Wednesday, October 31, 2007

Điều làm cho cuộc sống ý nghĩa hơn

Vào năm 1891, Paul Gauguin, một họa sĩ người Pháp, đã cố gắng đi tìm một đời sống tốt hơn ở Polynesia, thuộc Pháp. Nhưng chẳng bao lâu sau, ông phải đối diện với một thực tại đau đớn: lối sống buông tuồng trong quá khứ của ông đã gây ra bệnh tật và đau khổ cho chính ông và những người khác. Khi cảm thấy cái chết đang đến gần, ông vẽ một bức tranh được giới chuyên môn xem là một "sự diễn đạt cuối cùng của cảm hứng nghệ thuật". Paul Gauguin đã đặt tên bức tranh là "Chúng ta là ai? Chúng ta từ đâu đến? Chúng ta sẽ đi về đâu?” Cuốn sách The Primitve Sophiticate mô tả tác phẩm của Paul Gauguin như sau: "Bức tranh diễn tả toàn bộ hoạt động của con người, toàn thể chu kỳ đời sống, từ lúc chào đời cho đến lúc chết... Bức tranh lý giải đời người là một bí ẩn lớn."
Sau khi nhìn nhận những tiến bộ khoa học kỹ thuật của loài người, một vị chủ bút tờ The Wall Street Journal viết: “Khi nghĩ về loài người, về tình trạng tiến thoái lưỡng nan của họ, về vị thế của họ trong vũ trụ, thì chúng ta đã không tiến xa hơn thời ban đầu mới có sự sống. Chúng ta vẫn còn đang tự hỏi chúng ta là ai, tại sao chúng ta lại hiện hữu và chúng ta sẽ đi về đâu."


Đúng là một số người đã và đang để hết tâm trí vào việc chăm sóc gia đình, kiếm kế sinh nhai, du lịch hoặc theo đuổi những sở thích cá nhân khác, vì họ xem đời sống chỉ có ý nghĩa thế thôi. Albert Einstein có lần nói: "Người nào xem đời sống mình vô nghĩa, thì không những mất hạnh phúc mà còn không có khả năng để chống chọi với đời." Cùng với ý hướng ấy, một số người cố làm cho đời sống mình có ý nghĩa bằng cách theo đuổi nghệ thuật, nghiên cứu khoa học hoặc làm những việc từ thiện để góp phần ngăn chặn đau khổ cho loài người.


Những câu hỏi căn bản được đặt ra để chúng ta tìm hiểu về ý nghĩa của đau khổ trong cuộc sống là lẽ thường tình. Chẳng hạn sau khi thấy người con yêu dấu của mình qua đời vì bệnh sốt rét hoặc vì một căn bệnh nào khác, biết bao bậc cha mẹ thắc mắc: Tại sao có sự đau khổ như thế? Điều ấy có ý nghĩa gì không? Những câu hỏi tương tự cũng khiến nhiều thanh thiếu niên nam nữ bối rối khi thấy sự nghèo khổ, bệnh tật và bất công trong xã hội con người. Những cuộc chiến tàn bạo khiến người ta thường tự hỏi đâu là ý nghĩa của đời sống. Cho dù bạn chưa từng lâm vào những cảnh khốn cùng như thế, có lẽ bạn cũng đồng ý với lời của giáo sư Freeman Dyson khi ông phát biểu: "Nhiều người đồng ý khi tôi nêu lại những câu hỏi mà nhân vật Gióp trong Kinh thánh đã từng hỏi: ‘Tại sao chúng ta đau khổ?’, ‘Tại sao thế gian lại đầy bất công đến thế?’, ‘Sự đau thương và thảm kịch có mục đích gì?’"


Tìm được những lời giải đáp thỏa đáng cho những câu hỏi trên chắc chắn sẽ giúp ích rất nhiều cho con người. Một vị giáo sư đã trải qua những nỗi kinh hoàng trong trại tập trung Auschwitz đã nhận xét: “Không điều gì trên đời này có thể giúp một người chịu đựng được ngay những hoàn cảnh đen tối nhất một cách hữu hiệu cho bằng sự hiểu biết đời sống mình có một ý nghĩa.” Ông cho rằng ngay cả sức khỏe tinh thần của một người cũng gắn liền với việc đi tìm ý nghĩa của đời sống.


Bác bỏ một Đấng Tạo Hoá - tại sao?


Sách Religion and Atheism (Tôn giáo và thuyết vô thần) bình luận: khoa học càng tiến triển bao nhiêu thì dường như càng ít có chỗ cho Đức Chúa Trời bấy nhiêu. Đức Chúa Trời đã trở nên một Đấng vô gia cư.


Thật ra, khuynh hướng bác bỏ niềm tin tôn giáo cũng như Đức Chúa Trời bắt nguồn từ tư tưởng triết học của những người thiên về duy lý. Charles Darwin cho rằng "sự đào thải tự nhiên" giải thích thế giới thiên nhiên hợp lý hơn sự hiện hữu của Đấng Tạo Hóa. Sigmund Freud dạy rằng Đức Chúa Trời là một ảo tưởng. Và quan điểm "Đức Chúa Trời đã chết" kéo dài từ thời Friedrich Nietzsche (triết gia người Đức [1844-1900]) đến thời đại chúng ta. Một số triết lý Đông Phương cũng cho rằng không cần phải biết về Thượng Đế. Còn về Thần Đạo, giáo sư Tetsuo Yamaori nói rằng các thần thánh chỉ là người mà thôi.


Có lẽ những học thuyết này đã gây ra những ảnh hưởng ngay cả trên những người có niềm tin vào một Đấng Tạo Hóa từ thuở nhỏ. Một nữ sinh viên trẻ ở Châu Âu theo ngành sử học phát biểu: “Theo tôi nghĩ thì Đức Chúa Trời đã chết. Nếu Ngài thật sự hiện hữu thì thế giới sẽ không hỗn loạn như thế này: Người vô tội đang bị đói khát, nhiều loài thú vật đang đi đến chỗ tuyệt chủng (...) Khái niệm về Đấng Tạo Hóa là vô lý.” Trước những tình trạng trên, nhiều người thấy không thể hiểu tại sao một Đấng Tạo Hóa - giả sử là Ngài hiện hữu - lại không thể cải thiện tình hình thế giới.


Dù nhiều người hoài nghi sự hiện hữu của Đấng Tạo Hóa, nhưng họ có lý do chính đáng không? Bạn biết rằng có những sự kiện khoa học được công nhận là đúng, trong quá khứ, nhưng ngày nay lại được chứng minh là hoàn toàn sai lầm. Hàng mấy thế kỷ, nhiều người tin rằng Trái đất là một mặt phẳng và cả vũ trụ quay quanh trái đất, nhưng ngày nay chúng ta biết những điều đó là sai. Còn về những ý kiến khoa học sau đó thì sao? Thí dụ, triết gia David Hume (1711-1776) - một người không chấp nhận có một Đấng Tạo Hóa - đã không thể giải thích được sự cấu tạo phức tạp của sinh vật trên trái đất. Giả thuyết Darwin giải thích cách thức sự sống phát triển, nhưng không cho biết sự sống bắt đầu như thế nào hoặc nó có ý nghĩa gì đối với chúng ta.


Tuy nhiên, chúng ta phải nhìn nhận rằng sở dĩ nhiều người phủ nhận sự hiện hữu của Đấng Tạo Hóa vì họ không muốn tin. Một nhà tư bản công nghiệp Châu âu nói với một công nhân: "Dù chính Đức Chúa Trời bảo tôi phải sửa đổi lối sống, tôi vẫn không nghe. Tôi muốn sống theo ý thích riêng". Rõ ràng là một số người cảm thấy việc nhìn nhận thẩm quyền của một Đấng Tạo Hóa nghịch lại sự tự do hoặc lối sống họ thích. Họ có thể tuyên bố: "Tôi chỉ tin những gì tôi thấy, và tôi không thể thấy Đấng Tạo Hóa vô hình nào".


Ngoài việc tại sao nhiều người không nhìn nhận Đấng Tạo Hóa, những thắc mắc về đời sống và ý nghĩa của nó vẫn còn dai dẳng. Ngay sau ngày con người đổ bộ xuống mặt trăng, người ta hỏi nhà thần học Karl Barth về chiến thắng kỹ thuật này. Ông nói: “Nó không giải quyết những vấn đề khiến tôi thao thức hằng đêm. Ngày nay, loài người du hành trong không gian và tiến bộ nhanh chóng về không gian máy tính. Dù sao, những người biết suy nghĩ thấy cần có mục đích, điều làm cho đời sống họ có ý nghĩa. Chúng tôi mời tất cả những ai có đầu óc cởi mở xem xét đề tài này.” Sách Belief in God and Intellectual Honesty (Niềm tin nơi Đức Chúa Trời và sự chân thật về tri thức) lưu ý rằng đặc điểm của người có sự chân thật về tri thức là sẵn sàng xem xét cẩn thận những gì mình tin là thật và chú ý đúng mức đến những bằng chứng khác sẵn có.


Những gì vừa bàn luận, những bằng chứng sẵn có ấy có thể giúp chúng ta xét xem có một Đấng Tạo Hóa tạo ra sự sống và vũ trụ hay không? Và nếu có một Đấng Tạo Hóa thì Đấng ấy như thế nào? Đấng Tạo Hóa có cá tính liên hệ đến đời sống của chúng ta không? Xem xét điều này có thể giúp chúng ta hiểu cách nào để làm cho đời sống mình bổ ích và có ý nghĩa hơn./.

Nguyễn Tài

No comments: