Saturday, May 19, 2007

TỪ BÀN VIẾT CỦA MỘT CỤ GIÁ

Căn phòng nhỏ khoảng 20m2 chất đầy sách vở. Chủ nhân là một cụ già bát tuần, đi lại khó khăn, phải chống gậy. Nhưng đôi mắt vẫn sáng sau cặp kính trắng dầy cộm. Vẫn minh mẫn. Vẫn mạch lạc trình bày những ý nghĩ bất tận, bằng lối nói khúc chiết, về một đề tài thời sự đời sống bất chợt hiện lên trong trí não. Cái trí não hoạt động vô hình bên dưới mái tóc gội sương gió cuộc đời 80 năm, có công suất cực lớn, sẵn sàng đưa vào “ dây chuyền công nghệ” phân tích, suy ngẫm mọi biến cố, sự kiện, hiện tượng vấn đề trong đời sống nhân loại. đất nước duới ánh sáng của Tin Mừng.

Cụ già bát tuần, chủ chăn của căn phòng bé nhỏ đầy sách vở kia, chính là Đức cha Bùi Tuần, nguyên giám mục Long Xuyên.

Khách đến mừng thọ bát tuần đứng chặt căn phòng nhỏ. Vị giám mục về hưu tiếp mọi người bằng phong thái gần gũi, giản dị, chân thành, mà sao lại lịch lãm quá.

Sự lịch lãm và sang trọng của vị chủ chăn không cần phải cậy dựa, vay mượn, bất kỳ vật dụng trang trí, tiện nghi nào. Sự uyên bác và tấm lòng cởi mở đã là tố chất của lịch lãm và linh hồn của vẻ sang trọng. Khách tiếp nhận cái lịch, cái sang ấy một cách tự nhiên, đến nỗi thấy mình được đưa vào một khung cảnh tiếp đãi nho nhã và thanh cao, dù phải ngồi chen chúc trên chiếc nghế dài tiếp khách.

Có người băn khoăn Đức cha viết lách ở đâu. Vị giám mục đắc ý khoe chiếc bàn viết độc đáo của mình. Đó là một tấm gỗ giấu bên dưới một chiếc bàn nhỏ vốn được dùng đựng trà nước tiếp khách. Tấm gỗ có thể kéo ra kéo vào. Muốn viết thì kéo ra. Viết xong lại đẩy vào, giấu bên dưới mặt bàn. Thật tiện lợi, gọn ghẽ. Thì ra hằng hà sa số chữ nghĩa của biết bao bài viết đã tuôn trào, định hình từ chiếc bàn này.

Bỗng nhớ nhân vật văn sĩ Hoàng trong truyện ngắn Đôi mắt của Nam Cao. Là nhà văn nhưng suốt một thời gian dài Hoàng không viết được chữ nào. Tại sao thế ? văn sĩ Hoàng trả lời vì không có bàn viết cho ra hồn. Ông ta đi tản cư, về sống ở nông thôn và không tìm đâu được một cái bàn vừa ý để viết lách. Thực ra, văn sĩ Hoàng không sáng tác được chẳng phải vì chưa có một cái bàn, mà vì thiếu chất liệu, cảm hứng, và quan trọng nhất, theo tác giả Nam Cao, ông ta thiếu “đôi mắt” nhìn đời và nhìn người cho đúng.

Vị giám mục vừa vào tuổi bát tuần là một trong những người viết khoẻ. Từ căn phòng giản dị và từ chiếc bàn hiếm có kia, con người đã 10 năm bước vào lớp người xưa nay hiếm, hằng ngày vẫn miệt mài, bền bỉ tặng cho độc giả những món ăn tinh thần thuộc loại hàng hiếm.

Có lẽ cụ già đáng kính này đã có thể nhận nhiều ưu đãi nhưng cụ lại ưa sự giản dị.

Chính trong một không gian bình dị dơn giản, cụ có thể tiếp đón mọi người và mọi người đều có thể bước vào gặp gỡ, sẻ chia, đón nhận cùng khám phá và đồng điệu trong chân lý với cụ.

Có tiếng chuông điện thoại vang lên. Người ở đầu dây bên kia có thể là một tên tuổi lớn và cũng có thể là một người dân thường nào đó, có những tâm tình muốn chia sẻ, những suy nghĩ muốn giãi bày và những băn khoăn muốn tìm một tiếng nói phân minh, định hướng.

Cụ già đứng dậy, cằm gậy đỡ bước chân tuổi già cho vững, nhưng lòng cụ đã vững vàng từ lâu.

Bởi đã từ lâu, cụ hằng “tựa sát vào lòng Chúa Giêsu” ( Ga 13, 23)

Ở đó, nơi “sát lòng Chúa Giêsu”, mọi người tìm được sự vững vàng cho tinh thần và tâm thể.
Khổng Thành Ngọc

MẮT NHẮM, MẮT MỞ

Anh Calcio và cô Maria quen nhau đã lâu. Một đôi trai tài gái sắc. Được phép của cha mẹ, hai người đã làm lễ đính hôn với nhau. Gia đình Calcio làm nghề kinh doanh địa ốc. Còn cha của Maria là một thẩm phán của thành phố Milan, nước Ý. Bọn Mafia rất ghét vị thẩm phán này. Bọn chúng đã lên một kế hoạch để hãm hại gia đình nhà Maria. Khi Maria và cha của cô vừa bước lên xe để đi làm vào buổi sáng. Năm tên Mafia đã phục sẳn. Hàng loạt tiếng nổ. Maria và cha cô đã chết.

Tin sét đánh ấy đến tai Calcio. Anh ta đã khóc rất nhiều và quyết định đến xin cha xứ để tổ chức đám cưới. Chú rể Calcio trong bộ Veste đen trang trọng và cô dâu Maria rực rỡ trong trang phục lễ cưới trắng tinh, đầu đội chiếc lúp đính hoa sang trọng, nhưng chỉ có một điều đặc biệt là chú rể thì đứng còn cô dâu thì nằm yên nghỉ trong quan tài.

Rồi đến phần cử hành nghi thức hôn phối. Calcio cúi xuống, đọc lời trao nhẫn, trong tiếng nức nở nghẹn ngào, anh xỏ nhẫn vào tay cho cô dâu. Hết phần nghi thức hôn phối, cha xứ đổi sách và cử hành nghi thức an táng.

* * * * *

Chuyện tình lãng mạn và tuyệt vời quá. Nhưng mà chỉ cảm động thôi, chứ bí tích không thành. Bởi hôn nhân là một giao ước giữa hai người : một nam một nữ, nhưng còn sống. Như lời Thánh Kinh: Bởi đó, người nam sẽ lìa bỏ cha mẹ, để luyến ái với vợ mình, và cả hai sẽ nên một. Để có thể nên một, hưởng đuợc hạnh phúc trong đời sống hôn nhân, người ta phải làm hai điều :

Điều thứ nhất : Là phải từ bỏ.

Từ bỏ là một điều cần thiết. Một đứa bé, nếu muốn thành người, thì việc đầu tiên phải làm là phải là bỏ cha mẹ bằng một hành động "cắt rốn". Để có được hạnh phúc trong hôn nhân, người ta phải lìa bỏ rất nhiều thứ:

Người ta phải bỏ sự vô tư, và nhất là sự ngông nghênh của tuổi trẻ. Hết rồi những tháng ngày rong chơi, bay bướm.

Người ta phải từ bỏ cả những kỷ niệm ngày xưa, những mối tình vướng lối, những người xưa thân ái, và ngay cả cái tính hào hoa, bay bớm.

Người ta phải lìa bỏ sự lười biếng và bê bối của mình. Ngày xưa, thế nào cũng được, bây giờ khác rồi, phải tôn trọng lẫn nhau và phải có một trách nhiệm trên vai.

Và nhất là phải từ bỏ cả sự tự do của mình nữa. Ca dao Việt Nam có câu : "Có vợ như rợ buộc chân". Chẳng phải ai buộc mình, mà chính ý thức, chính tình yêu của mình buộc mình. Mình buộc mình, đánh mất tự do của mình một chút, nhưng trong chiều sâu của cõi lòng, mình sẽ cảm nghiệm được sự ngọt ngào của hạnh phúc. Đừng vì tự ái và sợ thiên hạ mai mỉa :

- Thôi, để ông ấy về xin phép bà xã đã,

Ngày xưa, lúc chưa cưới nhau, muốn đi đâu thì đi, muốn làm gì thì làm. Ngày nay có khác, không như thế đuợc nữa, làm gì và đi đâu cũng còn phải nghĩ đến vợ, đến con.

