TỪ BÀN VIẾT CỦA MỘT CỤ GIÁ
Căn phòng nhỏ khoảng 20m2 chất đầy sách vở. Chủ nhân là một cụ già bát tuần, đi lại khó khăn, phải chống gậy. Nhưng đôi mắt vẫn sáng sau cặp kính trắng dầy cộm. Vẫn minh mẫn. Vẫn mạch lạc trình bày những ý nghĩ bất tận, bằng lối nói khúc chiết, về một đề tài thời sự đời sống bất chợt hiện lên trong trí não. Cái trí não hoạt động vô hình bên dưới mái tóc gội sương gió cuộc đời 80 năm, có công suất cực lớn, sẵn sàng đưa vào “ dây chuyền công nghệ” phân tích, suy ngẫm mọi biến cố, sự kiện, hiện tượng vấn đề trong đời sống nhân loại. đất nước duới ánh sáng của Tin Mừng.
Cụ già bát tuần, chủ chăn của căn phòng bé nhỏ đầy sách vở kia, chính là Đức cha Bùi Tuần, nguyên giám mục Long Xuyên.
Khách đến mừng thọ bát tuần đứng chặt căn phòng nhỏ. Vị giám mục về hưu tiếp mọi người bằng phong thái gần gũi, giản dị, chân thành, mà sao lại lịch lãm quá.
Sự lịch lãm và sang trọng của vị chủ chăn không cần phải cậy dựa, vay mượn, bất kỳ vật dụng trang trí, tiện nghi nào. Sự uyên bác và tấm lòng cởi mở đã là tố chất của lịch lãm và linh hồn của vẻ sang trọng. Khách tiếp nhận cái lịch, cái sang ấy một cách tự nhiên, đến nỗi thấy mình được đưa vào một khung cảnh tiếp đãi nho nhã và thanh cao, dù phải ngồi chen chúc trên chiếc nghế dài tiếp khách.
Có người băn khoăn Đức cha viết lách ở đâu. Vị giám mục đắc ý khoe chiếc bàn viết độc đáo của mình. Đó là một tấm gỗ giấu bên dưới một chiếc bàn nhỏ vốn được dùng đựng trà nước tiếp khách. Tấm gỗ có thể kéo ra kéo vào. Muốn viết thì kéo ra. Viết xong lại đẩy vào, giấu bên dưới mặt bàn. Thật tiện lợi, gọn ghẽ. Thì ra hằng hà sa số chữ nghĩa của biết bao bài viết đã tuôn trào, định hình từ chiếc bàn này.
Bỗng nhớ nhân vật văn sĩ Hoàng trong truyện ngắn Đôi mắt của Nam Cao. Là nhà văn nhưng suốt một thời gian dài Hoàng không viết được chữ nào. Tại sao thế ? văn sĩ Hoàng trả lời vì không có bàn viết cho ra hồn. Ông ta đi tản cư, về sống ở nông thôn và không tìm đâu được một cái bàn vừa ý để viết lách. Thực ra, văn sĩ Hoàng không sáng tác được chẳng phải vì chưa có một cái bàn, mà vì thiếu chất liệu, cảm hứng, và quan trọng nhất, theo tác giả Nam Cao, ông ta thiếu “đôi mắt” nhìn đời và nhìn người cho đúng.
Vị giám mục vừa vào tuổi bát tuần là một trong những người viết khoẻ. Từ căn phòng giản dị và từ chiếc bàn hiếm có kia, con người đã 10 năm bước vào lớp người xưa nay hiếm, hằng ngày vẫn miệt mài, bền bỉ tặng cho độc giả những món ăn tinh thần thuộc loại hàng hiếm.
Có lẽ cụ già đáng kính này đã có thể nhận nhiều ưu đãi nhưng cụ lại ưa sự giản dị.
Chính trong một không gian bình dị dơn giản, cụ có thể tiếp đón mọi người và mọi người đều có thể bước vào gặp gỡ, sẻ chia, đón nhận cùng khám phá và đồng điệu trong chân lý với cụ.
Có tiếng chuông điện thoại vang lên. Người ở đầu dây bên kia có thể là một tên tuổi lớn và cũng có thể là một người dân thường nào đó, có những tâm tình muốn chia sẻ, những suy nghĩ muốn giãi bày và những băn khoăn muốn tìm một tiếng nói phân minh, định hướng.
Cụ già đứng dậy, cằm gậy đỡ bước chân tuổi già cho vững, nhưng lòng cụ đã vững vàng từ lâu.
Bởi đã từ lâu, cụ hằng “tựa sát vào lòng Chúa Giêsu” ( Ga 13, 23)
Ở đó, nơi “sát lòng Chúa Giêsu”, mọi người tìm được sự vững vàng cho tinh thần và tâm thể.
No comments:
Post a Comment