Wednesday, May 14, 2008

Khi tình yêu chạm tới linh hồn

(Blog Radio) - Đại thi hào Tagor có câu: “Sự vĩ đại của tình yêu là chạm được vào linh hồn của nhau”.

Nếu bạn chưa một lần có cảm giác cô đơn trong tình yêu, bạn sẽ nghe thấy khúc “tự hát” ấy qua bài viết: Nỗi nhớ khôn nguôi của tác giả blog Mdleechen

Em yêu dấu!

Tối hôm qua, ngồi ăn cơm với hai con, anh cố tình không nhắc hôm nay là ngày giỗ của em, để xem chúng nó có nhớ đến mẹ của nó hay không?

Đọc báo bây giờ, thấy bọn trẻ được bố mẹ cưng chiều, và chúng nó dần dần hư hỏng, ăn chơi đua đòi, anh cảm thấy càng phải lo cho hai đứa con của mình hơn em ạ, nhất là em đã vĩnh viễn bỏ bố con anh ra đi 9 năm trước đây sau tai nạn nghiệt ngã khi em tan sở về nhà để chuẩn bị bữa cơm chiều cho ba bố con anh như thường lệ.

Anh đã ngã gục tại phòng xác khi nhìn thấy hình hài của em tan nát hết vì những chiếc bánh xe tải container phóng nhanh vượt ẩu… Bé Na lúc đó 9 tuổi, còn cu Bin của chúng mình chỉ chưa đầy 3 tuổi, đang ngọng nghịu tập nói.

Em bỏ bố con anh ra đi trong lúc gia đình mình đang trên tột đỉnh của sự hạnh phúc và bình yên, mặc dù hai vợ chồng mình vẫn phải chắt chiu từng đồng để dinh dưỡng tốt cho hai con. Miếng thịt, miếng cá ngày đó quá đắt đỏ so với thu nhập của hai đứa mình, nhớ không em? Nhường cho con rồi, em lần nào cũng nhường tiếp cho anh:”Ông xã ăn nhiều vào để mà có sức yêu thương và lo cho vợ con…”. Nghĩ mà thương em quá mình ơi!

Bé Na tuyệt vời và là một đứa con gái yêu của chúng mình em à. Đám tang em xong, bà nội thương hai cháu côi cút nên đành lòng bán đứt mảnh đất của ông bà để lên Sài Gòn sống với bố con anh. Những ngày tháng mất em, anh không thể nào tin đó là sự thật, và anh đã rất hư hỏng, có lỗi với mẹ và hai con. Anh uống rượu suốt ngày, mất cả lý trí, và rồi cũng mất luôn việc làm… Anh đúng là một thằng đàn ông yếu đuối trong những ngày tháng đau thương này, nhưng biết làm sao khác hơn được hở em?

Một đêm, anh về nhà thật say, và la hét như một thằng khùng. Mẹ cũng chẳng thể cản anh lại được. Anh lúc đó u tối, chẳng có gì để mất cả… Rồi em biết sao không? Bé Na run sợ, ôm chặt và quỳ dưới chân anh trong nước mắt:”Bố ơi, bố không thương hai chị em con sao? Bố không thương bà nội sao? Bố ơi…”

Một thằng say, và một thằng khùng trong anh lúc đó, đã chợt tỉnh, tỉnh hẳn em ạ - như một phép mầu! Anh quỳ xuống ôm con thật chặt, hai bố con khóc thật nhiều. Lúc đó anh mới nghĩ được điều quý nhất mà anh đang còn có được là hai đứa con ngoan của anh và em…

Bây giờ, em có biết anh sợ nhất điều gì không? Anh sợ nhìn thấy con khóc lắm em à. Anh đã đối diện với Na, và anh không muốn chứng kiến con mình sẽ phải khóc nữa. Một lần nó khóc tức tưởi vì mất mẹ sau khi anh và em vừa làm sinh nhật tròn 9 tuổi cho con trước đó một tuần. Lần thứ hai, và cũng là lần cuối cùng anh hứa với em sẽ không để con chúng ta khóc nữa đâu. Lần đó, nó khóc vì van xin anh lúc anh điên điên khùng khùng vì mất em…

Rồi anh cũng đã tỉnh, và xin được việc làm. Anh bỏ nhậu luôn, tan sở làm là anh nhanh chóng về nhà với các con. Anh đi học thêm buổi tối, rồi công việc cũng được thăng tiến. Dành dụm và cuối cùng anh cũng mua được một căn nhà nhỏ, thoát khỏi cái cảnh ở nhà thuê. Mẹ và các con mừng lắm. Hôm dọn qua nhà mới, lòng anh xốn xang vì nghĩ đến em thật nhiều. Anh cố nén cảm xúc của mình, nhưng rồi cả ba bố con đều vỡ oà, trào nước mắt, và ôm chầm lấy nhau khi bé Na nói với anh:”Nhà mình đẹp quá, ước gì có mẹ bây giờ hở Bố…”

Đêm hôm đó, anh trằn trọc mãi không ngủ được… Giá mà có em với ba bố con anh trong căn nhà mới này, chắc chắn đêm hôm đó sẽ là một đêm tuyệt vời nhất cho hai vợ chồng mình, phải không em? Anh đau đớn quá, tại sao em không được hưởng những điều hạnh phúc mà em rất xứng đáng được hưởng trên cõi đời này? Em đã đi cùng anh từ trong tận cùng của cái khổ sở nhất. Em đã hy sinh cho anh và các con rất nhiều. Lúc thằng đàn ông của anh may mắn, có thể xây nhà đẹp cho vợ cho con, thì anh mãi mãi không còn có em bằng xương bằng thịt nữa…

Anh vẫn tin rằng có một cõi thiên đường, và em đang sống ở nơi đó, hàng ngày em vẫn thấy bố con anh đang rất hạnh phúc. Hai đứa con mình rất ngoan và học giỏi em à. Lúc dọn nhà, bé Na “tranh cãi” với anh về vị trí trang trọng nhất để đặt những tấm hình của em. Giải pháp cuối cùng là: phòng Na cũng có, phòng Bin cũng có. Còn anh, anh đặt em trên bàn làm việc của anh. Chiếc xe đạp 9 năm về trước của vợ tan nát, anh vẫn giữ nguyên, và đặt nó ở một góc phòng khách để hình bóng của em mãi luôn hiện diện trong ngôi nhà này…

Sáng nay là ngày giỗ em, anh không nhắc hai con như đã nói. Anh cố tình thức dậy thật trể để xem mọi việc như thế nào. Em biết không, 9 giờ anh thức dậy, bàn thờ của em đã ngập tràn hoa quả rồi. Anh xuống bếp, thì thấy cu Bin đang phụ chị Na nấu nướng. Anh giả vờ không biết chuyện gì, hỏi hôm nay sao các con làm gì mà trịnh trọng dữ vậy? Em biết tụi nó nói với anh gì không:”Bố có plan của bố, tụi con cũng có plan của tụi con cho ngày giỗ mẹ chứ!”.

Anh vui và hạnh phúc lắm khi nghe các con nói. Plan của anh thì mấy năm trước em cũng biết rồi, cùng các con ra thăm mộ, rồi trồng thêm một số hoa mà em thích lúc còn sống…

Vợ yêu ơi!

Có một niềm vui lớn mà anh muốn nói với em, nhưng anh cũng rất buồn: vài hôm nữa bé Na con mình đi du học rồi em à. Con mình xin được học bổng bán phần sau khi thi tuyển. Anh biết em vui lắm khi nhận tin này, nhưng em biết không, nhà có ba bố con mà thôi, mẹ cũng đã bệnh nặng rồi ra đi 2 năm sau ngày em mất. Na đi học xa rồi, chỉ còn anh và cu Bin, anh không biết mình sẽ như thế nào nữa khi trong lòng anh sẽ phải chất chồng thêm một nỗi nhớ…

Nhìn con gái càng lớn càng giống mẹ, từ dáng vóc cho đến những cư xử chững chạc trước tuổi của Na, anh thương con quá, khi nó đã thay anh, thay em và thay bà nội để chăm sóc cho cu Bin từ lúc nội qua đời. Anh càng thăng tiến trong công việc thì lại phải liên tục mang nặng lịch công tác xa nhà. Mỗi lần đi xa, anh lo lắng lắm, gọi điện cho hai con suốt. Nhưng rồi lần nào về đến nhà, cũng có hai đứa con ngoan ôm chầm lấy bố, bao nhiêu mệt nhọc của anh đều tan biến. Bin khoe những điểm 10 với bố tíu tít, còn bé Na thì giục anh đi tắm để ăn cơm. Đối với anh, những bữa cơm mà Na nấu rồi ba bố con cùng ăn tuyệt lắm em à. Anh ăn mà cảm nhận giống như em vẫn đã và đang nấu cho anh ăn vậy… Na thật sự là bản sao của mẹ nó ngày nào, anh hạnh phúc lắm khi có được điều an ủi này, em có biết không?

Cu Bin của mình cũng ngoan lắm em yêu. Thấm thoát vậy mà thằng nhóc của mình cũng đã lên lớp 6 rồi. Anh cho Bin sinh hoạt ở nhà văn hoá thiếu nhi gần nhà từ lúc nó 6 tuổi, sau một lần dẫn Na và Bin đến chơi, Bin mê lắm. Tháng trước, phòng tranh thiếu nhi của chúng nó có tổ chức bán tranh gây quỹ từ thiện. Bin nhà mình bán được ba bức trong số mười bức tranh tham dự. Em có biết không, đó là ba bức tranh mà anh quý nhất, nhưng khi con hỏi ý kiến anh để tham gia chương trình này, anh đồng ý, và cũng không ngờ người mua đã đồng cảm với Bin: một tấm vẽ về ba bố con, một tấm con họa lại chân dung của em, và một tấm Bin vẽ chị Na đang làm bếp. Tuy 3 bức tranh đó đã không còn là vật sở hữu ở nhà mình nữa, nhưng anh rất vui vì con mình biết sống có ích, và có một trái tim nhân hậu biết chia sẻ với những người khốn khó xung quanh. Anh tin rằng Na và Bin sẽ còn tiếp tục vẽ được những điều tốt đẹp và tuyệt vời hơn nữa trong cuộc đời của hai con, phải không em?

Cuộc sống của bố con anh hiện rất ổn định và an bình, nhưng nhiều đêm, anh thao thức mãi bởi nỗi nhớ em vẫn da diết và không thể nào nguôi ngoai được… Cái cảm giác đau nhói trong lồng ngực vẫn như ngày tang tóc đó khi anh vuốt mắt em lần cuối biệt ly vĩnh viễn vợ chồng…

Gửi từ Blog Mdleechen
Về tác giả Blog Mdleechen: "Hạnh phúc là sự bình yên trong tâm hồn!"

TÔN TRỌNG PHẪM GIÁ CON NGƯỜI

Người đã từng điều khiển bệnh viện phá thai lớn nhất thế giới vừa mới đến Phi Luật Tân. Ông đến đây không phải để cổ vỏ cho hành vi phá thai mà để tham dự một hội nghị quốc tế bàn về hậu quả khủng khiếp của việc phá thai.

Trong thời gian làm giám đốc bệnh viện chuyên phá thai, Bác sĩ Bernad Nafanson đã từng tham gia thực hiện khoảng bảy mươi lăm ngàn vụ phá thai. Trong cuộc phỏng vấn dành cho tờ báo xuất bản tại Phi Luật Tân, Bác sĩ Bernad Nafanson thú nhận ông đã bắt đầu lao vào tội ác này từ năm 1964 và nạn nhân đầu tiên của ông chính là đứa con gái của ông với một người bạn gái. Ông cho biết rằng tại New York Hoa kỳ, tính cho tới năm 1993 là năm ông quyết định từ bỏ tội ác, bệnh viện của ông phải chịu trách nhiệm về tất cả bảy mươi ngàn vụ phá thai. Ông cũng nói rằng ông là người đầu tiên thúc đẩy việc hợp thức hoá hành động phá thai tại Hoa Kỳ hồi năm 1968. Bác sĩ Bernad Nafanson nói như sau:" Là một người vô thần không biết kinh sợ Thiên Chúa là gì, tôi không hề cảm thấy áy náy trong lương tâm, tôi chỉ muốn giúp đở những người đàn bà bất đắc dĩ phải mang thai".

Quyết định trở lại đạo Công giáo của Bác sĩ Bernad Nafanson đã đến trong một biến cố xảy ra tại Montreal, Canada. Lúc đó, một người đàn bà đã nhờ ông giúp phá thai. Thai nhi đã hầu như gần chết bởi tay của người cha. Bác sĩ Bernad Nafanson kể lại:

Khi tôi thấy người đàn bà này, tôi bắt đầu có cái nhìn khác về sự sống. Tôi bỗng nhận ra rằng đuợc sống là một điều kỳ diệu biết chừng nào, cần phải dành cho các thai nhi không được sinh ra đặc ân được vui hưởng cuộc sống".

Hiện nay, bác sĩ Bernad Nafanson là thành viên của một nhóm người Mỹ đang tranh đấu để bãi bỏ luật cho phép phá thai. Ông nói rằng bệnh viện do ông điều khiển tại New York gồm có ba mươi lăm bác sĩ, tám mươi lăm y tá, mỗi ngày họ thực hiện một trăm hai mươi vụ phá thai với giá một trăm hai mươi lăm Mỹ Kim một vụ. Mỗi năm, bệnh viện này thu nhập từ sáu đến bảy triệu mỹ kim.

Sau đây là lời khuyên mà ông dành cho tất cả những ai đang tham gia vào hành động phá thai. Họ cần phải nghiên cứu kỹ càng hơn sinh thái học, hình thể học và những động thái của thai nhi để nhận thức rằng đây là một con người. Đây là một thành phần trong cộng đồng của Chúa, cần phải được bảo vệ bằng bất cứ giá nào. Giết thai nhi là một xúc phạm đến Chúa và gia đình nhân loại.

Kinh nghiệm trên đây của bác sĩ Bernad Nafanson gợi lên câu nói thời danh của văn hào Nga Doctoievski:" Nếu không có Thiên chúa thì con người có thể phạm bất cứ tội ác nào". Như viên bác sĩ đã thú nhận chính vì vô thần, nghĩa là không hề biết kính sợ thiên Chúa là gì cho nên ông mới xem nhẹ hành động sát hại thai nhi. Bất cứ một hành vi tội ác nào cũng đều bắt đầu bằng sự chối bỏ Thiên Chúa. Những trang đầu tiên của Thánh kinh cho ta thấy rõ diễn tiến ấy. Ông bà nguyên tổ loài người đã khởi đầu hành trinh tội lỗi bằng hành động chối bỏ và loại trừ Thiên Chúa ra khỏi cuộc sống. Như thế, tội lỗi , theo định nghĩa, là một hành vi chối bỏ và khước từ Thiên Chúa, nhưng bởi vì con người là hình ảnh của Thiên Chúa cho nên khi chối bỏ và chà đạp con người, con người cũng chối bỏ và chà đạp chính Thiên Chúa. Thiên Chúa là Đấng mà con người không thể không xúc phạm khi xúc phạm đến con người .

TÌNH BẠN

Nếu một ngày nào đó , bạn cảm thấy thật buồn và muốn khóc .

Hãy gọi cho tôi ! Tôi không hứa sẽ làm cho bạn cười nhưng biết đâu tôi sẽ khóc cùng bạn ..

Nếu một ngày nào đó , bạn cảm thấy vô cùng đơn độc ..

Hãy gọi cho tôi ! Tôi sẽ đến bên bạn , chỉ để im lặng không nói một lời ,nhưng tôi muốn bạn biết rằng luôn có tôi bên cạnh .

Nếu một ngày nào đó bạn phân vân trước những quyết định của mình .

Hãy gọi cho tôi ! Tôi sẽ không quyết định thay cho bạn nhưng có thể giúp bạn vững tâm hơn trước sự lựa chọn của mình .

Nếu một ngày nào đó , bạn gặp thất bại trong công việc .

Hãy gọi cho tôi ! Tôi sẽ không đem đến cho bạn một công việc mới nhưng tôi sẽ giúp bạn tìm một cánh cửa khác của thành công .

Nếu một ngày nào đó , bạn vô cùng đau khổ vì phạm sai lầm ..

Hãy gọi cho tôi ! Tôi không thể sữa chữa những sai lầm đó nhưng tôi có thể giúp bạn nhận ra rằng những sai lầm sẽ giúp bạn trưởng thành và tự tin hơn .

Nếu một ngày nào đó , bạn lo sợ những điều tốt đẹp sẽ qua đi .

Hãy gọi cho tôi! Tôi sẽ không níu giữ chúng lại , nhưng tôi giúp bạn hiểu rằng mọi việc đều có những điểm khởi đầu và kết thúc .

Nếu một ngày nào đó , bạn trở nên bế tắc và tuyệt vọng .

Hãy gọi cho tôi ! Tôi không hứa sẽ làm cho bạn quên đi tất cả nhưng tôi có thể giúp bạn tìm lại niềm tin của cuộc sống.

Nhưng nếu một ngày nào đó bạn gọi tôi và không thấy tôi trả lời ..

Bạn hãy đến bên tôi vì lúc đó tôi đang cần bạn .

(Sưu tầm)

Người Tình Một Đêm

(Blog Radio) - Linh đổ người xuống chiếc ghế bành. Đôi giày cao gót nửa trượt khỏi gót, nữa vắt vẻo trên những đầu ngón chân. Chiếc túi xách chỉ treo hờ trên ngón tay và một quai rũ ra. Nước mắt lăn trên gương mặt bất động của cô. Linh 31 tuổi, vừa chấm dứt một mối quan hệ kéo dài suốt tám năm. Chiều hôm nay, anh đã dắt một cô gái xinh tươi đến trước mặt cô và mỉm cười giới thiệu: “Bạn gái anh! Anh và cô ấy đã quen nhau lâu rồi”.

Tám năm trời. Tám năm trời cả hai bên nhau, anh không hứa hẹn gì, chỉ thỉnh thỏang chăm sóc cô và “mè nheo” với cô khi lâm bệnh. Anh luôn tìm đến cô khi gặp khó khăn, khi cần một người an ủi. Có lúc, cô bóng gió về một cuộc hôn nhân. Anh trả lời: “Anh rất quý em nhưng không muốn bắt em chờ đợi, hiện anh chưa thể ổng định cuộc sống của mình thì không thể nói đến chuyện tình cảm”. Cô vẫn thầm nghĩ anh là người chín chắn, có trách nhiệm và âm thầm chờ đợi. Cô không tiếc khi san sẻ vật chất cho anh, những lúc anh yêu cầu. Rồi giờ đây, cũng vẫn còn bấp bênh sự nghiệp, anh hân hoan dẫn đến trước mặt cô một người con gái và cau mày khó chịu trước sự ngỡ ngàng của cô. Anh cộc lốc: “Chỉ tại em ngộ nhận, anh đã hứa hẹn gì đâu! Anh bảo em không chờ đợi nghĩa là không hề yêu em. Sao lại bắt anh nói thẳng ra điều đó”. Anh ngỏ ý rằng từ nay về sau, cả hai vẫn là những người bạn tốt. Thì ra, từ trước đến nay, mối quan hệ giữa hai người chỉ là chiếc khăn khô, vắt không nổi một giọt tình!

Khi môi đã mềm vì nước mắt, Linh cựa mình ngồi dậy, Cô cảm thấy cần phải nói với anh những gì mà khi đối diện nhau, cô đã không thể nào cất tiếng. Cô đã xóa tên anh trong điện thọai nhưng từng con số vẫn còn lưu trong trái tim cô. Những ngón tay Linh run run ấn phím…

Chuông đổ. Không đợi ngừơi bên kia đầu dây lên tiếng, giọng Linh rưng rưng:

- Không phải em trách anh, giận anh, nhưng em chỉ muốn nói một sự thật rằng em thấy mình bị tổn thương!

Linh bật khóc…

Cô không thể ngờ được rằng khi nói cùng anh những lời trách móc, cô lại rơi nứơc mắt thế kia. Một giọng nói xa lạ và ấm áp vang lên:

- Có người đã làm cô tổn thương ư?

Linh giật mình. Trong cơn xúc động, những ngón tay cô đã bấm nhầm số cuối.

- Xin lỗi…

- Cô có cần tôi làm gì cho cô không?

Linh im lặng. Giọng nói tha thiết quá. Bây giờ đã gần 11 giờ đêm. Người bên kia điện thọai hòan tòan xa lạ với cô. Linh định mở lời cám ơn và sau đó tắt máy, nhưng không hiểu sao cô vẫn chần chừ.

- Cô ổn không? Cô làm tôi lo quá.

- Anh với tôi là hai người xa lạ kia mà - Linh buột miệng.

- Pháp luật không quy định hai người xa lạ thì không được giúp đỡ nhau.

Linh phì cười và muốn trêu anh chàng xa lạ này:

- Nếu tôi bảo tôi muốn anh đến nhà tôi thì anh nghĩ sao?

- Cô đọc địa chỉ đi.

Vẻ chân thành sốt sắng trong giọng nói khiến Linh không dám đùa nữa.

- Tôi không dám làm phiền anh.

- Tôi không cảm thấy phiền. Nếu cô cảm thấy không tin tưởng tôi thì…

- Không… Tôi không có ý đó.

- Tôi nghe thấy giọng cô sũng nước. Tôi nghĩ rằng tôi có thể làm một điều gì đó giúp cô. Cuộc sống đã cho cô một nỗi đau, cũng sẽ cho cô một người để xoa dịu nỗi đau. Đơn giản thế thôi. Tất nhiên, tôi chỉ đến khi cô đồng ý.

Đơn giản thế thôi ư? Có thật là chỉ đơn giản thế thôi không? Linh không biết. Nhưng cô cảm thấy mình sẽ rất tiếc nuối nếu không gặp người đàn ông đặc biệt này. Và cô đọc thật chậm dòng địa chỉ… Cô nghe thấy tiếng bút chạy trên tờ giấy. Người đàn ông lên tiếng:

- Được rồi, tôi sẽ đi ngay, nhưng cô cố kiên nhẫn chờ tôi nhé.

Anh ấy cúp máy. Linh chìm vào một nỗi hoang mang. Hôm nay quả là một ngày đáng nhớ trong đời cô. Chấm dứt một tình cảm của chính mình trong vòng tám năm đằng đẵng và tình cờ biết một người đàn ông kỳ lạ. Tất cả như mơ. Hay đây lại là một chiêu lừa gạt nào đó? Kim đồng hồ dịch từng chút một. Ơ hay, mình chờ ai thế nhỉ? Mình tin vào lời hứa của một người đàn ông xa lạ ư? Hay nhỉ! Anh ta sẵn sàng bỏ ra hơn một tiếng đồng hồ để đến đây vì một người chưa từng quen biết ư? Rõ ràng đây chỉ là một lời đùa và mình chỉ mất thời gian một cách vô ích. Linh nghĩ thế và cô tắt đèn, định bụng sẽ leo lên giường ngủ. Giây phút này, mối bận tâm của cô không còn là anh và mối tình tha thiết gần mười năm trời mà là một người đàn ông cô chỉ mới biết qua giọng nói.

Có tiếng xe dừng trong ngõ vắng. Linh lật đật chạy ra khỏi giường ngủ, bật đèn lên và mở toang cửa sổ. Một người hàng xóm về khuya. Cô không trở vào nữa mà đứng yên ở đấy. Có thể đêm nay cô sẽ chẳng thể nào yên giấc…


Mời bạn click vào đây để tải nội dung Blog Radio Người tình một đêm

Máy Linh rung. Một tin nhắn từ số máy của người đàn ông lạ. Anh ấy bảo cô cố gắng chờ, anh ấy nhất định sẽ tới, đừng sốt ruột. Vẫn chưa đến giờ hẹn nhưng một tiếng đã trôi qua. Người đàn ông này cảm thông với sự chờ đợi của cô. Sao cuộc đời lại cho cô gặp một người khác thường đến thế? Linh bỗng cảm thấy bình tâm và tin cậy người đàn ông này biết mấy. Thời gian lại trôi qua… Máy Linh lại rung. Giọng người đàn ông lạ vang lên:

- Tôi đang đứng trước cửa nhà cô.

Linh bước xuống và mở cửa.

Trước mặt cô, một người đàn ông còn trẻ, dáng người mảnh dẻ, gương mặt thanh tú, mái tóc bồng bềnh. Có thể anh kém cả tuổi cô.

- Chào cô, cô muốn đi đâu cho khuây khỏa không?

Linh không trả lời, chỉ mơ màng ngồi lên xe anh. Một cảm giác lâng lâng như đắm mình trong mộng phủ lấp cả người cô. Anh đưa cô đi trên những con đường rợp bóng cây xanh và dừng lại bên một dòng sông. Anh dựng xe cạnh bên, ngồi xuống, mặt hướng ra sông và nói:

- Tất cả rồi sẽ trôi đi như những dòng sông… Có thể có ai đó đã làm cô tổn thương ghê gớm, nhưng đó là một phần tất yếu của cuộc đời…

Linh ngồi xuống cạnh anh:

- Tôi cảm thấy đau lòng khi nghĩ đến cảnh anh ấy mượn tiền tôi để vui chơi cùng bạn gái… Đó chỉ là do tôi tưởng tượng thôi. Sự thật có thể là thế, cũng có thể không là thế. Thật ra thì anh ấy cũng hoàn trả tôi tiền sau những lần mượn. Tôi đã không hoàn toàn vô tư khi giúp đỡ người khác, phải không?

- Tôi đến đây không phải để phán xét mà để nhìn cô bình yên. Con người không phải gỗ đá, cũng không phải thiên thần. Tôi có thể hiểu cảm giác của cô… Không dễ dàng vượt qua… Nhưng cứ đau khổ mãi vì điều này thì thật vô ích. Anh ấy đang sống cuộc đời vui tươi của anh ấy. Cô có đau khổ đến đâu thì anh ấy cũng chẳng đến bên cô và trao cho cô hạnh phúc. Tôi nói thì dễ nhưng làm…

- Tôi làm được!


Hình ảnh: Deviantart

Cả hai cùng im lặng. Hai người nhìn nhau, ánh mắt anh như những nụ hôn khẽ khàng đặt lên vết thương lòng của Linh.

Linh cất tiếng:

- Tôi sẽ không buồn nữa…

- Hãy xem là cô đang mơ. Ngày mai, chúng ta sẽ như chưa từng gặp trong đời. Tôi đến đây chỉ để nhìn thấy cô bình yên.

- Cuộc đời có những người kỳ lạ như anh sao? Chạy từ đầu này đến đầu kia của thành phố chỉ vì muốn giúp đỡ một người phụ nữ mình hòan toàn chưa quen biết?

- Tôi thì nghĩ rằng quay lưng với nỗi niềm của ai đó mới là điều kỳ lạ.

Linh đột ngột hôn lên trán anh một nụ hôn.

- Đã từng có ai đựơc anh giúp và hôn anh thế này chưa?

- Chưa!

Người đàn ông vẫn điềm tĩnh, không chút bối rối.

- Tôi hôn anh thay cho những người đã từng được anh giúp đỡ.

- Cám ơn cô, chưa từng có ai xúc động vì tôi đến thế, sự xúc động ấy cho thấy cô có một tâm hồn đẹp.

Người đàn ông lạ chở Linh về tận nhà. Có thể hỏi tên anh nhưng Linh không hỏi. Cô tin rằng anh là một giấc mộng đẹp của đời mình. Anh chúc cô ngủ ngon rồi mới phóng xe đi.

Giây phút ấy, Linh thấy như đôi cánh lộng lẫy của một vì thiên sứ đang đổ bóng vàng xuống ngôi nhà cô trước khi trở lại với thiên đường...

Đôi chân trần của mẹ

(Blog Việt) - Đôi chân ấy đi qua chiều dài năm tháng để nuôi lớn đàn con thơ. Đôi chân của người phụ nữ Việt Nam tần tảo. Đôi chân làm nên những ước mơ tôi trong sáng đến diệu kỳ. Những bước chân trần của mẹ như tiếp thêm sức mạnh cho tôi biết luôn hướng về phía trước, giúp tôi vượt qua những khó khăn trên bước đường đời.

Quê tôi - một vùng đất nông nghiệp, đi ra khỏi nhà là thấy những cánh đồng thẳng cánh cò bay. Tất cả những bờ ruộng có lẽ không nơi nào chân mẹ chưa bước qua. Mẹ sinh ra, lớn lên, lập gia đình rồi sinh con cũng ở nơi làng quê ấy. Mẹ giống như bao người nông dân gắn bó với ruộng đồng sinh ra đã biết làm ruộng. Đôi chân mẹ dày dạn với gió sương. Mẹ không quen đeo dép mà nếu đeo dép mà ra đồng, làm những công việc lợn gà, cơm nước thì sao mà làm nhanh được, nó vướng víu, có khi còn làm mẹ ngã. Mùa nắng thì cũng không đáng nói làm gì nhưng cả mùa mưa hay trời se sắt lạnh, mẹ với đôi quang gánh trên vai quẩy mạ trên cánh đồng. Dường như đôi chân mẹ đã chai lì với những mưa nắng nên giá rét cũng không thành vấn đề. Nói vậy chứ đã là con người ai chẳng biết đau, biết nóng khi bước chân trần lên khúc đường trải nhựa mùa hè, hay cảm nhận rất rõ cái lạnh thấu vào người khi mùa đông bước chân dẫm lên những vạt cỏ đẫm sương đêm trên bờ ruộng. Vụ đông xuân sải bước trên cánh đồng cho kịp thời vụ. Khi tôi ngồi nhớ về mẹ lúc này, ở quê nhà mẹ đang cong lưng bước chân trên thửa ruộng, bờ mương.

Sinh ra trong khó nhọc nhưng mẹ hạnh phúc với những hạt thóc mẹ làm ra, với những đứa con học hành tấn tới. Chẳng khi nào thấy mẹ kêu nửa lời, rằng khó nhọc gần cả cuộc đời mẹ gánh vác. Đôi chân mẹ cứ âm thầm lặng lẽ, nuôi nấng chúng con nên người. Qua nhiều năm tháng, mẹ không chỉ sở hữu đôi tay gầy thô dáp mà cả đôi chân nứt nẻ, nhìn mà thấy nhói lòng.

