổ thừa cho... trời. Chính trời gây ra cái chết tức tưởi đó chứ không phải là ngành điện chúng tui! Nhà Nho ngày xưa rất kính sợ trời. Họ nói những gì là “Thuận thiên giả tồn, nghịch thiên giả vong” (Thuận theo trời thì còn, ngược lại trời thì mất).

Nhà Nho đời mới của thế kỷ 21 không sợ trời mà chỉ sợ cái ghế của họ lung lay và cái lợi của họ bị mất đi. Cho nên, mọi việc tệ hại xảy ra đều có thể đổ thừa cho trời là chắc ăn nhất bởi vì Trời là một nhân vật rất trừu tượng và ông ta cũng không có miệng để cãi.

Thi công những công trình trong các lôcốt hoành tráng dẫn đến nạn kẹt xe, các nhà thầu đổ thừa cho trời mưa. Lô-cốt sập gây ra thương tích cho người đi đường được giải thích là do gió mạnh. Những công trình xây mương dẫn nước thủy lợi nhập điền siêu dỏm ở các tỉnh miền Trung từ nguồn quỹ 135 bị tan hoang sau mùa lũ được các nhà xây dựng đổ thừa là do bão lụt. Bà con nhiều huyện miền núi Quảng Ngãi được xây bể chứa nước sạch nhưng không có một giọt nước nào làm thuốc được chính quyền các địa phương giải thích là do hạn hán. Mưa, gió mạnh, bão lụt, hạn hán là những sản phẩm của trời chứ không phải do thói tham, do đầu bư, do không dám chịu trách nhiệm của con người gây ra.

Hết đổ thừa cho trời, người ta có thể đổ thừa cho đất. Đất cũng không có miệng mà cãi nên chuyện đổ thừa cho đất xem ra cũng khá chắc ăn. Thí dụ mần cái hầm cầu chui Văn Thánh, sửa lui sửa tới lún nứt đến nhiều nhà dân, người ta đổ thừa do đất yếu. Biết là đất yếu mà không chơi móng cọc bê-tông siêu dài, chỉ lấy cừ tràm ngắn ngủn như cái tăm hương cắm xuống, lại vừa cắm vừa ăn cắp thì kể cũng lạ. Nền kho cảng Thị Vải lún nứt cũng được đổ thừa cho đất. Nhiều tỉnh miền núi phía Bắc xúi bà con khai phá đồi nương trồng cà phê. Cà phê chết toi chết dịch; bà con nông dân lâm cảnh nợ nần. Ngành nông nghiệp đổ thừa do thổ nhưỡng không phù hợp.

Các bậc “tiền nhân” đã đổ thừa lung tung cho trời và đất thì một “hậu bối” ở quận Tân Phú đổ thừa cho sét đánh đứt dây điện cũng là một điều có thể hiểu được. Thế nhưng vì sao nghệ thuật đổ thừa được phát huy một cách lâm ly biến ảo, kéo dài như dây thun?

Một là, hình như ta chưa hình thành văn hóa khẳng khái chịu trách nhiệm và từ chức. Cho đến bây giờ, người ta vẫn thương yêu quý trọng ông Lê Huy Ngọ khi ông khẳng khái từ chức bộ trưởng. Than ôi, ông Ngọ mà phòng chống bão lụt và khoanh vùng dịch cúm gia cầm thì quá hay, quá gần gũi dân chúng.

Hai là ở ta, pháp luật và các văn bản pháp qui dưới luật hình như chưa vạch ra được trách nhiệm cụ thể của từng bộ ngành, đơn vị. Nhân dân hẳn từng rất vui khi nghe ông bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu nói một cách hài hước nhưng đúng thực chất vấn đề một mâm cơm có đến ba bộ quản lý. Bộ Công thương quản lý chất lượng các loại thuốc trừ sâu rầy, thực phẩm màu, phụ gia thức ăn gia súc gia cầm nhập khẩu... Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn quản lý quá trình nuôi trồng... Bộ Y tế quản lý chất lượng mâm cơm được chế biến... Nếu trong tô canh của mâm cơm ấy có dư lượng thuốc trừ sâu rầy khiến nhiều người phải đi cấp cứu thì khó mà quy trách nhiệm cho bộ nào. Mà hễ ba bộ cùng chịu thì không có ai chịu trách nhiệm chính cả.

Sau cùng, nếu không đổ thừa được cho khách quan thì ở ta có khuynh hướng tìm một người xấu xấu, chức vụ làng nhàng làm lễ vật hiến tế, gọi là đã giải quyết xong. Tui cố vấn cho ngành điện Tân Phú thế này: Cứ lựa một ông thợ đường dây già già, ốm yếu ho hen, quy trách nhiệm cho ổng mắc dây điện hổng kỹ làm dây đứt chết người. Ngành tặng cho ổng một ít tiền, đuổi ổng về hưu sớm, gởi một thông báo báo chí gọi là “Xử lý rốt ráo”. Cũng rứa, các xí nghiệp nhà máy đang gặp lúc khủng hoảng tiền tệ, lượng hàng hóa sản xuất ra có giảm sút. Các vị lãnh đạo có quyền đem... anh bảo vệ ra mà đuổi việc và tuyên bố rõ sản phẩm sụt số lượng là do cha bảo vệ này gây ra. Cái đó kêu bằng là “Xử lý nghiêm khắc”. Ha ha ha.

ĐỒ BÌ

No comments: