NHƯ HỒN TRONG XÁC
Lm. Nguyễn Hồng Giáo, OFM
Cho đến khi được hoàng đế Công-tăng-tin chính thức nhìn nhận (năm 313), đạo Chúa Kitô gặp muôn vàn khó khăn trong môi trường chính trị, xã hội và văn hóa thù nghịch của đế quốc Rôma; Kitô hữu thường xuyên bị kỳ thị, bị truy nã và bắt bớ; người ta vu khống cho họ nhiều thứ tội ác và thêu dệt nên những chuyện động trời chống lại họ, nhằm loại họ ra như những thành phần bất hảo. Về mặt khác, nhất là ở thế kỷ thứ II, họ còn phải đương đầu với những đòn công kích của người Do Thái và của một số nhà trí thức “ngoại giáo” trên bình diện tôn giáo và triết học nữa. Trong lúc đó thì tập thể tín đồ Chúa Kitô một mực cố gắng sống trung thành với đạo lý tốt lành của Chúa, hòa mình vào đời sống mọi người, đón nhận tất cả những gì là chân thiện mỹ dù từ đâu đến nhưng không ngại phản kháng thế gian tội lỗi và thâm tín rằng lối sống của mình đang tích cực phục vụ cho chính cái xã hội ghét bỏ mình, bách hại mình.
Về điểm này, Giáo Hội Công giáo còn giữ lại một tài liệu rất quý là một lá thư do một tác giả khuyết danh viết cho một người tên là Đi-ô-nhê-tô ở thế kỷ thứ II. Nó cho ta thấy rõ Kitô hữu ngay từ thời đầu và trong một hoàn cảnh hết sức khó khăn, đã ý thức rất rõ vai trò xã hội của Kitô giáo như thế nào. Tôi xin trích dẫn hơi dài một chút vì tôi thấy tài liệu cổ này quá hay và giúp tôi diễn tả cách sống động một vài điều tôi muốn trình bày trong bài viết này.
1. Như linh hồn trong thể xác...
“Các Kitô hữu không khác người ta về xứ sở, ngôn ngữ và tập quán trong đời sống. Họ không ở trong những thành phố riêng, không dùng ngôn ngữ lạ thường, cũng không sống một nếp sống khác biệt. Giáo lý của họ không phải do một sự suy tư nào đó, hay do mối bận tâm của những con người ham tìm hiểu nghĩ ra. Họ không bảo trợ một hệ thống triết lý nào do loài người chủ xướng như những người kia.
“Họ ở trong những thành phố văn minh cũng như bán khai, tùy theo số phận mỗi người đưa đẩy. Họ theo tập quán của dân địa phương trong cách ăn mặc và trong lối sống, mà vẫn cho thấy một nếp sống lạ lùng và ai cũng phải nhận là khó tin. Họ sống ở quê hương mình mà như những khách kiều cư. Họ chu toàn mọi nhiệm vụ công dân, nhưng phải gánh đủ thứ như khách ngoại kiều. Miền đất lạ nào cũng là quê hương của họ, nhưng quê hương nào cũng là đất khách đối với họ. Họ lập gia đình và sinh con đẻ cái như mọi người, nhưng không phá thai. Họ ăn chung với nhau một bàn nhưng không chồng chung vợ chạ.
“Họ sống trong xác thịt, nhưng không theo xác thịt. Họ sống ở trần gian nhưng họ là công dân Nước Trời. Họ tuân hành luật pháp, nhưng cách sống của họ còn hoàn thiện vượt trên luật pháp. Họ yêu thương mọi người, nhưng mọi người lại ngược đãi họ. Họ không được nhìn nhận, lại còn bị kết án. Họ bị giết mà vẫn được sống. Họ là những người hành khất, nhưng lại làm cho nhiều người nên giàu. Họ thiếu thốn mọi thứ, nhưng lại dư dật mọi sự. Danh thơm họ bị chà đạp, nhưng bằng chứng về đời sống công chính của họ lại được phô bày. Bị nguyền rủa, họ chúc lành; bị đối xử nhục nhã, họ tỏ lòng kính trọng. Khi làm điều thiện, họ lại bị trừng phạt như những kẻ bất lương. Người Do Thái giao chiến với họ như với ngoại bang, còn dân ngoại thì ngược đãi họ, và những kẻ ghét họ không thể nói lý do tại sao lại căm thù họ.
“Tôi xin nói đơn giản rằng: hồn ở trong xác thế nào, thì các Kitô hữu sống giữa thế gian cũng vậy (...) Linh hồn vô hình được gìn giữ trong thân xác hữu hình, thì người ta nhìn thấy các Kitô hữu sống trong thế gian, nhưng không thấy lòng đạo đức của họ. Xác thịt thù ghét và gây chiến với linh hồn, dù linh hồn không làm hại gì cho xác thịt, mà chỉ ngăn không cho nó hưởng lạc thú [tội lỗi]; thế gian cũng ghét các Kitô hữu như vậy, dù họ không gây thiệt hại gì cho nó, mà chỉ chống lại các lạc thú.
“Linh hồn yêu thân xác, nhưng thân xác và các chi thể lại ghét linh hồn; các Kitô hữu cũng yêu những kẻ ghét mình. Linh hồn bị giam giữ trong thân xác, nhưng thực ra chính linh hồn lại chứa đựng thân xác...”
2. Chỉ là đời sống Kitô hữu bình thường
Như mọi người mà vẫn khác với mọi người chung quanh, đó là một ý tưởng cốt yếu được lặp đi lặp lại trong lá thư này. Giống trong cái tốt, khác trong điều xấu. Một ý tưởng then chốt khác là: lấy điều lành đối lại điều dữ. Đây là hai nét tiêu biểu của một cuộc sống Kitô hữu chân chính giữa thế gian tội lỗi mà hẳn là ai cũng tán thành. Nhưng coi Kitô hữu ở giữa đời như linh hồn ở trong thể xác, phải chăng là tự đề cao quá đáng?
Chúng ta nên biết lá thư trên đây nằm trong loại văn thịnh hành trong giới Kitô giáo thế kỷ thứ II, gọi là văn chương hộ giáo (apologetics), nhằm minh oan, biện hộ cho Kitô giáo trước những lời phê bình, những hiểu lầm và thậm chí những vu cáo bất công của xã hội chung quanh, nhưng bức tranh mà tác giả vẽ ra đây về đời sống của tập thể Kitô hữu thời bấy giờ chắc chắn là trung thực. Để tồn tại trong một môi trường hết sức thù nghịch như thế chắc hẳn những người kém cỏi ươn ái khó đứng vững nổi. Quả thực, người Kitô hữu điển hình vào thời buổi ấy, chính là vị tử đạo. Tuy nhiên ở đây tác giả cũng không nêu lên việc làm phi thuờng nào của người tín hữu, ông chỉ nói tới đời sống bình thường của bất cứ người Kitô hữu nào cố gắng trung thành với giáo lý Tin Mừng. Mà thực ra sống đúng theo các đòi hỏi thông thường của Tin Mừng đã đưa người ta vượt lên rất xa khỏi cái tầm thường và bình thường rồi. Đọc lá thư này, tôi như nghe văng vẳng nhiều lời Kinh Thánh Tân Ước quen thuộc:
“Anh em không thuộc về thế gian và Thầy đã chọn, đã tách anh em ra khỏi thế gian, nên thế gian ghét anh em” (Ga 15, 19).
“Anh em đừng rập theo thế gian này, nhưng hãy cải biến con người anh em bằng cách đổi mới tâm thần, hầu có thể nhận ra đâu là ý Thiên Chúa: cái gì là tốt, cái gì là đẹp lòng Chúa, cái gì hoàn hảo” (Rm 12, 2).
“Anh em đã nghe Luật dạy rằng: hãy yêu đồng loại và ghét kẻ thù. Còn Thầy, Thầy bảo anh em: hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em...” (Mt 5, 43-44).
“Chính anh em là muối cho đời. Nhưng muối mà nhạt đi, thì lấy gì muối nó cho mặn lại? Nó đã thành vô dụng (...) Chính anh em là ánh sáng cho trần gian. Ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ, để họ thấy những việc tốt đẹp anh em làm mà tôn vinh Cha của anh em, Đấng ngự trên trời” (Mt 5, 13-14.16).
Và đặc biệt chỉ thị sau đây của thánh Phêrô cho đời sống Kitô hữu trong hoàn cảnh bị bắt bớ:
“Hãy giữ lương tâm ngay thẳng, khiến những kẻ phỉ báng anh em vì anh em ăn ở ngay thẳng trong Đức Kitô, thì chính họ phải xấu hổ vì những điều họ vu khống, bởi lẽ thà chịu khổ vì làm việc lành, nếu đó là ý của Thiên Chúa, còn hơn là vì làm điều ác” (1Pr 3, 16-17).
3. Phải như mọi người, đồng thời dám khác với mọi người
Đọc những lời Kinh Thánh trên đây cùng với đoạn thư gởi Đi-ô-nhê-tô, tôi cảm thấy thấm thía vị trí khó khăn của Kitô hữu giữa trần gian. Họ vừa phải dấn thân vào thế gian, sinh sống và làm việc như mọi người, nhưng đồng thời phải dám giữ một cự ly cần thiết với trần gian, phản kháng nó nếu cần và không sợ khác với mọi người khi mọi người làm điều xấu. Bởi vì người Kitô hữu ở giữa trần gian nhưng không thuộc về trần gian, y như Chúa Giêsu vậy. Có một thế gian tội lỗi luôn đối nghịch với họ và họ không thể nào làm bạn với nó được nếu họ muốn là môn đệ thật của Chúa Kitô. (Cũng đừng quên rằng cái thế gian đó vẫn có trong ta và luôn tìm cách chế ngự ta). Trước khi vĩnh biệt các môn đệ, Chúa Giêsu đã cầu xin với Chúa Cha cho họ rằng: “Con đã truyền lại cho họ lời của Cha, và thế gian đã ghét họ, vì họ không thuộc về thế gian, cũng như con đây không thuộc về thế gian. Con không xin Cha cất họ khỏi thế gian, nhưng xin Cha gìn giữ họ khỏi ác thần” (Ga 17, 14-15).
Kinh nghiệm cho thấy rằng chúng ta không dễ gì giữ được thăng bằng giữa hai mặt tương phản vừa nhập thế vừa xuất thế mà ơn gọi Kitô hữu đòi hỏi. Rập hẳn theo thế gian hay dứt khoát chống lại nó thì đơn giản hơn nhưng không được phép. Trong thực tế chúng ta thường tìm một sự thỏa hiệp nào đó khiến ta không quá căng thẳng với thế gian mà cũng không đến nỗi phản bội lý tưởng làm môn đệ của Chúa cách lộ liễu. Nhưng chính vì thế mà đời sống Kitô hữu chúng ta thiếu lửa, và vì thiếu lửa nên cũng thiếu sức thuyết phục và tính ngôn sứ, tính phản biện. Như thế, chúng ta không phục vụ xã hội và đồng bào bằng cái phần đóng góp riêng của mình mà họ cần thiết nhất: cái phần hồn cho nó.
4. Một lời chất vấn
Theo một tờ báo xuất bản tại Tp. HCM mới đây, thì phim ảnh, băng dĩa, báo chí tình dục đủ loại đang tràn ngập hai nước Thái Lan và Philíppin mặc dù đó là những nước sùng đạo bậc nhất, đạo Phật và đạo Công giáo. Bài báo mỉa mai nêu câu hỏi: phải chăng nền đạo đức tôn giáo không đủ sức ngăn chận làn sóng dâm ô tai hại này?
Tôi thấy cách đặt vấn đề như trên có vẻ quá đơn giản, nhưng dù sao cũng làm tôi chột dạ và tự hỏi: đâu là ảnh hưởng của Công giáo Việt Nam trên xã hội hiện nay, một xã hội đang phát triển khá mạnh mẽ về vật chất nhưng đang “teo” dần về mặt tinh thần, đạo lý? Nói tới ảnh hưởng, đa số chúng ta thường nghĩ trước tiên tới những tổ chức, cơ cấu, cơ sở và những hoạt động bề ngoài ai cũng thấy được. Nghĩ như thế không sai. Những thứ đó là tốt. Nhưng đừng quan trọng hóa chúng quá mức vì đó chưa phải là yếu tố quyết định. Cái quyết định là phẩm chất Tin Mừng của đời sống Kitô hữu chúng ta, cá nhân và tập thể. Nói cho cùng, cơ cấu tổ chức và công việc mới chỉ là cái xác mà ai cũng có thể tạo ra được; quan trọng hơn là cái “linh hồn” người ta mặc cho nó. Nếu việc làm chúng ta không phát xuất và được nuôi dưỡng bởi tinh thần Chúa Kitô, thì dù có ảnh hưởng nào, ảnh hưởng đó cũng chỉ là bề ngoài và chưa có gì đặc thù của Kitô giáo cả. Thiếu tinh thần đó, chúng ta chỉ làm chứng cho mình, chưa phải cho Chúa Kitô. Nhìn vấn đề như thế thì ảnh hưởng của ta hiện nay trên xã hội tuy dễ thấy hơn, nhưng chưa chắc đã lớn hơn, sâu hơn các thời khó khăn trước đây, nhất là những năm liền sau ngày lịch sử 30/4/1975.
Theo hướng suy nghĩ này, tôi đọc lại Thư mục vụ năm 2006 của Hội Đồng Giám Mục. Các ngài đã vạch ra một hướng Sống Đạo cho hôm nay, “trong hoàn cảnh xã hội Việt Nam đang bước vào tiến trình toàn cầu hóa, vốn đem lại những tác động tích cực nhưng cũng đặt ra những thách đố mới cho cả đời lẫn đạo” (TMV 06, II.4). Chúng ta đang chứng kiến một sự thay đổi các giá trị, thậm chí một cuộc đảo lộn các giá trị đang diễn ra khắp nơi trong xã hội ta, mạnh mẽ trong các đô thị và lặng lẽ hơn trong vùng thôn quê. Người tin Chúa đang làm chứng cho những giá trị nào đây? Trong khi khuyến khích người tín hữu hãy thực hiện một số những giá trị Kitô giáo đặc biệt cần thiết hiện nay, các Giám mục cũng gián tiếp nhắc tới những “phản giá trị”, những tệ nạn đang tràn lan trong xã hội, như dối trá, phá thai, ly dị, chạy theo vật chất và làm giàu bất chấp mọi quy luật đạo đức, chà đạp nhân phẩm (hãy nghĩ tới nạn đĩ điếm, những vụ buôn bán phụ nữ trẻ em, hay vụ 118 cô gái miền Tây bị tập kết ở Sài Gòn ngày 9/4 mới đây cho 7-8 người đàn ông Hàn Quốc tuyển làm vợ), v.v. Để chống lại các tệ nạn đó và “góp phần tích cực vào sự phát triển bền vững của xã hội cũng như của Giáo Hội”, các Giám mục hướng dẫn người Công giáo phải tự mình canh tân đời sống mình, nêu gương sáng, xây dựng “lối sống thắm đượm tinh thần Phúc Âm”,“phát huy những giá trị Kitô giáo trong đời thường”, “quan tâm xây dựng và duy trì những giá trị vô cùng cao quý của đời sống hôn nhân và gia đình Công giáo”, “cương quyết không để cho ‘văn hóa sự chết’ lôi cuốn mình”... Đó cũng là một cách phản kháng, phản kháng tích cực bằng chính đời sống mình thay vì phản kháng bằng lời nói suông, mặc dù cách phản kháng này cũng cần thiết tùy nơi tùy lúc. Tóm lại, các Giám mục chúng ta rất nhấn mạnh chất lượng đời sống theo Tin Mừng trong việc phục vụ xã hội, coi đó là yếu tố quyết định.
Xin trích dẫn hai câu: “Nếu trong đời sống Kitô hữu, Chúa Giêsu thực sự là điểm quy chiếu và là chuẩn mực giúp nhận định giá trị các hành vi, thì sự hiện diện tích cực qua việc sống đạo của Kitô hữu trong xã hội sẽ trở thành lời chứng về những giá trị của Tin Mừng và trở nên dấu chỉ của niềm hạnh phúc trên trời” (TMV 06, 4). Và câu kết lá Thư mục vụ: “Chúng ta hãy sống đạo hôm nay theo tinh thần Phúc Âm, để làm vinh danh Thiên Chúa và góp phần xây dựng hạnh phúc cho mọi người” (TMV 06, 11).
Phương thế đầu tiên và tốt nhất để người Công giáo phục vụ xã hội trong tư cách Kitô hữu là xây dựng nếp sống cá nhân và tập thể giàu chất lượng Tin Mừng, hay nói theo tác giả thư gởi Đi-ô-nhê-tô, là cố gắng sống trong xã hội như linh hồn trong thể xác ?
No comments:
Post a Comment