Saturday, May 19, 2007

TỪ BÀN VIẾT CỦA MỘT CỤ GIÁ

Căn phòng nhỏ khoảng 20m2 chất đầy sách vở. Chủ nhân là một cụ già bát tuần, đi lại khó khăn, phải chống gậy. Nhưng đôi mắt vẫn sáng sau cặp kính trắng dầy cộm. Vẫn minh mẫn. Vẫn mạch lạc trình bày những ý nghĩ bất tận, bằng lối nói khúc chiết, về một đề tài thời sự đời sống bất chợt hiện lên trong trí não. Cái trí não hoạt động vô hình bên dưới mái tóc gội sương gió cuộc đời 80 năm, có công suất cực lớn, sẵn sàng đưa vào “ dây chuyền công nghệ” phân tích, suy ngẫm mọi biến cố, sự kiện, hiện tượng vấn đề trong đời sống nhân loại. đất nước duới ánh sáng của Tin Mừng.

Cụ già bát tuần, chủ chăn của căn phòng bé nhỏ đầy sách vở kia, chính là Đức cha Bùi Tuần, nguyên giám mục Long Xuyên.

Khách đến mừng thọ bát tuần đứng chặt căn phòng nhỏ. Vị giám mục về hưu tiếp mọi người bằng phong thái gần gũi, giản dị, chân thành, mà sao lại lịch lãm quá.

Sự lịch lãm và sang trọng của vị chủ chăn không cần phải cậy dựa, vay mượn, bất kỳ vật dụng trang trí, tiện nghi nào. Sự uyên bác và tấm lòng cởi mở đã là tố chất của lịch lãm và linh hồn của vẻ sang trọng. Khách tiếp nhận cái lịch, cái sang ấy một cách tự nhiên, đến nỗi thấy mình được đưa vào một khung cảnh tiếp đãi nho nhã và thanh cao, dù phải ngồi chen chúc trên chiếc nghế dài tiếp khách.

Có người băn khoăn Đức cha viết lách ở đâu. Vị giám mục đắc ý khoe chiếc bàn viết độc đáo của mình. Đó là một tấm gỗ giấu bên dưới một chiếc bàn nhỏ vốn được dùng đựng trà nước tiếp khách. Tấm gỗ có thể kéo ra kéo vào. Muốn viết thì kéo ra. Viết xong lại đẩy vào, giấu bên dưới mặt bàn. Thật tiện lợi, gọn ghẽ. Thì ra hằng hà sa số chữ nghĩa của biết bao bài viết đã tuôn trào, định hình từ chiếc bàn này.

Bỗng nhớ nhân vật văn sĩ Hoàng trong truyện ngắn Đôi mắt của Nam Cao. Là nhà văn nhưng suốt một thời gian dài Hoàng không viết được chữ nào. Tại sao thế ? văn sĩ Hoàng trả lời vì không có bàn viết cho ra hồn. Ông ta đi tản cư, về sống ở nông thôn và không tìm đâu được một cái bàn vừa ý để viết lách. Thực ra, văn sĩ Hoàng không sáng tác được chẳng phải vì chưa có một cái bàn, mà vì thiếu chất liệu, cảm hứng, và quan trọng nhất, theo tác giả Nam Cao, ông ta thiếu “đôi mắt” nhìn đời và nhìn người cho đúng.

Vị giám mục vừa vào tuổi bát tuần là một trong những người viết khoẻ. Từ căn phòng giản dị và từ chiếc bàn hiếm có kia, con người đã 10 năm bước vào lớp người xưa nay hiếm, hằng ngày vẫn miệt mài, bền bỉ tặng cho độc giả những món ăn tinh thần thuộc loại hàng hiếm.

Có lẽ cụ già đáng kính này đã có thể nhận nhiều ưu đãi nhưng cụ lại ưa sự giản dị.

Chính trong một không gian bình dị dơn giản, cụ có thể tiếp đón mọi người và mọi người đều có thể bước vào gặp gỡ, sẻ chia, đón nhận cùng khám phá và đồng điệu trong chân lý với cụ.

Có tiếng chuông điện thoại vang lên. Người ở đầu dây bên kia có thể là một tên tuổi lớn và cũng có thể là một người dân thường nào đó, có những tâm tình muốn chia sẻ, những suy nghĩ muốn giãi bày và những băn khoăn muốn tìm một tiếng nói phân minh, định hướng.

Cụ già đứng dậy, cằm gậy đỡ bước chân tuổi già cho vững, nhưng lòng cụ đã vững vàng từ lâu.

Bởi đã từ lâu, cụ hằng “tựa sát vào lòng Chúa Giêsu” ( Ga 13, 23)

Ở đó, nơi “sát lòng Chúa Giêsu”, mọi người tìm được sự vững vàng cho tinh thần và tâm thể.
Khổng Thành Ngọc

MẮT NHẮM, MẮT MỞ

Anh Calcio và cô Maria quen nhau đã lâu. Một đôi trai tài gái sắc. Được phép của cha mẹ, hai người đã làm lễ đính hôn với nhau. Gia đình Calcio làm nghề kinh doanh địa ốc. Còn cha của Maria là một thẩm phán của thành phố Milan, nước Ý. Bọn Mafia rất ghét vị thẩm phán này. Bọn chúng đã lên một kế hoạch để hãm hại gia đình nhà Maria. Khi Maria và cha của cô vừa bước lên xe để đi làm vào buổi sáng. Năm tên Mafia đã phục sẳn. Hàng loạt tiếng nổ. Maria và cha cô đã chết.

Tin sét đánh ấy đến tai Calcio. Anh ta đã khóc rất nhiều và quyết định đến xin cha xứ để tổ chức đám cưới. Chú rể Calcio trong bộ Veste đen trang trọng và cô dâu Maria rực rỡ trong trang phục lễ cưới trắng tinh, đầu đội chiếc lúp đính hoa sang trọng, nhưng chỉ có một điều đặc biệt là chú rể thì đứng còn cô dâu thì nằm yên nghỉ trong quan tài.

Rồi đến phần cử hành nghi thức hôn phối. Calcio cúi xuống, đọc lời trao nhẫn, trong tiếng nức nở nghẹn ngào, anh xỏ nhẫn vào tay cho cô dâu. Hết phần nghi thức hôn phối, cha xứ đổi sách và cử hành nghi thức an táng.

* * * * *

Chuyện tình lãng mạn và tuyệt vời quá. Nhưng mà chỉ cảm động thôi, chứ bí tích không thành. Bởi hôn nhân là một giao ước giữa hai người : một nam một nữ, nhưng còn sống. Như lời Thánh Kinh: Bởi đó, người nam sẽ lìa bỏ cha mẹ, để luyến ái với vợ mình, và cả hai sẽ nên một. Để có thể nên một, hưởng đuợc hạnh phúc trong đời sống hôn nhân, người ta phải làm hai điều :

Điều thứ nhất : Là phải từ bỏ.

Từ bỏ là một điều cần thiết. Một đứa bé, nếu muốn thành người, thì việc đầu tiên phải làm là phải là bỏ cha mẹ bằng một hành động "cắt rốn". Để có được hạnh phúc trong hôn nhân, người ta phải lìa bỏ rất nhiều thứ:

Người ta phải bỏ sự vô tư, và nhất là sự ngông nghênh của tuổi trẻ. Hết rồi những tháng ngày rong chơi, bay bướm.

Người ta phải từ bỏ cả những kỷ niệm ngày xưa, những mối tình vướng lối, những người xưa thân ái, và ngay cả cái tính hào hoa, bay bớm.

Người ta phải lìa bỏ sự lười biếng và bê bối của mình. Ngày xưa, thế nào cũng được, bây giờ khác rồi, phải tôn trọng lẫn nhau và phải có một trách nhiệm trên vai.

Và nhất là phải từ bỏ cả sự tự do của mình nữa. Ca dao Việt Nam có câu : "Có vợ như rợ buộc chân". Chẳng phải ai buộc mình, mà chính ý thức, chính tình yêu của mình buộc mình. Mình buộc mình, đánh mất tự do của mình một chút, nhưng trong chiều sâu của cõi lòng, mình sẽ cảm nghiệm được sự ngọt ngào của hạnh phúc. Đừng vì tự ái và sợ thiên hạ mai mỉa :

- Thôi, để ông ấy về xin phép bà xã đã,

Ngày xưa, lúc chưa cưới nhau, muốn đi đâu thì đi, muốn làm gì thì làm. Ngày nay có khác, không như thế đuợc nữa, làm gì và đi đâu cũng còn phải nghĩ đến vợ, đến con.

Điều thứ hai : Là yêu thương nhau.

Điều ấy có nghĩa là chúng ta trở thành một món quà tặng cao quí nhất, giá trị nhất, dễ thương nhất mà Thiên Chúa đã ban tặng. Người ấy là vợ, người ấy là chồng ... bởi người ấy đã nên một với mình trước mặt Thiên Chúa và trước mặt con người. Món quà tặng này, người vợ này,người chồng này ... là một nửa đời của mình. Nếu mình luôn bênh vực cho nửa đời này, thông cảm cho nửa đời này, tha thứ cho nửa đời này, và luôn chăm nom săn sóc, trang điểm cho nửa đời này, thì cũng hãy làm như thế với nửa đời kia.

Và trong sự yêu thương luyến ái ấy, để đạt đuợc hạnh phúc, chúng ta phải nhắm một mắt và mở một mắt: Mở một mắt, để chú ý đến những điều tốt của nhau, thiện chí của nhau. Mắt kia nhắm lại, để thông cảm trước những lỗi lầm của người kia, trong một thái độ quảng đại và bao dung.

Lm. Đaminh Đỗ Văn Thiêm

(ngonnennho.co.nr)

* * * * *

Lạy Chúa! Đời sống hôn nhân gia đình là quà tặng cao qúy Chúa ban; là những hy sinh chia sẻ ngọt ngào trong cuộc đời …Nhưng cũng có đôi lúc con không nhìn thấy đời sống hôn nhân là quà tặng, là hy sinh chia sẻ ngọt ngào. Con chỉ nhìn thấy một màu tím buồn, chỉ nhìn thấy những khó khăn trắc trở, chỉ nhìn thấy thập giá đang đè nặng trên đôi vai….

Xin ban ơn giúp sức cho con, để con biết "từ bỏ" và biết "mở mắt" để nhìn thấy những điều tốt đẹp, những hy sinh chia sẻ ngọt ngào mà con đang lãnh nhận trong đời sống hôn nhân vợ chồng…Xin cho con luôn xác tín rằng : Những khó khăn trắc trở trong cuộc sống hôn nhân hôm nay chính là Thánh Giá Chúa mời gọi con chấp nhận và vác đi theo Ngài. Mỗi bước con vác đi hôm nay là mỗi bước con tiến gần đến "hạnh phúc đời đời " trong cuộc sống mai sau . Amen .

TRONG VÀ NGOÀI TÌNH YÊU

Trong những năm qua, nước ta phải trải qua nhiều thiên tai khốc liệt. Thiên tai gây nên những thiệt hại trầm trọng về vật chất và tinh thần. Nhưng cũng chính trong thiên tai đã xuất hiện những nét đẹp của tình người.