Suốt đời mẹ quanh quẩn bên luỹ tre, bờ ruộng nên tôi phong cho mẹ là người yêu từng tấc đất quê hương. Đôi chân mẹ con phong tặng anh hùng. Mẹ bảo: “Cô khéo nịnh mẹ ghê. Đời mẹ nghèo không được học hành đến nơi đến chốn thì phải cắm đất mà sống, mà nuôi con. Mẹ dạy các con không nên theo bước mẹ, mưa nắng tháng năm con không chịu nổi đâu. Hãy biết yêu màu đất nâu quê nhà, yêu cánh đồng, yêu màu xanh cây lá. Và biến tình yêu thành sức mạnh để mai này giúp quê hương ngày một đẹp hơn”.




Hình ảnh: Deviantart.com


Có những khi thấy mệt mỏi trong lòng. Nghĩ đến mẹ với đôi chân trần vất vả, con thấy những khó khăn của mình nhỏ bé đến lạ. Có thấm gì đâu với bước chân mẹ mỗi ngày qua.

Đi học xa quê, mỗi lần về thăm mẹ, mẹ thường bảo con nhổ tóc trắng giúp mẹ. Con không gọi đó là những sợi tóc trắng mà gọi là tóc sâu – những cái tóc xấu xí làm mẹ ngứa đầu. Mái tóc của mẹ chẳng còn xanh, nhiều lắm những sợi bạc nhưng con cố đòi mẹ ngồi cả buổi để nhổ hết những sợi trắng đi. Con thích nhìn mái tóc mẹ đen và mượt như ngày con còn nhỏ, vì vậy con không thích những sợi tóc trắng, cố tình để không nghĩ mẹ không còn trẻ. Và mỗi lần như thế con thấy mái tóc mẹ đẹp hơn, thấy mình như làm được một “chiến tích nhỏ”.

Chủ nhật này con lại về bên mẹ, là Ngày của mẹ mỗi năm, con lại đòi nhổ đi những sợi tóc bạc màu thời gian trên mái tóc xanh của mẹ. Con yêu mẹ.

Gửi từ email Thu Huyền – thuhuyen49

Saturday, May 10, 2008

HOA HỒNG TẶNG MẸ

Anh dừng lại tiệm bán hoa để gửi hoa tặng mẹ qua đường bưu điện. Mẹ anh sống cách chỗ anh khoảng 300km. Khi bước ra khỏi xe, anh thấy một bé gái đang đứng khóc bên vỉa hè. Anh đến và hỏi nó sao lại khóc.

- Cháu muốn mua một hoa hồng để tặng mẹ cháu - nó nức nở - nhưng cháu chỉ có 75 xu trong khi giá một hoa hồng đến 2 đôla.

Anh mỉm cười và nói với nó:

- Đến đây, chú sẽ mua cho cháu.

Anh liền mua hoa cho cô bé và đặt một bó hồng để gửi cho mẹ anh. Xong xuôi, anh hỏi cô bé có cần đi nhờ xe về nhà không. Nó vui mừng nhìn anh và trả lời:

- Dạ, chú cho cháu đi nhờ đến nhà mẹ cháu.

Rồi nó chỉ đường cho anh đến một nghĩa trang, nơi có một phần mộ vừa mới đắp. Nó chỉ ngôi mộ và nói:

- Đây là nhà của mẹ cháu.

Nói xong, nó ân cần đặt nhánh hoa hồng lên mộ.
Tức thì, anh quay lại tiệm bán hoa, hủy bỏ dịch vụ gửi hoa vừa rồi và mua một bó hồng thật đẹp. Suốt đêm đó, anh đã lái một mạch 300km về nhà mẹ anh để trao tận tay bà bó hoa.

*********************************

Nếu có bao giờ con yêu mẹ

Hãy yêu đi khi mẹ còn đây
Còn biết được những giòng tình cảm
Ngọt ngào, êm dịu lẫn nồng say
Nếu có bao giờ con yêu mẹ

Hãy yêu đi khi mẹ còn biết
Ðừng chờ đến lúc mẹ ra đi
Ghi lời yêu qúy lên bia đá
Mỹ từ trên phiến đá vô tri

Hãy nói lên điều con muốn nói
Ðừng chờ đến lúc mẹ ngủ say
Một giấc ngủ không bao giờ dậy
Ngàn năm ngăn cách chẳng ngày mai

Ðó là chia ly, là tử biệt
Chẳng bao giờ nghe được tiếng con
Nếu yêu mẹ, dù là một chút
Hãy nói đi, khi mẹ sống còn

Nói đi con, lời nào yêu dấu
Cả tấm lòng hiếu thảo của con
Ðể mẹ nâng niu như bảo vật
Cho tình mẫu tử thắm như son.

Sưu tầm

*********************************

Mẹ ơi, xin tha thứ cho những lúc con vô tình bỏ quên mẹ ở trong xó nhà cô đơn hay nơi viện dưỡng lão lạnh lẽo xa lạ! Xin bỏ qua những lúc đứa con khờ dại nặng lời với mẹ, những hành động xuẩn ngốc làm mẹ buồn.

Lạy Chúa, kính dâng lên Ngài cha mẹ của chúng con, xin cho chúng con biết sống hiếu thảo trọn tình làm con khi cha mẹ còn sống, biết siêng năng cầu nguyện cho cha mẹ khi họ đã qua đời. Lạy Mẹ Maria, Xin cho chúng con biết làm vui lòng người mẹ trần thế, người đã thay mặt Mẹ cưu mang và dạy dỗ chúng con ngay khi mẹ còn ở với chúng con. Xin soi sáng đừng bao giờ để chúng con phải hối hận ăn năn vì những bận rộn cuộc sống, mà quên đi sự hiện diện của bà mẹ trên cuộc đời này khi mọi sự không quá muộn màng.

Friday, May 9, 2008

Wednesday, May 7, 2008

Phóng sự: Trái Tim Người Mẹ


(xin click vào "original post" to enter VSL Channel)

Tháng Năm Nhớ Mẹ Hiền

Nước Mắt Mẹ Hiền (Ngọc Sơn)


Lòng Mẹ (NS. Y Vân)



Lòng Mẹ bao la như biển Thái Bình dạt dào.
Tình Mẹ tha thiết như giòng suối hiền ngọt ngào.
Lời Mẹ êm ái như đồng lúa chiều rì rào.
Tiếng ru bên thềm trăng tà soi bóng Mẹ yêu.

Lòng Mẹ thương con như vầng trăng tròn mùa thu.
Tình Mẹ yêu mến như làn gió đùa mặt hồ.
Lời ru man mác êm như sáo diều dật dờ,
nắng mưa sớm chiều vui cùng tiếng hát trẻ thơ.

Thương con thao thức bao đêm trường,
con đà yên giấc Mẹ hiền vui sướng biết bao.
Thương con khuya sớm bao tháng ngày.
lặn lội gieo neo nuôi con tới ngày lớn khôn.

Dù cho mưa gió không quản thân gầy Mẹ hiền.
Một sương hai nắng cho bạc mái đầu buồn phiền.
Ngày đêm sớm tối vui cùng con nhỏ một niềm.
Tiếng ru êm đềm mẹ hiền năm tháng triền miên.

II.

Lòng Mẹ chan chứa trên bao xóm làng gần xa.
Tình Mẹ dâng tới trăng ngàn đứng lặng để nghe,
lời ru xao xuyến núi đồi suối rừng rặng tre.
Sóng ven Thái Bình im lìm khi tiếng Mẹ ru.

