Wednesday, April 16, 2008

Con đường dài quanh co dẫn Đức Giáo Hoàng từ Vatican tới tòa Bạch Ốc



Nằm vùi trong đống hồ sơ mật của Tòa thánh Vatican, có một bản báo cáo viết mãi từ năm 1853. Văn bản này là do giám mục Gaetano Bedini, sứ giả đầu tiên của Tòa thánh tại Hoa kỳ, tường thuật một câu chuyện ngài nghe người ta kể lại. Lúc đó ngài đang cử hành thánh lễ tại nhà nguyện Tu hội Mẹ Dâng con, trong vùng Georgetown kế cận Washington. Một phụ nữ Tin lành bước vào nhà nguyện. Người ta hỏi tại sao bà vô đó, bà ngay thật trả lời rằng bà muốn xem có đích xác là các vị chức sắc của giáo hoàng Piô IX có sừng trên đầu hay không.

Vào hôm thứ Ba này, một thế kỷ rưỡi sau câu chuyện kể trên, một vị giáo tông sẽ đi vào tòa Bạch ốc trong cương vị quốc trưởng một nước và là khách quý của tổng thống Hoa kỳ. Sự hiện diện của Đức Bênêđictô XVI đánh dấu một biến cố lịch sử: đây là cuộc viếng thăm chính thức lần đầu tiên kể từ ngày thiết lập quan hệ ngoại giao đầy đủ giữa Hoa kỳ và Vatican 24 năm trước. Trước đây, chỉ có mình Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã tới Bạch ốc – ngày 6 tháng 10 năm 1979 – nhưng cuộc viếng thăm tổng thống Carter của ngài không có tính cách chính thức.

Phải đợi hàng mấy thế kỷ mới đi được tới giai đoạn này. Câu chuyện về mối liên lạc giữa giáo hoàng và nước Mỹ được đánh dấu bằng những tranh chấp ngoại giao và tôn giáo, bằng những nỗ lực thất bại khi muốn thiết lập mối quan hệ chính thức. Ngay từ đầu, Vatican coi Tân Thế giới như là “vùng đất truyền đạo”. Giáo hội muốn gieo rắc đức tin Công giáo giữa một dân tộc đang tăng trưởng mau chóng, và thiết lập quan hệ với một quốc gia rõ ràng đang quyết tâm trở thành cường quốc trên thế giới.

Nhưng việc đó không dễ gì. Các linh mục Công giáo thuở ban đầu tại Hoa kỳ giảng thuyết bằng tiếng Latinh hoặc tiếng Pháp và không nói được tiếng Anh. Kết quả là chẳng có bao nhiêu người theo đạo. Đối với người Mỹ lúc đó, Công giáo được coi như là tôn giáo thích hợp cho di dân người Ái nhĩ lan, Ý, Pháp và Ba lan, nhưng không phải cho dân Yankee (Mỹ) chính cống. Tệ hơn nữa, tôn giáo này được coi như đạo của người nghèo. Vatican cũng thất bại không nắm được chiều hướng rộng rãi có cái nhìn giáo hoàng như là nhân vật bí ẩn, đe dọa tự do và nền độc lập của người Mỹ. Năm tháng qua đi, con số người Công giáo Hoa kỳ tăng trưởng dần lên, nhưng Vatican ít có những đột kích nào về chính trị.

Ngày tháng, niên đại có thể làm nhàm chán, nhưng nếu người ta muốn tìm ra những dấu mốc trong lịch sử ngoại giao giữa Hoa kỳ - Vatican, thì ít nhất có ba.

Mốc thứ nhất: năm 1867. Lúc đó, Washington chỉ mới có một “tòa công sứ đặc biệt” tại Roma, không phải là một tòa đại sứ -- hầu như chỉ nhằm mục đích mở rộng tai nghe ngóng “ngôi chợ tình báo” - tức là Tòa thánh – giữa thời kỳ có đổi thay nhanh chóng về xã hội và chính trị tại châu Âu. Nhưng mối căng thẳng giữa Tòa thánh và cộng đồng người Mỹ theo đạo Tin lành ở Roma – họ bị bắt buộc phải rời nhà thờ ra phía bên ngoài tường thành – ngầm phá hoại mối liên lạc song phương. Vào tháng Hai năm đó, Quốc hội cắt quỹ dành cho công sứ ở Roma, chấm dứt những mối quan hệ ngoại giao đã có trên thực tế. Nhưng còn có một lý do khác nữa được người ta xác nhận: Quốc gia Vatican sắp bị thôn tính bởi binh lính của một nước Ý đang chỗi dậy. Washington coi Vatican lúc đó như một quốc gia thất bại, bên miệng hố tiêu diệt.

