Lm. Ernest Nguyễn Văn Hưởng
Hiện nay Y khoa ngày càng có nhiều tiến bộ vượt bậc trong việc chiến đấu chống lại bệnh tật nhưng đồng thời nhiều vấn đề mới đòi buộc ngành y phải giải quyết như: việc người ta có thể kéo dài sự sống của người hấp hối, của người bị ung thư máu, AIDS,... Việc điều trị cho những người ấy rất tốn kém nhưng cũng chỉ có thể kéo dài cuộc sống thêm một thời gian. Do vậy nhiều người nghĩ rằng “thà chết còn hơn”. Ngày nay các biện pháp ghép thận, thay tim, thở máy, nuôi ăn bằng đường tĩnh mạch có thể kéo dài mạng sống trong nhiều năm tháng. Tuy nhiên bệnh nhân phải sống chung với máy móc, thuốc men, xét nghiệm, và gần như “ở tù chung thân trong bệnh viện”. Họ cảm thấy đau đớn thể xác vì bệnh tật, khổ sở tinh thần vì bị coi như gánh nặng của gia đình và xã hội. Từ đó họ tìm cách chấm dứt cuộc sống bằng cách nào êm dịu nhất. Một cách có vẻ hợp lý là nhờ thầy thuốc giúp họ chết sớm hơn, còn gọi là euthanasie hay an tử.
Báo Tuổi trẻ ngày thứ hai 19/03/2007 đăng bài về một chị tên là Lý Dương bên Trung Quốc gửi thư điện tử đến Quốc hội đề nghị các nhà làm luật Trung Quốc đưa ra dự luật về an tử (euthanasie). Tựa của bài viết gây chú ý vì nói đến quyền được chết: Trung Quốc: một cô gái đề nghị “quyền được chết”. Lý Dương đang sống ở khu tự trị dân tộc Hồi Ninh Hạ (bắc Trung Quốc), bị ung thư thần kinh vận động, một loại bệnh quái ác được cho là “siêu ung thư”, từ khi mới lọt lòng. Bài báo viết:
“Mới 28 tuổi nhưng cô đã mất khả năng vận động toàn thân và không thể thực hiện bất cứ một chức năng cơ bản nào của cơ thể mà không có sự trợ giúp. Hiện cô chỉ còn lúc lắc, gật được đầu và cử động được một số ngón tay.
“Mẹ tôi đã phải chăm sóc tôi suốt 27 năm qua, bà cho tôi ăn, đưa tôi đi vệ sinh, giúp tôi xoay trở hàng chục lần mỗi đêm”, Lý Dương kể trong thư gửi Sài Thanh. Lý Dương nói các bác sĩ cho biết cô có thể sống tới 40 tuổi, và điều đó làm cô lo sợ: “Tôi phải chết trước khi cha mẹ mình qua đời, bằng không tôi sẽ phải sống đời khổ sở sau khi song thân mất: dơ bẩn, khó chịu và bệnh tật. Việc nghĩ về cuộc sống và cái chết như thế thật không sao chịu nổi”. Lý Dương viết như thế trên blog của cô, nhan đề “Không nơi để đến”.
Vì thế, Lý Dương nhờ Sài Thanh giúp cô chuyển tới Quốc hội Trung Quốc yêu cầu về Luật an tử. Cô kể lại cuộc trả lời phỏng vấn với phóng viên của tờ Ninh Hạ Nhật Báo, người hỏi cô liệu có cảm thấy ý nguyện an tử đó là vô trách nhiệm với cha mẹ mình không. “Tôi kinh ngạc (trước câu hỏi đó). Tôi vô trách nhiệm, nhưng tôi có thể làm gì khi cha mẹ bước sang tuổi 80 và sẽ từ bỏ tôi” - cô tâm sự. “Thay vào đó, tôi đã nói nhà báo trên thử nằm yên trong 24 giờ không động đậy xem thế nào. Người ta có quyền được sống, cũng như quyền được chết. Tôi quí trọng cuộc sống, nhưng không muốn sống” - Lý viết trên blog ngày 19/08/2006. Lý nói bộ luật không chỉ giúp chấm dứt nỗi đau của cô, mà còn mở đường cho những ai đau khổ như cô hoặc nhiều hơn”.
Đến nay, các nhà làm luật Trung Quốc cho rằng thời điểm vẫn chưa chín muồi để đưa ra dự luật này. Họ e rằng luật có thể bị lạm dụng cho những mục đích khác và gây nhiều rối rắm. Nhưng Lý Dương vẫn hi vọng việc an tử chỉ còn là vấn đề thời gian. Trả lời câu hỏi cô sẽ làm gì nếu nỗ lực không thành công, Lý nói: “Cho đến khi máy tính tôi còn làm việc được và các ngón tay tôi còn động đậy được, tôi sẽ tiếp tục (đấu tranh cho Luật an tử). Nếu thất bại, tôi sẽ tự tử bằng cách tuyệt thực, cách duy nhất tôi có thể chết”.
Đó là một trường hợp thương tâm, tuyệt vọng của chị Lý Dương, nhưng xét cho cùng đó cũng là cảnh mà con người chúng ta đôi khi phải đương đầu. Vấn đề là ở chỗ người ta thường dùng cái chết để giải quyết vấn đề. Hằng ngày biết bao nhiêu người trên thế giới tìm đến cái chết để giải thoát mình khỏi cảnh đau khổ, tuyệt vọng vì thất tình, vì bị phá sản... Hình như đối với họ, chỉ có cái chết mới giải quyết các vấn đề của con người. Nếu cần kế hoạch hóa gia đình người ta không ngần ngại tiêu diệt mầm sống của con người. Nếu cần bảo vệ danh thơm tiếng tốt, người ta có thể chạy đến phá thai. Nếu cần giải quyết các cuộc tranh chấp, người ta sẵn lòng dùng vũ khí, dùng chất nổ để tiêu diệt đối phương. Nếp nghĩ và cách làm như thế đưa con người chúng ta vào trong văn hóa sự chết mà Giáo hội từng lên tiếng cảnh báo.
Trở lại trường hợp của chị Lý Dương, chúng ta thấy chị muốn chết vì sợ không ai chăm sóc cho chị khi cha mẹ qua đời. Đứng trước một tương lai mù mịt như thế, chị cảm thấy tuyệt vọng và đòi Quốc hội thông qua luật về an tử. Đối với chị, an tử đồng nghĩa với quyền được chết và khi đấu tranh cho luật an tử, chị nghĩ an tử là cách duy nhất giúp chị chấm dứt nỗi đau.
Tuy nhiên từ ngữ an tử không phải chỉ đơn giản là “quyền được chết”. Muốn hiểu điều này chúng ta thử xem lại nguồn gốc từ an tử (euthanasie) và sự chuyển biến ý nghĩa của nó.
1. Từ ngữ và ý nghĩa an tử (1)
An tử (euthanasie) đến từ eu (tốt) và thanatos (cái chết) trong tiếng Hy Lạp. Nhiều từ điển ngày nay vẫn định nghĩa euthanasie là cái chết tốt đẹp, cái chết êm dịu và không đau đớn. Định nghĩa đó nói lên chất lượng của giây phút cuối đời người hơn là nói đến một hành động nào đó đối với cái chết của con người. Đó là nghĩa đầu tiên của an tử.
