Saturday, April 18, 2009

Friday, April 17, 2009

Câu chuyện của hạt muối

Chuyện kể rằng: Hạt Muối kia, nó rất tự hào được sinh ra từ lòng mẹ Biển bao la. Nó luôn thấy nó thật đặc biệt, đặc biệt từ cội nguồn mà từ đó nó vào đời, tự hào vì biết rằng mẹ Biển luôn thương yêu nó. Nó càng tự hào hơn bởi lời dạy dỗ của mẹ Biển đã cho nó biết bao tri thức. Nó luôn tự hào rằng: nó biết mọi điều.

Rồi một ngày, nó từ giã mẹ Biển ra đi. Nó mong muốn ra đi để làm phong phú hơn kho tri thức vốn đã đáng tự hào do mẹ Biển dạy bảo. Nó ra đi trong tâm trạng mừng vui, hớn hở.

Ngày đầu tiên, nó gặp chị Khế đang trên đường đồng hành cùng bác nông dân ngoài vườn về để làm thêm vị ngọt cho bát canh riêu. Nó tíu tít khoe cùng chị Khế về những điều đã học hỏi được. Chị Khế rất khâm phục về sự thông minh của nó và nhờ nó tì giúp lời giải đáp cho thắc mắc của chị: tại sao nó có vị măn mà chị Khế lại có vị chua? Câu hỏi của chị Khế làm nó thao thức!

Ngày thứ hai, nó gặp anh Ớt Đỏ đang chịu những đau đớn của lưỡi dao cắt nhỏ anh ra, để giúp anh thêm vị cay nồng cho món canh chua. Anh Ớt Đỏ cũng nhờ nó tìm lời giải đáp cho trăn trở của anh: tại sao nó có vị mặn mà anh Ớt Đỏ lại có vị cay? Câu hỏi của anh Ớt Đỏ làm nó suy nghĩ! Nó buồn lắm! Hôm qua đã không giúp gì được cho chị Khế, nay nó lại làm cho anh Ớt Đỏ phải thất vọng!

Thế rồi, trong nhũng ngày kế tiếp, nó luôn nhận được những câu hỏi của các bạn Thuốc khi đang cố gắng giúp em bé tiêu diệt con virút gây cảm cúm: tại sao nó măn trong khi Thuốc lại đắng? Những thắc mắc của các cô Đường khi đang cố gắng tan đi để có ly nước chanh mát mẻ cho bác nông dân mới đi làm đồng về: tại sao nó măn mà các cô lại có vị ngọt?

Nó suy nghĩ nhiều lắm và buồn nhiều lắm! Ngày nó ra đi vui biết bao thì đến hôm nay nó cũng buồn dường đó. Nó luôn tự hỏi: tại sao chị Khế lại chua, anh Ớt Đỏ lại cay, các bạn Thuốc đắng, các cô Đường ngọt, trong khi nó lại mặn? Tải sao? Vẻ mặt nó trở lên trầm tư, anh chị em nó không được thấy những nụ cười hằng tươi nở trên môi nó, hết được những bản nhạc bằng đôi môi huýt sáo điêu luyện của nó.

Rồi bỗng một ngày, nó thấy một cụ già. Cụ thường ngồi giăng câu ở khúc sông này, nhưng mọi ngày nó thường đuổi theo những chú chuồn chuồn n6n không để ý tới cụ. Cụ thấy vẻ mặt trầm tư của nó, lên tiếng hỏi: Muối! Có chuyện gì mà buồn vậy cháu?

Dạ!!! Cụ ơi tại sao cháu mặn trong khi chị Khế lại chua, anh Ớt Đỏ thì cay,...?

Cụ già cười phúc hậu:
Dễ thôi cháu à!


Rồi cụ trầm tư! Nó mừng quá, câu hỏi mà bao lâu nay nó hằng suy nghĩ, nay tìm được câu tra lời rồi. Nó nóng lòng, hồi hộp chờ đợi câu trả lời từ cụ. Thời gian với nó lúc này sao dài thế!

Cụ già nhìn nó, một cái nhìn thán phục và yêu mến!

Cháu hãy về, về cùng mẹ Biển, hoà mình vào lòng mẹ, thì cháu sẽ có được câu trả lời!



Nghe thế, nó mừng quá, vội chạy về nhà, quên cả lời cám ơn cụ già. Cụ già nhìn theo nó, cười đầy phúc hậu! Muối chạy về nhà, ôm chầm lấy mẹ để được hoà vào lòng mẹ. Nó thấy vẳng bên tai câu trả lời: "Đơn giản vì từ lòng mẹ Biển con được sinh ra!".

Chiếc bát gỗ

Có một người đàn ông già ốm yếu chuyển đến sống cùng với người con trai, con dâu và một cháu trai bốn tuổi. Ông đã quá già nên bàn tay ông run run, mắt thì mờ và những bước đi loạng choạng.



Một hôm cả nhà cùng nhau ăn bữa tối nhưng bàn tay người cha già run rẩy nên rất khó khăn trong việc ăn uống, ông đã làm rơi vãi thức ăn xuống sàn. Khi ông cố cầm lấy chiếc cốc thì sữa lại sóng sánh ra khăn trải bàn.

Người con trai và người con dâu bắt đầu trở nên khó chịu với tình trạng bừa bộn của ông. Người con trai bèn nói với vợ: “Chúng ta phải làm cái gì đó cho cha, tôi chịu đựng quá đủ những thứ như sữa tràn ra ngoài, tiếng loảng xoảng trong ăn uống và thức ăn rơi xuống sàn rồi”. Thế rồi vợ chồng người con liền để một chiếc bàn nhỏ ở góc nhà.

Vậy là từ đó người cha già ăn một mình ở chiếc bàn nhỏ trong khi cả nhà vui vẻ bên chiếc bàn lớn. Ông lại làm vỡ chiếc đĩa của mình mấy lần và người con lại chuyển cho ông sang chiếc bát gỗ để đựng thức ăn. Họ chỉ nhìn lướt qua ông rồi lại vui vẻ trò chuyện với nhau, mặc cho những giọt nước mắt ứ đọng trong đôi mắt người cha khi ông ngồi ăn một mình. Thỉnh thoảng họ lại càu nhàu khiển trách ông mỗi lần ông làm rơi thìa hay thức ăn ra ngoài. Chỉ riêng đứa con trai bốn tuổi của họ thì im lặng theo dõi tất cả.

Vào một buổi tối trước bữa ăn, người cha chú ý đứa con nhỏ của mình đang nghịch những mảnh gỗ trên sàn. Anh ta ấu yếm hỏi đứa trẻ: “ Con đang làm gì vậy?”. Đứa trẻ mỉm cười trả lời: “Con đang làm những chiếc bát gỗ nhỏ để cha mẹ đựng thức ăn khi sau này con lớn”.

Đứa trẻ tiếp tục mỉm cười nhìn cha rồi nhanh chóng quay trở lại công việc dở dang của nó. Câu trả lời của đứa trẻ khiến bố mẹ nó sững sờ.

Nước mắt bắt đầu lăn trên má họ. Mặc dù không có một lời nào được thốt ra nhưng họ biết họ cần phải làm gì. Bữa tối hôm đó người chồng cầm lấy bàn tay của ông cụ và dịu dàng dắt ông ra bàn ăn cùng mọi người.

Từ đó người cha già lại bắt đầu cùng ngồi ăn với con cái và đứa cháu nhỏ. Vợ chồng người con cũng không còn để ý đến những chuyện như chiếc thìa bị rơi, sữa đổ ra ngoài hay chiếc khăn trải bàn bị bẩn nữa.

Trẻ con có những cảm nhận rất ngây thơ nhưng lại đáng chú ý cho chúng ta học hỏi. Chúng quan sát bằng mắt, chúng lắng nghe bằng đôi tai và tư duy của chúng được hình thành khi tiếp nhận những thông điệp từ người lớn.

Nếu chúng nhìn thấy chúng ta đang cố gắng tạo dựng một bầu không khí gia đình ấm ấp và đầy yêu thương cho những thành viên trong nhà, chúng sẽ học theo thái độ đó cho cuộc sống của chúng khi lớn lên. Các bậc cha mẹ nên biết rằng từng cử chỉ nhỏ bé thôi cũng sẽ tạo nên nhân cách tương lai của đứa trẻ.

Hãy bắt đầu xây dựng cho trẻ từ những viên gạch nhỏ của yêu thương ngay từ bây giờ, ngay ngày hôm nay và mỗi ngày đều như vậy.


Hai lúa

TÔI ĐÃ THẤY CHÚA

Một người đã băng ngàn lội suối để kiểm chứng cho rõ về danh tiếng đồn đãi của Minh Sư. Ông ta hỏi một đệ tử: “Minh Sư của anh đã làm được những phép lạ nào?”

Người đệ tử trả lời: Này ông bạn, có những phép lạ khác nhau. Trong xứ bạn, người ta bảo phép lạ là khi Thượng Đế làm theo ý muốn của con người. Còn trong xứ chúng tôi, người ta bảo phép lạ là khi con người làm theo ý muốn của Thượng Đế .

(Anthony de Mello – Trích trong " One Minute Wisdom")
***

Bạn thân mến! Bài Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay cũng thuật lại phép lạ Đức Giêsu đã làm khi Ngài từ cõi chết sống lại và đi thăm các môn đệ: Ngài đến giữa các ông trong khi cửa phòng đều đóng kín (Ga:20.19). Ngài đến giữa các ông và ban bình an cho các ông (Ga:20.19,21, 26); thứ bình an ngay giữa những bất an, dao động. Ngài đưa các ông ra khỏi nỗi sợ hãi co quắp, đưa các ông ra khỏi căn nhà đóng kín cửa âm u. Ngài cho các ông xem các vết thương (Ga:20.21). Qùa tặng mà Ngài mang đến cho các ông là: "Anh em hãy nhận lấy Chúa Thánh Thần", và Ngài mời gọi các ông tham dự vào sứ mạng của Ngài: "Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em." (Ga:20.21)

"Chúng tôi đã được thấy Chúa"… Ðó là tiếng reo vui ngây ngất của các môn đệ. Thầy Giêsu, người đã bị đóng đinh, đã chết và được chôn cất, nay bất ngờ hiện đến, đứng giữa họ… thật gần gũi…thật yêu thương .

Các môn đệ vui mừng vì được xum họp với Thầy mình, nhưng chỉ có một người không vui, đó là Tôma. Ông vốn có óc thực tiễn (Ga 11,16; 14,5). Chẳng rõ vì sao ông bị hụt không gặp Chúa Giêsu Phục Sinh. Chỉ biết ông đã "không ở với" các môn đệ, lúc Ngài đến. Có vẻ giữa ông và cả nhóm có cái gì xa cách. Sự xa cách này trở nên rõ rệt hơn khi ông thẳng thắn từ chối tin vào lời chứng của các bạn: "Chúng tôi đã thấy Chúa." Nhưng ông lại rất tin vào chính mình, vào giác quan của mình. " Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin đâu." (Ga:20.25). Ông có thái độ như một nhà khoa học thực nghiệm.

Chúa Giêsu Phục Sinh đến với nhóm, nhưng Ngài không quên một ai. Ngài muốn gặp Tôma và cho Tôma được toại nguyện. Tám ngày sau, khi Tôma ở với nhóm, thì Ngài lại hiện đến. Ngài chê ông cứng lòng trước những lời chứng của anh em: "Ðặt ngón tay vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy. Ðưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy. Ðừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin" (Ga:20.27). Trước lời nói đầy yêu thương và chân thật của Thầy mình, sự cứng lòng của Toma đã trở nên mềm nhũn, ông đã không nói thêm được điều gì khác ngoài việc tuyên xưng đức tin của mình: "Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con" (Ga:20.28).

"Vì đã thấy Thầy, nên anh tin. Phúc thay những người không thấy mà tin!" (Ga:20.29). Đó là lời nói mà Chúa Giêsu Phuc Sinh đã nói với Tôma xưa kia. Lời nói ấy cũng là lời nói mà Chúa Giêsu Phục Sinh nói với mỗi người chúng ta hôm nay. Ðức tin của ta hôm nay dựa trên đức tin của những người đã thấy và đã tin, đã dám hy sinh mạng sống của mình để rao truyền về Chúa Giêsu Phục Sinh.

Nhờ Tôma mà ta có được mối phúc thứ chín: "Phúc cho ai không thấy mà tin" (Ga. 20: 29). Mối phúc này nghe như có lời dặn dò: muốn thấy điều mình tin, hãy bắt đầu bằng cách tin điều mình không thấy. Và mối phúc này cũng vang lên lời mời gọi tha thiết: Tin điều mình không thấy sẽ thấy điều mình tin.

Chúa Giêsu đã cho Tôma được "thấy và chạm" đến Ngài và ông đã tin. Tôi và bạn cũng được mời gọi cộng tác với Chúa Giêsu, với các môn đệ của Ngài để rao truyền về Chúa Giêsu Phục sinh, để đức tin của ta và những người chung quanh ta cũng được thay đổi và kiên vững như Tôma xưa kia.

Truyền giáo là làm cho người ta tin, làm cho người ta thấy và chạm đến Thiên Chúa. Nhưng trước hết, ta phải nói được rằng: "Tôi đã thấy Chúa" (Ga 20,18).
***

Lạy Chúa Giêsu Phục Sinh, Chúa đã sống trọn vẹn cuộc Vượt Qua của Chúa, xin cho con biết sống cuộc "vượt qua" mỗi ngày trong đời con:

Vượt qua sự nhỏ mọn và ích kỷ.

Vượt qua những đam mê đang kéo ghì con xuống.

Vượt qua nỗi sợ khổ đau và nhọc nhằn của thân xác.

Vượt qua đêm tăm tối cô đơn trong đời sống thiêng liêng.

Vượt qua những khắc khoải của niềm tin.

Vượt qua những thành kiến con có về người khác...

Chính vì Chúa đã phục sinh, xin ban cho con sức mạnh và ơn can đảm để "vượt qua", dù phải chịu mất mát và thua thiệt.

Ước gì con biết noi gương Chúa Giêsu Phục Sinh, luôn gieo rắc khắp nơi bình an và hy vọng, tin tưởng và niềm vui. Amen

(Tổng hợp từ R. Veritas)

Monday, April 13, 2009

TIN MỪNG PHỤC SINH

Bà Regina Riley hằng cầu nguyện cho hai cậu con trai đã xa rời đức tin nhiều năm…. Bỗng một sáng Chúa nhật, bà không thể tin vào mắt mình, hai đức con bước vào nhà thờ ngồi ghế đối diện với bà. Tan lễ, bà liền hỏi lý do nào khiến các con trở về với Chúa. Đứa con nhỏ mau mắn kể lại:

Thời gian nghỉ hè tại Colorado, vào một sáng Chúa nhật, chúng con đang lái xe thả dốc trong cơn mưa tầm tã. Bỗng nhiên, một cụ già không dù che, người ướt sũng đang vội vã bước đi, dáng điệu khập khiễng.

Chúng con dừng lại mời cụ lên xe, mới được biết cụ đang đi lễ, đến một nhà thờ cách đó 5 cây số. Chúng con liền đưa cụ đến dự lễ. Nhưng vì trời vẫn mưa nên hai anh em quyết định vào xem lễ rồi cùng đón cụ về. Lạ thay, sau khi lắng nghe Lời Chúa chúng con rất xúc động, tâm hồn như được đổi mới hoàn toàn. Mẹ biết không, lúc bấy giờ chúng con như được trở về nhà sau một chuyến đi dài đầy mệt mỏi.

***

Câu chuyện hai anh em gặp gỡ cụ già xa lạ sẽ minh họa cho chúng ta bài Tin Mừng Phục Sinh hôm nay.

Bà Maria Mađalêna, bà Maria mẹ ông Giacôbê, và bà Salômê là ba phụ nữ nhân đức từng theo Đức Giêsu và các môn đệ. Các bà đã từng được Thầy Giêsu dạy dỗ, yêu thương. Nhưng giông tố kinh hoàng của chiều Thứ Sáu Tuần Thánh đã cướp đi người Thầy rất đáng kính yêu của họ. Giờ đây, Thầy đã nằm yên trong một đá. Còn lại gì? Hay chỉ còn lại bao kỷ niệm thân thương và nước mắt. Để vơi đi nỗi sầu, các bà chỉ biết mua dầu thơm về ướp xác Thầy. Nhưng “Ai sẽ lăn dùm tảng đá ra cho chúng ta?” (Mc 16,3).

Kinh ngạc thay, khi đến nơi, các bà đã thấy tảng đá được lăn ra một bên, và xác Thầy cũng không còn nữa. Chỉ còn đó, sứ thần chờ để loan báo Tin Mừng: “Đấng bị đóng đinh đã sống lại rồi, Người hẹn gặp lại các môn đệ tại Galilê” (x.Mc 16,7). Từ ngôi mộ trống, nơi tối tăm và chết chóc, sự sống đã bừng lên.

Hai anh em trong câu chuyện trên cũng đã một thời tin theo Chúa. Nhưng giông tố của thời niên thiếu đến, đã cướp đi bao kỷ niệm đạo đức thưở ấu thơ. Thế rồi, cụ già đã xuất hiện loan báo một tin mừng, không phải bằng lời mà bằng gương sáng đạo đức: “Thầy Giêsu hẹn gặp lại các con nơi thánh đường”.

Tin Mừng chính là: Hễ có giông tố của chiều Thứ Sáu Tuần Thánh, thì cũng có bình an của sáng Chúa nhật Phục Sinh.

Tin Mừng chính là: Hễ có bình minh là có niềm hy vọng, có trở về là có đổi mới.

Tin Mừng chính là: Nếu ta cùng chết với Đức Kitô, ta sẽ cùng được sống lại với Người.

Tin Mừng chính là: Nếu có tình yêu quằn quại trên thập giá, thì cũng có tình yêu rạng rỡ sáng Phục Sinh.

***

Lạy Chúa, xin cho chúng con luôn xác tín rằng: Mỗi lần chúng con trở về sau những lầm lỗi, là chúng con đang Phục Sinh với Chúa. Mỗi lần chúng con tin tưởng sau những lần phản bội niềm tin, là chúng con đang sống lại với Người. Mỗi lần chúng con tiếp tục cố gắng sau những lần thất bại đắng cay, là chúng con đang ra khỏi mồ trống. Xin giúp chúng con biết mở rộng tâm hồn để đón nhận ân sủng Phục Sinh của Chúa. Amen!

Thiên Phúc

BA CÁCH ĐÓN NHẬN CÁI CHẾT KHÁC NHAU

Chúa Giêsu đã từng nói: “Được cả thế gian, mà phải thiệt mất mạng sống, nào có ích gì”. Thực vậy, có những người khi sống đã được cả thế gian, nhưng cuối đời họ đã đánh mất tất cả. Mất cả danh dự. Mất cả bổng lộc. Mất cả người thân và cuối cùng là mất cả mạng sống.

Cuối năm 2006, toàn thể thế giới đều nghe nói về ba cái chết của ba nguyên thủ ba quốc gia. Ba người ba cá tính, ba cung cách lãnh đạo khác nhau. Trước cái chết của họ, có kẻ khóc, có người vui. Có kẻ ngậm ngùi thương tiếc, có kẻ khai rượu ăn mừng. Điểm chung của họ là được cả thế gian nhưng rồi họ cũng ra đi tay trắng như bao người khác.

Người thứ nhất đó là tổng thống Chilê, Ausgusto Pinochê đã qua đời ngày 10/12/2006. Ông đã cai trị nước Chi Lê từ năm 1973 đến 1990. Các tổ chức nhân quyền của Chi Lê đã ước lượng dưới quyền thống trị của ông, có ít nhất 2,100 người bị xử tử vì lý do chính trị, hơn 1,100 tù nhân bị mất tích và khoảng 10,000 tù nhân bị tra tấn trong những trại tù bí mật ở trong nước. Ông đã bị toà án quốc tế truy tố năm 1998 về tội diệt chủng. Ngày an táng của ông, Đức Hồng Y Karmelic đã cầu xin Thiên Chúa “quên đi những lầm lỗi của Augusto Pinochê”.

Người thứ hai đó là tổng thống Geral Ford, tổng thống thứ 38 của Hoa Kỳ. Ông đã an nghỉ vĩnh viễn vào ngày 26/12/2006. Cuộc đời ông không có gì vẻ vang, không có chiến tích đánh đông dẹp tây, nhưng ông được nhìn nhận là người ôn hoà. Ông đã có một hành động thật phi thường là tha thứ cho cựu tổng tống Nixon khỏi bị truy tố. Ông đã nói rằng: Ông tha thứ cho Nixon vì quốc gia Hoa Kỳ chứ không phải vì bản thân Nixon.

Cuối cùng là cái chết của nhà độc tài Sadam Hussen, cựu tổng thống Iraq. Ông đã bị kết án treo cổ tử hình vì tội giết người vô tội. Ông là một người đã được trời ban cho mọi vinh hoa phú qúy trần gian, nhưng khi chết chỉ có một dây thòng lòng quốn quanh cổ. Dù rằng, ông không chấp nhận bản án, không chấp nhận cái chết nhục nhã này, nhưng định mệnh đã lấy đi mạng sống của ông khỏi trần gian.

****************************************

Ba nhân vật này đã đi vào cái chết khác nhau. Có người bình thản ra đi. Có người ra đi nhưng vẫn ôm trong lòng những ray rức lương tâm. Có người ra đi Jesus on cross 8-ok-Atrong bất mãn tột cùng. Và như vậy, cuộc đời chỉ có giá trị khi mình biết sống để phục vụ sự sống. Cuộc đời sẽ bị người đời khinh chê nếu chỉ biết gieo vãi sự chết chóc và kinh hoàng. Sự ra đi trong thanh thản bình an hay lo âu sợ hãi cũng tùy thuộc vào cuộc sống của chúng ta: nhân đức hay tội lỗi, công bình hay giả dối, hiền lành hay gian ác.

Cách đây hơn hai ngàn năm, trên đồi Golgôtha, có ba tử tội đã bị kết án tử hình trên thập tự giá. Ba tử tội, tuy sinh không cùng năm nhưng lại chết cùng ngày, cùng tháng. Ba tử tội đã đi vào cái chết thật khác nhau.

Người thứ nhất bên tả đã oán hận phận số của mình. Cuộc đời của anh chỉ biết giết người và cướp của. Cuộc đời anh chỉ lo gom góp cho bản thân, chỉ nhằm phục vụ bản thân, cuối cùng anh đã ra đi tay trắng trong uất hận đau thương.

Người thứ hai bên hữu đã đón nhận cái chết trong khiêm tốn, ăn năn. Anh đã hoang phí cuộc đời để chạy theo ảo ảnh trần gian. Thế nhưng, anh đã kịp ăn năn về cả một quá khứ lầm lạc. Anh đã chấp nhận cái chết khổ hình như một hình phạt xứng với tội lỗi của mình. Anh ra đi trong an bình của người biết sám hối ăn năn.

Ở chính giữa là thập giá Chúa Giêsu. Chúa đi vào cái chết như của lễ đền tội cho nhân sinh. Chúa chấp nhận cái chết vì loài người và để cứu rỗi loài người. Chúa đã chịu khổ hình không do lầm lỗi của mình mà vì vâng phục thánh ý Chúa Cha. Chúa đã chết vì tình yêu đối với nhân loại, đến nỗi đã trở thành khuôn mẫu cho mọi tình yêu. Vì “không có tình yêu nào cao qúy hơn tình yêu dám chết thay cho bạn hữu”.

****************************************

Hôm nay thứ sáu tuần thánh, Giáo hội mời gọi chúng ta chiêm ngắm tình yêu tự hiến của Chúa Giêsu. Khi mang thân phận của một con người như chúng ta, Chúa Giêsu đã sống một đời để phục vụ con người, và Ngài cũng đón nhận cái chết vì con người. Thế nên, tình yêu của Ngài đã thành bất tử trên trần gian. Thập giá không còn là nỗi ô nhục mà là một cuộc khải hoàn vinh quang.

Đó chính là sứ điệp ngày thứ sáu tuần thánh mà Chúa đang mời gọi chúng ta, muốn trở nên môn đệ của Chúa hãy vác khổ giá mà buớc theo Chúa. Hãy sống một đời biết cho đi. Hãy biết dùng khả năng của mình mà phục vụ sự sống cho đồng loại. Và hãy biết hiến thân mình để đem lại hạnh phúc cho tha nhân, vì chưng: “được lời lãi cả thế gian, chết mất linh hồn nào ích gì?” Amen!

Trích từ Veritas

Thursday, April 9, 2009

Đức Thánh Cha tiếp kiến 7 ngàn bạn trẻ Tây Ban Nha

VATICAN. ĐTC Biển Đức 16 khích lệ các bạn trẻ Tây Ban Nha chuẩn bị Ngày Quốc Tế giới trẻ, khám phá tình yêu Chúa qua Thập Giá và luôn học hỏi đào sâu đức tin.



























Ngài đưa ra lời nhắn nhủ trên đây trong buổi tiếp kiến sáng 6-4-2009, dành cho 7 ngàn bạn trẻ Tây Ban Nha về Roma tham dự Ngày Quốc tế giới trẻ hôm chúa nhật 5-4 trước đó, và đón nhận Thánh Giá giới trẻ do phái đoàn Úc chuyển giao. Hiện diện tại buổi kiến còn có ĐHY Antonio Mario Roucou, TGM Madrid, Chủ tịch HĐGM Tây Ban Nha và một số giám mục khác.

Lên tiếng trong dịp này, ĐTC ca ngợi sáng kiến của các bạn trẻ sẽ rước Thánh Giá giới trẻ qua các đường phố ở thủ đô Madrid vào ngày thứ sáu Tuần Thánh tới đây, để Thánh Giá được chúc tụng và tôn kính. Ngài nói: ”Cha khuyến khích các con hãy khám phá nơi Thánh Giá mức độ vô biên của tình yêu Chúa Kitô và để có thể nói như thánh Phaolô: ”Tôi sống trong niềm tin nơi Con Thiên Chúa, Đấng đã yêu thương tôi đến độ hiến thân vì tôi” (Gl 2,20).. Các con hãy đáp lại tình yêu Chúa Kitô bằng cách dâng hiến cho Chúa cuộc sống của các con trong yêu thương”.

Ngày Quốc Tế giới trẻ lần thứ 26 sẽ được cử hành ở cấp hoàn vũ tại Madrid vào năm 2011 tới đây với chủ đề ”Bén rễ sâu và được xây dựng trong Chúa Kitô, kiên vững trong đức tin” (Cl 2,7).

ĐTC nhắn nhủ các bạn trẻ Tây Ban Nha rằng: ”Vì thế, cha mời gọi các con hãy học hỏi đào sâu đức tin vốn mang lại ý nghĩa cho đời sống các con và hãy củng cố các xác tín c[ua mình để có thể kiên vững giữa những khó khăn thường nhật. Hơn nữa, cha nhắn nhủ các con, trên con đường tiến về cùng Chúa Kitô, các con hãy biết thu hút những người bạn trẻ, bạn đồng môn và đồng nghiệp, để họ cũng được biết Chúa và tuyên xưng Ngài là Chúa trong đời sống của họ. Vì thế, các con hãy để cho sức mạnh của Đấng Tối Cao là Thánh Linh ở trong các con, biểu lộ sức thu hút vô biên của Ngài”.

Sau cùng, ĐTC nói thêm rằng ”Hãy những người trẻ quí mến, thời gian chuẩn bị cho Ngày Quốc Tế giới trẻ ở Madrid là một cơ hội đặc biệt để cảm nghiệm ơn được thuộc về Giáo Hội, Thân Mình của Chúa Kitô. Những Ngày Quốc Tế giớit rẻ biểu lộ năng động và sự tươi trẻ mãi mãi của Giáo Hội. Ai yêu mền Chúa Kitô thì cũng yêu mến Giáo Hội với cùng một niềm hăng say như vậy, vì Giáo Hội giúp chúng ta sống trong quan hệ mật thiết với Chúa. Vì thế, các con hãy vun trồng những sáng kiến giúp người trẻ cảm thấy là phần tử của Giáo Hội, trong niềm hiệp thông trọn vẹn với các vị Chủ Chăn và với Người Kế Vị Thánh Phêrô' (SD 6-4-2009)

G. Trần Đức Anh OP

Đức Thánh Cha nói Đức Kitô là một thực tại chắc chắn trong đời sống

Suy niệm về “Định mệnh bất biến” của hành trình đời sống

VATICAN ngày 6, tháng 4, 2009
(Zenit.org).- Đức Thánh Cha Benedict XVI nói với một phái đoàn giới trẻ từ Madrid, nơi sẽ tổ chức Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới năm 2011, “Mặc dầu đời sống có nhiều bất trắc, không có gì mơ hồ về định mệnh của mỗi con người.

Đức Thánh Cha nói về Đức Kitô hôm nay như “đích điểm của đời sống và lịch sử nhân loại” khi ngài tiếp giới trẻ từ Tổng Giáo Phận Madrid, do Đức Hồng Y Tổng Giám Mục Antonio María Rouco Varela hướng dẫn.

Đức Thánh Cha nói với họ: "Hãy đi theo bước chân của Chúa Kitô. Người là cùng đích, là đường và là phần thưởng của các con.”

"Đời sống chắc chắn là một hành trình. Nhưng không phải là một chuyến đi vô định không có một định mệnh bất biến; chuyến đi đưa dẫn đến Chúa Kitô, cùng đích của đời sống và lịch sử của con người. Trên chuyến đi này các con sẽ gặp Người, Đấng hy sinh mạng sống vì tình yêu, và mở cho các con cánh cửa của đời sống vĩnh cửu."

Đức Thánh Cha khuyến khích giới trẻ khám phá nơi thánh giá “tình yêu vô bờ bến của Chúa Kitô": "Chúa Kitô hiến mình cho mỗi người trong các con và yêu thương các con một cách cá biệt. Hãy đáp trả tình yêu của Chúa Kitô bằng cách dâng cho Người đời sống của các con một cách yêu thương."

Ngài cũng khuyến khích giới trẻ “được tạo dựng trong đức tin đem lại ý nghiã cho đời sống và tăng cường niềm tin của họ,” và loan báo Chúa Kitô cho bạn hữu, “để cho họ cũng được biết Người và tuyên xưng Người là Chúa trong cuộc đời họ."

Ngài nói, "Người trẻ hôm nay cần khám phá đời sống mới phát xuất từ Thiên Chúa, để được no đầy bởi chân lý bắt nguồn từ Đức Kitô, Đấng đã chết và sống lại và là Đấng Giáo Hội tiếp nhận như một kho tàng cho tất cả mọi người."

Đức Thánh Cha Benedict XVI cũng nhấn mạnh sự quan trọng của các biến cố tại Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới vì là biểu hiệu cho sự sinh động và trẻ trung vĩnh cửu của Giáo Hội,” và đại hội “giúp cho người trẻ cảm nhận được rằng họ là thành viên của Giáo Hội, được hiệp thông toàn vẹn với các vị chủ chiên và người kế vị Thánh Phêrô."

Đức Thánh Cha khuyên, "Hãy cầu nguyện chung với nhau, hãy mở cửa cho các giáo xứ, các hội đoàn và phong trào để cho họ cũng cảm thấy thoải mái như ở nhà trong Giáo Hội, nơi họ được yêu thương bằng chính tình yêu của Chúa. Hãy tuyên xưng và sống đức tin bằng một nỗi hân hoan vô bờ, vì đây là một quà tặng của Chúa Thánh Thần.

"Bằng cách này trái tim của các con và bạn hữu sẽ được chuẩn bị để mừng đại lễ của giới trẻ và tất cả sẽ cảm nhận được một ý niệm mới về giới trẻ của Giáo Hội."

Tuần Thánh

Suy niệm về Tuần Thánh, bắt đầu ngày Chúa Nhật, Đức Thánh Cha nói, “mầu nhiệm cuộc khổ nạn, cái chết và sự phục sinh của Chúa Kitô được tràn đầy bởi những gì vượt quá tất cả sự khôn ngoan và hiểu biết của con người, đó là tình yêu Chúa được thể hiện nơi Đức Kitô."

Ngài nói, "Hãy học nơi Người, Đấng đến không để phục vụ mà để phục vụ, và để ban sự sống mình như giá chuộc cho nhân loại."

Đức Thánh Cha tiếp: "Đây là đường lối yêu thương của Chúa Kitô, được đánh dấu bằng dấu chỉ của thập giá vinh quang, trên đó Chúa Kitô được nâng cao trước mặt mọi người, với trái tim rộng mở, để cho tất cả thế gian nhìn thấy, qua bản tính hoàn toàn con người, tình yêu cứu chuộc chúng ta.

"Như thế thánh giá trở nên chính dấu chỉ của đời sống, vì trên đó Chúa Kitô vượt thắng tội lỗi và cái chết qua việc tự hiến thân mình.

"Chính vì vậy chúng ta phải ôm lấy và yêu mến thánh giá Chúa, như thánh giá của chúng ta, tiếp nhận sức nặng của thánh giá như Simon người Cyrênê để tham gia vào công việc duy nhất có thể cưú chuộc tất cả nhân loại."

Đức Thánh Cha kết luận, "Trong Phép Rửa bạn được ghi dấu bằng thánh giá của Chúa Kitô và bạn trực thuộc hoàn toàn về Người. Xin hãy làm cho mình luôn luôn xứng đáng hơn với thánh giá này và không bao giờ cảm thấy xấu hổ vì dấu hiệu cao cả của tình yêu này."

Bùi Hữu Thư

Đức Thánh Cha giải thích về Tam Nhật Thánh

VATICAN. Trong buổi tiếp kiến 20 ngàn tín hữu hành hương sáng thứ tư tuần thành, 8-4-2009, tại Vatican, ĐTC đã giải thích về ý nghĩa Tam Nhật Thánh và mời gọi các tín hữu sống trọn vẹn những ngày Thánh này.


Trong số các tín hữu hiện diện có 4.300 sinh thuộc thuộc nhiều đại học trên thế giới về Roma tham dự Hội nghị quốc tế đại học Univ 2009 do Giám hạt tòng nhân Opus Dei tổ chức hằng năm vào dịp Tuần Thánh và Phục Sinh.

Sau bài đọc một đoạn thư thánh Phaolô gửi tín hữu Philiphê về việc Chúa Kitô, tuy là đồng hàng với Thiên Chúa, đã hạ mình nhận lấy thân phận tôi tớ, chịu khổ hình và chịu chết, ĐTC nói về ý nghĩa tam nhật thánh:

”Anh chị em thân mến, trong tam nhật vượt qua, Phụng vụ mời gọi chúng ta suy niệm về cuộc khổ nạn, các chết và sự sống lại của Chúa. Các nghi thức trong lễ dầu cử hành sáng thứ năm tuần thánh, biểu lộ sự viên mãn chức linh mục của Chúa Kitô cũng như sự hiệp thông Giáo Hội phải linh hoạt cộng đồng dân Chúa tụ họp để cử hành hy tế Thánh Thể và được sinh động hóa trong tình hiệp nhất nhờ ơn Chúa Thánh Linh. Trong thánh lễ chiều thứ năm tuần thánh, Giáo Hội kính nhớ việc lập phép Thánh Thể, chức linh mục thừa tác và giới răn mới về đức bác ái Chúa Giêsu để lại cho các môn đệ của Ngài. Việc cử hành này mời gọi chúng ta cảm tạ Chúa vì hồng ân Thánh Thể, hồng ân mà chúng ta phải cung kính đón nhận và thờ lạy trong đức tin. Khi chúng ta tưởng niệm cuộc khổ nạn và cái chết của Chúa Giêsu trên Thập Giá, Thứ Sáu Tuần Thánh là một ngày đau buồn, nhưng đồng thời là thời điểm thuận tiện để khơi dậy niềm tin của chúng ta, để củng cố niềm hy vọng và lòng can đảm của chúng ta trong việc khiêm tốn và tin tưởng vác thập giá của chúng ta, xác tín chắc chắn về sự nông đỡ của Chúa và chiến thắng của Ngài. Trong sự thinh lặng sâu xa của Ngày Thứ Bẩy Tuần Thánh, Giáo Hội canh thức cầu nguyện, chia sẻ tâm tình đau thương và tín thác nơi Chúa của Mẹ Maria. Sự mặc niệm này dẫn chúng ta đến buổi Canh Thức vọng Phục Sinh, trong đó niềm vui Chúa Sống Lại bùng lên. Trong đêm đó, chiến thắng của ánh sáng trên tối tăm, của sự sống trên sự chết sẽ được công bố và Giáo Hội vui mừng vì cuộc gặp gỡ với Chúa.

Bài huấn dụ bằng tiếng Ý

Trước các bài tóm lược bằng 4 thứ tiếng, ĐTC đã diễn giải bằng tiếng Ý với nhiều chi tiết hơn về tam nhật thánh.. Ngài nói:

”Đối với các tín hữu Kitô chúng ta, Tuần Thánh là tuần quan trọng nhất trong năm, tuần này mang lại cho chúng ta cơ hội đi sâu vào trong các biến cố trọng yếu của công trình cứu độ, sống lại mầu nhiệm Vượt Qua, là mầu nhiệm cao cả của đức tin. Từ chiều thứ năm Tuần Thánh, với thánh lễ Chúa lập phép Thánh Thể, các lễ nghi phụng vụ trọng thể giúp chúng ta suy niệm một cách sống động về cuộc thương khó, sự chết và sống lại của Chúa trong tam nhật Vượt Qua, là nòng cốt của năm phụng vụ. Ước gì ơn Chúa mở rộng tâm hồn chúng ta để hiểu hồng ân khôn lường là ơn cứu độ mà sự hy sinh của Chúa Kitô đạt được cho chúng ta. Hồng ân vô biên này, chúng ta thấy được mô tả một cách tuyệt vời trong bài ca nổi tiếng trình bày trong thư gửi tín hữu Philiphê (2,6-11), mà chúng ta suy niệm nhiều lần trong mùa chay này. Thánh Tông đồ gợi lại một cách xúc tích và hữu hiệu toàn thể mầu nhiệm lịch sử cứu độ, ngài nhắc đến tội kiêu ngạo của Adam, là người tuy không phải là Thiên Chúa mà lại muốn như Thiên Chúa. Và đối nghịch với sự kiêu ngạo của con người đầu tiên ấy, mà tất cả chúng ta đều cảm thấy phần nào trong con người của chúng ta, là sự khiêm hạ của Người Con đích thực của Thiên Chúa, khi làm người, Ngài đã không ngại nhận lấy tất cả những yếu đuối của thân phận làm người, ngoại trừ tội lỗi, và ngài đi tới mức độ sâu thẳm của cái chết. Tiếp theo sự hạ mình trong chiều sâu tột cùng của cuộc khổ nạn và cái chết, là sự tôn vinh, vinh quang đích thực, vinh quang của tình yêu thương cho đến tột độ. Vì thế, như thánh Phaolô đã nói, 'Khi nghe danh Chúa Giêsu mọi đầu gối trên trời, dưới đất và trong nơi âm phủ, mọi gối phải bái quì và mọi miệng lưỡi phải tôn vinh: Đức Giêsu Kitô là Chúa!” (2,10-11). Qua những lời ấy Thánh Phaolô nhắc đến lời ngôn sứ của Israel trong đó Chúa nói: Ta là Chúa, mọi đầu gối đều phải gập xuống trước mặt Ta trên trời và dưới đất (xc Is 45,23). Thánh Phaolô khẳng định rằng điều này được áp dụng cho Chúa GIêsu Kitô. Trong sự khiêm tốn của ngài có sự cao cả đích thực của tình yêu của ngài, ngài thực là Chúa tể của trần gian và mọi gối phải bái quì thực sự trước mặt Ngài”.

ĐTC nói thêm rằng: Thật là tuyệt vời và lạ lùng dường nào, mầu nhiệm ấy. Chúng ta không bao giờ có thể suy niệm cho đủ về thực tại này. Chúa Giêsu tuy là Thiên Chúa, đã không muốn coi những đặc quyền thần linh của ngài như một điều sở hữu tuyệt đối, ngài không muốn dùng bản tính Thiên Chúa, phẩm giá vinh quang và quyền năng của Ngài như một phương thế chiến thắng và như một dấu hiệu xa cách chúng ta. Trái lại, Ngài đã tự hủy mình, nhận lấy thân phận lầm than yếu đuối của con người. Về điểm này, thánh Phaolô dùng một động từ Hy Lạp để chỉ sự “kénosis”, sự hạ cố của Chúa Giêsu. Hình thái thần linh tiềm ẩn trong Chúa Kitô dưới hình người, hoặc dưới thực tại của chúng ta, ghi đậm đau khổ, nghèo đói, và những giới hạn của con người, cũng như chết chóc. Sự chia sẻ tột cùng bản tính loài người của chúng, chia sẻ tất cả ngoại trừ tội lỗi, đã đưa Chúa Giêsu đến biên giới dấu hiệu sự hạn hữu của chúng ta, tức là cái chết. Nhưng tất cả những điều ấy không phải là kết quả của một động cơ tăm tối hoặc định mệnh mù quáng, đúng hơn đó lạ sự tự do chọn lựa của Chúa, là sự quảng đại gắn bó với kế hoạch cứu độ của Chúa Cha. Thánh Phaolô nói thêm rằng cái chết mà Chúa Giêsu chấp nhận chính là cái chết trên thập giá, là cái chết ô nhục nhất người ta có thể tưởng tượng được. Tất cả những điều ấy vị Chúa tể vũ trụ đã chấp nhận vì yêu thương chúng ta: vì yêu thương ngài đã tự hủy mình, trở nên người anh chúng ta, vì yêu thương ngài chia sẻ thân phận của chúng ta, thân phận của mỗi người. Một đại chứng nhân của truyền thống đông phương, là Teodoro Ciro đã viết: ”Tuy là Thiên Chúa và có bản tính Thiên Chúa, đồng hàng với thiên Chúa, Ngài không giữ lại cho mình điều gì cao cả, như những người đã nhận được vài vinh dự cao hơn huân công của họ, trái lại Chúa dấu đi những công phúc của Ngài, đã chọn sự khiêm hạ sâu thẳm nhất, và mặc lấy hình dạng một người” (Commento all'epistola ai Filippesi, 2,6-7).