Mốc thứ hai là năm 1939. Năm đó, tổng thống Franklin D. Roosevelt gửi một đại diện cá nhân tới Vatican. Chính thức ra, đó là một “sứ mạng nhân đạo”, nhưng sự thật là Hoa kỳ muốn có cái nhìn gần cận một nước Ý theo chế độ Phát xít, đồng minh của Hitler ở vùng Địa trung hải. Một cuộc liên minh khác, gần như vô hình, được khai triển giữa Roosevelt và tân giáo hoàng Piô XII. Sự liên lạc giữa hai người đã được sắp xếp chu đáo từ ba năm trước do một hồng y người Mỹ là Francis Spellman. Hồng y dàn xếp để có một cuộc họp mật giữa tổng thống và vị giáo hoàng tương lai tại nhà thân mẫu của Roosevelt ở New York. Từ đó phát sinh một liên minh chống cộng sản giữa Bạch ốc và Tòa thánh, kéo dài cho tới khi Chiến tranh Lạnh chấm dứt.

Tuy vậy, mối liên lạc ngoại giao đầy đủ, vẫn còn bị định mệnh trì hoãn. Các vị giáo hoàng kế nhiệm rất bất bình vì những tổng thống kế tiếp nhau, bởi lo sợ phản ứng dữ dội của người Tin lành nên không dám gửi đại sứ tới Tòa thánh. Ngay cả John F. Kennedy, vị tổng thống Công giáo duy nhất, cũng giữ cho mình không quá thân mật với Vatican.

Ngoài các trở ngại về tôn giáo và ý thức hệ, cũng còn có một sự hiểu lầm sâu xa về bản chất của Tòa thánh. Mỹ coi giáo hoàng như một diễn viên lớn trên chính trường nước Ý, chứ không phải trên sân khấu toàn cầu. Vậy mà Vatican lại là một diễn viên ưu tú đầy quyền lực mềm dẻo. Vào thập niên 1980, Vatican đã bổ nhiệm 102 đại sứ (hiện nay là 176), nhưng lại không có vị nào cạnh Hoa kỳ.

Năm tháng qua đi, hai đế quốc song hành này cùng lớn mạnh – cả hai vươn rộng khắp toàn cầu – và cùng gặp những chồng chéo, trùng lặp trên nhiều vấn đề quốc tế. Nhưng họ vẫn không công nhận nhau.

Mãi cho đến mốc thứ ba: 1984. Đó là khi tổng thống Reagan thỏa thuận gửi một đại sứ tới Vatican và tiếp nhận một sứ thần, là chức vị của Tòa thánh tương đương với cấp bậc đại sứ. Đó cũng như một loại phần thưởng dành cho sự yểm trợ mạnh mẽ và tinh tế của Vatican trong trận chiến chống “đế quốc tội ác” Liên bang Sô viết. Và Tòa thánh thoả mãn với việc Reagan và Quốc hội Mỹ đã chung cục rũ bỏ những gì được coi là tàn tích của thành kiến tôn giáo chống lại giáo hoàng.

Khi Đức Bênêđictô XVI và tổng thống Bush gặp nhau tuần này, chắc chắn không bên nào sẽ quên được lời khiển trách năm 2003 của giáo hoàng Gioan Phaolô II về chiến tranh tại Iraq. Nhưng cả hai người không ai có động cơ hoặc ước muốn lấy chân đá cho lớp bụi ấy lại tung lên. Họ có nhiều địa hạt phải cùng quan tâm chung. Chủ nghĩa cực đoan Hồi giáo là một đe dọa độc hại cho cả hai, mặc dầu họ thường khác biệt nhau trong phương cách đương đầu với nguy cơ đó. Người ta trông đợi Vatican sẽ đóng một vai trò then chốt trong thời kỳ chuyển đổi của Cuba ra khỏi chế độ cộng sản. Cấp thiết nhất là thúc đẩy cho việc tái tạo bầu khí bình thường ở Iraq: Bush thì vì những lý do địa lý chính trị (geopolitical, chính trị chịu ảnh hưởng của các nhân tố địa lý – ghi chú của người dịch), giáo hoàng thì vì những lý do địa lý tôn giáo (geo-religious), tức là sự hiện diện đầy hiểm nguy của thiểu số tín đồ Kitô giáo trong khu vực đó.

Ngày nay, “khu chợ tình báo” của Vatican cũng đã có giá trị mới – đó là những liên hệ chiến lược trong thế giới Hồi giáo. Mạng lưới toàn cầu của Tòa thánh gồm các linh mục, nữ tu và các nhà truyền giáo làm cho giáo hội Công giáo có tai có mắt ở những khu vực mà Hoa kỳ không hiện diện, không được tin cẩn, không được ưa chuộng.

Cuối cùng thì cuộc viếng thăm của Bênêđictô XVI tới Bạch ốc là dấu hiệu việc bình thường hoá đích thực các quan hệ giữa Hoa kỳ và Vatican, và xảy ra vào một thời điểm khó khăn cho cả hai phía. Trong một thế giới đa cực, họ không thể thực thi bá quyền được nữa, dù là chính trị hay tôn giáo. Quả thực, cả hai đều cần đến nhau.

Nguồn: Massimo Franco / Los Angeles Times

Massimo Franco là một nhà bình luận chính trị cho nhật báo Ý Corriere della Sera. Ông cũng là tác giả cuốn sách sắp xuất bản "Parallel Empires: The Vatican and the United States, Two Centuries of Alliance and Conflict” (Hai đế quốc song hành: Vatican và Hoa kỳ, Hai thế kỷ liên minh và xung đột).

Phụng Nghi

No comments: