Vấn Đề Đau Khổ
I. Ðau khổ, một thách đố
Ðau khổ là một thực tại gắn liền với mỗi một đời người. Không ai có thể phủ nhân sự hiện diện của đau khổ trong cuộc đời này. Là người, ai cũng phải nếm trải sự khổ đau, cũng cảm nhận ít nhiều sự vấp ngã trước khổ đau, và nếu có né tránh đi chăng nữa, thì vấn đề đau khổ vẫn là một trong những vấn đề làm con người lo sợ nhất. Ðành rằng sống ở đời, ai cũng mong được hạnh phúc, cũng muốn được yên vui, vì xét cho cùng, thì cuộc đời mỗi người cũng chỉ là một cuộc hành trình đi tìm hạnh phúc mà thôi, nhưng sự thật là, dù trong cuộc sống, có những lúc con người cảm thấy hạnh phúc, cảm thấy an vui đi chăng nữa thì đó cũng chỉ là những khoảnh khắc chóng qua và bấp bênh trong cuộc hành trình dài của kiếp nhân sinh đầy hệ lụy. Và chung quy, con người vẫn không tránh khỏi khổ đau bao lâu nó còn hiện diện trên cõi đời này. (1)
Vậy phải chăng điều đó cũng đồng nghĩa với việc cái chết chính là giới hạn tột cùng của khổ đau, và cũng là cách duy nhất để chấm dứt khổ đau của con người chăng? Và phải chăng con người sinh ra là để chờ chết? (2) Nếu như vậy thì cuộc đời này thật buồn tẻ, bi quan và đáng thất vọng biết bao, và nó chẳng còn có ý nghĩa gì đối với con người nữa. Tuy nhiên, rất may là không phải tất cả mọi người đều có ý nghĩ bi quan như thế, dù không thể phủ nhận sự hiện diện của khổ đau như là "một phần tất yếu của đời người"(4). Bởi con người luôn ý thức được phẩm giá cao quý của mình. Dù mang thân phận mỏng dòn và yếu đuối, nhưng con người vẫn ngước nhìn lên trời cao, và xuyên qua đau khổ, con người vẫn hướng về những giá trị trường cửu và cùng đích bất diệt của mình.
II. Nguồn gốc của đau khổ
Con người, xét như một hữu thể tự do và có lý trí, luôn quan tâm đến thế giới xung quanh mình, luôn biết ngạc nhiên trước những sự kiện, hiện tượng xảy ra hằng ngày, và quan trọng hơn nữa, biết ngạc nhiên về chính mình! Nói như Passcal, con người chỉ là một sinh vật yếu đuối trong thế giới này, nhưng lại là một sinh vật đặc biệt vì khả năng suy tư của mình. Vì vậy, đưa ra những lý giải cho tất cả các sự kiện và biến cố trong cuộc sống là thái độ thông thường của con người. Trước vấn đề đau khổ, con người càng bị ám ảnh hơn nữa, vì hình như càng nói về nó người ta lại càng thấy bế tắc, nhưng người ta lại chẳng bao giờ im lặng cả! (4)
1. Sự sống và sự hủy diệt
Trước đây, theo truyền thống Kitô giáo, người ta tin rằng trái đất ở vị trí là trung tâm của vũ trụ. Với cái nhìn của Vật lý học hiện đại, xét về mặt địa lý, điều ấy không còn đúng nữa. Tuy nhiên ở một góc độ nào đó, điều ấy không sai. Vì quả thật cho đến lúc này, với sự hiểu biết của con người, thì trong hàng tỷ hành tinh của vũ trụ bao la, chỉ có trái đất của chúng ta là nơi có sự sống hiện diện mà thôi. Gần đây, các nhà khoa học phát hiện ra những dấu hiệu cho thấy có thể trước đây trên Sao Hỏa cũng từng có nước, điều đó cũng có nghĩa là có thể có sự sống ở đó. Tất cả vẫn chỉ là giả thiết, và nếu điều đó có thật chăng nữa thì cũng không thể phủ nhận vị trí "số một" của trái đất chúng ta - một hành tinh xanh xinh đẹp của vũ trụ. Nơi trái đất, con người có thể sống, có thể làm việc một cách thoải mái, có thể ăn uống và cảm nhận được vẻ đẹp xung quanh mình, cảm nhận và tận hưởng được những niềm vui mà giác quan, con tim và tâm trí của chúng tìm được trong thế giới. (5)
Tuy nhiên, cũng chính nơi trái đất mà con người đang sống lại luôn ẩn chưa nhiều hiểm nguy, là nguyên nhân khiến con người ta phải đau khổ. Bão lũ, động đất, hạn hán, sóng thần. vẫn xảy ra nhiều nơi lấy đi sinh mạng của hàng trăm ngàn người, gây tang tóc khắp nơi. Nếu những cơn mưa có thể đem lại nguồn nước, có thể giúp cây cối phát triển, mùa màng tốt tươi, thì cũng chính những cơn mưa có thể gây ngập úng, lũ lụt. Nếu những tia nắng có thể mang lại sự ấm áp, dễ chịu thì nó cũng có thể khiến đồng khô ruộng cháy. Dù con người có khó chịu với những điều đó thì nó vẫn không thay đổi. Thật vậy, các quy luật vật lý ấy chẳng bao giờ phụ thuộc vào ý nuốn chủ quan của con người, chúng luôn luôn như vậy dù đem lại điều tốt hay điều xấu cho con người. Con người chỉ có thể dùng trí khôn của mình mà chế ngự và sử dụng những sức mạnh thiên nhiên mù quáng ấy để phục vụ cho sự sống của mình mà thôi.
2. Sự giới hạn của kiếp người
Nếu so với vũ trụ bao la, với muôn ngàn tinh tú, với vô số loài sinh vật khác trên trái đất thì xem ra con người thật nhỏ bé và yếu đuối. Nhưng sự nhỏ bé và yếu đuối của con người không làm cho nó trở nên yếu nhược và thấp hèn. Ngược lại, từ rất lâu con người luôn ý thức được thân phận và nhân phẩm cao quý của mình. Bởi con người thừa biết rằng, mình là độc nhất và không thể thay thế chứ không đơn giản chỉ là một "động vật biết chế tạo và sử dụng công cụ lao động"(6). Với trí khôn của mình, con người muốn khám phá mọi thứ, muốn đi sâu vào mọi bí mật của cuộc đời. Thế mà trí khôn của con người cũng chỉ có thể hiểu biết ở một vài lĩnh vực nào đó, chứ không thể nào biết hết được những bí ẩn của vũ trụ này, không thể trả lời cho tất cả mọi câu hỏi do chính mình đặt ra (7). Với một trái tim rộng mở, với một tấm lòng quảng đại và với một hoài bão lớn lao, chúng ta muốn biến đổi cái thế giới này trở nên tốt đẹp hơn, mọi người sống hạnh phúc hơn. Nhưng đó cũng sẽ chỉ là giấc mơ, dù là giấc mơ đẹp và đáng trân trọng biết bao, bởi khả năng của chúng ta có hạn, và chúng ta chỉ có thể làm được một phần nào đó trong một phạm vi nhỏ bé mà thôi. Hơn nữa, cuộc đời mỗi người lại có hạn, rồi một ngày nào cũng phải chết, và cái chết sẽ mang đi của chúng ta hết thảy: ước mơ, sự khôn ngoan, lòng nhiệt thành, . Những mâu thuẫn ấy khiến con người ray rứt, khiến con người trầm tư, để khi nhìn thấy sự thật phũ phàng về sự mỏng dòn của chính mình, con người cảm thấy hoang mang, khổ đau.
3. Ðau khổ và sự tự do của con người
Tự do là một quyền cơ bản của con người và là điều cao quý nhất của con người. Một trong những điều cơ bản khiến cho con người khác với con vật chính là ở chỗ con người có tự do. Tự do là một điều cao quý và thiêng liêng, đó chính là một đặc ân lớn lao mà tạo hóa đã ban cho con người. Tự do chính là một điều kiện đảm bảo cho con người có thể sống đúng phẩm giá của mình. Không một ai có thể nói rằng mình sống hạnh phúc mà lại không cần tự do (8). Tuy nhiên, tự do cũng có thể mang lại cho con người đau khổ nếu như con người sử dụng tự do của mình một cách bừa bãi, thái quá hay nhân danh sự tự do của mình mà xâm phạm đến quyền lợi của kẻ khác (9).
Con người phải chịu trách nhiệm chính về những đau khổ của bản thân, cũng như những đau khổ mà mình gây ra cho người khác nhân danh sự tự do đó. Mỗi người trong xã hội đều có một vị trí nhất định và một vai trò nhất định, và cũng tuỳ theo đó mà có những mối quan hệ xã hội khác nhau. Và người ta phải có trách nhiệm đối với bản thân cũng như những người xung quanh cho phù hợp với vị trí và vai trò của mình. Không ai có thể nói: "Tôi là người tự do nên tôi muốn làm gì thì tôi làm" (10). Bởi tự do thực sự còn phải gắn liền với trách nhiệm trong tương quan với những người xung quanh. Quyền lợi của mỗi người phải được xây dựng trên cơ sở tôn trọng quyền lợi của người khác (11).
Bản thân sự tự do không phải là nguyên nhân gây khổ đau cho con người (12), tự do đích thực mang lại cho con người niềm vui và bình an một khi nhờ đó, tự do giúp con người trở nên chính mình khi thể hiện bản thân một cách sung mãn về mọi mặt - thân xác, trí tuệ, xã hội và tâm linh.
4. Nguyên nhân đau khổ theo quan niệm của Phật Giáo
Có thể nói một cách không quá rằng, khi nói về khổ đau thì triết lý Phật Giáo đã có lời giải thích khá cặn kẽ về vấn đề này, bởi theo Ðức Phật thì tất cả những điều Ngài dạy không khác gì hơn là giải thích về nỗi khổ và cách thức diệt trừ nó mà thôi. Một cách khái quát nhất có thể, ta thấy rằng, theo quan niệm của Phật giáo thì "đời là bể khổ". Có nhiều nỗi khổ vây quanh lấy con người, nhưng chung quy, có tám nỗi khổ cơ bản nhất gắn liền với mỗi một đời người mà Ðức Phật đã chỉ ra là : sinh là khổ; già là khổ; bệnh là khổ; chết là khổ; phải cách xa những người mình thương yêu là khổ; phải sống gần người mình không ưa là khổ; điều mình cầu mong không được là khổ; và chính thân xác này, do sự cấu tạo của "ngũ uẩn" (thế giới nội tâm, sự cảm giác, sự tri giác, hành vi của con người, ý thức hay sự phản ứng của các giác quan) là khổ.
Nguyên nhân gây ra đau khổ cho con người theo quan niệm của Phật Giáo được trình bày trong học thuyết "Thập Nhị Nhân Duyên" (mười hai nhân duyên), nhưng có thể nói, ba nguyên nhân cơ bản và trực tiếp dẫn đến sự đau khổ cho con người là do tham, sân, si (tham lam, sân hận, si mê), còn nếu như nói một cách sâu xa hơn, thì nguyên nhân cho mọi đau khổ của con người là do vô minh (sự mờ tối), tức không thấy bản chất của sự vật, không thấy được cuộc đời chỉ là dòng biến ảo vô thường, không có cái gì là thường định, là bất biến, mà tất cả chỉ là "không". Nói một cách đơn giản hơn, con người ta không thể trả lời được câu hỏi: "Tôi là ai ?", từ đó dần đến chấp ngã, bám víu vào cuộc đời, danh vọng, tranh giành quyền lợi (tham, sân, si), tạo ra những kết quả gây nên nghiệp, khiến con người cứ mãi chìm đắm trong vòng luân hồi sinh tử khổ đau.
III. Ðức Kitô và đau khổ
1. Mặc khải Kitô giáo về đau khổ: đau khổ là một huyền nhiệm
"Mắt của Ngài thật quá tinh tuyền, không thể chịu được điều gian ác. Ngài không thể nhìn xem cảnh khốn cùng, tại sao Ngài cứ đứng nhìn quân phản bội, sao Ngài lặng thinh, khi kẻ gian ác nuốt chửng người chính trực hơn mình?" (Kh 1, 13)
"Lạy Chúa, sao Chúa nỡ đứng xaNgày khốn quẫn, sao Ngài đành ẩn mặt?" (Tv 10, 1)
Những câu chất vấn như thế đã vang vọng nhiều trong Kinh thánh, và có thể nó cũng từng là những lời than vãn của người Kitô hữu khi đối diện với khổ đau. Sự thinh lặng từ Thiên Chúa lúc đó lại là một thách đố lớn đối với niềm tin của con người. Vì người ta sẽ tự hỏi rằng nếu Thiên Chúa tốt lành, quyền năng và đầy tình yêu thương, thì tại sao Ngài lại để cho những điều tồi tệ xảy ra với con người ? Ngài có thể ngăn chặn sự dữ, Ngài có thể tạo dựng một thế giới tốt đẹp hơn vì chắc chắn Ngài sẽ chẳng vui mừng gì khi thấy con người phải khổ đau. Ðiều ấy dễ dẫn đến những nghi ngờ về Thiên Chúa, và từ đó người ta có thể đi đến phủ nhận sự hiện hữu của Ngài. (13)
Một chiều hướng tích cực hơn, đó là, khi đối diện với những vấn đề mà lý trí con người không thể giải thích cặn kẽ, người ta thường cho đó là một huyền nhiệm. Ðứng trước vấn đề đau khổ, người Kitô hữu cũng không có một câu trả lời chung cuộc, và vì vậy người ta thường nại đến sự an bài và quan phòng của Thiên Chúa, cho rằng chính Thiên Chúa đã sắp đặt mọi sự, hay đó là thánh ý Chúa. Ðây không phải là một điều gì tệ hại, mà ngược lại nó còn cho thấy một đức tin mãnh liệt vào Thiên Chúa (14), nhưng vô hình trung nó đã làm cho hình ảnh của Thiên Chúa bị "biến dạng", bởi người ta sẽ không thể giải thích được những đau khổ và bất hạnh mà nhiều người vô tội phải gánh chịu do thiên tai mang lại. Bởi chắc chắn đó không phải là ý Chúa, là do Chúa làm, vì một Thiên Chúa trừng phạt, một Thiên Chúa muốn con người đau khổ như thế không phải là hình ảnh đích thực của Thiên Chúa Tình yêu mà Kinh Thánh đã Mặc khải cho con người.
Ðau khổ vẫn mãi là một huyền nhiệm. Không ai có thể đưa ra bất cứ lời giải thích nào thỏa đáng về nguồn gốc của khổ đau. Trong nỗi đau khổ của con người, Thiên Chúa luôn đưa ra một sứ điệp, một lời kêu mời, nhưng mãi mãi Kito6 giáo không bao giờ chủ trương rằng Thiên Chúa muốn cho con người gặp đau khổ hoặc đau khổ xuất phát từ Thiên Chúa. Sự an bài hay quan phòng trong Kitô giáo không có nghĩa là mọi sự, kể cả tội ác và khổ đau đều do Thiên Chúa muốn và xếp đặt. Kitô giáo hiểu ý nghĩa của sự quan phòng trong ánh sáng của cái chết và sự phục sinh của Ðức Giêsu.
2. Ðức Kitô và đau khổ
Có lẽ những ai tìm đến Ðức Giêsu và hy vọng rằng Ngài sẽ trả lời rõ ràng cho chúng ta bất cứ điều gì, đương nhiên bao gồm cả vấn đề đau khổ, thì e rằng sẽ phải thất vọng ! Thật vậy, thay vì trả lời những câu hỏi về nguồn gốc, về ý nghĩa của khổ đau, Ðức Giêsu đã hành động để chia sẻ những khổ đau của con người và lấp đấy chúng bằng sự hiện diện của mình. Ngài luôn đồng cảm với những nỗi đau của con người và chữa lành cho những ai đau khổ về cả mặt thể xác lẫn tâm hồn. Ngài luôn gần gũi những người khổ đau và hằng an ủi họ với những lời kêu gọi trìu mến, yêu thương: "Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng" (Mt 11, 28). Người luôn nhắc nhở các môn đệ phải biết chú ý, quan tâm đến những người "thấp cổ bé miệng" trrong xã hội, những đám lê dân, những kẻ đói khát, cùng đinh: "Dọc đường, anh em hãy rao giảng rằng : Nước trời đã đến gần. Anh em hãy chữa lành những người đau yếu, làm cho kẻ chết sống lại, cho người phong hủi được sạch bệnh, và khử trừ ma quỷ" (Mt 10,7). Người cũng từng tuyên bố: "Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi những người tội lỗi" (Mt 9, 13). Người cho thấy rằng tất cả những điều mà ngôn sứ Isaia loan báo xưa kia về Ðấng cứu độ nay đã thành hiện thực:
"Thần Khí Chúa ngự trên tôi,vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi,để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn.Người đã sai tôi đicông bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha,cho người mù biết họ được sáng mắt,trả lại tự do cho người bị áp bức,công bố một năm hồng ân chủa Thiên Chúa."(Lc 4, 18)
Bất cứ ai tiếp cận với Ðức Giêsu cũng cảm nhận được ở người một tình bạn tri kỷ, một người đã từng gánh chịu đau khổ hơn ta bội phần, một người thầy đã chế ngự nỗi đau riêng của mình, một vị Chúa đang mở ra cho chúng ta cánh cửa hy vọng hầu dẫn đưa chúng ta đến một thế giới tuyệt hảo.
Ðức Giêsu đã tự nguyện liên đới với những khổ đau của con người thay vì đưa ra những lý lẽ biện minh cho sự khổ đau. Là con người, Ðức Giêsu cũng không tránh khỏi có những lúc cô đơn, sợ hãi hay bị từ chối, hắt hủi, chống đối,. và cuối cùng là cái chết. Quả thật, chẳng có gì thuộc về con người mà xa lạ đối với Ðức Giêsu. Có khác chăng là Người đã tự do đón nhận tất cả những khó khăn đó với một tình yêu mãnh liệt. Người không hề lẩn trốn cho dù có sợ hãi, xao xuyến khi bị nỗi cô đơn xâm chiếm lúc đối diện với khổ đau: "Tâm hồn Thầy buồn đến chết được. Lạy Cha nếu có thể xin cho con khỏi uống chén đắng này" (Mt 26, 38 - 39), nhưng Ngài không quên sứ mệnh của mình và vẫn một lòng xin vâng theo ý Cha trên trời: "Tuy vậy, xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha" (Mt 26, 39). Chính Người cũng đã nếm trải khổ đau hơn bất cứ ai : đói khát, mệt nhọc, bị môn đồ bỏ rơi, thù địch nguyền rủa, sỉ nhục, những kẻ dửng dưng thì nhạo báng, chê cười... Trong khoảnh khắc bồn chồn và khắc khoải trước giờ chết, nỗi cô đơn tột cùng tưởng chừng như đã quá sức chịu đựng của Người, đến nỗi Người đã phải thốt lên: "Lạy Thiên Chúa, lạy Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con?" (Mt 27, 46). Nhưng rồi cuối cùng Người đã chiến thắng được nỗi sợ hãi và hoàn thành sứ mệnh của mình : "Thế là đã hoàn tất", đồng thời phó thác hoàn toàn trong tay Chúa Cha: "Lạy Cha, con xin phó thác hồn con trong tay Cha" (Lc 23, 46).
Thập giá tự nó là một điều phi lý, và chúng ta cũng có thể nói như thế với những khổ đau xảy ra trong cuộc đời này. Thế nhưng, nếu cuộc sống tiếp tục có ý nghĩa là bởi vì con người vẫn có thể đón nhận khổ đau, và xuyên qua khổ đau, con người được biến đổi, được thăng hoa để hoàn trọn nhân cách của mình và sống tình yêu thương.
3. Trưởng thành trong đau khổ
Ðối với những người vô thần, dường như đau khổ chẳng có giá trị gì. Nếu có, thì đó cũng chỉ là "những bài học kinh nghiệm" được rút ra mà thôi. Và thường thì khi đứng trước cùng một cảnh ngộ bất hạnh, những người không có đức tin coi đó là một sự phỉ báng của số phận, trái lại, người có đức tin thì coi đó như một cuộc tập dượt gian khổ để đạt đến thành công trong cuộc sống.
Thật vậy, người ta chỉ có thể chấp nhận những nghịch cảnh không thể tránh né của con người, đồng thời có thể mặc cho nó một giá tích cực khi có một lòng tin minh xác vào Thiên Chúa. Bởi nếu không, người ta sẽ rất dễ rơi vào tuyệt vọng khi đứng trước những đau khổ của chính mình, vì chẳng tìm đâu ra một ý nghĩa đối với những đau khổ trong cuộc đời mà con người phải gánh chịu. Nhất là khi con người ta phải đối diện với cái chết. May mắn thay, đối với người Kitô hữu, nhờ đức tin mở lối mà người ta có thể nhận diện được ý nghĩa đích thực và giá trị của đau khổ diễn ra nơi con người trong cuộc lữ hành tìm về cùng đích tối hậu của nhân trần. Vì bất cứ đau khổ nào của con người kết hợp với đau khổ của Ðức Kitô đều có một giá trị. Nhờ đức tin mà sự đau khổ - tuy vẫn là một sự dữ con người phải gánh chịu - đã có một giá trị cứu rỗi cho mình và cho cả người khác. Nơi Ðức Giêsu, sự đau khổ của con người đã trở thành sự khổ đau của Thiên Chúa, và nhờ mầu nhiệm Vượt qua, Người đã ban cho nó một giá trị và một ý nghĩa, một phương tiện để cứu độ con người.
Là Kitô hữu thì không có quyền thất vọng, mà cần phải nhìn thẳng vào những thực tại sâu kín nhất của cuộc đời, đồng thời cần phải lắng nghe những tiếng thì thầm yêu thương của Thiên Chúa ở ngay trong những tiếng rên siết thê lương nhất của kiếp người. Ðức cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã từng thiết tha nhắn nhủ rằng : "Trong ý thức của mỗi con người, cần phải củng cố niềm xác tín rằng có một Ai đó đang nắm giữ trong tay mình vận mệnh của một thế giới đang qua đi. Có Ai đó đang nắm giữ chìa khóa của cái chết và khoa học. Có Ai đó là Anpha và Ômêga của lịch sử con người, dù là lịch sử cá nhân hay tập thể. Nhất là phải củng cố niềm xác tín rằng Ai đó là Tình yêu. Tình yêu đã hóa thân làm người. Tình yêu đã bị đóng đinh vào thập giá và đã sống lại. Tình yêu luôn hiện diện giữa loài người ! Người là Tình yêu của hy lễ tạ ơn. Người là nguồn mạch hiệp thông không thể cạn. Người là người duy nhất mà chúng ta có thể tin tưởng trọn vẹn khi Người yêu cầu chúng ta: "Các con đừng sợ!". Vì thế, thay vì ngồi cắt nghĩa sự đau khổ, người Kitô hữu phải dấn thân chiến đấu chống lại nó, phải đặt mình vào vị trí tiên phong trong các cuộc đấu tranh vì con người. Và hãy nhìn lên Thập giá, ở đó Ðức Giêsu sẽ cho chúng ta thấy rằng chỉ có tình yêu mới có thể giúp con người vượt qua đau khổ và nhận ra ý nghĩa của cuộc đời này.
Ðau khổ giúp con người nhận ra thân phận mong manh và yếu đuối của mình. Sự cảm nhận chân thực đó khơi lên nỗi khát khao sâu thẳm nhất của con người, đó là muốn sống yêu thương và mong được yêu thương. Khát vọng yêu thương vô biên đó chỉ có thể được thỏa mãn khi con người biết tìm đến với Thiên Chúa là nguồn Tình yêu bất tận và Tuyệt đối, Ðấng luôn mong mỏi chỉa sẻ sự sống thần linh và tràn đầy hạnh phúc cho con người.
***
Chắc hẳn chẳng có một lý giải nào trọn vẹn để có thể giúp con người hiểu được ngọn nguồn của khổ đau, và cũng chẳng có một tôn giáo nào, kể cả Kitô giáo, giải đáp thích đáng cho vấn đề đau khổ. Nhưng ước gì những ai gặp khổ đau cũng biết đứng trước thập giá của Ðức Giêsu để tìm thấy trong ánh mắt của Người, nếu không phải là một lời giải đáp cho những đau khổ mà mình đang gánh chịu, thì ít nữa là một sự bình an trong tâm hồn.
Chú thích:
(1). Có lẽ vì vậy mà tác giả Thánh vịnh 39, 6- 7 đã than ngắn thở dài:"Ấy tuổi đời con, Ngài đo cho một vài gang tấcKiếp sống này, Chúa kể bằng không.Ðứng ở đời, thật con người chỉ như hơi thở,thấp thoáng trên đường tựa bóng qua điCông vất vả ngược xuôi : làn gió thoảngky cóp mà chẳng hay ai sẽ hưởng dùng"
(2). Luận đề cơ bản của M. Heidegger� diễn tả điều này như sau: "tự do để chết", điều bi tráng cao cả mặc khải cho con người rằng no� "hiện hữu để mà chết".
(3). Nhưng cái "phần tất yếu" này có cần thiết hay không (?) hay giá trị của nó đến đâu (?) lại là một chuyện khác.
(4). Con người là vậy !(?)
(5). Và có lẽ để nói lên giá trị đặc biệt ấy của trái đất, nhiều câu chuyện đã được dựng nên kể về những cuộc xâm lăng trái đất của những sinh vật ngoài hành tinh. Trong số đó, có những câu chuyện đã được dựng thành phim và rất ăn khách !
(6). Ai đó có thể ca ngợi rằng Chủ nghĩa Marx là nhân bản khi nó đặt con người ở một vị trí cao ngất, ở vị trí của kẻ làm nên lịch sử, là thực tại duy nhất của lịch sử, con người mang trong mình cái nguyên lý phát sinh chính nó, một sự sáng tạo con người bởi con người. Nhưng chắc chắn người ta không thể phủ nhận rằng con người ấy vẫn là con người trừu thượng, con người của lý thuyết, con người đơn độc và cô liêu. Con người "nghèo nàn và tù túng" ấy phủ nhận sự hiện hữu của Thiên Chúa song nó lại muốn chiếm cứ mọi thuộc tính của Người.
(7). Khi khoa học ngày càng phát triển, người ta phải thẳng thắn thừa nhận rằng chủ nghĩa Thực chứng mà A. Comte khởi xướng với mong muốn dùng khoa học để giải quyết mọi chuyện của con người chỉ là một ảo tưởng.(8). John Start Mill� cho rằng, mục tiêu của nhân loại là sự phát triển cao nhất và hài hòa nhất năng lực của con người. Và để thực hiện được điều đó cần phải có tự do - tự do được xem như một điều kiện cơ bản. Tự do được hiểu như điều kiện văn hóa cần thiết cho sự phát triển mọi khả năng của các cá nhân vì lợi ích lâu dài của� toàn xã hội.(9). Theo đức tin Kitô giáo, đó chính là tội lỗi.(10). John Locke : "Tự do là khả năng con người có thể làm bất cứ điều gì mà mình mong muốn mà không gặp bất kỳ cản trở nào"(11). Cũng theo John Start Mill, mỗi người có thể tìm thấy giới hạn tự do của mình trong tự do của người khác. Tự do xã hội là ranh giới giữa sự kiểm soát xã hội và sự độc lập của cá nhân.(12). Một số triết gia hiện sinh (như Sartre chẳng hạn) từ việc phủ nhận sự hiện hữu của Thiên Chúa, (cũng có nghĩa là phủ nhận sự khởi đầu và kết thúc) dẫn đến có cái nhìn hết sức bi thảm về tự do. Giữa một thế giới xô bồ và mất hết ý nghĩa, nơi mà mọi giá trị đều giả tạo và hết thuốc chữa, và của một tinh thần con người luôn bị "tra vấn" bởi lý trí của mình, sẽ làm cho người ta "buồn nôn", và đổ vỡ cuối cùng là không thể tránh khỏi. Vậy thì con người chỉ con mỗi quyền tự do là chối bỏ thế giới đang phủ nhận con người. Rõ ràng là : "Con người bị kết án bằng tự do", bởi con người không phải là chủ thể sáng tạo mình, nhưng nó hoàn toàn chịu trách nhiệm về mình.(13). Camus đã từng tuyên bó : "Cho tới chết tôi vẫn mãi từ chối yêu thương thế giới này, vì ở đấy những trẻ thơ vô tội đã bị đói khát, giày xéo, đọa đày."( 14). Trong Cựu ước, dân Israel thường kêu cầu Thiên Chúa khi họ gặp thử thách, gian nan và thậm chí có khi còn kêu trách Thiên Chúa nữa :"Lạy Chúa con thờ, muôn lạy ChúaNgài nỡ lòng ruồng bỏ con sao ?Dù con thảm thiết kêu gào,nhưng ơn cứu độ nơi nao xa vời !Ngày kêu Chúa, không đáp lờiÐêm van Ngài mà cũng chẳng yên".(Tv 22, 2 - 3)Tuy nhiên, trong sâu xa họ vẫn nhận thấy rằng Thiên Chúa hằng nâng đỡ, yêu thương và quan phòng họ:"Chúa là sức mạnh con nương,cứu mau, lạy Chúa, xin đừng đứng xa.Xin cứu mạng khỏi xa lưỡi kiếm,gỡ thân con thoát miệng chó rừngkhỏi nanh sư tử hãi hùngphận hèn khốn khổ thoát sừng trâu điên.
Thư mục tra cứu :1. Kinh Thánh trọn bộ Cựu Ước và Tân Ước, Nxb Tp. HCM, 1998.2. Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, Nxb Tp. HCM, 1998.3. Jacques Lacourt, Tuổi Trẻ Ðức Tin và Cuộc Sống, Nxb Lion de Juda, 1990 (Bản Tiếng Việt).4. L. Heahy, Con người và vấn đề Thượng Ðế, Giáo Hoàng Học Viện Piô X, 1975.5. R. D. Wahrheit, Những điều cần biết về niềm tin Kitô, Tài liệu Giáo Lý cho người trưởng thành.6. Minh Thiện, Thân phận con người trong Phật Giáo, Nội san NTNT số 13.
Minh Thiện (từ Tiếng Vọng Trẻ)
No comments:
Post a Comment