G. Trần Đức Anh OP

Wednesday, April 1, 2009

CUỘC LỮ HÀNH TRIỀN MIÊN

Thomas Merton là một trong những tác giả tu đức nổi tiếng nhất trong thế kỷ hai mươi. Năm lên mười sáu tuổi, Thomas Merton mồ côi. Năm lên hai mươi tuổi, anh gia nhập đảng cộng hòa Mỹ. Năm hai mươi ba tuổi, anh trở lại công giáo. Năm hai mươi bốn tuổi, anh trở thành ký giả của báo New York Thời Báo. Năm hai mươi sáu tuổi, anh thu góp tất cả tài sản vào một cái túi nhỏ lên đường tìm kiếm đến bang Kentucky và trở thành một tu sĩ Trappis tại đan viện Giếtsêmani. Trong cuốn sách tự thuật có tựa đề "Ngọn Núi Bảy Tầng" Thomas Merton đã kể lại những bước đầu tiên trong cuộc trở lại của anh. Thomas Merton ghi lại rằng vừa tốt nghiệp trung học anh đã một mình du lịch sang Âu Châu và tại đây anh đã lao vào cuộc sống trụy lạc. Nhưng một đêm nọ, ngồi một mình trong phòng, anh bỗng nhận ra con người tội lỗi của mình.

Thomas Merton viết như sau:

"Trong một thoáng, mọi sự hiện ra trước mắt tôi. Tôi bỗng nhận ra một cách sâu sắc nỗi khốn khổ và sự đồi bại của tâm hồn tôi. Tôi sợ hãi trước điều tôi vừa thấy và linh hồn tôi tự nhiên khao khát muốn thoát ra khỏi tình trạng ấy một cách mãnh liệt và cấp bách hơn bao giờ hết".

Thomas Merton cho biết lần đầu tiên trong cuộc đời anh đã cầu nguyện và cầu nguyện thật sự. Anh cầu nguyện với một Thiên Chúa mà anh chưa từng biết. Anh xin Ngài từ trời cao hãy đoái nhìn đến anh và giải thoát anh khỏi sức mạnh của sự dữ đang giam hãm linh hồn và thể xác anh trong vòng nô lệ.

*******************************

Câu chuyện của Thomas Merton trên đây minh họa cho sự đổi đời mà chúng ta thường nghe đọc và suy niệm trong mùa Chay này, đó là sự đổi đời của người con hoang đàng được ghi lại trong Tin Mừng theo thánh Luca.

Ðiều gì đã khiến cho con người đổi đời?

Nhiều năm trước đây, các lý thuyết gia về chính trị chú ý đến những bước chân cần thiết để làm một cuộc cách mạng. Bước đầu tiên là phải tạo ra tâm lý bất mãn trong quần chúng, bởi vì quần chúng sẽ chỉ chấp nhận thái độ khi nào họ bất mãn với tình trạng hiện tại. Ðiều này cũng đúng cho các cá nhân. Con người chỉ nghĩ đến chuyện đổi đời khi họ không hài lòng với cuộc sống hiện tại. Ðây là trường hợp của người con hoang đàng và Thomas Merton.

Nói cách khác, bước đầu tiên trong sự hoán cải là cần phải bất mãn với cuộc sống hiện tại của mình. Bất mãn ở đây có nghĩa là khao khát muốn sống tốt đẹp hơn.

Bước thứ hai trong tiến trình đổi đời là một biến cố có sức bật mạnh. Với Thomas Merton biến cố ấy chính là kinh nghiệm trải qua trong phòng khách sạn khi anh ngồi đối diện với chính mình.

Bước thứ ba trong tiến trình đổi đời là cần phải làm một bước cụ thể trong cuộc sống mới. Thomas Merton đã làm được điều đó. Tuy không phải là một người công giáo, anh đã đi tới nhà thờ, quì gối và đọc kinh lạy Cha. Sau khi cầu nguyện, anh ra khỏi nhà thờ và đến ngồi trên một ghế đá. Anh cảm nhận được một sự bình an mà anh chưa từng biết đến. Nhưng dĩ nhiên, cuộc trở lại của anh đã không dừng lại ở đó. Từ một con người ngoại đạo trở thành một tín hữu, từ một tín hữu trở thành một tu sĩ chiêm niệm, cuộc sống đối với anh từ nay đã trở thành một cuộc hành trình triền miên.

Sống đạo là một cuộc lữ hành không bao giờ chấm dứt. Ðây là cảm nghiệm mà cuộc hành trình mùa Chay gợi lên cho chúng ta. Sống lại kinh nghiệm bốn mươi năm lang thang trong sa mạc của người Do Thái, chúng ta được mời gọi tiến bước từ nguội lạnh đến nhiệt thành, tiến bước từ tầm thường đến mẫu mực. Không ai làm tín hữu một lần cho tất cả mà phải không ngừng trở thành một tín hữu.

*******************************

Lạy Chúa, với tâm tình hoán cải của người con hoang đàng, chúng con quyết tâm trở về với Chúa. Xin Chúa đừng để chúng con tự mãn với một ít việc lành phúc đức mà chúng con đã có thể thực hành trong mùa Chay này. Xin cho chúng con luôn được ra khỏi bản thân để mỗi ngày một tiến tới bước đường theo Chúa.

R. Veritas