Monday, November 26, 2007

MỘT THẾ GIỚI KỸ THUẬT SINH HỌC MỚI:

“QUÁI KIỆT” NGƯỜI-THÚ

Tác giả John L. Allen Jr. - Nguyệt san National Catholic Reporter.

Chuyển dịch: Jb. Vubao

Những tờ báo lá cải thường rỗng trống nội dung nhưng rực rỡ đủ loại hoa bướm màu mè. Thế nhưng thời gian gần đây tại Âu châu và vùng Bắc Mỹ các loạt báo đang gây chấn động toàn xã hội với những tấm hình trên trang nhất mô phỏng các “quái kiệt” (chimera) mang tế bào di truyền của người hòa trộn với thỏ hay bò sữa, được mệnh danh là “những chàng thỏ kỳ tài” hay “những ả bò tuyệt chiêu”.

Sức cuồng nhiệt càng sục sôi khi Ủy Ban Cấy Thai và Phôi Thai Người tại Anh Quốc ngồi lại cứu xét tính hợp pháp của các “quái kiệt” người-thú này. “Quái kiệt” xem ra như tiểu thuyết khoa học viễn tưởng, thực ra đã hiện hữu từ lâu nhưng không được chú ý rầm rộ linh đình như hiện tại. Đã từng có những bò sữa được cấy tế bào phôi thai người để tạo ra một loại chất đạm giống của người ngay trong sữa bò, được các nhà khoa học sử dụng chữa trị bệnh di truyền máu chậm đông (hemophilia). Hoặc những con chuột được tiêm vào óc não tế bào của người, hiện đang được các nhà khoa học xét nghiệm chữa trị bệnh Parkinson’s và bệnh Alzheimer’s.

Những thí nghiệm khoa học trên xem ra tương đối vô hại theo khóe nhìn đạo đức. Con bò sữa có sản sinh ra chất đạm của người cũng vẫn chỉ là bò, không hơn không kém. Tuy nhiên, trước đà tiến nhanh, mạnh, dài, rộng của nền kỹ thuật sinh học hiện đại, người phải tự hỏi đâu là biên giới cho cuộc hòa trộn người-thú để không gây nên những xáo trộn căn bản về đơn nhất tính của người cũng như loài thú.

Một ví dụ: Trong bộ phim Công Viên Khủng Long của Michael Crichton, cuốn “Kế Tiếp” (Next) kể về một nhà nghiên cứu thuộc Viện Khoa Học Y Học Quốc Gia hòa trộn tế bào di truyền của người và khỉ chimpanzee, với nỗ lực tạo ra một mẫu người hoàn chỉnh (đúng ra phải gọi là “humanzee”). Từ đó, những vấn nạn xung quanh thụ tạo này phát sinh: Nó có thể hưởng trọn quyền sống làm người không? Có thể xem là bóc lột khi nó lao động gấp ba, gấp năm người bình thường? Và trong khóe nhìn tôn giáo, nó có thể có linh hồn không? Quả là những câu hỏi nhức nhối cho các nhà thần học và luân lý.

Chưa hết, còn một “yếu tố hãi hùng” nhiều người e ngại là những đột biến trong chuyển đổi chủng loại có thể phát sinh trong phòng thí nghiệm. Giữa bao hoài nghi và vấn nạn, hầu hết các chuyên gia đều công nhận kỹ thuật hiện đại có khả năng thực hiện nhiều điều tưởng như không thể; nhưng đồng thời, lịch sử người cũng minh chứng con người không hề thỏa mãn với những phát minh tiên tiến trong vòng vây an toàn, và chỉ muốn “xé rào” đi hoang.

Xin ngả nón chào thế giới cách mạng kỹ thuật sinh học mới đầy triển vọng. Thế nhưng, luồng sáng trước mặt vẫn lung linh, khi mờ khi tỏ thật khó lường.

Tại Hoa Kỳ, cuộc tranh luận về các “quái kiệt” người-thú nở rộ vào năm 2005, khi Thượng Nghị Sĩ Sam Brownback (hiện là ứng viên Tổng Thống Mỹ năm 2008 của đảng Cộng Hòa) giới thiệu với quốc hội “sắc lệnh ngăn cấm sản xuất người-thú”, ngăn cản việc tạo các thú vật với tế bào gen từ óc não người hay các tế bào gen thuộc các cơ phận khác trong người. Lý do căn bản là vi phạm nhân cách người và có thể tạo ra các loại bệnh tật do hòa trộn chủng loại. Sắc lệnh trên được Hội đồng Giám mục Mỹ cổ võ nâng đỡ, nhưng rất tiếc đã không được quốc hội họp bàn bỏ phiếu. Trong bài diễn văn tổng kết năm 2006 trước quốc hội và toàn quốc, Tổng thống Bush cũng ra lệnh ngăn cấm “lai giống người với thú vật”.

Linh mục Dòng Chúa Cứu Thế Brian Johnstone, nhà thần học về luân lý tại Đại học Công giáo America, tiểu bang Washington, xác quyết Giáo hội chưa hề có lời dạy chính thức trực tiếp liên quan đến “người-thú”. Nhưng các tài liệu về cấy ghép cơ phận người đã đưa ra một nguyên lý rõ nét: Việc chuyển đổi chất liệu di truyền nơi các chủng loại khác nhau có thể chấp nhận được, bao lâu nhân tính của cá thể, kể cả dòng dõi của cá thể đó, vẫn được bảo vệ. Bất cứ điều gì làm mờ nhạt mối phân cách giữa hữu thể người với các loài thụ tạo khác đều được xem là quá trớn.

Không chỉ các nhà tôn giáo quan tâm đến vấn đề “người-thú”, các nhóm bảo vệ thú vật luôn chống đối những người lạm dụng bóc lột thú vật cho mục tiêu riêng mình. Các nhà môi trường cũng ưu tư đến những thao tác liên quan đến tế bào di truyền có thể tác hại đến thiên nhiên và môi trường sinh thái.

Dù bất cứ trên lãnh vực nào, các “quái kiệt” người-thú đang bùng lên những thách đố luân lý nghiêm trọng, đôi khi nổi da gà. Đâu là lằn ranh giới hạn cho khoa di truyền học hôm nay? Thánh Bộ Đức tin Vatican hôm 28 tháng Giêng vừa qua loan báo Ủy Ban đang chuẩn bị công bố một tài liệu chuyên biệt về đạo đức sinh học, tiếp nối Thông điệp Donum Vitae 1987. Hy vọng tài liệu sẽ đề cập đến vấn đề luân lý sôi bỏng này.

Mâu thuẫn từ nguyên khởi

Theo thần thoại Hy lạp, “quái kiệt” nguyên thủy là một con thú hung dữ pha trộn bởi bốn loài thú khác nhau: sư tử, dê, rồng, và rắn. Mỗi khi “quái kiệt” nổi cơn tam bành gây ra dông bão và đắm tàu. Ai đã từng qua những lớp Triết Thượng Cổ đều biết rằng “quái kiệt” bị thần Bellerophon giết chết khi đang cưỡi Pegasus, ngựa bay bằng cánh - cũng là một sản phẩm pha trộn các chất liệu di truyền. Xem ra các “quái kiệt” đã rơi vào vòng mâu thuẫn ngay từ khởi thủy.

Hiện nay, hạn từ “chimera” được dùng để chỉ các cá thể mang hai dòng di truyền khác biệt nhau.

Lai giống là hòa trộn các chất liệu di truyền giữa hai chủng loại để hình thành một chủng loại khác hoàn toàn. Nơi “quái kiệt” người-thú, hai hệ thống tế bào gen di truyền của người và thú vẫn hoàn toàn biệt lập. Theo ngôn từ kỹ thuật, một người cấy ghép lá gan heo trong cơ thể có thể được xem là “quái kiệt” (chimera). Thế nhưng chẳng ai xem tiến trình cấy ghép này là một vi phạm luân lý nghiêm trọng. Không ai tin rằng người mang lá gan heo trong cơ thể bị giảm thiểu nhân cách người, hoặc biến thành một “quái kiệt” người-heo.

Ý tưởng căn bản về “chimera” không mới mẻ gì. Cách đây bao thế kỷ các nhà dự báo tương lai đã tưởng nghĩ đến những “quái kiệt” tung hoành trên thế giới này. Cụ thể hơn, 20 năm về trước, các nhà nghiên cứu đại học Harvard đã cho một chú chuột mang gen ung thư người, gọi là “chuột hệ ung thư người”.

Cuộc tranh luận “quái kiệt” hôm nay có phần khác hơn xưa do mối liên kết ý tưởng “quái kiệt” với nghiên cứu tế bào phôi (stem-cell research). Kỹ thuật sinh học hiện đại hôm nay có khả năng sắp xếp các tế bào nguyên thủy này vào các cơ phận lành mạnh như tim, gan, thận nhằm thay thế những cơ phận hoạt động không ổn thỏa trong cơ thể người. Tuy nhiên, các cơ phận lành mạnh cần được phát triển và xét nghiệm đâu đó - nghĩa là trong cơ thể các thú vật. Lý tưởng hơn, nên gài vào thú vật đó một số gen của bệnh nhân để cơ phận sẽ cấy ghép sau này không bị hệ miễn nhiễm của bệnh nhân tẩy chay.