Một lòng nuôi nấng vỗ về những ngày còn thơ.
Một tình thương mến êm như tiếng đàn lời ca.
Mẹ hiền sớm tối khuyên nhủ bao lời mặn mà.
khắc ghi bên lòng con trẻ muôn bước đường xa.

Thương con Mẹ hát câu êm đềm.
Ru lòng thơ ấu quản gì khi thức trắng đêm.
Bao năm nước mắt như suối nguồn.
Chảy vào tim con mái tóc trót đành đẫm sương.

Dù ai xa vắng trên đường sớm chiều về đâu.
dù khi mưa gió tháng ngày trong đời bể dâu.
dù cho phai nắng nhưng lòng thương chẳng lạt mầu.
vẫn mong quay về vui vầy dưới bóng mẹ yêu.

--- TRANSLATION BY Nguyễn Vũ Thành ---

I.

Mother's love is boundless like the overflowing Pacific ocean.
Mother's love is ceaseless like a gentle and sweet stream.
Mother's words is soft as an whispering rice field.
The lullaby (outside veranda), the declining-moon's shades, mother.

Mother's love for me is like the autumn moon.
Mother's love is like a breath of air playing on lake's surface.
Her vague lullaby is soft as a cadenced kite's flute,
rain and shine, all day long, playing with kids' singing.

Loving us, she spent many restless nights,
we had tight sleep, how happy our mum was.
Loving us, many days and many nights,
taking pains and troubles, she nursed us til grown-up age.

Through ups and downs, our thin mother doesn't mind.
All life's hardships make her sad head hoary.
All days and nights, she's glad for us wholeheartly.
Her sweet lullabies echo through years, interminably.

II.

Mother's love overflows villages everywhere.
Mother's love rises high, moon and mountains listen silently.
Her lullabies agitate mountains, streams, bamboo rows.
Pacific waves are quiescent when hearing her lullabies.

With all her heart, mum comforted us through childhood.
A great affection is soft as music and singing.
All day long, she admonishes us with ardent words,
engraved on our hearts through thousand of miles away.

Loving us, mum sang pleasant words.
To lull us to sleep, she din't mind to have wakeful nights.
Many years, her tears flowed down like streams,
flowing in our hearts, her hair was already gray.

Whoever is on the road to somewhere far away,
despite all hardships through the whirligig of time,
though sunlights go dim but love will never fade,
always expect to be back under mother's shade.


Cầu Cho Cha Mẹ
Bông Hồng Cài Áo

Saturday, May 3, 2008

Giấy chứng nhận "người"

Trên đoàn tàu, cô soát vé hết sức xinh đẹp cứ nhìn chằm chằm vào người đàn ông lớn tuổi áng chừng đi làm thuê, hạch sách :
- Vé tàu!
Người đàn ông lớn tuổi lục khắp người từ trên xuống dưới một thôi một hồi, cuối cùng tìm thấy vé, nhưng cứ cầm trong tay không muốn chìa ra.
Cô soát vé liếc nhìn vào tay anh, cười trách móc :
- Đây là vé trẻ em.
Người đàn ông đứng tuổi đỏ bừng mặt, nhỏ nhẹ đáp :
- Vé trẻ em chẳng phải ngang giá vé người tàn tật hay sao ?
Giá vé trẻ em và người tàn tật đều bằng một nửa vé, đương nhiên cô soát vé biết. Cô nhìn kỹ người đàn ông một lúc rồi hỏi :
- Anh là người tàn tật ?
- Vâng, tôi là người tàn tật.
- Vậy anh cho tôi xem giấy chứng nhận tàn tật.
Người đàn ông tỏ ra căng thẳng. Anh đáp :
- Tôi... không có giấy tờ. Khi mua vé cô bán vé bảo tôi đưa giấy chứng nhận tàn tật, không biết làm thế nào, tôi đã mua vé trẻ em.
Cô soát vé cười gằn :
- Không có giấy chứng nhận tàn tật, làm sao chứng minh được anh là người tàn tật ?
Người đàn ông đứng tuổi im lặng, khe khẽ tháo giầy, rồi vén ống quần lên - Anh chỉ còn một nửa bàn chân.
Cô soát vé liếc nhìn, bảo :
- Tôi cần xem chừng từ, tức là quyển sổ có in mấy chữ "Giấy chứng nhận tàn tật", có đóng con dấu bằng thép của Hội người tàn tật !
Người đàn ông đứng tuổi có khuôn mặt quả dưa đắng, giải thích :
- Tôi không có hộ khẩu của địa phương, người ta không cấp sổ tàn tật cho tôi. Hơn nữa, tôi làm việc trên công trường của tư nhân. Sau khi xảy ra sự cố ông chủ bỏ chạy, tôi cũng không có tiền đến bệnh viện giám định...
Trưởng tàu nghe tin, đến hỏi tình hình.
Người đàn ông đứng tuổi một lần nữa trình bày với trưởng tàu, mình là người tàn tật, đã mua một chiếc vé có giá trị bằng vé của người tàn tật…
Trưởng tàu cũng hỏi :
- Giấy chứng nhận tàn tật của anh đâu ?
Người đàn ông đứng tuổi trả lời anh không có giấy chứng nhận tàn tật, sau đó anh cho trưởng tàu xem nửa bàn chân của mình .
Trưởng tàu ngay đến nhìn cũng không thèm nhìn, cứ nhất quyết nói :
- Chúng tôi chỉ xem giấy chứng nhận, không xem người. Có giấy chứng nhận tàn tật chính là người tàn tật, có giấy chứng nhận tàn tật mới được hưởng chế độ ưu đãi vé người tàn tật. Anh mau mau mua vé bổ sung.
Người đứng tuổi bỗng thẫn thờ. Anh lục khắp lượt các túi trên người và hành lý, chỉ có hơn 50 ngàn đồng, hoàn toàn không đủ mua vé bổ sung. Anh nhăn nhó và nói với trưởng tàu như khóc :
- Sau khi bàn chân tôi bị máy cán đứt một nửa, không bao giờ còn đi làm được nữa. Không có tiền, ngay đến về quê cũng không về nổi. Nửa vé này cũng do bà con đồng hương góp mỗi người một ít để mua giùm, xin ông mở lượng hải hà, giơ cao đánh khẽ, nương bàn tay cao quý, tha cho tôi.
Trưởng tàu nói kiên quyết :
- Không được.
Thừa dịp, cô soát vé nói với Trưởng tàu :
- Bắt anh ta lên đầu tàu xúc than, coi như làm lao động nghĩa vụ.
Nghĩ một lát, trưởng tàu đồng ý :
- Cũng được.
Một đồng chí lão thành ngồi đối diện với người đàn ông đứng tuổi tỏ ra chướng tai gai mắt, đứng phắt lên nhìn chằm chằm vào mắt vị trưởng tàu, hỏi :
- Anh có phải đàn ông không ?
Vị trưởng tàu không hiểu, hỏi lại :
- Chuyện này có liên quan gì đến tôi có là đàn ông hay không ?
- Anh hãy trả lời tôi, anh có phải đàn ông hay không ?
- Đương nhiên tôi là đàn ông !
- Anh dùng cái gì để chứng minh anh là đàn ông ? Anh đưa giấy chứng nhận đàn ông của mình cho mọi người xem xem ?
Mọi người chung quanh cười rộ lên.
Thừ người ra một lát, vị truởng tàu nói :
- Một người đàn ông to lớn như tôi đang đứng đây, lẽ nào lại là đàn ông giả ?
Đồng chí lão thành lắc lắc đầu, nói :
- Tôi cũng giống anh chị, chỉ xem chứng từ, không xem người, có giấy chứng nhận đàn ông sẽ là đàn ông, không có giấy chứng nhận đàn ông không phải đàn ông.
Vị trưởng tàu tịt ngóp, ngay một lúc không biết ứng phó ra sao.
Cô soát vé đứng ra giải vây cho Trưởng tàu. Cô nói với đồng chí lão thành :
- Tôi không phải đàn ông, có chuyện gì ông cứ nói với tôi.
Đồng chí lão thành chỉ vào mặt chị ta, nói thẳng thừng :
- Cô hoàn toàn không phải người !
Cô soát vé bỗng nổi cơn tam bành, nói the thé :
- Ông ăn nói sạch sẽ một chút. Tôi không là người thì là gì ?
Đồng chí lão thành vẫn bình tĩnh, cười ranh mãnh, ông nói:
- Cô là người ư? Cô đưa giấy chứng nhận "người" của cô ra xem nào...
Mọi hành khách chung quanh lại cười ầm lên một lần nữa.
Chỉ có một người không cười. Đó là người đàn ông trung niên bị cụt chân. Anh cứ nhìn trân trân vào mọi thứ trước mặt. Không biết tự bao giờ, mắt anh đẫm lệ, không rõ anh tủi thân, xúc động, hay thù hận.

Lời tự sự của một thân cây

Hồi còn bé, tôi nào hiểu gì đâu. Khi lớn lên hơn và nhìn lại chính mình, tôi mới bắt đầu hiểu ra một điều gì đó. Tôi vốn nhỏ thó, sần sùi, đầy những cục u thô tháp. Bộ rễ bám chặt vào vách đá, tôi đứng nghiêng nghiêng, xô lệch. Rõ ràng tôi không to cũng chẳng đẹp bằng chị bằng em ở chung quanh mà mình nhìn thấy được.

Anh sồi đằng kia uy phong, chắc nịch, với tàng lá rậm rì, phủ rộng. Chị linh sam mảnh dẻ, ngạo nghễ vút cao. Chàng sơn thích mỗi độ thu về khoe tán lá vàng rực quý phái. Bạn hiểu cho, chỗ tôi đứng là một bờ dốc đá. Từ thuở bé đến giờ, bộ rễ tôi phải lần dò men vào từng khe đá nứt, tìm chút đất ít ỏi lẩn khuất bên trong để làm điểm tựa sinh tồn. Tôi vẫn thường mơ mộng, ước gì mình cao lên, xõa cành duyên dáng cho gió vờn, cho mưa vỗ, và cho ánh nắng mặt trời vuốt ve. Nhưng mơ mộng chỉ là mộng mơ suông!

Tôi vẫn vứ thấp bé, vẫn dáng đứng nghiêng lệch khom khom qua bao vòng tuế nguyệt. Gió đi qua, và cứ đi qua, xô thẳng vào vách núi đá dựng sau lưng và reo lên ở đó. Gió chẳng bao giờ buồn dừng lại đùa giỡn với tôi, vì cành tôi khẳng khiu và tàng lá tôi thưa thớt đến tội nghiệp. Mặt trời chỉ ghé lại chút xíu lúc giữa trưa, rồi cũng biến mất thật nhanh đằng sau vách núi. Tôi nhìn sang thung lũng bên kia, thấy những tầng cây ngập đầy ánh nắng mà nhiều khi không khỏi tủi xót phận mình. Tại sao số kiếp mình phải đứng ở nơi này? Một bờ dốc đá cỗi cằn, khuất lấp! Tôi buồn cho số phận mình hẩm hiu.

Thế rồi, vào một sáng mùa xuân ấm áp, khi hương đất nồng nàn từ thung lũng dưới kia thoang thoảng dâng dâng, tiếng chim hót líu lo chào ánh bình minh tỏa ngợp chân trời, tôi nghe những tia nắng mới lãng đãng hôn lên cành, lên tán lá thưa của mình. Một cảm giác rạo rực tràn ngập toàn thân tôi, thấm sâu vào tận từng thớ thịt. Kìa, chung quanh tôi, đất trời sao xinh đẹp quá! Có lẽ không một cây nào khác có thể có được tầm mắt nhìn xa xuống bao quát cả một vùng thung lũng như tôi. Và tôi chợt nhận ra vách đá dựng sau lưng mình-vẫn đứng đó tự bao đời-để che chắn cho tôi khỏi cái lạnh buốt xương của khối núi băng sừng sững cao nghệu phía bên kia.

Từ buổi sáng hôm ấy, tôi bắt đầu tỉnh ngộ. Tôi hiểu ra rằng mình không xoàng xĩnh hay hẩm hiu như minh vỗn tưởng. Thân tôi thấp cũn, sần sùi, tích chứa và phô diễn cái phong trần một cách điệu nghệ có một không hai đó chứ! Cành tôi ngắn, vặn vẹo díc dắc, nhưng rắn chắc cực kỳ! Bộ rễ tôi dẻo dai, xuyên ngang xẻ dọc, bám chặt vào các khe đá, hun đúc một ý chí sinh tồn lì lợm! Tôi nhận ra mình đã lớn lên và thích nghi tuyệt vời với chỗ đứng của mình. Tôi sung sướng tự hào về tôi và chỗ đứng của tôi giữa vũ trụ này. Thế đấy, bấy lâu nay mình không hề biết mở mắt và nhìn ra giá trị của mình! Vâng, những anh sồi, những chị linh sam... dưới triền kia vẫn có nét đẹp của riêng mình. Chỗ đứng đẹp nhất của tôi là đây: Bờ dốc đá hẹp mà xưa nay mình vẫn đứng. Ồ! Vì sao mãi đến hôm nay mình mới hiểu ra điều này nhỉ?

(Theo "Những câu chuyện không để giải trí")

Sự sống là điều kỳ diệu!

Cho tới nay, chắc chắn mọi người đều có những nhận định cho riêng mình về vụ sập cầu Cần Thơ. Chắc chắn rằng: mọi người đều tâm niệm: phải chi...

Phải chi người ta chú ý đến những cảnh báo của kỹ sư Hiroshi Kudo!
Phải chi người ta giám sát chặt chẽ hơn nữa!
Phải chi người ta chú ý đến sự những lo ngại của các chuyên gia...
Phải chi... phải chi... và phải chi!
...thì có lẽ tai nạn đã không xảy ra, và nhiều đồng bào của chúng ta đã không phải lâm vào cảnh khốn cùng.

Thì rồi sẽ có những cuộc điều tra, những lý giải về nguyên nhân cầu sập, sẽ có những động thái từ chính phủ, các cơ quan hữu quan, các nhà thầu để làm rõ hơn nữa và quy trách nhiệm cho những bên sai phạm...

Nhưng, có một thực tế rằng: những người đã tử nạn trong thảm họa này sẽ không bao giờ được nhìn thấy cây cầu nối liền hai bờ sông Hậu khi nó hoàn thành. Chúng ta sẽ nhớ mãi về các anh như một sự mất mát to lớn của toàn thể dân tộc. Những nén nhang, những buổi lễ truy điệu, những đám tang, những lời xin lỗi hay cả những hành động nhận trách nhiệm cũng sẽ không bao giờ làm cho các anh, những người kém may mắn, sống lại. Nó làm yên lòng chúng ta, yên lòng "những người ở lại", xoa dịu nỗi đau mà thân nhân các anh đang cố gắng chịu đựng...

Chiêm nghiệm theo một góc khác về thảm họa này mới thấy sự sống là điều kỳ diệu. Sự sống làm cho con người có thể nhân ái với nhau hơn, hết lòng vì nhau hơn. Anh Thành đã bất chấp nguy hiểm để cứu được 11 người; bao nhiêu bạn trẻ đã tình nguyện hiến máu để cứu lấy sự sống của những người bị thương; bao nhiêu người đã đóng góp công sức, tiền bạc để "những người ở lại" có thể vơi bớt nỗi đau, để có thể tiếp tục sống, các em nhỏ tiếp tục được đi học; các cơ quan hữu quan, các nhà thầu Nhật Bản đều hứa sẽ cố gắng hết sức để chăm lo cho gia đình những nạn nhân xấu số... Tất cả là vì sự sống, một sự sống dồi dào, một sự sống vượt lên trên tất cả, cả những đau thương, mất mát, cả những điều tưởng chừng như không thể hàn gắn...

Chúng ta dù có trách nhau đi nữa, dù có quy được trách nhiệm cho ai, cho bên nào đi nữa... thì những nạn nhân xấu số, các anh đã vĩnh viễn ra đi, chẳng còn biết gì về những việc chúng ta đang làm. Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết nói về tầm quan trọng phải hoàn thành tiến độ thi công cầu Cần Thơ rằng: "Nếu để trễ một ngày là có tội với những người đã mất”. Phải, có lẽ lời nhắc nhở của Chủ tịch nước bắt nguồn từ một truyền thống...

Từ trước tới nay, chúng ta đã bao lần nhắc nhở nhau như thế! Vào các dịp kỷ niệm, những lễ hội... chúng ta đều nhắc nhở nhau rằng: phải nhớ đến sự hy sinh của các bậc tiền nhân để sống tốt hơn, để xây dựng đất nước giàu mạnh hơn... Sự hy sinh của những người đi trước luôn được lấy ra để làm tấm gương, không những chỉ cho thế hệ trẻ, mà còn cho chính những người đang nắm giữ vai trò quản lý và điều hành đất nước.

Chợt lẩn thẩn mà nghĩ rằng: nếu ngày mai tôi chết đi, hôm nay tôi sẽ làm gì cho tôi, cho người thân, cho xã hội, cho đất nước? Một câu hỏi quá lớn so với vai trò nhỏ bé của tôi trong xã hội. Nhưng cũng từ câu hỏi ấy, tôi chợt nhận ra rằng: phải chi tất cả chúng ta đều tâm niệm điều đó, đều sống như hôm nay là ngày cuối cùng của đời mình.

Nếu thế thì:
Chắc rằng: người ta sẽ nhân ái với nhau hơn, sẽ bớt đi những oan khuất, những lọc lừa, những giả tạo... mà mỗi ngày chúng ta vẫn thấy.
Chắc chắn rằng người ta sẽ không làm khổ nhau bằng những sự bàng quan, bằng những kiểu phớt lờ, bằng những "sự im lặng đáng sợ"

Nếu ngày mai chết đi, và tâm niệm rằng: phải để lại điều tốt lành cho đất nước, cho dân tộc, chắc chắn người ta sẽ không cố tình tham nhũng, không cố tình phí phạm ngân sách... Người ta sẽ cố gắng hành động với lương tâm ngay thẳng, với nhiệt huyết cao nhất. Chắc chắn rằng: người ta sẽ cố gắng để lắng nghe tiếng nói nhân dân, sẽ không bao giờ bỏ qua một cơ hội, dù là nhỏ nhất để làm những việc hữu ích cho dân sinh, dân chủ...

Sẽ chẳng có nhiều những quy định chồng chéo làm khổ người dân, sẽ không còn nhiều những quy định phương hại đến hiến pháp, pháp luật, và quyền lợi của người dân. Sẽ chẳng có sự bỏ qua những dự án, những phương cách tốt nhất để mang về nhiều lợi ích nhất cho đất nước, cho đời sống xã hội, cho mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội thực sự công bằng, thực sự dân chủ và văn minh. Sẽ chẳng bao giờ còn những quy định, những chính sách chỉ có lợi cho nhà nước, cho các cơ quan hữu quan, cho công tác quản lý, mà sẽ chỉ còn những quy định, những chính sách toàn tâm toàn ý hướng đến lợi ích chung của hơn 80 triệu con dân đất Việt.

Mọi sự tiến bộ chỉ có thể thành toàn khi sự tiến bộ đó được thực hiện hướng đến quyền lợi của nhân dân, của đất nước, và được thực hiện cho những người hiện còn đang sống, đang ngày ngày phục vụ đất nước này, dân tộc này...

Nếu ngày mai chết đi, và tâm niệm rằng: phải hết lòng phục vụ đất nước này, dân tộc này, thì những sự khác biệt về tư tưởng, chính kiến, ý thức hệ sẽ mất đi, thay vào đó chỉ còn một hệ tư tưởng là dân tộc. Khi đó, mọi thành phần trong xã hội sẽ vì nhau mà phấn đấu, vì nhau mà chân thành phát biểu chính kiến, tư tưởng nhằm tìm ra một đường hướng chung nhất cho sự phát triển của dân tộc. Khi đó, mọi người sẽ không còn e dè, ngần ngại sửa sai cho nhau, không ngần ngại nhận lỗi, nhận trách nhiệm về những công việc mình làm chưa tốt. Sẽ chẳng còn sự sợ hãi vì ai cũng hiểu rằng: mình đang hết lòng phục vụ đất nước này, dân tộc này...

Nếu ngày mai chết đi, và tâm niệm rằng: phải nói những gì lòng mình nghĩ, tâm huyết và ao ước thì tôi sẽ vẫn nói rằng: mọi người hãy sống vì nhau, hãy làm việc vì nhau, vì đất nước này, dân tộc này. Bởi nếu ngày mai có một người chết đi, họ sẽ chẳng bao giờ nhìn thấy được tương lai của dân tộc, nhìn thấy được những điều tốt đẹp trong tương lai. Cuộc sống hiện tại phải là cuộc sống dành cho nhau, cho những người mà ngày hôm nay ta còn có thể sống cùng, sống vui, và sống có ích với họ.

Nếu ngày mai có nhiều người chết đi, họ sẽ chẳng bao giờ được hưởng lợi từ những quy định, những chính sách... thiết thực, hướng đến dân sinh mà mỗi ngày, chỉ với một sự cố gắng cần thiết, các cơ quan quản lý nhà nước sẽ làm được. Họ sẽ chẳng còn có cơ hội đóng góp những ý kiến, những tư tưởng, những giải pháp mà lẽ ra sẽ đem lại sự tiến bộ nhanh hơn cho xã hội...

Cũng như những nạn nhân trong thảm họa sập cầu Cần Thơ, chúng ta chẳng biết được sáng mai mình có thể thức dậy được nữa hay không! Vậy thì hãy chân thành hơn với nhau, thực tâm hơn với nhau, để dù có thế nào đi nữa, ta cũng có dịp để nhìn thấy những điều tốt đẹp.

Người dân hãy thực tâm tuân thủ mọi quy định của nhà nước và thực tâm góp ý cho những vấn đề còn bất cập, không có lợi cho sự phát triển lẽ ra phải có của xã hội. Nhà nước, các công chức, những đầy tớ của nhân dân, dù ở cương vị nào, cũng hãy chân thành lắng nghe nhân dân, lắng nghe mọi ý kiến phản biện, đừng đổ lỗi vòng vo, đừng im lặng, đừng chậm chễ khi có những sự việc không tốt xảy ra... để thực sự làm theo tiếng nói của "ông chủ nhân dân", để đảm bảo tối đa lợi ích của mọi thành phần trong xã hội.

Sự sống là điều kỳ diệu! Tất cả mọi hành động của chúng ta, tất cả mọi quy định, chính sách, việc làm của các cơ quan quản lý nhà nước... cũng chỉ thực sự kỳ diệu khi tất cả đều phục vụ cho sự sống, cho những người đã sống... với tinh thần hôm nay là ngày cuối cùng ta sống trên mảnh đất quê hương Việt Nam yêu dấu!

(Hình ảnh trong bài viết đều lấy từ báo Tuổi Trẻ)
Luận Minh