Điều thứ hai : Là yêu thương nhau.

Điều ấy có nghĩa là chúng ta trở thành một món quà tặng cao quí nhất, giá trị nhất, dễ thương nhất mà Thiên Chúa đã ban tặng. Người ấy là vợ, người ấy là chồng ... bởi người ấy đã nên một với mình trước mặt Thiên Chúa và trước mặt con người. Món quà tặng này, người vợ này,người chồng này ... là một nửa đời của mình. Nếu mình luôn bênh vực cho nửa đời này, thông cảm cho nửa đời này, tha thứ cho nửa đời này, và luôn chăm nom săn sóc, trang điểm cho nửa đời này, thì cũng hãy làm như thế với nửa đời kia.

Và trong sự yêu thương luyến ái ấy, để đạt đuợc hạnh phúc, chúng ta phải nhắm một mắt và mở một mắt: Mở một mắt, để chú ý đến những điều tốt của nhau, thiện chí của nhau. Mắt kia nhắm lại, để thông cảm trước những lỗi lầm của người kia, trong một thái độ quảng đại và bao dung.

Lm. Đaminh Đỗ Văn Thiêm

(ngonnennho.co.nr)

* * * * *

Lạy Chúa! Đời sống hôn nhân gia đình là quà tặng cao qúy Chúa ban; là những hy sinh chia sẻ ngọt ngào trong cuộc đời …Nhưng cũng có đôi lúc con không nhìn thấy đời sống hôn nhân là quà tặng, là hy sinh chia sẻ ngọt ngào. Con chỉ nhìn thấy một màu tím buồn, chỉ nhìn thấy những khó khăn trắc trở, chỉ nhìn thấy thập giá đang đè nặng trên đôi vai….

Xin ban ơn giúp sức cho con, để con biết "từ bỏ" và biết "mở mắt" để nhìn thấy những điều tốt đẹp, những hy sinh chia sẻ ngọt ngào mà con đang lãnh nhận trong đời sống hôn nhân vợ chồng…Xin cho con luôn xác tín rằng : Những khó khăn trắc trở trong cuộc sống hôn nhân hôm nay chính là Thánh Giá Chúa mời gọi con chấp nhận và vác đi theo Ngài. Mỗi bước con vác đi hôm nay là mỗi bước con tiến gần đến "hạnh phúc đời đời " trong cuộc sống mai sau . Amen .

TRONG VÀ NGOÀI TÌNH YÊU

Trong những năm qua, nước ta phải trải qua nhiều thiên tai khốc liệt. Thiên tai gây nên những thiệt hại trầm trọng về vật chất và tinh thần. Nhưng cũng chính trong thiên tai đã xuất hiện những nét đẹp của tình người.

Qua báo đài, hình ảnh các Đức Giám mục, Linh mục mặc quần soọc áo may-ô chèo thuyền đi thăm viếng, khích lệ các nạn nhân. Nhiều cao tăng hoà thượng vận động tín đồ Phật tử tham gia công tác cứu trợ. Nhiều nữ tu đứng ra tổ chức công việc cứu trợ có khoa học và hiệu quả. Nhiều nhà thờ, nhà chùa, tu viện trở thành nơi tiếp đón các gia đình lâm nạn. Biết bao bộ đội, công an xả thân, liều lĩnh vượt qua sóng to gió lớn để cứu hộ các nạn nhân. Cả nước hướng về những nơi hoạn nạn đã đành, cả những anh chị em ở hải ngoại cũng đau đớn khi khúc ruột trong nước đau đớn. Nên Việt kiều ở nước ngoài cũng đã vận động quyên góp, tổ chức những đoàn cứu trợ về thăm viếng và ủy lạo các nạn nhân bão lụt. Nhiều cơ quan thiện nguyện nước ngoài cũng nhập cuộc. Tất cả mọi người, không phân biệt tôn giáo, màu da, ngôn ngữ, khuynh hướng chính trị, giai cấp đang qui tụ lại để khắc phục thảm họa. Toàn cầu hoá với sự bùng nổ thông tin đang làm cho các nước xích lại gần nhau. Gần gũi không chỉ về không gian, nhưng nhất là về tấm lòng. Mọi người liên đới với nhau trong việc chống lại cái ác và cùng nhau đề cao sự thiện, lòng nhân ái. Đó là dấu chỉ cho thấy Lời Chúa đang được thực hiện.

***********************************

“Ai yêu mến Thầy thì giữ Lời Thầy. Và Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy. Và chúng ta sẽ đến và ở trong người ấy”, Chúa Giêsu đang vẽ nên biên cương Nước Chúa. Biên cương này không xác định bằng rừng núi, sông biển, nhưng bằng tấm lòng. Chúa Giêsu không giới hạn Nước Chúa trong bốn bức tường nhà thờ vì Nước Chúa là Tình Yêu. Vì thế, điều quan trọng không phải là ở trong hay ngoài nhà thờ, nhưng là ở trong hay ở ngoài tình yêu. Ai ở ngoài nhà thờ mà ở trong Tình Yêu thì người ấy đã ở trong Nước Chúa. Trái lại, những ai ở trong nhà thờ mà không có Tình Yêu, người ấy vẫn còn ở ngoài Nước Chúa.

Rồi xã hội sẽ chẳng còn phân biệt hữu thần với vô thần. Nhưng sẽ chỉ có một phân biệt duy nhất: hữu tâm và vô tâm. Người hữu tâm là người có trái tim rộng mở, biết chạnh lòng thương xót, biết chia sẻ, phục vụ. Người vô tâm là người lòng chai dạ đá, trái tim khép chặt, chỉ biết trau chuốt bản thân. Người vô thần mà có trái tim nhân ái thì đã thuộc về Chúa. Hữu thần mà tâm hồn tàn nhẫn độc ác thì đã bị loại trừ ra khỏi Nước Chúa rồi.

Nhìn như thế, Nước Chúa thực là rộng lớn. Những người thuộc về Nước Chúa thực là đông đảo. Những người có trái tim yêu thương tạo nên thành Giêrusalem mới. Thành Giêrusalem mới có cửa mở ra bốn phương tám hướng để đón nhận mọi người từ khắp nơi tuôn về. Thành không có đền thờ vì thành được xây bằng yêu thương. Mà ở đâu có yêu thương thì ở đó có Thiên Chúa ngự trị. Thành không cần đèn đuốc vì Thiên Chúa tình yêu là ánh sáng cho thành. Gạch xây thành là những trái tim chan chứa yêu thương nên thành trở nên một khối pha lê trong suốt, như một viên ngọc quí tỏa ánh sáng tới khắp muôn dân.

Trong số những người có trái tim, xây dựng nên thành Giêrusalem mới ấy, tôi thấy có nhiều người trong anh chị em. Trong những năm qua số người tham gia công tác từ thiện bác ái ngày càng đông. Người âm thầm, kẻ công khai. Người góp của, kẻ dâng công. Tôi thấy rõ là anh chị em đang phấn đấu để ở trong tình yêu. Tôi thấy rõ là anh chị em đang rèn luyện để trở nên người hữu tâm.

Xin tình yêu Thiên Chúa thanh luyện trái tim ta không ngừng, để mỗi trái tim chúng ta trở thành một viên gạch trong suốt như pha lê, góp phần xây dựng thành Giêrusalem mới cho tình yêu Thiên Chúa ngự trị. Amen!

TGM Ngô Quang Kiệt

***********************************

Lạy Cha, xin dạy con biết yêu thương, như đã từng được Cha thương yêu. Biết sống như người có đạo, một đạo yêu thương bác ái. Biết đối xử với nhau như người có tâm, một trái tim nóng bỏng nhân ái biết san sẻ cho đi, để thế gian không cười chê Cha có những đứa con hữu đạo vô tâm.

Được Phép Lạ Chữa Lành Bởi Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II (?)

Larry Sutton, Bùi Hữu Thư chuyển Ngữ

Sơ Marie Simon-Pierre cho biết Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã giúp sơ khỏi bệnh Parkinson.

Bệnh Parkinson đã khiến cho sơ Marie Simon-Pierre hoàn toàn mất hết nghị lực và ý chí trước tháng Sáu năm 2006, khi bà sơ người Pháp này xin phép bề trên cho được nghỉ việc trông nom cho một Nhà Bảo Sanh 40 giường tại thành phố Puryricard. Sơ Marie Simon-Pierre đã không đi đứng được, thân mình đau nhức và hai tay bà bị run đến nỗi bà không còn cầm bút viết đươc nữa. Bà nhớ lại: Tôi hoàn toàn bị kiệt sức vì căn bệnh. Mẹ bề trên đề nghị bà hãy cầu nguyện và viết tên của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II lên một mảnh giấy.” Sơ đã cố gắng nhưng chữ viết của bà chỉ nguệch ngoạc không đọc được.

Điều gì xẩy ra đêm hôm đó đã thay đổi cuộc đời của sơ Marie Simon-Pierre - và có thể giúp cho vị anh hùng của sơ là Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II mau chóng được phong thánh. Sơ Marie Simon-Pierre, 46 tuổi, nói với các phóng viên tụ tập tại Aix-in-Provence vào ngày 30 tháng Ba vừa qua như sau: Dường như tôi nghe thấy có tiếng nói bào tôi, ‘Hãy cầm bút và viết.’ Bà rất ngạc nhiên khi thấy những chữ bà viết ra rất dễ đọc. Buổi sáng hôm sau, sơ nhẩy ra khỏi giường: bệnh Parkinson của bà đã biến mất - một việc kỳ lạ được kiểm chứng bởi một nhóm các bác sĩ y khoa tại điạ phương.

Vào ngày 2 tháng Tư, sơ Marie Simon-Pierre kể lại câu chuyện cho các Thánh Bộ Vatican. Nếu điều tuyên bố của bà có thể được kiểm chứng bởi các thần học gia, và các bác sĩ về phân tâm học và y khoa, và họ công nhận là họ không thể nào giải thích việc lành bệnh kỳ lạ cuả sơ - thì việc chữa lành sơ Marie Simon-Pierre sẽ được coi là một phép lạ và là một bước quan trọng trong thể thức phong thánh Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II.

John Allen, phóng viên báo National Catholic Reporter cho hay: Để được coi là phép lạ, việc chữa lành phải đột nhiên, hoàn toàn và vĩnh viễn, không chỉ là ‘Ồ, tôi cảm thấy khá hơn.’”

Dù cho điều sơ Marie Simon-Pierre tuyên bố có không đứng vững, thì việc phong thánh cho Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II vẫn có chiều hướng tốt đẹp: Toà Thánh Vatican đã nhận được hàng trăm báo cáo về các phép lạ được coi như là do Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II làm, và Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã quyết định trường hợp của ngài phải là một ưu tiên.

Mẹ bề trên trước đây của sơ cho hay: Vì Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II cũng mắc chứng bệnh Parkinson, nên sơ cảm thấy có một mối liên hệ mật thiết với ngài. Còn về phần sơ Marie Simon-Pierre, bây giờ đang làm việc tại một bệnh xá ở Paris, những gì xẩy ra sau đó ở ngoài tầm tay của bà. Bà nói: Tôi đã đau yếu và bây giờ tôi đã khỏi bệnh, việc cho đó là phép lạ hay không là quyền của Giáo Hội.

Wednesday, May 16, 2007

CHỨNG NHÂN TÌNH YÊU

Một truyền thuyết kể lại rằng: Khi Chúa Giêsu về đến trời, thân thể Người vẫn còn đầy thương tích, không chỗ nào lành lặn. Các thiên thần vừa thấy thì quỳ xuống trước mặt Người tỏ lòng thương kính Người, vì không ngờ Người phải mang thương tích trầm trọng đến thế.

Một lúc sau, thiên sứ Gáp-ri-en tâu:

- Lạy Chúa, Chúa chịu thương tích đau khổ như vậy mà thiên hạ có biết sự hy sinh và tình thương hải hà của Chúa không?

- Chỉ một ít thôi, phần đông họ chưa biết Ta là ai, làm gì cho họ.

Thiên sứ ngạc nhiên tâu tiếp:

- Thế Chúa về trời, làm sao họ biết Chúa hy sinh chịu chết cho họ?

- Ta có bảo Phêrô, Giacôbê, Gioan và số bạn hữu đi nói họ họ biết, rôì đến lượt họ một khi đã biết được thì đi nói với người khác nữa. Nhờ đó, cả thế gian sẽ biết tình yêu Ta dành cho họ.

Thiên sứ nghe thế càng bối rối, vì qúa rõ loài người yếu đuối hèn nhát:

- Lạy Chúa, nếu lỡ Phêrô, Giacôbê, Gioan và số bạn hữu mệt mỏi thất bại ngã lòng, rồi số người mới được nghe nói về Chúa lần hồi quên mất rồi sao? Chúa không dự bị kế hoạch nào à?

- Ta đã dự liệu tất cả. Nhưng Ta tin chắc Phêrô, Giacôbê, Gioan sẽ không làm Ta thất vọng, và những người được họ loan báo cũng sẽ không làm Ta thất vọng.

**************************

Đúng như Lời Chúa tiên đoán: Phêrô, Giacôbê, Gioan và những kẻ được nghe các ông loan báo Tin mừng đều không phụ lòng Người . Họ đã đi khắp thế giới rao truyền Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô Phục Sinh, đã lấy máu mình làm chứng cho đức tin. Tiếp nối bước chân họ là những bước chân các vị thừa sai, bỏ quê cha đất tổ đến những miền đất xa lạ để tiếp tục mang Tin Mừng đến cho mọi người. Máu họ đã đổ xuống trên quê hương Việt Nam, máu những người bản xứ được tiếp nhận Tin Mừng cũng đổ xuống để minh chứng cho điều họ tin. Còn con cháu của những vị thánh Tử Đạo thì sao? Họ đang sống cuộc đời như thế nào? Họ có tiếp tục làm chứng cho đức tin của mình không? Họ có làm cho Chúa Giêsu Thăng Thiên thất vọng hay không?

Làm chứng cho tình yêu Chúa, đó không chỉ là bổn phận của riêng Phêrô, Giacôbê, Gioan, của hàng linh mục, giáo sĩ, tu sĩ… nhưng là nhiệm vụ của tất cả những người tin vào Chúa qua phép rửa. Ai cũng có thể làm chứng cho Chúa qua cuộc sống hiện tại của mình, đó là ơn gọi nên thánh giữa đời. Chẳng cần phải bỏ gia đình, bỏ công ăn việc làm đi vào một vùng đất xa xôi mới gọi là rao truyền Tin Mừng. Lời Chúa được rao giảng hữu hiệu nhất qua cuộc sống của chính mình, từ trong gia đình, bạn bè, cộng đoàn, hãng xưởng…. Người Samaria tốt lành chẳng hề có ý định rao giảng điều chi, nhưng qua hành động nhân ái của ông với đồng loại mà ông đã trở thành nhân chứng sống của tình yêu.

Chúa Giêsu về trời dù biết rằng các môn đệ đang rất cần Ngài, Ngài về Trời mang theo một niềm tin mãnh liệt vào loài người yếu đuối. Ngài biết nếu họ có tình yêu, tin vào tình yêu và với sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần thì họ sẽ làm được. Hơn 2000 năm qua, hạt giống Tin Mừng, hạt giống Tình Yêu của Giêsu đã được gieo vãi khắp nơi và sẽ được tiếp tục gieo rắc khắp chân trời góc bể, nhưng Chúa vẫn tiếp tục chờ đợi trên trời cao! Chờ đợi sự góp tay của những người con thụ động đang nhắm mắt, bịt tai lặng im trước lời mời gọi yêu thương.

**************************

Lạy Chúa Giêsu Thăng Thiên, Ngài biết con cần Ngài biết bao trong cuộc sống trăm nghìn thử thách này, thế mà Chúa vẫn về Trời để lại sứ mạng lớn lao lên đôi vai nhỏ bé. Chúa ơi, con tin vào Lời Chúa hứa, tin vào sức mạnh Chúa Thánh Thần Ngài sẽ ban cho con. Xin cho con được trở thành nhân chứng tình yêu qua cuộc sống mà con đang phải cố gắng vươn lên từng giây, từng phút. Dù là một ánh sáng leo lét, nhưng xin cho ánh sáng đó được thắp lên giữa lòng cuộc đời. Amen!

Lang Thang Chiều Tím

TÌNH MẪU TỬ BAO LA

Trước đệ nhất thế chiến 1914-1918, các xứ đạo tại Đức mở Tuần Đại Phúc.

Năm đó, một giáo xứ của giáo phận Aachen (Tây Đức), cũng mở Tuần Đại Phúc. Dịp này, Cha Sở mời Linh Mục Thừa Sai đến nói chuyện với giáo dân. Thánh đường chật ních tín hữu. Bổn đạo im lặng hướng mắt về tòa giảng. Vị Linh Mục Thừa Sai trạc ngũ tuần. Cha bắt đầu bài giảng như sau:

Một bà mẹ đau nặng gần chết. Tất cả con cái tề tựu quanh giường người hấp hối. Chỉ thiếu mặt người con út, đứa con trai hoang đàng. Đây là đứa con nhận lãnh nhiều tình thương nhất. Đáp lại, anh gây cho mẹ nhiều sầu khổ và đổ không biết bao giọt nước mắt. Giờ sau cùng đến, nhưng quí tử của bà đang bị giam tù, vì các tội ác của chàng. Dầu vậy người mẹ vẫn không quên đứa con út. Bà ao ước nhìn mặt con lần cuối. Các người con khác cố gắng thực hiện mong muốn của mẹ. Họ xin phép đặc biệt cho người em về thăm mẹ.

Phép xin được chấp thuận. Hai tay bị còng, đứa con út được bốn quân nhân hộ tống đưa đến cạnh giường người mẹ. Bà đã quá yếu. Bà không còn hơi để nói với con trai lời nào, dù chỉ một lời duy nhất. Nhưng tâm trí bà vẫn tĩnh táo. Bà chăm chú nhìn con yêu dấu lần cuối. Chỉ có thế. Chàng trai lại được bốn người lính đưa về nhà tù. Nhưng phép lạ đã xảy ra sau đó. Ánh mắt vừa sầu khổ, vừa yêu thương trìu mến của mẹ hiền có giá trị hơn ngàn lời sửa dạy trách mắng.

Một mình trong phòng giam chật hẹp, chàng quỳ gối nức nở khóc. Chàng hồi tâm về tất cả tội lỗi đã phạm. Chàng cũng bắt đầu cầu nguyện, van xin THIÊN CHÚA đoái thương tha thứ cho chàng. Sau đó chàng xin gặp Cha Tuyên Úy, vị Linh Mục mà trước đó không bao giờ chàng muốn thấy mặt, hoặc nghe nói đến tên. Chàng khiêm tốn xưng tội và thật lòng ăn năn thống hối.. Từ đó cuộc đời chàng biến đổi hẳn. Ơn thánh hoạt động và tìm được thửa đất tốt để nẩy mầm rồi sinh hoa kết trái.

Mãn hạn tù, người con trai hoang đàng trở lại gia đình và trường học. Xong bậc trung học chàng xin vào chủng viện. Mấy năm sau chàng được thụ phong Linh Mục. Nhưng vị tân Linh Mục không ngừng lại ở đó. Cha tình nguyện đi truyền giáo tại một xứ đạo nghèo bên Phi Châu…

Nói đến đây, vị Thừa Sai ngừng lại. Cha đưa mắt nhìn mọi người rồi chậm rãi nói:

- Anh chị em có biết chàng trai hoang đàng trở thành Linh Mục đó là ai không? Thưa chính tôi đây!


Bài giảng tiếp tục. Nhưng phần đầu đã gây tác động mạnh trên tâm lòng các anh chị em tín hữu có mặt trong nhà thờ hôm ấy…….

Câu chuyện xảy ra cách đây hơn 90 năm và vị Linh Mục đã là người thiên cổ. Câu chuyện thứ hai của vị Linh Mục vẫn còn sống: Cha Mansour Labaky, người Liban. Cha cộng tác với hai văn phòng chuyên giúp đỡ các trẻ bụi đời ở Paris, thủ đô nước Pháp. Cha nói về hiền mẫu trong công trình đưa Cha đến thiên chức Linh Mục như sau.

Năm đó tôi vừa xong bậc tiểu học. Tôi thưa với mẹ về ước muốn trở thành Linh Mục và xin phép mẹ gia nhập chủng viện. Mẹ vui mừng lắng nghe tôi trình bày. Mẹ tôi cảm động nói:

- Mẹ sẽ đồng hành với con trong thời gian con chuẩn bị tiến lên chức vụ Linh Mục.

Mẹ tôi chỉ nói có thế.

Thời gian trôi qua. Một tháng trước ngày tôi thụ phong Linh Mục, mẹ tôi chỉ cho tôi bình lúa mì và nói:

- Con yêu dấu, kể từ giây phút con chính thức báo tin muốn trở thành Linh Mục, mẹ quyết định sẽ dâng nhiều hy sinh để cầu xin Chúa giữ gìn con trung thành với ơn gọi. Mỗi lần làm một hy sinh, mẹ bỏ vào bình một hột lúa mì. Tất cả hạt lúa mì sẽ được xay, rồi tán nhuyễn thành bột và đúc thành chiếc bánh lễ, để con thánh hiến, trong ngày con dâng lên THIÊN CHÚA Thánh Lễ đầu tay. Con hãy nhận các hạt lúa mì này, ghi dấu tình mẹ thương con và cộng tác với con. Bao lâu Chúa cho mẹ còn sống, mẹ sẽ tiếp tục hợp tác với chức vụ Linh Mục của con, bằng những hy sinh trong cuộc đời khiêm tốn thường ngày của mẹ.

("IL SEME", 12/1990, trang 21).(Radio Vatican)

************************

Lạy Chúa, Chúa đã gởi con đến với đời qua đôi dòng sữa một người mẹ, xin gìn giữ mẹ lúc người còn sống, xin dủ lòng xót thương khi người đã khuất núi. Xin cho những đứa con còn mẹ hôm nay luôn biết trân quý món quà vô giá đó. Xin cho những người con mất mẹ biết tìm chỗ tựa nương ủi an bên Mẹ Maria, Mẹ Thiên Chúa. Amen!

Tuesday, May 15, 2007

MẸ ƠI, CON THƯƠNG MẸ …

Một cậu bé chạy đến bên bà mẹ đang chuẩn bị bữa ăn tối, cậu đưa cho bà một tờ giấy với hàng chữ cậu mới viết. Sau khi lau tay, bà mẹ cầm tờ giấy lên đọc :

- Cắt cỏ: $ 5.00

- Dọn dẹp phòng của con trong tuần: $ 1.00

- Ra tiệm mua đồ cho mẹ: $ 2.00

- Đổ rác: $ 1.00

- Dọn dẹp ngoài sân: $ 2.00

- Rửa chén bát: $ 2.00

- Tổng cộng : $ 13.00

Bà mẹ liếc nhìn đứa con đứng bên cạnh. Bà lấy cây viết, lật ngược tờ giấy lại và viết:

- Chín tháng mười ngày cưu mang trong bụng: Không tính tiền.

- Lúc con bệnh, mẹ lo lắng săn sóc cho con: Không tính tiền.

- Những đêm mẹ thức khuya chăm sóc và cầu nguyện cho con: Không tính tiền.

- Những đồ chơi, quần áo, thức ăn, nước uống mẹ cho con: Không tính tiền.

- Mẹ chỉ dạy và lo cho con học hành : Không tính tiền.

- Và Tình yêu của mẹ dành cho con: Không tính tiền.

Cậu bé đọc xong, nước mắt rơi trên má, cậu nhìn vào mắt mẹ và nói : "Mẹ ơi, Con thương mẹ…"

* * * * *

Bạn thân mến, Hằng năm cứ vào Chúa Nhật thứ hai trong tháng 5, người dân nước Mỹ lại kỷ niệm ngày Hiền Mẫu, ngày nhớ ơn mẹ: nhớ về ơn cưu mang sinh thành dưỡng dục; nhớ về tình yêu thương bao la, sự hy sinh cao cả của các bà mẹ dành cho con cái….

Trong ngày Hiền mẫu, chắc hẳn đã có những cuộc sum họp vui chơi ăn uống trong gia đình bên cạnh người mẹ thân yêu. Chắc hẳn đã có những cú phone của những người con xa nhà gọi về cho mẹ với những lời yêu thương thăm hỏi. Chắc hẳn đã có những cuộc thăm viếng, những bông hoa, những gói quà gởi đến mẹ để nói lên lòng tri ân, tình yêu thương đáp trả và sự quan tâm săn sóc của những người con dành cho mẹ …

Trong số những người mẹ hạnh phúc đó, cũng còn có biết bao các bà mẹ bất hạnh bị bỏ quên trong cuộc đời ….Có bà mẹ đang sống những ngày cuối đời trong cô đơn u buồn ở các viện dưỡng lão, có bà mẹ đang lê lết cuộc sống trong thân xác bệnh hoạn ở các nursing home. Các bà mẹ này sau 1 đời hy sinh cho con cái, họ vẫn còn tiếp tục hy sinh trong tuổi già sức yếu, họ vẫn còn đang sống nhưng dường như đối với con cái, họ có vẻ như là người đã chết rồi …. Trong nỗi cô đơn bất hạnh đó, họ thèm 1 lời thăm hỏi, họ thèm 1 câu nói yêu thương :

Thương mẹ đi
Lúc nầy đây mẹ còn đang sống
Đừng đợi chờ ngày mẹ khuất bóng
Khắc lời ngọt ngào trên đá vô tri
Lời thật ngọt nhưng đá thì lạnh lắm !!!
Nếu đang nghĩ đến mẹ : những lời dịu dàng đầm ấm,
Nói đi con, đừng đợi khi mẹ ngủ yên
Giấc ngủ ngàn năm cõi chết vô miên
Mẹ sẽ chẳng còn được nghe con nữa!
Và con ơi ! chút tình yêu nhỏ bé
Cho mẹ đi, lúc còn ở thế gian
Biết không con, dù một chút muộn màng
Đối với mẹ, ôi vô vàn trân qúy ...
(Người mẹ vô danh)


Khi nói đến công ơn sinh thành dưỡng dục của người mẹ trần thế, chúng ta cũng không thể không nhắc đến người mẹ trên trời: Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa và cũng là mẹ của mỗi người tín hữu.

Ngày 13 tháng 5 năm nay là ngày kỷ niệm 90 năm (13/5/1917 - 13/5/2007) ngày Đức Mẹ hiện ra lần đầu tiên với 3 trẻ chăn chiên tại một làng quê nghèo Fatima trong nước Bồ-Đào-Nha. Mẹ đã nhắn nhủ mời gọi mỗi người chúng ta "Hãy cải thiện đời sống" và "Hãy siêng năng lần hạt mân côi"

Vào năm 1981, cũng vào ngày 13 tháng 5 tại quảng trường thánh Phêrô, Đức cố giáo hoàng Gioan Phaolô II bị mưu sát bởi 1 tay súng chuyên nghiệp có tên là Ali Agca. Ngày và giờ của cuộc mưu sát tại quảng trường thánh Phêrô trùng hợp với ngày và giờ của cuộc hiện ra tại Fatima. Quả là sự trùng hợp bí ẩn nhiệm mầu. Cuộc mưu sát đã được chuẩn bị rất chu đáo bởi 1 tay súng chuyên nghiệp, nhưng cuộc mưu sát đã không làm hại được giáo hoàng. Viên đạn đã đâm vào ngực của ngài, nhưng nằm cách quả tim vài centimét.

"Trong tất cả những gì xảy ra cho cha vào ngày hôm ấy, cha cảm nghiệm rõ ràng có bàn tay che chở, có sự lưu tâm đặc biệt của Hiền Mẫu Thiên Quốc. Đức Mẹ minh chứng rõ ràng rằng Đức Mẹ mạnh hơn viên đạn có sức giết người!"

Đó là 1 câu ngắn trong tâm tình cảm nghiệm của đức cố giáo hoàng Gioan Phaolô II khi nói về cuộc mưu sát. Còn tay súng giết mướn thì nghĩ gì? Chắc hẳn anh ta đã hiểu được rằng: Vượt lên trên khả năng giết người của mình, còn có một quyền lực khác lớn mạnh hơn nhiều!!!

* * * * *

Lạy Chúa, Năm tháng hạnh phúc nhất đời con là những năm tháng con được nằm trong vòng tay yêu thương ấp ủ của người mẹ. Xin cho con luôn biết trân trọng và mang trong lòng tâm tình biết ơn là con có mẹ : Mẹ trần thế và Mẹ Thiên Quốc. Amen

(Linh Xuân Thôn)

Thursday, May 3, 2007

SÔNG VẮNG

Ảnh của Nguyễn Anh Dzũng, Fremont, California

Một sáng phiêu bồng qua bên sông

Bỗng nhiên hiểu Phật cũng đau lòng

Phật cũng khổ như người khốn khổ

Cúi đầu quay lại bên này sông.

(Trích thơ Qua Sông của Nguyễn Bắc Sơn)

Lời Thưa của Một Người Học Trò Cũ

Lời Thưa của Một Người Học Trò Cũ

Ðông Lan

Kính Thưa quý vị,

Thưa các Anh Chị Em trong đại gia đình An Việt,

Hôm nay là ngày giỗ thứ tư của thầy chúng tôi, Cố Triết Gia Lương Kim Ðịnh. Chúng tôi hân hạnh được đến đây dự lễ giỗ truyền thống.

Trước hết xin kính dâng lên thầy lòng tri ân và ngưỡng mộ của con. Từ 30 năm nay, kể từ ngày còn ở Việt Nam được theo học Triết Lý An Vi, cho đến hôm nay, lòng ngưỡng mộ của con vẫn hằng trong tâm tưởng.Ðời mịt mùng làm con lỗi đạo. Thầy đã yếu giàvà mất đi, mà con chưa vấn an và tiễn đưa thầy. Hôm nay ngày lễ giỗ thứ tư, con xin kính dâng lên Thầy một nén hương tưởng niệm. Và lời tạ lỗi tự đáy lòng. Cùng một lần, dâng thầy lời như nguyện:

Nguyện thắp sáng Ánh Lửa An Vi trong con.

Nguyện đóng góp một bàn tay, cùng các anh chị em trong đại gia đình An Việt, phát huy Triết LýAn Vi, mà thầy đã mất cả đời để khám phá và xây dựng.

Chúng tôi cũng xin chân thành cám ơn sự hiện diện của tất cả quý vị nơi đây, hôm nay. Quý vị đã hy sinh thì giờ quý giá của quý vị để tham dự lễ giỗ thứ tư của thầy chúng tôi. Sự hiện diện của quý vị đã nói lên mối quan tâm, mối hằng tâm, về một công trình văn hóa, về nền triết lý An Vi của dân tộc. Sự lưu tâm, sự hiện diện của quý vị hôm nay cũng làsự chia sẻ với chúng tôi niềm thương tiếc và nhớ ơn thầy. Chúng tôi xin chân thành cám ơn.

Hơn thế nữa, như đã thưa ở trên, sự hiện diện của quý vị đã nói lên mối ưu tư , mối hằng tâm về Việt Nam, của quê nhà, của cố hương.

Thật thế, trong niềm đau xót chung của những nỗi lòng tha hương, trong tình tự dân tộc vẫn hằng có trong mỗi người Việt Nam lưu vong hôm nay, chúng ta đang gặp nhau.

Xin cám ơn đất trời cho chúng ta còn gặp nhau trong tình tự Việt Nam, sau hơn 25 năm tang thương quê mẹ.

Kính thưa quý vị,

Trong tình tự ấm cúng Việt Nam hôm nay, trong không gian nhỏ bé này chúng tôi xin mạn phép có vài lời về Triết Lý An Vi. Chúng tôi không có tham vọng giới thiệu hay tóm tắt tòan bộ Triết lý An Vi trong một khỏanh khắc của thời không này. Chúng tôi chỉ xin phép trình bày cảm nhận về Triết lý An Vi , trong lăng kính nhỏ bé và hạn hẹp của mình. Kính mong quý vị chia sẻ cùng chúng tôi, niềm tâm tư có thật.

Kính thưa quý vị,

Triết Lý An Vi là công trình một đời người của cố Triết Gia Lương Kim Ðịnh. 19 quyển đầu của bộ sách đã được Người biên sọan trước năm 1975.

Và từ khi tỵ nạn trên đất Mỹ, Người tiếp tục công trình, để lại cho đời gần 40 quyển sách Triết Lý, cho đến ngày 25 tháng 3 năm 1997 người đã ra đi về miền An tịnh.

Bộ sách của Cố Triết Gia Kim Ðịnh gồm 2 phần chính:

- Phần Việt Nho: Là phần nghiên cứu về nguồn gốc của Ðạo Nho.

- Phần An Vi : Là công trình khám phá và xây dựng Triết Lý An Vi cho Dân tộc và Nhân lọai.

Về phần Việt Nho. Khám phá của Cố Triết Gia chỉ là tìm về khai nguồn những bước chân cổ sử. Các nhànghiên cứu về các ngành liên hệ ở trong nước cũng như quốc tế cũng đã và đang có những công bố càng làm sáng tỏ chủ thuyết Việt Nho của dân tộc chúng ta. Vì thì giờ có hạn, xin hẹn trở lại đề tài này trong một dịp khác. Hôm nay chúng tôi xin đặt trọng tâm trình bày về Triết Lý An Vi của Cố Triết Gia Kim Ðịnh.

Triết LýAn Vi là gì?

Từ Triết Lý là một từ phiên dịch từ chữ " Philosophie" của Tây phương, từ việc thừa tự nguyên nghĩa Hi Lạp "Philosophia". "Philo" theo nguyên ngữ Hi Lạp có nghĩa là "Yêu Mến". " Sophia" là sự khôn ngoan, sáng suốt, chân lý, minh triết. Những nhà tư tưởng Hi Lạp xưa, khi suy tư về chân lý, luôn tự nhận mình chỉ là người yêu mến Minh triết, vì yêu minh triết mà tư tưởng, mà bàn luận. Socrate, một triết gia duy lý gốc Hi Lạp, đã đưa ý nghĩa yêu mến minh triết của từ Philosophia thành ý niệm " hệ thống, mạch lạc, lý luận". Chúng ta thường hiểu ý nghĩa triết lý theo nghĩa này. Do đó sau thời khai nguyên Hi Lạp, tư tưởng Tây phương đã mất đi ý nghĩa truy tầm chân lý của triết lý, mà đưa triết lý sang phần hình thức của luận lý. Như thế, Socrate đã đưa nội dung suy tư thành hình thức của sự suy tư, đã biến đổi cái ruột minh triết thành cái vỏ luận lý. 2500 năm triết học Tây phương sau Socrate xây tư tưởng Tây phương trên cái vỏ, bề mặt của Minh Triết.

Triết Lý An Vi nhằm khai quật lại cái nguyên nghĩa của Philosiphia trước thời Socrate.

Hầu chúng ta có thể tìm về cội nguồn của tư tưởng, văn hóa, cho lời có thể chở ý, triết có thể bàn luận về những điều chân thật, thiện lành, sáng đẹp, như Tâm Ðạo vốn là nguyên chất sơ bản của mọi lý tưởng chân thiện mỹ trên đời.

Triết Lý An Vi cũng là Ðóa Hoa An Vi Việt Ðạo, 5000 năm mới nở một lần trên đất mẹ điêu linh.

Và sau đây xin kính mời quý vị và các anh chị em An Việt chia sẻ cùng chúng tôi chút hương thơm của Ðóa Hoa An nhân dịp lễ giỗ thứ tư Thầy của chúng tôi- Người đã có công dâng đóa hoa An Vi lên bàn thờ Tổ Quốc bằng Trí Tuệ của một thiên tài và Trái Tim của một Người Việt Chính Danh- Vượt Qua cả chính mình.

An Vi là gì ?

Xin thưa, Vi là tác động, hành động. Con người thường hành động từ ba nguyên do và mục đích chính: Hữu Vi, Vô Vi, An Vi.

Khi ta thấy thế giới này là có, mọi sự mọi vật là cụ thể, mọi giá trị của đời sống có thật thì đều dốc lòng dốc chí làm sao đạt được mọi tiêu chuẩn giá trị của đời sống hiện có. Học để tiến thân cho mình, đó là sự học hữu vi. Làm việc để cuộc sống thoải mái, đó là công việc của hữu vi. Giúp người khác để sau này được trả công, từ bất cứ hình thức nào, đó là hành động hữu vi. Tóm lại, hữu vi là tác động có ý thức rõ ràng về cái công của mình, về kết quả việc mình làm. Hành động có tư ý, tư lợi đó là Hữu Vi.

Ngược lại với hữu vi, thuyết vô vi chủ trương không chấp nhận thế giới này và các giá trị của nó. Vô vi là không làm, có nghĩa là không tham dự và can thiệp tích cực đến việc đời. Vô vi là sống trong cái ý thức từ bỏ đời sống. Nếu hữu vi cho rằng đời sống là có thực thì vô vi cho rằng không.

An Vi, nhìn thẳng vào sự thực của đời sống, để mà truy tầm ý nghĩa sống sao cho thích hợp với bản chất của con người, để trọn vẹn hóa một kiếp nhân sinh, để vạn hữu Thái Hòa.

Chúng ta sinh ra trong cuộc đời với những giới hạn của vật thể và những khả thể của nội tâm. Con người phải nhận chịu những yêu cầu, chi phối của xác thân ngay từ thuở lọt lòng. Nhu cầu bảo vệ sự sống, nên con người cần những nhu yếu vật chất như thực phẩm, nhà ở, những phương tiện sống. Ðể đạt được những nhu cầu thực tế ấy, con người phải vận dụng sự tính toán lợi hại, thiệt hơn, phải mang thân xác và lý trí ra làm việc tối đa. Con người không thể khước từ các yêu cầu của bản thân, vì đó là bản chất. Do đó, khi sống trong cuộc đời, bản năng khiến cho óc hữu vi phải phát triển, dù muốn hay không. Do đó ý thức và hành động hữu vi là một phần của nhiên tính. Người chủ trương vô vi cách mấy cũng vẫn không thể không thực hiện hữu vi như chăm lo cho bản thân, thân nhân trong cuộc sinh tồn. Vô vi là lý tưởng không thể thực hành trong đời thực tế, vì ta còn có xác thân và các mối quan hệ gia đình hay là xã hội, vì bản chất con người có cả phần vật thể lẫn tâm linh. Ðể chống lại chủ trương duy lợi của hữu vi, người ta đề cao vô vi. Nhưng người ta cũng không thể chối bỏ thân phận làm người, nên cũng không thể thực hiện chữ vô trong đời cá nhân hữu hạn.

An Vi, đưa ra nhận thức dung hòa giữa Hữu Vi và Vô Vi. Chấp nhận hữu thể giới hạn, chấp nhận phần vật thể, An Vi tìm cách thực hiện một đời sống thích hợp với yêu cầu thực tế của con người, và tìm về chiều hướng Tâm linh, để con người có đường về Bản Ngã Siêu Nhiên qua đường lối Qui Tâm.

Theo nhận thức An Vi, Người không chỉ duy vật hay duy linh. Người là một hòa điệu giữa những đối nghịch. Người là tiết nhịp đong đưa giữa Hữu và Vô. Người là An. An là không hữu, không vô, mà là dung hợp hữu vô, vươn lên, bao trùm hữu và vô. Nếu ­ Dương là mâu thuẫn, Thái Cực là vòng bao bọc âm dương, thì An là Thái Cực Viên Dung. Chữ Vạn của nhà Phật tượng trưng cho hai chiều xuất nhập tương phản thì An là giao điểm của tán và tụ. Thập tự tượng trưng cho hàng dọc tâm linh và hàng ngang hiện tượng, thì An chính là hiệp thông của dọc ngang.

Do đó, An là Thái Cực Hòa, là Bát Nhã Tâm, là Thiên Ðịa Giao. Do đó, An là Thái Hòa, là Sắc Không, là Chân Không Diệu Hữu, là Hiệp Nhất Phối Thiên.

Ðường Về Tính Thể Viên Dung của Chân Lý An Vi

Từ khai mở Tâm Thái Cực, Tâm Bát Nhã, Tâm Hiệp Thông, Tâm Thức An Vi hóa giải những nghịch lý trong bản chất con người. Mang mang niềm thiên địa chi giao, An Vi biến đổi các hành động của kiếp người. Vẫn sống, vẫn làm, nhưng từ Tâm Thức An Vi, người An Vi sống và làm với một tâm tư An lành, bình yên nơi chốn huyền nhiệm.

Từ cảm nghiệm mối An, Hòa, Giao, Hội bao la trong bản chất, người An Vi tự tìm những nguyên tắc sống thích hợp với bản chất người để rồi từ đó niềm An Lạc sẽ khai sinh. Tại sao sự thích hợp với bản chất lại là một yếu tố quyết định của nguồn An Lạc? Vì, bản chất cũng ví như bà mẹ ruột của mình. Sự quen thuộc, sự thích hợp, niềm tin cậy, sự thoải mái, sự an vui khi sống với bà mẹ ruột của mình ra sao, thì khi con người tiếp cận bản ngã mình cũng có cùng một tâm trạng như vậy. Chúng ta ai cũng có được một bà mẹ ruột thịt của vật thể. Phần tâm linh cũng tương tự, ai cũng có bà mẹ tâm linh. Bà mẹ ruột của vật thể của mỗi cá nhân khác nhau, vì vật thể là chia lìa. Nhưng bước vào thế giới tâm linh, thế giới của hòa đồng bao la, thì bà mẹ tâm linh của bản chất con người không còn khác biệt. Khi đã gặp Bà Mẹ Tâm Linh của mình, thì cũng là Mẹ Tâm Linh của người khác. Ði ra là tán. Ði vào là tụ. Bước đi ra của bản tính, ai cũng có mẹ riêng. Bà mẹ nào cũng thương yêu con, nhưng ai cũng chỉ thương yêu con của chính mình, vì đặc tính của vật thể là cá biệt, riêng lẻ. Ðặc tính của tâm linh là hội tụ, đồng nhất. Nên đi vào sâu bản chất tâm linh, không ai còn có bà mẹ riêng tư. Chỉ có một bà Mẹ thân thích duy nhất, Bà Mẹ Tâm Linh Huyền Diệu Ðại Ðồng. Hai mẹ con trong thế giới vật thể cũng khó có thể giống nhau, cho nên người mẹ của vật thể tuy thương yêu con của mình, nhưng không thể hòa đồng chiều sâu nội tâm của mình với nó. Có khi hai người chẳng hề quan hệ ruột thịt, máu huyết, nhưng có những rung cảm đồng bộ.Vì, hai người không ruột thịt kia, gặp nhau trên đường tìm về Bà Mẹ Tâm Linh. Hay nói cách khác, họ đã gặp nhau trong căn nhà của Mẹ. Mẹ Tâm Linh nên là Huyền Mẫu. Nhà của Mẹ Tâm Linh nên là Thái Thất. Thái Thất là căn nhà lớn, bao la đại đồng, khác hẳn căn nhà nhỏ bé vật chất của bà mẹ vật thể. Anh chị em trong căn nhà của bà mẹ trong thế giới vật thể có thể bất hòa vì cá tính khác biệt. Nhưng nơi Thái Thất của bà Mẹ Tâm Linh thì chỉ có nguồn An Vui, rung cảm Ðại Ðồng. Tâm Linh đại đồng nên xóa tan sự chia lìa, xóa tan sự riêng tư, xóa tan cá biệt. Không còn cái tôi nhỏ bé riêng tư thì đâu còn gì để lo lắng và phiền não, nên được An, được Tịnh.

Triết Lý An Vi tìm về bản tính con người để được sống với Tính Người Chân Thật, để được An Vui chan hòa trong bản chất. Niềm An Vui tự nhiên của thế giới hòa đồng tâm linh, không thuộc về vật thể, vì không có, nên không mất. Trong cuộc sống vật thể ta cũng có niềm vui. Nhưng niềm vui trong cõi vật thể phải lệ thuộc vào một số điều kiện của vật thể. Vật thể có tính không bền, thay đổi, chuyển dời, nên khi theo vật thể mà vui thì có lúc cũng chính vì vật thể ta lại bị đau khổ, buồn phiền. Tiền bạc, địa vị, lòng thương mến, vẻ đẹp, các trị giá vật chất không thể mãi mãi tồn tại. Bản chất nó là thay đổi, nên cuộc sống dựa trên những điều thay đổi, tất phải bất an. Bất an, vì khi đạt được điều mình mong ước chỉ lo nó sẽ mất đi. Bất an, vì khi không đạt được ý muốn, con người đâm ra rối loạn, khổ đau, tuyệt vọng.

Cho nên, niềm Bình An tuyệt đối, cõi tĩnh lặng mãi mãi, cái Chân Hạnh Phúc không gì làm mất đi được, là Thái An, là An nơi Tâm Linh, là yên nghỉ nơi Thái Thất của Bà Mẹ Ðại Ðồng.

Từ cảm nghiệm An, rồi hành động với tấm lòng An tĩnh, An hòa, đó là An Vi. Người An Vi vẫn sống ở đời, vẫn làm việc đời, nhưng tâm tư không trôi giạt và bế tắc vào những góc cạnh đời. Tâm người An Vi ở chỗ Trống Không. Vì Trống Không, nên Tâm Người An Vi, Hằng Vô Nhiễm.

Cho nên, miễn cưỡng gọi An Vi là triết lý. Thực ra An Vi là một con đường trở về Tâm. An Vi là Tâ⭍ Ðạo. An Vi là Ðạo Qui Tâm, Ðạo làm Người Chân Thật. Người với đầy đủ bản ngã trung thực hai chiều: Vật thể và Tâm linh. Trên con đường học làm người, Triết Lý An Vi giới thiệu một phương tiện để tiếp cận bản ngã. Con người trong Triết Lý An Vi là một chủ thể, chủ thể trong sự nhận thức, và làm chủ vận hành của mình. Con người An Vi là người thấu triệt Bản Chất An, bản chất Đại Ngã Tâm Linh. Con Người An Vi, trong thì giác ngộ An của Chân Tâm, ngoài là người sinh hoạt đời thường. Người An Vi đã vững ở chân tâm, dù sống trong cách thế nào cũng chỉ là chiếu giải ánh sáng chân tâm đến cõi đời thực tế. Người An Vi không để cảnh trùm tâm, không vong thân theo hoàn cảnh. Người An Vi hành động, vì ý nghĩa chứ không vì kết quả việc mình làm. Sự thành, bại, được, mất, hơn, thua đối với người An Vi tựa như những làn sóng trên biển đời. Lòng người An Vi là đáy biển trầm lắng và an tịnh. Người An Vi là người đã nghe được nguồn Diệu Âm Nội Tại.

Tóm lại, Triết Lý An Vi là con đường thực chứng Chân Tâm, Bản Tính. Trên con đường thực chứng An Vi, Người An Vi Tu Dưỡng Nội Tâm, lấy việc tu thân làm gốc rễ. Người An Vi giữ tâm hồn thanh thản, làm việc thường của một ngày. Làm không ngại khó, khó không kể công, đó là An. Làm vì bổn phận, vì tình thương, đó là An. An nơi quân phân những quyền lợi dị biệt giữa ta và người. An nơi hiểu biết nhưng cởi mở, phân tích phải trái, thiệt hơn nhưng không xét nét vụ lợi. An nơi suy nghĩ hành xử sao cho có người có ta, có lý có tình. An là không phụ người nhưng chớ để người phụ ta. An là vui trong thành công nhưng vừa lòng với thất bại. An là trọng Ðức hơn tài, là quí Tâm hơn trí. Tóm lại, An là biết dừng lại nơi lý tưởng hai chiều. An là biết dùng số 3 và số 2 trong sự giàn hòa các mâu thuẫn căn bản giữa nội tâm lẫn ngoại cảnh. Vì tỷ lệ 3/2 là tỷ lệ của trời đất, là số huyền cơ. Ba trời hai đất. Ba tâm linh, hai hữu hạn. Ba tình, hai lý. Người nắm vững con số huyền cơ, ung dung miền trung đạo. Trung Ðạo là An Ðạo. Vững vàng nguồn chân tính, giác ngộ Tâm An, sự lân cảm với tha nhân, xã hội chỉ là bước sinh hoạt tùy theo cơ duyên, hoàn cảnh. Người An Vi chia sẻ vận hành tiến hóa chung với lòng vô tư, vô nhiễm, vô cầu. Do đó, Triết Lý An Vi cũng là triết lý dựng xây xã hội.

Chúng ta hôm nay đang bế tắc giữa Tư Bản và Cộng Sản chủ nghĩa. Thật ra, chủ nghĩa Tư Bản hay Cộng Sản đều là những lý thuyết về kinh tế, đặt nền trên những sinh hoạt kinh tế của con người. Giá trị con người trong cả hai xã hội dù Tư Bản hay Cộng Sản, đều dựa theo những giá trị vật chất. Cả hai đều là những chủ thuyết vật thể hóa con người. Nói cách khác, Tư Bản hay Cộng Sản cũng chỉ là Vật bản.

Triết Lý An Vi trên đường tìm về Chân Ngã con người, đặt nền trên Nhân Bản, cho nên triết lý của An Vi là Nhân Chủ. Con người phải làm chủ vật thể. Không thể phục vụ, vinh danh Người nếu còn đặt cơ chế kinh tế trước trị giá con người. Con Người Nhân Chủ sẽ giải quyết mọi vấn đề của con người, trong đó có tương quan kinh tế.

Chúng ta cũng đang đắm chìm trong các lý thuyết về tự do. Tự Do là gì? Chúng ta thường hiểu tự do như các quyền được sống, bảo vệ sự sống và các sinh hoạt căn bản của nó. Nhưng, đó mới là thứ tự do của bên ngoài, sự cần thiết để duy trì đời sống vật thể. Sự tự do này, có giới hạn và tương đối của nó. Trong gia đình, quyền tự do của mỗi người cũng bị hạn chế vì tự do và quyền lợi của người khác. Ngoài xã hội, tự do còn bị giới hạn nhiều hơn. Ðảng phái, nhà cầm quyền với những luật lệ là hàng rào của tự do. Phong tục, tập quán cũng là những thế lực xâm phạm sự tự do của mọi người. Bản thân chúng ta với những ý nghĩ và ham muốn của nó, cũng là nhà tù giam giữ tự do. Thật thế, khi đặt các giá trị ngoại cảnh làm mục đích của hành động, là ta đã mất tự do. Muốn sở hữu một căn nhà, một tài sản, một tình cảm nào, một giá trị nào đó trong cuộc đời, là ta phải mang thân, trí của mình làm công cho người chủ đối tượng của mình. Ta đã mất tự do khi ham muốn sở hữu bất cứ giá trị gì ở đời sống. Vì ta phải ép mình trong kỷ luật bản thân, cảm xúc thay đổi theo kết quả công việc, ta hoàn toàn là người lệ thuộc, là kẻ đánh mất tự do.

Cho nên, thao thức về Tự Do, không chỉ là yêu cầu về các quyền tự do tương đối trong xã hội vật thể. Mà còn phải vươn lên nguồn Tự Do Chân Chính của con người Nhân Chủ. Tự Do là không còn gì ngăn ngại, lo âu, bế tắc trên con đường sống với Bản Tính Người. Người Tự Do tham dự phần sâu thẳm của tâm linh, lấy Tâm trùm cảnh chứ không để cảnh trùm Tâm. Người Tự Do Tuyệt Ðối là người không bị các giá trị vật chất ảnh hưởng tới sự an tĩnh của tâm hồn. Niềm tự do tuyệt đối là ung dung trở về căn Nhà Lớn của Bà Mẹ Tâm Linh. Người tự do thật sự, vẫn sống ở đời, nhưng không bị ràng buộc trong các giá trị giới hạn và tương đối của cuộc đời.

Người Tự Do, là Người An Vi.

Ðông phương có câu: "Triết giả, triệt dã". Triết là đi đến tận cùng, triệt để. Triết An Vi đã đạt được ý nghĩa của triết chưa?

Xin thưa, đường đi lên, An Vi đã đưa con người tiếp cận Tâm Linh Huyền Nhiệm. Bước xuống cõi nhân sinh, An Vi đã có giải pháp tương dung, đạt chữ HÒA lên khắp cõi.

An Vi, không Tư Bản, không Cộng Sản, mà là Bình Sản.

An Vi, không Duy Vật, không Duy Tâm, mà là Nhân Chủ.

An Vi, không Nhập thế ( duy vật hữu vi), không Xuất thế( duy tâm vô vi), mà là Xử thế.( Nhân Chủ An Vi)

Do đó, người An Vi là một hành giả Tự Do. Lý tưởng chính trị An Vi là Lý tưởng Nhân Chủ.

Tóm lại, Triết Lý An Vi là minh triết của lý tưởng Tự Do Nhân Chủ theo đúng nghĩa sâu xa, toàn diện và chân chính của danh từ.

Kính thưa quý vị,

Chắc trong chúng ta, ai cũng còn nhớ sự tích Phù Ðổng Thiên Vương. Huyền Sử truyền rằng, vào đời Hùng Vương thứ ba,sau khi phá tan giặc Ân, cậu bé làng Phù Ðổng cưỡi ngựa sắt và roi sắt, bay thẳng về trời, hóa thân miền Việt Yên( An Việt). Nếu hữu vi, thì phải ở lại mà nhận công trạng, hưởng vinh hoa. Vô vi thì không nhọc công mà hy sinh thân mình đánh giặc cứu nước. Nhưng vì An Vi, nên cậu bé làng Phù Ðổng, hay Triết Nhân làng Phù Ðổng, vẫn xả thân dẹp giặc, nhưng giặc tan rồi, thì lại quên ngay cả công mình, bỏ tất cả mà đi.

Cố Triết Gia Kim Ðịnh, trong cảm thức Ðại Hùng về linh hồn của Văn Hóa Dân Tộc, đã đặt tên cho anh chị em chúng tôi, những môn sinh của ngài, những người kế thừa phổ biến dòng triết lý Việt đầu tiên, tên của miền đất xưa: An Việt.

Chúng tôi xin trân trọng giữ gìn ý chí, tâm nguyện của bậc Thầy quá cố. Nguyện tôn thờ lý tưởng Ðại Hùng của người chiến sĩ tiền phong AN VI Phù Ðổng Thiên Vương. Sẽ cùng đọc bài thơ Minh Triết An Vi của Văn Hóa Quê Hương, trên đường tu dưỡng thân tâm. Nguyện làm cây cầu lót đường cho người người qua bến bờ Tịnh An. Nguyện làm người thợ xây nền, đắp móng cho Mái Nhà Bao La của Mẹ.

Gánh nặng, đường xa, tài thô, trí thiển.

Chúng tôi mong mỏi tiếp tục có được sự quan tâm và hỗ trợ của quí vị cho Lý tưởng An Vi, cho CHỦ ÐẠO VIỆT.

Vì, thưa quý vị, An Vi không phải là lý tưởng của một riêng ai. An Vi là Lý tưởng của Dân tộc Việt. Cố Triết Gia đã đặt tên An Vi cho Ðạo Việt, đã làm sống lại ý thức Nhân Chủ. Nhưng Ðạo Việt đã có tự ngàn xưa, mà Phù Ðổng Thiên Vương là một biểu tượng.

Chúng ta là những cá thể của Bà Mẹ Việt Tâm Linh, là phần tử của Linh Hồn Dân Tộc, là thế hệ kế thừa của Việt Ðạo. Sau 5000 năm hưng vong, Việt Ðạo đang trong thảm họa tận diệt giữa hai dòng cuồng lưu nhiễm độc tư bản và cộng sản.

Nhưng may mắn thay!

Âm trung hữu dương căn. Có lẽ trời còn muốn cho Việt Ðạo sống còn. Trong đại họa diệt vong cũa Văn Hóa Dân Tộc, trong cơn thập tử nhất sinh của Việt Ðạo, mầm hy vọng về sự sống còn lại phát sinh.

Thật thế, thưa quý vị, Triết Lý An Vi chính là hạt nhân của sự hồi sinh, sự phục hưng, về một NGÀY và MÙA MỚI cho Dân Tộc Việt- Ngày Mùa Việt Nam Quê Hương Vinh Vượng.

Ðêm bất an sẽ chuyển mình sang NGÀY AN LẠC.

MÙA AN VI sẽ là Mùa Xuân đến sau khi đông tàn.

Chúng tôi chỉ là những kẻ làm vườn quê mùa, cần cù, ươm trồng hạt nhân An Vi giữa mùa đông lạnh giá của quê hương. Có thể chúng tôi sẽ không có cơ duyên để thấy được mùa Xuân. Nhưng AN VI, nên làm mà không cần nhìn thấy kết quả của việc làm. Làm vì Ý Nghĩa của việc làm. Làm với Tâm An Vui, với Ý Thức Tự Do, với Phong Thái An Vi, như Thầy chúng tôi đã truyền dậy.

Xin kính chào và cám ơn tất cả quý vị.

Ðông Lan

(Viết và đọc nhân dịp Lễ Giỗ Thầy lần thứ Tư, 25-03-2001, do An Việt Houston tổ chức tại Houston, Hoa Kỳ.)