Friday, January 15, 2010

Người sống với người như thế nào?

Còn nhớ Trịnh Công Sơn đã có câu hát: “Sống trên đời sống, cần có một tấm lòng. Để làm gì em có biết không? Để gió cuốn đi...” và cũng chính ông đã ngụ ý rằng, chỉ với một tấm lòng nhỏ nhoi ấy thôi, mà con người vượt rất xa những loài vật khác. Nếu mà cũng nhìn đời bằng con mắt ấy, cũng sống theo tôn chỉ ấy, thì xin được trả lời rằng: Người với người sống trong Tình và Nghĩa.

Tôi hỏi đất:
-Ðất sống với đất như thế nào?
- Chúng tôi tôn cao nhau.

Tôi hỏi nước:
-Nước sống với nước như thế nào?
- Chúng tôi làm đầy nhau.

Tôi hỏi cỏ:
-Cỏ sống với cỏ như thế nào?
- Chúng tôi đan vào nhau
Làm nên những chân trời.

Tôi hỏi người:
- Người sống với người như thế nào?

Tôi hỏi người:
- Người sống với người như thế nào?

Tôi hỏi người:
- Người sống với người như thế nào?

Ba dòng thơ cuối với sự lặp tuyệt đối như một lời trách giận hay là lối hỏi chua chát? Người sống với người như thế nào?

Ừ nhỉ, người sống với người như thế nào? Mình sống với người như thế nào? Người sống với mình như thế nào? Câu trả lời nằm ngay trong chính dòng đời miết mải.

Chẳng hiểu sao ngay từ đầu, cái câu hỏi đầy ám ảnh kia lại tạo cho mình ấn tượng sâu đến thế. Để đến lúc đọc lại cả bài thơ rồi, thì lại bật cười, có lẽ ... ừ có lẽ cả bài thơ đã là lời giải đáp. Người với người sống với nhau để làm cuộc sống của nhau đầy đặn hơn, tô màu thêm sắc để cuộc đời trở nên xanh tươi hơn, và chúng ta tôn nhau lên, để cho những cái riêng của từng cái tôi nổi trội lên, nhưng đồng thời cũng hòa vào nhau, đan vào nhau trong một cái sắc chung - CUỘC ĐỜI.

Và cứ thế, đất, nước và cỏ còn thua chúng ta nhiều lắm. Chúng chỉ tạo được cho nhau, chỉ cho được cho nhau một điều nổi bật, trong khi chúng ta, CON NGƯỜI làm được rất nhiều, nhiều hơn thế.

Không phải là tôi ngây thơ đến mức hiểu nhầm dụng ý của tác giả, nhưng vần thơ là để người tán tụng, để người suy diễn. Nhà văn, nhà thơ có nhìn thấy, có chỉ ra được một khía cạnh, thì tâm hồn người đọc vẫn có thể lần tìm những ngóc ngách khác. Chỉ xin hãy nhìn đời bằng một con mắt lạc quan, để cả ba lần hỏi nhức nhối được trở thành ba lần nhấn mạnh, điểm nhấn cho lòng yêu thương, sự bao dung và tình đồng loại.

Còn nhớ Trịnh Công Sơn đã có câu hát: “Sống trên đời sống, cần có một tấm lòng. Để làm gì em có biết không? Để gió cuốn đi...” và cũng chính ông đã ngụ ý rằng, chỉ với một tấm lòng nhỏ nhoi ấy thôi, mà con người vượt rất xa những loài vật khác. Nếu mà cũng nhìn đời bằng con mắt ấy, cũng sống theo tôn chỉ ấy, thì xin được trả lời rằng: Người với người sống với trong Tình và Nghĩa

Lời bình luận của ai đó làm người ta giật mình ... cái dụng ý hiển nhiên của tác giả bỗng chốc bị lật ngược, bị thay bằng một cách hiểu mới hoàn toàn khác. Quả thật, có lẽ hầu hết ai đọc bài thơ đều thấy khâm phục tác giả, bài thơ ý nhị, giàu ẩn ý nếu không nói là giàu ẩn ý một cách xót xa.

Người sống với nhau như thế nào?
Người sống với nhau như thế nào?
Người sống với nhau như thế nào?


Ba câu hỏi giống nhau về câu chữ, nhưng khác nhau nhiều về cách đọc nó. Người bộc trực dễ lên giọng ở hai câu cuối, cái cảm xúc ấy nó cứ trào ra như sự uất hận bấy lâu bị dồn nén, như một lời quát thẳng vào mặt ai đó, một ai đó hư vô - cuộc đời. Người điềm đạm thì cứ xuống giọng, nhỏ dần, tưởng chừng như bất lực. Cái nín nhịn thắt chặt, sự bức bối ngậm ngùi giữ chặt trái tim, đã biết câu trả lời, đã hứng chịu đủ cuộc đời và giờ đây thì im lặng ...

Đúng, giá trị của bài thơ chính là ở ba câu hỏi cuối, nó không những giá trị ở chỗ tác giả đã gửi vào đó tâm sự sâu kín không chỉ của riêng mình, mà còn là cơ hội để người ta nhìn lại chính mình ... về những gì mang tên là TìnhNghĩa? ...

(Sưu tầm)

Câu chuyện của MUỐN CẦN

Nhìn chung, có một sự khác nhau rõ rệt giữa hai khái niệm cần và muốn. Tôi muốn có một chiếc Dylan, thật sự muốn như thế, nhưng tôi chỉ cần một chiếc Super Dream đàng hoàng để làm phương tiện đi lại, phục vụ công việc mà thôi. Đó, muốn được hiểu là những khao khát để phục vụ cho niềm vui, cái tôi muốn thể hiện, khao khát được chứng tỏ. Muốn dựa vào cảm tính của con người, và con người chúng ta muốn là vô hạn. Còn cần khác muốn thế nào? Cần là khi điều đó thực sự cần thiết cho chúng ta trong cuộc sống. Cần đảm bảo các yêu cầu: chỉ cần có được, tiết kiệm được, tính hữu dụng cao, đảm bảo trong một quá trình. Cần không mang tính thời trang mà mang tính chiến lược, phụ thuộc nhiều vào lý trí của con người.

Và tôi chỉ cần như thế…

WANTS (cái mình muốn) NEEDS (cái mình cần)

Gia đình:

Ai cũng muốn cho mình có được một gia đình hạnh phúc, với ba mẹ, anh chị em, ông bà… Với những bữa cơm đầm ấm, đầy tiếng cười. Tối cuối tuần có thể cùng nhau ăn nhà hàng. Một gia đình với những mối bất hòa luôn được giải quyết triệt để và hài hòa.

Thực sự chỉ cần một gia đình bình yên. Không có tiếng cãi nhau, không có tiếng hét thất thanh giữa đêm tối tĩnh mịch. Không có tiếng khóc của chị gái, trái tim run lên khi nghe mùi rượu của anh trai. Chỉ cần được sống cùng thằng em trai chung một mái nhà, đưa đón nó mỗi ngày đi học. Được có hơi người trong những đêm lạnh, có người trò chuyện…

Công việc:

Muốn làm sếp của 1000 người, muốn làm ăn giỏi như Bill Gates. Muốn mỗi cái gật đầu kiếm ra hàng trăm tỉ đôla, hay cái nhíu mày cũng làm đối tác khóc thét lên. Hay xuống xuống một chút thì muốn được làm trong một công ty đa quốc gia, bay đi Mỹ, Canada training mỗi tháng. Lương thì kiếm vào ngàn đôla một tháng, công việc nhàn nhã, thích nghĩ ngơi thì cứ việc.

Cần một công việc ổn định, một công ty không tệ với một vị trí không tệ. Đi làm giờ hành chính để có thời gian lo cho người khác nữa. Cần có một người sếp giỏi, đáng tin cậy, chỉ bảo cho mình nhiều điều. Cần được làm việc trong một môi trường tốt, các anh chị em trong công ty giúp đỡ lẫn nhau cùng nhau tiến bộ. Được làm việc trong công ty nước ngoài càng sướng, cơ hội luyện English. Cần lương bổng đủ trang trải chi phí sống, phụ giúp bố mẹ một ít, cho thằng cháu một ít, đi học Anh Văn thêm, còn lại tiết kiệm.

Tiền bạc:

Muốn giàu có nứt đố đổ vách. Muốn mua gì thì mua, sắm gì thì sắm. Tiền bạc gửi ngộp ngân hàng Thụy Sĩ. Muốn khi muốn làm gì thì làm, kể cả việc mua màu hồng vĩnh viễn không ai được xài, …

Cần có một nguồn tài chính ổn định. Khi cần mua cái áo mới, cái quần mới, ăn một món ăn ngon mà không phải tính toán, đắn đo suy nghĩ. Hay khi mua cho người yêu một món quà cũng theo sở thích của người ta mà không tính nhẫm lại trong ví còn bao nhiêu tiền. Cần một khoản thích lũy nho nhỏ, khi ốm đau thì tự có thể xoay xở và chăm sóc mình, hay đề phòng khi có biến cố.

Người yêu:

Muốn người yêu là hao hậu, phải là Hoa Hậu thế giới kia. Da trắng, tóc dài và có một tâm hồn lãng mạn, thích thơ ca bay bổng. Mỗi tháng, hai đứa sẽ từ Việt Nam bay qua Nhật ngắm mặt trời mọc, bay qua Ý đi dạo trên những con đường mòn vẹt vết thời gian. Hay được đi dưới những con đường đầy lá phong vàng chiều cuối thu.

Cần một người yêu mình, hiểu mình. Cho dù khoảng cách có thể cách chia hai người, nhưng tâm hồn luôn hướng về nhau. Không cần quá đẹp, nhưng phải có duyên và có khiếu trò chuyện. Biết nấu ăn, nấu mì cũng được không sao cả. Biết chia sẻ công việc của mình và luôn nhẫn nại đọc những bài thơ mình tặng. Cần một bàn tay nóng giữa đêm lạnh, hai đứa ôm nhau nghe Hà Trần hát Sắc Màu…

Bạn bè:

Muốn có những người bạn nổi tiếng, toàn là con nhà giàu, sang trọng để luôn cảm thấy xứng đáng. Muốn những người bạn luôn quan tâm mình, và khi mình cần thì giúp đỡ mình vô điều kiện…

Cần một người bạn thôi. Một người khi mình gọi điện giữa đêm khuya thì biết là vừa có chuyện. Một người bạn nhìn vào mắt mình thì hiểu mình buồn hay vui. Và khi mình buồn, chỉ cần im lặng ngồi đó bên cạnh, chỉ để cho biết có một người đang bên cạnh. Cần một người bạn không tính toán so đó, không nhìn mình bằng con mắt khinh khi khi túi mình trống rỗng. Và cần một bờ vai khi mình muốn khóc...

Tất cả những gì viết ra trên đây chưa bao giờ đủ cả. Còn có những mối quan tâm khác của một con người liên quan đến quá trình sống và làm việc. Thì cũng tương tự như thế, chúng ta sẽ phân tích ra giá trị của chữ CẦN và MUỐN… Tuy nhiên, ở mỗi con người, trong những môi trường khác nhau có cái cần và muốn đơn giản hay phức tạp khác nhau, không có cùng một mẫu số thống nhất. Cái quan trọng là khi đứng trước một món đồ hay một người nào đó, chúng ta cần biết chúng ta "muốn" họ hay chúng ta "cần" họ. Nếu trả lời "Tôi cần cô ấy (anh ấy)", khi đó chúng ta đã thực sự yêu...

Hãy nhìn lại bảng so sánh trên, những gì chúng ta muốn thật sự khác xa với những gì chúng ta cần. Bản thân tôi, cũng đã từng ngộ nhận những thứ mình muốn là những thứ mình cần, rồi chạy theo hoài nhưng không bao giờ với tới được. Tôi hy vọng trong những điều ở trên, có những điều của chính người đọc entry này, để biết mình đang muốn hay đang cần điều gì đó… Và tôi… Thực sự chỉ cần những điều đơn giản như thế mà thôi…

Nhìn chung, trong một bộ phận giới trẻ được cung phụng quá nhiều, thì khái niệm muốn tồn tại như là điều hiển nhiên. Bản thân họ được chu cấp những gì họ muốn, và không nhận ra làm sao để có được điều ấy. Đến một lúc nào đó, cái cần thiết thoã mãn các nhu cầu tối thiểu không còn, vì đó là điều hiển nhiên. Chính lý do đó tạo ra một đại bộ phận giới trẻ đua đòi, đòi hỏi trong khi đó không tự đi tìm cái mình cần và xa hơn, tự phục vụ cho bản thân, thỏa mãn những cái mình muốn.

Cái mình muốn chưa hẳn là cái mình cần…