Sunday, October 19, 2008

Đức TGM Giuse Ngô Quang Kiệt- Con người của tinh thần Công Đồng Vatican II


1- Những ai đã học qua một số văn kiện Công Đồng Vatican II thì có thể thấy được rằng: Công Đồng Vatican II nhấn mạnh đến vai trò của Thánh Thần trong đời sống Giáo hội. Hiến chế Tín Lý về Giáo hội nói rất rõ: “Với sứ vụ lan rộng khắp trần gian, đồng thời cũng vượt lên giới hạn thời gian và ranh giới chủng tộc (nên) Giáo hội đi vào lịch sử nhân loại. Tiến bước giữa cơn cám dỗ và đau thương, Giáo Hội vững mạnh nhờ ơn Thiên Chúa mà Chúa Giêsu đã hứa ban, hầu Giáo Hội vẫn hoàn toàn trung tín, sống như một Hiền Thê xứng đáng của Chúa mình, dầu xác thịt yếu hèn, và không ngừng tự đổi mới dưới tác động của Chúa Thánh Thần cho đến ngày, nhờ thánh giá, đạt đến ánh sáng không hề tắt” (Lumen Gentium, 9).

Nếu Giáo hội nhấn mạnh đến vai trò của Chúa Thánh Thần trong hoạt động của mình, thì người Kitô hữu ngày hôm nay, dầu xác thịt yếu hèn, với tinh thần Vatican II, cũng phải sống trong sức mạnh và tự do của Thánh Thần.

2- Khí hay Thần Khí là Ruach (רוּחַ) trong tiếng Do Thái. Thần Khí Chúa là Ruach Elohim (אֱלֹהִים רוּחַ). Thần khí có thể hiểu là Tác giả của năng lực đầy sinh khí trong trật tự tạo dựng, là Nguyên Lý cơ bản của công cuộc tạo dựng, và là Đấng thông truyền (cái) hồn cho toàn vũ trụ (Ruach may be understood as the Author of the animating dynamic of the created order, the underlying Principle of creation, and the One that imparts the nephesh to the entire universe).

Xin xem thêm nghĩa Thần Khí theo địa chỉ: http://www.hebrew4christians.com/Names_of_G-d/Spirit_of_God/spirit_of_god.html

Thần Khí không thể thiếu trong đời sống nhân loại vì chính Thần Khí là Hồn của toàn vũ trụ và là Nguồn Mạch ý nghĩa của mọi việc chúng ta làm. Như trong Hội nghị đại kết ở Upsal, Thượng phụ Hazim đã nhận xét: “Không có Thần khí, Thiên Chúa rất xa vời, Đức Kitô chỉ là quá khứ, Tin Mừng là chữ chết, Giáo Hội chỉ là tổ chức, quyền bính là thống trị, truyền giáo là tuyên truyền, phượng tự chỉ là thuần túy tưởng niệm và hành vi Kitô hữu chỉ còn là đạo đức nô lệ. Nhưng trong Thánh Thần, vũ trụ được nâng dậy và rên rỉ làm nảy sinh Nước Thiên Chúa, con người chiến đấu chống lại xác thịt, Đức Kitô Phục Sinh đến hiện diện ở giữa chúng ta, Tin Mừng trở thành quyền năng sự sống, Giáo hội là hiệp thông Chúa Ba Ngôi, quyền bính nhằm phục vụ và giải thóat, truyền giáo là một Lễ Hiện Xuống” (trích lại từ bài nói chuyện của Đức Cha Phaolô Bùi Văn Đọc, Yves Congar - Con Người & Tư Tưởng, Trung Tâm Học Vấn Đa Minh, 2005, trang 75-76).

3- Muốn sống trong Thần Khí thì phải vâng phục Thần Khí. Cứ sự thường, vâng phục một ai thì làm cho con người bị lệ thuộc và trở thành nô lệ. Nói cách khác, vâng phục tỷ lệ nghịch với tự do. Thế nhưng, vâng phục Thần Khí không tỷ lệ nghịch mà tỷ lệ thuận với tự do. Ai vâng phục Thần Khí, người đó sống trong sự thật và rất tự do. Người đó có thể làm những việc bất ngờ và thú vị trong sự hướng dẫn của Thần Khí. Sự tự do này không một quyền lực nào của thế gian có thể áp chế được. Nhà tù, nghèo đói, đau khổ và cả cái chết cũng không diệt được sự tự do này. Và sự thật là chính vũ khí của Thần Khí để tiêu diệt mọi bất công và xảo trá. Nó sẽ đâm thủng bất cứ bức tường mà quyền lực bóng tối chống đỡ. Những người sống sự thật và tự do của Thần Khí thì đúng là đe dọa đối với những bất công và quyền lực bóng đêm sự dữ. Vì chính họ là công cụ của Thần Khí để chống lại bất công, chống lại sự dữ và quyền lực bóng tối.

4- Vâng phục Thần Khí thì chúng ta phải hành động theo Thần Khí. Nếu Thần Khí muốn bênh vực những công nhân ngày đêm vất vả mà đồng lương èo uột không đủ sống thì ai sẽ lên tiếng cho Ngài? Nếu Thần Khí muốn lên tiếng bênh vực cho những bệnh nhân đang nằm lăn lóc trong các hành lang bệnh viện mà họ không thể được đoái hoài nếu như không có tiền thì ai sẽ lên tiếng cho Ngài? Nếu Thần Khí muốn lên tiếng chống lại những bất công đất đai của người nghèo thì ai sẽ lên tiếng cho Ngài? Nếu Thần Khí muốn thay đổi một hệ thống mà trong đó những kẻ học kém, chỉ giỏi tài bợ đỡ lại có quyền hơn những kẻ có năng lực và liêm khiết thì ai sẽ lên tiếng cho Ngài? Nếu Thần Khí muốn thay đổi một hệ thống luật pháp mà những kẻ tay trong thì đương nhiên được coi là vô tội trừ khi đủ chứng cứ để kết tội, còn những kẻ bị ghét và dân thường thì đương nhiên bị coi là có tội trừ khi đủ chứng cứ vô tội thì ai sẽ lên tiếng cho Ngài? Ai sẽ lên tiếng khi công đoàn đi chống lại công nhân? Ai sẽ lên tiếng cho Ngài khi đầy tớ phản loạn và đánh đập tôn chủ của mình? Ai sẽ lên tiếng cho Ngài??

Khi suy nghĩ những điều này, chúng ta khám phá ra rằng những nhà thờ, những chủng viện nguy nga chỉ giúp được một phần trong việc đào tạo đời sống đức tin cho giáo dân, tu sĩ và linh mục. Chúng ta cần những bài học từ thực tiễn cuộc sống. Chúng ta cần những con người như Tổng Giám Mục Giuse Ngô Quang Kiệt. Đức Tổng đang giáo dục giáo dân và chủng sinh của ngài bằng chính đời sống Thần Khí: một đời sống cho công lý và vì công lý do Thần Khí thôi thúc. Giáo hội cần chứng nhân hơn thầy giảng. Trong suy nghĩ rất chủ quan của con: ngài đúng là con người nổi bật tinh thần Vatican II.

5- Cuộc chiến giữa Thần Khí sẽ không dừng lại cho đến ngày Đức Kitô lại đến. Cuộc chiến này không chỉ dừng lại ở bất công tranh giành đất đai mà còn trong tất cả những lãnh vực mà quyền lực bóng đêm trú ngụ để kéo ghì nhân loại này xuống. Cuộc chiến này cũng không khoan nhường với bất kỳ một thể chế chính trị nào. Chúng ta cứ nhìn vào Têrêsa Calcutta, Osca Romero. Têrêsa Calcutta đã mạnh mẽ phản đối lại sự thờ ơ, khinh thị của người khác dành cho các bệnh nhân và người nghèo sắp chết. Têrêsa chống lại sự bất công đó bằng cách dùng mọi khả năng mình có để chăm sóc và trân trọng họ. Oscar Romeo đã chống lại phong trào quân sự được hậu thuẫn bởi một đế quốc hùng cường, không phải là Cộng Sản.

Thế nên, con rất vui mừng vì Việt Nam có người như Đức Tổng Giám Mục Giuse Ngô Quang Kiệt. Ngài đang chọn hành động theo Thần Khí thúc đẩy: ngài đã cho chủng sinh của Hà Nội đến với những người bệnh nhân đau khổ và người nghèo ven sông; ngài đã khơi dậy lòng nhiệt huyết của sinh viên Công Giáo qua phong trào thu nhặt giấy báo bán giúp người nghèo. Bất ngờ và thú vị hơn, ngài đã động viên tinh thần anh em Dòng Chúa Cứu Thế qua sự quan tâm và thư từ; ngài đi thăm những gia đình có người bị bắt; ngài phát biểu thẳng thắn ngay trong cuộc họp; ngài không nhận lại tượng ảnh khi mọi việc chưa rõ ràng… Xin Chúa chúc lành cho Đức Tổng như Ngài đã chúc cho Dơ-rúp-ba-ven: “Đây là lời của ĐỨC CHÚA liên quan đến ông Dơ-rúp-ba-ven: Không phải nhờ thế lực, cũng chẳng phải nhờ sức mạnh mà nó hoàn thành công việc Ta giao phó, nhưng là nhờ thần khí của Ta, ĐỨC CHÚA các đạo binh phán” (Da-ca-ri-a 4:6).

6- Trong buổi tiếp và làm việc với các Đại sứ, Phó Đại sứ và Trưởng đại diện các Đoàn ngoại giao tại thành phố Hà Nội vào ngày 15-10, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo nói: “Nguyên nhân chính của các vụ việc trên là do một số giáo sĩ mà đứng đầu là Tổng giám mục Ngô Quang Kiệt đã lợi dụng hoạt động tôn giáo, lợi dụng đức tin và sự thiếu hiểu biết của một số giáo dân, cố tình vi phạm pháp luật; đi ngược lại lợi ích quốc gia, dân tộc và của giáo hội; làm ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa chính quyền TP với Tòa Tổng giám mục cũng như Nhà thờ Thái Hà, ảnh hưởng đến hình ảnh của công giáo trong lòng nhân dân Thủ đô và cả nước …”

Có lẽ chúng ta nên hiểu ngược lại điều ông chủ tịch đã nói: nguyên nhân chính là do ông Kiệt cầm đầu chống lại bất công đất đai, vấn đề quyền căn bản (theo Đại Sứ Hoa Kỳ: tranh chấp đất đai không là vấn đề tôn giáo (mà còn hơn thế nữa!)). Ông chủ tịch đang rất sợ TGM Kiệt vì ngài đang đi đúng với lợi ích của quốc gia, dân tộc và Giáo hội. Ông còn muốn TGM Kiệt đi khỏi Hà Nội mà thực chất TGM Kiệt, không phải ông chủ tịch, mới là người xứng đáng ở lại Hà Nội.

Ông chủ tịch sợ cũng phải vì sự thật đang dần bị phơi bày. Những ai trước đây ghét TGM Kiệt vì nghe thông tin nhà nước thì họ căm phẫn nhà nước hơn thế nữa khi tìm ra sự thật. Trường hợp Trần Quốc Cường với TÔI CŨNG MUỐN NÓI LÊN SỰ THẬT trên VietCatholic News (Thứ Sáu 10/10/2008) chỉ là một điển hình cho hàng nghìn người đang căm phẫn khác mà không dám nói ra.

7- Thần Khí Chúa vẫn ‘là là’ trên chúng ta khi cuộc sống vẫn còn nhiều ‘hỗn độn’. Thần Khí sẽ giúp sức cho những ai vươn lên đón nhận Ngài. Suy nghĩ về tình hình xã hội ngày nay, có lẽ chúng ta cần nhiều “Ngô Quang Kiệt” nữa, những Osar Romero của Việt Nam ở thế kỷ 21.

Là một tu sĩ Dòng chiêm niệm, con mong một đời sống chân thành và lặng lẽ như lời thơ của cha Đa Minh Nguyễn Văn Kinh trong bài giảng lễ đám tang của Đức Cha Giuse Nguyễn Quang Tuyến ngày 25/09/2006:

Tôi muốn làm viên gạch dưới tầng sâu,
Làm chất đốt cho cuộc đời ấm lửa,
Làm phân bón cho cây đời tươi nhựa,
Trĩu quả vàng bát ngát những mùa sau.

Thế nhưng con được thôi thúc phải viết. Khi viết những dòng này, con thấy rùng mình. Trong thân phận con người, con sợ nhà tù, sợ bị vu khống và gài bẫy. Nhưng trong Thần Khí con sẽ không sợ bất cứ điều gì. Dù có chết, con sẽ được sống, như Oscar Romero đã nói: “Tôi không tin có chết mà không có sống lại. Nếu tôi bị giết chết, tôi sẽ được sống trong trái tim của nhiều người”, và hơn thế nữa, vì Đức Kitô đã chiến thắng.

LM Stêphanô Lê Thành Tựu, Tu sĩ Dòng chiêm Niệm (vietcatholic.net)

No comments: