Lời Kinh Sutra
Có một người tên Tetsugen. Ông là một tâm hồn Thiền ở Nhật bản mơ ước in các tập kinh điển Thiền Sutra cho dân Nhật. Bấy giờ kinh điển của Thiền mới có bằng tiếng Trung Hoa bên Tầu. Ông lặn lội khắp nơi xin tiền. In bằng bản khắc trên gỗ, công trình rất cam go, tốn phí. Sau mười năm dành được tiền, sắp đem in kinh, dòng sông Uji ngẫu hứng dâng nước tràn ngập, lụt lội khắp miền. Dân chúng lâm cảnh màn trời chiếu đất, mất mùa khốn khổ.
Băn khoăn trước số tiền mười năm quyên góp được, in kinh hay cứu người?
In kinh để truyền bá một triết lý, gầy dựng cả một suy tư tôn giáo. Cứu người chỉ là giai đoạn nhất thời. Rồi ai mà không chết? In kinh có thể lưu danh lại tên tuổi. Ấy vậy mà Tetsugen không đành lòng đem tiền in kinh. Ông bỏ hết số tiền tích góp mười năm trời giúp nạn nhân lụt lội của dòng sông Uji. Thế là công trình mười năm với giấc mộng truyền bá Zen cho dân tộc Nhật theo dòng sông nước đục chảy vào hư vô.
Tha thiết với tấm lòng, ông lại lên đường hành khất xin tiền lần nữa. Mấy năm sau, dành dụm được một số tiền, ai ngờ một nạn dịch lan tràn, bao nhiêu người chết, động lòng trắc ẩn, ông lại đem hết tiền in kinh giúp người khốn khổ. Thoáng qua đã mười mấy năm. Tuổi đời theo thời gian ngắn lại.
Hết tiền in kinh, lòng ông vẫn tha thiết, ông lên đường xin lần thứ ba. Mất mấy năm nữa, lần thứ ba này ông in được bộ Sutra. Thấm thoát hai mươi năm. Bản in gốc của bộ Sutra hiện còn lưu giữ tại Obaku, thiền viện ở Kyoto. Tôi đọc câu chuyện này ở Thiền viện Bodhi Zendo, Ấn Ðộ trong cuốn Zen Flesh, Zen Bones (trang 44).
Trên đây không phải câu chuyện dụ ngôn để dạy thiền sinh. Nó là tấm lòng có thật. Một trái tim bồ tát, trái tim Chúa Kitô. Có những dòng sông và những định mệnh. Có nhiều dòng nước phù sa, lụt lội. Dòng sông và lời kinh ở đâu cũng có. Nhưng những tấm lòng dám hy sinh lời kinh vì lấy con người làm chính lời kinh thì không nhiều. Bởi nó là một lối suy tư rất khác. Ôi! những con người với những tấm lòng.
Hôm nay, nhắc nhở đến Tutsugen, dân Nhật giáo dục con cái họ là Tetsugen đã in ba lần bộ kinh Sutra. Lần thứ nhất ông in bộ kinh ấy trong trận lụt của dòng sông Uji. Lần thứ hai in trong cơn bệnh dịch của xứ sở. Lần thứ ba in bằng mực. Hai lần trước vô hình không nhìn bằng mắt xác thịt được, nhưng hai lần ấy cao cả linh thiêng hơn lần thứ ba.
Ðền thờ Jêrusalem đẹp thế, các môn đệ xít xoa khi đi ngang qua, thế mà Chúa chẳng để ý. Chúa bảo đền thờ là một tấm lòng.
Trong bối cảnh hôm nay, giả sử Tetsugen là linh mục, là ông trùm, ông biện, có thể ở Việt Nam, ở Ấn Ðộ hoặc bất cứ nơi đâu, ông sẽ xử trí ra sao? Giả sử ông là tu sĩ trưởng, ông sẽ hướng dẫn cộng đoàn, ông sẽ suy tư thế nào với lối sống Tin Mừng trong lòng dân tộc nơi ông sống?
Nhóm trẻ hai mươi hai người. Một người đàn ông Nhật Bản độ ngũ tuần và tôi là hai người lớn tuổi nhất. Tôi đến đây để quan sát và nghe đám trẻ nói gì về kinh nghiệm sống của họ trong những ngày làm thiện nguyện với các sơ dòng Mẹ Têrêsa ở Calcutta. Trong nhóm hai mươi hai người, khi tự giới thiệu, tôi nhớ được họ đến từ Pháp, Úc, Thụy Ðiển, Nhật, Mexico, Ðức, Mỹ, Bỉ, Singapore, có hai cô bé Việt Nam Tuyết Anh và Lan đến từ Na Uy.
Họ bỏ mùa hè qua làm việc giúp người nghèo, săn sóc các em bé mồ côi trong nhà của các sơ dòng Mẹ Têrêsa. Cha Robert Drugman, một linh mục dòng Tên, người Canada qua Ấn Ðộ truyền giáo từ ngày còn là thanh niên mở lời chào nhóm bạn trẻ:
- Các bạn thân mến, tôi nhân danh Mẹ Têrêsa chào các bạn. Tôi nhân danh Mẹ vì ngày còn sống, Mẹ đã trao công việc này cho tôi, là mỗi tháng một lần, tôi hướng dẫn các bạn, chúng ta cầu nguyện và nói chuyện với nhau. Vì sao các bạn đến đây? Ngày còn sống, Mẹ Têrêsa dặn tôi hai điều này:
Trước hết, các bạn là chứng nhân. Những người Ấn bỏ bị bỏ rơi bên lề cuộc sống luôn nghĩ rằng quốc gia các bạn là thiên đàng. Họ là những người mang mặc cảm thế giới từ chối, hất hủi họ. Khi các bạn đến đây, các bạn làm họ phải đặt vấn đề, là thiên đàng tại sao có người bỏ thiên đàng đó, đến đây sống thiếu thốn với những người khốn khổ như họ. Ðặt vấn đề như thế họ sẽ thấy vẫn còn có những tình yêu. Trong ý nghĩa ấy, các bạn là chứng nhân.
Ðiều thứ hai, các bạn học hỏi được gì? Ra về các bạn sẽ sống thế nào với đời mình và với người chung quanh?
Cha Robert Drugman cũng như các linh mục thừa sai khác, họ là những thanh niên đáp lại tiếng gọi truyền giáo của Chúa lúc còn là thanh niên. Hầu hết các cha thừa sai ngoại quốc còn sống sót ở đây, họ đến Ấn Ðộ lúc khoảng hai mươi mốt hay hai mươi bốn tuổi. Năm nay cha Robert Drugman đã bẩy mươi tư tuổi. Sau buổi nói chuyện với nhóm thiện nguyện viên, tôi tò mò về con người này.
Có lần cha Robert mời tôi lên phòng ngài. Căn phòng quá đơn sơ. Dáng cha bước đi dường như bao giờ cũng vất vả, bước vội vã, lúc nào cũng mồ hôi ướt đẫm áo. Ở Ấn Ðộ phải ngủ trong mùng, muỗi rất nhiều. Chiếc mùng của cha quá ngắn. Bốn cọc mùng cao lêu khêu, chiếc mùng bắt ngang lưng cọc, chui vào vất vả. Phòng không trang hoàng gì, chiếc giường trơ trọi ở giữa. Lúc cha tìm cuốn sách trong thùng giấy ngài muốn tặng tôi, tôi nhanh tay quét xuống mặt bàn xem có bụi dơ không hay vì nó quá cũ.
Lần kể chuyện Mẹ Têrêsa gặp người đàn ông chết vì không nhà thương nào chịu nhận, cha Robert nói thêm:
- Mẹ cứ nghe tiếng Chúa kêu "Ta khát."
Sau này, khi đến làm việc trong nhà dành cho người sắp chết. Tôi thấy trên tường treo nhiều hình Chúa chịu nạn trên thánh giá với hàng chữ to bên dưới: I Thirst. Ta khát. Ðiều cha Robert nói về kinh nghiệm thiêng liêng của Mẹ Têrêsa rất hợp lý, nếu không vì sao có nhiều tấm hình như vậy khắp nơi (chuyện Mẹ Têrêsa thấy người đàn ông sắp chết sẽ kể vào dịp khác).
Thiền sư Zen Tetsugen đã in lời kinh Sutra bằng tình yêu con người hơn là trên giấy. Mẹ Têrêsa cũng in những lời kinh Sutra bằng lòng xót thương chứ không bằng mực. Thầy Bà La Môn kia cũng không in lời kinh bằng lề luật mà bằng lòng trắc ẩn.
Tôi rời Ấn Ðộ một chiều cuối tháng Năm với hình ảnh những nhà truyền giáo như cha Robert, với hình ảnh những bạn trẻ đến Calcutta thiện nguyện. Họ đang tìm cho đời họ những cách in lời kinh.
Trời tháng Năm, dọc đường từ thành phố Calcutta ra phi trường rực đỏ màu hoa phượng. Mầu phượng cũng rực rỡ như những lời kinh. Tôi thấy cuộc đời rất đẹp. Trong dòng đời vẫn luôn luôn có những trái tim nôn nao yêu thương như loài phượng vỹ nở đỏ rực dọc theo đường đi.
(Trích từ Những Trang Nhật Ký Của Một Linh Mục)
Lm. Nguyễn Tầm Thường
No comments:
Post a Comment