“Vào đại học, phải khác!”
Chính vì quan niệm này mà khá nhiều sinh viên tự “làm mới” bản thân mình theo nhiều cách khác nhau, có thể tích cực hoặc tiêu cực…
Từ ngoại hình
Vào đại học, bạn có thể thoải mái lựa chọn trang phục hợp với sở thích của mình. Sẽ thật dễ chịu khi được chọn một bộ quần áo mình thích, thay vì phải trong khuôn khổ như khi học cấp 3.
Duy Anh (sinh viên năm 1 ĐH Tài chính - Marketing) chia sẻ: “Lên đại học, gu thẩm mĩ của mình lên cao hẳn. Mình không còn xuề xòa như trước vì đã biết phát huy ưu điểm, lựa chọn trang phục mang chất cá tính của mình. Mình rất hài lòng với phong cách hiện tại (áo sơ mi + quần jeans), đơn giản nhưng nếu biết cách phối đồ, sẽ thể hiện được chất riêng...”
“Lên đại học, đa phần các bạn được tự do thoải mái hơn rất nhiều, đặc biệt là chuyện trang phục. Họ ăn mặc đẹp hơn, lịch sự hơn. Những bạn có gu thẩm mĩ cao sẽ chọn trang phục khác lạ một tí để tạo nên phong cách riêng. Tuy nhiên, theo mình, đẹp không có nghĩa là “khác người” mà còn phù hợp vào hoàn cảnh và môi trường nữa” - đó là suy nghĩ của bạn N.K (sinh viên năm 1 ĐH Mở).
Nhưng không phải ai cũng biết cách lựa chọn trang phục phù hợp với bản thân và hoàn cảnh. N.P (sinh viên trường ĐH KHXH & NV) đã chọn “áo sơ mi mỏng + quần shorts cực ngắn” vào ngày đầu tiên nộp hồ sơ nhập học. Mọi người ai cũng chú ý vào bạn ấy và dường như bạn ấy chẳng quan tâm đến mọi người xung quanh. N.P nói: “Những anh chị sinh viên khoa Đông phương, nhiều người cũng mặc shorts như thế đi học, cũng bình thường thôi mà!”. P đã có một sự so sánh khập khiễng, bởi vì không phải lúc nào “a dua” theo người khác cũng là tốt, hơn nữa chân P không dài và có khuyết điểm, mặc shorts là một quyết định hoàn toàn sai lầm
Còn M.A (sinh viên ĐH Hoa Sen) lại chọn cách “làm mới” bằng việc thay đổi ngoại hình 180 độ: tóc vàng, quần thụng, áo kiểu, ngoài ra còn đủ các phụ kiện rắc rối khác. Trong khi ở thời phổ thông, M.A hoàn toàn giản dị.
Đến tính cách
Tại một con đường ở làng đại học, xung quanh đang yên tĩnh, bỗng có tiếng xe máy phân khối lớn chạy với tốc độ cao, mọi người giật mình nhìn ngang. Đằng sau xe là V.L (sinh viên năm 1 ĐH KHXH & NV), ăn mặc khá thời trang và…gợi cảm. Một nhóm bạn ở gần đó cùng bàn tán. B.M (cùng khoa với L) nói: “Hồi trước nhỏ học cùng trường với mình nè, hiền và học giỏi lắm. Mới học được vài tuần đã khác. Mình thật cũng chẳng hiểu nổi!”
Không những thế, nghe đâu B.M đã chia tay “mối tình học sinh” của mình để quen một anh chàng có tính cách phức tạp. Một bạn lắc đầu ngán ngẩm: “Tại sao lại phải thay đổi như thế nhỉ?”
V.C (sinh viên năm 1 ĐH Tôn Đức Thắng) lại trở nên…đa tính cách hơn khi vào môi trường mới. Khi thì mặt lạnh như băng, lúc lại hồ hởi trò chuyện với đám bạn mới, kèm theo cách cười “lôi kéo sự chú ý”… Chính vì vậy, mọi người “tẩy chay ngầm” cô bạn. Rất tiếc là C chưa nhận ra điều đó.
Và phương pháp học
T.T (sinh viên năm 1 ĐH KHXH & NV) chỉ học khoảng…2 buổi từ đầu năm học đến giờ. T cho biết: “Những năm đầu, học đại cương hơi chán. Mình chỉ cần có mặt khi kì thi bắt đầu là được. Hơn nữa, suốt vài tháng qua, mình đã học rất nhiều, học nhuyễn cả sách lịch sử và địa lý, nên bây giờ thú thật là mình cũng có hơi ngán trước lượng kiến thức mới”.
Thảo Nguyên (sinh viên năm 1 ĐH Hồng Bàng) nhận xét: “Tại sao đã vào được đại học rồi mà không thể cố gắng thêm nữa? Mình thật sự khó hiểu trước phương pháp học của T. Lúc thì học quá nhiều, khi thì chẳng học gì. Liệu rằng T sẽ “vượt qua” trong năm đầu, khi mà việc hoàn thành kiến thức đại cương còn chưa thực hiện được?”
Còn M.Q (sinh viên năm 1 ĐH Công nghiệp) vào lớp toàn…ngủ, hoặc làm việc riêng. Đậu vào ngành tài chính - ngân hàng với số điểm khá ổn, nhưng từ khi nhập học, môi trường mới, bạn bè mới, Q tự buông thả mình và quan niệm: “Khi đã thông minh sẵn rồi thì học kiểu gì cũng đậu thôi!” (!!!)
Những suy nghĩ riêng
Lên đại học, bạn gần như đã trưởng thành và có thể tự quyết định cho tương lai cho bản thân. Nhưng điều đó không có nghĩa là bạn “phải khác”, “phải thay đổi” với lý do “hoàn cảnh thay đổi”.
Chuyện trang phục, thay đổi là điều tốt, tác phong của bạn sẽ chuẩn mực hơn và bạn sẽ đẹp hơn. Tuy nhiên, trang phục phải phù hợp với vóc dáng và hoàn cảnh nữa. Bạn sẽ không còn là chính mình nếu ngoại hình của bạn khiến người quen “không nhận ra bạn”.
Về tính cách, có thể một số bạn bị hoàn cảnh tác động. Chỉ vì muốn “bằng bạn bằng bè”, “theo kịp thời đại”, “chứng tỏ mình đã lớn”…mà họ thay đổi tính tình không đúng cách. Hậu quả là họ trở nên xa cách, lạc lõng với bạn bè cũ lẫn bạn bè ở môi trường mới.
Về phương pháp học tập, hẳn nhiên không còn ai kiểm soát, quản lí bạn như trước. Thậm chí bạn cúp học ngồi ở ghế đá trong khuôn viên trường, cũng chẳng ai quan tâm. Nhưng vấn đề ở đây là hãy học cho chính bạn, để rồi vài năm sau không phải hối hận, tiếc nuối. Đã vào được đại học rồi thì hãy học sao cho xứng đáng là sinh viên, bạn ạ!
o0o
Không ai bắt bạn “phải khác”. Nếu bạn vẫn là chính bạn mà các mối quan hệ vẫn tốt, thành tích học tập vẫn ổn, thế thì việc gì phải thay đổi, bạn nhỉ?
Việt Báo (Theo Mực tím)
No comments:
Post a Comment