Wednesday, October 31, 2007

Ludwig Feuerbach và một tình yêu lớn!

Em biết đến L. Feuerbach từ một lời đề nghị thật dễ thương: hãy ôm nhau đi, hãy hôn nhau đi, tất cả già trẻ gái trai không phân biệt… thì thế giới đại thuận hòa… Nhưng rồi cái ấn tượng ban đầu đó tồn tại trong em chẳng bao lâu, để một ngày kia nó trở thành nỗi băn khoăn, trăn trở: tình yêu đích thực hay chỉ là ảo tưởng.

Người ta nói L. Feuerbach là người đã đem đến kết thúc vinh quang cho nền triết học cổ điển Đức và triết học cổ điển. Em không rõ điều đó như thế nào, em cũng chẳng quan tâm đến một ông K. Marx nào đó đã kế thừa tư tưởng của L. Feuerbach để xây dựng nên học thuyết của mình sau này. Em chỉ quan tâm một điều về L. Feuerbach mà thôi, đó là L. Feuerbach – một nhà nhân bản: “Chân lý không phải là chủ nghĩa duy vật lẫn chủ nghĩa duy tâm, không phải sinh lý học lẫn tâm lý học, chân lý – chỉ có thuyết nhân bản.”

Nếu thời Phục Hưng, như ai đó đã từng nói, là thời đại mà “con người được sinh ra một lần nữa”, thì đến L. Feuerbach, tiếp nối tư tưởng nhân văn đó, ông đã đưa con người lên cao hơn, xa hơn nữa. Không những “con người so với tất cả những biểu hiện của sự thông tuệ thần thánh là cái kỳ diệu nhất”, như Dante đã nhận xét, mà với L. Feuerbach, con người còn vươn lên ngang tầm Thượng Đế, con người là Thượng Đế. Vì với L. Feuerbach, Thượng Đế chính là cái mà con người muốn trở thành, là nhân cách đã được thần thánh hóa…
Lý tưởng cả đời L. Feuerbach là con người và tình yêu con người. Nhưng với ông, con người chỉ là con người vật chất, chỉ là một sản phẩm tất yếu của tự nhiên, một sản phẩm đặc sắc nhất, thể hiện sự hoàn thiện nhất của tự nhiên mà thôi. Tình yêu – ông xem nó là bản chất của con người. Yêu là hiến dâng, là khắc phục sự ích kỷ. Nhân loại trưởng thành không vì thù địch nhau mà vì yêu thương nhau. Thế nhưng, chỉ với một con người, như L. Feuerbach nói, thì tình yêu của nó cũng chỉ có thể là một “tình yêu vật chất”, tình yêu con người với con người – những “sản phẩm không nhân vị” mà thôi.

Tình yêu mà L. Feuerbach cho là chân chính là một tình yêu không cần sự có mặt của Thượng Đế, tình yêu đó là tình yêu con người. Ông cho rằng, con người cứ gây tội ác rồi núp dưới bóng Chúa mà cầu nguyện, ăn năn. Hiện tượng đó cứ lặp đi lặp lại mãi. Vì vậy theo ông, tình yêu vĩnh cửu phải là tình yêu trong đó con người với con người là Thượng Đế. Do đó, tôn giáo ông muốn xây dựng là tôn giáo của tình yêu mà không có Thượng Đế, và tình yêu đó được đặt trên cơ sở là tình yêu đối với người phụ nữ. “Tình yêu đối với người đàn bà là cơ sở của tình yêu phổ quát. Ai không yêu phụ nữ, người đó không yêu con người.”

Em biết L. Feuerbach cũng hoàn toàn có lý khi khẳng định con người hẳn đã phong mình lên thành Thượng Đế khi cố gắng suy nghĩ về Người, và đương nhiên dần dần tưởng tượng hơi giống mình nhưng được lý tưởng hóa. Tuy nhiên điều đó hoàn toàn không có nghĩa là Thượng Đế chỉ là như thế, chỉ là những ước muốn và ảo tưởng của con người được phóng lên, còn tự mình, Thượng Đế không hề hiện hữu. Em không thể, cũng như mọi người không thể đưa ra được những “bằng chứng” để chứng minh về sự hiện hữu của Người theo kiểu những bằng chứng khoa học, nhưng em tin và biết rằng có những dấu chỉ để em có thể đi vào mà khám phá ra sự hiện hữu của Người. Đó không phải là những “chứng lý thời danh” dẫn đến Thượng Đế mà thánh Tô-ma A-qui-nô đã đưa ra xưa kia (ngũ đạo), hay những lý lẽ thần học cao siêu nào đó, mà bằng chính sự cảm nghiệm tâm linh ngàn đời của con người. Chúng bắt đầu từ thực tại bên trong của tâm hồn con người. Thật vậy, từ xa xưa con người tự nhiên đã có ý tưởng về Thượng Đế, và bao lâu, chưa ý thức được sự hiện diện thật của Người trong nội tâm mình, con người còn áy náy không yên. Bởi vậy mà thánh Âu-tinh từng nói: “Chúa đã tạo dựng nên con cho Chúa, nên tâm hồn chúng con vẫn còn thao thức bao lâu chưa được nghỉ ngơi trong Chúa.” Đành rằng những gì em biết vẫn không đủ để xoa dịu hết nỗi khắc khoải của mình, nhưng ít ra, nói theo Kasper thì chúng cũng là những “gợi ý có lý lẽ mời gọi ta tin”. Em tin, và vì em tin nên em biết em không phải là một sản phẩm thuần túy của vật chất, một sản phẩm hoàn thiện nhất của tự nhiên được sinh ra bởi tự nhiên, hay chỉ là một động vật cao cấp nào đó biết chế tạo và sử dụng công cụ lao động mà thôi… Em biết, em chẳng phải là một con người “tầm cỡ” như vậy, một con người, như L. Feuerbach nói, một con người chung chung như một chủng loại, một loại vật chất “đặc sắc” và “độc đáo”, mà em biết, “con người và chỉ có con người, nhờ sự hiểu biết và tình thương, được mời gọi chia sẻ sự sống của Thiên Chúa, vì con người được dựng nên theo hình ảnh Người, nên có phẩm giá là một nhân vị. Không phải sự vật mà là một con người. Con người có khả năng tự biết mình, làm chủ chính mình, tự do tự hiến và thông hiệp với những người khác”, và cũng chỉ có như vậy, tình yêu mới mang trọn vẹn ý nghĩa của nó…

Với L. Feuerbach, con người có ba đặc trưng cơ bản là: trí tuệ, ý chí và con tim (tình cảm). Nhưng những khả năng ấy con người không làm chủ được chúng, và nếu không có chúng, con người sẽ chẳng là gì cả. Chúng là những yếu tố căn bản của con người và con người không thể chiếm hữu cũng không thể tạo ra chúng. Chúng là sức mạnh tuyệt đối và thần linh. Nhưng em không hiểu nếu như vậy thì những sức mạnh đó từ đâu mà đến, nếu không phải là từ tình yêu vô biên của Thiên Chúa. Vì tự thân, vật chất không có khả năng đó, nếu có, thì vật chất đã trở thành “Sinh Vật Vĩ Đại”, trở thành Thượng Đế mất rồi!? Em chẳng bao giờ nghĩ là như thế cả, và em hiểu em là ai, con người là ai. Đó là một thụ tạo lớn lao và kỳ diệu, cao trọng hơn tất cả vạn vật, và toàn thể vạn vật này được tạo dựng nên cũng là vì con người – vì tình yêu mà thôi.

Từ tinh thần tự do – bình đẳng – bác ái của Cách Mạng Tư Sản Pháp, L. Feuerbach nêu lên tuyên ngôn: hãy thống nhất tất cả mọi người trên tinh thần nhân bản. Theo tinh thần ấy, phải xuất phát từ quan điểm: “Quy luật tối thượng và hàng đầu phải là tình yêu của con người dành cho con người. Con người là Thượng Đế của mình…” và ông cho đó là nguyên lý thực hành tối thượng, là bước ngoặt trong lịch sử loài người.

Em biết tìm đâu ra một nền tảng kiên cố và vững chắc để làm “giá đỡ” cho các giá trị nuôi sống mình, một “cái gì đó” vững chắc làm chỗ dựa cho những giá trị quan trọng đã từng thúc đẩy và giải thích cho những hành động của em? Những giá trị đã được xem là cốt cách về mặt nhân bản, luân lý và tâm linh như công bình, tôn trọng người khác, hay ý thức bổn phận… mà nhất là một “tình yêu lớn”, như L. Feuerbach đã nói, nếu em tách rời Thiên Chúa, đi ra ngoài Đức Giêsu Kitô, em biết tìm đâu?

L. Feuerbach muốn nâng cao con người và tình yêu con người. Tình yêu mà ông cho là chân chính phải gạt bỏ Thượng Đế ra bên ngoài nó. Tiếc thay, đó chỉ là một ảo tưởng sai lầm. Vì một “tình yêu lớn” như thế chỉ có thể thực hiện được trên cơ sở một “tình yêu vô biên và vĩnh cửu”, mà tình yêu đó là gì nếu chẳng phải là tình yêu xuất phát từ Thiên Chúa, người là Cha của hết mọi người, là nguồn gốc của mọi sự, là Đấng nhân hậu, yêu thương và luôn chăm sóc con cái, là người luôn mời gọi chúng ta chia sẻ sự sống của Người đó sao? Và bởi vì xuất phát từ một nguồn gốc chung, “một người Cha chung” như vậy, đồng thời lại có chung một mục đích, thì con người mới có thể tạo thành một thể thống nhất, mới có thể hoàn thành “một tình yêu lớn” như L. Feuerbach từng mơ ước. “Thật kỳ diệu khi ta ngắm nhìn nhân loại có chung một nguồn gốc nơi Thiên Chúa…, cùng có chung một bản tính, được cấu tạo như nhau và một thể xác vật chất và một linh hồn thiêng liêng, cùng có chung một mục đích trực tiếp và một sứ mệnh trong thế giới, cùng có chung một nơi cư ngụ là trái đất với những của cải, mà mọi người, do quyền tự nhiên của mình đều có quyền sử dụng để nuôi dưỡng và phát triển sự sống, cùng có chung một cùng đích siêu nhiên là chính Thiên Chúa, mà tất cả đều phải quy hướng về người, cùng có chung những phương thế để đạt tới cùng đích đó, cùng có chung ơn cứu độ mà Đức Kitô đã thực hiện cho mọi người”. Sự liên đới này đảm bảo mọi người là anh em cho dù có nhiều khác biệt phong phú giữa các con người cá nhân, các nền văn hóa, các dân tộc.

Vào một ngày kia, khi phải đối diện với những bất hạnh và khổ đau của cuộc đời, nhìn thấy thực trạng bi đát của con người hiện tại, Pascal đã từng phải thốt lên rằng: “Khi nhìn sự mù quáng và khốn cùng của con người, khi nhìn vũ trụ câm nín và con người không ánh sáng, bị bỏ rơi và như lạc lõng trong xó xỉnh của vũ trụ này, không biết ai đã đặt nó ở đấy, nó đến đó để làm gì, lúc chết nó sẽ ra sao, bất lực không sao biết được, tôi rùng mình ghê sợ như một người ngủ quên, bị lưu đày nơi hoang đảo ghê sợ và thức dậy không biết mình ở đâu, và không phương kế trốn thoát khỏi đó… Tôi thấy những người quanh tôi, cùng một bản tính như tôi, tôi hỏi xem họ có biết gì hơn tôi không, họ không nói”. Em nghĩ, với L. Feuerbach, ông biết, bởi theo ông, con người do tự nhiên tạo ra để sống và hưởng thụ, chứ không phải để đau khổ. Từ cái nhìn đó, hẳn là L. Feuerbach đã cho rằng Pascal bi quan quá. Điều đó thật chẳng sai, vì đúng là Pascal đã nhấn mạnh thái quá đến sự bất lực bi thảm của con người. Nhưng dẫu sao, với em, con người mà Pascal đề cập cũng là một con người có bản tính cao trọng hơn so với cái nhìn của L. Feuerbach, con người ấy (con người theo Pascal) vẫn luôn băn khoăn xao xuyến cho kiếp nhân sinh đầy biến động, khổ đau và luôn luôn mong muốn để tìm về một hạnh phúc đích thực vĩnh cửu. Và hạnh phúc đích thực của con người là gì nếu không phải là đạt đến “sự viên mãn của mình bằng cách tìm kiếm và yêu mến những gì là chân, là thiện”, là nhận biết Thiên Chúa và yêu mến Người. Là được chia sẻ sự sống của Người và an nghỉ trong Người – được thông phần vào bản tính Thiên Chúa và sự sống đời đời, được chìm đắm trong một tình yêu bất diệt, một tình yêu vượt trên mọi tình yêu.

Thật đáng trân trọng và đáng quý khi L. Feuerbach đề cao tình yêu tha nhân và mong muốn xây dựng một thế giới đầy yêu thương, hòa thuận dẫu tình yêu ấy mãi mãi cũng chỉ là một ảo tưởng và L. Feuerbach cũng mãi mãi chỉ là ông già tốt bụng nơi một làng quê, ngày ngày ngồi ngắm lũ trẻ vui chơi và mơ về một tình yêu lớn... nhưng L. Feuerbach đã tự đánh mất mình và làm “tan rã” đi “tình yêu lớn” ấy khi ông gạt bỏ Thiên Chúa – suối nguồn và cùng đích của tình yêu ra ngoài. Thật vậy, “khi từ chối không nhìn nhận Thiên Chúa như nguyên ủy của mình, con người cũng đã phá đổ trật tự phải có để đạt đến cùng đích tối hậu, đồng thời phá vỡ mọi hòa hợp nơi chính bản thân cũng như đối với những người khác và với mọi loài thụ tạo” (Gs 13, 1).

TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Đinh Ngọc Thạch, Đại Cương Lịch Sử Triết Học Phương Tây, Trường Đại Học Tổng Hợp Tp Hồ Chí Minh, 1993.
2. Thánh Âu tinh, Tự Thú.
3. Dominique Morin, Gọi Tên Thượng Đế, Nxb Le Cerf, 1989 (Bản dịch Việt ngữ).
4. Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo, Nxb Tp. Hồ Chí Minh, 1998.
5. L. Heahy, Con Người Và Vấn Đề Thượng Đế, Giáo Hoàng Học Viện Piô X, Đà Lạt, 1975.

Minh Thiện

No comments: