Wednesday, October 27, 2010

Vấn đề Thánh nhạc

Ngày xưa, những người có “máu nhạc” bị gán cho biệt danh “xướng ca vô loài”, tức là bị chê tới mức tối đa. Nhưng ngày nay, cũng người “vô loài” ấy lại được đề cao và được “khao khát”. Đối với Công giáo, từ thời ĐGH Gregoria, âm nhạc được trọng dụng và được đưa vào phụng vụ – gọi là Bình ca và Thánh nhạc. Như vậy, âm nhạc Công giáo mang tính thánh thiện, như thánh Augustinô đã so sánh: “Hát là cầu nguyện hai lần”.

Thực ra tự thân âm nhạc không xấu, vì âm nhạc là quốc tế ngữ. Nó bị coi là xấu chỉ vì người sử dụng nó không đúng thôi!

Từ nhỏ, không hiểu sao tôi đã rất thích nghe nhạc trên sóng phát thanh, dù thân nhân không ai có “máu nhạc”. Tôi cũng bị coi là “không giống ai”, một dạng “vô loài”. Và rồi tôi tự tìm hiểu âm nhạc qua các tài liệu của Ns Thiên Quang và Lm Ns Kim Long. Mỗi đêm, tôi tự mày mò tập đánh Harmonium “rách nát” của một nhà thờ nhỏ với chiếc đèn dầu leo lét. Rồi tôi bắt đầu viết thánh ca khi 16 tuổi, viết nhiều dù còn “non nớt” (về mọi mặt), tôi viết trước khi được thọ giáo Ns Hùng Lân. Tôi viết nhiều hơn khi tôi làm ca trưởng suốt thập niên 1980 và 1990. Lúc đó, tôi viết trước tiên là do nhu cầu thực tế của các giáo xứ, vì ở vùng quê lúc đó thiếu thốn đủ thứ!

Với thực tế sáng tác của mình, tôi tự thấy một nghịch lý: Khi cảm thấy tâm hồn an thái và lòng đạo đức tăng thì tôi không viết được gì, ráng cách mấy cũng… “bó tay”! Nhưng khi tôi thấy mình tội lỗi, khô khan và nguội lạnh thì tôi lại khả dĩ viết những bài thánh ca “có hồn”, đượm chất đạo đức và thánh thiện. Có lẽ chính nhờ cảm giác ray rứt, cũng có thể đó là lời cầu nguyện thống thiết của một gã-lãng-du-tội-lỗi trong tôi. Nhưng đó là một nghịch-lý-thuận. Vâng, “ở đâu càng tội lỗi thì càng nhiều ân sủng” (Thánh Phaolô).

Tuy nhiên, viết đã khó rồi, phổ biến tác phẩm càng khó hơn nhiều, thậm chí là rất “gay go”. Muốn phổ biến tác phẩm âm nhạc thì phải “quen biết” và có tài chính. Nhạc đời đã vậy, thánh ca cũng không hơn gì. Rất nhiều thánh ca của tôi đã được Đức cố GM Phaolô Maria Nguyễn Minh Nhật (Xuân lộc) cho Imprimatur mà vẫn “nằm im” trong tập bản thảo. Nếu không có “máu” thì rất dễ nản chí và “xuống tay”!

Khỏang gần 20 năm trước, Đài Veritas (Chân lý) phát một số thánh ca của tôi trên làn sóng. Họ hứa sẽ thu vào băng và chuyển về cho tôi, anh bạn tôi nghe đài và cũng nghe được lời hứa đó. Nhưng đó chỉ là “lời-hứa-ở-thì-tương-lai”, nghĩa là không bao giờ có thì hiện tại. Nhà Đạo còn vậy huống chi… nhà Đời! Sự thật luôn mất lòng. Quá phũ phàng!

Tôi không có ý phê phán hay chê trách ai mà chỉ bày tỏ tâm sự rất thật riêng tôi mà thôi!

Tất nhiên, là con người nên vẫn đầy tham-sân-si, khó tránh khỏi tình cảm riêng. Nhưng cần làm sao cho ở mức “phải chăng” thôi. Tôi chợt nhớ câu nói của đại văn hào Shakespeare: “Về sự nổi tiếng, có người sinh ra và được nó rơi vào mình, có người tìm mãi cũng thấy, nhưng có người tìm cả đời cũng không thấy”. Ở đây người viết không có “ý đồ” theo kiểu nổi tiếng trần tục, mà chỉ muốn chia sẻ với cả tấm chân tình…

Dâng Thiên Chúa khúc tân ca

Là lời cảm tạ lòng Cha nhân lành

Dù cho lạc điệu, sai vần

Nhưng rất chân thành phận cát bụi con!

Ngày 29/9/2010, lễ kính các Tổng lãnh Thiên thần. Nghe người chị tinh thần nói: “Chị nghe dạo nhạc là chị đoán lễ về Thiên thần”. Tôi lấy làm lạ vì Thánh ca về Thiên thần rất hiếm. Buổi chiều, tôi dự Thánh lễ, và tôi “giật mình” khi nghe ca đoàn hát bài về Chúa Thánh Thần. Thì ra vậy!

Điều đó chứng tỏ người có trách nhiệm với ca đoàn không hiểu đúng Phụng vụ, không phân biệt Thánh Thần và Thiên thần. Và nếu vậy thì sai tín lý Công giáo!

Ngày xưa, người đệm đàn trong nhà thờ không phải chỉ biết đánh đàn mà còn phải biết phụng vụ. Ngày nay đã thoải mái hơn, thế nên có khi người đệm đàn hoặc ca trưởng có thể có những người thiếu kiến thức về phụng vụ.

Trước đây, tôi thấy có linh mục (một giáo xứ thuộc giáo phận Xuân lộc) đích thân tập hát cho cộng đoàn hát bài Dâng về Mẹ (Con dâng về Mẹ một niềm tin yêu bao la…) làm bài ca dâng lễ, và thường sử dụng như vậy. Tại một nhà thờ thuộc giáo hạt Gia định, giáo phận Saigon, tôi thấy ca đoàn sử dụng bài Lời Thiêng (Lời thiêng dâng Chúa từ trong đáy tim âm thầm…) làm ca dâng lễ. Một số nhà thờ cũng đã và đang sử dụng bài này làm ca dâng lễ (sic!). Có lẽ do điệp khúc bài Lời Thiêng có câu “Bàn tay con nâng lên cao, dâng Chúa hết những ý nghĩ, dâng Chúa trót xác thân con…” nên họ cho đó là ca dâng lễ!

Thực ra bài Dâng về Mẹ là bài tôn kính và cầu nguyện với Đức Mẹ, bài Lời Thiêng chỉ nói lên tâm nguyện con người đối với Chúa và là dạng bài Ca nguyện. Giáo hội bớt khắt khe hơn trước nhưng không phải vì vậy mà tự do thái quá, không phải cứ thấy bài nào có chữ DÂNG là cứ “vô tư” sử dụng làm ca dâng lễ.

Về phần lời ca, như bài Con chỉ là tạo vật (Phanxicô) vẫn thấy các ca đoàn “vô tư” hát: Lạy Chúa, con chỉ là tạo vật… Chúng ta không thể là TẠO VẬT mà chỉ là THỤ TẠO, vì Tạo vật là Tạo hóa – tức Thiên Chúa, theo cách gọi của Công giáo. Ngữ nghĩa đã bị hiểu sai lệch, riết rồi quen, nhưng không lẽ cứ “quen” mãi một thói quen “lệch lạc” như vậy? Dục Tử nói: “Thấy đúng mà không theo thì là DỞ, thấy sai mà không sửa thì là MÊ”.

Mong sao thánh ca được sử dụng đúng phụng vụ hơn. Đừng khinh suất!

Thomas Aquinas TRẦM THIÊN THU