Từ euthanasie được Francis Bacon dùng lần đầu tiên năm 1605 (The Advancement of Learning) và sau đó năm 1623 (Instauratio Magna). Theo ông, nhiệm vụ của các bác sĩ không chỉ là chữa bệnh, làm hồi phục sức khỏe nhưng còn làm giảm bớt sự đau đớn nơi thân xác và đau khổ của bệnh nhân trong thời kỳ dưỡng bệnh. Hơn nữa, đối với bệnh nhân hết còn hy vọng được chữa lành bệnh, các bác sĩ còn phải giúp cho người bệnh có một cái chết êm dịu và an bình (douce et paisible) và ông gọi đó là euthanasie. Ông nhận thấy rằng các bác sĩ vào thời đó thường bỏ người bệnh khi họ lâm vào tình trạng đang nguy tử, thay vì phải tìm cách chăm sóc để họ ra đi trong bình an. Francis Bacon gọi việc chăm sóc đó là an tử bên ngoài (l'euthanasie extérieure) để phân biệt với loại an tử khác là chuẩn bị tâm hồn (la préparation de l'âme). Ông khuyến khích các bác sĩ nghiên cứu về những điều mà ngày nay gọi là điều trị giảm đau để làm thay đổi giây phút cuối đời của bệnh nhân. Như thế chính ông đã muốn hình thành môn khoa học an tử giúp cho bệnh nhân đón nhận cái chết trong bình an.
Cho đến đầu thế kỷ 19, khoa học về an tử thường làm những việc đơn giản như: làm cho phòng bệnh được thoáng khí hơn, thay đổi vị trí của giường nằm hay thay giường khác, hay kêu mời những người thân hiện diện... Họ bỏ tất cả những cách chữa trị không làm cho bệnh nhân khá hơn như mổ xẻ nhưng bằng lòng với việc điều trị những triệu chứng của bệnh và điều trị giảm đau. Lúc đó, euthanasie là những việc làm giúp cho người bệnh ra đi trong bình an.
Cuối thế kỷ 19, người ta dùng euthanasie cho một ý nghĩa khác đó là “mang lại cái chết êm dịu”, nghĩa là chấm dứt cuộc sống của ai đó một cách ít đau đớn nhất hay không đau đớn để giúp họ khỏi kéo dài cuộc sống trong những điều kiện không mong muốn. Từ nay đây là ý nghĩa chính yếu của từ euthanasie. Khi báo chí, luật pháp... bàn về an tử, người ta thường hiểu là cách nào đưa người bệnh không thể chữa nổi hay người tàn tật đến cái chết và điều đó được phép hay không? Một cách nào đó, an tử đồng nghĩa với việc bệnh nhân đồng ý cho người khác giết mình. Trường hợp của chị Lý Dương bên Trung Quốc là điển hình. Đôi khi người ta cũng nói đến việc an tử mà không cần hỏi ý kiến của đương sự.
Cho dù từ euthanasie được dùng mới đây nhưng thực hành an tử theo nghĩa hành động gây chết cho người bệnh không thể chữa nổi hay cho người tàn tật thì đã có từ lâu. Nhiều người ca tụng việc an tử tự nguyện khi họ gặp phải cơn bệnh không thể chữa lành. Đồng thời, trong suốt chiều dài lịch sử của nhân loại người ta thấy vẫn có người hay chính quyền áp dụng phương cách an tử cho xã hội. Chính Platon đã viết: “Người ta để những người có thân thể tật nguyền chết đi”(2). Thời chế độ quốc xã, người ta giết khoảng 200.000 trẻ em khuyết tật, suy yếu, hay bệnh tật mà không thể chữa lành.
Thực hành an tử không phải là vấn đề mới nhưng với những cách thế rất khác nhau. Đó là những cách nào?
2. Phân loại an tử
Như trên chúng ta đã phân tích, người ta dùng từ an tử để chỉ:
a) Chính cái chết êm dịu.
b) hành động giúp cho người ta được giây phút bình an khi từ giã cõi đời.
c) việc chấm dứt cuộc sống của người nào đó một cách ít đau đớn nhất hay không đau đớn.
Từ đó người ta có những hành động an tử khác nhau:
- an tử chủ động: là hành vi trực tiếp chấm dứt mạng sống của bệnh nhân.
- an tử thụ động: là ngưng hoặc đình chỉ điều trị với ý định để cho bệnh nhân chết. Việc này có thể làm với sự đồng ý (an tử tự nguyện) hay không (an tử không tự nguyện)của đương sự. Đôi khi người ta vẫn làm cho những bệnh nhân hôn mê chết (an tử phi tự nguyện).
- an tử mang tính xã hội: chấm dứt mạng sống một người nào đó nhân danh ích lợi cộng đồng.
Dù mang danh hiệu nào, ngày nay người ta vẫn hiểu an tử là hành động làm chấm dứt mạng sống của đương sự. Hành động đó liên kết chặt chẽ với cái chết của đương sự và dĩ nhiên người gây cái chết đó phải chịu trách nhiệm về cái chết của người kia. Vì đương sự không đủ can đảm, không đủ sức khỏe để hành động hoặc không đủ phương tiện, kiến thức để đạt được cái chết êm dịu mà đương sự mới nhờ đến sự trợ giúp của người khác. Chính vì thế, luật pháp phải can thiệp vào để những người làm hành động đó không bị luật pháp xử về tội giết người. Tuy nhiên, phải chăng luật pháp không xử tội thì việc làm chết người khác không để lại một dấu vết nào đó nơi lương tâm những người hành động? Câu trả lời không phải đơn giản vì người ta thấy những đao phủ (những người thi hành án tử hình) có một cuộc sống bị khủng hoảng và những người làm nghề đó ngày càng ít đi.
Ở đây cũng vậy, dù người thầy thuốc có làm cho bệnh nhân chết vì lòng thương, vì sự nài nỉ của đương sự, vì luật lệ đòi buộc... thì hành động làm chết người khác cũng gây một dấu vết nơi lương tâm người thầy thuốc. Đồng thời chức năng của người thầy thuốc bị thay đổi. Từ nay, người thầy thuốc không chỉ là người cứu người, nhưng còn là người giết người; không chỉ nghiên cứu những cách cứu người hiệu quả nhất nhưng còn nghiên cứu những cách giết người nhanh chóng nhất, ít đau đớn nhất. Trận chiến chống bệnh tật mất đi phần nào tính khẩn trương vì giải pháp làm chết bệnh nhân. Cách an tử là cách ít tốn kém so với chi phí điều trị lâu dài. Cách an tử là cách ít phiền phức vì khỏi tìm người chăm sóc bệnh nhân. Cách an tử là cách đỡ gánh nặng cho xã hội nhất. Vì thế tại sao người ta phải mất công nghiên cứu và tốn nhiều tiền của cho những cách chữa trị khác trong khi có thể làm cho bệnh nhân chết với chi phí rất ít mà bệnh nhân lại ít phải chịu đau khổ. Có lẽ vì những lý do trên mà nhiều người đồng tình với việc chấm dứt đời sống bệnh nhân đang bị đau đớn vì cơn bệnh không thể chữa khỏi. Nhiều người, nhất là những người trực tiếp săn sóc, cảm thấy người bệnh ấy chết sớm thì hạnh phúc hơn.
Tuy nhiên vấn đề đặt ra là người ta có quyền giết chết người khác hay không? Chúng ta thử xem lập trường của Giáo hội Công giáo về vấn đề này.
3. Euthanasie theo quan điểm của Giáo hội Công giáo
Để hiểu được lập trường của Giáo hội Công giáo về vấn đề an tử, không gì tốt hơn là dựa vào những tài liệu mà Giáo hội đã công bố. Trong hạn chế của bài viết, chúng ta không thể nghiên cứu tất cả nhưng chỉ dựa vào Tuyên ngôn về an tử của Thánh bộ Giáo lý Đức tin (1980), Sách Giáo lý của Giáo hội Công giáo (1997), và tài liệu Le respect de la dignité de la personne mourante của Hàn lâm viện Giáo Hoàng phục vụ sự sống (Académie Pontificale pour la vie) năm 2000.
3.1 Euthanasie theo tài liệu của Giáo hội
Trong Tuyên ngôn về An tử, bộ Giáo lý Đức tin cho biết: “Euthanasie được hiểu là hành động hoặc không hành động để do chính hành động ấy hay do ý định mà gây ra cái chết ngõ hầu sự đau khổ được chấm dứt".
Trong tài liệu "Tôn trọng phẩm giá người hấp hối" của Académie Pontificale pour la vie, người ta thấy euthanasie được hiểu như một hành vi hay một sự thiếu sót mà tự bản chất và trong ý hướng của hành vi ấy gây nên sự chấm dứt sự sống của người bệnh nặng hay của một trẻ sơ sinh dị dạng (l'euthanasie comprise comme un acte ou une omission qui, de par sa nature et dans ses intentions, provoque l'interruption de la vie du grand malade, ou celle du nouveau-né mal formé).
Còn sách Giáo Lý Công Giáo thì cho biết:
Với bất cứ lý do nào và bất cứ phương thế nào, việc trực tiếp giết chết để tránh đau vẫn là nhằm chấm dứt sự sống của những người tật nguyền, đau yếu hoặc hấp hối. Về phương diện luân lý, việc này không thể chấp nhận được.
Do đó, có ý làm hoặc bỏ không làm(3) một việc tự nó đưa đến cái chết, để chấm dứt sự đau đớn của một người, là tội cố ý giết người, tội nghiêm trọng nghịch với phẩm giá con người và với lòng tôn kính Thiên Chúa Hằng Sống, Đấng Tạo Thành con người. Một phán đoán sai lầm một cách ngay tình không thay đổi bản chất của hành vi sát nhân, một hành vi cần phải bài trừ và cấm chỉ về mặt luân lý (GLCG số 2277).
Qua những tài liệu đó chúng ta thấy nổi lên những điểm quan trọng sau đây nơi vấn đề an tử, những điểm đó cần phải làm sáng tỏ: Hành vi tự bản chất đưa đến việc chấm dứt sự sống hay hành vi tự nó đưa đến cái chết của một người. Ở đây chúng ta thấy có vấn đề hành vi trực tiếp và hành vi gián tiếp, một ý niệm rất quen thuộc và rất quan trọng trong luân lý Công giáo. Chúng ta thử xem trong Giáo lý Công giáo, Giáo hội dạy gì khi đề cập vấn đề này:
GLCG số 1736: Con người phải chịu trách nhiệm về mọi hành vi trực tiếp chủ ý của mình:
- Trong vườn địa đàng, sau khi con người phạm tội, Thiên Chúa chất vấn Evà: “Ngươi đã làm gì thế?” (St 3, 13). Chúa cũng hỏi Ca-in như vậy (x. St 4, 10). Sau khi Vua Đavít phạm tội ngoại tình với vợ Uria và ra lệnh giết ông này (x. 2V 12, 7-15), ngôn sứ Nathan cũng đặt câu hỏi tương tự với vua.
Thế nhưng đối với hành vi gián tiếp thì khác:
GLCG số 1736: Một hành động có thể gián tiếp chủ ý khi nó là hậu quả của sự chểnh mảng đối với điều phải biết hay phải làm; ví dụ: gây ra một tai nạn vì không biết luật đi đường.
GLCG số 1737: Một hậu quả, không do tác nhân cố tình gây nên, có thể được dung thứ; ví dụ: người mẹ kiệt sức vì chăm sóc đứa con đau yếu. Một hậu quả xấu sẽ không bị quy lỗi nếu nó không phải là mục đích hay phương tiện chủ ý của tác nhân; ví dụ: một người bị thiệt mạng vì muốn cứu người khác. Tác nhân bị quy lỗi khi có thể thấy trước hậu quả xấu và có thể tránh được; ví dụ: người say rượu lái xe cán chết người.
Từ đó chúng ta thấy hành vi trực tiếp qui trách nhiệm về chủ thể là người thi hành việc ấy. Chính chủ thể đã định làm, đã tìm phương thế để thực hiện và hành vi ấy đưa đến kết quả như thế. Ví dụ: một người muốn giết người khác. Anh ta tìm dao, chờ cơ hội thuận tiện để đâm người kia. Khi thực hiện xong thì chính hành vi đó làm cho người kia chết. Người đâm phải chịu trách nhiệm hoàn toàn về hành vi làm chết người khác của mình.
Hành vi gián tiếp thì khác. Có loại gián tiếp chủ ý thì người làm phải chịu trách nhiệm vì đây là việc phải nên ai cũng phải lưu tâm thưc hiện: ai đi xe thì cũng phải biết luật đi đường; linh mục phải biết thần học, phải biết dâng thánh lễ; thầy giáo phải hiểu biết môn mình dạy... những việc đó liên kết chặt chẽ với nghề của mình. Người làm nghề nào thì phải biết nghề ấy, phải có trách nhiệm làm nghề nghiệp của mình cách tốt nhất. Vì thế nếu một người nhận dời nhà mà làm sập nhà hay làm chết người khác thì phải chịu trách nhiệm cho dù người ấy không hề muốn trực tiếp chuyện ấy bao giờ. Có loại gián tiếp vô ý như trên đã nói, vì người mẹ không bao giờ muốn mình bị kiệt sức và hành vi chăm sóc con không trực tiếp làm hại sức khỏe của mình. Trái lại khi chăm sóc con, người ấy lo lắng cho đứa con mau mạnh nên quên ăn quên ngủ, quên luôn sức khỏe của mình đang sa sút.
Tuy vậy chúng ta cũng cần lưu ý rằng trong cụ thể, trách nhiệm của mỗi người rất khác nhau vì có khi người ta làm với chủ ý hoàn toàn nhưng cũng có khi người ta không chủ ý như vậy:
GLCG số 1734: Có tự do, con người phải chịu trách nhiệm về các hành vi của mình theo mức độ chủ ý. Người càng đức hạnh, hiểu biết về sự thiện và sống khổ hạnh, ý chí càng làm chủ được các hành vi.
GLCG số 1735: Việc quy lỗi và trách nhiệm về một hành động có thể được giảm bớt hay xóa bỏ do thiếu hiểu biết, sơ suất, do áp lực, sợ hãi, do thói quen, do tâm lý bất ổn, do các nhân tố tâm lý hay xã hội.
Trong trường hợp bệnh nhân muốn chết để cho mình khỏi đau khổ thì việc bệnh nhân khỏi đau khổ là việc tốt, nhưng phương tiện giết người là xấu. Chính vì thế mà người ta không được làm vì “cứu cánh không biện minh cho phương tiện”. Người ta không được làm hành vi chủ ý giết chết bệnh nhân, hành vi tự bản chất là xấu để đạt kết quả tốt là chấm dứt đau khổ. Tuy nhiên Giáo hội cũng lưu ý đến trường hợp lương tâm sai lầm:
“Có thể xảy ra là, do đau đớn kéo dài và ngoài sức chịu đựng, do những lý do riêng tư hoặc những lý do khác, người ta đi đến chỗ tin rằng được phép yêu cầu cái chết cho bản thân hay cho người khác”.
Mặc dù trong những trường hợp này đương sự có thể được giảm lỗi hay hoàn toàn không có lỗi, nhưng phán đoán sai lầm ấy của lương tâm - có khi là của đức tin tốt lành nữa - không làm thay đổi bản chất của hành vi giết chết này, hành vi mà tự thân luôn là điều cần phải bác bỏ (Tuyên ngôn về an tử, số II).
Áp dụng vào trường hợp euthanasie thì chỉ khi nào dùng thuốc men (thuốc độc: thuốc dùng với liều lượng nhất định nào đó thì gây chết cho bất cứ ai) hay hành vi gây trực tiếp cái chết (bóp cổ, đâm...) thì mới kể là euthanasie còn nếu dùng thuốc để giảm đau đớn cho bệnh nhân nhưng làm cho bệnh nhân chết sớm hơn thì không kể là euthanasie. Lý do cũng đơn giản vì dùng thuốc giảm đau thì chủ ý trực tiếp hay bản chất của thuốc là giảm đau, còn hậu quả chết sớm là điều người ta có thể tiên liệu nhưng không nằm trong chủ ý trực tiếp:
- Những người bị giết chết là những người tật nguyền, đau yếu hoặc hấp hối. Giáo hội không hạn định tuổi tác cho đối tượng này. Chính vì thế họ có thể là những người rất trẻ, họ có thể là những người rất già, họ có thể là những người không có khả năng xét đoán và quyết định như trẻ nhỏ hay không còn khả năng ấy nữa như những người bị mất trí... Giáo hội muốn tổng quát hóa các trường hợp: cho dù đương sự nhờ người khác làm hay người ta có thể làm bất chấp ý kiến của đương sự thì đó cũng mang tính luân lý như nhau vì cùng một hành vi giết người. Giáo hội không loại trừ ngay cả việc một người tự tử khi quá tuyệt vọng về cơn bệnh của mình.
- Đây là tội giết người, “tội nghiêm trọng nghịch với phẩm giá con người và với lòng tôn kính Thiên Chúa Hằng Sống, Đấng Tạo Thành con người” và là “tội cố ý giết người”. Giáo hội còn nói rõ thêm: “Một phán đoán sai lầm cách ngay tình không thay đổi bản chất của hành vi sát nhân, một hành vi cần phải bài trừ và cấm chỉ về mặt luân lý”. Trường hợp euthanasie thì chúng ta thấy đây là hành động trực tiếp giết người. Người thi hành euthanasie chắc chắn ý thức việc mình làm là giết một con người (cho dù người ấy đang hết sức đau khổ, tuyệt vọng), nhiều khi người thực hiện euthanasie còn cố gắng tìm các phương pháp giết người nhanh nhất, kỹ thuật ít đau đớn nhất.
- Đối với người Công giáo, đây là hành động liên hệ tới Đức tin, vì liên hệ tới chính Thiên Chúa, Đấng dựng nên con người theo hình ảnh Thiên Chúa, liên hệ tới chính phẩm giá của người bệnh: vì đây là “một tội cố ý giết người, tội nghiêm trọng nghịch với phẩm giá con người và với lòng tôn kính Thiên Chúa Hằng Sống, Đấng Tạo Thành con người”.
Như thế, Giáo hội Công giáo không chấp nhận thực hành này và Giáo hội cũng không ngần ngại trình bày ý kiến cũng như niềm xác tín của mình cho thế giới. Đó là những xác tín nào?
3.2 Lý do khiến Giáo hội Công giáo chống euthanasie
Những người ủng hộ an tử thường dựa vào quyền con người, vào phẩm giá con người, vào quyền tự quyết của con người. Vậy phải chăng Giáo hội bất chấp những quyền trên? Để trả lời trước tiên chúng ta thử tìm hiểu lập luận của Giáo hội về euthanasie.
Theo "Tuyên ngôn về an tử" số I, chúng ta có thể kể ra ba lý do khiến Giáo hội chống đối euthanasie:
1. Không ai xâm phạm sự sống của người vô tội mà lại chẳng đi ngược lại tình yêu của Thiên Chúa dành cho con người ấy, mà không phạm đến một quyền căn bản và vì thế phạm một tội ác nặng nề nhất.
2. Mọi người có bổn phận sống hòa hợp với kế hoạch của Thiên Chúa. Sự sống được trao phó cho con người như một điều tốt lành phải sinh hoa kết quả ngay ở đời này, nhưng chỉ đạt đến mức viên mãn ở cuộc sống vĩnh cửu.
3. Vì thế, cố ý gây ra cái chết cho chính mình, tức tự tử, là sai trái tương đương với giết người; hành vi này được coi là phủ nhận quyền chủ tể và chương trình yêu thương của Thiên Chúa. Ngoài ra, tự tử thường còn là từ chối yêu mến bản thân, gạt bỏ bản năng sinh tồn, thoái thác bổn phận thực thi công bằng bác ái đối với tha nhân, đối với các cộng đồng khác nhau, tức toàn xã hội mặc dầu, như mọi người đều công nhận, đôi khi có những yếu tố tâm lý làm giảm bớt trách nhiệm hoặc thậm chí hoàn toàn bãi miễn trách nhiệm.
Sách GLCG cũng trích lại tài liệu Donum vitae để xác nhận quyền sống là quyền căn bản của con người: “Quyền được sống là quyền bất khả nhượng của mọi người vô tội... Những quyền này không tùy thuộc vào các cá nhân, không tùy thuộc vào các bậc cha mẹ, cũng không phải là một nhân nhượng của xã hội và của Nhà Nước, nhưng thuộc về bản tính con người và gắn liền với con người do chính hành động Thiên Chúa sáng tạo nên con người. Trong những quyền căn bản ấy, phải kể quyền được sống và được toàn vẹn thân thể của mọi người từ lúc được thụ thai đến khi chết” (GLCG số 2273).
Như thế những lý do Giáo hội đưa ra để chống lại euthanasie không chỉ liên hệ đến quyền tự nhiên của con người nhưng còn có liên hệ đến Thiên Chúa. Điều đó có nghĩa là sự sống con người không phải là một cái gì hoàn toàn thuộc về con người nhưng có liên hệ đến Thiên Chúa và cộng đồng nhân loại nói riêng (làng xóm, quốc gia...) hay nói chung (cả thế giới). Chính vì thế mà Tuyên ngôn không ngần ngại cho biết:
“Những điều được xét đến trong văn kiện này có liên quan trước hết đến những ai đặt niềm tin và sự trông cậy vào Đức Kitô, Đấng đã bằng đời sống, cái chết và sự Phục Sinh của mình mà trao ban ý nghĩa mới cho cuộc sinh tồn và đặc biệt cho sự chết của Kitô hữu, như lời thánh Phaolô: “Chúng ta sống là sống cho Chúa, mà có chết cũng là chết cho Chúa" (Rm 14, 8; x. Pl 1, 20); (Tuyên ngôn về an tử, số I).
Đồng thời, Giáo hội cũng muốn hướng đến những người thuộc các tôn giáo khác với hy vọng cùng chia sẻ với họ những gì mà họ cũng tin tưởng như Giáo hội: thí dụ như Đấng Chủ Tể, phẩm giá con người, sự bình đẳng đối với mọi người:
“Với những ai thuộc các tôn giáo khác, nhiều người sẽ đồng ý với chúng tôi rằng niềm tin vào Thượng Đế là Đấng Tạo Hóa, Đấng an bài và Đấng chủ tể của sự sống - nếu họ cùng chia sẻ niềm tin này - đem lại một phẩm giá quý trọng cho mọi con người và bảo đảm sự tôn trọng đối với mọi con người" (Tuyên ngôn về an tử, số I).
Còn đối với những người không tôn giáo, những người chỉ sống dựa vào lý trí hay dựa vào sự đồng thuận (do trưng cầu ý kiến chẳng hạn), Giáo hội mời gọi họ suy nghĩ về an tử dựa trên quyền con người, quyền mà ai ai cũng công nhận là quyền căn bản.
“Hy vọng rằng tuyên ngôn này sẽ nhận được sự tán thưởng của nhiều người thiện tâm, tuy có những dị biệt về nhân sinh quan và ý thức hệ nhưng cùng có ý thức sống động về các quyền của con người. Thật vậy các quyền này thường được chỉ ra trong những năm gần đây bằng các tuyên ngôn của các hội nghị quốc tế và vì đây là những quyền căn bản nội tại của mỗi con người nên không được nại vào các luận cứ đa nguyên chính trị hay tự do tín ngưỡng mà phủ nhận giá trị phổ quát của các quyền căn bản này" (Tuyên ngôn về an tử, số I).
Cùng với mọi người, Giáo hội coi quyền sống là quyền căn bản nội tại. Căn bản vì là nền tảng mọi hoạt động con người; nội tại vì liên kết chặt chẽ đến bản tính con người, và con người không tự mình tạo ra sự sống nên không ai có quyền tự ý hủy hoại sự sống:
“Sự sống con người là nền tảng cho mọi điều thiện hảo, là khởi nguồn cần thiết và điều kiện cần thiết cho mọi hoạt động của con người và cho mọi xã hội. Hầu hết mọi người đều coi sự sống là điều thánh thiêng và quan niệm rằng không ai có quyền tự ý hủy hoại sự sống” (Tuyên ngôn về an tử, số I).
Từ ngữ thánh thiêng mà Giáo hội dùng ở đây có thể hiểu là những gì vượt lên trên con người, ngoài tầm tay của con người chứ không nhất thiết là thuộc về Đấng Chí Tôn hay Thiên Chúa.
Còn đối với những người đòi quyền được chết, Giáo hội gợi ý cho họ một kiểu an tử theo nghĩa chết bình an:
Ngày nay, trong giờ phút lâm tử, điều rất quan trọng là phải bảo vệ cả phẩm giá của con người và quan niệm Kitô giáo về sự sống trước thái độ của công nghệ kỹ thuật đang đe dọa trở thành sự lạm dụng. Vì thế một số người nói đến "quyền được chết", cách nói này không có nghĩa là con người có quyền theo ý muốn mà gây ra cái chết cho mình hoặc nhờ tay người khác; quyền được chết bình an với phẩm giá con người và phẩm giá Kitô hữu (Tuyên ngôn về an tử, số IV).
Những lời trên cho thấy một cách nào đó Giáo hội tuy không chấp nhận an tử theo nghĩa là gây cái chết cho bệnh nhân, nhưng cũng chấp nhận an tử theo nghĩa có những hành vi giúp bệnh nhân đảm nhận giờ ra đi của mình. Giáo hội không chấp nhận việc tự tử hay giết người thì không có nghĩa là không tôn trọng quyền con người. Trái lại chính vì tôn trọng quyền căn bản là quyền sống mà Giáo hội phản đối việc an tử theo nghĩa giết người. Cũng thế, chính vì tôn trọng nhân phẩm mà Giáo hội cổ vũ cho quyền được chết bình an với phẩm giá con người và phẩm giá Kitô hữu.
Như thế, những chủ trương của Giáo hội về an tử tuy muốn trình bày cho tất cả mọi người nhưng liên quan chặt chẽ đến niềm tin của Giáo hội, của những người con Thiên Chúa, được Thiên Chúa ban cho sự sống và đời sống ấy không dừng lại ở trần gian hay là kết thúc sau cái chết. Đời sống ấy theo mẫu gương của Chúa Giêsu Đấng đã chịu đau khổ, đã chết và sống lại để được ngự bên hữu Thiên Chúa Cha. Chính vì thế Giáo hội muốn liên kết đau khổ của con người với đau khổ của Chúa Giêsu:
“Đau đớn thể lý là yếu tố không thể tránh khỏi của thân phận làm người. Trên bình diện sinh học, nó làm nên sự cảnh báo mà tầm hữu ích không ai có thể phủ nhận được. Thế nhưng, vì đau đớn tác động đến cơ cấu tâm lý nên nó thường vượt quá mức hữu ích sinh học, do đó có thể trở nên dữ dội đến nỗi gây ra ước muốn giải toả nó bằng bất cứ giá nào.
Tuy nhiên, theo giáo huấn Kitô giáo thì đau khổ, nhất là đau khổ trong những giờ phút cuối cùng của cuộc đời, có một vị trí đặc biệt trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa; quả thật chịu đau khổ là thông phần với cuộc khổ nạn của Chúa Kitô và là sự hiệp nhất với hy tế cứu chuộc mà Người đã dâng lên trong sự vâng phục thánh ý Chúa Cha.
Vì thế chớ ai lấy làm ngạc nhiên nếu một số Kitô hữu muốn bớt đi việc dùng thuốc giảm đau ngõ hầu chấp nhận cách tự nguyện ít ra là một phần những đau khổ của mình và vì vậy kết hiệp một cách có ý thức với những đau khổ của Chúa Kitô chịu đóng đinh (x. Mt 27, 34)” (Tuyên ngôn về an tử, số III).
Những lời trên cho thấy sự khác nhau giữa đời sống của Kitô hữu và người ngoài Kitô hữu. Nếu không kết hiệp với Chúa Kitô, sự đau khổ, cái chết là vô lý hoàn toàn, là không thể chấp nhận được. Thế nhưng đối với các Kitô hữu thì sự đau khổ ấy có thể gắn với Đức Kitô và sự đau khổ ấy có thể làm cho Kitô hữu giống Chúa Giêsu hơn bao giờ hết. Điều này giải thích việc các Kitô hữu có thể dấn thân vào những nơi có thể làm cho họ phải chịu nhiều khổ cực, phải nguy hiểm đến tính mạng với mục đích làm cho người khác, nhất là người đang gặp đau khổ cùng cực, có đời sống bớt khổ hơn, sống xứng với nhân phẩm con người hơn. Nếu tất cả mọi người đều trốn chạy khỏi những người đang đau khổ thì chắc hẳn có một số lớn con người bị bỏ rơi, hay đi tìm đến cái chết.
Tuy nhiên, Giáo hội cũng cho thấy hành động này không giống với hành động hiếu khổ hay tự tử vì thế Tuyên ngôn viết:
“Tuy nhiên, cần phải phân biệt rõ ràng hành vi tự tử với hành vi hy sinh mạng sống, nghĩa là vì một nguyên nhân cao đẹp hơn, chẳng hạn: vì vinh quang Thiên Chúa, vì sự cứu rỗi các linh hồn hay để phục vụ tha nhân, mà con người hiến dâng sinh mạng của mình hay đưa nó vào nguy hiểm (x. Ga 15, 14)” (Tuyên ngôn về an tử, số I).
Những nhận xét trên cho thấy lập trường của Giáo hội thật rõ ràng về vấn đề an tử. Điều đó có thể đưa tới câu hỏi: Người Công giáo phải có thái độ như thế nào để gọi là đúng đắn theo giáo huấn của Giáo Hội.
3.3 Thái độ của Kitô hữu đối với người đau nặng
Đối với những người trong tình trạng đau nặng thì Giáo hội đôi khi coi việc muốn bớt đi thuốc giảm đau như là muốn “kết hiệp một cách có ý thức với những đau khổ của Chúa Kitô chịu đóng đinh”. Tuy nhiên, Giáo hội không đề nghị áp dụng rộng rãi thực hành như vậy cho mọi Kitô hữu vì những hành vi "anh hùng" đó mang tính tự nguyện hơn là bó buộc: “sẽ là thiếu khôn ngoan nếu lấy cách hành xử anh hùng này mà đặt thành quy tắc cho hết thảy mọi người”. Đối với người đau yếu bệnh tật, Giáo hội đề nghị áp dụng nguyên tắc tổng quát là tôn trọng sự sống:
“Phải đặc biệt tôn trọng sự sống của những người tàn tạ, yếu ớt. Những người bệnh hoạn tật nguyền phải được nâng đỡ để sống một cuộc sống càng bình thường càng tốt (GLCG số 2276).
Đồng thời người ta cũng có thể dùng thuốc giảm đau: đức khôn ngoan nhân loại và Kitô giáo gợi mở cho đại đa số bệnh nhân việc sử dụng những dược liệu có khả năng làm giảm bớt hay trấn áp đau đớn tuy chúng có thể gây ra tác dụng phụ, làm suy giảm ý thức và sự minh mẫn. Với những người lâm vào cảnh không còn khả năng diễn đạt ta có thể giả định rằng họ muốn sử dụng các loại thuốc giảm đau này và dùng thuốc cho họ theo lời khuyên của bác sĩ” (Tuyên ngôn về an tử, số III).
Ngay cả khi có những phản ứng phụ có thể gây nguy hiểm cho sự sống người bệnh, người ta cũng được phép dùng những thứ thuốc ấy với vài lưu ý:
Nhưng việc sử dụng thường xuyên các thuốc giảm đau lại gặp phải những khó khăn bởi vì hiện tượng quen thuốc thường dẫn đến nhu cầu tăng liều lượng để duy trì hiệu quả. Về điểm này, rất nên nhớ lại một tuyên ngôn của Đức Giáo Hoàng Piô XII mà ngày nay vẫn còn nguyên vẹn hiệu lực. Phúc đáp vấn nạn của một nhóm bác sĩ: "Việc trấn áp đau đớn và làm tê liệt ý thức bằng thuốc gây mê... có hợp lẽ đạo và hợp luân lý cho bác sĩ và bệnh nhân hay không (ngay cả khi cái chết đã gần kề và có thể thấy trước được rằng việc sử dụng thuốc gây mê sẽ làm cho cái chết mau đến hơn)? Đức Piô XII nói: “Nếu không có phương tiện nào khác và nếu, trong các hoàn cảnh cụ thể, hành vi này không ngăn cản sự thi hành các bổn phận khác trong tôn giáo và luân lý thì được phép”. Trong trường hợp này tất nhiên không ai có chủ tâm gây ra tử vong cho dù có, một cách hợp lý, gây ra nguy cơ tử vong; chủ tâm ở đây chỉ là nhằm xoa dịu đau đớn một cách hiệu quả khi sử dụng các phương tiện giảm đau có sẵn trong y khoa cho mục đích này (Tuyên ngôn về an tử, số III).
Phương pháp sử dụng các phương tiện giảm đau trong y khoa cho người bệnh nặng hình thành một khoa Điều trị giảm đau (Les Soins Palliatifs). Theo Société Française d'Accompagnement de Soins Palliatifs thì điều trị giảm đau là cách điều trị tích cực đối với người bệnh đang tiến tới tình trạng nặng hay là đang ở giai đoạn cuối của cơn bệnh. Người ta điều trị giảm đau nhằm để làm giảm bớt những đau đớn thể lý cũng như những triệu chứng khác của cơn bệnh, đồng thời cũng lưu ý đến những đau khổ liên quan đến tâm lý, xã hội và tinh thần4). Như thế điều trị giảm đau không chỉ là những phương tiện y tế mà còn có sự hỗ trợ của những người thân yêu nhất trong gia đình, và sự hỗ trợ đó phải đến từ lòng yêu thương, trìu mến, mang nghĩa cử cao cả nhất của Kitô giáo và với tấm lòng khoan dung độ lượng nhất.
Giáo sư Bernard Debré(5) xác nhận: “Nếu các bác sĩ có thể và phải làm mọi cách để làm giảm nhẹ những đau đớn thể lý cũng như tâm lý thì tôi không thể tưởng tượng nổi việc người ta xin họ (các bác sĩ) làm chết cách hợp pháp; để cảm thông, người ta có những phương thế khác hơn là giết người”.
GLCG số 2278 cũng trù tính đến tình trạng bệnh không thể được chữa lành:
Có thể ngưng các phương thức trị bệnh quá tốn kém, mạo hiểm, dị thường hoặc không tương xứng với những kết quả mong muốn. Luân lý không đòi buộc phải chữa bệnh với bất cứ giá nào. Chúng ta không muốn giết người, nhưng chấp nhận không thể ngăn cản được sự chết. Chính bệnh nhân phải quyết định nếu họ có thẩm quyền và khả năng; nếu không, việc quyết định phải do những người có quyền theo luật pháp nhưng luôn phải tôn trọng ý muốn hợp lý và các quyền lợi chính đáng của người bệnh (GLCG số 2278).
Chính vì thế mà quyết định ngưng chữa trị là quyết định khó khăn, nhất là đối với người Việt Nam. Đôi khi người ta không dám có quyết định này cho dù gia đình phải lâm vào tình trạng hết sức khó khăn về kinh tế. Thường thường người Việt Nam cố gắng duy trì mạng sống tối đa cho bệnh nhân, nhất là đối với cha mẹ, nên đã nhờ đến các loại máy móc của bệnh viện. Khoa học ngày nay có thể duy trì sự sống người ấy trong nhiều năm. Cách chữa trị như thế xem ra không cân xứng với tình trạng sức khỏe của bệnh nhân, nhất là khi người ấy chỉ sống đời sống thực vật. Tuy nhiên người ta có thể ngưng phương tiện nào? Cuộc tranh luận trong vụ Terri Schiavo soi sáng thêm cho chúng ta về điều đó.
Tổng hợp tin tức từ internet cho biết bà Terri Schiavo 41 tuổi đã sống như tình trạng bất toại, không còn biết gì nữa trong suốt thời gian 15 năm qua. Bà có thể hít thở một mình nhưng cần phải được tiếp dưỡng thực phẩm và nước qua đường ống từ năm 1990, sau khi bà đã bị ngất xỉu tại nhà.
Người chồng của bà, vẫn còn là chồng trên mặt pháp lý mặc dù đang chung sống với người đàn bà khác, nhất định xin rút ống cho Terri Schiavo và nói rằng đó là điều mà người vợ của ông (bà Terri) muốn. Nội vụ giằng co 7 năm và thứ sáu 18/3/2005, một tòa án tại Miami bang Florida đã truyền cho bệnh viện Pinellas Park, nơi bà Terri được săn sóc, phải gỡ bỏ các ống để bà chết dần. Vào sáng sớm thứ năm 31/3 tức là khoảng 2 tuần sau, bà đã chết. Điều đáng lưu ý là bà không hoàn toàn trong tình trạng sống thực vật bởi vì bà có khả năng phản ứng lại với những kích thích bên ngoài.
Đức Cha Elio Sgreccia, chủ tịch Hàn Lâm Viện Giáo Hoàng về Sự Sống đã nói: “Bà Terri Schiavo dù thế nào đi nữa, có thể được xem như một con người còn sống, thiếu một sự hiểu biết hoàn toàn, nên những quyền lợi pháp lý của bà phải được công nhận, tôn trọng và bảo vệ”... “Sự thu hồi máy truyền sinh dinh dưỡng nơi người này, trong những điều kiện này, có thể được coi như một sự làm chết êm dịu trực tiếp”... “Trong trường hợp máy truyền sinh ăn uống không thể được coi như một ‘phương tiện bất thường', cũng không được coi như một phương tiện chữa bệnh. Máy truyền sinh là thành phần nguyên vẹn của hệ thống mà nhờ đó Bà Terri Schiavo có thể được cho ăn uống”.
Trong tuyên bố đưa ra hôm 24/3/2005, Đức Hồng Y William H. Keeler, chủ tịch Ủy Ban Các Hoạt Động Phò Sinh của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ nhận định rằng bà Terri Schiavo không thể bị để chết đói chết khát như vậy. “Chính Thiên Chúa sẽ gọi Terri Schiavo khi giờ của bà ta đến. Chúng ta không có quyền gì định đoạt thời điểm đó”... “Bà ta không bị hôn mê, không cần ‘trợ sinh’. Bà chỉ cần những chăm sóc cơ bản và sự trợ giúp tiếp nhận thức ăn và nước uống”.
Cha John McCormick tại Vương Cung Thánh Đường Thánh Giacôbê Tông đồ tại Orlando nhận xét: “Tôi nghĩ điều đáng kinh ngạc đối với những tín hữu chúng ta là giờ đây nước và thức ăn được mô tả là những trợ giúp người ta sống cách nhân tạo!”
Trong cuộc họp báo tại Vatican, tiến sĩ Joaquin Navarro Valls nhận định rằng đây là “một cái chết được gia tốc tùy tiện vì việc nuôi dưỡng một người đau yếu không khi nào có thể được coi là một liệu pháp ngoại thường”.
Những ý kiến trên cho thấy quyết định ngưng chữa trị thực sự là quyết định khó khăn khi người ta đứng trước trường hợp một bệnh nhân không thể hồi phục hay khá lên được. Thay vì bỏ đói bệnh nhân, trong trường hợp đó, Giáo hội mời gọi đồng hành với người bệnh trên con đường về Nhà Cha:
“Dù bệnh nhân sắp chết, vẫn phải tiếp tục chăm sóc bình thường. Về mặt luân lý, việc sử dụng các loại thuốc giảm đau, để làm dịu bớt sự đau đớn của người hấp hối, ngay cả khi có nguy cơ rút ngắn cuộc sống vẫn được xem là xứng hợp với nhân phẩm, miễn là không nhắm đến cái chết như mục đích hay như phương tiện, nhưng chỉ được tiên đoán và chấp nhận như điều không thể tránh. Săn sóc người hấp hối là một hình thức đặc biệt của đức bác ái vô vị lợi, cần được khuyến khích” (GLCG số 2279).
Trong chiều hướng này, đối với người Công giáo, còn phải kể đến bí tích Xức dầu bệnh nhân. Nếu ngày xưa đây là bí tích dành cho người “hòng sinh thì”(6) thì ngày nay bí tích này được gọi là bí tích xức dầu bệnh nhân. Sách GLCG viết: "Xức dầu bệnh nhân “không phải chỉ là bí tích dành cho những người hấp hối. Do đó, thời gian thích hợp để lãnh nhận bí tích Xức Dầu Thánh là khi người tín hữu bắt đầu lâm cơn nguy tử vì bệnh tật hay già yếu” (GLCG số 1514). Như thế, đối với Giáo Hội, việc chăm sóc giảm đau có nghĩa là tìm ra những phương cách có hiệu lực nhất để có thể chế ngự được sự đau đớn và đau khổ. Người bệnh có thể chạy đến bí tích Thánh Thể qua việc rước lễ như của ăn đàng (viaticum), và chuẩn bị cho việc chết lành qua việc lãnh nhận bí tích Xức dầu.
“Bằng việc xức dầu thánh và lời cầu nguyện của Linh mục, toàn thể Hội Thánh phó thác các bệnh nhân cho Chúa Kitô đau khổ và vinh hiển để Người an ủi và cứu rỗi họ; hơn nữa, Hội Thánh còn thúc giục họ sẵn sàng kết hợp với Chúa Kitô đau khổ và chịu chết để mưu ích cho Dân Thiên Chúa” (LG số 11); (GLCG số 1499).
Như thế thái độ đối với người đau nặng không chỉ đơn giản là những chăm sóc về y tế vì dù sao người đau nặng cũng còn là thành phần trong cộng đồng là gia đình, xã hội và Giáo hội. Những suy nghĩ trên cho thấy người ta có những hành động khác nhau có lẽ là do quan niệm đối với cái chết: nếu chết là hết thì người ta tìm đến cái chết để gọi là giải thoát khỏi đau khổ; nếu cho rằng cái chết không phải là dấu chấm hết vĩnh viễn đời một con người mà đúng hơn chỉ là để chuyển sang đời sống mới như Giáo hội Công giáo tin tưởng thì việc dùng mọi cách để chấm dứt cái chết xem ra không hẳn là đã đạt được mục đích, vì các Kitô hữu cần phải chết trong Đức Giêsu Kitô. Đó là cái chết nào?
4. Chết trong Đức Giêsu Kitô
Theo GLCG, chết là số phận chung của mỗi người và là hậu quả của tội lỗi. “Khi chính thức giải thích những điều Thánh Kinh (x. St 2,17; 3,3; 3,19; Sg 1,13; Rm 5,12; 6,23) và Thánh Truyền khẳng định, Huấn quyền của Hội Thánh dạy rằng cái chết đã vào trần gian vì con người đã phạm tội (x. DS số 1511)” (GLCG số 1008). Tuy nhiên :
“Nhờ Đức Kitô, chết mang một ý nghĩa tích cực. “Đối với tôi, sống là Đức Kitô và chết là một mối lợi” (Pl 1, 21). “Đây là lời đáng tin cậy: Nếu ta cùng chết với Người, chúng ta sẽ cùng sống với Người” (2Tm 2, 11). Kitô giáo đem lại ý nghĩa mới cho cái chết: nhờ bí tích Thánh Tẩy, Kitô hữu đã “cùng chết với Đức Kitô” cách bí nhiệm để sống một đời sống mới. Nếu chúng ta chết trong ân sủng Đức Kitô, cái chết thể xác sẽ kết thúc việc “cùng chết với Đức Kitô” mỗi ngày để hoàn tất việc tháp nhập chúng ta vĩnh viễn vào Người nhờ công trình cứu độ của Người” (GLCG số 1010).
Qua cái chết, Thiên Chúa gọi chúng ta về với Ngài. Vì thế đối với cái chết, Kitô hữu có thể mong ước như Thánh Phaolô: “Ao ước của tôi là ra đi để được ở với Đức Kitô” (Pl 1, 23); theo gương Đức Kitô, họ có thể biến cái chết của mình thành một hành vi vâng phục và yêu mến đối với Chúa Cha (x.Lc 23, 46); (GLCG số 1011).
Vì thế, Giáo hội khuyên chúng ta chuẩn bị cho giờ chết: “Trong mọi hành động, trong mọi suy tư của con, con phải xử sự như hôm nay con phải chết. Nếu lương tâm thanh thản, con sẽ không quá sợ cái chết. Thà giữ mình không phạm tội, hơn là trốn tránh sự chết. Nếu hôm nay con chưa sẵn sàng chết, thì làm sao ngày mai con sẵn sàng được?” (x. Gương Chúa Giêsu 1,23,1), (GLCG số 1014).
III. Kết luận
Ngày nay, vấn đề an tử vẫn còn là vấn đề gây tranh cãi tại nhiều nơi vì người ta có nhiều ý kiến khác nhau. Một số người chỉ trích Giáo hội, cho rằng lập trường của Giáo hội khá cứng rắn và thậm chí khá nhẫn tâm khi không chấp nhận an tử cho trường hợp bệnh nhân phải chịu đau đớn kéo dài. Một số nước theo cách đồng thuận, qua việc trưng cầu dân ý, để thông qua luật cho phép an tử một cách nào đó.
Thực ra Giáo hội Công giáo vẫn luôn muốn an tử hiểu theo nghĩa là một cái chết lành thánh, một cái chết bình an trong Chúa, một cái chết được ngồi vào lòng Abraham. Đời sống Kitô hữu luôn phấn đấu để chết lành, được các thiên thần đến đón vào Nước Trời và luôn tránh cái chết dữ, cái chết theo thế lực sự dữ. Giáo hội Công giáo cũng muốn an tử hiểu theo nghĩa là có những hành động giúp cho người trong tình trạng lâm tử được chết trong bàn tay của những người thân, những người thiện nguyện. Đặc biệt Giáo hội khuyến khích việc giúp cho bệnh nhân có được bầu khí đầy tình nhân ái, đạo đức với lời kinh tiếng hát, lời cầu nguyện, lời an ủi... trong giờ phút đau đớn nhất của bệnh nhân. Nhiều người muốn chết chỉ vì thấy mình bị bỏ rơi, cô đơn, trở nên gánh nặng cho người khác mà trường hợp của chị Lý Dương là một điển hình.
Tuy nhiên Giáo hội không chấp nhận kiểu an tử theo cách làm chết bệnh nhân hay người tàn tật. Cuộc chiến chống lại sự dữ là đau khổ và cái chết vẫn là một cuộc chiến khó khăn nhưng vẫn phải tiếp tục. Đối với Giáo hội Công giáo người ta không có quyền bỏ đói (không cho ăn, không cho uống) để người ấy chết như trong trường hợp của Terri Schiavo. Trái lại cái chết lý tưởng vẫn là trong tin tưởng vào Thiên Chúa quan phòng, trong lời cầu nguyện như Đức Thánh Cha Gioan Phaolô 2.
Người Công giáo hướng về Đức Kitô như nguồn lực và gương mẫu sống, chiến thắng đau khổ và cái chết. Người đau khổ, người bị tàn tạ, rách nát như Đức Kitô sau trận đòn của quân lính vẫn là con người (Ecce homo), là hình ảnh Thiên Chúa. Chết và Phục Sinh cùng với Đức Kitô vẫn luôn là lý tưởng của người Công giáo £
Tài liệu tham khảo
1. Tuyên ngôn về an tử của Thánh bộ Giáo lý Đức tin, bản dịch của Nguyễn Đình Diễn trong An tử và trợ tử của Lm Trần Mạnh Hùng, Cứu thế tùng thư, 2003.
2. Lm Trần Mạnh Hùng, An tử và trợ tử, Bản dịch của Nguyễn Đình Diễn, Cứu thế tùng thư, 2003.
3. Nadine Davous, Euthanasie, un mot si lourd, trong Etudes mars 1996.
4. Lino CICCONE, Euthanasie: état de la question, trong Communio, số XXII, 5 - septembre-octobre 1997.
5. Giáo lý Hội Thánh Công Giáo, bản dịch của Giáo phận Tp.HCM, 1997.
(1) Patrick VERSPIEREN, Euthanasie trong Encyclopaedia Universalis 2004 v.10 (bản DVD).
(3) Platon, République, III, 410 Bỏ không làm từ có thể gây khó hiểu. Từ này dịch từ chữ omission ý muốn nói đến việc một người bỏ qua một hành động mà người đó phải làm. Trong thánh lễ, từ này được dịch là những điều thiếu sót.
(4) “Les Soins Palliatifs sont des soins actifs dans une approche globale de la personne atteinte d'une maladie grave évolutive ou terminale. Leur objectif est de soulager les douleurs physiques ainsi que les autres symptômes et de prendre en compte la souffrance psychologique, sociale et spirituelle”.
(5) Le site de la Fondation Jérôme Lejeune (genethique.org) signale parmi les réactions, un article dans le Figaro du Professeur Bernard Debré, qui affirme: “Si les médecins peuvent et doivent tout faire pour soulager la souffrance physique et psychologique, il me semble impensable de leur demander de donner légalement la mort; il y a d’autres moyens de compassion que l’assassinat”. Bản tin Zenit số ZF01072703.
(6) Bí tích xức dầu là các bệnh nhân trong tình trạng “exitus vitae”, sắp lìa đời; chính vì thế mà bí tích Xức dầu cuối cùng (extrema unctio) còn được gọi là “sacramentum exeuntium”, như thế Công Đồng đã hạn hẹp bí tích Xức dầu chỉ cho những người “hòng sinh thì”; các người bị bệnh nhẹ không được lãnh nhận." (Nguyễn văn Trinh, bí tích Xức dầu Bệnh nhân, trang 229).