Qua báo đài, hình ảnh các Đức Giám mục, Linh mục mặc quần soọc áo may-ô chèo thuyền đi thăm viếng, khích lệ các nạn nhân. Nhiều cao tăng hoà thượng vận động tín đồ Phật tử tham gia công tác cứu trợ. Nhiều nữ tu đứng ra tổ chức công việc cứu trợ có khoa học và hiệu quả. Nhiều nhà thờ, nhà chùa, tu viện trở thành nơi tiếp đón các gia đình lâm nạn. Biết bao bộ đội, công an xả thân, liều lĩnh vượt qua sóng to gió lớn để cứu hộ các nạn nhân. Cả nước hướng về những nơi hoạn nạn đã đành, cả những anh chị em ở hải ngoại cũng đau đớn khi khúc ruột trong nước đau đớn. Nên Việt kiều ở nước ngoài cũng đã vận động quyên góp, tổ chức những đoàn cứu trợ về thăm viếng và ủy lạo các nạn nhân bão lụt. Nhiều cơ quan thiện nguyện nước ngoài cũng nhập cuộc. Tất cả mọi người, không phân biệt tôn giáo, màu da, ngôn ngữ, khuynh hướng chính trị, giai cấp đang qui tụ lại để khắc phục thảm họa. Toàn cầu hoá với sự bùng nổ thông tin đang làm cho các nước xích lại gần nhau. Gần gũi không chỉ về không gian, nhưng nhất là về tấm lòng. Mọi người liên đới với nhau trong việc chống lại cái ác và cùng nhau đề cao sự thiện, lòng nhân ái. Đó là dấu chỉ cho thấy Lời Chúa đang được thực hiện.

***********************************

“Ai yêu mến Thầy thì giữ Lời Thầy. Và Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy. Và chúng ta sẽ đến và ở trong người ấy”, Chúa Giêsu đang vẽ nên biên cương Nước Chúa. Biên cương này không xác định bằng rừng núi, sông biển, nhưng bằng tấm lòng. Chúa Giêsu không giới hạn Nước Chúa trong bốn bức tường nhà thờ vì Nước Chúa là Tình Yêu. Vì thế, điều quan trọng không phải là ở trong hay ngoài nhà thờ, nhưng là ở trong hay ở ngoài tình yêu. Ai ở ngoài nhà thờ mà ở trong Tình Yêu thì người ấy đã ở trong Nước Chúa. Trái lại, những ai ở trong nhà thờ mà không có Tình Yêu, người ấy vẫn còn ở ngoài Nước Chúa.

Rồi xã hội sẽ chẳng còn phân biệt hữu thần với vô thần. Nhưng sẽ chỉ có một phân biệt duy nhất: hữu tâm và vô tâm. Người hữu tâm là người có trái tim rộng mở, biết chạnh lòng thương xót, biết chia sẻ, phục vụ. Người vô tâm là người lòng chai dạ đá, trái tim khép chặt, chỉ biết trau chuốt bản thân. Người vô thần mà có trái tim nhân ái thì đã thuộc về Chúa. Hữu thần mà tâm hồn tàn nhẫn độc ác thì đã bị loại trừ ra khỏi Nước Chúa rồi.

Nhìn như thế, Nước Chúa thực là rộng lớn. Những người thuộc về Nước Chúa thực là đông đảo. Những người có trái tim yêu thương tạo nên thành Giêrusalem mới. Thành Giêrusalem mới có cửa mở ra bốn phương tám hướng để đón nhận mọi người từ khắp nơi tuôn về. Thành không có đền thờ vì thành được xây bằng yêu thương. Mà ở đâu có yêu thương thì ở đó có Thiên Chúa ngự trị. Thành không cần đèn đuốc vì Thiên Chúa tình yêu là ánh sáng cho thành. Gạch xây thành là những trái tim chan chứa yêu thương nên thành trở nên một khối pha lê trong suốt, như một viên ngọc quí tỏa ánh sáng tới khắp muôn dân.

Trong số những người có trái tim, xây dựng nên thành Giêrusalem mới ấy, tôi thấy có nhiều người trong anh chị em. Trong những năm qua số người tham gia công tác từ thiện bác ái ngày càng đông. Người âm thầm, kẻ công khai. Người góp của, kẻ dâng công. Tôi thấy rõ là anh chị em đang phấn đấu để ở trong tình yêu. Tôi thấy rõ là anh chị em đang rèn luyện để trở nên người hữu tâm.

Xin tình yêu Thiên Chúa thanh luyện trái tim ta không ngừng, để mỗi trái tim chúng ta trở thành một viên gạch trong suốt như pha lê, góp phần xây dựng thành Giêrusalem mới cho tình yêu Thiên Chúa ngự trị. Amen!

TGM Ngô Quang Kiệt

***********************************

Lạy Cha, xin dạy con biết yêu thương, như đã từng được Cha thương yêu. Biết sống như người có đạo, một đạo yêu thương bác ái. Biết đối xử với nhau như người có tâm, một trái tim nóng bỏng nhân ái biết san sẻ cho đi, để thế gian không cười chê Cha có những đứa con hữu đạo vô tâm.

Được Phép Lạ Chữa Lành Bởi Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II (?)

Larry Sutton, Bùi Hữu Thư chuyển Ngữ

Sơ Marie Simon-Pierre cho biết Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã giúp sơ khỏi bệnh Parkinson.

Bệnh Parkinson đã khiến cho sơ Marie Simon-Pierre hoàn toàn mất hết nghị lực và ý chí trước tháng Sáu năm 2006, khi bà sơ người Pháp này xin phép bề trên cho được nghỉ việc trông nom cho một Nhà Bảo Sanh 40 giường tại thành phố Puryricard. Sơ Marie Simon-Pierre đã không đi đứng được, thân mình đau nhức và hai tay bà bị run đến nỗi bà không còn cầm bút viết đươc nữa. Bà nhớ lại: Tôi hoàn toàn bị kiệt sức vì căn bệnh. Mẹ bề trên đề nghị bà hãy cầu nguyện và viết tên của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II lên một mảnh giấy.” Sơ đã cố gắng nhưng chữ viết của bà chỉ nguệch ngoạc không đọc được.

Điều gì xẩy ra đêm hôm đó đã thay đổi cuộc đời của sơ Marie Simon-Pierre - và có thể giúp cho vị anh hùng của sơ là Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II mau chóng được phong thánh. Sơ Marie Simon-Pierre, 46 tuổi, nói với các phóng viên tụ tập tại Aix-in-Provence vào ngày 30 tháng Ba vừa qua như sau: Dường như tôi nghe thấy có tiếng nói bào tôi, ‘Hãy cầm bút và viết.’ Bà rất ngạc nhiên khi thấy những chữ bà viết ra rất dễ đọc. Buổi sáng hôm sau, sơ nhẩy ra khỏi giường: bệnh Parkinson của bà đã biến mất - một việc kỳ lạ được kiểm chứng bởi một nhóm các bác sĩ y khoa tại điạ phương.

Vào ngày 2 tháng Tư, sơ Marie Simon-Pierre kể lại câu chuyện cho các Thánh Bộ Vatican. Nếu điều tuyên bố của bà có thể được kiểm chứng bởi các thần học gia, và các bác sĩ về phân tâm học và y khoa, và họ công nhận là họ không thể nào giải thích việc lành bệnh kỳ lạ cuả sơ - thì việc chữa lành sơ Marie Simon-Pierre sẽ được coi là một phép lạ và là một bước quan trọng trong thể thức phong thánh Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II.

John Allen, phóng viên báo National Catholic Reporter cho hay: Để được coi là phép lạ, việc chữa lành phải đột nhiên, hoàn toàn và vĩnh viễn, không chỉ là ‘Ồ, tôi cảm thấy khá hơn.’”

Dù cho điều sơ Marie Simon-Pierre tuyên bố có không đứng vững, thì việc phong thánh cho Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II vẫn có chiều hướng tốt đẹp: Toà Thánh Vatican đã nhận được hàng trăm báo cáo về các phép lạ được coi như là do Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II làm, và Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã quyết định trường hợp của ngài phải là một ưu tiên.

Mẹ bề trên trước đây của sơ cho hay: Vì Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II cũng mắc chứng bệnh Parkinson, nên sơ cảm thấy có một mối liên hệ mật thiết với ngài. Còn về phần sơ Marie Simon-Pierre, bây giờ đang làm việc tại một bệnh xá ở Paris, những gì xẩy ra sau đó ở ngoài tầm tay của bà. Bà nói: Tôi đã đau yếu và bây giờ tôi đã khỏi bệnh, việc cho đó là phép lạ hay không là quyền của Giáo Hội.