Saturday, July 25, 2009

ĐỒNG TIỀN VÀNG CỦA MỖI NGƯỜI


Ngày xửa ngày xưa, tại một vương quốc xa xôi, ngày thành hôn của hoàng tử cũng là ngày đăng quang của tân vương.
Hôm ấy tân vương và hoàng hậu ngự trên một ngai hoa lộng lẫy do 4 con ngựa bạch kéo đi oai vệ giữa đại lộ tiến vào đền vua. Hai bên đường dân chúng đông đảo giăng hàng đón rước, vừa phất cờ vừa đàn ca xướng hát. Xe ngựa vừa tiến đến công trường trước đền vua bỗng tiếng đàn hát trở nên im bặt, mọi người nín thở nhớn nhác nhìn xem. Kìa giữa công trường trên đoạn đầu đài, một tội nhân đang sẵn sàng lãnh án tử hình, đầu của tội nhân đã kề sẵn dưới lưỡi dao khổng lồ, chỉ còn chờ đợi một hồi trống là đầu hắn sẽ rời khỏi cổ.
Kinh hoàng trước cảnh tượng hãi hùng đó, hoàng hậu nức nở khóc giơ tay khẩn khoản xin tân vương ân xá cho tội nhân. Để an ủi hoàng hậu, tân vương xin quan tòa ân xá cho tội nhân như món quà nhân dịp lễ thành hôn của vua. Nhưng phép vua thua lệ làng, quan tòa vẫn cố chấp từ chối. Một vệ quan đến gần thưa với tân vương là theo thói quen rất cổ xưa của thành phố ấy thì bất cứ tội nhân nào đều có thể chuộc mạng sống mình với điều kiện phải trả một giá rất cao là 1,000 đồng tiền vàng. Qủa là một số tiền khổng lồ, làm sao có thể tìm đủ số tiền đó được. Lập tức tân vương dốc cạn túi tiền và tìm được 800 tiền vàng, hoàng hậu cũng đổ hết cái ví đẹp trên tay và thêm được 50 đồng tiền vàng nữa. Tân vương quay sang hỏi quan tòa:
- Với 850 đồng có đủ để chuộc sinh mạng tội nhân chăng?
Quan tòa vẫn khăng khăng không chịu, đòi cho đủ một ngàn đồng theo như luật cũ. Nghe vậy, hoàng hậu liền bước xuống xe và bắt đầu cuộc lạc quyên giữa hàng qúy tộc cũng như giữa thường dân. Họ đếm được tất cả là 999 đồng tiền vàng, chỉ còn thiếu một đồng duy nhất. Hoàng hậu lên tiếng hỏi:
- Phải chăng chỉ vì một đông tiền mà người này phải chết ư?
Quan tòa vẫn khăng khăng lạnh nhạt đáp:
- Luật là luật, không có miễn trừ cho ai cả.
Một tia sáng lóe lên trong tâm trí hoàng hậu tốt lành. Bà ra lệnh:
- Hãy tìm trong túi tội nhân, có thể hắn còn có đồng nào chăng?
Lính xử vâng lời, và quả thực trong túi của tội nhân có một đồng tiền vàng duy nhất, đồng tiền còn thiếu để chuộc sinh mạng của hắn.
***
Qúy vị và các bạn thân mến,
ĐỒNG TIỀN VÀNG CỦA MỖI NGƯỜI
Khi tạo dựng con người Thiên Chúa đã đặt để trong tâm hồn mỗi người một viên ngọc quí, một đồng tiền vàng có đủ giá trị cứu vãn đời sống mình. Đó là tình yêu, là tấm lòng tốt, là khát vọng hạnh phúc. Nhưng tiếc thay, nó khác nào như cái bóng đèn tắt lịm, chỉ cần một que diêm, một tia lửa cũng đủ thắp sáng lên lại. Đồng tiền vàng đó còn có thể ám chỉ quyền tự do lựa chọn của bạn, bạn có thể tự chọn cho mình sự sống hay sự chết. Thiên Chúa tạo dựng con người với trí thông minh và quyền lực tự do. Ngài ban cho mỗi người ơn thánh và mọi cơ hội cần thiết để được cứu rỗi, nhưng Ngài cũng tôn trọng quyền tự do sử dụng của mỗi người. Ngài không ép buộc ai phải chấp nhận ơn Thánh Ngài ban để được cứu rỗi. Cha mẹ, gia đình, những người thân thương có thể tìm mọi cách để giúp đỡ ta, nhưng không ai có thể lựa chọn hoặc sống thay cho ta được, họ có thể ban tặng ta 999 đồng tiền vàng nhưng đồng tiền cuối cùng là ở trong tay mỗi người.
***
Lạy Chúa, Chúa cư xử với mỗi người chúng con thật tế nhị biết bao. Chúa biết rõ Phêrô sẽ chối Chúa, Giuđa sẽ phản bội bán Chúa với giá 30 đồng bạc, nhưng Chúa vẫn một lòng yêu thương và kén chọn họ cho đến giờ phút cuối cùng. Chúa vẫn tận tình yêu thương mỗi người chúng con. Phêrô đã nhận ra tình thương trong ánh mắt Chúa. Trái lại, Giuđa, đã cố chấp, thất vọng và đi vào con đường hư mất.
Xin Chúa hãy khơi lại ngọn lửa tình yêu Chúa trong con những khi nó bị tắt ngủm.
Xin giúp con biết giữ cho lửa tình yêu Chúa cháy sáng trong con. Nó là niềm hy vọng, là đồng tiền vàng cuối cùng cần thiết để cứu vãn sự sống của con.
Lạy Chúa, xin đừng để con đánh mất đồng tiền vàng duy nhất là niềm hy vọng và cậy trông vào tình thương vô biên của Chúa. Amen!

ĐÀO TẠO TRÁI TIM


Đài VTV1 đã chiếu lại bộ phim truyền hình nhiều tập “Bản Tin Sớm”. Nhân vật chính trong phim là Gary Hopson, một người thường xuyên theo dõi tin tức hằng ngày qua tờ báo “Chicago”. Khi đọc tin tức, anh thường chú ý tới những người đang gặp nạn. Mỗi khi thấy có người bị nạn, anh luôn băn khoăn tự hỏi xem mình phải làm gì để giúp đỡ nạn nhân. Và lập tức, bất kể những khó khăn, anh lên đường tìm giúp người bị nạn.

Tâm hồn người thanh niên dũng cảm và quảng đại ấy có những nét giống với tâm hồn của Đức Giêsu. Mỗi khi nhìn thấy những cảnh khổ ở đời, Đức Giêsu không sao cầm được lòng thương. Hôm nay, nhìn thấy đám đông đói khát, Người không thể để mặc họ ra về. Người cảm thấy có trách nhiệm phải lo cho họ ăn uống đầy đủ. Dù giữa nơi hoang vu không có hàng quán. Mà nếu có hàng quán cũng chẳng ai đủ tiền mua cơm bánh cho hàng chục nghìn người đang đói khát. Nên người đã làm phép lạ hóa bánh và cá ra nhiều để nuôi dân. Qua phép lạ lớn lao này, Đức Giêsu hé mở cho ta thấy trái tim đầy tình thương xót của Người, quyền năng cao cả của Người. Nhưng đồng thời Người cũng nhân dịp này đào tạo trái tim con người.

Bài học thứ nhất mà Người muốn dạy ta, đó là lòng cảm thương phải biến thành việc làm cụ thể. Lòng cảm thương là một tình cảm tốt. Nhưng cảm thương suông thì chưa đủ. Thiếu việc làm cụ thể, lòng cảm thương nhiều khi trở thành hình thức, giả dối. Lòng cảm thương ai cũng có. Nhưng số người thực sự ra tay hành động vì lòng cảm thương lại rất hiếm. Có rất nhiều lý do: thái độ ngại ngùng, hoàn cảnh phức tạp, thiếu thốn phương tiện. Các tông đồ nại đến những lý do đó để thoái thác hành động. Nhưng Đức Giêsu bắt họ vào cuộc. Đã thấy việc tốt thì cố gắng làm. Dù khó khăn cách mấy cũng phải vượt qua. Chỉ có việc làm cụ thể mới minh chứng một lòng cảm thương đích thực. Thế là các môn đệ phải đi tìm bánh và cá mang đến cho Chúa. Các ông giúp phân phát lương thực cho mọi người. Các ông đi thu lượm những mẩu bánh còn dư. Các ông tích cực tham gia vào việc cứu đói.

Bài học thứ hai mà Người muốn dạy ta, đó là hãy cộng tác vào công trình của Chúa. Chúa có thể làm được mọi sự. Nhưng Người muốn ta cộng tác vào chương trình của Người. Người có thể biến đá thành bánh. Nhưng Người vẫn đón nhận 5 chiếc bánh và 2 con cá của một em bé. Sự đóng góp của con người tuy nhỏ bé, nhưng rất cần thiết. Đó chính là khởi điểm để Chúa làm việc. Đừng khoán trắng cho Chúa mọi việc. Hãy đóng góp phần của mình. Tục ngữ Pháp có câu: “Hãy tự giúp mình, rồi trời sẽ giúp bạn”. Sự cộng tác của ta nói lên nhu cầu thật sự bức thiết. Sự cộng tác tích cực nói lên lòng ta tha thiết mong muốn. Nỗ lực của con người là khởi đầu phải có. Rồi Chúa sẽ làm nốt phần còn lại. Ở đây ta phải ghi nhận lòng quảng đại của em bé. Có lẽ em đi bán bánh. Giữa nơi hoang vu vắng vẻ, trước một đoàn người đói khát, em có thể lợi dụng thời cơ nâng giá bánh để tìm lợi nhuận. Nhưng em đã quảng đại dâng hết cho Chúa. Chính sự quảng đại của em đã góp phần làm nên phép lạ nuôi sống hàng vạn người.

Bài học thứ ba mà Người muốn dạy ta, đó là hãy biết tiết kiệm. Đói khát và thừa mứa. Thiếu thốn và phung phí. Đó là hai trạng thái trái ngược hiện nay trên thế giới. Khi dư giả người ta dễ phung phí. Những người vừa trải qua cơn đói, nay đã vứt bừa bãi những mẩu bánh dư thừa. Đức Giêsu sai các môn đệ đi thu lượm những mẩu bánh thừa. Chúa dậy cho mọi người hãy biết tiết kiệm. Tiết kiệm là trân trọng những của cải Chúa ban. Tiết kiệm là ý thức của cải là của mọi người. Nếu tôi phí phạm, anh em tôi sẽ thiếu thốn. Tiết kiệm để chia sẻ. Tiết kiệm vì công bình. Tiết kiệm vì lợi ích của toàn thể nhân loại. Thế giới còn những người đói nghèo không phải là vì thiếu tài nguyên, nhưng vì phân phối chưa đồng đều, vì những người giầu có tiêu xài phí phạm.


Bài học thứ bốn mà Người muốn dạy ta, đó là phải tìm lương thực thiêng liêng. Vật chất là cần thiết cho đời sống hiện tại. Nhưng vật chất không phải là tất cả. Quá nô lệ vào vật chất, tâm hồn con người sẽ không vươn lên được. Lương thực cho thân xác là một giải quyết cấp thời. Về lâu về dài, muốn con người phát triển, cần phải giải quyết các nạn đói khác. Đó là nạn đói văn hóa. Đó là nạn đói đạo đức. Và trên hết, đó là nạn đói lương thực thiêng liêng. Nhu cầu tâm linh của con người ngày càng lớn rộng. Cơn đói khát tâm linh càng lúc càng mãnh liệt. Tìm đáp ứng nhu cầu tâm linh là một việc làm thiết thực. Nâng cao đời sống tâm linh là đưa con người tới phát triển toàn diện. Chúa bỏ trốn, không chịu để được tôn làm vua, vì Người muốn những kẻ tìm Người tỉnh ngộ, vượt thoát khỏi vòng nô lệ vật chất, vươn lên những giá trị tâm linh.

Với những bài học kèm theo việc hóa bánh ra nhiều, Đức Giêsu muốn đào tạo trái tim chúng ta. Người muốn trái tim ta hãy mở ra để cảm thương anh em đồng loại. Người muốn lòng cảm thương ấy đi đến cùng bằng những việc làm cụ thể, bằng sự cộng tác quảng đại, bằng sự tiết kiệm để giúp ích cho nhiều anh em. Người muốn trái tim ta vươn lên khao khát những chân trời cao thượng của đời sống tâm linh. Người muốn đào tạo ta nên những con người phát triển toàn diện xứng đáng là những người con của Thiên Chúa. Người muốn nuôi dưỡng không chỉ thân xác nhưng nhất là linh hồn ta.

Lạy Chúa, xin nâng tâm hồn con lên tới Chúa. Amen!

ĐTGM. Ngô Quang Kiệt

Nhân Tính Của Con Người



Một biến cố được xem là bất ngờ nhất trong kỳ thế vận hội mùa hè năm 1984 tại Los Angeles, Hoa Kỳ, đó là giây phút võ sĩ Chesk Plasnick của Hoa Kỳ đã đánh hạ võ sĩ Thomas Giohanson của Thụy Ðiển trong một trận đấu truyền thống La Mã, Hy Lạp. Khi trận đấu kết thúc, võ sĩ Plasnick đã không nhảy tung người lên vì sung sướng, anh chẳng cầm nắm tay đưa lên trong không khí, anh cũng chẳng cúi đầu trước khán giả, trái lại anh quì gối xuống chắp tay lạy, cùi đầu và cầu nguyện. Trên màn ảnh truyền hình, khi ống kính chiếu thu sát khuôn mặt anh, hàng triệu khán giả thấy nước mắt chảy đầm đìa trên gò má anh. Người võ sĩ này có đủ mọi lý do để khóc nhưng anh không khóc vì đã giật được huy chương vàng về cho Hoa Kỳ, còn có một lý do lớn hơn. Hai năm trước đó anh bị ung thư, mười tám tháng trước trận đấu anh đã phải trải qua một cuộc giải phẫu, và giờ đây anh đã thắng được trận chiến thứ hai.

Ngày hôm sau tất cả các báo chí tại Hoa Kỳ đều nói về câu chuyện của anh. Một ký giả đã viết như sau:

"Một trong những điều có giá trị nhất của thế vận hội là nhắc nhở cho chúng ta về giá trị thanh tẩy, chữa trị của những giọt nước mắt. Quí vị theo dõi những vận động viên đạt được huy chương vàng trên bục chiến thắng hướng về lá quốc kỳ của mình và nghe bài quốc ca. Trong mọi trường hợp người ta đều thấy mắt họ sũng ướt. Cứng rắn bao nhiêu, mạnh bạo bao nhiêu, tất cả đểu trở nên mềm mỏng trong giây phút ấy. Và khi thể hiện tính người như thế họ lại càng thu hút hơn. Ðây là trường hợp của Plasnick, anh đã trở thành một anh hùng, không phải vì chiến thắng trong trận thi đấu cũng chẳng phải vì chiến thắng được bệnh ung thư, mà bởi vì đã chia sẻ tính người của anh với chúng ta. Con người nặng trên một trăm ký ấy bỗng nhiên trở nên giống bất cứ một người nào trong chúng ta, mềm mỏng, yếu đuối một cách thật đẹp.

* * *

Chủ nhật thứ năm mùa Chay, Giáo Hội cũng cho chúng ta thấy được nơi Chúa Giêsu một tính cách như thế. Trước mộ của Lazarô, Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa đã thổn thức khóc. Ðây là một trong những cảnh tượng cảm động nhất trong Tin Mừng và một trong những lý do khiến cho cảnh tượng ấy trở nên cảm động là vì Chúa Giêsu chia sẻ nhân tính của Ngài với chúng ta. Chúng ta dễ quên nhân tính của Chúa Giêsu, chúng ta dễ quên rằng Ngài đã khóc trên thập giá, chúng ta đã quên rằng Ngài đã mệt mỏi vì đường xa, chúng ta dễ quên rằng Ngài đã sợ hãi đến toát mồ hôi máu trong vườn cây dầu. Cảnh tượng Chúa Giêsu thổn thức và khóc trong bài Tin Mừng nói về cái chết của Lazarô và việc Chúa cho Lazarô sống lại, lột tả tất cả nhân tính của Ngài. Ngài quả thật là một con người như chúng ta, ngoại trừ tội lỗi. Chính vì thế mà Ngài hiểu được cảm xúc của chúng ta khi chúng ta cũng lâm vào cùng một hoàn cảnh như Ngài. Ngài hiểu được thế nào là sống và cư xử như một con người, và đây chính là điều mang lại hy vọng cho chúng ta. Hơn ai hết, Chúa Giêsu là người thông cảm trước những yếu hèn của chúng ta.

Tuy nhiên, bài Tin Mừng này (bài Tin Mừng của Chủ nhật thứ năm mùa Chay) không chỉ bày tỏ cho chúng ta nhân tính của Chúa Giêsu. Khi Ngài hô lớn cho Lazarô từ trong mồ đi ra, Ngài không chỉ là một con người như chúng ta nữa, Ngài là Thiên Chúa. Ngài không chỉ là nguồn cảm hứng và lý tưởng để chúng ta đi theo. Ngài còn là Thiên Chúa, Ðấng thông ban sự sống và sức mạnh cho chúng ta. Ngài chạm đến cuộc sống của chúng ta bằng một cách thế mà không người phàm nào có thể có được.

Mùa Chay, chúng ta được mời gọi kết hiệp với Chúa Giêsu trong mầu nhiệm thập giá. Mang lấy thân phận con người, Ngài đã vâng phục cho đến chết. Ngài chết trên thập giá để giải thoát loài người khỏi tội lỗi. Thập giá đã trở thành nguồn ơn cứu thoát và mang lại hy vọng cho chúng ta. Trong ánh sáng của mầu nhiệm thập giá, chúng ta hiểu được giá trị của khổ đau trong cuộc sống chúng ta.

Lạy Chúa Giêsu,

Chúa đã vạch ra cho chúng con đường phải đi khi vác lấy thập giá. Xin cho chúng con biết đón nhận mọi khổ đau với tinh thần tin yêu và phó thác.