Đức Thánh Cha kêu gọi tái khám phá ra ý nghĩa của Ngày Chúa Nhật
Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã đưa ra lời kệu goi trên đây trong bài giảng thánh lễ tại nhà thờ chính tòa thánh Stephano trong thủ đô Vienne sáng Chúa Nhật 9-9-2007.
Lúc 9 giờ 15 phút sáng 9-9-207 Đức Thánh Cha đã rời Tòa Sứ Thần Tòa Thánh đi xe đến nhà thờ chính tòa thánh Stephano nằm cách đó 3 cây số, để chủ sự thánh lễ. Hàng chục ngàn người đã đứng chờ ĐTC dưới trời mưa chung quanh nhà thờ chính tòa và tham dự thánh lễ qua các màn truyền hình lớn.
Nhà thờ chính tòa thánh Stephano của thủ đô Vienne được xây theo kiểu roman hồi đầu thế kỷ thứ XII. Nhưng sau khi bị cháy năm 1258 nó được xây lại theo kiểu gô tích, và là ngôi nhà thờ biểu tượng đẹp nhất nước Áo, có chỗ cho 3.000 người. Nhà thờ đã được tu sửa nhiều lần, đặc biệt sau khi bị dội bom hồi năm 1945. Mặt tiền có hai tháp cao 61 mét và tháp chuông cao 136 nét có qủa chuông ”Pummerin” nặng 21 tấn, được đúc năm 1711 với đồng lấy từ các khẩu đại bác của quân Hồi Ottoman. Bên trong có các tác phẩm nghệ thuật rất cổ kính thuộc các thế thế kỷ XIV và XV như tượng Đức Mẹ các tôi tớ năm, toà giảng, tượng Đức Bà áo choàng và 72 bức tượng các thánh trong gian giữa. Trong nhà thờ cũng có mộ của Eugenio Savoia và mộ các vua nhà Asburgo dưới hầm nhà thờ. Ca đoàn nhà thờ chính tòa có ban nhạc đệm đã hát bộ lễ ”Messa Cellensis”, bộ lễ Đức Bà Mariazell, do nhạc sĩ Joseph Haydn sáng tác kính Đức Mẹ năm 1782.
Giảng trong thánh lễ Đức Thánh Cha đã quảng diễn các bài đọc Chúa Nhật thứ XXIII Thường Niên năm C và nhấn mạnh trên ý nghĩa của việc cử hành bí tích Thánh Thể ngày Chúa Nhật. Ngài nhắc lại câu nói của các kitô hữu thành Abitene bên Thổ Nhĩ Kỳ, bị bắt đang khi tu tập nhau tham dự thánh lễ Chúa Nhật hồi năm 304. Khi bị điệu ra xét xử họ nói với quan tòa: ” ”Sine dominico non possumus!” Không có ơn Chúa, không có Ngày của Chúa, chúng tôi không thể sống được. Đức Thánh Cha nhấn mạnh trên ý nghĩa của từ ”Chúa Nhật” như sau: Trong từ ”Chúa nhật” có hai từ giao thoa không thể tách rời nhau, mà chúng ta phải tập hiểu trở lại sự hiệp nhất của chúng. Trước hết là có ơn Chúa, ơn đó là chính Chúa: Đấng Phục Sinh, mà kitô hữu cần tiếp xúc và gần gũi để là chính mình. Nhưng đây không chỉ là sự gần gũi tinh thần, thiêng liêng nội tại, chủ quan: việc gặp gỡ với Chúa được ghi dấu trong thời gian, qua một ngày chính xác. Chính qua cách thế đó, nó được khắc ghi trong cuộc sống cụ thể, trong cuộc sống thân xác và cộng đoàn của chúng ta: đó là tính cách thời gian. Nó trao ban cho chúng ta thời gian và như thế ban cho toàn cuộc sống chúng ta một trung tâm, một trật tự nội tại. Đối với các kitô hữu nói trên việc cử hành bí tích Thánh Thể không phải là một điều luật, mà là sự cần thiết nội tại. Không có Đấng nâng đỡ cuộc sống chúng ta với tình yêu thương của Người, thì chính cuộc sống cũng trở thành trống rỗng.
Chúng ta cũng cần tiếp xúc với Chúa Phục Sinh, là Đấng nâng đỡ chúng ta cho tới bên kia cái chết. Chúng ta cần sự gặp gỡ ấy, sự gặp gỡ nối kết và ban cho chúng ta một khoảng trống tự do, giúp hướng nhìn tới tình yêu thương tạo dựng của Thiên Chúa, là nguồn gốc và cứu cánh của chúng ta bên kia các hoạt động của cuộc sống thường ngày.
Đức Thánh Cha nói tiếp trong bài giảng như sau: Lời Chúa Giêsu mời gọi từ bỏ mọi sự để theo Ngài, hướng tới mọi tín hữu, nhưng không đòi hỏi mọi người như nhau. Mỗi người có nhiệm vụ riêng và kiểu theo Chúa riêng. Trong Phúc Âm hôm nay Chúa Giêsu trực tiếp đề cập tới ơn gọi đặc biệt của Mười Hai Tông Đồ. Trước hết các vị phải thắng vượt sự vấp phạm của thập giá, sẵn sàng từ bỏ mọi sự và chấp nhận sứ mệnh đi tới tận cùng bờ cõi trái đất, với vốn liếng văn hóa ít ỏi của mình, để loan báo Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô cho một thế giới đầy dẫy những người thông thái thật hay thông thái giả; đặc biệt loan báo cho những người nghèo khổ và đơn sơ. Các vị phải sẵn sàng chịu tử đạo, để làm chứng cho Tin Mừng của Chúa chịu đóng đinh và phục sinh. Nhưng nếu lời của Chúa Giêsu trước hết hướng tới Mười Hai Tông Đồ, thì lời kêu mời đó vượt ngoài thời điểm lịch sử và mọi thế kỷ... Chỉ cần nghĩ tới các người như thánh Biển Đức và Scolastica, thánh Phanxico và thánh Clara, thánh Elisabét thành Thueringen và Hét vích Slesia, thánh Ignatio thành Loyola và thánh Terexa thành Avila, Mẹ Terexa Calcutta và cha Pio. Với toàn cuộc sống của mình, các vị đã giải thích lời Chúa Giêsu và khiến cho lời Ngài gần gũi, dễ hiểu đối với chúng ta. Chúng ta cũng hãy cầu nguyện để trong thời đại này cũng có nhiều người có can đảm từ bỏ tất cả để sẵn sàng tận hiến cho tha nhân.
Tuy nhiên, điều Chúa Giêsu muốn có giá trị đối với tất cả mọi người: ”Ai muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất, nhưng ai mất mạng sống mình vì Thầy thì sẽ được cứu thoát. Được lời lãi cả thế gian mà mất chính mình thì ích lợi gì cho con người? (Lc 9,24 tt). Chỉ có ai biết tự hiến mới được sống. Chỉ những ai yêu thương mới tìm thấy sự sống. Và tình yêu luôn luôn đòi hỏi phải từ bỏ và ra khỏi chính mình... Chỉ có tình yêu của Thiên Chúa, là Đấng đã mất chính mình vì chúng ta bằng cách tự nộp mình cho chúng ta, mới khiến cho chúng ta được tự do, từ bỏ sự sống, và như thế tìm lại đuợc sự sống đích thực.
Nhận xét về cung cách sống ngày Chúa Nhật trong xã hội ngày nay, Đức Thánh Cha nói: Trong thế giới tây âu của chúng ta ngày Chúa Nhật đã trở thành một cuối tuần, thành giờ rảnh rỗi. Thời giờ rãnh rỗi, đặc biệt trong cái vội vã của thế giới tân tiến, chắc chắn là điều tốt đẹp và cần thiết. Nhưng nếu thời giờ rảnh rỗi không có một trung tâm nội tại, từ đó phát xuất ra một định hướng cho toàn cuộc sống, thì rốt cuộc nó cũng trở thành thời giờ trống rỗng, không củng cố và làm giầu cho chúng ta. Thời giờ rảnh rỗi cần có một trung tâm là sự gặp gỡ với Đấng là nguồn gốc và cùng đích của chúng ta. Vị tiền nhiệm của tôi tại giáo phận Muenchen là ĐHY Faulhaber, đã diễn tả nó như thế này: ”Trao ban cho linh hồn ngày Chúa Nhật của nó, trao ban cho ngày Chúa Nhật linh hồn của nó”.
Và Đức Thánh Cha kết thúc bài giảng như sau: Chính vì ngày Chúa Nhật trong ý nghĩa sâu thẳm của nó là thời gian gặp gỡ Chúa Kitô phục sinh trong Lời Chúa và trong Bí Tích, tia sáng của nó ôm trọn toàn thực tại cuộc sống. Các kitô hữu tiên khởi đã cử hành ngày Chúa Nhật như là ngày thứ nhất trong tuần, bời vì đó là ngày Chúa phục sinh. Nhưng Giáo Hội cũng đã sớm ý thức được sự kiện ngày thứ nhất trong tuần cũng là ngày của buổi sáng tao dựng, ngày Chúa nói: ”Hãy có ánh sáng!” (St 1,3). Vì thế Chúa Nhật, trong Giáo Hội, cũng là ngày lễ hàng tuần của sự tạo dựng, lễ của lòng biết ơn và của niềm vui, vì công trình tạo dựng của Thiên Chúa. Trong một thời đại, trong đó, do các can thiệp của loài người chúng ta, thụ tạo xem ra gặp nguy hiểm, chúng ta phải ý thức tiếp nhận chiều kích này của ngày Chúa Nhật. Đối với Giáo Hội thời khai sinh, ngày thứ nhất dần dần cũng mang ý nghĩa của ngày thứ bẩy, là ngày sabbat. Chúng ta tham dự vào việc nghỉ ngơi của Thiên Chúa, một sự nghỉ ngơi bao bọc tất cả mọi người. Như thế chúng ta nhận ra trong ngày này một cái gì đó của sự tự do và bình đằng giữa tất cả mọi thụ tạo của Thiên Chúa.
Sau thánh lễ Đức Thánh Cha đã ra khán đài cạnh nhà thờ để ngỏ lời với tín hữu trước khi hát kinh Truyền Tin theo một âm điệu cổ xưa bằng tiếng Đức, rồi ban phép lành cho mọi người. Ngài đã cám ơn tất cả những ai đã đóng góp cho buổi cử hành phụng vụ được trang trọng sốt sắng. Đức Thánh Cha mời gọi mọi người noi gương Mẹ Maria lắng nghe lời Chúa, tiếp nhận Chúa và đem Chúa đến cho tha nhân. Một vài trẻ em thuộc tổ chức Missio đã tặng ĐTC một tập tranh do các em vẽ. Đức Thánh Cha đã bắt tay nhiều tín hữu đứng hai bên đường đến tòa tổng Giám Mục, sau đó ngài dùng bữa trưa với các GM và đoàn tùy tùng.
Linh Tiến Khải
No comments:
Post a Comment