Như thế, để phát triển những tiềm năng của nghiên cứu tế bào phôi, ta phải sử dụng đến các “quái kiệt” (chimera). Xin cùng hình dung: một con khỉ đang tung tăng leo trèo với trái tim người bên trong và những tế bào phôi của người. Một chú heo trong chuồng đang nhìn ngắm bạn bằng cặp mắt người thật. Đối với một số người chuyện nghe sao có vẻ rờn rợn, ghê ghê...

Richard Doerflinger, Giám đốc điều hành phong trào Bảo Vệ Quyền Sống thuộc Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ, can ngăn: “Bạn đang tạo ra những hữu thể mà không hề lường trách nhiệm luân lý của bạn với các hữu thể mới đó đến đâu”.

Thật thế, nhiều “quái kiệt” hôm nay đang được thiết dựng nhưng không hề mang những ràng buộc luân lý nào. Những chú heo sống với tế bào máu của người để nghiên cứu virus SIDA xuất hiện ra sao. Những con chuột mang tế bào ung thư tuyến tiền liệt của người với hoài bão khắc phục bệnh ung thư. Những con cừu với tế bào máu người trong cơ thể để kích thích sản sinh yếu tố đông máu, giúp chữa trị bệnh nhồi máu cơ tim và tai biến mạch máu não.

Tara Seyfer, nhà nghiên cứu khoa học Công giáo, hiện đang làm việc cho Văn phòng Cuộc Sống Gia Đình thuộc tổng Giáo phận Philadelphia. Bà viết rất nhiều tài liệu về “quái kiệt”. Theo bà, những tiến trình như trên được xem là “hợp pháp luân lý”.

Tuy nhiên, một trong những chống đối căn bản đối với nghiên cứu tế bào phôi là kêu gọi các phụ nữ “cống hiến” trứng của họ cho nghiên cứu. Trong khi luật pháp cấm mua bán cơ phận con người, một số phụ nữ “hiến” trứng cho phụ nữ khác giúp thụ thai trong ống nghiệm, và nhận về 3000 đến 5000 đô-la tiền bồi hoàn khoảng thời gian chữa trị (5-8 tuần) và những bất tiện do chu trình chữa trị gây ra. Sau đó, những tế bào “thặng dư” không cần thiết được tận dụng vào việc nghiên cứu.

Các nhà phê bình xem đây như cuộc thương thảo đấu giá các chất liệu sinh sản của con người, đặc biệt khi các quảng cáo thường nhắm đến đối tượng phụ nữ trẻ, đang học đại học, và có nhu cầu mạnh về tiền bạc.

Một số nhà khoa học vội chuyển qua sử dụng trứng thú vật, hy vọng làm giảm áp lực trách nhiệm luân lý. Tuy nhiên, theo các nhà phê bình, tiến trình đó cũng chẳng nhẹ gì hơn vì mục tiêu vẫn là nỗ lực tạo ra tế bào phôi người cho công cuộc nghiên cứu.

Có lẽ đại họa luân lý vĩ đại nhất với các “quái kiệt” không là những gì đang thực hiện hôm nay, nhưng là những hoạch định cho mai ngày.

Một ví dụ, Crichton có ý tưởng về chú người-khỉ “humanzee” từ Stuart Newman, nhà sinh học phát triển thuộc Đại học Y khoa New York, và nhà kỹ thuật sinh học Jeremy Rifkin. Năm 1997, hai nhà khoa học trên nộp đơn xin độc quyền khai thác sản phẩm hòa trộn người-khỉ “humanzee”. Nghĩa là trong 20 năm liền, không ai được quyền tạo ra những sản phẩm tương tự.

Seyfer cho rằng những “quái kiệt” bao gồm người và động vật linh trưởng không phải người có thể gây nhiều tác hại nghiêm trọng, vì cấu trúc chuỗi di truyền của các động vật này rất giống với chuỗi di truyền của người, có thể gây ra “hỗn loạn di truyền” giữa các chủng loại. Các loài thú linh trưởng có khuynh hướng phát triển những thuộc tính “giống người” nếu được cài đặt các tế bào di truyền người. Thế nhưng nhiều khoa học gia vẫn tiếp tục tiến hành nghiên cứu. Eugene Redmond, giáo sư về tâm thần và giải phẫu thần kinh tại đại học Yale, vẫn đang nỗ lực cấy tế bào phôi gốc người vào những con khỉ màu xanh lá gốc Phi Châu để nghiên cứu phương pháp chữa trị bệnh Parkinson’s.

Dù với bất cứ chủ đích nào, nhiều người lo ngại các cuộc nghiên cứu đang rơi vào hố thẳm tương tự.

Khoa học gia Irving Weissman thuộc đại học Stanford chích vào những con chuột tế bào óc não người nhằm tìm giải pháp chữa trị những bệnh về óc não như Alzheimer’s. Trong trường hợp này, chất liệu di truyền đưa vào óc não chuột chỉ dưới 1% số lượng óc não chuột. Năm 2005, Weissman tuyên bố ông muốn cấy tế bào trung tính của người vào óc não chuột đến mức chuột dần mất hết tế bào thần kinh của riêng mình, nghĩa là từ tỷ lệ dưới 1% chuyển thành gần như 100% chất liệu di truyền của người trong óc não khỉ.

Cứ xem như giờ đây óc não khỉ hoàn toàn là óc người, dù thể tích bộ óc khỉ quá nhỏ để chứa toàn bộ óc não người. Thật khó để tưởng tượng một con thú gặm nhấm Einstein. Dẫu sao, ai biết được chắc chắn chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo?

Doerflinger cho rằng thí nghiệm đầu tiên của Weissman có thể chấp nhận được, nhưng thí nghiệm tiếp theo quả là “một bước quá xa”, mặc dù ông phải thừa nhận thật khó để xác định biên cương luân lý giữa hai thí nghiệm. Ông nói: “Bạn có thể phân định rõ ràng ngày và đêm, nhưng làm sao có thể xác định chính xác thời điểm hoàng hôn. Tôi không thể nhìn rõ đâu là lằn ranh luân lý giới hạn”.

Johnstone cho rằng các nhà thần học luân lý cần làm sáng tỏ vấn đề trong lãnh vực này. Ông nói: “Giáo hội Công giáo cần làm rõ nghĩa hơn đâu là nhân cách người. Cho đến hôm nay, các nghiên cứu thần học về “chimera” còn quá ít ỏi”. Johnstone thông cảm với khóe nhìn trực giác bảo thủ của Doerflinger, nhưng “chúng ta phải có lý khi bảo vệ quan niệm chính mình”.

Johnstone nói tiếp: “Nhân cách người không gắn liền với chuỗi gen của chúng ta. Nhân cách đi liền với nhân vị, và chúng ta cần khai triển điều đó mang nghĩa gì”. Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện tại, Johnstone cho rằng những ai đang phủ nhận giá trị luân lý trên các chimera phải gánh chịu trách nhiệm trên công việc chính mình, đặc biệt trong những trường hợp vật thí nghiệm có số phần trăm đáng kể chất liệu di truyền của người.

Văn phòng cấp bằng sáng chế của Hoa Kỳ cũng đã xác định đường ranh giới cho “humanzee”. Văn phòng khẳng định thụ tạo do Newman và Rifkin sáng chế quá “người”. Hiến luật bổ sung thứ 13 của Hoa Kỳ ngăn cấm nô lệ, nghĩa là không ai có quyền sở hữu “người”. Và như thế “humanzee” không thể được cấp bằng sáng chế.

Khẳng định một lập trường

Giáo hội Công giáo không hề đối kháng việc ghép các chất liệu di truyền từ thú vật vào cơ thể người. Ngược dòng thời gian, Đức Piô XII năm 1956 đã phê chuẩn chu trình ghép võng mô thú vật vào mắt người. Đức Thánh Cha xác định với Hiệp Hội Cống Hiến Võng Mô tại Ý và Công Đoàn Người Mù Ý: “... nếu đó là việc làm được và nên làm theo nghĩa sinh học”.

Tuy nhiên, điều Giáo hội còn đang e dè là chu trình cấy ghép óc não hay các cơ phận sinh sản có được xem là chính yếu ảnh hưởng đến tính đơn nhất của một cá thể không. Ủy Ban Giáo Hoàng về Sức Khỏe trong “Hiến chương cho các chuyên viên chăm sóc sức khỏe” năm 1995 khi phê chuẩn một số trường hợp cấy ghép cơ phận, đã khẳng định: “Óc não và các tuyến sinh dục không thể được cấy ghép, vì chúng tương đối tiêu biểu cho con người đó với tư cách một ngôi vị và tiếp nối giống nòi. Đây là những cơ phận gắn bó chặt chẽ với đặc tính đơn nhất của con người, và y khoa có nhiệm vụ phải bảo vệ bằng bất cứ giá nào”.

Không rõ Thánh Bộ Đức Tin sẽ định hướng ra sao về “quái kiệt” người-thú trong tài liệu mới nhất về nền đạo đức sinh học. Xin cùng đợi chờ trong hy vọng. Seyfer khẳng định: “Nguyên tắc đã có đó. Nhưng trước những vấn đề chuyên biệt, hướng dẫn càng rõ nét, đường tiến càng thêm vững chãi”.

Hôm nay, nhiều người đang nhìn các “quái kiệt” như những quái thai kinh dị. Deborah Brunton, một chuyên gia về lịch sử y học tại Đại học Mở Rộng ở Anh, mô tả cơn ác mộng của người thời đại về chimera giống như nỗi sợ thuốc chủng ngừa bệnh đậu mùa vào những thập niên 1800. Thuốc chủng đậu mùa bao gồm một lượng rất nhỏ vi khuẩn đậu bò, một loại bệnh ngoài da của loài bò sữa, được chế biến thành thuốc ngừa bệnh đậu mùa ở người. (Chính vì thế, hạn từ chủng ngừa - vaccine - ra đời do tiếng Latinh vacca: con bò sữa). Biết bao người hoang mang lo lắng, đôi khi nổi tam bành, khi hay biết người ta đang chích vào trẻ em những tế bào di truyền dị dạng của bò sữa. Brunton diễn tả: “Có những hình vẽ châm biếm một người sau khi chính ngừa biến dạng thành đầu bò và ngúng nguẩy chiếc đuôi bò sau mông. Chưa hết, nhiều chuyên viên y khoa báo cáo hiện tượng có những trẻ phát triển chùm lông lạ ở tay và chân, trẻ khác húng hắng ho giống tiếng bò sữa...”. Kết cục, các báo cáo trên chỉ là sản phẩm của trí tưởng tượng. Brunton tin rằng nỗi sợ “chimera” hôm nay rồi cũng sẽ được giải quyết ổn thỏa bằng chính thành quả của khoa học hiện đại.

Bất chấp cuộc tranh luận về “quái kiệt” đi về đâu, hai thái cực sau đây cần phải loại trừ: Thứ nhất, nỗi nghi hoặc “Tào Tháo” về các “quái kiệt” có thể phá đổ biết bao nghiên cứu giá trị và vô hại về mặt đạo đức của khoa học sinh học hiện đại; Mặt khác, thái độ hăm hở “chuộng của lạ” có thể mở đường cho những “quái thai quái đản” như tác phẩm “humanzee” của Crichton nêu trên. Vấn nạn luôn là: đâu là chính xác “điểm trung dung” giúp các khoa học gia tung hoành tìm tòi khai phá, đồng thời để các nhà đạo đức và thần học gia cầm cương đạp thắng đúng nơi đúng lúc.

Theo Doerflinger, một yếu tố sâu xa hơn vượt ngoài lãnh vực khoa học cần được quan tâm khi nghiên cứu vấn đề “quái kiệt”. “Một số người đang muốn coi nhẹ hay xóa mờ nét thánh thiêng cuộc sống người khi cho rằng các chủng loại có thể thay thế lẫn nhau. Nếu thế, những luật tự nhiên dựa trên nền tảng bản chất người đang đi đến chấm tận. Và đâu sẽ là nền tảng cho quyền con người? Cảm quan, giác quan, hay tri giác?” Doerflinger cho rằng đây mới đích thực là nỗi đe dọa, nỗi lo trước cơn giông tố “quái kiệt”.

Tuy nhiên, công chúng thường bị mê hoặc bởi những cảm nhận bản năng hơn là những suy tư triết học. Leon Kass, nguyên chủ tịch Ủy ban về Đạo Đức Sinh Học của Tổng thống Hoa Kỳ, từng lên tiếng: “Rùng mình kinh hãi không phải là một lập luận. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, đó là nét diễn tả phong phú của trí thông minh sâu sắc. Những người suy tư nông cạn thường dễ quên rùng mình hãi sợ”.

Đứng trước biện chứng giữa khoa học và nỗi rùng mình, vấn đề “quái kiệt” quả gay go cho cuộc đi tìm lời giải đáp ?

No comments: