Wednesday, June 6, 2007

ĐỒNG HÀNH VỚI CHÚA

Trong Đệ Nhị Thế Chiến, anh là một thanh niên đã sống một cuộc sống cuồng loạn trong một trang trại. Cuối cùng anh đã lập gia đình và ổn định cuộc sống. Vào thời điểm đó, anh được hoán cải và bắt đầu thay đổi cuộc sống.

Mấy năm sau đó, nói chính xác hơn là vào năm 1942, anh nhận được lệnh gọi nhập ngũ qua bưu điện. Anh phải đi khám sức khỏe để tòng quân. Sau khi khám sức khỏe, anh trở về nhà. Anh nhận thấy chiến tranh là một hành động vô luân và thật là sai lầm khi phải cầm súng. Anh đi gặp một vị linh mục để xin ý kiến và ngài cho biết đó là bổn phận phải chiến đấu để bảo vệ tổ quốc. Anh cảm thấy không thỏa mãn với lời khuyên bảo đó.
Anh đến gặp Đức Giám Mục và ngài cũng nói như vị linh mục vậy. Đức Cha cho biết đó là một cuộc chiến tranh để bảo vệ tổ quốc, chống lại một chính thể độc tài vô thần, nên anh có bổn phận phải gia nhập quân ngũ. Lời khuyên bảo đó cũng không có sức thuyết phục anh.

Anh vẫn tin tưởng chiến tranh là điều không chính đáng, không thể biện minh được. Vì thế thật sai lầm đối với anh là một Kitô hữu phải đi đánh giặc. Vợ anh và nhiều bạn hữu của anh cũng khuyên nhủ anh nên hợp tác với chính quyền.

Sau cùng, anh nhận được lệnh của quân đội buộc anh phải trình diện nhập ngũ. Anh quyết định thông báo cho biết là anh không tuân lệnh. Do đó anh bị bắt, bị xét xử theo quân luật, bị kết tội mưu phản và và nhận lãnh bản án tử hình. Chính Phủ Đức Quốc Xã đã thi hành bản án ngày 9 tháng 8 năm 1943 tại Bá-linh. Anh là người Áo, với danh xưng là Franz Yeagersteter. Không giống như vị linh mục và giám mục đã khuyên bảo, anh xác tín việc tham gia vào cuộc chiến của Hitler là điều vô luân và anh đã chết vì niềm tin của mình.

Ngày anh lên đoạn đầu đài, anh đã viết một lá thư trần tình cho biết tại sao anh đã hành động như thế. Anh viết: “Tôi tin tưởng đó là điều Chúa đã kêu gọi tôi làm và tôi đã dâng hiến cuộc đời của tôi như một hy lễ đền tội cho Đức Quốc Xã. Tôi ngước mắt nhìn trời là nơi tôi sẽ tới và rồi từ đó tôi sẽ nhìn xem các con tôi trong tương lai và được biết chúng sẽ hỉểu tại sao cha chúng đã làm điều đó.”

**********************************

Để khuyên bảo những Kitô hữu vào buổi ban đầu, Thánh Phaolô đã nói: “Nếu ta cùng chết với Người, ta sẽ cùng sống cùng Người. Nếu ta kiên tâm chịu đựng, ta sẽ cùng hiển trị với Người.” (2Tm 2:11-12). Thánh Phaolô đã nói như thế, do kinh nghiệm bản thân. Ngài đã chịu đựng nhiều gian khổ trước khi làm nên những việc lớn lao.

Như người ta thường nói: “Một con tim nhút nhát không thể nào chinh phục được quả tim vàng.” Kitô giáo không phải là một tôn giáo dành cho những con tim nhút nhát. Chúng ta phải chịu đựng nhiều hy sinh gian khổ trong cuộc đời thường, đầy chông gai thử thách, trước khi có thể vào Nước Thiên Chúa.

Đó là định luật của cuộc sống, vừa khắt khe vừa hùng tráng. Không thể có triều thiên mà không có thánh giá, không thể có chiến thắng mà không đổ mồ hôi, máu và nước mắt. Không thể có Chúa nhật Phục Sinh mà không có Thứ Sáu Tuần Thánh, không thể có sống lại nếu không có chết đi.

Khi đọc câu chuyện trên, có thể bạn không thích người đó vì anh không chiến đấu cho một cuộc chiến chính đáng, và đó cũng là cuộc chiến chính đáng đối với Đức Quốc Xã. Mọi cuộc chiến được xem là chính đáng vì lý do luân lý, đối với những người chiến đấu cho những cuộc chiến đó. Họ đã chiến đấu ở nước Áo để bảo vệ Kitô giáo, chống lại chế độ Công Sản vô thần của Nga Sô Viết. Đó là điều chính quyền tuyên truyền cho dân chúng và nhiều người đã tin theo.

Nhưng thử nói lại điều đó cho những nạn nhân các lò hỏa thiêu của Đức Quốc Xã và những người đã mất tất cả trong Đệ Nhị Thế Chiến, chắc chắn không lọt tai chút nào. Sự đứng lên chống lại cuộc chiến đó của Franz Yeagersteter khiến chúng ta ngày nay ca tụng anh là người anh hùng cao cả.

Không có chỗ để thỏa hiệp ở đây. Một người có thể giữ ngày Sabbat cho dẫu không ai tuân giữ hết, hoặc xem lễ Chúa nhật cho dẫu bạn bè từ khước. Người ta có thể sống quảng đại, quan tâm và vị tha đối với người khác, hoặc thảo kính và phụng dưỡng cha mẹ trong tuổi già.

Người ta có thể không làm chứng gian, không nói dối, trộm cắp hay ngoại tình. Người ta có thể không bị lãng phí bởi nếp sống tiêu thụ và giới trẻ có thể khước từ việc nghiện ngập, xì ke, ma túy và dấn thân vào những tương giao đặt cơ sở trên những nguyên tắc luân lý vững chắc.

Người ta có thể đương đầu với những trào lưu thế tục, cho dẫu phải đứng lên một mình, hơn là chạy theo quần chúng. Bạn có thể ngẩng đầu lên cao trong khi những người chung quanh cúi thấp đầu xuống. Người ta có thể sống cũng như mọi người nhưng lại khác biệt mọi người, tức là “hòa nhi bất đồng”. Người ta có thể đi con đường hẹp, ít người đi và có thể trở thành một nhà lãnh đạo hơn là người theo bén gót.

Người ta có thể sống và chết cho một lý tưởng cao đẹp, như sống cho Chúa Kitô trong một bối cảnh trần tục. Khi chúng ta vấp ngã, và điều đó thường xuyên xảy ra, chúng ta có thể chỗi dậy, với ơn Chúa phù trợ, bằng lời cầu nguyện hằng ngày để tiếp tục đoạn đường kế tiếp.

Tuy nhiên những điều đó sẽ không xảy đến, nếu chúng ta không chấp nhận cho mình một kỷ cương và sức mạnh nội tâm, cũng như có ý muốn chấp nhận gian khổ để được dẫn tới Vương Quốc của Chúa.

**********************************
Lạy Chúa, xin ban cho con thêm sức mạnh và can đảm để dám đồng hành với Chúa, dám sống và chết cho niềm tin của mình. Amen!

Huong Vinh

1 comment:

Unknown said...

Ở đây tại địa chỉ này http://cttmmd.wordpress.com/2007/06/07/leadership-la-gi/ có một bài blog với tiêu đề, Lãnh đạo là gì, mới lên web xin mời tác giả cũng như đọc giả bài trên đến xem và phê bình giúp hoàn thiện cho sinh viên du học tham khảo nhất là những ai đang học cách ra kế hoạch kinh doanh. Tôi là Lê Nhất Thiện, email tôi là lenhatthien@gmail.com, và danh thiếp web của tôi ở tại địa chỉ web này: http://lenhatthien.danhthieptoi.com