ƠN GỌI NÊN THÁNH
Sáng ngày 21-04-1962, cô bé Jeanne Emmanuelle Molla ra đời, và bảy ngày sau, ngày 28-04-1962, mẹ của cô đã qua đời. Bảy tháng trước đó, người mẹ của cô đã bị u xơ tử cung, nhưng với tư cách là một bác sĩ, bà yêu cầu giữ con mình lại. Trước ngày sinh nở, bà biết rằng sinh mạng mình có thể bị đe dọa nếu tập trung vào mạng sống đứa con. Bà nói với các bác sĩ: «Nếu quí vị phải lựa chọn giữa con tôi và tôi, thì hãy chọn con tôi, tôi đòi hỏi như thế. Hãy cứu lấy nó». Người phụ nữ ấy chết năm 39 tuổi. Bà không làm gì cả ngoại trừ chết đi để bảo vệ mạng sống của con ruột mình. Ngày 15-05-2004, bà đã được phong thánh: thánh Gioanna Baretta Molla. Trong giờ kinh Truyền Tin ngày 23-12-1973, Đức Phaolô VI đã nói như sau: «Một người mẹ còn trẻ thuộc giáo phận Milan, vì muốn cứu mạng sống con gái mình, đã hy sinh mạng sống mình trong một cuộc hiến tế có tính toán trước». Thế đấy, chỉ cần là một người mẹ trọn vẹn ý nghĩa cũng đủ được phong thánh. Thậm chí, một tay sát nhân cũng có thể làm thánh. Một ông thánh sát nhân? Ngày 25-02-1954, Jacques Fesch cầm súng bước vào một chi nhánh ngân hàng để cướp hơn hai triệu franc Pháp. Vụ cuớp bất thành. Một cảnh sát rượt đuổi anh, anh bắn chết viên cảnh sát ấy. Anh bị bắt giam vào nhà tù Santé ở Paris, và ở đấy trong ba năm trước khi bị kết án tử hình. Ngày 01- 10- 1957 anh bước lên ghế điện để đền tội khi mới được 27 tuổi. Thế nhưng thời gian ngồi tù đã giúp anh hoán cải. Ngày 01-05-1955, anh viết vào nhật ký trong tù của mình : « Tôi đã nghe một tiếng nói không xuất phát từ mặt đất nói với tôi rằng : Jacques, con nhận được ân sủng để chết. » Đấy là biến cố đã giúp anh hoán cải, và kể từ đấy anh sống một đời sống thiêng liêng kết hiệp với Thiên Chúa. Sau này, anh công bố : « Tôi được ban đầy dẫy ơn lành. Người ta đã cứu thoát tôi ngoài ý muốn của mình, người ta đưa tôi thoát khỏi cái thế gian chực làm cho tôi hư mất ». Sau khi qua đời, anh đã để lại 4 tác phẩm phản ảnh đức tin sống động của mình : Journal spirituel (Nhật ký thiêng liêng), Lumière sur l’échafaud (Ánh sáng trên đoạn đầu đài), Cellule 18 (Xà lim 18), Dans cinq heures je verrai Jésus (Năm giờ nữa tôi sẽ gặp Chúa Giêsu). Các tác phẩm này đã khiến cho Giáo hội tiến hành một cuộc điều tra sơ khởi nhằm phong thánh cho anh, một người mà Đức Hồng Y Lustiger hy vọng rằng một ngày nào đó sẽ được Kitô hữu tôn kính như một «điển hình cho sự thánh thiện». Ta có nên giam cầm mãi một tên tội phạm trong tội ác của mình, dù cho sau đó người ấy có làm gì đi nữa, hay ngược lại, ta phải khẳng định rằng một người đã phạm tội ác có thể trở được biến đổi sau khi ý thức việc mình làm và hoán cải thâm sâu ? Con đường nên thánh Hẳn là điều nghịch lý khi suy nghĩ về con đường nên thánh mà lại minh họa bằng một kẻ sát nhân. Dù cho người ta đang tiến hành hồ sơ phong thánh cho anh, thì hàng loạt vấn đề đã được đặt ra. Các công đoàn của giới cảnh sát chống lại đề nghị của đức Hồng Y Lustiger, vì họ muốn bảo vệ danh dự và vinh quang cho người đồng nghiệp đã bị Jacques Fesch giết… Phải tin tưởng vào ơn tha thứ, nhất là khi hiểu rằng sự tha thứ chỉ thực sự trọn vẹn khi phải tha thứ những gì không thể nào tha thứ được. Và khi chúng ta nêu lên một ví dụ đi ngược lại với mọi lôgíc con người như thế, thì mới thấy được lòng thương xót của Thiên Chúa và hiểu được sự thánh thiện mà Chúa đã dành cho mỗi một con người, dù cho người ấy được xem như là anh «trộm lành» trong thời đại hôm nay. Và điều này có thể cũng giải thích được phần nào một khía cạnh cũng không kém phần nghịch lý của Giáo Hội, ấy là Giáo Hội được mời gọi nên thánh, dù cho Giáo Hội bao gồm những chi thể tội lỗi. Đấy là điều mà Đức Gioan Phaolô II đã muốn nói lên trong tông thư «Đầu thiên niên kỷ mới»: «Đừng hiểu lầm về lý tưởng trọn lành này như thể đời sống thánh thiên đòi hỏi phải có một cuộc sống phi thường mà chỉ vài người xuất chúng mới đạt được. Đường nên thánh thì có nhiều và thích hợp với ơn gọi của từng người. Tiến trình nên thánh là một tiến trình cá nhân, đã đòi hỏi phải có một sư phạm đúng đắn về sự thánh thiện, để có thể thích nghi với nhịp sống của từng người». Đức Giáo Hoàng cũng nhấn mạnh rằng tất cả mọi người đều được mời gọi nên thánh dù ở bất cứ giai đoạn nào trong cuộc đời: vào mùa xuân của tuổi thanh niên, mùa hè của tuổi trưởng thành, mùa thu và mùa đông của tuổi già yếu, vào giờ chết và cuối cùng, sau cái chết nữa. Ngài tuyên bố: «Ơn gọi của Kitô hữu là nên thánh. Ơn gọi ấy bắt nguồn từ Phép Rửa và được canh tân nhờ các bí tích khác, đặc biệt là bí tích Thánh Thể». Trần Duy Nhiên
No comments:
Post a Comment