Sinh viên trong nước nghĩ gì về việc báo đài lên án TGM Ngô Quang Kiệt?
Trong những ngày qua, trên báo đài trong nước liên tục trích dân và lên án lời phát biểu của Tổng Giám Mục Ngô Quang Kiệt trong cuộc gặp với UBND thành phố Hà Nội.
Tác động của chiến dịch truyền thông này ra sao? Hiền Vy đã hỏi một số sinh viên trong nước về cảm nghĩ của họ.
Báo đài thiếu trung thực
Một sinh viên ở Sàigòn phát biểu:
"Có thể hành động này là nhằm để hướng dư luận trước những sự kiện quan trọng của nhà nước về cách giải quyết vụ Tòa Khâm Sứ và Thái Hà. Đồng thời thì đây cũng là hành động nhằm mục đích triệt hạ uy tín của đức Tổng Kiệt. Điều này cho thấy sự thiếu trung thực, thiếu khách quan của báo chí Việt Nam và cũng khiến cho người ta đặt ra một câu hỏi lớn về lương tâm của người cầm bút và bên cạnh đó người ta cũng nhận thấy sự yếu kém về mặt lý luận của nhà nước qua vụ Tòa Khâm Sứ và Giáo xứ Thái Hà đến độ phải dùng cái hạ sách này."
Trong khi ở trên các diễn đàn internet các vấn đề được đem ra bàn luận với các ý kiến, đồng tình cũng như không đồng tình đã diễn ra rất sôi nổi thì việc 800 tờ báo của nhà nước chỉ đưa những thông tin có tính một chiều cũng làm cho người ta đặt ra những câu hỏi lớn.”
Một sinh viên tại miền Bắc thì cho rằng: “Câu nói của Đức TGM Ngô Quang Kiệt không phải là ông muốn phủ nhận ông là người Việt Nam mà ông chỉ muốn nói lên rằng ông cảm thấy nhục nhã khi đi đâu cũng bị các nước khác họ coi rẻ người Việt Nam, vì mình quá nghèo và không đoàn kết. Ông muốn chúng ta đoàn kết và mạnh mẽ hơn nhưng đảng Cộng Sản Việt Nam đang muốn hạ uy tín của đức TGM Ngô Quang Kiệt, là người đang có uy tín trong cộng đồng Công giáo Việt Nam nên họ sử dụng báo đài của họ để cắt xén, thêm bớt lời nói của Đức TGM Ngô Quang Kiệt để tạo một dư luận, phản ứng gay gắt trong nhân dân, nhưng họ đã nhầm vì sự thật bao giờ cũng là sự thật nên nhân dân sẽ hiểu ra câu nói của đức TGM.”
Không chỉ ĐGM Ngô Quang Kiệt thấy nhục
Và phát ngôn viên của blog Vàng Anh nói:
“Đứng trên mặt truyền thông thì đây là việc không nên làm, nhất là với tư cách truyền thông của nhà nước. Những người không ủng hộ hay ủng hộ quan điểm trong câu nói nguyên văn của TGM Ngô Quang Kiệt đều bất bình về cách thức thông tin và cách kết án ông Ngô Quang Kiệt trên đài truyền hình và báo chí Việt Nam.
Đây không chỉ đơn thuần là vấn đề đưa tin như thế nào, mà là truyền thông và nhà nước của chúng ta đã tạo một ấn tượng không tốt và những gì mà họ đang tuyên truyền.
Từ lâu mọi người đã biết truyền thông hay báo chí Việt Nam không được nói lên sự thật nên việc truyền thông Việt Nam cắt ngắn câu nói của TGM Ngô Quang Kiệt chỉ là một thí dụ điển hình cho việc uốn nắn thông tin phục vụ cho mục đích chính trị của nhà nước mà thôi”
Một sinh viên miền Trung bày tỏ sự thông cảm của anh với đức TGM Hà Nội về vụ việc này: “Nếu tôi ở vị trí của đức Tổng Giám Mục thì tôi cũng cảm thấy hỗ thẹn vì bản thân tôi đã từng gặp một trường hợp là kỹ sư Việt Nam ra nước ngoài làm việc lại chỉ là những kỹ thuật viên mà thôi, mặc dù họ là kỹ sư trong nước. Cho nên ra nước ngoài bản thân tôi chỉ là một kỹ thuật viên thì tôi cảm thấy rất nhục nhã với các nước láng giềng. Nên việc Ngài là 1 đức TGM mà khi ra nước ngoài, đến sân bay, bị lục soát thì cái vấn đề đó Ngài cảm thấy là quá nhục nhã khi Ngài là một TGM mà bị rơi vào hoàn cảnh ương ương dở dở vì ảnh hưởng trên cái hộ chiếu Việt Nam. Vấn đề này chỉ là tư tưởng của Ngài cho nên không có việc gì mà phải đánh giá. Ở Việt Nam không phải ai cũng hãnh diện về cái đất nước này. Nếu hôm nay đất nước này trở thành một cái gì tốt đẹp giữa cộng đồng thế giới thì người ta có quyền hãnh diện nhưng vẫn nhiều người có cảm giác chẳng có gì để hãnh diện trên đất nước này, nên cái việc họ cảm thấy nhục nhã thì quá bình thường trong xã hội này”
Và anh nói thêm rằng:
“Trong sâu thẳm tâm hồn thì mỗi người Việt Nam đều yêu nước Việt nhưng hình ảnh của nước Việt ngày hôm nay, làm cho họ không còn cảm thấy tự hào về nước Việt nữa. Yêu nước Việt và tự hào về nước Việt là hoàn toàn khác nhau. Bản thân tôi luôn yêu mến nước Việt Nam nhưng hãnh diện về nó trong thời điểm này thì tôi không có cảm giác gì để hãnh diện”
Anh sinh viên Sàigòn thì vẫn tự hào về dân tộc Việt:
“Là một người Việt Nam thì tôi rất tự hào về dân tộc của tôi nhưng là một người tự trọng tôi cũng cảm thấy xấu hổ với những cái xấu xa và những thói tiêu cực của xã hội Việt Nam hiện nay, đặc biệt là khi nói chuyện và tiếp xúc với bạn bè nước ngoài khi gặp họ tại Việt Nam”
Và câu nói của Phát ngôn viên blog Vàng Anh sẽ kết thúc bài phóng sự hôm nay:
“Học sinh Việt Nam được giáo dục câu: ‘Đất nước ta tiền vàng biển bạc’, nhưng rừng đã bị đốn trong đó có phong trào bán cây và bán than qua biên giới Trung Quốc, biển cả thì đang bị Trung Quốc thao túng. Nhìn vào thực tế những gì người Việt Nam đang có từ kinh tế xã hội thì nước ta là một trong những nước nghèo, chậm phát triển, thậm chí còn là bãi rác công nghệ của các nước phát triển. Về chính trị thì đối với thế giới, chính quyền Việt Nam là chính quyền tham nhũng, độc tài, công dân thì không có nhân quyền, không được phát biểu ý kiến. Nhà cầm quyền thì tùy thuộc vào chính trị của Trung Quốc. Về văn hóa thì scandal phim sex của Hoàng Thùy Linh đã trở thành phim sex được phổ biến trên toàn thế giới …Như vậy tự hào về người Việt Nam không phải chỉ là một khẩu hiệu mà cần phải có một việc làm thiết thực để đưa đất nước vượt qua đói nghèo và lạc hậu”.
Hiền Vy, RFA
No comments:
Post a Comment